Hôm nay,  

Lòng Từ Bi Là Nền Tảng Của Hạnh Phúc Con Người (4)

23/05/200900:00:00(Xem: 4407)
LÒNG TỪ BI LÀ NỀN TẢNG CỦA HẠNH PHÚC CON NGƯỜI (4)  
Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma    
Chuyển ngữ: HT.Thích Trí Chơn    
Trích từ cuốn sách: “Book of Love and Compassion.”
(tiếp theo và hết)
Hỏi: Kính thưa Ngài, trong những năm gần đây tại quốc gia này có nhiều tín đồ từ bỏ tôn giáo. Cùng lúc, có phong trào của các nhóm người đang phát triển dưới nhiều hình thức của sự tự mình tu tập. Như vậy, theo ngài phải chăng tôn giáo vẫn còn là con đường thực hành thích hợp trong thế giới hiện đại"
Đạt Lai Lạt Ma: Tín ngưỡng rõ ràng đang còn phù hợp với thế giới ngày nay. Nhưng có lẽ tôi cần làm sáng tỏ điều này. Nhiều năm đã qua, kể từ khi các tôn giáo bắt đầu xuất hiện, tôi nghĩ đến nay có vài lãnh vực đã lỗi thời. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là các tôn giáo nói chung không còn thích ứng trong thời hiện đại nữa. Cho nên, việc quan trọng là cần duyệt xét lại bản chất của những tôn giáo, bao gồm cả Phật giáo.
Con người, bất luận là ngày nay hay 100, 1.000, 4.000, hay 5.000 năm trước, căn bản vẫn giống nhau. Dĩ nhiên, có một số các nền văn hóa và phương cách sinh hoạt đã thay đổi, nhưng chúng ta vẫn không khác nhau là những con người. Do đó, các vấn đề căn bản và khổ đau của con người như sự già, bệnh, chết, tranh chấp và mọi thứ phiền não khác vẫn còn đó. Tôi không biết hình dáng của con người sẽ như thế nào, khoảng 10.000 hay 100.000 năm sau, không ai rõ được. Nhưng trong vài ngàn năm tới, tôi nghĩ con người bản chất vẫn giống nhau.
Cho nên, tôi tin rằng nhiều tôn giáo khác biệt thực tế vẫn còn gắn liền với các vấn đề và nỗi khổ đau căn bản của kiếp người. Trên bình diện đó, vì sự khổ và bản chất của con người không có gì thay đổi, do vậy, tôn giáo vẫn còn cần thiết. Tuy nhiên một vài hình thức nghi lễ đã thay đổi. Tại Ấn Độ, vào thời kỳ theo chế độ phong kiến hay các vua chúa, phương pháp thực hành đã chịu ảnh hưởng rất nhiều hoàn cảnh trong xã hội đó. Nhưng ngày nay đã thay đổi và tôi nghĩ sẽ còn thay đổi hơn nữa.
Riêng về Phật giáo, dĩ nhiên nó không chỉ tiếp xúc với cuộc đời này mà còn liên hệ đến các lãnh vực huyền diệu khác. Trừ phi thế giới chúng ta được cải thiện hay đổi mới, tôi nghĩ Phật giáo sẽ còn duy trì sự cần thiết và thích hợp của nó trong thế giới hiện đại, không những chỉ vì các vấn đề căn bản của con người vẫn còn tồn tại, mà cũng bởi lý do Phật giáo đã trình bày các triết thuyết liên quan đến đời sống tâm linh huyền bí của nhân loại.
Tôi luôn luôn tin rằng sự thay đổi hiện đại chỉ là thay đổi trên bề mặt còn chiều sâu trong tâm thức vẫn giống nhau. Năm ngoái, tại biên giới giữa nước Áo (Austria) và Ý Đại Lợi (Italy) dân chúng đã khám phá tìm thấy một thân thể của con người thời cổ. Nếu chúng ta giả sử rằng người ấy đang còn sống, tôi nghĩ quý vị có thể giao tiếp với ông ta, mặc dù cái xác thân ấy đã xuất hiện trên hành tinh này khoảng 4.000 năm trước. Dĩ nhiên, nếp sống văn hóa và tình cảm của họ chắc chắn phần nào khác với chúng ta, nhưng căn bản các bạn vẫn có thể chuyện trò với di thể người đó. Hỏi: Làm cách nào để con người có thể khắc phục được sự sợ hãi như là một trạng thái thông thường của tâm thức, đặc biệt nhất là khi không có lý do chính đáng"
Đạt Lai Lạt Ma: Tôi tin rằng cách nhìn thấy sự vật và lề lối suy nghĩ của quý vị hoàn toàn khác hẳn nhau. Khi gặp một vấn đề quá khó khăn trong cuộc sống, không thể khắc phục, vượt qua được, tinh thần các bạn sẽ trở nên khủng hoảng, đâm ra lo lắng và sợ hãi. Nếu chúng ta cố gắng quên đi, hay nói cách khác là không mấy chú ý đến nó nữa thì tình trạng sẽ thay đổi.
Khi sự việc bất an xảy ra, quý vị nên quyết định dùng khả năng lý trí của mình để tìm hiểu và nhận thức rõ vấn đề hầu giúp các bạn vượt thoát khỏi các ý tưởng sợ hãi. Dĩ nhiên, nếu có lý do chính đáng để lo lắng thì sự sợ hãi đó là cần thiết. Nó sẽ tạo ra các phương pháp phòng ngừa cho nên như vậy là điều rất tốt. Nhưng nếu sự sợ hãi không có căn nguyên thì bạn nên thiền định, quán chiếu để diệt trừ nó đi. Đó là phương pháp thích hợp nhất.
Hỏi: Lòng từ bi có thể tự nhiên phát sinh sau khi con người đã trực tiếp phát triển được tuệ giác"
Đạt Lai Lạt Ma: Tôi nghĩ nó tùy thuộc rất nhiều vào khả năng tập trung tinh thần và sự hành trì tu luyện của chính các bạn. Một vài người có thể phát triển các nguyên lý của con đường đạo, lòng vị tha và vân vân. Kẻ nào càng đạt được nhiều trí tuệ về bản chất của thực tại, lòng từ bi của họ càng phát triển mạnh mẽ bởi lẽ hành giả xót thương khi nhìn thấy chúng sinh phải chịu cảnh luân hồi sinh tử do vô minh không nhận biết rõ bản thể của sự sống.
Hành giả khi có trí tuệ về bản tính của thực tại, họ cũng có thể tìm ra con đường chấm dứt hết sự khổ. Một khi bạn đã có sự giác ngộ, lòng từ bi hướng về chúng sinh sẽ tăng trưởng vì quý vị nhận thức rõ nỗi khổ đau của tất cả mọi người - mặc dù có thể vượt thoát ra, nhưng họ vẫn đang còn bị trói buộc trong vòng luân hồi sinh tử.

Con người khi đạt đến mức độ nào đó của tuệ giác vẫn không bảo đảm chắc chắn tự nhiên họ có thể phát khởi sinh tâm từ bi bởi tuệ giác của một người đạt được có thể vì sự thúc đẩy của lòng vị tha muốn cứu giúp những kẻ khác hay có thể được khuyến khích đầu tiên do khát vọng của hành giả mong được giải thoát khỏi vòng luân hồi đau khổ. Cho nên chỉ riêng tuệ giác về bản chất của sự sống thực ra không thể hướng dẫn giúp bạn phát khởi được lòng từ bi chân thực, mà quý vị cần có thêm các điều kiện khác nữa.
Hỏi: Có chăng các trường hợp về sự diễn tả tích cực của hành động hận thù đặt nền tảng trên lòng từ bi"
Đạt Lai Lạt Ma:Vâng, có thể có những tình huống mà trong đó động cơ chính xuất phát từ lòng từ bi, nhưng yếu tố thúc đẩy lại do sự thù hận mà nó là một sức mạnh của tâm thức.
Hỏi: Kính thưa Ngài, làm sao tôi có thể sống với những mối xúc cảm của mình mà không lo sợ" Tôi thường hay kiểm soát tình cảm chặt chẽ đến nỗi tôi gần như khép kín và không có thể yêu thương ai.
Đạt Lai Lạt Ma: Khi nói về tình thương và lòng từ bi, tôi phân biệt giữa ý nghĩa của tình yêu thông thường với điều tôi gọi là tình thương. Tình thương tôi nói đây có thể phát xuất từ căn bản của nhận thức rõ ràng về sự hiện hữu của một người khác cùng sự kính trọng chân thực về hạnh phúc và quyền lợi của mọi người. Tuy nhiên, tình thương xây dựng trên sự quá đắm say những người mình gần gũi, theo quan điểm của việc thực hành tôn giáo, là một điều mà chúng ta cần nên thanh tịnh hóa, và tìm cách rời xa người mà quý vị yêu thương.
Tôi nghĩ lúc đầu bạn có thể nhận thấy như là một cuộc sống cô đơn. Thực vậy, đó là một trong các mục tiêu đời sống của các Tăng Ni xuất gia. Trong lúc sống như vậy ở mặt này hình như có vẽ buồn chán không mấy hấp dẫn, nhưng về phương diện khác họ lại rất sung sướng. Trên thực tế, tôi nghĩ loại hạnh phúc này luôn luôn biến đổi, còn loại kia, mặc dù kém phần lôi cuốn, nhưng lại rất bền vững. Tôi tin rằng về lâu dài nó mang lại nguồn an lạc cho con người. Đó chính là niềm vui thực sự đối với chư Tăng Ni đang sống cô độc.
Hỏi: Nếu một người cảm thấy vô cùng tuyệt vọng và trong cơn khủng hoảng tinh thần nghiệt ngã, vào đêm nọ họ có ý muốn tự tử. Ngài khuyên thế nào để giúp cho nạn nhân có được niềm tin từ bỏ ý định quyên sinh"
Đạt Lai Lạt Ma: Nếu người nào thiếu trình độ hiểu biết hay thực hành thì rất khó. Tôi không rõ nên khuyên như thế nào. Nhưng với một người có kinh nghiệm hoặc thực hành tôn giáo và nhứt là tu tập theo Phật giáo thì rất hữu ích khi hành giả, qua lời khuyên của tôi, biết nghĩ đến Phật Tánh cũng như khả năng có được cái thân và trí tuệ của con người.
Họ cũng có lợi lạc khi đọc các câu chuyện của những vị đạo sư trong quá khứ với đời sống tu hành khắc khổ mà mọi người đều biết. Chẳng hạn có vài trường hợp các đại sư này là những người mà trước đây hầu như không có trình độ học vấn cao, thường hay chán nản và sống trong tình trạng thiếu thốn vật chất. Nhưng do sự quyết tâm và đức tính tự tin vào khả năng của chính mình mà họ đã thành công đạt được tuệ giác cao siêu. Các bạn cũng nên nhớ rằng sự buồn phiền và thất vọng sẽ không bao giờ giúp quý vị cải thiện được hoàn cảnh khó khăn.
Hỏi: Kính thưa Ngài, trong khi cố gắng trở thành một người có lòng từ bi, chúng tôi nên có trách nhiệm như thế nào" Ngài sẽ làm gì nếu nhận thấy một số người cần nương nhờ vào tâm từ bi của ngài" Phải chăng cũng gọi là từ bi khi gây tổn hại cho người  nào đó nếu ngài tin rằng về lâu dài hành động ấy là tốt đẹp"
Đạt Lai Lạt Ma: Tôi nghĩ bạn nên nhớ rằng từ bi cần phải có trí tuệ. Điều quan trọng là nên sử dụng khả năng trí tuệ của mình để xét đoán các hậu quả ngắn và dài hạn về những hành động của một con người.
Hỏi: Tôi biết rằng sự ảnh hưởng đến kết quả của ý nghĩ và những hành động của tôi như thế nào. Phải chăng chúng cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng xã hội như sự đói nghèo và những nỗi khổ đau lớn lao khác của mọi người khắp nơi trên thế giới"
Đạt Lai Lạt Ma: Đôi khi chúng ta nghĩ rằng hành động của cá nhân là không quan trọng. Dĩ nhiên các bạn cần đến ý tưởng hay một phong trào đoàn kết. Nhưng các phong trào của xã hội, cộng đồng hay một nhóm người là do sự hợp tác của những cá nhân. Xã hội là sự quy tụ của nhiều cá thể độc lập và sự khởi xướng hay sáng kiến đều xuất phát từ những cá nhân. Trừ phi mỗi cá nhân phát triển được tinh thần trách nhiệm, nếu không thì toàn thể cộng đồng không tiến bộ được. Do đó, điều căn bản là chúng ta đừng tưởng rằng sự nỗ lực của mỗi cá nhân là vô nghĩa. Quý vị không nên suy nghĩ như vậy mà các bạn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Nam đã và đang làm hết sức để cải tiến quan hệ với Hoa Kỳ. Nhưng chỉ mới tám tháng trước
Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam 2007 (DLNQ), đã thông qua Hạ Viện ngày 18/9/2007 với đa số áp đảo 414/3, tố cáo mạnh mẽ CSVN đã vi phạm nhân quyền
Hai cuộc thử nghiệm  lòng  dân cùng xẩy ra một ngày, ở hai lục địa khác nhau nhưng có cùng một bài học về dân chủ  cho đảng Cộng sản Việt Nam.
Trên các báo mạng ra ngày 27-11-2007, và cả báo truyền khẩu quán cóc vỉa hè, xe ôm, hớt tóc dạo... tất cả đều luân lưu những bản tin
Hội Đồng Giám Sát Quận Cam đã vinh danh ông Nguyễn Nam Lộc vì đã hoạt động liên tục 32 năm qua
Trong dịp ra mắt CD "Lá Rơi Bên Thềm” của Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ở Paris, Tuyết Mai được dịp gặp gỡ một số nghệ sĩ tài danh ở đây
Vào giữa tháng 11, 2007, báo chí loan tin: Mới đây, 20.000 công dân của Hiệp hội Những người ăn chay ở Pháp
Tôi đã quan sát sự tương quan giữa nền kinh tế của Việt Nam và vấn đề tham nhũng tại đó trong nhiều năm qua. Chính tôi nhìn thấy nhà nước cộng sản
Vào đầu năm tới, một hội nghị quốc tế sẽ được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề "Việt Nam, một ngôi sao đang lên". Hội nghị do tạp chí chuyên đề nổi tiếng
Sau khi thành công chế tạo bom áp nhiệt, một loại vũ khí quan trọng đã giúp giảm thiểu số tử vong của binh sĩ Hoa Kỳ
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.