Hôm nay,  

Âu Châu Dưới Bốn Dòng Thác

19/07/200800:00:00(Xem: 8345)
Niềm an ủi là khi người khác còn khổ hơn mình...

Tuần này, khi đi một vòng con con của thế giới để học bài trị quốc đem về cho cử tri chọn lựa, ứng cử viên Barack Obama đã khéo tránh bước qua cổng Brandeburg của thủ đô Berlin.

Berlin là nơi mà năm 1963 Tổng thống John Kennedy hùng hồn tuyên bố: "Tôi là người Bá Linh!", với hàm ý Hoa Kỳ sẽ bảo vệ khu vực tự do của Berlin tới cùng để phá vỡ thế phong tỏa của Liên bang Xô viết trong thời Chiến tranh lạnh. Cổng Brandenburg là nơi Tổng thống Ronald Reagan dõng dạc thách đố năm 1987: "Chủ tịch Gorbachev, hãy hạ bức tường này xuống!" Hai năm sau, bức tường ô nhục sụp đổ và kết thúc Chiến tranh lạnh với sự tan rã của Liên Xô.

Sau khi hai rồng cọp lịch sử đã để lại dấu ấn huy hoàng như vậy tại Berlin với câu tuyên bố nổi tiếng nhất của họ, Obama không dại gì mà ra đó ba hoa. Vì sẽ hiện nguyên hình là kỳ nhông cắc ké. Không có trọng lượng!

Nhưng, Obama cũng có thể hỏi thầm đám cố vấn tranh cử về một từ của Đức: "shadenfreude" -

Vui với nỗi hoạ của người khác!

Và hỏi xem lần đầu mà thế giới nghe nói đến vụ khủng hoảng tín dụng thứ cấp (sub-prime) của Mỹ là ở đâu" Để được biết rằng nơi đó là Âu châu. Rồi hỏi thêm một bài học không thừa về kinh tế toàn cầu, một bộ môn ông không hiểu biết gì nhiều khi là chính khách hoạt động cộng đồng tại Illinois rồi một Nghị sĩ trong ba năm ở Thượng viện mà không nổi bật với bất cứ một đề luật nào. Và đã 130 ghi danh "có mặt" mà không đặt tiền, không bỏ phiếu! 

Cứ để Obama đi học bài trước khi quay về cứu nước, và hãy tạm quên cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ để nhìn lại toàn cảnh cứ gọi là khủng hoảng kinh tế hiện nay. Để phát giác vài điều bất ngờ khác có thể giải thích từ "shadenfreude" mà dân Mỹ đã mượn của Đức.

BÀ MẸ TĂNG SÂM

Hàng ngày, thời sự Hoa Kỳ liên tục loan tin xấu về tình hình kinh tế Hoa Kỳ: sản xuất suy trầm; thất nghiệp tăng trong sáu tháng liền; lạm phát (quy ra toàn năm) lên tới 5% trong tháng qua; xăng dầu bốc giá tới mức kỷ lục khi dầu thô mấp mé 140 đồng một thùng; thị trường gia cư đình đọng, nhiều nơi còn tiếp tục sụt giá; hệ thống tài chánh bị cạn kiệt thanh khoản, hết tiền cho vay; nhiều ngân hàng phá sản, kể cả một cơ sở lớn như IndyMac Bankcorp khiến thân chủ xếp hàng rút tiền trong sự hoảng loạn; hai cột trụ của hệ thống yểm trợ tín dụng gia cư là Fannie Mae và Freddie Mac bị đe dọa sụp đổ làm Tổng trưởng Hank Paulson phải đứng trước bậc thềm của bộ Ngân khố loan báo kế hoạch cấp cứu hầu trấn an thị trường, cứ như Tổng trưởng Tài chánh của một xứ chậm tiến làm ăn lụp chụp, v.v...

Người thiếu am hiểu, hay nhẹ dạ, thì tin chắc rằng ngần ấy tai hoạ đều do Chính quyền Bush gây ra, nay ông Bush lại sắp sửa phủi tay ra đi, để lại một của nợ cho đất nước to bằng đống rác. Lý luận ấy dễ được truyền thông ấu trĩ loan truyền vì Hoa Kỳ đang ở giữa một cuộc tổng tuyển cử, khi mà đổ lỗi là quy luật phổ biến của loại chính trị mị dân...

Các nhà kinh tế xã hội học có thể chỉ ra một quy luật rất dễ kiểm chứng bằng thống kê, khi ta tìm chữ trong danh mục tin tức: trong các năm có tranh cử - hai năm một lần tại Mỹ - và nhất là vào năm có tổng tuyển cử khi dân Mỹ bầu lại Tổng thống - bốn năm một lần - các thuật ngữ kinh tế từ nhẹ đến nặng như suy trầm (recession), suy thoái (depression) hay khủng hoảng (crisis) thường xuất hiện với nhịp độ cao hơn mọi năm, và càng cận kỳ cầu cử thì nội dung càng trầm trọng hơn. Lý do của quy luật là vì các từ ngữ ấy được các chính trị gia sử dụng nhiều nhất để hù họa cử tri và hứa hẹn hão huyền.

Hiện tượng ấy dẫn tới chuyện... bà mẹ Tăng Sâm. Bà cụ hiền thục cứ nghe thiên hạ đồn rằng đứa con trung hậu của mình vừa mới giết người. Nghe mãi rồi, cụ tưởng thật đến nỗi leo tường đi trốn! Tại Hoa Kỳ, người ta leo tường và ngã vào khủng hoảng.

Các nhà tâm lý xã hội học có thể giải thích hiện tượng Tăng Sâm hay "tam nhân thành hổ" - ba người đồn là có cọp giữa chợ là cả chợ nhốn nháo - ở một đặc tính tâm lý của dân Mỹ.

Trong các năm có bầu cử, dân Mỹ dễ mắc bệnh tự kỷ ám thị và dễ hốt hoảng khi toàn nghe tin xấu và cuối cùng, sự hốt hoảng ấy đánh sụt niềm tin, gây thêm tai hoạ kinh tế. Mà tai họa vốn dĩ đã có: 1) sau bảy năm tăng trưởng liên tục, nếu kinh tế Hoa Kỳ có đi vào chu kỳ suy trầm thì cũng là bình thường, vì thường xảy ra sáu năm một lần; 2) sau năm năm căng phồng như trái bóng, thị trường bất động sản có suy thoái cũng là chuyện tất yếu mà nhiều người lạc quan lại nhìn không ra.

Vốn ưa lạc quan thiếu cơ sở, dân Mỹ cũng dễ hốt hoảng bậy rồi tự gây họa cho mình vì sự hốt hoảng ấy. Nếu giới kinh doanh ưa thổi lên trái bóng đầu cơ nhờ tánh hồ hởi sảng thì các chính trị gia cũng ưa thổi lên trái bóng hoảng tiều khiến dân chúng càng ưa hốt hoảng. Và hai bên góp phần nuôi.... truyền thông trong việc loan truyền tin tức mà không phân tách hay giải thích cho rõ.

Điều ấy dẫn tới một quy luật khác, cũng rất Mỹ: nói chung, người Mỹ biết rất nhiều mà hiểu rất ít về thiên hạ sự. Cuộc cách mạng tín học và truyền hình khiến chỉ cần 30 giây dân Mỹ trung bình cũng có thể biết được những gì đang xảy ra trên thế giới. Mà thế giới của họ tập trung vào nước Mỹ. Họ có cảm tưởng là biết rất nhiều mà thật ra lại hiểu rất ít về vấn đề nhân quả trong bối cảnh: vì sao việc đó lại xảy ra và sẽ có hậu quả ra sao" Nếu truyền thông có giải thích dông dài - quá 30 giây- thì thiên hạ không kiên nhẫn theo dõi, bèn bấm qua đài khác!

Vốn kém am hiểu lịch sử và địa dư thế giới - nói chung dân Mỹ thuộc loại chậm tiến nhất trong hai lãnh vực ấy vì thường gây ảnh hưởng cho thiên hạ mà ít bị thiên hạ chi phối - họ lại thiếu kiên nhẫn tìm hiểu những chuyện quá rắc rối mà họ cho là chẳng liên hệ gì tới xứ sở hùng cường này. (Đây cũng là lý do vì sao mà các cộng đồng đa văn hoá và biết ngôn ngữ khác hơn là Anh ngữ thường có cái nhìn trưởng thành hơn mức trung bình của dân Mỹ. Nhưng, khốn nỗi, họ là cộng đồng... thiểu số!)

Nếu không muốn nhìn thiên hạ sự với con mắt cận thị và đầy thiên kiến của đa số dân Mỹ, ta hãy cố ngó xa hơn một chút- và mất công hơn một chút - qua tới nơi mà Obama đang đi du học. Và tự an ủi với chuyện "shadenfreude"!

Nôm na là ngoài vòm trời này, còn vòm trời khác; hoặc ngoài vực sâu này, còn vực thẳm khác.

BỐN DÒNG THÁC ÂU CHÂU

Ngày 15 tháng Bảy, khi cả nước Mỹ còn rúng động vì vụ hai chị em Fannie Mae và Freddie Mac bị điêu đứng, viện nghiên cứu có thẩm quyền của Đức ZEW Institute (chữ viết tắt của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Âu châu) thông báo một tin rất lạ - cho người Mỹ: trong tháng Bảy chỉ số tin tưởng của giới đầu tư vào triển vọng kinh tế Đức đã tuột tới mức kỷ lục (-63,9).

Kinh tế Đức là đầu máy vững mạnh nhất Âu châu nên sự sa sút niềm tin của doanh giới Đức là điều đáng chú ý. Đáng chú ý hơn nữa, nước Đức không là ngoại lệ. Toàn cõi Âu châu đang lo sợ - hay chờ đợi - một cơn khủng hoảng: bị nhận chìm vào bốn dòng thác cùng tuôn trào vào một lúc! Mà hai dòng thác ấy có thể bắt nguồn từ... Hoa Kỳ. Đây là cơ hội cho Obama khám phá ra là.... trái đất hình tròn.

Kinh tế xứ nào thì cũng có lúc thịnh lúc suy, thị trường cổ phiếu có lúc thăng lúc giáng. Các nước Âu châu cũng vậy, và họ dày dạn kinh nghiệm đối phó. Nhưng lần này, họa vô đơn chí vì bị tai họa đồng loạt mà không có cơ chế chống đỡ như tại Hiệp chủng quốc Liên bang Hoa Kỳ - vì Liên bang Âu châu chưa thành hình - và mỗi nước lại đang nhìn về một hướng.

Dòng thác khủng hoảng ngân hàng.

Tháng Tám năm ngoái, vụ khủng hoảng tín dụng thứ cấp của Mỹ đã bùng nổ tại... Âu châu, khiến hàng loạt đại gia ngân hàng và đầu tư tài chánh Âu châu bị chấn động, vỡ nợ và có khi phá sản. Đó là UBS (Thụy Sĩ), Deutsche Bank (Đức), HSBC, Barclays Capital, Royal Bank of Scotland,  Northern Rock (Anh), Société Générale, BNP Parisbas, Crédit Agricole (Pháp) v.v...

Các đại gia ấy lỡ dại mua lại những cái kén trái phiếu của Mỹ, bên trong kén nợ là các lớp bao bọc chồng chất rất nhiều khoản nợ thối, không sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Ngoài các khoản nợ ung thối của Mỹ, họ cũng còn có những kén nợ nội hoá, của Âu châu, vì trò cấp phát tín dụng đầy rủi ro cho loại thân chủ kém khả năng tài chánh không là sáng kiến của bọn doanh gia bất lương Hoa Kỳ.

Đó là quốc sách của nhiều nước Âu châu! Một lý luận "xã hội chủ nghĩa Âu châu" mà đảng Dân chủ tại Mỹ coi là khuôn vàng thước ngọc (hãy nhớ lại đi, biết bao lần ta nghe tới các chính khách Dân chủ yêu cầu là phải có chương trình hữu sản hoá gia cư cho người nghèo!) Nếu không theo dõi kỹ, người Mỹ bình thường có thể cho rằng tại Mỹ - hay tại Bush - mà các ngân hàng Âu châu bị khủng hoảng. Chuyện không đơn giản như vậy.

Hệ thống ngân hàng Âu châu thiếu tính chất nhất quán của hệ thống Hoa Kỳ và có nhiều ách tắc đa tạp trong cơ cấu vì mỗi quốc gia lại có một cơ chế luật lệ và đặc tính kinh tế, xã hội và tài chánh khác. Ách tắc lớn nhất là Ngân hàng Trung ương Âu châu (ECB) lại không có khả năng ứng phó độc lập, nhất quán và đa diện như Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ.

(Xin lỗi độc giả về những chi tiết linh tinh này!)

Xuất phát từ lịch sử và tâm lý Âu châu khi lạm phát phi mã đánh sụp Cộng hoà Weimar tại Đức và đưa Đức quốc xã lên cầm quyền nhờ ma lực tuyên truyền của Hitler, Âu châu sợ lạm phát như sợ dịch tả. Kiểm soát lạm phát là chức năng chính của Ngân hàng Trung ương Âu châu, khác với Ngân hàng Trung ương Mỹ là ổn định giá cả để bảo đảm tăng trưởng kinh tế, một chức năng đa diện hơn.

Thứ hai, định chế này của Âu châu không thể có khả năng cấp cứu đa diện, tinh vi và thích hợp cho 27 quốc gia hội viên của Liên hiệp Âu châu, hay cho từng thành viên của 15 nước trong hệ thống tiền tệ thống nhất Âu châu (khối Euro). Ở trên thì mọi quyết định phải có sự đồng ý của tất cả các hội viên về chánh sách kinh tế tài chánh, ở dưới thì mỗi quốc gia lại có vấn đề và ưu tiên riêng.

Kế đó, sau cuộc tổng khủng hoảng 1929-1933, Hoa Kỳ có rút tỉa bài học và muốn cách ly hai thế giới kinh doanh là tài chánh và kỹ nghệ, và còn giới hạn sự can thiệp của chính quyền vào thị trường với những liều thuốc đổ bệnh. Âu châu lại là nơi mà sau Thế chiến II, Chính quyền đã quốc hữu hoá nhiều cơ sở kinh doanh và hệ thống ngân hàng lại có quan hệ chòng chéo với các tổ hợp kỹ nghệ. Mối liên hệ mà tư bản Mỹ coi là loạn luân và phải tránh giữa ngân hàng, kỹ nghệ và nhà nước lại là chuyện bình thường, và được khuyến khích, tại Âu châu!

Khi khủng hoảng bùng nổ, tín dụng cạn kiệt và doanh nghiệp thiếu vốn thì chuyện đang là thời sự tại Mỹ và sẽ là thời sự Âu châu, các nước Âu châu có khả năng ứng phó kém hơn và bị khủng hoảng dễ lan rộng hơn. Khủng hoảng ra sao, ở những nơi nào mà vì sao như vậy là chuyện quá dài cho cột báo này (ngân hàng Đông Âu và vùng Balkan bị tai họa nặng nhất vì là nơi mà các ngân hàng Tây Âu đã trút vào 1.000 tỷ đô la...)

Nhưng đây là chuyện Obama nên học trước khi kê toa bốc thuốc cho kinh tế Mỹ!

Gạo châu củi quế trong dòng thác lạm phát

Hai dòng thác kế tiếp đang nhồi vào nhau thành vòng xoáy đi xuống là lạm phát giữa nạn gạo châu củi quế.

Âu châu là một khối kinh tế rất mạnh về canh nông và lương thực. Nhiều cường quốc kinh tế Âu châu là thế lực canh nông với khả năng sản xuất và xuất cảng đáng kể. Nhưng, Âu châu là nơi mà chánh sách trợ giá nông sản được thống nhất và khi lương thực lên giá như hiện nay, cơ chế gọi là "Chánh sách Canh nông chung" không thể xoay chuyển linh động để giải quyết chuyện cơm gạo cho quốc gia nào bị điêu đứng. Nôm na là khó san xẻ từ nơi thừa qua nơi thiếu khi người dân nơi nào cũng thấy là mình bị khốn khổ vì thực phẩm tăng giá.

Có đổ lỗi cho năng lượng sinh học "biofuels" của Mỹ làm ngô bắp đầu nành hay dầu ăn lên giá cũng chẳng giải quyết được vấn đề!

Vậy mà chuyện gạo châu - thức ăn lên giá - vẫn chưa kinh hãi bằng chuyện củi quế - năng lượng đắt đỏ. Dầu thô lên giá trên toàn thế giới là khoản thuế rất nặng cho mọi nước tiêu thụ. Mà dầu thô lên chừng nào thì khí đốt tăng chừng đó; khí đốt lại là võ khí chiến lược của Liên bang Nga.

Liên bang Nga hiện nắm hai vòi năng lượng là dầu thô và khí đốt. Chế độ Vladimir Putin thoát hiểm và trở thành hung hãn là nhờ năng lượng lên giá. Khi Nga hạn chế bán dầu và dùng khí đốt bắt bí Âu châu về các vấn đề như Kosovo, Serbia, Ukraine và Georgia  - là chuyện đã và còn xảy ra - các nước Âu châu sẽ bị tai ương nặng nề hơn.

Ta đều biết dân Âu châu tằn tiện về xăng dầu chạy xe hơn dân Mỹ, nhưng họ vẫn cần năng lượng cho sản xuất kỹ nghệ. Tháng Năm vừa qua, sản lượng công nghiệp Âu châu sụt mất 1,9%, mức sụt giảm nặng nhất từ 16 năm nay. Chuyện ấy chưa hãi bằng đà sụt giảm của Đức, Pháp và Tây Ban Nha: giảm 2,6%. Nước Đức là đầu máy kinh tế Âu châu và lệ thuộc khá nhiều vào xuất cảng. Khi kinh tế, công nghiệp và xuất cảng suy sụp, lợi tức xứ này sẽ sụt theo, và kéo theo các nước khác trong toàn khối.

Mà chuyện họa vô đơn chí không chấm dứt tại đó.

Trong tháng Sáu, lạm phát tại Âu châu đã tăng 4% kể từ cùng kỳ năm ngoái, khiến Ngân hàng Trung ương Âu châu phải miễn cưỡng nâng lãi suất 25 điểm vào tháng Bảy. Sản xuất và năng suất đang bị đình trệ thì vật giá vẫn gia tăng vì những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của các nước Âu châu nên Ngân hàng Trung ương phải tăng lãi suất mà vẫn không chặn nổi nguy cơ khủng hoảng ngân hàng.

Và giữa cơn phi mã của giá cả, thị trường gia cư địa ốc Âu châu lại tuột dốc: trái bóng gia cư địa ốc của Mỹ chỉ bằng quả chanh so với quả bưởi Âu châu. Thị trường Âu châu tăng giá phi lý còn hơn thị trường Mỹ trong các năm 2001-2005, mà chưa điều chỉnh, nên sẽ bể. Và sẽ quăng cả nhà cửa lẫn ngân hàng vào dòng xoáy của cơn khủng hoảng. Theo thứ tự nguy kịch, đó là các thị trường Ái Nhĩ Lan (nguy gấp ba thị trường Mỹ trước khi bể), Hoà Lan, Anh quốc, Áo quốc, Pháp, Na Uy, Đan Mạch, Bỉ, Tây Ban Nha, Thụy Điển, và Ý Đại Lợi. Khá hơn Mỹ thì chỉ có Đức và Phần Lan.

Dân Mỹ không biết chuyện đó nên đấm ngực than trời và các chính trị gia đấm nhau tơi tả! Dân Âu châu có thể hùa theo đánh hôi vì một lý do họ nghĩ là... chính đáng.

Lửa tắt bình khô rượu tại Hoa Kỳ

Khi truyền thông Mỹ làm bản sao tin tức của Âu châu về Hoa Kỳ, họ thổi lên cái tội "oán Bush": tại kinh tế Mỹ mà dân Âu châu thêm khốn đốn!

Thị trường Hoa Kỳ tiếp nhận 25% tổng số xuất cảng của Âu châu. Từ ba năm nay, khi tiền Mỹ mất giá và Euro lên giá, hàng Mỹ trở thành rẻ hơn và hàng Âu châu bán cho Mỹ thành đắt hơn, làm Âu châu càng khó cạnh tranh. Khi Ngân hàng Trung ương Âu châu phải tăng lãi suất để ngừa lạm phát - nay ở mức 3,75% - thì Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức 2%, làm tiền Âu vẫn đắt hơn tiền Mỹ - và giảm sức cạnh tranh của hàng Âu bán vào Mỹ.

Khi cả nước Mỹ thi nhau nói về nguy cơ khủng hoảng thì lạc quan tếu như giới tiêu thụ Mỹ cũng thấy hốt hoảng - bèn bảo nhau thắt lưng buộc bụng. Khi kinh tế Mỹ lại bị suy trầm đình đọng thì nhập cảng vào Mỹ tất nhiên là giảm. Oan hay ương, ngần ấy yếu tố đều đánh sụt số xuất cảng của Âu châu vào Hoa Kỳ. Và càng đẩy kinh tế Âu châu xuống vực.

Dân chúng Âu châu có thể coi thường Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của một tổng thống hung hăng, cao bồi và kém văn hoá là George W. Bush. Và hả hê khi thấy kinh tế Mỹ suy sụp, trong sự nhiếc móc "cho đáng kiếp"! Nhưng kinh tế Âu châu cũng có nhiều nhược điểm nội tại và sự suy sụp của một đầu máy kinh tế là Hoa Kỳ chẳng giúp gì cho Âu châu mà còn gieo thêm tai hoạ vì dễ bị tuột neo xuất cảng vào Mỹ và trôi vào bão tố.

Vắng bóng tài công trong cơn bão.

Barack Obama tin rằng lãnh đạo Âu châu có chiều sâu văn hoá hơn hẳn Bush và McCain. Không khó! Nhưng, vẫn có thể học được nhiều bài học về chính trị toàn cầu trong chuyến Âu du này. Khủng hoảng kinh tế đang đe dọa toàn khối Âu châu, mà con thuyền say này thiếu tài công!

Thứ nhất, Liên hiệp Âu châu đang bị khủng hoảng vì dân Ái Nhĩ Lan cự tuyệt dự thảo hiến pháp Âu châu (Thỏa ước cải cách). Lên làm Chủ tịch luân phiên của Liên Âu kể từ đầu tháng này, nước Pháp của Tổng thống Nicolas Sarkozy có nhiều ưu tiên khác cho khối Âu châu hơn là cải cách kinh tế ở trong nước, nhất là khi uy tín của ông bị sa sút nặng với dân Pháp. Cải cách rồi lãnh nạn đình công biểu tình là điều quá rủi ro trong mùa Hè, hãy đón tin tháng Tám thì biết. Cho nên, Pháp chưa thể là đầu máy kéo Âu châu ra khỏi vực thẳm!

Thứ hai, nước Đức chuẩn bị bầu cử với hai đảng lớn nhất đang cùng cầm quyền sẽ cố gắng vừa thắng cử vừa không làm tan vỡ thế liên hiệp. Dù là lãnh tụ sáng nước nhất của cường quốc kinh tế số một, Thủ tướng Angela Merkel cũng khó đề nghị những chương trình cải cách rốt ráo và cần thiết cho nước Đức: có lý mà mất quyền là chuyện hiếm hoi trong chính trị!

Một quốc gia sáng lập ra Thị trường chung Âu châu, tiền thân của Liên hiệp Âu châu là nước Bĩ thì đang bị khủng hoảng vì khai sinh khi chính phủ đổ lần thứ ba trong ba tháng. Khủng hoảng vì hai sắc dân Flamands hay Flemish (gần với Đức và Hoà Lan) không thể sống chung cùng dân Wallons hay Walloon (gần với Pháp, và hát quốc gia Pháp "La Marseillaise" nhuyễn Tây chính hiệu).

Khác biệt hay đối nghịch về ngôn ngữ, sắc tộc và cả chánh sách kinh tế xã hội (vốn có kỷ cương rất Đức, dân Flamands bất mãn vì chế độ bao cấp sặc mùi Tây của dân Wallons), khiến xứ này có thể bị xé đôi, có khi còn rút khỏi hệ thống tiền tệ thống nhất và trở thành một con bệnh Âu châu. Trụ sở Bruxelles của Âu châu nằm trên lãnh thổ Bỉ, khủng hoảng mà xảy ra, Âu châu sẽ... dọn nhà đi đâu"

Các cường quốc Âu châu khác cũng chẳng khá hơn.

Thủ tướng Gordon Brown của Anh có thể đạt thành tích u ám là làm đảng Lao động mất quyền sau hai nhiệm kỳ dù sao vẫn là sáng láng của Tony Blair. Với Brown, chuyện lục địa Âu châu ở bên kia biển Manche không là ưu tiên hàng đầu. Chính trường Ý Đại Lợi cũng có nhiều bất trắc dưới sự lèo lái của Thủ tướng tỷ phú Silvio Berlusnoni, người vừa trở lại cầm quyền hồi tháng Năm vì cử tri thất vọng về Thủ tướng Romano Prodi - nguyên Chủ tịch Hội đồng Âu châu. Dân Ý có người còn hoài ngoài việc thống nhất tiền tệ và đòi rút khỏi khối Euro!

Tại "Âu châu mới", Ba Lan là một nước lớn, khá thất vọng với chánh sách "bá quyền" của các ma cũ là Tây Âu, lại đang có mâu thuẫn lớn giữa Tổng thống Lech Kazindky và Thủ tướng Donald Tusk. Cộng hoà Tiệp (Czech) còn bất trắc hơn vì đảng cầm quyền của Tổng thống Vaclav Klaus và Thủ tướng Mirek Tololánek hiện là đảng thiểu số trong một chế độ đại nghị.

Nghĩa là trong khi bão tố kinh tế có thể bùng nổ, ngần ấy quốc gia có ảnh hưởng nhất đều bận việc nhà và không thể lèo lái được con thuyền kinh tế. Còn lại, chỉ có Ngân hàng Trung ương với khả năng thu hẹp. Chuyện khủng hoảng kinh tế khiến nhiều chính quyền Âu châu sẽ đổ là biếncó có xác suất cao! Và khi xảy ra, sẽ còn trầm trọng hơn Hoa Kỳ gấp bội....

***

Cựu Nghị sĩ Cộng hoà Phil Gramm của tiểu bang Texas là một giáo sư kinh tế học, xưa kia thuộc đảng Dân chủ (cho tới 1983). Ông có kinh nghiệm đa diện và có vợ là một Giáo sư Đại học gốc Đại Hàn sinh tại Hawaii. Nhưng nổi  tiếng trong thời sự là đồng chủ tịch ủy ban tranh cử kiêm cố vấn trưởng về kinh tế cho John McCain.

Hôm mùng chín vừa qua, nhân vật đầy uy tín và ảnh hưởng đó đã lãnh một gáo nước lạnh, từ chính John McCain, khi trả lời phỏng vấn cho nhật báo The Washington Times, rằng: "chúng ta đã trở thành một quốc gia hay rên!" Đại để là tình hình đâu đến nỗi nào, nhưng Hoa Kỳ mắc bệnh suy thoái tâm thần nên cứ hốt hoảng bậy!

Giữa một cuộc tranh cử, khi kinh tế Mỹ đang sa sút, lời phát biểu quả là thiếu "phải đạo"! Nhưng chưa chắc là hàm hồ hay thiếu văn hoá. Phải chi, ông nhắc tới mối nguy toàn cầu và tai họa còn nghiêm trọng hơn tại Âu châu để dân Mỹ bớt than vãn. Có khi còn mừng theo kiểu... shadenfreude!

Phil Gramm có thẩm quyền vì đang là Phó Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư UBS Investment Bank, một đại gia của Thụy Sĩ! Phải chi là trong chuyến du học tuần này Barack Obama cũng học được đôi ba điều về Âu châu như vậy.

May ra Obama sẽ không đưa ra những đề nghị sảng và góp phần gây nên tình trạng suy thoái tâm thần.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.