Hôm nay,  

Uýnh Hay Không Uýnh?

07/04/200700:00:00(Xem: 10545)

Hoa Kỳ sẽ không tấn công Iran. Sau đây là các lý do....

Sau vụ Tehran thử lửa và bắt 15 binh lính Anh làm con tin trong hai tuần, một số dư luận cho rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran ngày càng tồi tệ và chính quyền Bush có thể sẽ ra lệnh tấn công Iran.

Người viết có thể ở vào phe thiểu số tuyệt đối mà tin rằng điều ấy khó xảy ra.

Thứ nhất vì Hoa Kỳ không có khả năng quân sự cho một chiến trường lớn như Iran; thứ hai vì Chính quyền Bush không có khả năng chính trị khi đối lập Dân chủ lại coi việc chống Bush là ưu tiên tối thượng; thứ ba vì... Hoa Kỳ cũng chẳng cần mở cuộc tấn công quân sự khi hai nước đã thực sự giao chiến trên nhiều lãnh vực khác....

Trước hết, trong quan hệ giữa hai nước, hồ sơ Iraq là một ưu tiên trước mắt, kế hoạch nguyên tử của Tehran là vấn đề phụ, chỉ trở thành sinh tử cho Mỹ trong vài năm tới, sau năm 2009. Với chính trường Mỹ, vấn đề này còn ở quá xa vì trước đó còn có cuộc tổng tuyển cử 2008.

Hồ sơ Iraq là một ưu tiên cho Chính quyền Bush, còn kế hoạch nguyên tử được Tehran nhồi trong chuyện Iraq như lá bài mặc cả và được Hoa Kỳ coi là một hồ sơ biệt lập, phải giải quyết theo phương cách khác. Đó là về lý luận trên đại thể.

Về thực tế thì tại Iraq, Chính quyền Bush muốn đạt kết quả là tạm ổn định tình hình với một chính quyền thân Mỹ đủ mạnh ở Baghdad hầu Hoa Kỳ có thể rút quân và Iran không thể đe dọa quyền lợi chiến lược của Mỹ tại Trung Đông. Ngược lại, Tehran muốn Iraq trở thành một xứ thống nhất do phe thân Iran của hệ phái Shia thống trị, hầu bành trướng ảnh hưởng  hoặc ít nhất không đe doạ quyền lợi chiến lược của mình. Vì hai mục tiêu lý tưởng mà trái ngược ấy đều là bất khả cho hai phe, cho nên mọi đòn phép hù dọa đều nhắm vào một kết quả nào đó ít tệ nhất cho từng phe. Khi mục tiêu lý tưởng nằm ngoài tầm tay và đôi bên phải tìm một kết quả ít tệ hơn, thì người ta có cơ sở cho một sự thoả hiệp. Nhưng nếu muốn thỏa hiệp thì cả hai đều phải đàm nhiều hơn đánh, và nếu muốn đàm cho có kết quả thì phải làm như sẵn sàng đánh.

Nôm na là đánh dứ. Nghĩa là tháu cáy.

Vấn đề là tình hình có khi lại vuột khỏi tầm tay của cả hai và chuyện đánh dứ có khi sẽ suy đồi thành.... đánh thật. Là điều chúng ta sẽ xét sau vì khó xảy ra trong vòng mấy tháng tới.

Ngược với những suy luận phổ biến trên chính trường Mỹ, Chính quyền Bush có đạt một số kết quả tạm gọi là khả quan hơn tại Baghdad kể từ trung tuần tháng Hai, từ khi các đơn vị Hoa Kỳ thực hiện chiến lược đôn quân. Lãnh tụ Muqtada al-Sadr của phe Shia nay phải đi trốn, có khi trốn tại Iran, và lực lượng quân sự Mehdi của ông ta bị chặn đứng trong khi lực lượng chính trị của ông ta trong Quốc hội Iraq bắt đầu bị tách đôi.

Liên minh Shia, gồm phe thân Iran lẫn phe độc lập, bị rạn nứt nặng nề và không thể hoàn toàn khống chế tương lai Iraq theo những mơ ước của Tehran. Nhưng ngược lại, Chính quyền Bush vẫn bị tấn công ngay từ sau lưng, bởi Quốc hội Dân chủ, và không thể tháu cáy hù dọa Tehran hầu sớm đạt một kết quả "tạm được" tại Iraq.

Trong hiện tại và từ nay đến 2008, tối đa Chính quyền Bush có thể làm được là tìm một sự thỏa hiệp với phe Sunni và tàn dư đảng Baath của chế độ cũ hầu cấy lại một loại sinh tử phù tại Iraq cho phe Shia và cho Tehran. Nghĩa là để lại một vùng oanh kích tự do cho ngần ấy phe, là điều thật ra cũng tai hại cho Iran.

Nhìn theo cách khác, hai phe có thể phá bĩnh tối đa kế hoạch của đối phương và để lại nhiều thùng thuốc súng ở Iraq, theo kiểu nôm na là ăn không được thì phá cho bõ ghét. Muốn tránh hậu quả tệ hại đó thì cả hai sẽ đều phải thỏa nhượng. Tức là "đàm để khỏi đánh". Và thực tế thì Hoa Kỳ và Iran đều đã khởi sự đàm phán từ tháng trước mà chưa ai chiếm được thế thượng phong và cả hai đều tác động vào dư luận (Liên hiệp quốc, Liên hiệp Âu châu, khối Hồi giáo) để phần nào đạt được mục tiêu ta gọi là "ít tệ nhất".

Vụ bắt giữ con tin của Anh có thể là một phần của kế hoạch tác động ấy từ phía Tehran.

Trong vụ này, nhìn chung thì họ chiếm được thế mạnh vì các diễn đàn quốc tế như Liên hiệp quốc hay Liên Âu đều hùng dũng im lặng. Liên hiệp quốc im lặng khi chuẩn bị ra nghị quyết kết án Tehran và Liên Âu im lặng dù một thành viên của mình là Anh quốc bị khiêu khích trắng trợn. Còn quân lực Anh thì chứng tỏ một khả năng ứng phó quân sự rất kém trong một chiến dịch thực hiện theo yêu cầu của... Liên hiệp quốc trên một mặt nước được coi là của Iraq! Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ. Và sẽ sớm được lãng quên.

Nếu lùi khỏi vụ con tin của Anh, người ta có thể nhìn ra thế trận giữa Hoa Kỳ và Iran từ nhiều khía cạnh khác, và từ nhiều năm tháng nay rồi.

Ngày mùng bốn tháng Hai, một đệ nhị tham vụ Sứ quán Iran tại Baghdad đã bị bắt cóc. Nhân vật này, Jalal Sharafi bỗng được (ai đó) thả ra ngày mùng hai tháng Tư, trước khi Tehran thả 15 con tin của Anh!

Trước đấy, ngày 11 tháng Giêng, các binh lính Mỹ bất ngờ tảo thanh Lãnh sự quán Iran tại Arbil ở miền Bắc Iraq và bắt giữ sáu người mà Iran gọi là "nhân viên ngoại giao" bị Mỹ kết tội là tổ chức các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ và Iraq. Vụ này xảy ra khi Tổng thống Bush thông báo chiến lược mới tại Iraq gồm có việc đôn quân vào Baghdad!

Trước đấy nữa, ngày 24 tháng 12 năm ngoái, các đơn vị Mỹ cũng mở hai chiến dịch càn quét ở Bagdhad và bắt được ít ra bốn người Iran về tội yểm trợ một nhóm phiến quân Sunni (Ansar al-Sunnah). Ở giữa các chiến dịch này là vụ một viên tướng cao cấp của Iran đào thoát tại Turkey, và nhiều phần là đã hợp tác với phía Hoa Kỳ, đó là Ali Reza Asghari, một nhân vật có vai vế trong lực lượng Vệ binh Cách mạng IRGC của các Giáo chủ Tehran. Phía Tehran thì tri hô rằng Mỹ và tình báo Israel là Mossad đã bắt cóc nhân vật quá quan trọng này!

Nhìn xa hơn, những ai theo dõi tình hình Iran còn nhớ rằng ngày 18 tháng Giêng vừa qua, tình báo Mossad có thể đã ám sát Ardeshir Hassanpour, một nhà bác học có trách nhiệm về kế hoạch nguyên tử của Tehran trong khi truyền thông Tehran loan báo rằng ông này bị chết vì... phóng xạ. Trước đó nữa, Tehran cũng tri hô là bọn xấu nước ngoài (Hoa Kỳ, Anh và Israel) có xúi giục các phần tử phiến loạn đánh bom trong tỉnh Khuzestan của Iran, nằm đối diện với cửa sông Shatt al Arab, nơi thuộc phạm vi quản trị của các đơn vị... Anh. Và cũng là nơi xảy ra vụ bắt giữ con tin vừa qua.

Biết đâu chừng, tình báo Anh-Mỹ đang đôn người hay rút người từ vùng xôi đậu ấy, hay đang theo dõi phản ứng của Tehran trong khu vực đầy bất trắc này cho các Giáo chủ"

Lúc ấy, người ta mới để ý thấy là từ nhiều năm nay, Iran cũng có nội loạn và bị đánh bom. Một trong các mục tiêu bị đặt bom vào đầu năm ngoái chính là Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad! Ngược lại, cũng từ đầu năm ngoái, khi Hoa Kỳ còn hồ hởi với triển vọng Iraq sau ba cuộc bầu cử năm 2005 thì ngôi đền vàng của dân Shia tại As Samarra bỗng bị đánh bom tan tành, mở màn cho chuyện tương tàn giữa hai hệ phái Sunni và Shia. Khi vụ đặt bom vừa xảy ra, lãnh tụ Tehran là Ali Khameini lật đật tri hô là do Mỹ và Israel chủ mưu và còn cao thượng kêu gọi dân Shia là đừng trả đũa!

Nghĩa là trong thực tế, Iran và Hoa Kỳ đã lặng lẽ mở ra một cuộc chiến tranh khuynh đảo, kết hợp tình báo và tuyên truyền, để tác động vào tình hình Iraq. Trong chuyện này, chẳng ai là kẻ hiền lành hết.

Nếu Iran có kinh nghiệm về khủng bố và bắt giữ con tin -  từ năm 1979 cho đến vụ bắt giữ ba thuyền tuần giang của Anh năm 2004, ngẫu nhiên sao cũng tại Shatt al Arab - thì phía Hoa Kỳ chẳng khoanh tay chịu trận. Nếu Iran có tuồn quân và võ khí vào Iraq hoặc quậy phá tại Lebanon thì Hoa Kỳ tất nhiên phải biết và cũng biết chặn, với sự hợp tác kín đáo của Israel (và... thiếu hữu hiệu của Thủy quân Lục chiến Anh!)

Đây chỉ là chuyện kẻ cắp gặp bà già mà thôi.

Vấn đề là cả hai đều không muốn có chiến tranh công khai.

Quân lực Mỹ bị căng mỏng trên hai chiến trường lớn là Afghanistan và Iraq và không thể mở ra một cuộc chiến, dù thu hẹp trong hình thái không tập, tại Iran. Trên một lãnh thổ rộng lớn như vậy, Hoa Kỳ chẳng thể thủ thắng nếu không thả bộ binh vào đóng chốt ở một số khu vực, là điều thực tế bất khả, về cả quân sự lẫn chính trị. Khoẻ thì dùng sức, yếu dùng mưu. Mưu của Chính quyền Bush là hù dọa bằng cách gửi ba hàng không mẫu hạm vào vùng Vịnh để khỏi phải dùng tới, trong khi tiếp tục gây rối trong hậu cứ Iran, gây phân hoá trong nội bộ lãnh đạo Tehran và trong phe Shia để tìm thế mạnh hầu có thể rút khỏi Iraq trước khi ông Bush hết nhiệm kỳ.

Sau đó ra sao là chuyện của... hậu thế.

Khốn nỗi, đòn dọa ấy của chính quyền Bush bị giảm sức công hiệu vì Quốc hội ở nhà sẵn sàng kéo cờ trắng. Yếu tố duy nhất còn giá trị gián chỉ (can gián hay hăm dọa) là sự liều lĩnh nổi tiếng của ông Bush! Tay cao bồi Texas này dám chơi bạo lắm! Ngược lại, Tehran cũng muốn nhân khi nước Mỹ yếu thế thì nhồi thêm kế hoạch nguyên tử vào chuyện Iraq để nếu không được cả hai thì cũng còn một, cho tới khi nước Mỹ tháo chạy về nhà lo việc bầu cử 2008.

Vì không có giải pháp lý tưởng và cũng chẳng thể dụng võ mà thành, đôi bên sẽ vừa đàm phán ngầm vừa quấy rối và công khai chửi nhau cho dư luận đứng ngoài chấm điểm thắng bại.

Điều nguy hiểm nhất là trong cuộc cờ tháu cáy để vừa đánh vừa đàm này, đôi bên đều lấy những rủi ro rất lớn theo lối già néo đứt giây. Hoa Kỳ càng có hy vọng giải quyết ổn thỏa chuyện Iraq - mục tiêu duy nhất có sự đồng thuận giữa Hành pháp Bush và Lập pháp Dân chủ - thì Iran càng thấy bị thất thế. Lúc ấy, Tehran sẽ dám làm liều - là điều chưa xảy ra khi đôi bên còn đang ở trong tiến trình đàm phán từ nay đến cuối năm. Một thời điểm trắc nghiệm là cuộc gặp gỡ của Ngoại trưởng Condoleezza Rice với vị tương nhiệm của Tehran vào trong tháng này.

Nếu chuyện đàm không xong mà Tehran làm liều thì lãnh đạo Mỹ vào đầu năm 2009 sẽ là người quyết định ứng phó. Khi đó, ông Bush đã về hưu và lịch sử sau này cần ghi lại là nguyên nhân xung đột giữa hai nước không xuất phát từ năm 2009 hay 2008 mà từ những năm vừa qua, khi lãnh đạo Mỹ thiếu thống nhất về mục tiêu chiến lược trường kỳ tại Trung Đông và chuyện bầu cử trước mắt.

Một hiện tượng thật ra đã là truyền thống của chính trường Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.