Hôm nay,  

Cuộc Chiến Đấu Thầm Lặng Không Cân Sức Của Người H.o.

08/08/200700:00:00(Xem: 10811)

Đổi đời! Hai tiếng ngắn ngủi nhưng hàm chứa bao nhiêu là sự kiện, ý nghĩa quan trọng đến mấy chục triệu nếp sống của dân chúng miền Nam. Từ  "ông" đổi ra "thằng", từ "thằng vá xe" nhẩy lên "ông chủ tịch". Đang "bà" xuống "con vợ thằng cải tạo", đang "con bán hàng rong" bỗng biến thành "bà phó giám đốc".... Biết bao nhiêu tiếng thưa gửi "Ông Giám Đốc " một chốc đã đổi thành "Này, anh kia!"

Đau đớn nhất, cay nghiệt nhất có lẽ là từ một chiến sĩ anh hùng, hy sinh bao nhiêu xương máu cho đất nước, bỗng thành người mất tư cách công dân, người không có địa chỉ, không đất đứng.

Sau đó là những năm tháng đầy đọa, rừng sâu núi thẳm, mù mịt ngày về, tương lai vô vọng. Nhưng kinh hoàng  nhất không phải là bị bỏ đói, bị chửi, bị đánh đập, bị cùm, hoặc bị giết, mà là phải đối diện với một cuộc chiến mới để bảo vệ, giữ gìn danh dự một người chiến sĩ đã từng hân hoan, dàn dụa nước mắt khi nghe hô: "Đứng dậy! Các Tân Sĩ Quan!" và giơ tay thề trung thành với Tổ Quốc. Dưới  ánh sáng của những ngọn đuốc, trong tiếng vang của lời kêu gọi "Hồn Tử Sĩ, gió ù ù thổi", những tấm lòng cương trực, công chính nhìn những lá cờ Tổ Quốc mà chí khí hùng anh dâng trào. Bây giờ, trong không khí tù mù của trại giam, trong cái nóng gắt hay lạnh ngắt của những quãng trường lao động, trong những cơn mưa dầm dề lê thê mà nước suối, nước nguồn dâng lên cuồn cuộn như sóng, trong cái buốt giá của thiếu áo, thiếu quần, người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải âm thầm chiến đấu với chính bản thân mình, không để biến thành kẻ mất danh dự, kẻ thèm ăn, kẻ sợ chết để phải khúm núm, kính cẩn cúi chào cán bộ. Người chiến sĩ phải chiến đấu với cái lưng muốn còng vì cuốc đất, đắp đường, đào lỗ để lúc nào cũng dõng dạc, ngẩng cao đầu, không còng lưng khi đối diện với kẻ thù giam giữ mình cùng tất cả những hiểm nguy rình rập.

Qua vài năm, chục năm, hay mười lăm, mười sáu năm... xiềng xích, tù đầy trong nhà tù nhỏ sang nhà tù lớn, rồi có một ngày, lại đổi đời, sang được đất nước Tự Do. Bước xuống phi trường, người chiến sĩ H.O lại thấy một trận chiến mới lừng lững trước mặt, một trận chiến không cân sức. Một bên là thành thành lũy lũy, luật lệ, điều kiện, ngôn ngữ, văn minh, phong tục, tài năng, phương tiện. Còn một bên là bệnh tật, sức khỏe, thiếu thốn tài nghệ chuyên môn, ngôn ngữ của người ta thì không có, tiếng nói của mình thì không biết xài được ở chỗ nào, tuổi tác đã cao, tóc đã có nhiều sợi bạc, đùm đùm đề đề, vài đứa con, mấy đứa cháu, ngơ ngơ ngác ngác.
Như câm vì không nói được, như điếc vì không nghe được, như què vì không đi được, như ngu vì không hiểu được... Trận chiến này ác liệt quá! Cay đắng quá! Nhìn trời, trời ở quá xa; nhìn đất, thổ địa không hiểu ngôn ngữ mình; nhìn chung quanh, bạn bè cắm cúi đi làm cả ngày, không kể những người đã quên mất tên mình rồi, quên mất những ngày tháng vui cười bên nhau, đùa đùa giỡn giỡn.

Bạn cũ giờ này là ông Chủ Nhà Hàng, Chủ Tiệm, bà Chủ Khách Sạn, tiệm "neo", trường học ngành nghề. Họ bây giờ đi xe láng, có mời mình lên xe, cũng dặn dò: "Này, đừng ôm cái túi lồm cồm đó vào xe, lỡ làm sứt sơn, lại mất mấy trăm toi!" Họ bây giờ nhìn mình thì luôn nhìn xuống vì đầu họ ngẩng cao hơn đầu mình. Họ biết tỏng cái lợi tức vài trăm của mình không bõ tiền bảo hiểm xe của họ. Những người bạn cũ ấy, bây giờ lại đứng ở bên kia trận tuyến, đối lập với mình.

Mặt trận của họ là huy hoàng, là lộng lẫy, nhà nhiều gara xe, xế thì xế hộp, kênh kênh kiệu kiệu. Mình ở bên này, cóm róm, ngại ngần, cái "áp pạc tơ măng" cũ xì, đen đúa. Màn cửa cả vài chục năm không thay. Vòi nước cứ rỉ rả như ve sầu kêu hết mùa hạ lại mùa thu. Xe của mình là cái chân gẫy long đinh, cứ ba ngày lại phải đến thăm ông sửa xe một lần, lần nào cũng toát mồ hôi hột vì ông chủ gara phán những câu nghe muốn điếc tai luôn, người yếu thần kinh muốn xỉu tại chỗ.

Trận chiến thật bất công. Một bên dùng súng tối tân, một bên gậy cùn, gươm rỉ. Thử hỏi làm sao mà chiến đấu" Chưa đánh đã thua. Chưa giơ vũ khí lên đã muốn nằm lăn xuống đất. Không kể những lời trần tình, than thở của vợ con cứ như cái đinh đâm vào ruột, vào tim những nhát chí mạng. Vợ cần đi chợ, con cần sách học, cần xe, cần bảo hiểm. Còn chính bản thân chỉ cần một phút nghỉ ngơi, không suy nghĩ, không hận đời, không nhớ những trận đánh thực sự huy hoàng ngày xưa, thà ngã xuống vì một viên đạn còn hơn là sống lây lất bị dao nhỏ tỉa hàng ngày. Những luỡi dao bén nhọn, đanh ác: "Này, anh H.O kia, lại đây lau cái bàn cho tôi đi! Gớm cứ đứng như trời trồng thế!" "Anh H.O thì biết gì mà điện với thoại! Cầm cái phôn cũng không nên thân!"
"Anh kia, lại đây nhặt cái rác này cho tôi đi!" "Thôi, ngày mai ông nghỉ cho rồi đi! Hát Ô với Hát eo! Chả làm được cái đếch gì nên hồn!"

Đại khái thế! Địch thủ to lớn quá, nặng cân quá! Đánh không nổi! Hai tay từng cầm súng, cầm bút, rồi cầm cuốc trên chục năm, giờ này không biết xỏ chỉ kim may, cắt chỉ cũng chậm. Một ngày làm trên chục tiếng, cũng chỉ có vài đồng mang về nhà! Chị kia, Trung Úy với Đại Úy cái con khỉ gì! Đạp cái máy may mà để cho chỉ chạy tuốt ra ngoài đường! Báo hại tôi phải gỡ ra làm lại, khốn khổ khốn nạn. Chà! ngày xưa chắc chị cũng có nhiều nguời theo lắm đấy! Đẹp nõn nường thế mà! Thôi, chịu khó quên đi! Cắt móng chân người ta cho kỹ vào! Để họ sứt một li, là chị lãnh đủ đấy!
Ôi! Nước mắt ở đâu lại tuôn ra thế! Chiến sĩ gì mà mít ướt thế! Hơi một tí là khóc! Anh có Anh Dũng Bội Tinh à! Có mài bội tinh ra mà ăn được không" Ngào nghẹn hả! Nước mắt chẩy đầy trong họng, nước mắt rơi trong tim, làm run chân run tay. Ôi! Đánh trận kiểu này không công bình tí nào! Phải chi cho tôi ôm một quả bom lao vào xe địch cho nổ tung lên còn sướng hơn là bị chính người mình mắng mỏ... Nhưng ở đây, không có bom, không có đạn, chỉ có những cái lưỡi cay độc, coi anh chị em H.Ô như những thằng đần, con mẹ ngu, đồ phế thải, vô dụng, bất tài, bất lực! Có kẻ còn nói: "Mấy ông bà H.O vậy ra còn sướng hơn chúng tôi! Hồi chúng tôi mới sang Mỹ năm 75, phải lau cầu tiêu, dọn rác tối tăm mày mặt. Các ông đi máy bay, sướng thấy mẹ!" H.O chỉ muốn mở miệng trả lời: "Vâng, năm 75, chúng tôi cũng lau cầu tiêu, cuốc đất bá thở. Nhưng có khác là khi chúng tôi làm cật lực như thế, bên cạnh và đằng sau chúng tôi là những mũi súng AKA, dưới chân chúng tôi là mìn, là lựu đạn." Nhưng thôi, tranh cãi mà làm gì. Ra tiệm may, H.O nghiến răng làm cho khỏi bị chửi. Vào nhà hàng, H.O nín thở rửa chén cho sạch kẻo mấy người sang trước lại rủa là đồ H.O quê một cục. Về đến nhà, H.O căng mắt ra học muốn nổ đom đóm ra, nhưng cái đau của H.O là thấy "thằng bé vừa làm vừa bỏ báo, trông ốm như con cò ma!" hoặc "con bé nó học thế kia thì có ho lao không"" H.O đau buốt trái tim khi thấy con bé đi làm đêm về bị lũ du côn dùng gậy chầy đập cho vài gậy, muốn gẫy xương hông. H.O chẩy nước mắt ra khi thằng con vừa thở vừa kêu: "Bố mẹ cho con ăn gì đi, vừa đi học là chạy đi làm, đói ơi là đói!" H.O run run chiên quả trứng cho con  mà nước mắt rơi xuống chảo nổ xèo xèo. H.O lúc đó quên rằng chính mình cũng phải đi bỏ báo, bỏ bánh mì, giao hàng, giao Fớ ni Chơ, chặt thịt, chặt cá ở chợ. Làm xong, H.O còn phải đi học ESL, học Anh Văn, học thi lại mấy cái bằng đại học. Căng thẳng quá, nhiều H.O chỉ muốn bỏ cuộc. Thôi, về lại Việt Nam, thà chết ở quê mình...

Nhưng rồi, 5 năm, 10 năm trôi qua nhanh như giấc mộng. Chả mấy người bỏ về Việt Nam vì trận chiến khởi đầu năm 1990 bất ngờ đã chuyển hướng gió. Những H.O vừa làm vừa học đã cùng với con trai, con gái đến trường cân đai, mũ áo, nhận bằng phát cho cả bố lẫn con. Một số H.O đã lại mở văn phòng Bác Sĩ,  Dược Sĩ, Nha Sĩ. Có H.O trên 60 tuổi mới lấy lại bằng Nha Sĩ. Có H.O đi dậy lại trên Đại Học. Nhiều H.O làm công chức từ INS đến Bộ Nhân Dụng, Cơ Quan Housing, Cơ Quan tài chánh, Cơ quan điều tra tội phạm... Có H.O làm Kiểm tra viên Tiểu Bang, có H.O. đậu Master về Tâm Lý Học đi làm chỉ kém Bác Sĩ có một cấp. Mười năm trước, H.O lủ khủ quê mùa, nay H.O mở văn phòng dịch vụ, Luật Sư, nhà hàng, tiệm neo, tiệm nước... Con bé vừa đi làm vừa đi học muốn ho lao giờ là Bác Sĩ gia đình. Thằng bé bỏ báo năm xưa thành Tiến Sĩ Dược Khoa. Con nhà H.O mở văn phòng Nha Khoa hầu như thành phố nào cũng thấy. Con bé ốm tong ốm teo kia đang làm Phó Biện Lý, tốt nghiệp Luật khoa hạng Ưu. Những H.O Đại Bàng ngồi cắt chỉ năm xưa giờ đưa đón cháu nội, cháu ngoại đi học, để bố mẹ cháu vào bệnh viện làm việc. H.O giao hàng Fớ ni Chơ hồi đó, giờ làm Cố Vấn cho những người tâm thần. Chị H.O dược sĩ hồi  ấy ngồi rút máu mấy người điên, giờ làm phụ tá phòng thử nghiệm rất lớn, lương cũng xấp xỉ dược sĩ. Ông H.O dược sĩ khi xưa, nay làm Giám Đốc một cơ sở hóa học, cũng sắp nghỉ hưu.
Các vị Niên Trưởng tóc bạc trắng vẫn kiên cường chiến đấu cho một đất nước Tự Do, không Cộng Sản. Xuống đường, biểu tình chống Cộng Sản, gây tiếng vang cho khắp thế giới. Nhiều vị làm báo, viết báo để đem tiếng nói Tự Do về lại quê nhà. Một phu nhân H.O vẫn gủi tiếng nói của mình trên đài phát thanh quốc tế về Việt Nam. Riêng một nữ Trung Tá Không Quân, giờ đã quá "Thất thập cổ lai hi", vẫn hoạt động mãnh liệt cho những thương phế binh bị bỏ rơi ở Việt Nam. Bà vẫn bay trên không gian từ Hoa Kỳ về giải đất chữ  S nghèo nàn kia như cánh chim đại bàng ấm áp.

Cuộc chiến âm thầm, kinh hoàng, không có máu mà chỉ đầy nước mắt giờ đã chấm dứt với phần thắng về phía những chiến sĩ kiên trì, theo tinh thần cụ Nguyễn Công Trứ : "Khi làm Tướng không lấy làm vinh, Khi làm H.O cũng chả thấy gì là nhục!" Để rồi khi vinh quang đến, mới thấy tự hào là mình đã vượt quá vũ môn, dù sức già, thân mỏi, dù miệng thế cay chua. Hai chữ H.O nay đã thành lịch sử rồi, đã thành biểu tượng của những tấm gương hy sinh, nhẫn nại, ngoài biên thùy chiến đấu cam go, vào hậu trường vẫn luôn bền chí. Đó là đặc tính muôn đời của những người lính Cộng Hòa, những người lính mà một vị Tướng Nhẩy Dù Hoa Kỳ đã ví von "chiến đấu như sư tử" vậy. 
tháng 8, 2007.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bài báo của phóng viên Martin Wisckol ghi nhận là năm 2000 chỉ có một vị dân cử gốc Việt tại Quận Cam. Vậy mà bây giờ có tới 10 dân cử gó6c Việt, trong đó 4 người mới thắng cử
Ở Việt Nam, năm 2006 ghi nhận hai sự kiện quan trọng nổi bật. Một là, Việt Nam được gia nhập WTO. Hai là, tổng thống Hoa Kỳ George Bush sang thăm Việt Nam nhân Hội nghị APEC 14
Sáng nay tiết trời Hà nội lạnh, không khí bị phủ một lớp sương mờ, không có ánh mặt trời. Ngày đầu tiên của năm 2007
Nhưng nếu không có sự đụng chạm giữa các nền văn minh, thế giới chúng ta cũng đang đối đối đầu trước một sự đụng chạm khác. Học giả Dominique Moĩsi, một cố vấn thâm niên của
Thời gian thắm thoát trôi, mới đó mà đã 22 năm kể từ ngày các Anh vĩnh viễn ra đi. Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại có rất nhiều đổi thay, nhưng các anh nào có biết! Hôm nay nhân ngày giỗ
tôi mong là từ năm nay, Hà Nội nên có chính sách văn minh hơn với người dân của mình. Đó là bình thường hóa quan hệ với người Việt Nam chứ đừng chỉ có sợ người ngoại quốc...
Gerald R. Ford, tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ, lên nắm quyền sau khi Tổng Thống Richard Nixon 
Tổng thống Ford là một người tử tế. Nhưng thiếu mưu mô... Trong một số báo đầu năm, chúng ta nên nói về chuyện tử tế. Không có gì tử tế hơn là nói về nhân vật đang được quốc táng
Căn cứ Khe Sanh nằm lọt giữa một thung lũng, các ngọn đồi bao bọc chung quanh, do đó đây không hẳn là một vị trí có thể quan sát bao quát hết các vị trí địch.
Vấn đề dự án xây Chùa Quan Âm tại Garden Grove đã trở thành một đề tài được đề cập đến
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.