Hôm nay,  

Từ Osama Tới Obama

06/06/200900:00:00(Xem: 9184)

Từ Osama tới Obama
Nguyễn Xuân Nghĩa

Hung hăng hay nhún nhường, cả hai đều nói sảng!
Ít khi thấy hai lãnh tụ cùng nói về một đề mục từ hai giác độ khác nhau với mức độ khôi hài cao như vậy.
Đó là bài diễn văn của trùm khủng bố al-Qaeda là Osama bin Laden vừa được đài phát thanh Al Jazeera công bố hôm mùng ba, và bài diễn văn của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đọc tại Đại học Cairo của Ai Cập (Egypt) vào hôm sau. Chúng ta hãy phân tách nội dung và hậu quả của hai bản tuyên ngôn này.
***
OSAMA, TIẾNG VỌNG TỪ ĐÁY VỰC
Khi tường thuật về bài phát biểu của trùm khủng bố Osama, truyền thông Hoa Kỳ đã lầm lẫn theo lối nông cạn và chủ quan cố hữu là chỉ chú ý tới lời đả kích Hoa Kỳ và những hăm dọa thật ra hết được dân Mỹ quan tâm. Nội dung bài phát biểu ấy nói nhiều hơn về chính lực lương al-Qaeda, là điều người ta lại không thèm lý tới.
Osama bin Laden tập trung nội dung phát biểu vào tình hình Pakistan. Đây là điểm khác biệt lớn nhất so với những lần trước.
Đáng lẽ điểm nhấn của Osama phải gây ngạc nhiên vì cả thế giới đang nói tới đà tấn công vũ bão của lực lượng Taliban khiến Chính quyền Pakistan phải phản công tại khu vực Swat ở miền Bắc, làm mấy triệu người di tản đã gây ra nhiều bài toán về an sinh và an ninh cho Chính quyền ở Islamabad. Qua lối biểu dương thành tích này, Osama muốn huy động quần chúng Pakistan hãy ủng hộ nỗ lực "Thánh chiến" trong một khu vực rộng lớn bao trùm lên cả xứ A Phú Hãn lẫn Pakistan. Đại để thì "Giờ lịch sử đã điểm!" Tiến lên, toàn thắng ắt về ta!
Khi hiệu triệu quần chúng u mê đi theo tiếng gọi của những kẻ nhân danh Thượng Đế thi hành tội ác, Osama tất nhiên phải vạch mặt chỉ tên kẻ thù, là các thế lực nước ngoài và những kẻ muốn cưỡng lại Giáo luật Sharia, và khích động tin thần liên đới với ba triệu "thường dân" đang sinh sống trong vùng Swat. Kẻ thù đó là Hoa Kỳ, Israel và... Ấn Độ, là tập đoàn phản đạo gồm có Tổng thống Asif Ali Zardari và Tư lệnh Quân đội Pakistan là Tướng Ashfaq Kayani, có tội nặng vì tấn công Hồi giáo thay là chống lại kẻ thù của Hồi giáo là Ấn Độ.
Trước đây, các lãnh tụ al-Qaeda chỉ đả kích Ấn Độ giáo để xiển dương Hồi giáo. Lần này, Osama nói đến quốc gia và chính quyền Ấn Độ. Điểm nhấn ấy cũng ít được truyền thông Mỹ chú trọng!
Nó đáng chú ý vì Hoa Kỳ thời Bush đã tiến sát hơn với Ấn Độ như một đồng minh chiến lược. Điểm nhấn ấy còn cho thấy dụng tâm của Osama: khích động tinh thần chống Ấn Độ của nhiều người Pakistan, ở trong và ngoài chính quyền, xưa nay vẫn coi Ấn Độ là kẻ thù chính. Cũng lý cớ Ấn Độ ấy đã giúp nhiều tướng lãnh Pakistan thoái thác đòi hỏi của Hoa Kỳ là tiếp tay chống cự Taliban và diệt trừ al-Qaeda đang lẩn khuất trong vùng biên vực giữa A Phú Hãn và Pakistan.
Bằng cách tập trung vào Ấn Độ, Osama muốn tác động vào sự cân nhắc của lãnh đạo Pakistan về hai vế đối nghịch, là mối nguy "Thánh chiến" hay mối nguy Ấn Độ.
Khi nói đến thảm cảnh của ba triệu "nạn dân" trong vùng Swat, Osama cũng so sánh với số phận của dân Palestine và các "anh hùng tuẫn đạo" đã phải... hy sinh trong vụ 9-11 tại Mỹ chỉ vì chánh sách thù nghịch của các nước Tây phương. Một cách gián tiếp, Osama bắn tín hiệu hàm ý hăm dọa, rằng trong làn sóng tỵ nạn ấy sẽ có nhiều người tham gia "Thánh chiến". Nghĩa là các tướng lãnh Pakistan đang mở cuộc tổng phản công đã phạm tội chống đạo và để cứu đạo, nhà nhà đều phải tham gia Thánh chiến.
Nếu đọc như vậy, ta thấy ra hai điểm chính là Ấn Độ và Pakistan. Mỹ chỉ là chuyện nhỏ!
Nhưng, nếu đọc kỹ hơn, ta có quyền tự hỏi rằng ngoài chuyện Ấn Độ và bọn phản đạo tại Islamabad với các chiến sĩ Taliban thần thánh, lực lượng al-Qaeda đang ở đâu và làm gì"
Lực lượng khủng bố này đang trở thành... Ban Tuyên huấn Trung ương, một nhóm người sống trên tháp ngà - hay trong khe núi - hoàn toàn tách rời khỏi thực tế và chỉ tung ra lời hiệu triệu hay những lý luận về lẽ đúng sai. Cầm súng chiến đấu - và hy sinh - ở tại chỗ là du kích Taliban. Một tổ chức khủng bố đã từng làm nên biến cố lịch sử và xoay chuyển cả toàn cầu nay chỉ còn là một nhóm "đốc phủ xúi", lâu lâu lên tiếng cổ võ và hăm dọa để chứng tỏ sự hiện hữu của mình.
 Al-Qaeda đã đi vào lịch sử - đang thành lịch sử - nghĩa là dĩ vãng lỗi thời vì cơ sở bị tan tành, đường giao liên và hệ thống quyên góp tả tơi nên không cựa quậy gì xa hơn khu vực Nam Á. May ra chỉ còn các lực lượng "al-Qaeda tự phát" với trình độ nghiệp vụ rất kém ở các xứ khác. Nổi nhất thì còn vài nhóm Taliban của Pakistan, hay tổ chức Lashkar-e-Jhangvi...
Ngọn đuốc "Thánh chiến" đã chuyển tay qua nơi khác - Pakistan - cho kẻ khác và có làm nên lịch sử hay không thì chỉ còn Taliban. Đâm ra Osama biểu dương thành tích của Taliban, và trận chiến đang xoay chiều qua hướng khác, với nguy cơ là Taliban xuống núi xong lại hết đường về và lực lượng sẽ bị quân đội Pakistan tiêu diệt - với sự yểm trở chằng còn gì là kín đáo của Mỹ.
Một bản tuyên ngôn thê thảm.
Vì vậy, xin cứ để Osama ở đó mà quay về nghe Obama.
***
OBAMA NÓI VỚI THẾ GIỚI HỒI GIÁO
Có tài hùng biện, Tổng thống Barack Obama đã muốn dùng ngôn ngữ làm thay đổi nhận thức và thực tế cứng đầu của một thế giới phức tạp chỉ có sự thống nhất mạch lạc ở trong trí tưởng tượng của ông. Người đầu tiên công nhận chuyện đó chính là Obama.
Truyền thông Mỹ thì không thấy như vậy vì mắc "Hội chứng Obamê" - tung hô lãnh tụ mà bất kể tới thực tế hay những sai lầm đầy dẫy trong bài diễn văn.
Obama bay lượn trong một lãnh vực rắc rối và khu vực nhiễu nhương, với lời hùng biện được buông xuống cho nhân thế như của một đấng tiên tri. Ông ngợi ca và phê phán ngần ấy phe trong cuộc, từ Hoa Kỳ tới các đồng minh hay đối thủ để thuyết phục cử tọa và toàn cầu về "một bước khởi đầu mới tinh". Nhưng, dù với từng đoạn hùng hồn và đôi khi bẻ queo lịch sử ông không thể làm được hai điều trái ngược.
Nếu là một nhân viên quảng cáo, ông không thể bán loại thuốc vừa có tính cách cường dương lại vừa có công hiệu diệt dục!
Trước hết để vuốt ve tự ái Hồi giáo, Obama đưa người Hồi giáo lên mây xanh với những ca tụng về sự đóng góp của đạo Hồi cho nhân loại. Là tay bán hàng rất khéo, ông dùng chính bản thân để kể lể về mối liên hệ của mình với Hồi giáo, từ tên tục Barack Hussein tới chuỗi ngày ở Kenya, Indonesia, Hawaii, hoặc sự Chicago, v.v... Nhưng Tổng thống Mỹ nhún nhường tới độ dún dường và thấy sang bắt quàng làm họ, rồi tự xưng tội về nhiều điều không có. Ông chẳng cần phải làm đến vậy - ta sẽ trở lại những thái quá đáng tiếc về khả năng biên soạn diễn văn của Toà Bạch Cung.
Tuy nhiên, Obama cũng dám nói thẳng một điều vẫn bị nhiều người Hồi giáo quá khích khoả lấp hoặc ngụy biện giải thích. Đó là Hoa Kỳ có bị tấn công trong vụ 9-11 - chứ không phải là một âm mưu mờ ám bịa đặt của Mỹ và Israel! Ông gián tiếp biện bạch rằng Mỹ không có ý đồ đế quốc tại A Phú Hãn hay Iraq - nhân tiện vỗ lưng người tiền nhiệm thêm một lần nữa - và cũng chẳng bước vào Trung Đông vì dầu khí. Ông còn có cử chỉ rất Mỹ, là sẽ lại viện trợ để phát triển kinh tế Trung Đông và cả những kỹ nghệ bên ngoài công nghiệp năng lượng.
Xoa dịu Hồi giáo rồi, Obama quay về trấn an Do Thái và quốc gia Israel của dân Do Thái, bằng lời phê phán Iran và bác bỏ lời phủ nhận (của các Giáo chủ Tehran) rằng không có lò hỏa thiêu đã sát hại dân Do Thái thời trước. Trấn an Israel rồi, ông quay ra tỏ vẻ xót xa dân Á Rập Hồi giáo tại Palestine, và vừa phê phán phe Hamas là cực đoan, ông vừa than phiền nạn tham nhũng trong Chính quyền Palestine do phe Fatah chi phối.
Nghĩa là Obama xàng xê đan lượn giữa những mâu thuẫn và xung đột nan giải của Israel và Palestine, phe nào cũng được vuốt ve rồi bị... vuốt ngược. Kết hợp lại thì không ai biết là sau những ngôn từ, Hoa Kỳ sẽ có chánh sách gì khác và khá hơn cho khu vực này khi mà nước Palestine có hai lãnh thổ do hai phe chiếm đóng và không thể cùng đội trời chung, là Fatah ở Tây ngạn sông Jordan và Hamas ở Dải Gaza (ngẫy nhiên sao được Iran tiếp sức).
Một đề mục quan trọng của đối ngoại Mỹ là đối sách với cái xứ Iran đó.
Tổng thống Mỹ mở chiến dịch hoà giải không che giấu với các Giáo chủ Tehran khi tuyến bố trước đó rằng Iran có quyền có năng lượng nguyên tử cho hoà bình. Ngay sau khi Bắc Hàn chơi bạo với hỏa tiễn và võ khí nguyên tử lời khẳng định của Obama khiến ta ngạc nhiên: Iran là một nước sản xuất dầu hỏa nên giải pháp năng lượng nguyên tử là chuyện hoảng tiều! Sau đấy, và trước khi tới Ai Cập đọc bài diễn văn ở Cairo, Obama phải ghé thăm để trấn an một cường quốc đối thủ của Iran là Vương quốc Saudi Arabia.
Như thông lệ, Obama lại làm "bản thu hoạch" - tự phê bình kiểm điểm - về những sai lầm của Mỹ, như CIA đã đảo chánh Chính quyền Mosadegh năm 1953. Nhưng ông lập tức kể ra những điều đáng than phiền về Iran, về việc xứ này yểm trợ quân khủng bố. Tùy quan điểm mà người ta nhấn mạnh đến phần cương hay nhu và sức thuyết phục cao hay thấp của lời phát biểu.
Ngoài khúc trơn trượt trên con đường hoà giải với Iran, Obama còn một khúc quanh nhạy cảm khác là tiến trình dân chủ hoá trong khu vực.


Khi nói tới sai lầm của nước Mỹ với khối Hồi giáo, lại nói ngay tại Ai Cập, ông quên không nhắc tới việc từ ba chục năm nay, hàng năm Mỹ vẫn viện trợ khoảng hai tỷ đô la cho xứ này - còn nhiều hơn cho Israel. Hoặc tới biến cố đúng ba chục năm trước là Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat đã hòa giải với Israel và vì vậy mà sau đó bị ám sát phe quá khích ám sát. Obama cũng tránh không nói với Tổng thống Hosni Mubarak - đã lánh mặt không ngồi nghe bài diễn văn - về tình trạng thiếu dân chủ của một nước Á Rập Hồi giáo đồng minh của Mỹ.
Tuy nhiên, Obama có nhẹ nhàng tự cảnh cáo - y như George W. Bush vào năm 2000 - rằng Hoa Kỳ không nên áp đặt giá trị dân chủ lên xứ khác, và nhất là chỉ chấp nhận có chọn lọc những chế độ do dân bầu lên mà hợp khẩu vị của Mỹ. Điểm nhấn ấy có tầm quan trọng thời sự vì nhiều xứ Hồi giáo đã bầu lên các lực lượng chống Mỹ, độc tài hay khủng bố (như Hamas trong khối Palestine hay Hezbollah tại Lebanon). Câu nói đặc sắc nhất trong bài diễn văn - tất nhiên sẽ bị đục bỏ - là "có người chỉ đòi hỏi dân chủ khi còn ở vòng đối lập, chứ nắm quyền rồi thì thẳng tay tước đoạt quyền hạn của người khác". Hoa Kỳ phải làm gì trong trường hợp đó"
Lòng vòng rồi, ông lại... nói như Bush hay Ngoại trưởng Condoleezza Rice, về khát vọng tự do của mọi dân tộc trên thế giới! Sau cùng, Barack Obama lên lại ngai tiên tri, trích dẫn kinh sách (kinh Koran, Talmud, Thánh Kinh) để thêu dệt như gấm hoa về ước nguyện hoà bình của nhân loại.
Nhìn lại, nghe lại và đọc lại thì nếu là một bài diễn văn về chánh sách, tác phẩm này không đạt mục đích yêu cầu.
Dù có đề cập tới nhiều hồ sơ nhạy cảm - từ bom nguyên tử của Iran tới sự phân hoá và xung đột ngay trong khối Hồi giáo hoặc cộng đồng Palestine - Obama không trình bày được phương thức gỡ rối cho một lãnh vực tôn giáo và một khu vực chiến lược. Điều tối đa ông có thể làm được là trau chuốt dáng vẻ văn minh ôn hoà của mình ở nhà, ở tại Mỹ, lấy đó làm ưu thế sau này để thuyết phục các thành phần ôn hòa trong thế giới Hồi giáo. Giá trị của bài diễn văn nằm ở đó, và chỉ có ngần đó.
Chứ ngay lập tức, các thành phần thiểu ôn hoà trong thế giới Hồi giáo, trước tiên là lãnh đạo Tehran và đồng minh đồng đạo của họ, đã kịch liệt đả kích bài diễn văn.
Hamas ra thông cáo tập thể nhằm xuyên tạc bài phát biểu của Oabma là muốn đánh lừa dư luận để tuyên truyền cho Mỹ. Giáo chủ Tối cao Al Khamenei của Tehran thì chẳng đợi nghe mà tuyên bố trước là "các quốc gia trong khu vực này thù ghét Hoa Kỳ một cách sâu xa và Mỹ có nói lời đường mật hay hoa mỹ với các nước Hồi giáo thì cũng chẳng tạo ra thay đổi. Phải có hành động cụ thể"...
Trong tinh thần đó, Khamenei nói không khác Obama: "không thể một đêm một ngày mà thay đổi được". Và "một bài diễn văn không thể xóa hết nhiều năm nghi ngờ"... Thành thử, bài phát biểu có giá trị của một tác phẩm văn chương: "Mua vui cũng được một vài trống canh". Chứ trong những mâu thuẫn tai quái của địa dư chiến lược ở tại chỗ, lời vàng chưa thể ngăn được máu đổ.
Huống hồ là trong đà tự phê tự phán, Barack Obama đã mị dân thái quá và đùa giỡn với lịch sử. Đây là sai lầm nghiêm trọng từ những ai có trách nhiệm biên soạn diễn văn cho Tổng thống Mỹ vì cho thấy sự nhu nhược hoặc khách sáo tới không thật của Hoa Kỳ.
***
MỊ DÂN TỚI MỤ MỊ
Trước khi qua Trung Đông, Obama đã mắc tật nói nhảm và cầm nhầm.
Ông tránh nói tới yếu tố tôn giáo của xã hội Mỹ, rằng "Hoa Kỳ không phải là một quốc gia theo Thiên chúa giáo". Lời phát biểu đầy tính chất chối bỏ ấy thỏa mãn người vô thần hay trí thức thiên tả, và làm người sùng đạo thấy phật ý. Nước Mỹ hình thành từ một phản ứng tôn giáo - những di dân phải ra đi trước tiên vì muốn có tự do tín ngưỡng, Và Hoa Kỳ thường viện dẫn Thượng Đế (Thiên Chúa) trong Hiến pháp lẫn các văn kiện pháp lý hay cả đồng bạc của mình. Đấy là một thực tế. Nhưng, chẳng vì vậy mà xã hội cởi mở này lại kỳ thị hoặc đàn áp các tôn giáo khác nằm ngoài hệ thống Thiên chúa giáo.
Sau khi phủ nhận đặc tính Thiên chúa giáo ấy và trước khi tới Ai Cập, Obama còn tuyên bố rằng Hoa Kỳ là một quốc gia thuộc loại đông dân Hồi giáo nhất thế giới.
Ban tham mưu của ông không biết đếm.
Người Mỹ theo đạo Hồi thỉ chỉ có chừng ba triệu - hai phần ba là người Mỹ da đen đã cải đạoi theo Hồi giáo trong bày chục năm trở lại đây. Nếu kể thêm những người xuất thân từ một quốc gia Hồi giáo mà chưa chắc đã theo tín ngưỡng Hồi giáo thì có từ năm đến bảy triệu: ta không quên thí dụ tiêu biểu là nhiều người Mỹ gốc Lebanon lại theo tôn giáo khác (Maronite hoặc Thiên chúa giáo). Kể về dân số Hồi giáo thì dù tính cho rộng rãi nhất về địa dư hơn là tín ngưỡng, nước Mỹ chỉ đứng hạng 33, sau Indonesia, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Iran, và... vài chục nước khác.
Việc gì mà phải khoa trương như vậy để mang tiếng là xảo ngôn, hay nhận vơ"
Mở đầu bài diễn văn, Obama nói đến Hồi giáo như một thực thể thống nhất và than phiền về xung đột giữa Tây phương thực dân với các nước Hồi giáo. Thực tế, khối Hồi giáo đa diện không là một thực thể thống nhất từ tư duy đến đối sách. Và Hoa Kỳ cũng không là một nước thực dân đã từng khai thác một thuộc địa Hồi giáo như nhiều nước Âu Châu khác. Từ hơn hai chục năm nay, ngần ấy lần nước Mỹ ra quân là để cứu dân Hồi giáo, tại Bosnia, Kuweit, Kosovo, A Phú Hãn hay Iraq.... 
Khi ngợi ca tinh thần bao dung tôn giáo và bình đẳng sắc tộc của Hồi giáo, Obama còn cố bỏ qua những xung đột hay tàn sát do người Hồi giáo gây cho nhau, nhưng ta cũng nên thông cảm với lối nói ngoại giao ấy. Tuy nhiên, khi đề cao khối Hồi giáo đã phát minh ra môn toán đại số, kim chỉ nam, kỹ thuật hàng hải, nghề ấn loát, v.v... ông đã làm các nhà khoa học cau mày. Hãy tưởng tượng ngày n ào Obama nói chuyện tại Bắc Kinh về Trung Quốc mà cũng phóng đại về sự đóng góp của văn minh Trung Hoa như vậy thì... Việt Nam sẽ khổ chừng nào!
Sự thật không hẳn như vậy - người viết xin miễn liệt kê vì quá dài! - và lối nói thớ lợ ấy chỉ làm giảm tính thuyết phục. Hoặc gây tác dụng ngược. Hoa Kỳ không miệt thị ai nhưng chẳng việc gì phải đổi trắng thay đen như vậy.
Trừ phi là có ẩn ý.
Sau khi thổi Hồi giáo lên mây xanh, Obama bám theo để giàng lên đó nét vinh quang của người Mỹ theo Hồi giáo - vẫn với định nghĩa rộng. Nào là đoạt giải Nobel, thắp đuốc Thế vận, xây dựng kiến trúc nguy nga nhất của nước Mỹ, v.v. Hoặc "bảy triệu người Mỹ Hồi giáo" ngày nay có mức sống và trình độ giáo dục cao hơn trung bình toàn quốc". Những chuyện thêu dệt ấy không đáng cho cương vị của một Tổng thống mà chỉ phản ảnh nét mị dân cố hữu của Obama.
Vì nhu cầu ngoại giao, Tổng thống Obama có thể tránh nói thẳng vào nhiều nét tiêu cực - đặc biệt là chánh sách đối xử tàn tệ với phụ nữ - đang xảy ra trong một số quốc gia Hồi giáo. Nhưng nhu cầu đó không thể biện minh cho việc nói quá về chuyện không thực.
Một thí dụ khác là khi đề cập tới vấn đề thứ năm là tự do tôn giáo, Obama nói đến truyền thống bao dung đầy vinh quang của Hồi giáo. Như một dẫn chứng, ông nhắc tới lịch sử của đất Andalusia và Cordoba (trong xứ Tây Ban Nha) dưới thời Toà án Bài trừ Dị giáo. Ai có đôi chút hiểu biết về lịch sử tôn giáo đều kinh ngạc về sự trích dẫn.
Chẳng lẽ ban tham mưu cùa ông không kiểm lại vụ dân Berber (tại Bắc Phi) và Á Rập đã chinh phục Tây Ban Nha và khai thác bán đảo này như một thuộc địa từ đầu thế kỷ thứ tám" Đến cuối thế kỷ thứ chín còn đặt ra một hệ thống án Malakism cực kỳ khắc khe và năm 818, khi dân cư tại Cordova nổi dậy thì họ bị tàn sát và đất Andalusia đã là chiến trường liên tục trong nhiều thập niên. Những điều ấy người ta có thể kiểm lại được nếu muốn. Sau này, mãi tới sau này, nhiều xã hội Hồi giáo mới chuyển hoá theo tinh thần "bình đẳng dân sự" - giữa các cộng đồng - nhưng thật ra vẫn chưa là tinh thần "bao dung tôn giáo" như Obama muốn ngợi ca...
***
Tổng thống Barack Obama có quyền và nên trình bày chủ trương hiếu hòa của Chính quyền Mỹ nhưng không thể tránh né được thực tế rắc rối trong thế giới Hồi giáo mà Hoa Kỳ có thể góp phần giải quyết vì quyền lợi chung của các nước. Muốn như vậy, nếu không nói hết được sự thật tiêu cực thì cũng phải vạch ra một đối sách mới của Hoa Kỳ. Bải diễn văn không trình bày được đối sách ấy.
Ngược lại, cũng vì muốn ưu tiên thoả mãn tự ái Hồi giáo, ông cạo sửa lịch sử và nói quá. Những người Hồi giáo bình thường thì có thể thấy hả dạ, nhưng các phần tử Hồi giáo cực đoan thì còn hả dạ hơn. Họ kết luận là Mỹ hèn và sợ. Vì vậy, tội gì mà họ nhượng bộ" Bài diễn văn gây phản tác dụng và là nguồn cổ võ tuyên truyền cho kẻ quá khích.
Cứ theo dõi cách truyền thông của Mỹ tường thuật lại, các chiến binh Mỹ đang đứng trên tuyến đầu bỗng thấy buồn tủi và cô đơn vì phải bảo vệ một nước Mỹ đáng ghét chống lại một thế giới đáng yêu đáng kính! Một ngôi sao sáng có lẽ cũng hiểu ra điều mỉa mai ấy.
Đó là khuôn mặt mờ nhạt của Ngoại trưởng Hillary Clinton trong chuyến công du. Biết đâu chừng bà đang ân hận như nàng Kiều, rằng "lầm người cho đến bây giờ mới hay""
Và nghĩ tới nghị trình tranh cử 2012"

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
19/07/2007. Em hy vọng tất cả mọi người hãy nhớ lấy hôm nay mà kể từ đây em sẽ gọi là NGÀY DÂN HẬN. Và cũng xin thưa với tất cả các Đảng viên Cộng sản
Hai Tổng thống Bush và Musharraf đang ngờ, đang chờ, đang nhờ nhau" Sau khi một số Nghị sĩ Cộng Hoà bày tỏ sự hoài nghi về chiến lược Iraq
Sau 28 ngày màn trời chiếu đất, đói khát, bệnh hoạn, những người dân cùng khổ rủ nhau lên trước tòa nhà gọi là Quốc Hội của thành phố mang tên Hồ Chí Minh
Vừa nghe thông tin từ Đài Truyền hình Việt Nam: Trong đợt thi vào lớp 10 ở TP. HCM mới đây, có tới 13.000 học sinh (mười ba ngàn) đạt kết quả điểm thì cao
Dường như đảng Cộng sản Việt Nam không biết chán khi nói đi nói lại các vấn đề : Tư tưởng đảng viên đã mòn; Nội bộ Đảng đã ruỗng; Cán bộ thích làm quan
Sau 26 ngày dầm mưa dãi nắng, chịu đựng đói khát lên khiếu kiện mất nhà mất đất ở
Quốc hội Châu Âu ra Quyết Nghị định giá lại chính sách hợp tác với Việt Nam và tố cáo Việt Nam đàn áp nhân quyền và tôn giáo...
Ngày hôm qua 18, Tổng thống Bush đã tránh được một viên đạn giấy từ Thượng viện phóng ra khi viện trên của Quốc hội Mỹ vẫn không hội đủ
Cho tới 11 giờ đêm Thứ Hai 17-7, khoảng 300 công an CSVN sắc phục, vũ trang vẫn đang bủa vây đoàn dân oan biểu tình tại Saigon.
Từ khi xuất hiện tại Việt Nam tới nay, lúc nào đảng Cộng Sản cũng nói tới chuyện ‘ cách mạng, giải phóng ‘, khiến cho ai đã nghe rồi
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.