Hôm nay,  

Viện Nghiên Cứu Chính Sách

17/01/200800:00:00(Xem: 9672)

...Nơi có thể xuất hiện loại giải pháp lý tưởng như vậy sẽ là ở miền Nam, môi trường cởi mở, thiết thực, đã tiếp cận với thế giới bên ngoài từ hơn trăm năm nay... 

Tại Việt Nam, lần đầu tiên một viện nghiên cứu chính sách tư đã được thành lập, đó là Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, gọi theo Anh ngữ là Institute of Development Studies. Nhân dịp này, Diễn đàn Kinh tế đài RFA sẽ tìm hiểu về mục tiêu hoạt động và chức năng của một tổ chức như thế qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, do Thanh Quan thực hiện sau đây.

- Hỏi: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu độc lập tại Hà Nội đã lần đầu tiên lập ra một tổ chức nghiên cứu tư nhân, là Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, và hôm 14 vừa qua, Chương trình Việt ngữ của đài Á châu Tự do cũng đã phỏng vấn người Viện trưởng của tổ chức này là Tiến sĩ Nguyễn Quang A.

- Nhân dịp này, chúng tôi xin đề nghị là chúng ta cùng tìm hiểu về mục tiêu và chức năng hoạt động của các tổ chức nghiên cứu độc lập đó, mà người ta thường gọi theo Anh ngữ là think tanks. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là ông nghĩ gì về sự xuất hiện của một viên nghiên cứu độc lập như vậy ở Hà Nội"

Căn cứ trên những thông tin đầu tiên thì câu trả lời đầu tiên của tôi là một sự vui mừng. Việt Nam đang chậm rãi thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu ngày xưa là "độc quyền chân lý" khi mà mọi suy tư về xã hội, quốc gia hay thế giới đều chỉ có thể xuất phát từ ban Bí thư hay các cơ quan lý luận của đảng và nhà nước cầm quyền.

Trong thế giới ngày nay, các vấn đề nhân sinh đã thành quá phức tạp và không ai có thể năm giữ độc quyền chân lý, tức là độc quyền phán xét cái lẽ đúng sai của tư tưởng hay giải pháp cho xã hội. Khi lãnh đạo bỏ được độc quyền chân lý này thì ta có một xã hội cởi mở hơn, là một điều kiện cần thiết cho dân chủ và không thể thiếu cho sự tiến bộ. Vì vậy, tôi xem đây là một tin vui. Còn lại, chúng ta phải chờ đợi xem xã hội - từ chính quyền tới tư nhân - có thể tiếp nhận được gì từ những cống hiến rất cởi mở đó.

- Hỏi: Bây giờ ta sẽ đi từ đầu, từ những khái niệm tổng quát. Một viện nghiên cứu độc lập, hay một think tank như người ta thường gọi, là gì trong thực tế" Đây có là hiện tượng mới lạ của thế giới văn minh hay không"

- Tôi thiển nghĩ là ta có nhiều cách nhìn hiện tượng này, vốn rất mới mà thực ra cũng rất cũ.

Tôi xin lấy ngay một thí dụ, nếu ta đọc Luận ngữ của văn hoá Trung Hoa thì có thể mường tượng ra một loại think tank từ thời Tiên Tần của xứ này. Và ông Khổng Khâu có thể là chuyên gia tư vấn quốc tế đầu tiên, đi reo rắc tư tưởng về phép trị nước cho bậc lãnh đạo nào muốn nghe thì nghe. Loại sinh hoạt ấy có tính cách độc lập, ông Khổng tử không ăn lương của một chính quyền để phục vụ chính quyền ấy. Thực tế thì ông ta thất nghiệp và đi quảng bá tư tưởng cho người khác trong mục tiêu công ích, ích lợi cho người khác. Đấy là một "câu lạc bộ tư tưởng", nơi tập trung những ai muốn học hỏi, các môn đệ của Khổng tử, để biết cách hành xử theo một chiều hướng nào đó trong xã hội. Mà sở dĩ có thể sinh hoạt như vậy vì thời đó, người ta có quyền tự do tư tưởng. Kết quả sau đấy thì lại là chuyện khác, phải nói là trái ngược với tâm nguyện của người sáng lập!

Điều quan trọng nhất, mà cũng là sự khác biệt đáng chú ý, là loại câu lạc bộ tư tưởng ấy phải có mục tiêu chính là cống hiến tư tưởng về chính sách quốc gia, hay "public policy". Trúc lâm Thất hiền vào thời Đông Tấn sau đời Tam quốc của Trung Hoa là câu lạc bộ của bảy trí thức yếm thế, đa số về sau còn bị sa đọa biến chất, và thực ra không có cống hiến gì về chính sách quốc gia. Đấy không là một think tank như chúng ta hiểu ngày nay!

- Hỏi: Từ chuyện xưa qua chuyện nay thì một viện nghiên cứu chính sách như vậy là gì"

- Ta có các câu lạc bộ tư tưởng từ khá lâu, trong đó những người có cùng nhân sinh quan hay xã hội quan gặp nhau để trao đổi ý kiến và tìm cách vận động người khác chấp nhận tư tưởng hay phương pháp áp dụng của mình. Nhưng một think tank như ta hiểu ngày nay thì chỉ trở thành phổ biến từ hơn nửa thế kỷ trở lại đây mà thôi. Đây là một cơ quan, một viện nghiên cứu, một doanh nghiệp hay một nhóm người cùng hợp tác để nghiên cứu một lãnh vực nào đó, từ xã hội tới kinh tế, chính trị hay chính sách, từ khoa học tới công nghệ hay kỹ thuật, và thuyết phục người khác áp dụng những khám phá của mình.

Về mặt pháp lý hay thuế vụ thì có cơ quan là doanh nghiệp, tức là đem bán kiến thức để lấy lời, có cơ quan lại được thành lập như một hội vô vụ lợi - và có thể được miễn thuế - trong mục tiêu xin tạm gọi là vận động hay thuyết phục. Cũng có cơ quan được chính quyền hay doanh nghiệp lập ra và tài trợ để nghiên cứu riêng về một lãnh vực nào đó.

Trường hợp mà ta muốn tìm hiểu ở đây là loại tổ chức độc lập, tức là không lệ thuộc vào chính quyền, và khi ấy, phải nói tới nguồn tài trợ vì có thực mới vực được đạo. Không có tiền thì làm sao sinh sống và nghiên cứu" Vấn đề chính vì vậy là phương tiện ở đâu để nghiên cứu, và nghiên cứu rồi thì sử dụng kết quả ấy ra sao, cho tổ chức hay cho xã hội"

- Hỏi: Ông vừa nói tới các câu lạc bộ tư tưởng với những người có chung một hệ thống tư tưởng và tìm cách vận động người khác chấp nhận tư tưởng của mình. Như vậy, một think tank hay một câu lạc bộ tư tưởng có thể là một đảng chính trị hay không"

- Một đảng chính trị có thể lập ra một câu lạc bộ như thế, nhưng đặc tính của chính đảng là nắm chính quyền để thực hiện tư tưởng của mình, cho nên đảng có thể lập ra câu lạc bộ hay think tank để vận động dư luận, hoặc một câu lạc bộ có thể từ vai trò một nhóm nghiên cứu thoát xác thành một đảng. Chúng ta không nói tới những trường hợp đó ở đây.

Điều cần nhấn mạnh là một viện nghiên cứu phải có sự độc lập thì may ra kết quả nghiên cứu mới có giá trị về mặt chính sách. Nếu chỉ là cơ quan do chính quyền kín đáo lập ra để ra cái điều nghiên cứu và phê phán một cách khách quan mà thực chất vẫn chỉ để ngợi ca chính sách của chính quyền thì ta gặp cảnh "mẹ hát con khen hay". Có tinh vi hơn thì cũng chỉ là nhuộm vẻ đa nguyên cho một hình thái đối lập giả hiệu. Gặp trường hợp đó, nội dung và kết quả nghiên cứu mặc nhiên trở thành vô dụng.

Cũng phải nói là trong các xã hội còn thiếu tự do và cởi mở, như tại Việt Nam, nhiều khi các nhà nghiên cứu độc lập vẫn phải che chắn để khỏi gặp vấn đề với chế độ và vì vậy mà bị thu hẹp tầm hiệu quả của công trình nghiên cứu, là điều rất khổ tâm và tai hại.

- Hỏi: Khi nghiên cứu kinh tế, ông có tìm hiểu và có khi đã hợp tác với các viện nghiên cứu tại Hoa Kỳ, ông có thể trình bày cho thính giả rõ hiện tượng think tank đó không"

- Tôi xin được đi từ chuyện tổng quát tới cụ thể. Nói chung, người ta có thể làm thay đổi xã hội hay cách hành xử của người khác bằng bạo lực, bằng kinh tế hay bằng tư tưởng. Cao nhất - vì hoà bình và nhân bản nhất - là bằng tư tưởng, và là chiều hướng chung của các xã hội văn minh ngày nay. Muốn như vậy, phải có tự do tư tưởng và không có nạn độc quyền chân lý vì lý cớ chính trị hay tôn giáo. Tư tưởng lại là loại hàng hoá không bị tiêu hủy mà còn trở thành tinh tế hơn sau khi được sử dụng và tái sử dụng. Hoa Kỳ là quốc gia có thể có nhiều sai lầm về chính sách mà vẫn là một siêu cường giàu mạnh vì có quyền tự do tư tưởng và quyền quảng bá tư tưởng để kịp thời sửa sai lầm lẫn. Vì vậy mà hiện tượng think tank tại đây bùng phát dữ dội nhất từ hơn ba chục năm trở lại.

Về phương diện lý luận, và thu hẹp trong phạm vi chính sách, Hoa Kỳ có đủ loại viện nghiên cứu cho hầu hết mọi xu hướng chính trị, từ bảo thủ tới thiên tả, tới tự do tuyệt đối về kinh tế xã hội mà họ gọi là "libertarian". Cùng với hiện tượng toàn cầu hoá, các viện nghiên cứu tại Mỹ cũng đã quốc tế hoá hoạt động qua việc hợp tác với xứ khác, ở trong hay ngoài chính quyền. Ngoài yếu tố tự do tư tưởng, một điều khác có thể giải thích sự bành trướng của các viện nghiên cứu chính sách này là nguồn tài trợ rất dồi dào.

- Hỏi: Nói về nguồn tài trợ đó, ai cung cấp phương tiện cho các think tank này"

- Từ nguyên ngữ, là xuất xứ của chữ "think tank", thì đấy là một từ phổ biến trong quân đội Mỹ thời chiến tranh. Cơ quan đầu tiên được gọi như thế là viện nghiên cứu và phát triển RAND Corporation do Không quân Hoa Kỳ yêu cầu một doanh nghiệp về máy bay của Mỹ lập ra để nghiên cứu một số lãnh vực chuyên biệt cho quân đội, trước khi nó trở thành tổ chức nghiên cứu chuyên nghiệp cho nhiều loại thân chủ hay khách hàng khác ở ngoài chính quyền.

Ngày nay, các viện nghiên cứu được thành lập nhờ nguồn tài trợ của doanh nghiệp, của các nhà hảo tâm trong các "sáng viện" hay "foundations", và có thể là của khách hàng, thân chủ, nếu đấy là một cơ sở kinh doanh vì mục đích kiếm lời.

Cũng xin nói thêm là trong một xã hội cởi mở và thực sự đa nguyên như Hoa Kỳ, các cuộc tranh luận về chính sách quốc gia đều được công khai hoá và nhiều viện nghiên cứu đã trở thành trung tâm vận động về tư tưởng hay đường lối chính sách. Họ dùng kết quả nghiên cứu tác động vào dư luận để ảnh hưởng đến chính sách quốc gia, ảnh hưởng đến chính quyền và những người làm luật. Sức thuyết phục cao hay thấp thật ra không tùy thuộc ở nguồn tài trợ nhiều hay ít mà ở công trình nghiên cứu có giá trị hay không. Và vì mọi việc đều công khai hoá, từ xuất xứ đến mục tiêu, chúng ta có một thị trường mở ngỏ về tư tưởng để ai thấy đúng thì chọn, thì theo, hoặc tiếp tục phổ biến. Nhờ vậy mà xã hội càng tiến hoá và giảm bớt những chọn lựa sai lầm, ít bị động loạn.

- Hỏi: Nếu suy luận vào trường hợp Việt Nam, liệu hiện tượng tương tự như vậy có thể xuất hiện hay không"

- Tôi lạc quan cho rằng có, thể nào cũng phải có vì Việt Nam đã được hay bị toàn cầu hoá ở hai mặt. Về kinh tế thì đã phải chuyển hướng theo kinh tế thị trường và buôn bán với bên ngoài. Về xã hội thì có sự hiện hữu của cộng đồng người Việt đông đảo ở hải ngoại khiến người dân bên trong thấy ra sự lạc hậu của nạn độc quyền chân lý của nhà nước.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn ở trong tình trạnh tranh tối tranh sáng với nhiều thành phần chưa chấp nhận dị biệt về tư tưởng và loay hoay chứng minh rằng đảng và nhà nước luôn luôn có lý, cơ bản là có lý. Vào hoàn cảnh ấy, các viện nghiên cứu rất khó duy trì độc lập và kết quả nghiên cứu không thể sâu nên trở thành vô ích. Khi thấy cần thì chính đảng cũng lập ra loại "viện nghiên cứu độc lập" với sự tham gia của một số nhân vật bên trong và bên ngoài hầu chứng tỏ rằng đảng và nhà nước cũng cầu thị, biết lắng nghe! Khi ấy, trên thị trường tư tưởng chỉ xuất hiện hàng giả hàng tồi, và quy luật tiền tệ của Gresham sẽ vận hành, tức là tư tưởng xấu sẽ đuổi tư tưởng tốt, hàng giả sẽ cướp thị trường của hàng thật. Những người có ý thức đành thoái lui, và ta gặp hiện tượng Trúc lâm Thất hiền của trí thức yếm thế. Việt Nam sẽ thay đổi chậm hơn vì cái tệ nạn lạc hậu ấy.

- Hỏi: Nếu có thể đề nghị với những người có tâm huyết trong nước, ông sẽ nói gì với họ"

- Tôi không dám vì mỗi hoàn cảnh lại mỗi khác. Tuy nhiên, những người có thực tâm thì phải chú ý đến yếu tố độc lập. Phải dám suy nghĩ độc lập thì may ra mới tìm ra giải pháp khá hơn cho xứ sở trong rất nhiều lãnh vực. Thứ nữa là phải quan niệm viện nghiên cứu như một trường đại học không có sinh viên, một trung tâm quảng bá kiến thức cho xã hội.

Muốn như vậy, về tổ chức thì cần bố trí hai chức năng: một lò sản xuất tư tưởng và ý kiến thực dụng cho xã hội để người dân thấy ra giải pháp khác, đồng thời một cơ quan tư vấn để cung cấp dịch vụ kiếm tiền trên thị trường hầu bảo vệ được sự độc lập. Điều kiện ấy đòi hỏi một yếu tố quan trọng về nhân sự là phải có sự tham dự của những người đã có kinh nghiệm thực tế ngoài đời, trên doanh trường, thay vì là loại trí thức trong tháp ngà hay trong chính quyền. Và trong mọi trường hợp, phải có tinh thần công khai minh bạch. Nơi có thể xuất hiện loại giải pháp lý tưởng như vậy sẽ là ở miền Nam, một môi trường cởi mở, thiết thực và đã tiếp cận với thế giới bên ngoài từ hơn trăm năm nay. 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trung Quốc sau khi đã hiện đại hoá quân sự, đang từng bước chủ trương thực hiện chính sách Đại Hán
Trong cả ngàn năm, nước Việt Nam độc lập vẫn phải khéo léo hành xử với phương Bắc theo phận nhược tiểu. Các phần tử ưu tú của nước ta
Nghe tin và thấy sinh viên biểu tình chống Trung Quốc lòng mừng trong cảm xúc tuổi trẻ ngàn sau đang tiếp nối hùng tâm đảm lược ngàn xưa
Hầu hết những vùng đông dân cư Việt Nam đều có trung tâm sinh hoạt văn hóa, trong khi cộng đồng vùng Hoa Thịnh Đốn
Từ một năm nay, dư luận Đông Á đã theo dõi vụ tranh chấp giữa tập đoàn Danone của Pháp và đối tác liên doanh tại Trung Quốc
Trong khi binh sĩ thuộc Đại Đội Charger đang diễn tập cho một công tác khác tại căn cứ của họ gần Iskanditiyah, phía nam Thủ Đô Baghdad
Nhận được lời mời thuyết trình của anh Huỳnh Quốc Văn, đại diện cho Cộng đồng Người Việt Quốc
Trong văn thơ Quảng Nam, nếu mì Quảng được nhắc bao nhiêu lần trong văn thì lũ lụt có lẽ cũng được nhắc nhiều lần như thế trong thơ. 
Kỹ sư Đỗ Nam Hải, thành viên ban đại diện lâm thời Khối 8406, ngay từ 8g sáng ngày 16-12
Cách đây không lâu tôi có viết một bài đăng trên báo Việt ngữ tựa đề “cần tìm hiểu thêm về đạo Hồi-Giáo” do bởi có đa số người Việt đã quá hiểu lầm về Hồi giáo
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.