Hôm nay,  

Hiện Tượng Obama

11/01/200800:00:00(Xem: 11097)

...thượng nghị sĩ liên bang, tức là chỉ là chuyên viên… đấu khẩu...

 Các cuộc tranh cử sơ bộ đã chính thức bắt đầu qua hai cuộc bầu cử tại hai tiểu bang Iowa và New Hampshire. Cả hai cuộc bầu đều mang lại bất ngờ cho cả hai chính đảng Dân Chủ và Cộng Hòa.

Bên Cộng Hòa thì ứng viên đứng đầu tại hai tiểu bang này trong các cuộc thăm dò dư luận từ trước đến nay là cựu thống đốc Mitt Romney đã bị thua cả hai lần, thua cựu thống đốc Mike Huckabee tại Iowa, và thượng nghị sĩ John McCain tại New Hampshire.

Giữa hai cuộc bầu là cuộc tranh cử sơ bộ tại Wyoming mà ít người để ý. Ông Romney “ddộc diễn” và thắng tại đây. Kết quả là cuộc tranh cử bên Cộng Hòa ngày càng rối rắm, với bốn ứng viên vẫn còn ngang ngửa với nhau, mỗi người hùng cứ một nơi.

Bên Dân Chủ, sự bất ngờ càng lớn hơn nữa khi thượng nghị sĩ Barack Obama hạ bà thượng nghị sĩ Hillary Clinton quá dễ dàng không ai có thể tưởng tượng được tại Iowa và chỉ thua sát nút bà Hillary tại New Hampshire (sau khi Obama thắng tại Iowa, truyền thông “thổi” ông này lên mây xanh và tiên đoán ông sẽ đè bẹp bà Hillary tại New Hampshire).

Chiến thắng của ông Obama chưa có tính cách quyết định vì đây chỉ mới là hai tiểu bang. Còn tới 48 tiểu bang nữa. Nhưng hiển nhiên những thắng lợi này đã thay đổi hoàn toàn cuộc diện cuộc tranh cử tổng thống Mỹ. Không ai còn có thể coi thường ông Obama là vô hy vọng.

Đây là một hiện tượng quan trọng trong chính trị Mỹ mà chúng ta cũng nên xét kỹ càng hơn, để thử tìm hiểu xem tại sao ông Obama đã thắng.

Thượng nghị sĩ Barack Hussein Obama bắt đầu cuộc hành trình tranh cử tổng thống Mỹ một cách vất vả, trong những điều kiện khó khăn nhất.

Ông là người lai da đen, tranh cử trong một nước mà dân da đen chỉ có khoảng 10%. Tên của ông vừa khó đọc vừa nghe chẳng có vẻ Mỹ gì hết. Đã vậy lại có cái Hussein nằm giữa, nghe sao giống như tên mấy ông Hồi giáo cuồng tín. Ông cũng là một người tương đối trẻ, mới có 46 tuổi. Nhưng quan trọng hơn thế, ông là người chẳng có kinh nghiệm chính trị gì đáng kể, hay một thành quả chính trị nào có ấn tượng cả.

Ông làm thượng nghị sĩ tại tiểu bang Illinois mới có tám năm trong thầm lặng vì chẳng làm gì xuất sắc hay nổi bật hết. Sau đó thì đắc cử thượng nghị sĩ liên bang, cho đến nay là ba năm. Năm đầu mắc bận học nghề, học thủ tục mánh mung trong hậu trường quốc hội, tìm hiểu về các vấn đề thường được biểu quyết tại quốc hội cấp liên bang, học thiết lập quan hệ với các đồng nghiệp, các đối thủ, các tổ chức thế lực, vân vân. Năm thứ hai, tập tễnh biểu quyết được vài điều luật nhè nhẹ. Năm thứ ba thì đã toàn thời bận tranh cử tổng thống rồi.

Ông Obama thật sự không phải “dden” mà cũng chẳng phải “trắng”, mà là … “xanh lè”, như trái cây xanh chưa chín, ăn vào không chát thì cũng chua.

Vì không có quá khứ nên ông Obama bắt buộc phải tranh cử dựa trên tương lai. Hoàn toàn dựa trên hứa hẹn và hy vọng vào tương lai. Trên căn bản, ông hứa hẹn ba chuyện: thay đổi, đoàn kết, và khả năng xét đoán.

THAY ĐỔI

Theo ông Obama, tất cả những gì Bush đã, đang, và sẽ làm, hay ngay cả những chuyện TT Bill Clinton (ý ông Obama là nhắm vào đối thủ là bà Hillary Clinton) đã làm đều sai và hỏng. Do đó phải thay đổi hết, từ ngọn đến gốc. Và chỉ có một người mới, không kinh nghiệm, không có dính líu gì với quá khứ mới thực hiện được những thay đổi cần thiết. Đó là lời khẳng định của ông Obama. Nếu ông đắc cử tổng thống thì tất nhiên chúng ta thành tâm cầu xin ông thực hiện được những thay đổi tốt đẹp nhất.

Tuy nhiên quá khứ đã chứng minh đây không phải là chuyện dễ.

Trước đây, TT Jimmy Carter đã hứa thay đổi y chang như vậy. Dân Mỹ sau khi đã quá chán ghét Nixon, đặt mọi hy vọng vào những thay đổi do ông Carter hứa hẹn. Kết quả ta thấy là những thay đổi của Carter đã đưa ông vào sử sách như một thảm họa lịch sử, với những thành tích như kinh tế sa sút nhất, thất nghiệp cao nhất, lãi suất cao nhất, chính phủ Mỹ hoàn toàn bất lực nhìn Nga xâm chiếm Afghanistan (Carter, một TT chống chiến tranh, “phản ứng” bằng cách tẩy chay không cho lực sĩ Mỹ tham gia Thế Vận Hội năm đó được tổ chức tại Mạc Tư Khoa, chỉ khiến Nga lãnh thêm một lô huy chương!).

Tệ hơn nữa, Mỹ bó tay nhìn Iran bắt giữ cả tòa đại sứ Mỹ làm con tin trong 15 tháng, sau khi thử đột kích vào Iran nhưng bị thất bại (quân đội Mỹ gửi một toán quân đến giải cứu, nhưng vừa đến Iran thì ba chiếc trực thăng chở lính đâm vào nhau, rớt cháy tan tành, phải gửi trực thăng khác đến cứu chạy, tất cả xẩy ra trước khi quân Iran hay biết và phản ứng!). TT chủ hòa Carter đã “thay đổi” quân đội Mỹ thành một đội quân “bất chiến tự nhiên bại”. TT Carter cũng bó tay đứng nhìn Fidel Castro phế thải qua tiểu bang Florida hàng ngàn tù phạm trộm cướp và bệnh nhân tâm thần mà không biết phải phản ứng như thế nào.

Ông Carter trước khi làm tổng thống đã từng làm thống đốc Georgia, dù sao cũng nhiều kinh nghiệm thực tiễn hơn ông Obama bây giờ.

ĐOÀN KẾT

Ông Obama hô hào hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa hãy vì quyền lợi tối thượng của đất nước mà ngưng chửi nhau và ngồi chung với nhau để giải quyết những vấn đề của đất nước. Đây không phải là lần đầu tiên các chính khách Mỹ hô hào “ddoàn kết” giữa Dân Chủ, Cộng Hòa để làm chuyện lớn cho quốc gia. Nhưng dĩ nhiên còn khó thực hiện hơn thực hiện những “thay đổi”.

Trên căn bản, những khác biệt giữa Dân Chủ và Cộng Hòa quá lớn trong đủ mọi vấn đề có tầm vóc quốc gia, từ kinh tế đến thuế khoá, y tế, giáo dục, an sinh, quốc phòng, ngoại giao, quân sự…, khó mà có thể có được một sự đoàn kết giữa hai chính đảng.

Thực tế cho thấy, TT Bush, đã nổi tiếng là một thống đốc dung hòa, có khả năng làm việc chung với các lãnh tụ Dân Chủ trong tiểu bang Texas, nhưng khi làm tổng thống thì không dung hòa được gì cả và sau vài năm thì đã bị chỉ trích là một tổng thống chia rẽ nhất. Những “chuyện nhỏ” ở tầm mức tiểu bang thì có nhiều hy vọng dung hòa, chứ vào mức quốc gia, thì dung hòa là chuyện không tưởng. Đoàn kết chỉ là một thứ bánh vẽ không bao giờ có thể có được. Ví dụ điển hình: Dân Chủ chủ trương cho phá thai trong khi Cộng Hòa chống phá thai. Làm sao dung hòa và đoàn kết"

Điều mâu thuẫn lớn trong lời kêu gọi của ông Obama: trong khi kêu gọi hai chính đảng đoàn kết và ngưng chửi nhau, thì ông lại cũng là ứng viên luôn luôn công kích TT Bush mạnh mẽ và gay gắt nhất. Trong chính trị, lời nói và việc làm ít khi đi đôi với nhau.

KHẢ NĂNG XÉT ĐOÁN

Ông Obama nhìn nhận mình không có nhiều kinh nghiệm, nhưng quả quyết ông có khả năng xét đoán (judgment) hơn người. Bằng chứng là ông đã từng sáng suốt chống chiến tranh Iraq ngay từ đầu, khi còn là nghị sĩ của tiểu bang Illinois. Trong khi các dân biểu và nghị sĩ đầy kinh nghiệm ở Washington bỏ phiếu cho phép Bush đánh Iraq, thì Obama, lúc đó tuy chưa là thượng nghị sĩ liên bang nên không tham gia biểu quyết tại quốc hội, nhưng đã công khai lên tiếng chống cuộc chiến Iraq. Chỉ vì ông đã nhìn thấy rõ đây là một cuộc chiến sai lầm, với những hậu quả cực kỳ tai hại cho nước Mỹ.

Thực ra, đây có lẽ là một bằng chứng cụ thể nhất về sự thiếu lương thiện của một chính trị gia.

Ông Obama thực sự có lên tiếng chống chiến tranh Iraq năm 2002 khi ông còn làm thượng nghị sĩ Illinois. Nhưng ông chống chiến tranh đó trong một hoàn cảnh và môi trường hoàn toàn khác, vì những lý do hoàn toàn khác. Chắc chắn không phải vì “ông đã nhìn thấy rõ đây là một cuộc chiến sai lầm, với những hậu quả cực kỳ tai hại cho Mỹ”.

Ông Obama là một nghị sĩ da đen, đắc cử phần lớn do phiếu của dân da đen và dân nghèo của tiểu bang Illinois. Trong khi đó, quân đội Mỹ hiện nay là một quân đội tình nguyện. Vì tính cách tình nguyện nên phần lớn quân nhân là thành phần thiểu số da đen, các dân thiểu số hay dân Mỹ trắng nghèo, đăng lính phần lớn vì những quyền lợi vật chất mà quân đội dành cho họ. Bởi vậy họ cũng là thành phần chịu những thiệt hại chiến tranh nặng nề nhất, nên dại biểu dân cử của họ thường chống chiến tranh mạnh mẽ nhất.

Ông Obama bắt buộc phải chống chiến tranh theo những người đã bỏ phiếu cho ông. Ủng hộ chiến tranh là hành động tự sát chính trị trong môi trường đó. Ông chống chiến tranh Iraq chỉ vì quyền lợi cá nhân trước mắt, chẳng liên quan gì đến khả năng xét đoán sự tai hại lâu dài cho nước Mỹ.

Khi lên làm thượng nghị sĩ liên bang thì tầm vóc nhìn của các thượng nghị sĩ phải mở rộng ra. Lúc đó thì ông Obama thay đổi lập trường. Năm 2004, khi được hỏi nếu ông phải biểu quyết về cuộc chiến Iraq thì ông sẽ bỏ phiếu như thế nào. Ông Obama trả lời “không biết, vì không đủ yếu tố quyết định”. Sau đó, ông đã bỏ phiếu ba lần (2004-2005-2006) chấp nhận những kinh phí chiến tranh khổng lồ do TT Bush xin.

Nhưng khi ra tranh cử tổng thống năm 2007 thì ông ta lại quên hết những lời nói và hành động trong ba năm qua, để chỉ nhắc lại câu nói chống chiến tranh của năm 2002, rồi lần đầu tiên bỏ phiếu chống ngân sách chiến tranh Iraq.

Thái độ bất nhất của Obama được giới truyền thông cố tình “quên” đi, nhưng bị cựu TT Clinton mạnh mẽ nhắc nhở lại. Dĩ nhiên là ông Clinton cần kiếm phiếu cho bà vợ, nhưng cái bất nhất của ông Obama vẫn là sự thật.

Chẳng những ông Obama chỉ hứa hẹn “hy vọng” bánh vẽ như trên đã bàn, ông còn có nhiều khuyết điểm nghiêm trọng nữa. Đặc biệt là lập trường hình như thiếu trách nhiệm trong vụ Iraq: ông chủ trương rút quân Mỹ về ngay và về hết mà không cần biết hậu quả cho Iraq và cho nền an ninh Mỹ sẽ ra sao.

Cả sự nghiệp chính trị của ông chỉ gồm có 8 năm làm nghị sĩ tiểu bang Illinois và 3 năm thượng nghị sĩ liên bang, tức là chỉ là chuyên viên… đấu khẩu. Khác với thống đốc là một trách nhiệm cần có quyết định và hành động cụ thể hàng ngày chẳng hạn, một nghị sĩ suốt đời chỉ nói miệng, đấu lý, tranh luận mà thôi. Một điều luật có làm ra cũng là công trình của cả trăm dân biểu và nghị sĩ, chứ chẳng phải là tác phẩm của một người nào.

Quan trọng hơn nữa, tuy ông nói rất nhiều và rất hay, nhưng cho đến nay vẫn không ai biết rõ chi tiết các chương trình, kế hoạch, và hy vọng vĩ đại và mù mờ của ông.

Sự thành công lạ lùng của ông Obama chỉ có thể được giải thích bằng hai hiện tượng:

- Một thứ mặc cảm kỳ thị chủng tộc của dân trí thức cấp tiến da trắng, từ các đại học đến giới truyền thông, bây giờ đang cố thổi phồng ông da đen Obama để chứng minh cho chính mình và cho thế giới là mình không kỳ thị da mầu.

- Một phản ứng chống bà Hillary của nhiều đảng viên Dân Chủ, vì ghét bà hay vì lo sợ bà sẽ bị thua phe Cộng Hòa trong cuộc bầu cử tổng thống tháng Mười Một tới.

Tuy ông Obama đã bị thua bà Hillary tại New Hampshire, cũng như còn thua xa tại các tiểu bang lớn như Florida, Texas, New York, New Jersey, California,…, chiến thắng của ông tại Iowa cũng như việc ông nhẩy lên hạng nhì, đánh bại các thượng nghị sĩ già dặn kinh nghiệm như Edwards, Biden, Dodd nói lên cái oái ăm của chính trị Mỹ.

Trách nhiệm tổng thống Hoa Kỹ là trách nhiệm quan trọng nhất thế giới, nắm quyền sinh sát cả nhân loại trong tay. Vậy mà không ít dân Mỹ, hay ít nhất dân Mỹ tại Iowa và giới trí thức và truyền thông cấp tiến, sẵn sàng trao trách nhiệm đó cho một người với một quá trình trắng tinh, chỉ có một cái tài duy nhất là nói nhiều, nói hay, và hứa hẹn giỏi.

Dường như đó thật sự là tiêu chuẩn quan trọng nhất đối với một số lớn dân Mỹ. Chẳng trách tại sao bên Cộng Hòa, ông Huckabee cũng được nhiều phiếu nhất tại Iowa. Ông này cũng chẳng có gì đáng nói trong quá trình, nhưng cũng có tài nói nhiều và nói hay vì trước đây đã từng là một nhà truyền giáo Cơ Đốc!

10-1-08

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Karmapa có nghĩa là “bậc hoằng hoá công hạnh của chư Phật” hay là "hiện thân của tất cả các họat động của chư Phật”.
Vụ Trung quốc cưỡng chiếm Trường Sa bằng nghị quyết sát nhập rơi vào quên lãng. Và chính quyền Việt Nam đã không có một hành động nào về mặt quốc tế
Chúng tôi cho rằng Trung quốc là một nước lớn, có vai trò quan trọng trên thế giới. Trung quốc mạnh lên, Trung quốc phát triển là có lợi cho sự lớn mạnh
Thấm thoát vậy mà đã trên 30 năm chúng ta xa quê hương. Thế hệ của các bậc phụ huynh nay đã luống tuổi, sẽ phải từ từ nhường lại cho các thế hệ con cháu
Hoa Thịnh Đốn.- Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra lệnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng và Nhà nước cách nay gần một năm, nhưng xem ra
Những người giao hàng định kỳ đó, trông thì có vẻ siêng năng, đều đặn, nhưng thế nào chả có lúc trái gió, trở trời hay có việc gia đình bất thường mà người đó
Bốn mươi năm trước đây, Cộng Sản Việt Nam, trong cố gắng đảo ngược thế cuộc chiến tranh vì các thất bại liên tiếp của họ vào hai năm 1966 – 1967, đã phát động
Cuối tuần này, ngày 22 Tháng 3, 2008, nhiều cộng đồng VN trên thế giới sẽ trang trọng làm lễ tưởng niệm Nhị vị Trưng Vương, hai bậc nữ lưu anh hùng dân tộc
Thứ bẩy vừa qua, 15 tháng ba năm 2008, Chư Tăng Ni và Phật tử chùa Phật Tổ, tỉnh Long Beach miền Nam California đã được hưởng một ngày mưa pháp
Khi sự kiện Hoàng Sa và Trường Sa làm mối quan hệ VN-Trung Quốc rạn nứt ít nhiều và nhất là ngưới dân VN, dân trí thức nhìn về ông anh phương Bắc
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.