Hôm nay,  

Những Suy Tư Của Một Người Cộng Hòa Gốc Việt: Quả Bom Palin Và Đảng Cộng Hòa Virginia

10/07/200900:00:00(Xem: 8369)
Những suy tư của một người Cộng Hòa gốc Việt: QUẢ BOM PALIN VÀ ĐẢNG Cộng Hòa VIRGINIA
Nguyễn Ngọc Bích
Trong một cuối tuần Lễ Độc Lập Mỹ lại cộng thêm cái chết rất ồn ào của Michael Jackson, bà Sarah Palin, thống-đốc tiểu-bang Alaska và cựu-đồng-hành của ứng-viên Tổng-thống John McCain, vẫn tung được ra một quả bom chính-trị nổ khá lớn, có một lúc lấn át được cả tin về Michael Jackson.  Họp báo trong vườn nhà ở Wasilla (một thành phố 7 nghìn người), bà tuyên-bố bà sẽ từ chức Thống-đốc Tiểu-bang vào cuối tháng, một năm rưỡi trước khi mãn nhiệm-kỳ, nhường lại chức đó cho ông Phó Thống-đốc Sean Parnell, để đi làm việc khác quan-trọng hơn.
“Tôi yêu công việc của tôi và tôi yêu Alaska, và tôi đau đớn phải quyết-định như vậy, song tôi đang làm điều tốt nhất cho Alaska,” bà nói.  Và từ chối giải thích thêm: “Ai là bạn tôi thì không cần [lời giải thích], còn ai không ưa tôi thì vẫn sẽ không tin tôi.”
Quyết-định của bà gây sửng sốt vì ai cũng nghĩ giai-đoạn cuối trong một nhiệm-kỳ là một giai-đoạn nghỉ ngơi, đi chơi đây đó, trong tiếng Mỹ gọi là “giai-đoạn vịt què” (“lame duck period”), bởi không có khả-năng đưa ra những sáng-kiến mới—mình có sẽ còn ở đó đâu để mà thực-hiện những sáng-kiến này.
Do đó mà đủ các thứ giả-thuyết được tung ra về động-cơ của bà trong quyết-định này.  Bà cũng hé cho thấy một vài lý-do: bà và gia-đình bà đã là nạn-nhân của những chuyện dựng đứng trong báo chí truyền thông Mỹ, rồi khi những chuyện này không ăn tiền thì người ta lại bới móc những chuyện vặt vãnh khác, đòi đưa bà ra toà để bà sẽ phải mất nhiều thì giờ ra hầu toà và sẽ mất tiền bào chữa chuyện không đâu.  Bằng cách rút lui, bà cho tất cả những đám người này hụt hẫng, kiện một thống-đốc tiểu-bang thì mới bõ (mới có giá trị xì-căng-đan) chứ kiện một bà nội-trợ thì không cả được củ khoai, liệu mấy ai còn ham. 
Cũng có người đoán già đoán non là bà nghỉ để chú tâm vào chuyện viết hồi-ký mà một nhà xuất bản đã chịu ứng ra 7 triệu đô-la để cho bà viết.  Điều này xem chừng có lý vì bà có làm thống-đốc cả đời cũng không thể có được 7 triệu nên bây giờ tập trung vào việc viết hồi-ký không phải là chuyện không ưu-tiên.  Vả, nếu bà có tham-vọng ra ứng cử Tổng-thống vào năm 1012 (một điều bà chưa hề nói ra) thì việc tập trung vào cuốn hồi-ký là một quyết-định khôn ngoan.  Bởi chẳng phải cần nhìn đâu xa: ông Obama trước khi ra ứng cử Tổng-thống Mỹ có thể nói là chẳng có thành-tích gì đáng kể ngoài chuyện học giỏi và có hai cuốn hồi-ký.
Cuối cùng thì trên Twitter của bà, bà cũng bật mí thêm một tí: Bà cảm thấy nước Mỹ đang đi vào những con đường phù phiếm, không đâu, những chuyện quan-trọng như “energy independence” (“độc-lập về mặt năng-lượng”), chiến-tranh chống khủng-bố cũng như chuyện an-ninh quốc-phòng thì bị lơ là.  Bà “nghỉ chơi” là vì bà muốn đi theo một “tiếng gọi cao cả hơn” (“a higher calling”), vẫn giữ được những giá-trị bảo thủ của mình (như tôn trọng gia-đình truyền-thống, ủng-hộ tinh-thần kinh doanh cá-nhân, tránh đi vào những vết xe nguy-hiểm như “tiêu, tiêu rồi đánh thuế, đánh thuế,” nuôi dưỡng tinh-thần trách-nhiệm về mặt tài-chính) mà không để lại những món nợ khổng lồ cho con cháu, đôi khi cả nhiều đời chưa trả được.
Tóm lại, bà muốn dân Mỹ và nước Mỹ trở lại những nguyên-tắc căn-bản của Đảng Cộng-hoà, “the Grand Old Party” của xứ này, quan tâm về nước (“the Republic”) hơn là về những lợi ích cá-nhân, nhỏ mọn (như các quyền đồng-tính luyến ái, quyền phá thai, v.v.), không phải vì những quyền này không quan-trọng mà vì cuộc sống phải là một sự cân nhắc (giữa cái lớn và cái nhỏ, cái quan trọng hơn và cái kém quan trọng v.v.).  Quan-điểm của bà Palin xem chừng cũng được nhiều người chia xẻ, bởi quỹ hoạt-động của bà trong những ngày qua được rất nhiều người gởi tiền đến ủng-hộ.
Tiếng chuông cảnh tỉnh
Tiếng chuông cảnh tỉnh của bà Palin thật cần thiết, nhất là đối với đảng Cộng-hoà, bởi cũng trong những ngày qua, đảng này lại còn mất thêm vài ghế nữa sau cuộc tổng-tuyển-cử đại-bại vào tháng 11 năm ngoái (2008) do sự thắng thế của ông Obama.  Như trường-hợp ông Al Franken (DC) đã thắng ông Norm Coleman (CH) trong một ghế Thượng-nghị-sĩ ở Minnesota, để cho đảng Dân-chủ giờ này có 60 (trên 100) ghế ở Thượng-viện, gọi là “filibuster free” nghĩa là bên Cộng-hoà không còn cách nào tiếp nhau nói dai nói dài để ngăn cản những dự-luật mà họ không thích; hay trường-hợp kỳ quái của Thống-đốc Marc Sanford (CH, tiểu-bang South Carolina) đi theo bồ ở A-căn-đình mà lại còn nói dối để bị bắt quả-tang ngay tại phi-trường, gần như chắc chắn là sẽ mất ghế Thống-đốc trong nay mai. 

Thực ra, chính-trị Mỹ có khuynh-hướng theo hiện-tượng quả lắc.  Nếu hôm nay đảng DC “lên voi” không có nghĩa là nó sẽ ở đó mãi, cũng như nếu ngày nay đảng CH “xuống chó” cũng không có nghĩa là nó sẽ mãi mãi lép vế.  Đảng Cộng-hoà, nếu chỉ nói về những con số tuyệt-đối thì bao giờ cũng là một đảng thiểu-số--số người theo đảng này bao giờ cũng ít hơn số người theo đảng Dân-chủ vài triệu người.  Nhưng kinh-nghiệm lịch-sử của Mỹ lại cho thấy là hai đảng vẫn thay nhau chia quyền, chứng tỏ là cử tri Mỹ không mù quáng bỏ phiếu cho đảng của mình, như trường-hợp ở bên Nhật cho phép một đảng Tự do Dân-chủ (Minshu-jiyuto) được bầu lên liên-tiếp nắm chính-quyền từ hơn 60 năm nay.
Cũng vì thế mà khi chính-trị Mỹ đang đảo sang xu-hướng (“trend”) thuận cho đảng DC, phe CH cũng không cảm thấy hết hy-vọng.  Ngược lại, ở một tiểu-bang mà tôi biết nhiều, tức nơi tôi đã ở trong vòng 34 năm qua—Virginia, tôi có dịp quan-sát và học hỏi rất nhiều về chính-trị xứ này.  Vì sao phe Cộng-hoà không để cho những thất bại trong mấy năm qua làm cho mình nản chí"
Vì họ dựa vào một thước đo kéo dài nhiều thập-kỷ.  Và dựa vào một tầm nhìn xa như thế thì ta thấy, Virginia trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập-kỷ, là một thành-trì của đảng Cộng-hoà.  Tuy-nhiên, nếu theo dõi những năm sau này thì ta cũng phải nhìn ra: Dinh Thống-đốc ở Richmond đã vào tay đảng DC từ ông Doug Wilder nhưng rồi lại về tay hai nhiệm-kỳ CH (George Allen và Jim Gilmore) để rồi nay thuộc về một thống-đốc DC nữa (Tim Kaine).  Hai ghế thượng-nghị-sĩ của tiểu-bang, lâu năm trong tay đảng CH, giờ đây cũng nằm trong tay đảng DC (Mark Warner và Jim Webb).  Rõ ràng xu-hướng này đang thuận lợi đối với đảng DC, nhờ sức mạnh của lá phiếu Bắc-Virginia (có nhiều thành-phần trí-thức, nghiêng về những chính-sách rộng rãi, “liberal”) và ngày càng có thêm nhiều thiểu-số (thường ngả theo đảng DC).  Nhưng đại-nghị-viện (General Assembly) ở Richmond vẫn còn đa-số là theo Cộng-hoà.  Vả, trong các sắc dân thiểu-số thì người nào quan tâm đến an-ninh quốc-phòng thường ngả theo đảng CH: đó là trường-hợp của đa-số người Việt và người Đại-Hàn, nhất là những người lớn tuổi.
Đi tìm một chiến-lược tranh cử
Vì thế nên để có một chiến-lược tranh cử lấy lại ưu-thế ở Virginia, đảng Cộng-hoà cần có và phải đưa ra được những sáng-kiến hấp dẫn đối với cử tri Bắc-Virginia, như những giải-pháp cho việc tắc nghẽn trên các xa-lộ (không phải là một vấn-đề đối với các vùng ngoài miền Bắc của tiểu-bang), như công ăn việc làm để tránh được suy trầm kinh tế, như vấn-đề nâng cao phẩm-chất giáo-dục học-đường và đại-học.  Nói chuyện với ông Bob McDonnell, ứng-viên Thống-đốc của đảng CH, và trong cả một cuộc phỏng vấn truyền hình do Tuyết Mai thu ở nhà hàng Saigon Café, tôi được nghe ông giải thích: “Tất cả các vấn-đề trên đều liên-kết với nhau.  Muốn giải-quyết vấn-đề công ăn việc làm trong tương-lai, các đại-học của Virginia phải sản xuất ra những người mà nền kinh tế Virginia cần trong nay mai.  Chính vì thế mà từ tháng 4/09 tôi đã đưa ra sáng-kiến về giáo-dục ở George Mason University, theo đó trong 10 năm tới ta sẽ đào tạo ra 100 nghìn người tốt nghiệp đại-học với những kiến thức cần thiết cho nền kinh tế mới.”
Rồi gần đây hơn nữa, trong một bữa cơm thân mật ở tiệm Present (Annandale, VA), tôi lại có dịp cùng với Kristine Phan của Fidelity Mortgage (Springfield, VA) gặp gỡ với ứng-viên Dân-biểu tiểu-bang (Delegate) Danny Smith (Đơn-vị 38), một người có dầy kinh-nghiệm làm việc với Fannie Mae.  Ông tỏ ra hiểu biết nhiều về quan-niệm “an cư lạc nghiệp” của người Việt và tin rằng hướng đi lên cho kinh tế miền Bắc-Virginia chính là phải nâng đỡ các tiểu-kinh-doanh như đa-phần các cơ-sở của người Mỹ gốc Việt.  Theo ông, chính-quyền Obama để ý quá nhiều đến các công-ty lớn, những công-ty đã làm suy sụp nền kinh tế Mỹ mà lại lơ là các “small businesses,” khu-vực cung-cấp cho 80% công ăn việc làm ở xứ này.
Còn ngộ-nhận đảng CH là đảng của người da trắng thì bị phủ-nhận ngay khi tôi gặp lại một đồng-nghiệp cũ của tôi ở Đài Á-châu Tự do.  Đó là cô Xiaoxia Gong, nguyên-giám-đốc ban Quảng-đông-ngữ, một người Trung-hoa Dân-chủ thuộc thế-hệ Thiên-an-môn.  Cô nói: “Tôi đã bỏ Trung-hoa để sang đây tìm tự do.  Trong nhiều năm tôi là một người theo đảng Dân-chủ ở Mỹ.  Nhưng từ khi đảng Dân-chủ thắng thế tôi đã phải bỏ đảng vì không thể theo được những chính-sách đang được đề nghị, như về y-tế xã-hội-hoá, chẳng hạn.  Tôi đâu phải bỏ xã-hội-chủ-nghĩa để sang đây lại thấy những sự thất bại ấy tái-diễn.”  Do đó mà giờ đây, cô đã đổi tên thành dễ đọc hơn, Sasha Gong, để ra ứng cử theo đảng Cộng-hoà ở đơn-vị 35 (khu-vực Skyline và ra luôn đến Eden).
Cứ theo những sự suy nghĩ này thì tôi thiết tưởng đảng Cộng-hoà đang làm những thích nghi cần thiết để có những giải-đáp trúng cho các vấn-đề của chúng ta ở Virginia, nhất là ở miền Bắc-Virginia.  Và tôi cũng mong là các bạn của tôi trên đây thuyết phục được cử tri ở tiểu-bang tôi ở, bởi như người Mỹ nói, “All politics are local” (“Chính-trị nào thì cũng là chính-trị nơi mình ở cả”).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tường thuật về những ngày cùng bà con các tỉnh phía nam biểu tình đòi lại tài sản bị cướp đoạt phi pháp tại Văn Phòng Đại Biểu Quốc Hội 194 Hoàng Văn Thụ
Tôi gọi họ là "Người Việt Gốc Mỹ" bởi vì họ đã sinh ra ở Việt Nam, nhưng cha của họ đều là những chiến binh Hoa Kỳ
Là người mê chơi, nhất là mấy thứ đồ xưa, đặc biệt là những chiếc đồng hồ cổ. Ở Việt Nam thì những lọai này bây giờ đã trở thành hàng hiếm
Quảng trường Tự Do (Freedom Plaza) của thành phố Cabramatta một lần nữa lại bừng lên với cuộc xuống đường
Đây là khu phố sầm uất nhất của người Việt di dân tại quận Cam, tiểu bang California. Từ thành phố Midway, trên đường Bolsa, đi về hướng đông
Pocahontas là con gái của tù truởng Powhatan của bộ tộc Algoquian ở vùng Virginia bây giờ. Truyện tình của anh chàng thủy thủ Da Trắng với cô nàng người Da Đỏ
Tuần qua, chính trường Hoa Kỳ lại om xòm với một vụ tranh luận kép: ngoài tình hình Iraq là việc al-Qaeda có thể sẽ lại tấn công nữa
Nhắc lại miền Nam, Nguyễn khắc Toàn viết: “... Mô hình chế độ chính trị Nhà Nước Việt Nam Cộng Hòa trước đây, khi ở miền Bắc tôi đã được tuyên truyền rằng
Lời đầu tiên mà con kính gửi đến Đức Cha là mong được Đức Cha tha thứ cho việc một giáo dân bình thường, không tên tuổi, không đủ tư cách để đại diện cho một ai
Điều kiện tiên quyết để được giải thoát là phải Thấy và phải có đủ tâm lực, nghị lực, và sáng suốt để lựa chọn con đường giải thoát trong nhiều con đường.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.