Hôm nay,  

Sự Trừng Phạt Của Thị Trường

20/09/200800:00:00(Xem: 16047)

Ngoài thị trường, chính trường cũng gây họa mà dân không biết...Sau chấn động mùa Thu, thế giới sẽ còn nói nhiều về trận khủng hoảng tài chánh xuất phát từ Hoa Kỳ. Nhưng, ta cũng có thể nhìn lại sự thể từ một giác độ khác để thấy ra khả năng ứng phó của từng xã hội - sự trừng phạt của thị trường - và nhất là sự trưởng thành chính trị của cử tri.

Một cách vắn tắt, kinh tế Hoa Kỳ đã bị ít ra là một lúc bốn tầng tai họa - đào sâu hơn thì... cột báo này hết chỗ.

Hãy điểm danh các thủ phạm hay đồng lõa

Thứ nhất, sau vụ bể bóng đầu tư cổ phiếu (dot.coma!), vụ khủng bố 9-11 và sự sụp đổ hàng loạt cơ sở kinh doanh bất lương vào cuối năm 2001, kinh tế Mỹ bị suy trầm nhẹ khi Hoa Kỳ lâm vào cuộc chiến chống khủng bố với chiến trường Afghanistan được khai mở vào tháng 10 năm 2001.

Những biến động ấy khiến lãi suất tại Mỹ được giảm liên tục (lãi suất liên ngân hàng Fed funds rate từ 6,5% vào năm 2003 xuống 1% vào năm 2005) và lại được duy trì quá lâu ở mức quá thấp đó. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương thời đó là Alan Greenspan không là vô can. Đáng lẽ, ông nên phát biểu ít đi, hoặc rõ hơn, trong vụ khủng hoảng mà ông có góp phần gây ra!

Y như trong  các giai đoạn đình trệ trước đấy, lãnh đạo Hoa Kỳ đều khuyến khích dân Mỹ mạnh tay tiêu xài để cứu nguy kinh tế (Bill Clinton: "hãy đi ra mua xắm!"; George W. Bush: "hãy đi thăm Disney World ở Florida!"). Quốc hội Mỹ còn hô hào giới tài trợ tích cực giúp đỡ dân nghèo (hay thiểu số) mua nhà. Tiền rẻ và loại chủ trương rất "phải đạo" ấy đã thổi lên một thời hoàng kim, như bong bóng. Trái bóng lớn nhất là gia cư, với tiền bạc rút từ thị trường cổ phiếu về thị trường bất động sản.

Khi được khuyến khích cho vay, và đi vay với điều kiện hấp dẫn, các tác nhân kinh tế bèn nhảy vào cuộc. Họ cho vay bất cẩn và liều lĩnh đi vay quá khả năng trả nợ của mình. Những yếu tố ấy là nguyên nhân trước tiên, quan trọng nhất - mà nhiều người đã quên!Thứ hai, và kể từ hơn chục năm rồi, thị trường tài chánh (gồm các ngân hàng, tổ hợp đầu tư, công ty tài trợ và cả giới đầu tư tài chánh quốc tế) đã phát huy sáng kiến kinh doanh để kiếm lời tối đa mà bất kể rủi ro. Tiền rẻ có gây thay đổi trong tư duy và cả tổ chức quản trị về cách lượng định rủi ro: hầu hết các công ty tài chánh đều sử dụng thông tin lệch lạc về thị trường để tính toán mức độ hiểm tai của kinh doanh nên không dự báo rủi ro cho chính xác.

Vì vậy, các công ty tài chánh góp phần đẻ ra những "kén nợ". Đó là các gói nợ như cái kén của tơ tầm, bên trong lẫn lộn loại nợ xấu và tốt, và họ bán gói nợ ấy như tài sản đầu tư cho người khác để lấy tiền tiếp tục cho vay.

Sau khi cho vay xong, công ty tài trợ lấy tiền hoa hồng rồi bán ngay khoản nợ ấy cho người khác và phủi tay cho vay tiếp. Mua các khoản nợ ấy về và đinh ninh rằng khoản nợ ấy được đảm bảo bằng trị giá của ngôi nhà (và trị giá này chỉ tăng chứ không giảm), công ty khác gói thành kén và bán tiếp cho người khác. Khi ấy, giấy nợ là trái phiếu đã được "chứng phiếu hoá", biến thành khí cụ đầu tư và căng phồng theo trái bóng đầu tư địa ốc. Trong vòng luân hồi ấy, cứ lăn một vòng là lại sinh lời một lần!

Đã thế, phải nói đến vai trò của các ngân hàng đầu tư. Xưa kia là môi giới ăn lời giữa người có tiền đầu tư với cơ sở cần tiền kinh doanh, nhiều tổ hợp đầu tư đã ham lời mà nhảy qua chức năng khác, là đem cả tiền của mình đi đầu tư. Rồi vì thấy quá lời, họ còn đi vay thêm để đầu tư. Người ta gọi đó là "tác dụng đòn bẩy" (leverage): dùng tiền của mình đầu tư thì chưa có lời bằng cách vay thêm, sau khi trả tiền lời vay mượn xong thì vẫn là lời gấp bội! Đây là nếp "văn hoá kinh doanh Wall Street", nơi tập trung đa số cơ sở đầu tư có cùng một sự bất cẩn về an toàn tin dụng và máu ham lời. Vì sinh hoạt trong cùng một môi trường, các cơ sở này cùng chia sẻ triết lý kinh doanh tai hại đó.

Tiến trình ấy tích lũy năm này qua năm khác thành cái kén khổng lồ, bên trong có nhiều khoản nợ xấu mà vì lối thẩm định rủi ro đã bị sai lệch, người ta không biết và không cần biết là xấu đến chừng nào. Nghĩa là cái kén nợ ấy trở thành trái bom nổ chậm mà ít ai quan tâm.

Thứ ba là vai trò bất cẩn của chính quyền.

Có chức năng thanh tra nghiệp vụ và rủi ro kinh doanh của các ngân hàng thương mại (hay ngân hàng ký thác, là nhận tiền ký thác của dân chúng để kinh doanh về tài chánh), Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ còn định ra và chấp hành luật lệ kiểm soát. Nhờ vậy, ngân hàng thương mại ít lấy rủi ro quá đáng (nên đang giăng lưới cứu vãn các ngân hàng đầu tư).

Trong khi ấy, việc kiểm soát các ngân hàng đầu tư hay tổ hợp tài chánh lại thuộc phạm vi Hội đồng (Kiểm soát) Chứng khoán SEC. Cơ quan này không kiểm soát chặt chẽ, mà cũng chẳng có thẩm quyền kiểm soát loại cơ sở "bán công" như Fannie Mae và Freddie Mac, được thành lập vì mục tiêu "phải đạo" là bơm thanh khoản vào thị trường gia cư cho dân Mỹ vay tiền mua nhà cho dễ.

Việc mở rộng quyền kiểm soát hoặc tăng cường luật lệ kiểm soát lại là điều thất nhân tâm và bị Quốc hội cản trở. Quốc hội rất mẫn cán trong vai trò kỳ đà cản mũi vì các Nghị sĩ Dân biều đều được đấm mõm hậu hĩnh. Cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ đều can dự vào chuyện ấy, dù tỷ lệ can dự của đảng Dân Chủ cao hơn. Lãnh đạo cũ của hai công ty bán công Fannie và Freddie đều là đảng viên Dân Chủ có thế giá. Một người là nguyên Tổng giám đốc Ngân sách thời Bill Clinton, một người là thành viên ban tranh cử Obama (một trong ba người chọn ứng viên Phó Tổng thống cho Obama)!

Từ nhiều năm nay, Chính quyền Bush có thấy vấn đề mà không dám hay không thể khai thông, vì trở lực của Quốc hội và vì bị nghẹn về vụ Iraq. Khi thị trường đã ngùn ngụt khói, các Nghị sĩ hữu trách của đảng Dân Chủ (như Chris Dodd hay Barney Frank) còn gân cổ cãi rằng tình hình chưa đến nỗi nào!

Cho nên, chính trường Mỹ không điều tiết và kiểm soát được một thị trường hoá dại, làm ăn bất cẩn mà bất cần rủi ro vì tiền quá rẻ và càng cho vay là càng yêu dân nghèo! Vả lại, có lời thì giới đầu tư bỏ túi, sau khi chia chác cho chính giới, lỡ bị lỗ thì đã có nhà nước lo! Cơ sở càng lớn thì càng tin rằng nhà nước sẽ giăng lưới càng chắc để khỏi bị sụp đổ. Đó là tinh thần "ỷ thế làm liều" và cái thế ở đây là sự toa rập của chính trường.

Khi thị trường gia cư bị đình đọng và sa sút từ năm 2006, giá nhà hết tăng mà còn giảm, loại tín dụng "phải đạo" năm xưa - tín dụng thứ cấp, subprime, có nhiều rủi ro nhất - bị ảnh hưởng nặng. Nợ xấu trở thành nợ thối. Và thối từ trong cái kén thối ra, mà thối đến mức độ nào thì chính những kẻ trong cuộc cũng không biết vì kén được gói kín và đổi chủ nhiều lần! Lúc ấy - kể từ mùa Thu năm ngoái, thiên hạ mới hốt hoảng, và càng hốt hoảng mạnh vì không biết hư thực ra sao khi mà chính các tổ hợp tái chánh cũng không có thông tin chính xác về mức rủi ro của tài sản họ đang quản lý.

Từ đấy, phản ứng bán "khống" (short selling) bùng nổ. Bán khống là khi mình chưa làm chủ tài sản đầu tư này mà đã giao hẹn sẽ bán với giá thấp hơn giá trị trường lúc đó, một hình thức đầu cơ theo chiều hướng sụt giá và góp phần dẫn tới nạn sụt giá. Hội đồng Chứng khoán SEC không có phản ứng trước loại đầu cơ ấy. Cho tới ngày Thứ Sáu 18 vừa qua, tức là quá trễ, thì mới cấm! Sự hốt hoảng của thị trường đã gây tai họa.

Và càng gieo họa nặng vì năm 2008 là năm tổng tuyển cử. Đó là cái tầng tai họa thứ tư.

Nếu chịu khó theo dõi thống kê về truyền thông, ta thấy cứ bốn năm một lần khi Hoa Kỳ có tổng tuyển cử (bầu lại Tổng thống, toàn bộ Hạ viện, một phần Thượng viện và chức vụ Thống đốc), những tin tức hay bình luận về khủng hoảng kinh tế lại được mùa nở rộ. Hãy nhớ lại từ năm 2000 qua 2004 và năm nay mà xem.

Giới chính trị gia lật lọng - có là trùng nghĩa không - luôn luôn báo động quốc dân về chuyện áo cơm củi lửa và hứa hẹn phép lạ cứu vãn, nếu như cử tri khôn ngoan bỏ phiếu cho họ. Năm nay, chuyện tranh cử còn hào hứng sôi nổi hơn mọi khi vì tám năm cầm quyền của Bush và vì không ứng cử viên nào lại thuộc Chính quyền đang tại chức.

Đây là thời nói phét tự do, tới độ vô trách nhiệm vì gieo thêm ấn tượng khủng hoảng trong không khí vốn đã hốt hoảng. Khi Nghị sĩ John McCain tuyên bố vào đầu tuần, rằng kinh tế Hoa Kỳ có nền móng vững chãi, ông nói không sai về kinh tế, nhưng rất dại khi là ứng cử viên. Và lập tức mất điểm, không biết có hồi phục nổi hay chăng!

Bên đảng Dân Chủ thì "tổng khủng hoảng" đã là thành ngữ thông dụng, với sự phụ họa vô ý thức của chính Alan Greenspan, tác giả của trái bóng nguyên thủy khi lãi suất có 1% - gần với số âm - được duy trì trong hơn một năm trời! Cùng với lời cảnh báo và đổ lỗi về tổng khủng hoảng, chính trường Mỹ cũng phát huy sáng kiến tung tiền cấp cứu, tất nhiên là tiền thuế của dân. Đấy là hiện tượng mị dân trong mùa bầu cử, nhưng góp phần đáng kể cho không khí hoảng loạn.

Kết cuộc thì vì sự cộng hưởng của bốn yếu tố - tiền rẻ, kinh doanh bất cẩn, kiểm soát lỏng lẻo và chính giới bơm dầu vào lửa bằng lời báo động sảng - hốt hoảng đã gây ra khủng hoảng, và ngần ấy kẻ trong cuộc tíu tít đổ lỗi cho nhau. Trong khi ấy, các ngân hàng hay công ty tài chánh đều xiết chặt hầu bao hết dám cho vay và gây ra nạn cạn kiệt thanh khoản, trị giá tài sản, cổ phiếu hay giấy nợ của họ cứ mất giá dần, và nhiều cơ sở bị vỡ nợ!

Lời tiên báo về một vụ "tổng khủng hoảng" đã thành hiện thực! Đây là vụ "tổng khủng hoảng" được nhiều người mơ ước nhất.

Sự thật về kinh tế có khi lại hơi khác.

Sau một giai đoạn tăng trưởng liên tục từ năm 2002, người ta chờ đợi một sự điều chỉnh vào năm 2008. Trung bình thì sau cuộc Tổng khủng hoảng 1929-1933 và từ Thế chiến hai đến nay, giới kinh tế nghiệm thấy là cứ khoảng sáu năm kinh tế lại bị suy trầm, kéo dài trung bình khoảng một năm. (Xin vài hàng về định nghĩa đại lược: "suy trầm" recession là khi đà tăng trưởng có sút giảm trong hai quý liền, "suy thoái" depression là khi kinh tế không tăng trưởng mà sản xuất còn giảm, và khủng hoảng crisis là khi kinh tế bị suy thoái khá lâu và lan rộng trong nhiều lãnh vực và tổng khủng hoảng là khủng hoảng trong mọi ngành, ở tại mọi nơi.)

Vì kinh nghiệm đó, người ta có thể chờ đợi nạn suy trầm từ cuối năm 2007 qua năm nay.

Chuyện ấy chưa xảy ra, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng 3.3% trong quý hai vừa qua. Sản xuất có trì trệ hơn nhưng không sút giảm tới độ gây ra suy trầm; thất nghiệp có tăng nhưng chưa tới độ nguy ngập và còn thấp hơn trung bình của mấy thập niên vừa qua. Tỷ lệ tiết kiệm của dân Mỹ ngày nay vẫn cao hơn số trung bình của tán năm "hoàng kim" thời Bill Clinton! Số nhà bị tịch biên vì người vay không trả được nợ có gia tăng và số khách nợ trễ hạn trả nợ cũng vậy. Tuy nhiên không nguy ngập như truyền thông hay chính giới vẫn nói.Thị trường tín dụng gia cư của Mỹ ở vào khoảng 12 ngàn tỷ Mỹ kim, trong số này, hơn 9% là loại có vấn đề vì trễ hạn (hơn 90 ngày) và có khi sẽ là nợ bị mất, khiến nhà bị tịch biên. Từ khi trễ hạn cho tới từng bước của thủ tục tịch biên, rồi nhà bị kéo, bị bán, v.v... người ta có nhiều cách bút ghi khác nhau nhưng trên toàn quốc, số nhà bị kéo vì nợ bị mất vẫn ở dưới 5% của tổng số nhà được tài trợ. Chưa bằng một phần mười của tỷ lệ (50%) số nhà bị kéo trong cuộc tổng khủng hoảng 1929-1933. Nhưng cũng đủ là vấn đề. Vấn đề nặng hơn thế là sự lao đao của các đại gia tài chánh.

Ba trong năm ngân hàng đầu tư lớn nhất của Hoa Kỳ đều bị khủng hoảng, vỡ nợ hay bị mua lại với giá rất rẻ, đó là Bear Sterns (JP Morgan Chase mua lại hồi tháng Ba), Lehman Bros. (khai báo phá sản hôm Thứ Hai), và Merrill Lynch (được Bank of America mua lại cùng ngày 15 đó). Hai công ty tái tài trợ và đảm bảo tín dụng gia cư là Fannie Mae và Freddie Mac thì được Chính quyền kiểm soát (giám hộ) từ hôm mùng năm, cho tới khi chấn chỉnh xong thì sẽ trở thành hoàn toàn quốc doanh, hoặc bị xé vụn bán cho tư nhân...

Toàn bộ kỹ nghệ tài chánh Hoa Kỳ bị rung chuyển và hệ thống tài chánh ngân hàng Mỹ còn đứng vững là nhờ các ngân hàng thương mại. Vì được Ngân hàng Trung ương giám sát kỹ và cho vay có chừng mực theo tiêu chuẩn tin được về an toàn, các ngân hàng này không bị đe dọa sụp đổ và còn khả năng tung  tiền cứu giúp hay sát nhập các ngân hàng đầu tư bị khủng hoảng. Nhưng dù sao, ngân hàng thương mại cũng có gặp khó khăn như nhiều ngành khác của nền kinh tế. Nghĩa là có bị văng miểng. Và văng nước miếng của loại truyền thông ưa báo động sảng.

Cấp cứu và Trừng phạt

Vì vậy, các cơ quan hữu trách đã phải có biện pháp cấp cứu. Hai cơ chế đứng đầu là bộ Tài chánh và Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (bộ Ngân khố cua Tổng trưởng Hank Paulson và Hội đồng Dự trữ Liên bang của Chủ tịch Ben Bernanke) phải tới tấp tung ra nhiều biện pháp cứu vãn. Về tài chánh, loại biện pháp này gồm có: 1) bơm thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, là mở cửa cho vay cấp bách với lãi suất đặc biệt; hay 2) đứng tên bảo đảm cho việc ngân hàng khác tài trợ hoặc góp vốn vào các cơ sở bị nạn; và 3) mua lại phần vốn và trực tiếp quản trị để chấn chỉnh các cơ sở bị nạn, có khi sẽ quốc hữu hoá luôn hoặc nhiều phần sẽ là giải tư thành cơ sở tư nhân với chế độ kiểm soát chặt chẽ hơn.

Loại biện pháp thứ ba mới là dùng công quỹ chuộc nợ hay cấp cứu các công ty bị khủng hoảng, nhưng dư luận và chính giới không cần biết sự khác biết ấy, mà chỉ la hoảng là Chính quyền tung tiền (thuế của dân) chuộc nợ cho bọn doanh gia bất lương.

Trong cách cấp cứu, Chính quyền Hoa Kỳ có nhiều mục đích yêu cầu khác nhau. Thứ nhất là cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng khỏi vì cạn kiệt tín dụng và sợ rủi ro mất vốn mà hết dám cho vay nên gây đình trệ sản xuất. Thứ hai là duy trì hoạt động của các cơ sở tài chánh đang liên hệ với nhiều doanh nghiệp hay thân chủ hầu tránh gây họa cho các doanh nghiệp và dân chúng nếu cơ sở này phá sản và ngưng hoạt động. Thứ ba, khi cấp cứu thì cũng với điều kiện là cơ sở bị nạn sẽ phải thay đổi lề lối kinh doanh và bị kiểm soát chặt chẽ hơn hầu không duy trì thói "ỷ thế làm liều", là cứ làm bậy rồi khi mắc nạn thì lại có chính quyền tung tiền ra chuộc nợ cho mình. Thứ tư, nếu không đạt những yêu cầu đó thì mặc cho ngân hàng bị phá sản.

Từ cuối năm ngoái đến nay, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã bơm vào hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ, và trên thế giới, chừng 1.200 tỷ Mỹ kim để giải quyết nhu cầu thanh khoản (đây chỉ là tiền cho các ngân hàng vay theo thủ tục đặc biệt, không là tiền "chuộc nợ"). Ngoài ra, có chừng 30 tỷ được dành sẵn cho JP Morgan Chase mua lại Bear Sterns hồi tháng Ba nếu việc mua lại này có trở ngại; có 200 tỷ của Ngân khố dành cho việc giảm hộ Fanny Mae và Freddie Mac; có 85 tỷ cho tổ hợp bảo hiểm AIG có thể vay trong hai năm, đổi lại, Chính quyền sẽ làm chủ 80% phần vốn của AIG - cho tới khi chấn chỉnh xong thì sẽ bán lại.

Và chính quyền Liên bang Hoa Kỳ hiện còn trong sổ sách chừng 500 tỷ Mỹ kim bị kẹt trong các đợt cấp cứu trước. Nếu không phân biệt từng loại mà cứ cộng chung tất cả thì ta có khoảng hai ngàn tỷ Mỹ kim bị coi là tiền thuế của dân bị đem ra chuộc nợ cho bọn doanh gia bất lương. Khi biết là cả năm nước Mỹ mới sản xuất được có 14 ngàn tỷ Mỹ kim mà năm nay lại mất toi ngàn tỷ, ai nghe mà không tức" Sự thật nó rắc rối hơn và... không đến nỗi bi thảm như vậy!Bây giờ, hôm qua, ngày 19 tháng Chín, Chính quyền Bush đã chính thức đề nghị Quốc hội phê chuẩn một kế hoạch cấp cứu quy mô khác. Tin mới đồn hôm 18 đã khiến cổ phiếu Mỹ đang dưới đáy bỗng tăng vọt lên trời và kéo theo các thị trường chứng khoán Á châu, Âu châu. Tin được xác nhận vào hôm sau khiến cổ phiếu lại tăng nữa, và người người đều thở phào nhẹ nhõm. Thừa thắng xông lên, Dân biểu Nancy Pelosi, lãnh tụ Dân Chủ trong Hạ viện, còn đề nghị bơm thêm 50 tỷ để kích cầu kinh tế, (sau quyết định bơm thêm hơn 180 tỷ vào tháng Hai vừa qua do ông Bush đề nghị và được Quốc hội đồng ý với vài điều kiện vặt được gài bên trong).Sau khi hốt hoảng bậy, e chừng dân Mỹ lại hồ hởi sảng và nghe lời đường mật của chính khách!

Cho đến nay, người ta chưa rõ "kế hoạch cấp cứu toàn diện" được bộ Ngân khố đề ra hôm 19 tháng Chín gồm những gì, nhưng hầu hết đều dự đoán là Chính quyền có thể lập ra một "quỹ" phục hồi tín dụng gia cư.

Trị trường gia cư đang sa sút, hệ thống tín dụng gia cư bị ách tắc vì các khoản nợ thối - chưa biểt rõ là bao nhiêu - nên các công ty tài trợ đều bị tê liệt. "Quỹ phục hồi" này có thể mua lại tất cả các khoản nợ ấy để các công ty tài trợ có tiền tiếp tục hoạt động. Trong khi ấy, Quỹ này mới dành thời giờ mở banh cái kén ra xét lại nội dung bên trong và sau khi gột sạch các khoản nợ xấu coi như mất luôn, thì sẽ gói lại thành từng khoản tài sản lành mạnh đem bán đấu giá trên thị trường lấy lại tiền cho công quỹ. Sai biết giữa khoản tiền bán được sau này, trừ đi tiền mua sẽ trả nay mai, là phí tốn thật của việc cấp cứu, được tài trợ bằng ngân sách quốc gia là tiền thuế của dân.

Nói cách khác, ta có thể dự đoán là Chính quyền sẽ hót rác ngoài chợ và mất cả chục năm gạn lọc và chấn chỉnh để bán lại. Trước mắt, trong mấy tháng tới, trên thị trường, người ta sẽ yên tâm làm ăn vì không bị vướng chân vì đống rác thối ấy nữa. Nhưng, phí tổn của chuyện thanh lý này sẽ là bao nhiêu"

Lần trước, khi hệ thống tín dụng và tiết kiệm (savings & loan) bị khủng hoảng, quỹ Resolution Trust Corporation đã thành hình vào năm 1989, mất sáu năm gạn lọc để thanh toán của nợ này. Khoản mất mát ấy trị giá hơn 390 tỷ Mỹ kim, gần bằng 4% tổng sản lượng GDP của nước Mỹ vào thời đó. Tính đến năm 1999, sau khi gạn sạch và bán lại thì vụ khủng hoảng "nguy kịch nhất kể từ cuộc tổng khủng hoảng 1929" (theo lối nói thời đó, có khác chi thời nay!) làm dân thọ thuế bị mất oan 124 tỷ là tiền mất của ngân sách quốc gia.

Lần này, nếu toàn thể khối tín dụng thứ cấp là 540 tỷ Mỹ kim (mà 80% vẫn còn lành mạnh) có bị tan thành nợ thối thì cũng chỉ bằng 3,8% tổng sản lượng GDP, bằng với lần trước mà thôi. Lần trước, các quỹ savings and loan còn tài trợ cả dự án cầu đường vô dụng, lần này, gói nợ thứ cấp đều là nhà ở, nhà có sụt giá khi bị kéo thì vẫn còn là tài sản bán được, cho nên nếu có mất mát cho dân thọ thuế thì cũng không thể nặng bằng lần trước.

Nhưng mất mát cho các doanh nghiệp bất cẩn của Wall Street thì nặng gấp bội! Trị giá cổ phiếu từ bảy tám chục nay chỉ còn vài đồng thì rõ ràng là mất!

Nói ra cho rõ, dân thọ thuế có bị mất tiền oan, nhưng sẽ không nhiều. Chứ doanh giới bê bối thì bị mất nặng hơn gấp bội, tức là bị cả thị trường lẫn chính quyền Bush trừng phạt! Vì vậy mới có chuyện cơ sở được cấp cứu (Bear Sterns hồi tháng Ba) và sáu tháng sau có cơ sở lại bị thả cho chết luôn (Lehman Brothers!) Từ tháng Tám năm ngoái cho đến nay mà các ngân hàng đầu tư này chưa chẩn chỉnh lại và cứ chờ chính quyền giăng lưới đỡ thì quả là không đáng sống!

Điều này, chúng ta nên nhìn cho ra.

Từ nay, Wall Street sẽ hết là cái rốn của vũ trụ tài chánh, thị trường tài chánh sẽ phải chấp nhận một luật chơi khắt khe hơn mà an toàn hơn cho nền kinh tế.

Chỉ mong rằng, và đây mới là vấn đề, giải pháp cữu vãn này không vì thời điểm tranh cử biến thành liều thuốc đổ bệnh. Lý do là ngoài hai liên danh Obama-Biden và McCain-Palin đang tranh cử tổng thống lại còn tất cả các Dân biều và chừng một phần ba Nghị sĩ. Các vị dân cử yêu dân đến độ mị dân đều phải nhảy vào cuộc để kiếm phiếu, nên sẽ trì hoãn, cản trở, thậm chí chất vào kế hoạch cấp cứu một núi rác rưởi chính trị khác - như thường lệ!

Thị trường đã trừng phạt những người bất cẩn hay bất lương, chính trường có làm chuyện đó hay không là tùy cách bỏ phiếu của chúng ta. Nếu không, có bị móc túi thì cũng đáng!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Muốn thấy thật phải buông bỏ, trút bỏ hết những ý muốn, vọng tưởng, mơ tưởng. Bỏ hết những gì mình muốn làm cho chính mình.
Đánh dấu sáu năm vụ khủng bố 9-11, hệ thống truyền thông As-Sahab của mạng lưới khủng bố al-Qaeda đã tung ra hai băng hình của trùm khủng bố Osama bin Laden.
Trong lịch sử Hoa Kỳ, Tổng thống George W. Bush đạt một thành tích hiếm có, là đụng đáy ở tỷ lệ ủng hộ 22%. Nay tỷ lệ này đã nhích lên một chút
Để vận động 192 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu bầu Cộng sản Việt Nam trở thành 1 trong 10 thành viên không thường trực
Vào giữa Tháng Tám vừa rồi nhà văn Bích Huyền có trao cho tôi cuốn sách với nhan đề ngồ ngộ "Viết Từ Hang Đá, nhỏ lệ cùng dân"
Bôi, xoá lịch sử hay bịa ra chuyện  để có lợi cho mình không phải là việc làm bất bình thường  của người Cộng sản Việt Nam,
Nhân dịp ông đến Hoa kỳ để họp Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tôi viết thư này gởi đến ông với tất cả sự chân thành của một công dân Việt Nam
...Những nước không có tự do dân chủ, sự lạm dụng và sai lầm sẽ trầm trọng gấp trăm ngàn lần Mỹ, vì bưng bít và không có cơ hội tự điều chỉnh...
Biến cố quan trọng nhất là Khối 8406 đã được thành lập ngày 8/4/2006, liên kết các cá nhân tranh đấu riêng lẻ thành một lực lượng đông đảo đầy khí thế.
Tu chánh án mang tên của Thượng Nghị Sĩ John McCain và Dân Biểu Tom Davis đã được Thượng Viện Hoa-Kỳ chấp thuận gia hạn thêm hai năm (2008 - 2009).
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.