Hôm nay,  

Khủng Hoảng Hy Lạp: Tại Sao Ta Phải Sợ?

18/05/201000:00:00(Xem: 10780)

Khủng Hoảng Hy Lạp: Tại Sao Ta Phải Sợ"
Vũ Linh

... Los Angeles, theo nhận định của cựu thị trưởng Riordan, sẽ phá sản vào năm 2014...
Trong thời gian qua, cuộc khủng hoảng tài chánh của Hy Lạp đã lay chuyển kinh tế cả thế giới. Trong khi dân Hy Lạp nổi loạn biểu tình đốt phá nhà cửa, chỉ nội tuần lễ đầu của tháng Năm này, các chỉ số chứng khoán tại Mỹ đã rớt khoảng gần 10%.
Phần lớn dân tỵ nạn chúng ta không có cái “may mắn” có được những mối “lo” thị trường chứng khoán lên hay xuống. Như vậy tại sao ta lại cần thắc mắc và lo ngại khi đọc những bản tin về cuộc khủng hoảng của Hy Lạp" Câu trả lời giản dị là những khó khăn của Hy Lạp ngày hôm nay có nhiều cơ may sẽ là những khó khăn của nước Mỹ và của chính chúng ta trong một tương lai không xa lắm.
Sau loạt bài về cải tổ y tế, kẻ viết này đã nhận được nhiều thư của độc giả Việt Báo bên Âu Châu, hoan nghênh việc TT Obama có khuynh hướng theo gương Âu Châu. Nói chung, dân Âu Châu, trong đó có cả dân tỵ nạn ta bên đó, có khuynh hướng ủng hộ TT Obama rất mạnh vì thấy vị tổng thống này có cái nhìn “nhân bản” hơn ông cao bồi Texas trước đây, và sẵn sàng giúp đỡ “dân nghèo” một cách hết sức rộng rãi.
Trên phương diện xã hội, Âu Châu đứng về phiá tả của Mỹ, cách rất xa. Chẳng hạn như toàn dân đều có bảo hiểm y tế của Nhà Nước, đi nhà thương, bác sĩ, mua thuốc đều rẻ mạt. Hay là mọi người đi làm một tuần 35 tiếng, mỗi năm nghỉ hè sáu tuần tối thiểu, thất nghiệp vẫn lãnh 80% lương trong cả nửa năm, …
Nghe thì rất là hấp dẫn. Nhưng mặt trái của chính sách đó là đối với dân thì thuế cực cao (nửa mức lương là thường), năng xuất cả nước rất thấp (chưa bằng một nửa của Mỹ), Nhà Nước thì nợ hơn chúa chổm. Đến lúc nào đó thì sẽ xẩy ra tình trạng của… Hy Lạp. Mà Hy Lạp cũng chỉ mới là nước đầu tiên. Sau đó sẽ là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ái Nhĩ Lan, Ý Đại Lợi, và Bỉ. Tất cả những nước này đều đang gặp khó khăn lớn.
Trường hợp Hy Lạp khá đặc biệt. Quyền lợi của các nhân công và nhất là công chức, nhìn vào là ta phải thấy chóng mặt, nhờ sự tranh đấu của các nghiệp đoàn. Chẳng hạn như:
- Tất cả mấy bà có chồng chết mà chưa tái giá, hay các bà đã ly dị mà chưa tái giá, tức là mấy bà độc thân cho dù là xồn xồn, đều được lãnh tiền hưu của bố mẹ đã qua đời (!), cho đến khi tái giá.
- Tất cả công chức đều có quyền về hưu non trong tuổi bốn mươi, lãnh tiền hưu của Nhà Nước, đi làm việc khác hay nằm nhà ngủ.
- Tất cả công chức đều lãnh 14 tháng lương.
- Tất cả công chức đều lãnh tiền thưởng đặc biệt mỗi tháng, gồm đủ kiểu, như đi làm đúng giờ (!!!), biết xài computer, biết nói một ngoại ngữ, … Các thứ tiền thưởng linh tinh này có khi bằng nguyên một tháng lương. Nói cách khác, công chức lãnh hai tháng lương mỗi tháng là chuyện thường.
- Tổng quát, chi phí hưu bổng cho các công chức tính đầu người cao gấp bốn lần mức trung bình của Âu Châu.
Nhà Nước chẳng những rất rộng rãi với công chức mà còn tiêu tiền như được trúng số quanh năm. Một vài ví dụ:
- Tất cả công việc lớn nhỏ đều phải do các ủy ban quyết định (đúng mô thức xã hội chủ nghĩa), do đó có cả chục ngàn ủy ban lớn nhỏ, mà chẳng ai rõ làm những việc gì. Chẳng hạn có một ủy ban lo việc “quản lý” một cái hồ (hồ Kopais), mặc dù hồ này đã cạn nước từ thập niên ba mươi. Dĩ nhiên là các ủy viên trong ủy ban vẫn ăn lương 14 tháng cho đến ngày nay.
- Tất cả nhân viên (và gia đình) của hãng máy bay Nhà Nước Olympic Airways đều được đi tàu bay bất cứ lúc nào, bất cứ đi đâu, kể cả vòng quanh thế giới, hoàn toàn miễn phí, cho đến khi hãng này xập tiệm cách đây hai năm. Trước đó Nhà Nước tìm cách tư hữu hóa, nhưng mỗi lần có người muốn mua là nhân viên đình công, khiến người muốn mua sợ hãi, chạy mất.
- Nhà Nước sở hữu khoảng 75 đại công ty trong các ngành quan yếu. Hầu hết đều lỗ lã triền miên, phần lớn vì quá nhiều nhân viên, trả lương và bổng lộc quá lớn, trong khi năng xuất chẳng bao nhiêu.
- Chi phí quốc phòng lên đến gần hai chục tỷ đô, hay 6% tổng sản lượng cả nước, nhưng 80% lại là tiền lương cho quân nhân và chi phí hành chánh, trong khi súng đạn, tàu bay, tàu thủy chẳng bao nhiêu, mỗi lần đụng trận với ông hàng xóm Thổ Nhĩ Kỳ là thua liểng xiểng.
Hy Lạp là một nước theo chế độ đại nghị, có tổng thống “làm cảnh” trong khi quyền hành nằm trong tay thủ tướng, là người của đảng nắm đa số trong quốc hội. Từ 1974, có hai đảng chính thay nhau cầm quyền, lớn nhất là đảng Xã Hội (Pan-Hellenic Socialist Movement) là đảng có khuynh hướng thiên tả. Đảng Xã Hội này đang nắm quyền. Đảng đối lập có khuynh hướng tương đối bảo thủ hơn. Đảng thứ ba là Đảng Cộng Sản. Cả ba đảng đều chủ trương một Nhà Nước “vú em”.
Năm 1981, Hy Lạp gia nhập Liên Hiệp Âu Châu, và năm 2001, xài tiền Euro như tất cả các nước trong khối. 
Hy Lạp rơi vào tình trạng khủng hoảng vì số nợ quốc gia quá lớn trong khi năng xuất quá thấp. Nhà Nước không có đủ tiền thanh toán nợ nần và bị đe dọa phá sản. Vì Hy Lạp nằm trong khối tiền tệ Euro nên cũng không thể tự ý in tiền ra để trả nợ. Việc in tiền Euro do Ngân Hàng Trung Ương khối Liên Âu quyết định. Do đó, muốn khỏi phá sản, chỉ có một cách là xin vay tiền dài hạn của các nước khác trong Liên Âu, đặc biệt là Đức, là nước giàu mạnh nhất trong khối. Một giải pháp nữa là tách rời khỏi Liên Âu, nhưng làm như vậy thì sẽ phá sản tức khắc vì không ai nhận tiền Hy Lạp hết.


Liên Hiệp Âu Châu đã chịu nhẩy vào giúp, cho vay khoảng 140 tỷ đô vì sự sống còn của cả khối, nhưng có điều kiện rất gắt gao như bắt buộc chính phủ Hy Lạp phải thắt lưng buộc bụng, hủy bỏ một số lớn những bổng lộc nêu trên, cắt giảm hàng loạt các chương trình oeo-phe, hưu bổng, tiền thưởng, trợ cấp cho các công ty quốc doanh lỗ lã triền miên, và tăng thuế toàn diện. Đại khái, người ta ước tính mức lương trung bình sẽ bị giảm 15%, một số lớn công ty quốc doanh sẽ bị đóng cửa, tăng nạn thất nghiệp lên gần 20%, và Hy Lạp sẽ bị suy trầm kinh tế trong ít nhất 10 năm nữa.
Dĩ nhiên là những điều kiện này đụng ngay phản ứng của dân chúng, nhất là của công chức và các nghiệp đoàn, được thể hiện qua những hình ảnh biểu tình đập phá, đốt nhà, … mà ta thấy trên truyền hình thời gian qua. Thiên hạ bao giờ cũng chỉ muốn hưởng tối đa, mà không bao giờ chịu tính chi phí.
Các nước Âu Châu họp hành liên miên từ cả mấy tuần qua, và đi đến quyết định sẽ bỏ ra một ngàn tỷ Euros (1.400 tỷ đô) như là qũy dự phòng cho các nước sắp gặp khó khăn, ngoài việc cho Hy Lạp vay một trăm tỷ. Dân Âu Châu sửng sốt và bất mãn. Trong một cuộc bầu địa phương tại Đức, đảng của bà thủ tướng Đức bị thua sát ván. Chẳng những dân Hy Lạp chống đối vì mất quyền lợi, mà ngay cả dân các nước Âu Châu khác cũng chống đối sự giúp đỡ này, vì họ không đồng ý những chuyện như họ phải cong lưng đi làm đến 60 tuổi mới được về hưu để cứu mấy ông Hy Lạp muốn về hưu năm 40 tuổi.
Nhưng TT Obama thì lại có phản ứng khác. Có lẽ quen xài giấy lớn, nên ông tổng thống của đại cường Cờ Hoa đã điện thoại cho bà thủ tướng Angela Merkel của Đức để khuyên bà nên… rộng rãi hơn nữa vì theo TT Obama thì một ngàn tỷ còn quá ít.
***
Những gì xẩy ra bên Hy Lạp tuy có thể khá xa, nhưng không khỏi làm cho các kinh tế gia Mỹ lo lắng cho tương lai của nước Mỹ dưới chính sách xài tiền như bão táp của chính quyền Obama.
Người ta có thể nhìn vấn đề dưới vài khía cạnh:
- So mức nợ công (nợ của Nhà Nước): mức nợ của chính phủ Hy Lạp là khoảng 115% tổng sản lượng. Chính phủ Mỹ thiếu nợ cỡ 58%. Nhưng nếu kể những chi trả tương lai cho các chương trình an sinh xã hội, medicare và medicaid thì tổng số nợ sẽ là gần 90% tổng sản lượng, và đang trên đà tăng trưởng rất nhanh với những chương trình vĩ đại của TT Obama. Theo New York Times thì hai chục năm nữa, mức nợ của Mỹ sẽ là… 140% tổng sản lượng nếu chính phủ không thắt lưng buộc bụng thật chặt hay không tăng thuế.
- So sánh thâm thủng ngân sách: mức thâm thủng của Hy Lạp là 13% tổng sản lượng. Mức thâm thủng của Mỹ hiện nay là gần 11%, chưa kể gần 12.000 tỷ thâm thủng dự tính cho mười năm tới qua chương trình cải tổ y tế. Một chi tiết đáng chú ý: Bộ Ngân Khố vừa loan tin, ngân sách trong tháng Tư vừa qua đã thâm thủng 83 tỷ, hơn gấp bốn lần thâm thủng của tháng Tư 2009 (20 tỷ) là ngân sách của TT Bush để lại. Một kỷ lục trong hơn 200 năm lịch sử Mỹ. Ta cũng cần nhớ tháng Tư là tháng Nhà Nước thu tiền nhiều nhất vì đó là kỳ hạn đóng thuế lợi tức mỗi năm, vậy mà vẫn không tránh được mức thâm thủng kỷ lục.
Điều đáng mừng là chúng ta vẫn còn thua Hy Lạp. Nhưng điều đáng lo là TT Obama đang cố gắng vượt bực để… bắt kịp Hy Lạp! Theo Moody’s là tổ chức nghiên cứu và lượng giá các công ty, thì tiếp tục đà này, Mỹ sẽ bắt đầu gặp khó khăn trả tiền lãi mỗi năm trên tiền nợ ngay từ năm 2013 (một năm sau mùa bầu cử 2012, thành ra TT Obama đỡ phải lo chuyện này khi ra tranh cử trở lại), và có thể bị phá sản vào năm 2018 (gia tài của TT Obama để lại cho người kế nhiệm nếu ông tái đắc cử năm 2012 và mãn nhiệm năm 2016).
Thống Đốc Ngân Hàng Trung Ương Anh Quốc, Mervyn King, đã công khai bày tỏ lo ngại nước Mỹ đang đi theo con đường của Hy Lạp và sẽ gặp khó khăn tương tự! Vấn đề là Mỹ lớn hơn Hy Lạp gấp bội, nếu gặp khó khăn tương tự thì sẽ là đại họa cho cả thế giới.
Đó là nhìn vào tình hình chung của cả nước. Riêng các tiểu bang và thành phố thì tình hình bi đát trước mắt. Tiểu bang California, cũng là tiểu bang có các nghiệp đoàn công chức và giáo chức mạnh nhất Mỹ, đang gặp khó khăn chúng ta đều biết. Kế hoạch bãi bỏ phần lớn các trợ cấp oe-phe của Thống Đốc Cali đã làm không ít người lo lắng.
Riêng thành phố Los Angeles, theo nhận định của cựu thị trưởng Riordan, sẽ phá sản vào năm 2014 vì chi phí lương, hưu bổng và y tế quá nặng, tức là lúc đó, chính phủ sẽ không có tiền trả nợ, trả lương nữa. Hàng chục ngàn công chức sẽ bị sa thải. Các dịch vụ công như nhà thương, trường học, cảnh sát, chữa lửa… sẽ chấm dứt. Nếu không muốn tình trạng này xẩy ra thì chính quyền sẽ phải thắt lưng buộc bụng, cắt tiền già, cắt medicare và medicaid, cắt lương, sa thải công chức, và tăng thuế đồng loạt. Những biện pháp này bảo đảm sẽ tạo ra những những chống đối mạnh bạo và đẫm máu còn hơn ở Hy Lạp. Dân Mỹ đều có súng hết.
Những khó khăn của Hy Lạp, tiểu bang California, và thành phố Los Angeles sẽ là viễn tượng tương lai cho cả nước Mỹ, cái giá chúng ta sẽ phải trả cho các bánh kẹo bạc ngàn tỷ mà TT Obama và các đồng minh cấp tiến đang phân phát tứ phiá, từ các kế hoạch kích cầu kinh tế stimulus, cứu nguy hãng xe, ngân hàng, địa ốc, ... đến chương trình cải tổ y tế. Một ngàn tỷ đầu này, vài trăm tỷ đầu kia, ai cũng có phần, ai cũng hân hoan, … cho đến ngày tính sổ trả nợ, như Hy Lạp. (16-5-10)
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng mỗi Thứ Ba trên Việt Báo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cuộc biểu tình của dân oan khiếu kiện nhà đất bị CS cướp giật đã kéo dài đến ngày thứ 23. Từ những ngày đầu, khi đồng bào hải ngoại được tin cuộc biểu tình
Tường thuật về những ngày cùng bà con các tỉnh phía nam biểu tình đòi lại tài sản bị cướp đoạt phi pháp tại Văn Phòng Đại Biểu Quốc Hội 194 Hoàng Văn Thụ
Tôi gọi họ là "Người Việt Gốc Mỹ" bởi vì họ đã sinh ra ở Việt Nam, nhưng cha của họ đều là những chiến binh Hoa Kỳ
Là người mê chơi, nhất là mấy thứ đồ xưa, đặc biệt là những chiếc đồng hồ cổ. Ở Việt Nam thì những lọai này bây giờ đã trở thành hàng hiếm
Quảng trường Tự Do (Freedom Plaza) của thành phố Cabramatta một lần nữa lại bừng lên với cuộc xuống đường
Đây là khu phố sầm uất nhất của người Việt di dân tại quận Cam, tiểu bang California. Từ thành phố Midway, trên đường Bolsa, đi về hướng đông
Pocahontas là con gái của tù truởng Powhatan của bộ tộc Algoquian ở vùng Virginia bây giờ. Truyện tình của anh chàng thủy thủ Da Trắng với cô nàng người Da Đỏ
Tuần qua, chính trường Hoa Kỳ lại om xòm với một vụ tranh luận kép: ngoài tình hình Iraq là việc al-Qaeda có thể sẽ lại tấn công nữa
Nhắc lại miền Nam, Nguyễn khắc Toàn viết: “... Mô hình chế độ chính trị Nhà Nước Việt Nam Cộng Hòa trước đây, khi ở miền Bắc tôi đã được tuyên truyền rằng
Lời đầu tiên mà con kính gửi đến Đức Cha là mong được Đức Cha tha thứ cho việc một giáo dân bình thường, không tên tuổi, không đủ tư cách để đại diện cho một ai
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.