Hôm nay,  

Cuộc Đời Phi Thường Của Kalu Rinpoche

24/05/200800:00:00(Xem: 10093)

Ngài Kalu Rinpoche

Kalu Rinpoche (1905-1989) là một Đạo sư vĩ đại của Phật Giáo Tây Tạng. Trong bài tường thuật về tiểu sử của ngài, Dezhung Rinpoche, một Lạt ma cao cấp của phái Sakya đã viết: 

"Lạt ma Kalu Rinpoche Tôn quý là ý nghĩa thực sự của Đức Dorje Chang (Kim Cương Trì) Vĩ đại - hiện thân những phẩm tính và hoạt động bên ngoài, bên trong và bí mật của Ngài theo cách mà chúng sinh bình thường như chúng ta có thể nhận thức được và phù hợp với căn cơ của ta. Tôi cảm thấy tiểu sử của ngài rất cần được viết ra, và rất hy vọng rằng điều đó có thể được thực hiện. Hiện nay Rinpoche đã cho phép chúng ta, những người sùng mộ và đệ tử của ngài, được viết ra điều đó. Nếu những tiểu sử của những bậc linh thánh trong thế giới này không được thuật lại rõ ràng thì điều đó quả là một tổn thất to lớn cho chúng ta. Vì thế tôi cầu nguyện rằng các bạn sẽ ghi khắc tiểu sử này trong tâm."

Tiểu sử của Kalu Rinpoche Tôn kính được biên dịch dựa theo Tự truyện của Kalu Rinpoche, theo lời thuật lại của Dezung Rinpoche và những tài liệu khác.

Dòng dõi

Gyaltses Lodro Taye (Đức Kalu Rinpoche), người được thừa nhận là Hóa Thân Hoạt động để điều phục chúng sinh, là một trong nhiều hiện thân trí tuệ kỳ diệu của Jamgong Kongtrul Rinpoche. Tiền thân của Jamgong Kongtrul Rinpoche là A La Hán Ananda (A Nan), đệ tử thân thiết nhất của Đức Phật. Ngài là đại dịch giả Vairocana; là vị Thầy uyên bác và thành tựu Khyungpo Naljor; là Sakya Pandita, Jonang Taranata, và Rikdzin Terdak Lingpa. Toàn bộ dòng tâm của các ngài là một hiện thân, được Đức Phật tiên tri trong Kinh Samadhiraja (Kinh Định Vương) và Mahaparinirvana (Kinh Đại Bát Niết Bàn), và được Urgyen Chenpo Padmasambhava (Đức Liên Hoa Sanh) tiên tri trong nhiều pho sách kho tàng (terma). 

Jamgong Kongtrul (1818-1899) sinh ở Derge thuộc vùng Do-Kham. Từ Sechen Pandita Gyurma Thutop Namgyal, từ Jamyang Khyentse Wangpo Thấu suốt Mọi sự, và từ Lạt ma gốc phi thường Situ Pema Nyinche cùng hơn năm mươi vị Thầy khác, ngài đã thọ nhận đại dương trí tuệ các giáo lý Kinh điển và tantra (Mật điển), là những điều ngài đã nghe và suy niệm một cách viên mãn. Trong kinh nghiệm thiền định của ngài, ngài đã thọ nhận thật rõ ràng dấu hiệu ấm áp của sự thành tựu. Các tác phẩm của ngài gồm có Kho tàng Trí tuệ Toàn khắp, Kho tàng những Giáo lý Kim Cương thừa, Kho tàng những Giáo lý Thì thầm bên tai, Kho tàng những Kho tàng Quý báu, và Kho tàng Phi thường kể cả Kho tàng những Giáo lý Bao la của nó. Nhờ công hạnh liên tục làm thuần thục và giải thoát của ngài trong việc sáng tác những tác phẩm này - những pho sách Năm Kho tàng Vĩ đại, ngài đã làm hồi sinh các giáo lý của các truyền thống, Cổ, Tân và Chiết trung đang ở thời điểm suy tàn. Ngài đã thành tựu những lợi lạc vĩ đại cho Giáo lý và cho chúng sinh. Ở tuổi tám mươi bảy ngài thị tich vào Pháp giới an bình. Hiện vẫn còn lưu lại một tiểu sử khá đồ sộ của ngài. 

Kalu Rinpoche, hóa thân của Jamgong Kongtrul, sinh ra trong gia đình Ratak ở Beru, tại Hor Treshe vào năm Thủy Tị Nữ (1905). Thân phụ của ngài là Lekshay Drayang (Ratak Tulku), được gọi là Pema Norbu, một yogi (hành giả) thành tựu và là một thầy thuốc nổi danh. Ratak Tulku là hóa thân thứ mười ba của Ratak Palsang và là đệ tử trực tiếp của hai Đạo sư vĩ đại Jamyang Khentse và Jamgon Kongtrul Rinpoche, những vị Thầy khởi xướng phong trào không bộ phái (Rime). Thân mẫu của ngài đã hiến mình cho việc tu tập Phật Pháp từ khi còn rất nhỏ. Bà được gọi là Drolkar (Tara Trắng Nhỏ), một danh hiệu do Đạo sư Jamgon Kongtrul ban cho. Ngoài năm trăm ngàn thực hành chuẩn bị, bà đã hoàn tất một trăm triệu lần trì tụng thần chú Vajra Guru (Đạo sư Kim cương), hai trăm triệu thần chú Mani (Sáu Âm), một trăm triệu thần chú Amitabha (A Di Đà) và một trăm triệu thần chú Vajrasattva (Kim Cương Tát Đỏa). Từng dấn mình vào những tích tập rộng lớn về đức hạnh và tịnh hóa, bà bỏ lại thân xác vào tuổi bảy mươi tám tại Bumthang (Bhutan).

Khi Rinpoche ra đời, những vòm cầu vồng chói ngời và tuyết đổ thật nhẹ như một trận mưa hoa trên không trung và xung quanh căn nhà. Thân mẫu và những người thân của Rinpoche thuật lại rằng ngay khi sinh ra, cậu bé nhìn xung quanh và mỉm cười rạng rỡ, không hề lộ vẻ sợ hãi hay bẽn lẽn. Cậu nói về việc truyền bá giáo lý của dòng Kagyu và lập lại Thần chú Sáu-Âm. Cha mẹ cậu và mọi người trong vùng hết sức hoan hỉ, và việc cậu bé ra đời được báo trước như sự đản sinh của một hóa thân vô cùng kỳ diệu. 

Thân phụ của Rinpoche có nhiều giấc mơ cho thấy Kalu Rinpoche là một hóa thân của Kongtrul Rinpoche. Đặc biệt là ngài Tubten Choskyi Dorje, Dzogchen Rinpoche thứ năm, đã dâng nhiều món cúng dường tâm linh, ba vật linh thánh, một con ngựa tuyệt hảo, và những vật cúng dường khác. Ngài bảo Ratak Tulku rằng con trai ông chắc chắn là hóa thân của Jamgong Kongtrul, và cậu bé cần được dâng cúng cho Tu viện Dzogchen. Ratak Tulku không đồng ý với điều đó nhưng giữ lại các tặng vật. Kalu Rinpoche nói rằng con ngựa rất ích lợi cho ngài và nói ngài cưỡi nó đi khắp mọi nơi.

Việc Tu tập

Ngay từ khi còn bé, Rinpoche đã không giống những đứa trẻ khác. Mọi người nhận thấy cậu bé này thật đặc biệt. Những khuynh hướng đức hạnh đã thức dậy trong cậu. Thật tự nhiên, cậu chỉ ước muốn vứt bỏ của cải và những thú vui của một cuộc đời tầm thường và tuyệt đối tuân thủ thực hành tâm linh ở một động đá nào đó trong núi non cô tịch. Cậu có khuynh hướng bi mẫn, lòng sùng mộ và sự thông tuệ vĩ đại. Lòng bi mẫn đối với chúng sinh khiến cậu rơi lệ, đặc biệt là đối với những người bị ưu phiền và đau khổ đè nặng. Cậu cũng có niềm tin và lòng sùng mộ mãnh liệt đối với các Lạt ma mà với các ngài cậu đã tạo nên một sự nối kết bằng cách nhận từ các ngài những quán đảnh làm thuần thục tâm linh và những giáo lý giúp đạt được giải thoát.  

Từ thân phụ và những người khác, Rinpoche học viết, đánh vần, lễ puja, Phật sự và những môn khác bằng trí nhớ. Nhờ trí nhớ toàn hảo, mỗi ngày Rinpoche có thể học thuộc lòng bốn mươi trang sách. Khi Rinpoche còn rất trẻ, thân phụ của ngài đã phải làm việc cực nhọc để dạy ngài đọc, viết và hiểu biết Giáo Pháp. Bởi thân phụ ngài hết sức nhiệt tâm trong những việc trì tụng hàng ngày, những khóa thiền và nhập thất của riêng ông nên Rinpoche cũng phải thức khuya, dậy sớm, lấp đầy một ngày bằng những khóa thiền định, thực hành, nghiên cứu và tu tập. Ngài hết sức thông tuệ và có khả năng tự nhiên về ngôn ngữ (biện tài).  Ngài nhận Đức Tara Trắng và Quán Thế Âm là các Bồn Tôn của ngài. Năm Rinpoche mười ba tuổi, ngài chính thức đi vào Giáo lý quý báu của Đấng Chiến Thắng. Vị Tai-Situ thứ mười một là ngài Padma Wangchuk cho ngài thọ giới và ban Pháp danh là Karma Rangjung Kunchab - Tự-Sinh và Trùm Khắp. Về sau này, ai cũng nói rằng đó là một danh hiệu thích hợp.   

Năm mười lăm tuổi, Rinpoche nhập hạ tại Tu viện Bengen ở Hor. Trước một tập hội gồm hàng trăm tăng, ni, và cư sĩ, ngài giảng về ba cách thọ giới.(1) Bởi ngài thuyết giảng với sự vô úy và xác quyết bắt nguồn từ một sự hiểu biết vững chắc, bài giảng của ngài chinh phục được trái tim của mọi người. Hội chúng bình luận về sự thông tuệ chói ngời, lối nói chuyện tuyệt vời, và cách trình bày chính xác của ngài. Rinpoche đi tới Tu viện Pepung (Palpung), tu viện chính của phái Karma Kagyu và bản doanh của các hóa thân Tai-Situ, ở đó ngài được Situ Rinpoche là Pema Ongchuk Gyalpo chăm sóc với lòng bi mẫn. Vị này tuyên bố ngài là một hiện thân trí tuệ của Jamgong Kongtrul. Rinpoche được các đệ tử đích thực của Jamgong Kongtrul là Kes-ong Tashi Chospel và những vị Thầy khác dạy nhiều môn học và thực hành các giáo lý Kinh điển và Mật điển. Từ Thiền sư thành tựu viên mãn Norbu Dundrub, ngài nhận toàn bộ những giáo lý làm thuần thục và giải thoát của Karma và Shangpa Kagyu. Từ Situ Rinpoche, Gyaltses Khentse Oser, Pepung Khentse Rinpoche và nhiều vị Thầy khác ngài đã nhận lãnh liên tục và đầy đủ những giáo lý của Năm Kho tàng Vĩ đại. Năm mười sáu tuổi, Rinpoche thực hiện khóa nhập thất ba năm, ba tháng tại trung tâm nhập thất vĩ đại tại Tsa-dra Rinchen Drak (Kunzang Dechen Osal Ling). Ẩn thất này từng là trụ xứ chính của Jamgon Kongtrul, là vị Đạo sư mà Đức Phật đã tiên tri trong nhiều Kinh điển và tantra (Mật điển). Trong thời gian này, niềm tin nơi các Lạt ma và Giáo Pháp, và nhiệt tâm của ngài đối với việc thực hành thật không bờ bến. Để bảo đảm là có thể thức dậy sớm vào buổi sáng, ngài đã ngủ ngồi, lưng tựa vào cửa phòng. Vào buổi sáng, khi vị tu sĩ đá vào những cánh cửa phòng để đánh thức những người nhập thất, Rinpoche hối hả chạy vù qua phòng mình. Khi ngài cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, ngài ngồi ở rìa cửa sổ. Trong tư thế này ngài sẽ ngã xuống sàn nhà ngay khi lơ mơ ngủ. 

Tại trung tâm nhập thất này, Rinpoche hoàn tất khóa nhập thất truyền thống ba năm dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Lạt ma Norbu Dondrup, Đạo sư nhập thất, mà từ vị Thầy này Rinpoche đã nhận toàn bộ sự trao truyền của các Dòng Karma Kagyu và Shangpa Kagyu. Trong thời kỳ này, Kalu Rinpoche bắt đầu có nhiều giấc mơ trong đó ngài viếng thăm những cõi Tịnh độ và nhận giáo lý từ chư Phật và Bồ Tát. Khi ngài mô tả những kinh nghiệm này, Bổn sư của ngài tỏ vẻ ít quan tâm, nói với ngài một cách giản dị rằng các giấc mơ chỉ là một ảo tưởng, không tốt mà cũng chẳng xấu, và giải thích "Các giấc mơ này là những kinh nghiệm phát sinh trong thực hành, nhưng điều quan trọng là phải thiền định và chứng ngộ bổn tâm con là Mahamudra (Đại Ấn). Những giấc mộng sẽ chẳng bao giờ là nguyên nhân của giác ngộ." Được cảm hứng sâu xa bởi những lời dạy này, Kalu Rinpoche quyết định từ bỏ mọi hoạt động thế tục và hiến mình cho việc thành tựu sự giác ngộ viên mãn. 

Sau khi hoàn tất khóa nhập thất ba năm tại Thiền đường Pepung, ngài tới Tu viện Bengen ở Hor, quê hương của ngài. Năm hai mươi lăm tuổi, Rinpoche hoàn toàn từ bỏ mọi công việc, mọi ràng buộc và tiện nghi của cuộc đời thế tục. Ngài sống trong những ẩn thất cô tịch trong núi non ở Lhapu (thuộc miền Derge), trong hang động và những nơi không có bóng người. Trong thời gian mười hai năm, ngài đã thực hành khổ hạnh nghiêm nhặt với sự nhẫn nại không bờ bến. Ngài hài lòng với những gì ngài có, không phân biệt, và thoát khỏi mọi mối bận tâm thế tục. Mọi vật cúng dường ngài nhận được từ những người có niềm tin nơi ngài nhân danh những người đã mất, ngài đều sử dụng cho những mục đích tâm linh. Cuộc đời của Rinpoche trong thời gian mười hai năm này rất ít được biết tới. Ngài sống ở những nơi cô tịch với rất ít thực phẩm. Trong những năm này, đôi khi Rinpoche rời ẩn thất để viếng thăm và tham vấn Lạt ma Norbu Dondrub, Bổn sư của ngài. Một số trong những nơi này không thể đến được vào mùa đông. Đã có lần Lạt ma Gyaltsen, thư ký của Rinpoche, viếng thăm Rinpoche khi ngài còn trẻ. Ông nhớ lại rằng hang động của Rinpoche còn nhỏ hơn chỗ lõm trong một tảng đá, hoàn toàn trống trải ở hướng bắc và lồng lộng gió suốt ngày đêm. Lạt ma Gyaltsen cảm thấy hang động đó là một nơi khủng khiếp và thật sung sướng khi được rời khỏi nơi đó sau một thời gian ngắn. Thật không thể tưởng tượng nổi là Rinpoche có thể ở một nơi như thế trong vài tháng. 

Lòng Sùng mộ và Các Đạo sư

Ngài có lòng sùng mộ thật mãnh liệt đối với Đạo sư của ngài là Lạt ma Norbu đến nỗi trong suốt cuộc đời của Rinpoche, ngài đã ba lần dâng cúng mạn đà la tất cả những gì ngài có được cho vị Thầy trong ba thời điểm riêng biệt. 

Ngài đã tu học với nhiều Đạo sư uyên bác và thành tựu: Tashi Chopel (thư ký của Jamgon Kontrul), hóa thân Tai-Situ thứ mười một, Padma Wangchuk, Palpung Khyentse Shenpen Ozer (hiện thân về ngữ của Khyentse Wangpo), Tsabtsa Drubgyu (một hóa thân cao cấp tại Tu viện Tsabtsa ở Kham), Dzokchen Rinpoche thứ năm (Tu viện trưởng Tu viện chính yếu của phái Nyingma ở miền Đông Tây Tạng), Zhechen Gyaltsab (một hóa thân cao cấp ở Tu viện Zhechen), Zhechen Kontrul (hóa thân Kontrul tại Tu viện Zhechen), Khyentse Chokyi Lodro (hiện thân hoạt động của Khyentse Wangpo), Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười Bốn, hai Thầy trợ giáo của Đức Đạt Lai Lạt Ma (Ling Rinpoche và Trijang Rinpoche), Đức Karmapa thứ Mười Sáu, Pawo thứ mười một, Tsuklak Mawai Wangchuk, Đức Dudjom Rinpoche (khi đó là vị lãnh đạo Phái Nyingmapa), Dilgo Khyentse Rinpoche (hiện thân về tâm của Khyentse Wangpo), Kangyur Rinpoche, Chatral Rinpoche Songjay Dorje, Đức Sakya Trichen (vị lãnh đạo một trong hai bộ chính của Phái Sakya), Dezhung Rinpoche (học giả cao cấp của phái Sakya), và những vị Thầy khác. Với những Lạt ma linh thánh này, Rinpoche đã hết sức tinh tấn trong việc nghiên cứu, suy niệm, thiền định, và thực hành vô số tuyển tập giáo huấn từ các Kinh điển và Mật điển của các Truyền thống Cũ và Mới. Nhờ những nỗ lực của Rinpoche, hầu như ngài đã trở thành nam tử tâm linh của tất cả những vị Thầy này. 

Ngài cũng dâng toàn bộ giáo huấn tâm linh trong việc làm thuần thục và giải thoát cho các bậc linh thánh, các Lạt ma, hóa thân, và những nhân vật quan trọng: Jamgon Khyentse Ozer, Khyentse Chokyi Lodro, Karmapa thứ Mười Sáu Rangjung Rikpai Dorje, Zhechen Kongtrul Rinpoche, Pawo Rinpoche, Dilgo Khyentse Rinpoche, Chatral Songjay Dorje Rinpoche, hóa thân của Dzongsar Khyentse Rinpoche, Sakya Dakchen Rinpoche, Sakya Dezhung Rinpoche, Nyenpa Choktrul, Drongsar Khyetse, Palpung Khyentse, Dsigar Choktrul, Trangu Khenpo, Đạo sư Kim cương Tenga Rinpoche, Baiyul Rinpoche, Sonam Zangpo, Bokar Rinpoche, các hóa thân nam tử của Orgyen Tulku …

Giáo hóa Chúng sinh

Trải qua những gian khổ, với nghị lực mãnh liệt Rinpoche đã hoàn tất những thực hành tịnh hóa chuẩn bị, và những thực hành chính của các thiền định phát triển và thành tựu. Tiếng tăm về sự thành tựu của ngài lan truyền khắp nơi. Đối với Rinpoche, sống trong những sơn thất cô tịch là lối sống có ý nghĩa nhất, và ngài sung sướng được tiếp tục sống trong núi non và thiền định trong phần còn lại của đời mình. Sau khi Kalu Rinpoche trải qua mười hai năm thiền định theo cách này, các Lạt ma của ngài thấy rằng nếu ngài trở về và giảng dạy Giáo Pháp thì sẽ hết sức lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Và cuối cùng, những khẩn cầu từ Tai-Situ Padma Wangchuk và Norbu Dondrub đã thúc đẩy ngài rời khỏi ẩn thất. Theo lệnh của Situ Rinpoche, ngài được chỉ định là Đạo sư của Trung tâm nhập thất ba năm của Jamgong Kongtrul Rinpoche tại Tu viện Pepung (Palpung), ở đó trong nhiều năm ngài liên tục ban những quán đảnh làm thuần thục, những giáo lý giải thoát, và thẩm quyền cần thiết để tụng đọc Kinh điển, và đã đào tạo được nhiều đệ tử thành tựu. 

Sau khi hai khóa nhập thất đã hoàn tất dưới sự hướng dẫn của Rinpoche, ngài khẩn cầu Tai Situ Rinpoche và Palden Khyentse Ozer cho phép thực hiện một chuyến hành hương tới Lhasa. Ngài ước muốn được du hành như một hành khất, tự mang thực phẩm và quần áo của mình, nhưng Tai Situ Rinpoche phản đối và nói: "Ngài giống như viên ngọc quý của tôi," và dâng cho Rinpoche nhiều bò yak cùng những người phục vụ. Tuy nhiên, Kalu Rinpoche chỉ nhận nửa số bò yak và chỉ có người em và một tu sĩ cùng đi với ngài.  

Rinpoche đi hành hương tới xứ U, miền Trung Tây Tạng. Cùng lúc đó, Situ Rinpoche Pema Ongchuk Gyalpo tới chỗ hành hương. Theo lệnh của Situ Rinpoche, Rinpoche đã giảng dạy toàn bộ Sáu Giáo lý làm thuần thục và giải thoát của Niguma của Shangpa Kagyu cho vị Trì Minh Vương hóa thân vĩ đại phái Gelug là Kar Dor Rinpoche, và cho Lhatsun Rinpoche và nhiều geshe Gelugpa khác. Từ những vị này ngài nhận những vật cúng dường to lớn được tạo nên bởi lòng tôn kính vô biên. Tại Điện Jokhang ở Lhasa, Rinpoche đã dâng những vật cúng dường bằng vàng trước pho tượng Jowo (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mười hai tuổi) , và tụng rất nhiều lời nguyện "Thiện Hạnh". Tại Lhasa, Kalu Rinpoche tổ chức việc xây dựng lại một vài thánh địa Shangpa đã bị phá hủy và ban những nhập môn Dòng Shangpa và các giáo lý cho nhiều Geshe, Lạt ma và Tulku. Trong khi viếng thăm Tu viện Tsurphu, ngài dâng cúng mọi thứ ngài có cho Đức Gyalwang Karmapa thứ Mười Sáu Rangjung Rikpay Dorje. Vị Thầy vĩ đại này đã thừa nhận Kalu Rinpoche là hiện thân hoạt động của Jamgon Kongtrul Lodro Thaye.

Trong chuyến hành hương, khi ngài đang đi nhiễu những thánh địa ở U, Tsang, và Ru-shi, Rinpoche ở nhà của một thí chủ giàu có tại miền Kyangtsi. Trong một giấc mơ, một thiếu niên có nước da trắng hiện ra trước ngài và nói với vẻ buồn rầu rằng cậu là Khyungpo Tsultrim Gonpo, nhưng trong Thời đại Tối ám này cậu không thể làm lợi lạc cho giáo lý và chúng sinh. Rinpoche mơ thấy rằng trong y áo của chính ngài có một lưỡi dao tigug và một cái chén sọ người. Ngài lấy những món này cho cậu bé, và nói: "Nếu ngài không rời những vật dụng này, ngài sẽ thành tựu mục đích của ngài. Ngài đừng lo." Sáng hôm sau ngài nhìn thấy một cậu con trai của gia đình giống hệt thiếu niên trong giấc mộng. Rinpoche nói với cha mẹ cậu rằng không còn nghi ngờ gì nữa, thiếu niên này là một hiện thể linh thánh và cậu cần được đối xử hết sức trân trọng và được đi vào cửa Pháp. Cha mẹ cậu rất vui lòng và Rinpoche thụ phong cho cậu bé đồng thời ban cho cậu những quán đảnh.

Trong khi ở tại trụ sở của Jetsun Taranata, Gadon Puntso Ling ở Tsang Lha Tser, Rinpoche đã ban cho tập hội vĩ đại các tu sĩ toàn bộ những quán đảnh, giáo lý, và thẩm quyền tụng đọc Kinh điển đối với Sáu Giáo lý của Niguma. Các tu sĩ dâng lên ngài những vật cúng dường to lớn.
Khi Rinpoche ở Lhasa, dường như Radreng Trichen và nhiều người khác muốn thỉnh cầu ngài ban những giáo lý tâm linh sâu xa nhưng Situ Rinpoche bảo tốt hơn ngài đừng nên ở đó. Theo lời khuyên này, Rinpoche khởi hành cùng sứ giả của Situ Rinpoche và trở về Kham.

Rinpoche đã thực hiện một trăm triệu lần trì tụng thần chú Mahakala Sáu-Tay. Và đồng thời, trên ba trăm ngàn lần trì tụng lời nguyện "Thiện Hạnh Cao quý" đã được thực hiện, bao gồm những câu do chính Rinpoche tụng và số lần trì tụng do ngài bảo trợ với những vật cúng dường. Thật là những công hạnh kỳ diệu!

Những hiện thể linh thánh thành tựu việc làm lợi lạc cho Giáo lý và chúng sinh bằng ba chu trình: chu trình đọc, nghe và suy tưởng; chu trình hoàn toàn tập trung (thiền định); và chu trình hoạt động. Một phần nhỏ những chu trình của Rinpoche chúng ta đã giảng rõ ở đây. Vì vậy chúng ta biết rằng những chứng ngộ và thấu suốt của ngài thì không thể nghĩ bàn. Nhưng là một "yogi lặng lẽ". ngài đã giữ bí mật thiền định của ngài, và chúng ta không được thấy hay nghe những bí mật này. Tuy nhiên chúng ta biết rằng ở đâu có khói thì nơi đó có lửa, và ở đâu có hơi ẩm thì nơi đó có nước.

Trong một giấc mơ Rinpoche gặp Đức Phật và tám đệ tử thân thiết của Ngài, và mơ thấy ngài dâng cúng Lời Cầu Nguyện Bảy Chi. Một lần nữa trong một giấc mơ, bản thân Rinpoche biến thành Urgyen Guru Rinpoche (Đức Liên Hoa Sanh), và từ mười hai thiên nữ tsan-ma và những Dakini khác ngài đã nhận những vật cúng dường âm nhạc là những bài ca ngọt ngào và những lời cầu nguyện.

Trong giấc mơ khác, ngài gặp Jamgong Kongtrul đời trước. Vị Thầy này sử dụng chuông, trống, ban đầy đủ bốn quán đảnh, và cuối cùng tan vào ánh sáng và thấm nhập vào Rinpoche. Trong giấc mơ khác, ngài gặp Đức Tara Linh thánh và nghe nhiều lời tiên tri từ vị này. Trong một trường hợp khác ngài thấu hiểu giấc mơ và nhìn thấy một vũ điệu trong những cõi trời và nghe bài ca này:

Sinh trong miền Hor thượng,

Rồi nhờ kinh nghiệm thiền định

Thành tựu tiêu đích của Maha-Ati,

Cuối cùng tại nơi viên tịch

Tạ thế tại Samyes, Thị trấn Cát,

Sau đó lại tái sinh

Giữa Do-Kham và Kongbu,

Sinh ra là con trai một người hành khất.

Làm thuần thục và giải thoát nhiều chúng sinh. 

Rồi từ giã cõi đời đó

Sinh trong một hoa sen

Trong Cõi Tịnh Độ Tây phương,

Không còn sinh trong Luân hồi Sinh tử.

Bởi chu trình hoạt động của ngài, Rinpoche xây dựng lại thiền đường cổ kính của Jamgon Kongtrul tại Pepung thành một công trình kiến trúc hảo hạng, làm mới những vòm và màn trướng thêu kim tuyến, những chiếc lọng và cờ chiến thắng. Ngài bỏ rất nhiều tiền của vào quỹ để duy trì việc nhập thất cho các tu sĩ. Để giúp Situ Rinpoche xây dựng một hình tượng Đức Di Lặc và những hình ảnh khác cho ngôi chùa của các ngài, Rinpoche đã du hành khắp xứ Hor để gây quỹ và thực hiện những lễ cúng dường gấm thêu kim tuyến, tiền và nhiều bao hạt. 

Trong khi ở Tây Tạng, dù ở đâu ngài cũng tạo lập hàng ngàn viên đá mani, các chorten, tsa-tsa (2) và những bánh xe cầu nguyện to lớn. Ngài không dính mắc vào của cải của riêng ngài.

Khi nhiều người Tây Tạng trốn thoát sang Ấn Độ, ngài thiết lập hai thiền đường ở Bhutan. Ngài đã thiết lập năm trung tâm thiền định ở Ấn Độ. Sau đó tại Sonada ngài giảng dạy ba cuộc nhập thất liên tiếp tại thiền đường của ngài. Năm 1971, lần đầu tiên ngài tới Tây phương. Ngài đã thiết lập Naro Ling và Nigu Ling tại Pháp và bắt đầu mở ra cánh cửa dẫn tới sự thành tựu Mật thừa tại hải ngoại. Ngài đã viếng thăm vài quốc gia ở Châu Âu kể cả Vatican, nơi ngài được diện kiến Đức Giáo Hoàng John Paul I. Năm 1976, ngài thực hiện chuyến du hành thứ ba để xây dựng và bắt đầu khóa nhập thất ba năm cho các đệ tử Tây phương của ngài. Năm 1980 ngài trở lại Pháp để chấm dứt khóa nhập thất và bắt đầu khóa thứ hai. Ngài cũng ban quán đảnh Kalacakra tại Paris. Đây là lần đầu tiên quán đảnh này được ban tại Châu Âu. Ngài đã du hành khắp thế giới, mang Giáo lý của Đấng Chiến Thắng tới các quốc gia: Do Thái, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Đức, Hòa Lan, Bỉ, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Canada, Hawaii, và những quốc gia ở Viễn Đông bao gồm Miến Điện, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, và Nhật Bản. Tại các nước Châu Âu, ngài đã thành lập khoảng bảy mươi trung tâm Pháp và nhiều người có thiện duyên đã nhận được từ ngài ba loại thọ giới (1) và Giáo lý của Đức Phật.

Thị tịch

Năm 1986, trong chuyến viếng thăm Tu viện Kagyu Thubten Choling ở New York, Kalu Rinpoche loan báo rằng bởi tuổi đã cao, có lẽ ngài không thể trở lại một lần nữa. Ngài mời mọi người tới thăm ngài ở tu viện của ngài tại Sonada (Darjeeling, Ấn Độ), nơi ngài cư ngụ. Tuy nhiên, mặc dù già yếu, Kalu Rinpoche đã ban những giáo khóa và quán đảnh và làm lễ thọ giới cho nhiều tăng ni. Ngài trở về Sonada sau khi thực hiện thêm những Phật sự ở nhiều quốc gia. Vào ngày 10 Tháng Năm, 1989, Kalu Rinpoche thị tịch trong trạng thái thiền định sâu xa.  

Tái sinh 

*

Kalu Rinpoche Tái sinh 

Ngày 17 tháng Chín, 1990, giữa nhiều dấu hiệu tốt lành, Tulku (hóa thân) của Kalu Rinpoche được sinh ra ở Ấn Độ, trong gia đình của Lạt ma Gyaltsen và vợ là Drolkar.

Lạt ma Gyaltsen là thị giả thân cận và là cháu của Kalu Rinpoche. Ngài Chatral Rinpoche của phái Nyingma là người đầu tiên thừa nhận năng lực của đứa trẻ và tin rằng cậu là tái sinh của Kalu Rinpoche.

Tai Situ Rinpoche chính thức thừa nhận yangsi (tái sinh trẻ) của Kalu Rinpoche vào ngày 25 tháng Ba, 1992, giải thích rằng ngài đã nhận được những dấu hiệu rõ ràng từ chính Kalu Rinpoche. Situ Rinpoche đã gởi một lá thư xác nhận cùng với Lạt ma Gyaltsen tới Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười Bốn và Ngài đã lập tức thừa nhận. Nhiều người đã nhìn thấy những vòm cầu vồng phía trên tu viện của Kalu Rinpoche tại Sonada (Ấn Độ) vào lúc vị Tulku ra đời. Họ thuật lại rằng những cầu vồng ấy giống hệt cầu vồng đã xuất hiện trên tu viện sau khi Kalu Rinpoche thị tịch.

Như Bokar Rinpoche nói, việc Kalu Rinpoche chọn lựa để tái sinh tại trụ xứ trong đời trước của ngài - Tu viện Samdrup Tarjayling - là một dấu hiệu cho thấy tâm hoàn toàn tự tại của ngài. Bởi lòng đại bi và thiện tâm, ngài đã tái sinh để đáp lại những lời khẩn cầu của các đệ tử. 

Kalu Rinpoche Tái sinh đã đăng quang tại Tu viện Samdrup Tarjayling ngày 28 Tháng Hai, 1993. Situ Rinpoche đã cử hành lễ xuống tóc và ban cho vị Tulku trẻ Pháp danh Karma Ngedon Tenpay Gyaltsen - Cờ Chiến Thắng của Giáo lý Chân Nghĩa. Sau đó, Đức Đạt lai Lạt ma đã viếng thăm tu viện và ban phước (gia trì) cho vị Tulku.

Hãy Nương tựa Đạo sư

Lạt ma Dezhung Rinpoche nói: "Chúng ta nên phát triển lòng sùng mộ kiên cố nơi Bồ Đề tâm và những công hạnh siêu việt của vị đại Bồ Tát này. Bất kỳ ai có thiện nghiệp và may mắn có được những cảm xúc tốt lành đối với Thánh Pháp nên nhận những giới luật và ba loại thọ giới (1) từ Lạt ma tôn quý này, và sau đó hãy hiến dâng đời mình cho sự thành tựu giác ngộ. Hay điều tốt lành thứ hai là thực hiện khóa nhập thất ba năm. Hoặc kế đó là thực hiện nhập thất vài năm hay vài tháng để đạt được kinh nghiệm về Pháp. Hay kế tiếp nữa, ít nhất hãy quy y và thọ các giới luật và quán đảnh của Đấng Bi mẫn Vĩ đại (Đức Avalokiteshvara, Quán Thế Âm). Nếu thậm chí ta chỉ thực hành thiền định của Đấng Bi mẫn Vĩ đại một lần duy nhất, cuộc đời của ta sẽ có một vài ý nghĩa, và ta sẽ thực sự tự hoàn thành một thiện tâm vĩ đại. Vì thế, xin lưu giữ điều này trong tâm khảm. May mắn! Hạnh phúc!"

Chú thích:

(1) Ba loại thọ giới: Ba loại thọ giới được liên kết với ba cách tiếp cận việc thực hành Pháp và ba giai đoạn trong việc làm thuần thục tâm linh của một cá nhân (tức ba thừa: Tiểu thừa, Đại thừa và Kim cương thừa). Ba loại thọ giới là: thọ giới giải thoát cá nhân (Biệt giải thoát), thọ Bồ tát giới, và thọ những giới nguyện của Trì minh vương. 

(2) Chorten: hay stupa (tháp).

Tsa tsa: những hình tượng linh thiêng do các Phật tử Tây Tạng làm ra như một phần của việc thực hành thiền định. Việc tạo lập, cúng dường và bảo trợ các tsa tsa là một phương tiện hữu hiệu để xua tan những chướng ngại cho việc thực hành và hạnh phúc của hành giả. 

Thanh Liên biên dịch từ các tài liệu:

- "The Chariot for Travelling the Path To Freedom - The Life Story of Kalu Rinpoche" 
Published by Kagyu Dharma, Translation, commentary and appendices by Kenneth I. McLeod

- "The Biography of [the Late] Ven. Kalu Rinpoche"
http://quietmountain.org/links/teachings/late_kalu_rin_bio.htm

- "His Eminence Kalu Rinpoche History"
http://www.paldenshangpa.org/kalu_rinpoche.html

- "Kyabje Dorje Chang Kalu Rinpoche"
http://www.kdk-nyc.org/hh-kalu-rinpoche

- "The Lord of Refuge - Dorje chang Kalu Rinpoche"
http://www.simhas.org/kalu.html

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.