Hôm nay,  

Luật Pháp Cộng Đồng, Vấn Đề Ly Dị: Hợp Đồng Thỏa Thuận Trước Khi Lập Gia Đình

17/10/200900:00:00(Xem: 7425)

Luật Pháp Cộng Đồng, Vấn Đề Ly Dị:  Hợp Đồng Thỏa Thuận Trước Khi Lập Gia Đình

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ GARY E. MASTIN 
Trong bài thảo luận về đề tài Ly Dị kỳ II trong tuần này, tôi xin trình bày với quý độc giả một số chi tiết về "Hợp Đồng Thỏa Thuận Trước Khi Lập Gia Đình" của người chồng và vợ.  Để hiểu rõ hơn về loại hợp đồng này, tại sao cần nó, và khi nào hợp đồng này sẽ có hiệu lực, quý vị cần hiểu về luật quy định tài sản chung trong gia đình ở California.  Trong bài thảo luận về đề tài Ly Dị kỳ I, tôi đã có giải thích và nêu ra một vài thí dụ về tài sản chung trong gia đình.  Nếu quý vị chưa đọc bài thảo luận đó, xin liên lạc với văn phòng của luật sư Gary E. Mastin để có một bản copy riêng.
Định Nghĩa Tổng Quát Về "Tài Sản Chung”:  Tất cả những tài sản trong gia đình (thí dụ: nhà cửa, đất đai, cơ sở thương mại, tiền bạc, nữ trang, cổ phần đầu tư, tài khoản trong ngân hàng, v.v…) có được từ Ngày cưới nhau cho đến Ngày tách ly là của chung của người vợ và người chồng.  Đây là định nghĩa tổng quát về tài sản mà Luật Gia Đình Ở California (Family Code of California) quy định khi tòa phán xét về vấn đề chia tài sản khi ly dị.  Hợp Đồng Thỏa Thuận Trước Khi Lập Gia Đình có thể thay đổi về việc chia tài sản cho mình và cho người chồng/vợ. 
Ở California, khi bên A khiếu nại tài sản nào đó là của riêng của họ hay có một phần nào của riêng của họ, bên A phải chứng minh rõ ràng qua những văn bản hay tài liệu trước tòa.  Nếu những tài sản riêng và tài sản chung để xáo trộn lẫn nhau – định nghĩa là "Để Xáo Trộn Tài Sản" (Commingling of Assets) – tất cả những tài sản đó sẽ được chia đều cho vợ và chồng.  Trừ khi qua những bằng chứng cung cấp trước tòa xác định được rõ ràng tài sản nào là tài sản riêng của bên A và của bên B, những tài sản đó sẽ không bị chia và sẽ thuộc về người chủ cũ 100%. 
Một câu hỏi thường được đặt ra là: Khi lập gia đình, làm sao bảo vệ những tài sản riêng của mình để sau này không phải chia đôi khi ly dị"
Dưới luật pháp, quý vị có một vài sự chọn lựa.  Chỉ đáng tiếc là không có một sự bảo vệ nào thật hoàn hảo hoặc bảo đảm 100% cho những tài sản riêng của quý vị.  Vì vậy, nếu quý vị muốn thật bảo đảm không bao giờ phải chia đôi những tài sản riêng của mình cho ai, cách tốt nhất là ĐỪNG BAO GIỜ LẬP GIA ĐÌNH!
Hợp Đồng Thỏa Thuận Trước Khi Lập Gia Đình: Những thỏa thuận này phải được làm giữa hai bên trước ngày họ ký giấy hôn thú.  Những thỏa thuận này phải viết trên giấy trắng mực đen.  Tốt hơn nữa, khi ký tên nên có người công chứng viên (Notary Public) làm nhân chứng.  Những thỏa thuận cần nói rõ tài sản nào là tài sản riêng của bên A, tài sản nào là tài sản riêng của bên B, tài sản nào là tài sản chung của A và B, và những sự đồng ý giữa A và B về tài sản thu nhập được trong khi hai bên sống chung với nhau.  Những thỏa thuận này cùng với những hành động/tác phong của mỗi bên khi thành lập những thỏa thuận trên là bằng chứng để tòa quyết định như thế nào là tài sản chung, tài sản riêng, v.v… khi hai bên ly dị.  Sau đây là một vài điều lệ:
1.Điều Lệ 1:  Sự thỏa thuận phải chính xác.  Thí dụ: Vào ngày 30 tháng 01, 2008, khi hai bên thỏa thuận là căn nhà mà họ sẽ sống chung với nhau sau khi cưới sẽ là nhà riêng của bên A, thì vào ngày 30 tháng 01, 2008, bên A phải thực sự là người chủ của căn nhà đó chứ không phải là người khác.  Tuy nhiên, căn nhà này có thể sẽ không còn là của riêng của bên A nữa nếu bên A và bên B không cẩn thận khi họ sống chung với nhau.  Thí dụ: Khi hai người sống chung với nhau, bà B được thừa hưởng $50,000 từ gia đình của bà ấy.  Sau khi bàn thảo với nhau, bà B và ông A đồng ý dùng tất cả số tiền này sửa căn nhà bếp và xây thêm 1 căn phòng nữa đằng sau nhà để cho người khác mướn phòng.  Làm như thế, khi ly dị, có thể sẽ có nhiều rắc rối và tranh cãi xảy ra về căn nhà này:  a) Bà B có thể khiếu nại với tòa để đòi phần riêng của bà trong căn nhà này vì bà đã dùng tiền riêng của bà để sửa xang căn nhà đó, b) Bà B có thể đòi ông A phải trả lại $50,000 cộng tiền lời trong bao năm nay, c) Ông A có thể khiếu nại là bà B đã tự nguyện biếu ông ta $50,000 để sửa căn nhà đó của ông, v.v…  Để tránh những sự rắc rối này, sau khi đã ký Hợp Đồng Thỏa Thuận Trước Khi Lập Gia Đình, hai bên tốt hơn hết nên giữ những tài sản riêng của mình hoàn toàn riêng biệt.  Hai bên không bao giờ nên trộn lẫn tài sản riêng của mình với a) tài sản riêng của người vợ/chồng của mình hay b) tài sản chung của cả hai người.  Nếu không thể nào tránh được sự cách biệt này, hai bên phải có một sự thỏa thuận mới trên giấy trắng mực đen bất kỳ lúc nào tài sản chung và riêng trộn lẫn nhau.  Sự thỏa thuận này phải nói rõ ràng quyền lợi mới của hai bên trong tài sản riêng đó.  Thí dụ: khi bên A dùng $15,000 trong một tài khoản chung của bên A và bên B để sửa xang căn nhà riêng của bên A đang cho người khác mướn, cả hai bên phải cần có một sự thảo thuận mới nói rõ những điều như: a) bây giờ cổ phần của bên B như thế nào trong căn nhà riêng của bên A này, hoặc b) bên A chỉ mượn số tiền $15,000 này để sửa nhà và sẽ trả lại số tiền này + tiền lới vô tài khoản chung của hai bên sau này, hoặc c) bên B đồng ý tặng bên A phần của bên B trong số tiền $15,000 này để sửa nhà và sẽ không đòi bồi thường gì hết sau này, v.v…


2.Điều Lệ 2:  Điều lệ 2 này bổ túc thêm cho Điều lệ 1 trên.  Nếu bên A muốn bảo toàn những tài sản riêng của mình hoàn toàn riêng biệt với những tài sản chung của hai bên, bên A phải hành động thật cẩn thận và không trộn lẫn những gì của chung giữa hai bên với những tài sản riêng này.  Thêm nữa, bên A phải gìn giữ những văn bản, tài liệu riêng biệt để có thể chứng minh rõ ràng với tòa sau này.  Theo luật, nếu không có những chứng minh rõ ràng, tòa sẽ không luôn luôn bắt hai bên phải tuân theo những thỏa thuận đã ký giữa vợ và chồng trước đây.  Có nghĩa là dù cho trước khi cưới nhau hai bên đã ký Hợp Đồng Thỏa Thuận Trước Khi Lập Gia Đình, nếu bên A muốn bảo vệ những tài sản riêng của mình và nếu bên A không muốn chia đôi những tài sản này với bên B, bên A bắt buộc phải giữ những tài sản đó hoàn toàn riêng biệt với những tài sản chung của hai bên: tài khoản ngân hàng riêng cho những tài sản riêng này, giấy tờ chủ quyền riêng, tiền trả bảo hiểm riêng, tiền trả bảo trì riêng, tiền trả chi phí riêng, v.v…  Tóm lại, bên A phải giữ tất cả mọi thứ riêng biệt hết.
3.Điều Lệ 3:  Khi hai bên ký Hợp Đồng Thỏa Thuận Trước Khi Lập Gia Đình, hợp đồng đó và những sự thương thuyết giữa hai bên trước khi tiến đến việc ký hợp đồng này phải thật là công bằng.  Tòa án thường không cho bên nào ép buộc bên nào.  Khi bên A ép buộc hay lừa gạt bên B ký vào hợp đồng thỏa thuận có lợi cho bên A quá nhiều,  tòa có thể sẽ hủy bỏ hoặc không bắt buộc hai bên phải tuân theo tất cả những điều trong hợp đồng thỏa thuận vô lý đó.  Vì vậy, nếu bên A muốn bảo vệ những tài sản riêng của bên A, bên A và bên B cần nên có một Hợp Đồng Thỏa Thuận Trước Khi Lập Gia Đình thật công bằng và hợp lý.  Tốt nhất là cả hai bên đều có luật sư riêng đại diện để mỗi bên đều được bảo vệ tối đa quyền lợi của mình.  Thí dụ: ông Nguyễn Văn A có một tiệm liquor và 4 căn nhà riêng đang cho mướn.  Ông A muốn bảo vệ những tài sản này để trong tương lai nếu lỡ ly dị thì sẽ không phải chia đôi cho vợ.  Trong trường hợp đó, ông A nên mướn một luật sư đại diện riêng cho ỗng khi thương thuyết Hợp Đồng Thỏa Thuận Trước Khi Lập Gia Đình với người vợ sắp cưới là bà Phạm Thị B.  Nếu bà B không có đủ tiền mướn luật sư riêng đại diện cho bà ta, ông A có thể cung cấp tiền để cho bà B mướn luật sư của bà.  Và tốt nhất là ông A: a) không được áp lực bà B mướn cùng người luật sư đang đại diện cho ông A, b) không được áp lực bà B mướn một luật sư nào đó, và c) không được biết gì và chưa từng làm ăn gì với người luật sư mà bà B sẽ mướn.  Thêm nữa, ông A và bà B không được áp lực gì lẫn nhau và không được áp lực gì với người luật sư của bên kia khi những người luật sư này đang xem xét và thảo luận về Hợp Đồng Thỏa Thuận Trước Khi Lập Gia Đình.
4.Điều Lệ 4:  Hợp Đồng Thỏa Thuận Trước Khi Lập Gia Đình phải là hợp đồng nói về những tài sản mà thôi.  Theo luật, trong hợp đồng này bên A và bên B không được có những điều thỏa thuận gì về trách nhiệm phải cấp dưỡng sau khi ly dị:  a) trách nhiệm cấp dưỡng cho người phối ngẫu và b) trách nhiệm phải cấp dưỡng cho những người con còn vị thành niên của hai bên.
Những Điều Cần Biết Khác:  1) Hợp Đồng Thỏa Thuận Trước Khi Lập Gia Đình ký ở tiểu bang A sẽ có hiệu lực ở những tiểu bang khác.  Những tiểu bang khác sẽ thi hành những thỏa thuận trong hợp đồng nếu hợp đồng này đã ký đúng theo luật quản lý về việc ký hợp đồng của tiểu bang A.  2) Nếu một trong hai bên hay cả hai bên không nói hay hiểu rõ tiếng Anh (English), Hợp Đồng Thỏa Thuận Trước Khi Lập Gia Đình nên được viết với hai thứ tiếng: tiếng Anh và tiếng Việt.  Và tất cả những sự thương thuyết, thảo luận trong hợp đồng này cần có người thông dịch rõ ràng.  Người thông dịch phải là người độc lập: không được là người quen biết, là bạn, hay là người họ hàng của một trong hai bên.  3) Hợp đồng thỏa thuận giữa vợ và chồng khi hai bên đã ăn ở chung với nhau được gọi là Hợp Đồng Thỏa Thuận Trong Gia Đình (Marital Settlement Agreement – MSA).  Thông thường, những điều nên làm trong loại hợp đồng này cững giống như những điều nên làm trong Hợp Đồng Thỏa Thuận Trước Khi Lập Gia Đình. 
Tóm lại, như tôi đã đề cập trong bài thảo luận Ly Dị kỳ I, quý vị nên liên lạc với văn phòng của luật sư Gary E. Mastin hoặc với một văn phòng luật sư chuyên môn riêng của mình để quý vị có thể bảo vệ quyền lợi tối đa cho mình, cho con mình, và để không bị áp bức, thiệt thòi trong khi ly dị…  Xin mời quý độc giả đón đọc bài thảo luận kỳ tới về đề tài “Lái Xe Khi Say” (DUI)
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ GARY E. MASTIN
Tiếng Việt:  (714) 893-5522
Tiếng Anh:  (310) 567-8666
Chú ý: Đây là bài thảo luận về luật pháp để giúp cộng đồng người Việt (Public Services for the Vietnamese Community).  Những điều bàn thảo trong bài này chỉ là những tóm tắt chung về luật lệ.  Bài thảo luận này không phải là cẩm nang của những luật lệ đang hiền hành, những quy định của chính phủ, hay những sự cố vấn riêng của một người luật sư.  Quý độc giả, khi quyết định bất cứ vấn đề gì liên quan đến luật pháp, không nên hoàn toàn dựa vào những sự thảo luận ở đây và nên thảo luận riêng với một người luật sư chuyên môn để bảo vệ tối đa quyền lợi của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
19/07/2007. Em hy vọng tất cả mọi người hãy nhớ lấy hôm nay mà kể từ đây em sẽ gọi là NGÀY DÂN HẬN. Và cũng xin thưa với tất cả các Đảng viên Cộng sản
Hai Tổng thống Bush và Musharraf đang ngờ, đang chờ, đang nhờ nhau" Sau khi một số Nghị sĩ Cộng Hoà bày tỏ sự hoài nghi về chiến lược Iraq
Sau 28 ngày màn trời chiếu đất, đói khát, bệnh hoạn, những người dân cùng khổ rủ nhau lên trước tòa nhà gọi là Quốc Hội của thành phố mang tên Hồ Chí Minh
Vừa nghe thông tin từ Đài Truyền hình Việt Nam: Trong đợt thi vào lớp 10 ở TP. HCM mới đây, có tới 13.000 học sinh (mười ba ngàn) đạt kết quả điểm thì cao
Dường như đảng Cộng sản Việt Nam không biết chán khi nói đi nói lại các vấn đề : Tư tưởng đảng viên đã mòn; Nội bộ Đảng đã ruỗng; Cán bộ thích làm quan
Sau 26 ngày dầm mưa dãi nắng, chịu đựng đói khát lên khiếu kiện mất nhà mất đất ở
Quốc hội Châu Âu ra Quyết Nghị định giá lại chính sách hợp tác với Việt Nam và tố cáo Việt Nam đàn áp nhân quyền và tôn giáo...
Ngày hôm qua 18, Tổng thống Bush đã tránh được một viên đạn giấy từ Thượng viện phóng ra khi viện trên của Quốc hội Mỹ vẫn không hội đủ
Cho tới 11 giờ đêm Thứ Hai 17-7, khoảng 300 công an CSVN sắc phục, vũ trang vẫn đang bủa vây đoàn dân oan biểu tình tại Saigon.
Từ khi xuất hiện tại Việt Nam tới nay, lúc nào đảng Cộng Sản cũng nói tới chuyện ‘ cách mạng, giải phóng ‘, khiến cho ai đã nghe rồi
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.