Hôm nay,  

Do Sức Niệm Quan Âm Như Mặt Nhựt Treo Không

18/11/200900:00:00(Xem: 5810)

Do Sức Niệm Quan âm Như Mặt Nhựt Treo Không
Niệm Bỉ Quán âm Lực Như Nhựt Hư Không Trụ

Bài giảng của Thầy PHẠM CÔNG THIỆN tại chùa Viên Thông, Bellflower, California, ngày 1 tháng 11, 2009
SMARATO AVALOKITESVARO (RAM)
SU-RYABHÛTAM (TO) VA NABHE
PRATISHTHATI (PRATITISHTHATI)
I. KINH A-RYA-VALOKITES'VARAGUNAKA-RANDAVYU-HA SU-TRA
   HAY A-RYA KA-RANDAVYU-HA NA-MA MAHA-YA-NA SU-TRA
(Tây tạng: ’phags pa za ma tog bkod pa zhes bya ba theg pa chen po’i mdo)
Danh hiệu của Kinh có thể rút gọn lại là Avalokites'varagunaka-randavyu-hah Su-tra hoặc gọn hơn nữa là Ka-randavyu-ha Su-tra.
Kinh đặc biệt về Quán thế Âm Bồ Tát và về sáu chữ Đại Minh Vương Đà La Ni OM MANI PADME HU-M.
Chỉ xin nói ngắn gọn về quyển kinh rất đặc biệt, rất kỳ lạ và rất linh thiêng! Có mười điều sau đây nên để ý và ghi nhớ trọn vẹn:
1. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang ở Xá Vệ (s'rvasti) nơi tu viện (viha-ra) ở rừng cây Kỳ Đà (Jetavana) vườn Cấp Cô Độc (Anathapindada) cùng với chúng Đại Tỳ Khưu và các chúng Đại Bồ Tát Ma ha Tát, cùng các chúng Thiên tử, Long vương, Càn Thát Bà vương, Khẩn Nala vương, Thiên nữ, Long Vương nữ, Càn Thát Bà nữ, Khẩn Na La nữ và trăm ngàn chúng vô số tại gia xuất gia; lúc ấy Đại A Tỳ Địa Ngục (Avi-ci) tỏa phóng ra ánh sáng rực rỡ và chiếu tới vườn Kỳ Đà và cả khu vườn thay đổi một cách thanh tịnh, trang nghiêm, vi diệu viên mãn; ánh hào quang sáng bừng rực rỡ, chưa từng thấy;
2. Đại Bồ Tát Sarvani-varanavisKambhin, từ tòa ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên hữu, gối hữu sát mặt đất, chắp tay cung kính, chiêm ngưỡng tôn nhan Đức Thế Tôn và bạch Phật về nhơn duyên nào mà ánh hào quang sáng bừng rực rỡ và hiện chiếu lạ lùng đẹp đẽ một cách kỳ diệu như vậy; Đức Phật trả lời; “Hào quang sáng rực ấy là của Thánh Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát đi vào Đại A Tỳ địa ngục để cứu độ tất cả hữu tình phải chịu đại khổ não trong đại địa ngục ấy.” Toàn thể Kinh cho chúng ta thấy những ý nghĩa diệu thường về Quán Thế Âm và sáu chữ Đại Minh Đà La Ni OM MANI PAME HU-M do chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy cho Đại Bồ Tát Sarvani-varanaviskambhin; danh hiệu Đại Bồ Tát này có nghĩa là: Trừ Diệt tất cả Cái Chướng, nếu dịch lại trọn vẹn chữ Tàu thì trừ nhất thiết cái chướng nhưng thông thường trong kinh luận chữ Tàu, Việt, Nhật, Đại Hàn thì vị Đại Bồ Tát này thường được gọi lại là Trừ Cái Chướng Đại Bồ Tát;
3. Từ đại địa ngục A Tỳ, Ngài Quán Tự Tại Đại Bồ Tát tiếp tục đến chỗ Ngạ Quỉ (preta) để cứu độ Ngạ Quỉ, Ngài phát dậy Tâm Đại Từ Bi (maha-Karuna- cittamutpa-dya) nơi mười ngó tay Ngài chảy ra những giòng sông trong mát, nơi mười ngón chân và nơi mỗi lỗ chân lông của Ngài đều phát ra những con sông to lớn để cho loài Ngạ Quỉ được tha hồ uống nước trong mát, có điều đáng lưu ý nhất bỗng nhiên lúc ấy Kinh A-rya-valokites'varagunaKa-randavyu-ha tự nhiên phát ra linh âm và các Ngạ Quỉ được nghe tiếng Kinh thì liền được vãng sinh về cõi Sukha-vati (cõi Cực Lạc) của Phật A Di Đà và đều trở thành những vị Bồ Tát ở cõi Phật Tây Phương;
4. Ngài Quán Thế Âm cứu độ liên tục vô số chung sinh hữu tình, không lúc nào ngưng nghĩ; đại oai thần của Ngài Quán Thế Âm không ai vượt qua được, đức Phật Thích Ca giảng cho Ngài Trừ Cái Chướng rằng lúc Đức Phật còn là Bồ Tát trong bao nhiêu kiếp xa xưa đã từng nghe đại công đức đại oai thần của Ngài Quán Tự Tại, từ vị Phật Vipas'yin (Tỳ Bà Thi), lúc ấy đức Phật làm con của một nhà Trưởng Giả, có tên là sugandhamukha (Diệu Hương Khẩu), rồi sau đó Ngài lại nghe đại oai đức của Ngài Quán Thế Âm vào thời Phật S'ikhin (Thi Khí), rồi sau đó Đức Phật lại nghe đại công đức đại oai thần của Ngài Quán Thế Âm Đại Bồ Tát lúc còn là Nhẫn Nhục Tiên Nhơn (Ksa-ntiva-din) vào thời Phật Vis'vabhu- (Tỳ Xá Phù); như thế chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trải qua bao nhiêu kiếp xa, được bao nhiêu lần nghe biết thán phục đại oai thần của Quán Thế Âm Bồ Tát;
5. Điều cần lưu ý là Ngài Quán Thế Âm Đại Bồ Tát lúc nào cũng có mặt mỗi lúc chúng ta tha thiết kêu gọi danh hiệu Ngài hoặc mỗi lúc chúng ta trì đại thần chú OM MANI PADME HU-M mặc dù Ngài đã thị hiện từ thời Tỳ Bà Thi Như Lai, nghĩa là từ thời gian không thể đếm nổi, lúc ấy Đức Phật Thích Ca hãy còn hóa thân thị hiện là Bồ Tát, nhưng trong giây phút hiện tại này Quán Thế Âm vẫn linh hiện liên tục cho đến lúc nào chúng sinh vẫn còn đau khổ, vẫn còn bị trói buộc trong bao nhiêu sợ hãi khổ nạn; trong Đại Trí Độ Luận, chúng ta được biết rằng kiếp thứ 91 trước hiền kiếp thì ban đầu có Phật hiệu là Tỳ Bà Thi (Vipas'yin), và trong kiếp thứ 31 có hai Đức Phật, một là Thi Khí (S'ikhin) và hai là Tỳ Xá Phù (Vis'vabhu-), và trong hiền kiếp thì có bốn Đức Phật: Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm Mâu Ni, Ca Diếp và Thích Ca Mâu Ni (Đại Trí Độ Luận, chương 15) thế thì Đức Quán Thế Âm siêu việt vượt lên hết tất cả thời gian và không gian: Đấng Phổ Môn Toàn Diện;
6. Trong Kinh (Ka-randavyu-ha Su-tra) có một đoạn rất đáng ghi nhớ: lúc Ngài Quán Thế Âm đến đại thành Va-ra-nasi- (BaLa Nại), thành phố dơ bẩn có vô số trăm ngàn vạn loại sâu bọ dòi trùng chen chúc, vì muốn cứu độ những loài hữu tình dơ bẩn nhơ nhớp kia, Ngài hiện ra thành con ong bay tới chỗ ấy, kêu vo ve (ghunaghuna-yama-nam) và phát ra tiếng “Nam Mô Phật, Nam Mô Pháp, Nam Mô Tăng” (Namo Buddha-ya, Namo Dha-rma-ya, Namo Samgha-ya), các loài sâu bọ dòi trùng nghe theo tiếng niệm Phật và cùng nhau kêu lên như thế thì liền được vãnh sinh về cõi Cực Lạc và đều trở thành Bồ Tát đều đồng danh hiệu là Diệu Hương Khẩu (Sugandhamukha), được nghe Kinh Ka-randavyu-ha Su-tra với sự hiện diện của Đức Phật A Di Đà (Amita-bha).
7. Đáng để ý không thể nào quên được câu kinh kỳ diều này: “Nếu có người đem dâng một cành hoa để cúng dường Ngài Quán Thế Âm thì thân người ấy phát tiết ra hương thơm và ra đời ở nơi nào thì dung nhan thân tướng cũng được đầy đủ”;
8. Chỉ nghe danh hiệu Kinh thôi cũng được đầy đủ an vui lợi ích như ý;
9. Phải công đức vô lượng mới được nghe danh hiệu Quán Thế Âm và phải trải qua bao nhiều kiếp khó khăn gian khổ tu hành mới được sáu chữ Đại Minh Đà La Ni: OM MANI PADME HU-M;
10. Đức Phật dạy rằng sáu chữ Đại Minh Đà La Ni là bản tâm vi diệu của Ngài Quán Tự Tại Đại Bồ Tát: “Nếu niệm sáu chữ Đại Minh một lần thôi thì được công đức không thể nào đếm được.” Trong Kinh có một câu bí mật: “chỉ cần tụng một lần (ekajapena) sáu chữ Đại Minh thì Lục Ba Mật đã được thành tựu”.
Có Kinh Phật dạy rằng chỉ cần cúng một cái bông duy nhất cho Đức Phật hoặc Đại Bồ Tát, dù là trong chiêm bao đi nữa thì cũng được phúc đức công đức vô hạn.  Tất nhiên, tất cả đều phải từ cái gọi là “trọn lòng, hết lòng, trọn vẹn tinh thần, toàn diện tâm thức, chuyên nhất”, tất cả tư tưởng đều tập trung hoàn toàn vào một chỗ, nghĩa là “Nhất Tâm”.  Nếu chúng ta nhất tâm gọi danh hiệu Quán Thế Âm Đại Bồ Tát, nếu chúng ta nhất tâm nhớ tưởng, nhất tâm niệm danh hiệu Quán thế Âm Bồ Tát và nhất tâm niệm tụng OM MANI PADME HU-M thì tất cả đã được thay đổi toàn diện một cách im lặng, một cách bí mật, một cách “Phổ Môn” không thể nào lấy trí óc tầm thường khả dĩ hiểu biết được.
II. KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
SADDHARMA-PUNDARI-KA SU-TRA
Chúng Ta có thể dịch danh hiệu Kinh A-rya-valokites'varagunaka-randavyuha Su-tra là Thánh Quán thế Âm công đức Châu Tráp Trang Nghiêm Kinh (trong Hồng Danh Bảo Sám mà chư vị Phật tử đã lễ sám tối hôm qua tại Chùa Viên Thông, chắc quí bác còn nhớ có hồng danh Như Lai: “Nam Mô Châu Tráp Trang Nghiêm Công Đức Phật…”).
Chỉ cần nghe tên Kinh Saddharma-Pundarika Su-tra và A-rya-valokites'varaguna-
ka-randavyu-ha Su-tra thì toàn diện tâm thức chúng ta đã được thay đổi một cách bí mật thầm lặng.  Chỉ cần nghe một lần thôi thì cũng như thế.
 Dị đoan mê tín ư" Bao nhiều dị đoan mê tín chằng chịt lớn nhất đời người xuất phát từ cái nghe thông thường, bình thường, tầm thường của chúng ta.  Thí dụ: chợt nghe ai mắng chửi mình thì bao nhiêu mê tín dị đoan về cái “tôi” (ngã) và “cái thuộc về tôi” (ngã sở) hốt nhiên bùng dậy và thay đổi tâm thức mình vào một tâm trạng lê thê tưởng như bất tận (mấy chữ xuất hiện hai lần trong Đại Thừa Khởi Tín Luận vào hai vị thế đột ngột vô cùng quan trọng, cũng như một lần trong mười sáu câu kệ quan trọng nhất trong toàn thể Kinh Thủ Lăng Nghiêm).  Mười sáu câu kệ của Kinh Thủ Lăng Nghiêm của chính Quán Thế Âm tuyên thuyết là đề cập chính cái nghe, một cái Nghe linh hiện bí mật khác, diệt bỏ toàn diện mê tín dị đoan của trời người và người trời và mười phương đều sáng rực toàn diện, “thập phương viên minh”, nếu có ai trong chúng ta, hiểu được mười sáu câu Kệ này thì nhất định là đã thành Phật rồi…
Tại sao chỉ cần một lần nghe tên Kinh thôi thì tất cả công đức đã dồn dập hiện tới như tất cả đại dương tràn ngập vũ trụ" Cũng như chỉ cần nghe danh hiệu của chư Phật và của chư Đại Bồ Tát" Tại sao chỉ cần xưng danh Quán Thế Âm Bồ Tát dù chỉ một lần thôi mà tất cả đều được giải thoát"
Trước khi đề cập những câu hỏi này, xin trở lại vài ba đoạn Kinh quen thuộc trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh do Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch:      


- Nhẫn đến đồng tử giỡn
 Nhóm cát thành tháp Phật
 Những hạng người như thế
 Đều đã thành Phật Đạo…
  … Nhẫn đến đồng tử giỡn
 Hoặc cỏ cây và bút
 Hoặc lấy móng tay mình
Mà vẽ làm tượng Phật
Những hạng người như thế
Lần lần chứ công đức
Đầy đủ Tâm Đại Bi
Đều đã thành Phật Đạo.
Chỉ dạy các Bồ Tát
Độ thoát vô lượng chúng.
… Hoặc người lòng vui mừng
Ca ngâm khen Đức Phật Nhẫn đến một tiếng nhỏ
Đều đã thành Phật Đạo.
Nếu người lòng tán loạn
Nhẫn đến dùng một bông
Cúng dường nơi tượng vẽ
Lần thấy các Đức Phật
Hoặc có người lễ lạy
Hoặc lại chỉ chắp tay
NHẪN ĐẾN GIƠ MỘT TAY
HOẶC LẠI HƠI CÚI ĐẦU
Dùng đây cúng dường tượng
Lần thấy vô lượng Phật Tự thành Đạo vô thượng
Rộng độ chúng vô số
Vào Vô Dư Niết Bàn
Như củi hết lửa tắt
Không thể nào quên được suốt cuộc đời này là ba điều quan trọng nhất mà Đức Phật đã dạy chúng ta trong Phẩm Phổ Môn:
1. Nhược hữu chúng sinh đa ư DÂM DỤC
    THƯỜNG NIỆM CUNG KÍNH QUÁN THẾ ÂM BÔ TÁT, tiện đắc LY DỤC;
2. Nhược đa SÂN NHẾU, THƯỜNG NIỆM CUNG KÍNH QUÁN THẾ ÂM BÔ TÁT,
    tiện đắc LY SÂN;
3. Nhược đa NGU SI, THƯỜNG NIỆM CUNG KÍNH QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT, tiện đắc LY SI.
(Nếu có chúng sinh nào nhiều lòng dâm dục, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, liền đặng ly dục;
Nếu người nhiều giận hờn, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, liền đặng lìa lòng giận;
Nếu người nhiều ngu si, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, liền đặng lìa ngu si).
Và đây là bốn câu kệ thường được nhắc lại:
Nếu người lòng tán loạn
Vào nơi trong tháp miếu
Một xưng Nam Mô Phật
Đều đã thành Phật Đạo
Thành Phật Đạo có nghĩa là thành Phật rồi:
Nhược nhân tán loạn tâm
Nhập ư thấp miếu trung
Nhất xưng Nam Mô Phật
Giai dĩ thành Phật Đạo
Có ai hiểu được bốn câu kệ trên thì đã hiểu tất cả.  Ai đã nghe thì đã nghe tất cả, ai đã thấy thì thấy, đã thấy tất cả.
Hiểu tất cả là không hiểu cái gì ra cái gì cả.
Tại sao kỳ lạ mâu thuẫn vậy" Cái nguyên lý tránh mâu thuẫn của Luận Lý Học Tây Phương và Đông Phương (A không phải là Không-A) là cái phải vứt bỏ trước khi bước cái bước đầu tiên vào câu đầu tiên của tất cả Kinh Phật, trước khi bước cái bước đầu tiên đứng đợi bên ngoài cỗng chùa.  Đạo Phật đạp trên đầu Lý và Phi Lý như đạp đầu vũ trụ với tất cả lòng Đại Bi và chuyển hóa toàn diện Vũ Trụ trở thành Tòa Sen thơm ngát, mỗi khi dù chỉ một lần xưng danh:
Nam Mô Phật, Nam Mô Pháp, Nam Mô Tăng
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Tất cả sợ hãi đều phát xuất từ MÊ TÍN DỊ ĐOAN của Ngũ Uẩn, của Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, của Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp, của Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt Thân Ý, của tất cả Ý Thức và Vô Thức.
III. DO SỨC NIỆM QUAN ÂM
Phẩm Phổ Môn trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh đã được bao nhiêu triệu tỷ người thọ trì đọc tụng trên một ngàn sáu trăm năm (nếu chỉ kể bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập) ở toàn thể Á Đông (từ Ấn Độ, Tây Tạng, Việt Nam, Tàu, Nhật và Đại Hàn). Trong Phẩm Phổ Môn, câu kệ “Do Sức Niệm Quan Âm” (Niệm Bỉ Quán Âm Lực) xuất hiện mười ba lần linh hiện toàn diện.
Bốn câu kệ diệu thường nhất trong những câu thi kệ điều động tất cả phẩm Phổ Môn:
HOẶC TẠI TU DI PHONG
VI NHƠN SỞ THÔI ĐẠO
NIỆM BỈ QUÁN ÂM LỰC
NHƯ NHỰT HƯ KHÔNG TRỤ
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch ra chữ Việt rất thơ mộng:
Hoặc ở chót Tu Di
Bị người xô rớt xuống
Do sức NIỆM QUAN ÂM
Như mặt nhựt treo không
Nhiều Đại Lão Hòa Thượng khác dịch trụ là đứng; tất cả cách dịch khác nhau đều linh thiêng thơ mộng, hiểu theo bản chữ nguyên Kinh Phạn Ngữ (Sanskrit) thì trụ ở đây là đứng yên vững vàng (pratishthati, có nhiều nhà ngô ngữ học chữ Phạn thì hiểu pratishthati là pratitishthati; còn hư không chính là bầu trời, trên trời, mà chữ Phạn là NABHE, NABHA, vì đúng nghĩa hư không thì chữ Phạn là AKASA (như Ngài Hư Không Tạng Bồ Tát là Akasagarbha).
Tất cả những tai nạn, sợ hãi, đều xảy ra trên mặt đất; Ngài Quán Thế Âm cứu độ tất cả những sợ hãi, tất cả những tai nạn ở mặt đất (như các khổ não của tất cả chúng sinh, bị kẹt vào trong nạn lữa lớn, bị nước làm trôi, bị trôi tấp nơi nước quỉ La Sát, bị hại bằng dao gậy, bị quỉ Dạ Xoa và La Sát đến hại, bị gông cùm xiềng xích, bị kẻ oán tặc, bị rắn độc cùng bò cạp, bị sấm nổ sét đánh, bị sanh, già, bệnh, chết, bị phiền não cải kiện, bị cừu oán, vân vân.) Bị tất cả khổ não, bị tất cả tại nạn, chướng ngại, chỉ cần:
-Một Lòng Xưng Danh QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT         Thì Đều Đặng Giải Thoát
(Phật cáo Vô Tận Ý Bồ Tát: Thiện Nam Tử! Nhược hữu vô lượng
bách thiên vạn ức chúng sinh, thọ chư khổ não, văn thị QUÁN THẾ
ÂM BỒ TÁT NHỨT TÂM XƯNG DANH QUÁN THẾ ÂM BỒ
TÁT, tức thời quán kỳ âm thanh GIAI ĐẮC GIẢI THOÁT).
Tất cả sự sợ hãi đều xảy ra ở mặt đất hoặc ở tam thiên đại thiên thế giới, chỉ có bốn câu kệ:
Hoặc tại Tu Di Phong
Vi nhân sở thôi đọa
Niệm Bỉ Quán Âm Lực
Như Nhật hư không trụ
Ở đây, tất cả xảy ra từ chóp đỉnh cao nhất của núi Tu Di, xảy ra nơi ông Trời của tất cả ông Trời, tức là Đế Thích; núi Tu Di là chỗ của Trời, chỗ cao nhất của tất cả loại ông Trời…
Có một điểm cần nói:
Niệm Bỉ Quán Âm Lực
Tất cả bản dịch chữ Việt đều hiểu một cách phương tiện thiện xảo, đầy lòng Đại bi cho chúng sinh:
Do Sức Niệm Quán Âm
Do đó, ta có thể hiểu Lực ở đây là là Niệm Lực sức Mạnh của sự Trì Niệm Xưng Danh Quán Thế Âm Bồ Tát, có vài học giả Tây Phương thông hiểu chữ Tàu xưa một cách “rất ư học thuật theo điệu khoa bảng đại học” thì hiểu là “Sức Mạnh của Quán Thế Âm” (tức là trì niệm xưng danh nhớ tưởng Đại Đại Thần Lực của Quán Thế Âm.  Thực sự trong bản nguyên tác chữ Phạn thì không có chữ Bala (Lực) mà chỉ có “Chỉ nghĩ tới Quán Thế Âm thì mình sẽ đứng vững vàng như mặt trời ở trên trời”:
SMARATO (hay SMARATU)
AVALOKITES'VARO (hay AVALOKITES'VARAM)
SU-RYABHHÛTAM (SU-RYABHUTO)
VA NABHE PRATISHTHATI (PRATITISHTHATI)
(đã dịch ngay ở trên)
Trong Đệ Nhất Nghĩa Đế, Niệm về Quán Thế Âm đã là sức mạnh oai thần của Quán Thế Âm, do đó niệm về Sức Mạnh oai Thần của Quán Thế Âm hay sức mạnh của chính sự niệm về Quán Thế Âm đều là diệu nghĩa như nhau, nhất như, bình đẳng nghĩa, vô nhị nghĩa.  Chúng ta cần lưu ý:
1. Lục Tự Thần Chú OM MANI PADME HU-M chính là Quán Thế Âm;
 (Chứ không phải là thần chú về Quán Thế Âm)
2. Danh hiệu Quán Thế Âm CHÍNH Quán Thế Âm
3. Danh hiệu Quán Thế Âm và Quán Thế Âm không khác nhau.
(Danh hiệu ở đây không phải danh hiệu thông thường cũng như mọi người đều hiểu danh hiệu là biểu tượng để chỉ một thực tại, thực thể nào đó.
4. Quán Thế Âm là Đại Từ Bi KHÔNG TÁNH, tức là VÔ TỰ TÁNH ở đệ nhất nghĩa đế và ĐẠI BI TÂM ở thế đế, ở mặt phương tiện thiện xảo;
5. Bồ Đề Tâm tức là Không Tánh và Đại Bi Tâm, đứng về chân đế là vô Tự Tánh, Không Tánh, Bát Nhã, Trí Huệ; đứng về tục đế là Đại Bi.
IV. TẠI SAO CHỈ CẦN MỘT LẦN THÔI"
Bây gời, đã hết giờ giảng hạn định, tôi chỉ lặp lại hai câu Kinh do Đức Phật dạy: 
- TẤT CẢ PHÁP ĐỀU LÀ HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- Kinh này cũng ví như từ MỘT HẠT GIỐNG mà phát sinh ra trăm nghìn muôn; trong trăm nghìn muôn hạt giống kia thì mỗi một hạt lại phát sinh ra hàng trăm nghìn muôn nữa.  Cứ như thế dần dần cho đến vô lượng thì Kinh này cũng lại như thế.  Từ một pháp sinh ra trăm nghìn nghĩa; trong trăm nghìn nghĩa, thì mỗi một nghĩa lại sinh ra trăm nghìn muôn số, cứ thế dần dần cho đến vô lượng vô biên nghĩa.
Trong Phật Giáo, mấy chữ như Chủng Tử vô cùng quan trọng theo nghĩa chữ Phạn bija (trong Phật Giáo hiển tông và mật tông, bija và bindu đều quyết định tất cả trong tất cả hành trì).
Chỉ cần Tâm Thức mống lên một ý tưởng nhẹ nhàng thoáng qua thì tất cả đều sụp đổ hoặc tất cả đều đơm bông thơ mộng thơm ngát.
Tất cả nghiệp đều phát từ một cái mống ý, từ cái mà chữ Nhà Phật gọi là Cetana-, Tàu dịch là Tư, còn ở đây dịch là mống ý, mống lòng và mống tâm.  Mông, mống, mộng, mồng, mầm, tất cả đều là Hạt Giống Nẩy Mầm.
Chỉ Xưng danh Quán thế Âm Bồ Tát một lần;
Chỉ nhớ tưởng Quán Thế Âm Bồ Tát một lần;
Chỉ nói OM MANI PADME HU-M một lầ Thì Hạt Giống Nẩy Mầm thành ra cả đại ngàn bông trắng, cả vô số vô lượng bông sen đủ màu ở cõi Cực Lạc.
V. HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC VỚI CHÚ CHUẨN ĐỀ
Chú Đại Bi và Chú Chuẩn Đề đều khởi phát từ Kinh A-rya-valokites'varaguna-
ka-randavyu-ha Su-tra; câu khai kinh là phần đầu của chú Đại Bi, và phần gần cuối kinh là thất cu chi Phật tuyên thuyết đại Chuẩn Đề thần chú; xin hồi hướng tất cả công đức cho tất cả chúng sinh và cho Không Tánh Đại Bi Tâm Nhất Thiết Chủng Trí.
NAM MÔ TÁT ĐA NẪM
TAM MIỆU TAM BỒ ĐỀ CÂU CHI NẪM (ĐÁT DIỆT THA:) ÁN CHIẾT LỆ CHỦ LỆ CHUẨN ĐỀ TA BÀ HA
Nguyên Diệu Tác chữ Phạn Sanskrit:
NAMAH SAPTA-NA-M
SAMYAKSAMBUDDHAKOTI-NA-M
OM
CALE CULE CUNDE SVA-HA-
Phần chính yếu của chú Chuẩn Đề bằng tiếng Tây Tạng:
OM TSA LE TSU LE TSUN DE  SVA-HA-
Lòng Tri ơn:
Người viết xin hết lòng cảm tạ Thượng Tọa Thích Thông Niệm đã từ bi hỷ xả tạo ra tất cả không khí trong sạch thanh tịnh tịch tĩnh để người viết được ngồi yên tại Chùa Viên Thông ở Bellflower, California, để viết xong một mạch từ 6 giờ sáng đến 10 giờ sáng, ngày 31 tháng 10, trước một ngày Vía Quán Thế Âm Bồ Tát tại chùa ngày 1 tháng 11, 2009, và xin hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh và cho Nhất Thiết Chủng Trí Đại Bi Tâm bất khả ngôn thuyết. 
PHẠM CÔNG THIỆN

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 1975, VNCH thua trận. Ít lâu sau đó MTGPMN cũng tiêu vong, không kèn không trống, không Cáo phó, Thiệp tang gì cả
Doanh nghiệp phải đảm bảo là không đồng lõa với nạn chà đạp nhân quyền... Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và được hưởng quan hệ kinh tế
Tân-Tư-Bản Đại-Địa-Chủ-Đỏ, Big New Red Capitalist Landlords, ở Việt Nam đã, đang và sẽ thu gom tích tụ ruộng đất canh tác của người Nông Dân Việt Nam Nghèo
Cuộc biểu tình khiếu kiện suốt 26 ngày đêm (từ 23-6 đến 18-7 năm 2007) của nông dân miền Nam trước Văn Phòng 2 Quốc Hội
Dân Mỹ là một dân tộc rất mê thể thao. Từ football đến baseball, bóng rổ, hockey, v.v… Thể thao trong quan niệm Mỹ không những rèn luyện thể xác
Mùng một tháng Tám vừa qua là lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine, trước khi chính thức rời Hà Nội vì đã mãn nhiệm, hôm 30/7 vừa qua
Làm thế nào để sự sáng suốt không bị thói quen lấn áp hay nắm chủ quyền của thân tâm tạo ra những chuỗi suy nghĩ đưa đến lời nói hay hành động sai lầm"
San Jose từ nhiều năm nay có một hoạt động khá đặc biệt của nhóm Tình Thương. Quanh năm vận động người tình nguyện đi làm toàn những công việc
Nhà giàu, học giỏi, mà thành khủng bố tự sát" Sao không ứng cử tổng thống" Vụ khủng bố hụt tại London và phi trường Glasgow
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.