Hôm nay,  

Đại Hội Đảng TQ: Vài Phân Dân Chủ

10/24/200700:00:00(View: 8865)

...Trung Quốc mới chỉ có vài phân dân chủ, Việt Nam vẫn chưa có được tới một phân...

Đại hội đảng khoá 17 vừa kết thúc tại Trung Quốc đã cho ra mắt tầng lớp lãnh đạo mới cho năm năm tới. Qua cuộc trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Gia Minh thực hiện sau đây, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu những yếu tố đáng chú ý của biến cố này.

- Hỏi: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Sau một tuần họp, đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho ra mắt một tầng lớp lãnh đạo mới của Bắc Kinh. Ban Việt ngữ chúng tội xin đề nghị là chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về biến cố này, với những ảnh hưởng kinh tế và quốc tế lâu dài cho Việt Nam.

Thưa ông, câu hỏi đầu tiên của chúng tôi, cái nhìn sơ khởi của ông về Đại hội này là như thế nào"

- Chúng ta nên nhớ lại một số chi tiết trong diễn tiến của Đại hội này để thấy ra sau một tấm kính mờ nhưng xoay chuyển ở bên trong một Đại hội mà tôi thiển nghĩ là có được vài phân dân chủ và triền miên vấn đề.

Trước khi Đại hội nhóm họp thì đã có một Hội nghị Trung ương đảng của khóa 16 để dàn xếp mọi việc cho Đại hội 17. Ngày hôm sau, 15 tháng 10, Đại hội chính thức nhóm họp trong suốt một tuần, và trong không khí bí mật. Sau đấy, Trung ương đảng mới bầu lên hôm 21 đã có Hội nghị Trung ương đầu tiên vào hôm sau, Thứ Hai 22, để giới thiệu hệ thống lãnh đạo mới. Qua diễn tiến đó, người ta thấy ra là mọi sự đã được dàn dựng chặt chẽ và kín đáo từ trước, như trong một vở kịch, để hạ màn trong tiếng vỗ tay. Vài phân dân chủ là trong cách chọn lựa thế hệ lãnh đạo mới. Và triền miên vấn đề là những gì mà thế hệ lãnh đạo mới sẽ phải vất vả đối phó.

- Hỏi: Trước tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu về sự kiện ông mỉa mai là "vài phân dân chủ". Vì sao ông lại kết luận như vậy"

- Chương trình Việt ngữ chúng ta có may mắn là đúng vào tuần này đã có loạt bài của ông Bùi Tín giới thiệu cuốn sách xuất bản năm 2005 của hai vợ chồng học giả Trương Nhung và Jon Halliday, qua đó người ta thấy con người thật của Mao Trạch Đông. Chủ nghĩa cộng sản và nét văn hoá phong kiến Trung Quốc đã cho phép một bạo chúa như Mao Trạch Đông lên cầm quyền và gieo rắc cái chết cho 70 triệu người dân Trung Hoa.

Hậu quả của tư duy Trung Hoa và cơ chế cộng sản đã khiến cho trong thời đại Mao Trạch Đông và mấy chục năm sau đó, mỗi lần xứ này có thay đổi lãnh đạo là có khủng hoảng. Suốt mấy chục năm ấy, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình có toàn quyền quyết định về lãnh đạo thực tế và hình thức. Cho tới thế hệ thứ ba là Giang Trạch Dân, Trung Quốc mới thử nghiệm thể thức tuyển chọn lãnh đạo tương đối ôn hoà hơn, với Đặng Tiểu Bình là người đề cử Giang Trạch Dân và chọn lựa Hồ Cẩm Đào là người kế nhiệm, 15 năm trước khi ông Hồ Cẩm Đào này lên lãnh đạo đảng, nhà nước và Trung ương Quân ủy hội.

- Hỏi: Theo ông nhận xét thì việc đề cử lãnh đạo lần này có khác gì không"

- Lần này, thể thức đề cử lãnh đạo có phá vỡ khuôn khổ cũ vì cho tới giờ chót, nghĩa là ngày nay, sau khi Đại hội bế mạc, ta vẫn chưa biết là ai sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào sau Đại hội 18 vào năm 2012. Tôi tạm gọi là được hai phân dân chủ khi việc bổ nhiệm lãnh đạo không được ai đó ngồi sau rèm định trước. Cụ thể là Thường vụ Bộ Chính trị còn khả năng chọn lựa giữa Bí thư Thành ủy Thượng Hải là ông Tập Cận Bình hay Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh là ông Lý Khắc Cường trong năm năm tới, khiến hai ông này còn phải phấn đấu và đạt thành tích.

Trong hiện tại thì ông Tập Cận Bình có tư thế hơn Lý Khắc Cường được nửa bước. Là con trai của Tập Trọng Huân, một đảng viên sáng lập đã từng nhiều lần là nạn nhân của Mao, ông Tập Cận Bình có thể có tư tưởng thông thoáng hơn. Một chi tiết đáng chú ý là Tập Cận Bình đã sinh hoạt trong đoàn Thanh niên Cộng sản - tức là thuộc "đoàn phái" -mà cũng là con ông cháu cha, trong thành phần gọi là "thái tử đảng". Khi còn làm Bí thư Chiết Giang, ông ta giải phóng tư doanh rất mạnh, nhưng cũng lại đẩy mạnh việc lập ra đảng bộ trong các cơ sở tư doanh này.

Nhìn trong viễn ảnh dài thì việc chọn lựa lãnh đạo như thế đã là một bước tiến hóa, nhưng chỉ có vài phân thôi, so với chặng đường rất dài trước mặt để xứ này trở thành thực sự dân chủ, văn minh.

- Hỏi: Trước khi đi qua phần hai là những vấn đề triền miên như ông nói, xin hỏi ông một câu nữa là nhiều dư luận cho rằng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã thắng, hoặc đã thua, khi gây dựng ảnh hưởng của mình trong bộ Chính trị, là cơ chế lãnh đạo tối cao. Ông nhận xétsao về việc đó"

- Dư luận các chuyên gia quốc tế về Trung Quốc cho rằng sau Đại hội 16 vào năm 2002, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào vẫn phải cố thoát khỏi ảnh hưởng của vị tiền nhiệm là ông Giang Trạch Dân, qua các nhân vật do họ Giang cài lại trong Thường vụ Bộ Chính trị hay bộ Chính trị. Tại Đại hội 17, Giang Trạch Dân vẫn xuất hiện và trước đó hai ngày, Phó Chủ tịch Tăng Khánh Hồng là nhân vật thân tín của ông Giang và thực tế có uy quyền nhất sau Hồ Cẩm Đào, lại là người tổ chức Đại hội. Vì những sự kiện ấy, người ta mới kết luận là sau cùng, Hồ Cẩm Đào bị thua vì vẫn phải chia quyền hay nhượng bộ phe cánh của Giang Trạch Dân.

Sự thật thì khi các cấp lãnh đạo phải nhượng bộ nhau như vậy thì cũng chưa hẳn là điều tệ, và việc ông Tăng Khánh Hồng sau đấy đã ra khỏi Trung ương đảng và không còn hiện diện trong bộ Chính trị nữa vì lý do chính thức là tuổi tác, người ta phải thấy là họ Tăng này không dở và có góp phần tổ chức tiến trình chuyển tiếp một cách ôn hoà.

Nếu theo dõi diễn biến Trung Quốc từ lâu, người ta thấy rằng Hồ Cẩm Đào thực sự có thẩm quyền chứ không bị phe cánh họ Giang làm tê liệt. Thí dụ gần đây nhất là khi ông ta bổ nhiệm ông Tạ Húc Nhân làm Bộ trưởng Tài chính thay thế ông Kim Dân Thanh vì họ Kim này liên hệ đến vụ án tham nhũng rất lớn trong một tổng công ty về năng lượng.

- Hỏi: Bước qua phần hai, về những vấn đề triền miên như ông nói, tệ nạn tham nhũng có đúng là vấn đề số một chăng và Đại hội 17 có khả năng giải quyết tình trạng đó không"

- Tôi thiển nghĩ rằng tham nhũng là một thuộc tính của các chế độ độc tài và sẽ tồn tại cùng chế độ nên Đại hội 17 này không thể giải quyết nổi. Một thí dụ có thể kiểm chứng được là nhân vật Giả Khánh Lâm - với bà vợ bị liên lụy nặng với tham nhũng tại tỉnh Phúc Kiến - vẫn trong bộ Chính trị, ở vị trí thứ tư, làm Chủ tịch Hội nghị Chính hiệp. Cao lắm thì lãnh đạo Trung Quốc chỉ có thể xử lý nạn tham nhũng từ bụng trở xuống, trước mỗi kỳ Đại hội đảng, để xoa dịu sự bất mãn của dân chúng mà thôi. Đấy là một vấn đề.

- Hỏi: Ngoài ra, ông còn thấy những vấn đề gì khác trong cái chuỗi triền miên này"

- Tôi cho rằng xứ này vẫn chưa thoát khỏi khuôn khổ tư duy mù mờ để biện minh cho quyền lực, như những tấm áo khoác bên ngoài. Từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, ta vẫn thấy lớp lang từng bậc một, là thứ nhất, chủ nghĩa Mác-Lênin, thứ nhì, tư tưởng Mao Trạch Đông, thứ ba lý thuyết Đặng Tiểu Bình, thứ tư phương pháp Giang Trạch Dân và thuyết "tam biểu", ba đại diện....

- Hỏi: Và tới Hồ Cẩm Đào thì ông ta tráng thêm một lớp sơn bên ngoài nữa phải không"

- Dạ thưa đúng như vậy, đó là xây dựng "xã hội hài hoà", một khẩu hiệu đề ra sau Đại hội trước vào năm 2002, năm nay được trám thêm một lớp vải dầu là "phát triển khoa học", và khái niệm này sẽ còn được ghi vào trong Hiến pháp. Nhưng đấy vẫn chỉ là khẩu hiệu, mà người ta không thể giải quyết các vấn đề sinh tử bằng khẩu hiệu được.

- Hỏi: Thế nội dung thực tế của các khẩu hiệu này là gì"

- "Xã hội hài hoà" là một cách công nhận những mâu thuẫn và xung khắc của đường lối phát triển lý tài theo kiểu Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân. Đường lối ấy đã đào sâu dị biệt về lợi tức của các thành phần dân chúng, một hiện tượng bất công hoàn toàn đi ngược với lý tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đường lối ấy cũng gây ra mâu thuẫn giữa các tỉnh nằm sâu trong lục địa hay vùng Đông-Bắc với các tỉnh duyên hải miền Đông.

Tiềm ẩn bên dưới là sự thiếu phối hợp giữa trung ương và các đảng bộ địa phương. Khẩu hiệu "xã hội hài hoà" này là một cách sửa sai những tệ nạn xã hội và chính trị do lãnh đạo trước để lại. Bây giờ, Hồ Cẩm Đào phát minh thêm khẩu hiệu "phát triển khoa học" để ngụy trang việc sửa sai dưới hào quang khoa học hầu nâng cao được phẩm chất của sự tăng trưởng cho bền vững hơn và may ra thì tốt đẹp hơn cho môi sinh.

Khi lãnh đạo phải dùng khẩu hiệu như thần chú để khỏi nói tới những chính sách hay biện pháp thiết thực đối phó và sửa sai, ta phải kết luận là Hồ Cẩm Đào không thể làm cách mạng và vẫn chỉ là tìm cách duy trì hiện trạng mà thôi. Ông ta có rất nhiều quyền nhưng vẫn thiếu khả năng vì sức cản trở của cơ chế chính trị độc tài này.

- Hỏi: Trong một chương trình trên diễn đàn này, hôm mùng bốn Tháng Chín, khi nói về việc Trung Quốc tìm cách cải thiện chế độ kiểm phẩm và tăng cường vệ sinh an toàn, ông có nói tới việc Bắc Kinh bổ nhiệm Phó Thủ tướng Ngô Nghi vào chức vụ chỉ huy kế hoạch này với kết luận là bà ta cũng sẽ thất bại. Bây giờ, sau Đại hội 17, bà Ngô Nghi lại ra khỏi Trung ương đảng và bộ Chính trị thì việc cải cách ấy coi như nước lã ra sông"

- Người phụ nữ duy nhất trong bộ Chính trị đã ra đi vì lý do tuổi tác - năm nay bà 69 tuổi - nên việc cải thiện chế độ kiểm phẩm do bà lãnh đạo sẽ lại bị chìm xuồng. Mà dù có còn tại chức, bà Ngô Nghi cũng chẳng thể làm gì hơn. May lắm thì lãnh đạo Bắc Kinh sẽ giữ nhân vật này trong một chức vụ tượng trưng để đi gỡ rối cho họ trên các diễn đàn quốc tế vì sự am hiểu và uy tín của bà. Nhưng bà cũng sẽ chẳng làm được gì hơn vì những vấn đề nằm trong cơ chế và vượt quá khả năng can thiệp của mình.

- Hỏi: Nói về quan hệ quốc tế và suy nghĩ riêng về quan hệ với Việt Nam, Đại hội 17 có báo hiệu gì đặc biệt không"

- Trong bài diễn văn đọc hơn hai tiếng hôm 15, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào có bày tỏ một lập trường tương đối hoà hoãn hơn với Đài Loan nên nhiều người vội suy đoán là Bắc Kinh có thể sẽ có thái độ hữu nghị hơn với các lân bang trong đó có Việt Nam. Tôi thiển nghĩ là ta nên "trừ bì" và gia giảm mọi loại kết luận về đối ngoại như vậy vì năm tới Trung Quốc còn tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh và muốn trưng ra ngoài bộ mặt hiếu hoà hữu nghị của một xứ văn minh.

Về thực chất thì chúng ta nên để ý tới phản ứng gay gắt của họ về hồ sơ Tây Tạng khi đức Đại Lai Lạt Ma được Quốc hội Hoa Kỳ vinh danh với huân chương cao quý nhất trong tuần qua. Thêm vào đó là việc họ trì hoãn và cản trở mọi cuộc vận động của thế giới khi Miến Điện đàn áp dân chủ vào tháng trước.

Cho nên trong thực chất thì Trung Quốc vẫn là một đế quốc hung hăng nhưng biết mềm nắn rắn buông trong từng việc và đấy không là một tín hiệu tốt đẹp cho Việt Nam.

- Hỏi: Câu hỏi chót, thưa ông, Việt Nam nên rút tỉa kết luận gì từ Đại hội 17 của Trung Quốc"

- Chủ nghĩa Mác-Lênin và ách độc tài cùng nạn tham nhũng là những điều sẽ còn gây họa cho Trung Quốc. Khi gặp hoạ, họ sẽ chỉ ra ngoại thù làm lý cớ giải quyết chuyện nội loạn và Việt Nam không có cái thế tự vệ mạnh bằng Đài Loan nên có thể sẽ mắc nạn lây.

Từ nay đến đó, lãnh đạo Việt Nam cũng nên nhìn thấy trước những vấn đề triền miên của cường quốc phương Bắc mà chọn cho mình con đường khác. Riêng trong địa hạt ấy thì dù Trung Quốc mới chỉ có vài phân dân chủ, Việt Nam vẫn chưa có được tới một phân, và đó mới là vấn đề đáng tiếc cho người dân và đáng lo cho Việt Nam.

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Ngày 6 tháng 1 năm 2021 một cuộc nổi dậy đã xảy ra tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn khi hàng trăm người bạo loạn tràn vào Tòa Nhà Quốc Hội Hoa Kỳ khiến cho 5 người chết. Trong khi nhiều người tại Thủ Đô Washington, bề ngoài đi biểu tình chống lại điều mà họ thấy sai lầm rằng cuộc bầu cử bị đánh cắp, sự có mặt của họ -- và các hành động của họ -- phản ảnh một loạt mục tiêu lớn hơn mà các dân quân người Mỹ đang hy vọng đạt được để có thêm hành động cực đoan hơn. Nhiều bài viết bởi các học giả chuyên về phong trào cực đoan bạo động, thượng đẳng da trắng và dân quân giải thích con đường đi xuống mà những người bạo loạn và nổi dậy này tìm cách chiếm lấy nước Mỹ. Báo The Conversation U.S. đã biên soạn các trích đoạn của 5 trong số những bài viết đó, tìm cách giải thích sự rạn nứt đã lan rộng trong xã hội Mỹ. “Những người theo QAnon, Proud Boys và các nhóm cực hữu và cực hữu và dân tộc da trắng kết nối lỏng lẻo khác tập họp tại Washington tưởng rằng họ đang sống trong ý tưởng rất ư kỳ quặc
Với bối cảnh này, Tổng thống Biden thừa nhận ông sẽ phải đối phó với một nước Mỹ phân hóa trầm trọng hơn bao giờ hết, cộng thêm với nạn dịch Thế kỷ và một nền Kinh tế suy thoái với 6.7% người Mỹ thất nghiệp. Con số này tương đương với khoảng 40 triệu người cần được trợ giúp khẩn cấp. Tổng thống Biden nói với nhân dân Mỹ rằng ông biết rất rõ phải làm gì trong cương vị Tổng thống để hàn gắn vết thương chia rẽ do các khuynh hướng bạo lực và cường quyền gây ra, nhanh chóng ngăn chặn dịch Covid 19 và phục hồi kinh tế.
Một nền dân chủ lâu đời, bén rễ hơn ba trăm năm qua của một cường quốc hàng đầu thế giới bỗng dưng trở thành nền “cộng hòa chuối” (banana republic)[1] qua cuộc bầu cử tổng thống 2020, với tố cáo gian lận, kiện tụng rồi trở thành bạo loạn sau đó, tưởng như chỉ có thể xảy ra ở một nước độc tài kém phát triển nào đó ở Nam Mỹ hay mãi tận châu Phi xa xôi. Tại sao lại có thể xảy ra những chuyện kỳ lạ như thế với một nền dân chủ được xem như mẫu mực để thế giới noi theo?
Khi Facebook và Twitter quyết định đóng cửa vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Trump, sau nhiều lần cảnh cáo, dư luận bùng lên tranh luận về quyền tự do phát biểu và Tu chính án Số 1 trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Từ ngày lên làm lãnh đạo, ông Trump đã dùng tài khoản twitter để nói chuyện thẳng với những ai có kết nối với tài khoản của ông. Twitter của tổng thống có 80 triệu người theo dõi và ông đã dùng nó như là phương tiện phát ngôn chính, vào bất cứ khi nào ông thấy cần, kể cả lúc đêm khuya hay khi trời còn tờ mờ sáng. Ông viết vài hàng về những gì ông suy nghĩ mà chẳng cần tham khảo ý kiến với cố vấn hay những người làm chính sách trong nội các. Ông bốp chát, khinh miệt những người không đồng ý hay chê bai ông. Nhiều lần Twitter và Facebook đã dán lời cảnh báo trước những phát tán của ông, khi cho rằng tổng thống không nói đúng sự thật. Cho tới khi biến cố 6/1 xảy ra, là sự việc nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump tràn vào trụ sở Quốc Hội làm loạn,
Chiến tranh ở Việt Nam sôi động nhất là vào thập niên 70. Nam ký giả nhà binh thì nhiều, nhưng nữ ký giả chỉ có Phan Trần Mai, thuộc binh chủng Nhảy Dù, sau khi giải ngũ về làm cho nhật báo Trắng Đen. Chúng tôi gặp nhau vào mùa hè đỏ lửa, lúc ở địa đầu giới tuyến, tỉnh Quảng Trị.
Hôm nay công sở và trường học cùng một số hãng xưởng đã được nghỉ lễ ngày Martin Luther King Jr. Day để đón mừng sinh nhật và tưởng niệm ông. MLK sinh ngày 15 tháng Một năm 1929 nhưng ngày MLK Day được chọn là ngày thứ Hai thứ ba trong tháng Một hàng năm, tức hôm nay. Ngoại trừ sinh nhật tổng thống George Washington và Abraham Lincoln được kết hợp và đón chào như một ngày lễ liên bang qua Ngày Tổng Thống - President Day, ông là công dân Hoa Kỳ duy nhất có ngày sinh đã được Quốc Hội chuẩn thuận và tổng thống Ronald Reagan thông qua vào năm 1983, trở thành ngày lễ liên bang chính thức, nhằm tưởng niệm và vinh danh một nhân vật lịch sử vĩ đại của nước Mỹ. Người mà cái tên hầu như hiện diện khắp nước Mỹ qua những bảng tên đường, các trung tâm, tổ chức, phong trào xã hội dân sự.
Bạn tôi, tất cả, phần lớn đều là lính ráo. Chúng tôi không chỉ có chung những năm cầm súng, và một quãng đời tù, mà còn chia chung rất nhiều … cố tật! Hễ gặp nhau là uống, và câu chuyện trên bàn rượu trước sau gì rồi cũng xoay quanh kỷ niệm về đám chiến hữu hồi còn chinh chiến: những thằng đã chết, những đứa đang vất vưởng ở quê nhà, hay lưu lạc (đâu đó) nơi đất lạ xứ người.
Đọc các bản tin về ngày lễ nhậm chức của Tổng Thống tân cử Joe Biden cùng Phó TT Kamala Harris với chủ đề Nước Mỹ Đoàn Kết (America United), bên cạnh những thông tin áp đảo về vấn đề an ninh, có thể nhiều người còn thấy con số 191,500 lá cờ đủ kích cỡ tượng trưng cho người dân không thể đến tham dự cùng 56 bệ đèn được cắm và dựng quanh khu vực tổ chức.
Kết quả bầu cử tại Georgia cho thấy quyền lực chính trị ở Mỹ thay đổi chỉ vỏn vẹn 10 ngàn lá phiếu nhất là đến từ dân thiểu số. Cho nên đảng Dân Chủ dưới thời Biden sẽ gấp rút đẩy mạnh các chính sách nhập cư và an sinh xã hội nhằm biến đỏ thành xanh ở các tiểu bang như Arizona, Georgia hay ngay cả Florida và Texas vốn là những thành trì của đảng Cộng Hòa cho đến nay.
Bao lâu nữa thì hệ thống môi sinh nơi quê hương tôi sẽ bị hủy hoại, đến độ không sinh vật nào có thể sống được ở nơi này? Khi cái vòng sống liên tục vô thủy vô chung đó có một mắt xích bị hỏng, khi môi trường sinh thái ở một nơi nào đó bị mất quân bằng, có bao nhiêu sinh vật sẽ bị ảnh hưởng – và bị ảnh hưởng tận cùng rốt ráo ra sao?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.