Hôm nay,  

Câu Chuyện Tiền Thưởng Aig

24/03/200900:00:00(Xem: 7334)

Câu Chuyện Tiền Thưởng AIG

Vũ Linh
...Đánh thuế là phương thuốc trị bá bệnh!...
Trong mấy tuần qua, cả nước Mỹ rúng động vì câu chuyện tiền thưởng cho các đại gia tài chánh Mỹ. Thiên hạ bàn tán xôn xao. Nói đúng thì ít, nói sai thì nhiều.
Theo tin tức thời sự, AIG, công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới, hồi cuối năm ngoái bị đe dọa phá sản. Vì công ty quá lớn, nếu để phá sản sẽ gây chuyện bứt dây động rừng, tạo ảnh hưởng dây chuyền, có thể kéo theo sự phá sản của toàn thể hệ thống tài chánh Mỹ. Cho nên Nhà Nước Mỹ bắt buộc phải can thiệp. Bằng cách bơm xấp xỉ 150 tỷ cho công ty, đổi lấy 80% cổ phần công ty. Nói cách khác công ty này đã bị quốc hữu hóa 80%.
***
Công ty AIG là một trong những “thủ phạm” chính trong vụ khủng hoảng tài chánh hiện nay.
Hãng bảo hiểm này đã phát minh ra một khí cụ tài chánh mới, gọi là “credit default swap” mà kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa dịch là “hợp đồng trao đổi rủi ro tín dụng”. Đại khái là AIG bảo kê cho những gói -hay kén- nợ mua nhà mà các ngân hàng mua đi bán lại. Nhờ sự bảo đảm ấy, các ngân hàng càng ngày càng liều mạng, mua bán những cái kén trong đó không ai biết được có bao nhiêu nợ xấu hay nợ thối.
Trong nhiều năm qua, AIG bảo kê cả trăm tỷ kén nợ loại ấy, và tiền lời tràn vào như nước vỡ đê. Cho đến khi bong bóng gia cư xì hơi. Các nợ xấu lòi ra, các ngân hàng đòi AIG bồi thường theo đúng hợp đồng bảo hiểm. Và AIG không thể nào có đủ tiền bồi thường đầy đủ, bị đe dọa phá sản. Nhà Nước nhẩy vào cứu.
Sự kiện xẩy ra cuối trào của ông Bush, nhưng vì lúc đó ông Obama đã là tổng thống tân cử nên ông Bush tham khảo và được sự đồng ý của ông Obama. Kế hoạch cứu nguy do ông Tim Geithner đề ra, lúc đó là Chủ Tịch Ngân Hàng Dự Trữ tiểu bang New York. Đây là cơ quan trong hệ thống ngân hàng trung ương có trách nhiệm kiểm soát hệ thống tài chánh của tiểu bang, gồm các ngân hàng, hãng bảo hiểm, công ty tài chánh, kể cả AIG… Wall Street nằm trong tiểu bang New York, dưới quyền kiểm soát của Geithner.
Qua Tháng Hai, số tiền Nhà Nước tung ra cứu AIG chưa đủ, ông Geithner điều đình và cho thêm gần bốn chục tỷ nữa. Ông Geithner lúc này đã là Bộ Trưởng Tài Chánh trong nội các Obama.
Sau khi Nhà Nước tung ra cả trăm tỷ tiền thuế do dân chúng đóng góp để cứu AIG, thì đầu Tháng Ba vừa qua, tin tức lộ ra là AIG vừa trả 165 triệu tiền thưởng -bonus- cho hơn 400 nhân viên của hãng. Người ít nhất được một ngàn đô đi chợ búa. Người nhiều nhất được hơn sáu triệu mua nhà mua xe. Có 75 người được lãnh hơn một triệu mỗi người. Con số ấy thật ra còn... nhỏ vì có thể lên tới 218 triệu trong ngân khoản ít ra là 450 triệu mà AIG phải thanh toán trước hạn kỳ 15 tháng Ba.
Đã vậy, báo chí khám phá thêm, rằng hai phần ba số tiền Nhà Nước cho để cứu nguy đã bị AIG phân phối lung tung cho các ngân hàng khác, kể cả một số ngân hàng ngoại quốc. Tin này gây chấn động mạnh. Báo chí, truyền hình, truyền thanh làm rùm beng. Dân chúng nghe vậy biết vậy, tức giận chửi bới om sòm. Có nhiều người viết thư, gửi email đe dọa giết các nhân viên AIG.
Các chính khách, nhất là dân biểu, nghị sĩ, là những người luôn luôn làm những gì dân “biểu” làm, nên không lỡ cơ hội xúm vào đánh hội đồng AIG và xỉ vả nhân viên AIG là tham lam quá mức, vô trách nhiệm, v.v… Lại còn đòi ra luật đánh thuế 90% trên số tiền thưởng. Giải pháp của mấy ông chính khách Dân Chủ luôn luôn là… đánh thuế.
Đánh thuế là phương thuốc trị bá bệnh!
TT Obama cũng lớn tiếng chỉ trích, ra lệnh cho bộ trưởng Geithner ngăn cản không cho AIG trả tiền thưởng này mà không cần biết là bằng cách nào - dù ông đã tốt nghiệp Luật khoa ở Harvard.
Cả nước, hay nói cho  đúng hơn, cả thế giới, ngỡ ngàng bực tức. Cái tên AIG, viết tắt của American International Group, bị nhái ra Arrogantly Irresponsible Group - Tập Đoàn Vô Trách Nhiệm Xấc Xược.
Nếu theo dõi tin tức truyền thông như vậy thì quả nhiên, không ai không thể tức giận và không ai không hoan hô các chính khách và TT Obama.
Có phải không nào" Công ty gần phá sản, cả nước phải đóng thuế để Nhà Nước có tiền cứu, vậy mà các ông bà ung dung lấy tiền đó chia nhau mua nhà mua xe, không tức sao được. Nhất là trong khi đó, những người đóng thuế cũng là những người đang mất việc hàng loạt. Mỗi tháng hơn sáu trăm ngàn người mất việc, từ cuối năm ngoái đến giờ.
Thế nhưng, nếu bình tĩnh xét lại vấn đề, chúng ta sẽ thấy… coi dzậy mà hổng phải dzậy chút nào! Vấn đề không như truyền thông mô tả. Hay như các chính khách khua chiêng gõ trống.
Trước khi bình luận, ta hãy hiểu ra sự thể, nếu không thì bình loạn làm tốn giấy báo!
***
Trước hết, khoản tiền thưởng này - 165 hay đúng hơn 218 triệu - không là tiền mấy ông bà nhân viên cao cấp của AIG tự chia nhau xài chơi sau khi nhận được cả trăm tỷ cứu nguy của Nhà Nước.
Những ai từng làm nghề bán bảo hiểm hay mua bán các công cụ đầu tư, như mua bán cổ phiếu, cổ phần trong các qũy hỗ tương mutual funds, đều biết là những người này đều có tiền huê hồng hay tiền thưởng dựa trên mỗi dịch vụ họ thực hiện được. Bán bao nhiêu lãnh bấy nhiêu, không cần biết công ty nói chung lời hay lỗ. Chắc chắn mấy ông bà tỵ nạn đi bán bảo hiểm để lấy huê hồng và tiền thưởng cũng thế, và ít ai cần biết công ty bảo hiểm của mình lời hay lỗ, cho dù là Independent Life hay AIG hay bất cứ công ty nào khác. Chuyện lời hay lỗ đó không phải là chuyện của mình.
Mấy người làm nghề bán nhà, bán loan, bán xe, v.v… cũng vậy thôi.
Bán thì cứ bán để ăn huê hồng và tiền thưởng, công ty lời hay lỗ, ai mà biết được. Mặc dù các hãng xe GM hay Ford đang lỗ hàng tỷ bạc và cũng đang nhận được cả tỷ cứu nguy của Nhà Nước, nhưng mỗi khi bán được một chiếc xe thì nhân viên bán xe vẫn lãnh huê hồng và tiền thưởng như thường. Mà không ai có thể nói là các hãng xe này đã lấy tiền cứu nguy của Nhà Nước để chia chác, tự tưởng thưởng, xài chơi. Nói như vậy là chẳng biết mình đang nói gì!
Thứ hai, tiền huê hồng và tiền thưởng này là theo công thức rõ ràng trong hợp đồng. Không phải công ty cứ tùy tiện chia cho ai và mỗi người bao nhiêu là xong. Nếu họ có hợp đồng thì không ai có thể xé bỏ, Cố vấn Hồi đồng Kinh tế Quốc gia Larry Summers dạy như vậy - mà quên nhắc ông Tổng thống.
Khoản tiền thưởng đang gây xôn xao là thù lao cho các nhân viên của AIG đã bán cả trăm tỷ bảo kê các kén nợ mua nhà trong năm 2008 khi cuộc khủng hoảng chưa bùng nổ. Tiền thưởng được trả theo quy định của hợp đồng được ký từ trước. Tiền thưởng này không do các viên chức cao cấp của AIG thông đồng chia chác cho nhau, mà được Tổng Giám Đốc mới của AIG chuẩn nhận. Ông này được Nhà Nước bổ nhiệm để quản lý công ty sau khi Nhà Nước quốc hữu hoá công ty. Ông cứu xét các hợp đồng và thấy AIG bị rằng buộc bởi hợp đồng và phải trả tiền thưởng này.
Cũng nên ghi nhận rằng ông Tổng Giám Đốc mới này là doanh gia hồi hưu, cựu chủ tịch một công ty bảo hiểm lớn, tình nguyện ra quét rác AIG cho nhà nước với đồng lương tượng trưng một đô một năm và không ăn tiền thưởng gì hết. Vậy mà tuần qua ông bị Hạ viện Mỹ gọi ra điều trần và... mắng như chó - chữ này là dịch nguyên văn của truyền thông Mỹ!
***
Còn Quốc hội có hay không cái quyền ban hành luật lệ đánh thuế 90% trên số tiền huê hồng và tiền thưởng do các hợp đồng hiện hữu trước khi có luật, chuyện ấy lại khác.
Luật này được Hạ Viện thông qua - với phân nửa lá phiếu của các dân biểu Cộng Hoà! - bây giờ chờ Thượng Viện. Các Nghị sĩ ở viện trên có lẽ khôn hơn vì... sáu năm mới phải xin phiếu một lần, nên không chơi dại mà bỏ phiếu cho biện pháp "trừng phạt bằng thuế" như vậy.
Dù có thành luật đi nữa, thì đạo luật sẽ bị kiện ngược, nhiều phần là bị thua. Khi đó Nhà Nước có thể phải bồi thường... gấp đôi cho nguyên đơn. Người nhận tiền thưởng - cứ cho là 218 triệu đi - sẽ được Nhà Nước trả thêm... hai lần 218 triệu là 436 triệu nữa, chưa kể án phí!
Vì sao nếu bị kiện là thua"
Dự luật của Hạ viện là trừng phạt hồi tố trên một số huê hồng từ mức nào đó trở lên, áp dụng cho một số công ty nào đó được chính quyền cấp cứu. Nếu được ban bố thì sẽ bị kiện vì tính kỳ thị, nhắm vào một đối tượng nhất định, về một chuyện đã xảy ra từ trước (ý nghĩa của "hồi tố" hay "hồi hiệu" - retroactive). Chỉ có Nhà Nước Bắc Hàn, Cuba hay Venezuela mới có khả năng tự tiện ra luật mới để đánh thuế trên thu nhập cũ!
Mà cũng không có căn bản lý luận trong cách tính thuế. 
Giả dụ luật mới sẽ đánh thuế nếu số tiền thưởng cao hơn một triệu. Dựa trên căn bản nào mà đánh thuế tiền thưởng ở mức đó" Sao không là hai triệu" Nửa triệu" Năm triệu" Nếu bây giờ quyết định lấy định mức là một triệu, có gì bảo đảm mai mốt lại không đổi luật, đánh thuế 90% trên mọi loại huê hồng, tiền thưởng, kể cả huê hồng của dân bán nhà, bán xe kiểu cò con" Mà tại sao lại 90%" Tại sao không 70% hay 35% như nhiều Nghị sĩ đề nghị. Hay… 100% luôn" Một cách giải thích của nhà làm luật: đánh 90% cho ngân sách liên bang, còn dành lại 10% cho tiểu bang!
Chẳng những vậy, dự luật còn vi hiến: đi ngược với quy định của Hiến pháp Hoa Kỳ.  Nó phủ nhận những nguyên tắc sơ đẳng của chế độ kinh tế thị trường, tự do kinh doanh, sự tưởng thưởng cố gắng cá nhân và giá trị của các giao kèo. Hiến pháp Mỹ bảo đảm chế độ ấy. Vả lại, Lập pháp chỉ có quyền làm luật áp dụng chung cho mọi người dân, chứ quyết định truy tố và trừng phạt lại thuộc quyền Tư pháp.
Không phải một sớm một chiều có thể thay đổi được nền tảng xã hội Mỹ, dù là lợi dụng cái trớn của một cơn phẫn nộ tập thể.
Một khúc mắc nữa là hầu hết số tiền thưởng là trả cho nhân viên của một công ty con của AIG bên Anh. Đây là công ty AIGFP (AIG Financial Products) chuyên bán bảo kê cho các kén nợ mua nhà, được thành lập và đăng ký bên Anh, với trụ sở chính tại Luân Đôn. Luật mới của Quốc hội Mỹ có áp dụng bên Anh được không" Các doanh nghiệp Anh sẽ trả lời sao" Và còn doanh nghiệp nào tại Mỹ dám nhận sự trợ giúp nếu bị hoạn nạn khi thấy Nhà Nước xoay luật như trẻ con chơi chong chóng"


Việc ra luật đánh thuế để đòi lại tiền chỉ là một màn mị dân, mà chính những người bỏ phiếu có thể cũng biết là không có hy vọng thành hình. Rõ ràng là các chính khách, kể cả tổng thống Obama, chạy theo sự phẫn nộ của công chúng để lấy điểm cho bầu cử. Chuyện ấy đã kỳ, mà thực tế thì trò chiêng trống ấy còn có mục đích khỏa lấp trách nhiệm của chính mấy người hữu trách.
Chúng ta qua phần ba, là phần chính của chuyện khôi hài.
***
TT Obama lợi dụng sự kiện ông còn được dân chúng tin tưởng và ủng hộ, nên mạnh dạn đóng vai kẻ cả, đứng ra "nhận trách nhiệm". Nhận thế nào" Từ chức, tự xử hay vuốt nước mắt cách chức ông Geithner"... Trong chiến dịch vừa biện bác vừa bênh vực ông Geithner, TT Obama cũng không quên thòng thêm một câu là “các hợp đồng này được ký kết từ trước khi tôi lên nắm quyền”. Cứ đổ vấy lên đầu Bush là xong!
Không xong vì sai nặng....
Trước hết, từ tháng Chín năm ngoái, Ngân hàng Trung ương, bộ Tài Chánh và lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ đều có thảo luận với nhau về việc cấp cứu, căn cứ trên kế hoạch của Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ New York là ông Geithner. Hai nhân vật khét tiếng về tài chánh, ngân hàng của đảng Dân Chủ là Nghị sĩ Chris Dodd và Dân biểu Barney Frank là hai chủ chốt tại Thượng và Hạ viện, nên Chính quyền Bush khi đó có muốn cấp cứu AIG vì... tư lợi thì cũng bó tay.
Nghĩa là cả ba ông Geithener, Dodd và Frank đều "ở trong cuộc" ngay từ đầu.
Thứ nữa, đúng là các hợp đồng về tiền thưởng đã được ký trước khi AIG bị đe dọa phá sản, tức là trước khi ông Obama nhậm chức. Nhưng Nhà Nước hiện tại, tức là các ông Obama, Geithner và các dân biểu, nghị sĩ trong đảng đa số, đã có ít ra hai dịp xét lại để đòi thay đổi hợp đồng như điều kiện tiên quyết. Mà họ đều không làm.
Dù được cấp cứu từ giữa tháng Chín năm ngoái, tình hình AIG chưa cải thiện nên đầu tháng 11, AIG vẫn bị nguy cơ phá sản. Mà phá sản có nghĩa là tất cả các hợp đồng đều có thể bị vứt vào thùng rác. Khi đó, nếu muốn, ông Geithner hay TT tân cử Obama, hay Quốc hội Dân Chủ, đã có thể bắt chẹt: đòi AIG hủy bỏ các hợp đồng đó, ít nhất thay đổi điều kiện hay giảm bớt, trước khi Nhà Nước ra luật tặng cho AIG cả trăm tỷ. Nhà Nước lúc đó nắm dao đằng chuôi, mà không làm gì hết.
Lần thứ hai, đầu Tháng Hai, khi Nhà Nước tung thêm bốn chục tỷ cho AIG lồng trong kế hoạch kích thích kinh tế 787 tỷ thì Obama đã nhậm chức tổng thống, Geithner đã vào Bộ Tài Chánh. Họ lại có thêm cơ hội sửa đổi các hợp đồng, mà vẫn không làm gì hết.
Đến khi nội vụ đổ bể và làm dân chúng nổi điên thì mấy vị chức sắc này vội nhẩy đựng, làm như ngạc nhiên không hay không biết gì cả. Họ ra vẻ phẫn nộ theo, xỉ vả lung tung và đòi đưa biện pháp này nọ để trừng phạt các viên chức tham lam của AIG.
Mấy ông chính khách Cộng Hòa cũng nhẩy vào ăn ké. Thượng Nghị Sĩ Grassley kêu gọi các viên chức AIG… nên tự tử theo gương các võ sĩ đạo Nhật. Các võ sĩ đạo Nhật mà nghe là mình đã được đưa ra làm gương cho các chính trị gia Mỹ, chắc sẽ phải tự tử thêm một lần nữa.
Tất cả chỉ là trò mần tuồng che mắt thiên hạ. Từ Dân Chủ đến Cộng Hòa. Từ Wall Street đến White House. Từ New York Times đến CNN.
***
Vì sao chuyện đó là tuồng diễu - mà diễu dở"
Trước hết, phải nói là tất cả các công ty cổ phần hay đại chúng trong mọi ngành nghề đều có sự kiểm soát của Nhà Nước. Họ đều phải công khai hóa tình hình nội bộ qua các phúc trình cuối năm (annual reports) cho các cổ đông. Và họ cũng phải có báo cáo mỗi quý qua các phúc trình gọi là 10-K. AIG cũng không làm khác được, nhất là sau khi đã bị quốc hữu hóa.
Bất cứ ai cũng có thể lên mạng, truy cứu trang nhà của AIG và đọc được các báo cáo này, nếu hiểu ra ngôn từ chuyên môn của họ. Các báo cáo đều có ghi là trong năm 2008, số tiền thưởng cho nhân viên của AIG là gần năm trăm triệu, trong đó có 165 triệu cho nhân viên của AIGFP bên Anh. Chẳng lẽ khi chi cho AIG hơn 150 tỷ cứu nguy, các ông Nhà Nước không đọc mấy báo cáo ấy" Tác trách đến vậy thì bây giờ đổ lỗi cho ai"
Điều thứ hai, mấy vị chức sắc Nhà Nước đóng vai ngỡ ngàng khi thấy AIG lấy tiền do Nhà Nước cứu nguy mà mang đi phân tán lung tung cho các ngân hàng khác, kể cả ngân hàng Âu Châu. Ô hay! AIG là hãng chuyên bảo kê các kén nợ xấu cho các ngân hàng Mỹ và khắp thế giới. AIG bị đe dọa phá sản vì các kén nợ đó mất giá, và các ngân hàng đòi AIG bồi thường đúng theo hợp đồng bảo hiểm. Vì không đủ tiền bồi thường nên AIG mới cần tiền Nhà Nước để trả, hầu cho các ngân hàng khỏi sụp đổ.
Bây giờ AIG làm đúng như vậy: nhận tiền cứu nguy để bồi thường cho các ngân hàng. Tại sao lại ngạc nhiên" Chứ bộ mấy ông dân biểu nghĩ rằng Nhà Nước đưa tiền cho AIG để cất vào nhà kho sao"
Một số ngân hàng nhận tiền của AIG cũng đã được Nhà Nước cho tiền cứu nguy, và do đó có thể đã có sự trùng hợp - là chi tiền hai ba lần. Nếu tình trạng ấy xẩy ra thì vẫn là lỗi của ông Nhà Nước tác trách, không đặt điều kiện trước cho rõ ràng, và không truy cứu các ngân hàng trước khi chi tiền.
Tại sao lại chỉ trích AIG khi hãng này làm tròn bổn phận phải bồi thường"
May là trong hệ thống truyền thông, cũng còn cơ sở không lây vi trùng về hùa nói nhảm mà chịu khó tìm hiểu thêm!
Đài truyền hình FOX chính thức đòi Bộ Tài Chánh Mỹ công bố các tài liệu liên quan đến cuộc thương thảo đưa đến chuyện Nhà Nước chi tiền cứu nguy AIG. Khi các tài liệu đó được FoxNews tiết lộ, thì ta thấy ra cả trăm emails trao đổi giữa Bộ này và AIG, cùng với các cơ quan và nhân vật liên hệ khác.
Những số tiền thưởng, huê hồng, lương lậu, bổng lộc của các viên chức cao cấp của AIG đều có được thảo luận qua lại nhiều lần. Không ai không biết chuyện tiền thưởng. Cũng không ai thắc mắc chuyện tiền thưởng này là nhiều hay ít, có vấn đề gì. Và không ai phản đối gì hết.
Khi đó, và nhìn ngược lại mấy ngày sóng gió tuần qua, ta thấy Chính quyền Obama khi lắc khi gật, khi lắc đầu không biết, khi gật đầu xác nhận là có. Nghị Sĩ Chris Dodd, Chủ Tịch Tiểu Ban Tài Chánh của Thượng Viện Mỹ mới đầu cũng ra vẻ ngỡ ngàng, bực tức như thiên hạ. Ông la hét là mình bị lừa, đòi trừng phạt các viên chức AIG. Nhưng rồi bản thảo của luật cứu nguy AIG bị lộ. Ông chối rồi lại thú nhận là khi dự luật này lên Thượng Viện thì đích thân ông là người ghi thêm là các tiền thưởng đã có trong các hợp đồng ký kết trước ngày 11 tháng Hai năm 2009 đều là bất khả xâm phạm, không bị giới hạn hay hủy bỏ! Ông tự biện hộ là bị chính quyền Obama ép phải viết thêm như thế. Bộ Trưởng Tài Chánh Geithner mau mắn cải chính, sau đó xác nhận là bộ có yêu cầu như vậy!
Bán cái cho nhau là nghề của mấy chính khách. Biết tin ai đây" Cuộc tranh luận vì vậy sẽ chuyển qua đề mục: "ai biết những gì, và biết lúc nào"" Hoặc "ai không biết, mà vì sao lại không biết""
Đó là chuyện tương lai.
***
Với chúng ta, câu hỏi đặt ra là tại sao tất cả mọi người đều biết mà chẳng ai làm gì"
Câu trả lời là không ai dám nghĩ đến việc cắt bỏ các số tiền thưởng đó.
Mỗi năm, công ty AIG đóng góp hàng triệu bạc để “yểm trợ” các chính trị gia thuộc cả hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ. Chúng ta không biết hết chi tiết, mà chỉ cần biết các chính khách trong mấy năm qua đã lãnh nhiều tiền ủng hộ nhất cũng là những người lớn tiếng nhất hiện nay. Đứng đầu sổ, nhận được nhiều tiền của AIG nhất, là Nghị sĩ Chris Dodd. Đứng thứ nhì, nhận được nhiều tiền thứ nhì là một Nghị sĩ mới nổi của tiểu bang Illinois: Barack Obama. Người thứ ba là ông McCain và người thứ tư là bà Hillary. Không ai chối cãi được là AIG rất tinh: biết chọn mặt gửi vàng nơi người quyền thế!
Một khuôn mặt sáng giá khác là Dân biểu Dân Chủ Charles Rangel của hạt Harlem ở New York. Ông là chủ tịch Ủy ban Chi thu Thuế vụ đầy quyền lực của Hạ viện (Ways and Means Committee) và có quyền quyết định về nghị trình bỏ phiếu các dự luật thuế vụ. Tuần trước, ông còn chống việc tăng thuế trên tiền thưởng, sau đó lại thuận. Báo chí chú ý đến Rangel vì ông là bạn thân của Tổng giám đốc cũ của AIG và riết róng vận động tổ hợp này chi 10 triệu Mỹ kim cho một ngôi trường mang tên ông! Ngoài ra, Rangel còn là một trong những cổ đông lớn nhất... của AIG, trước khi công ty lâm nạn!
Từ nhiều năm liền, Dân biểu da đen này gãi tiền AIG rất kỹ, tới gần đây vẫn vậy. Ông Rangel đang bị điều tra về đạo tắc (ethics) trong đó có nhiều chuyện liên hệ đến việc AIG tài trợ "Trung tâm Charles B. Rangel về... Công dân vụ" (Public Services) trong trường City College của New York... Bây giờ mới thấy ông hét hò và đòi đánh thuế!
Mà chưa hết. Báo chí vừa đăng tin bốn viên chức cao cấp nhất của hai cơ quan gia cư Fannie Mae và Freddie Mac cũng sẽ lãnh hơn sáu trăm ngàn tiền thưởng.
Thế là thế nào" Dân chúng và các chính khách, kể cả TT Obama đã bầy tỏ sự công phẫn với AIG. Nhưng còn Fannie Mae và Freddie Mac"
Hai cơ quan này trước đây là bán công, bây giờ là của Nhà Nước vì vỡ nợ. Các viên chức đều là công chức. Tiền thưởng của họ là do Nhà Nước ấn định! Chưa thấy TT Obama bầy tỏ sự bất bình về những tiền thưởng cho các công chức ấy. Cũng chưa nghe nói TT Obama đã ra lệnh ngưng trả tiền thưởng hay chưa. Và cũng chưa thấy các nhật báo New York Times hay Washington Post xỉ vả ai hay khiếu nại gì.
Kết cuộc thì mấy khoản tiền thưởng khổng lồ mà ta nhìn ra chính là những cái tát vào mặt người dân. Chúng ta đi cầy sâu cuốc bẩm, cả đời chưa được trả tới một triệu đô và khi nào cũng lo mất việc. Vậy mà cong lưng đóng thuế cho Nhà Nước trả hàng trăm triệu đô tiền thưởng cho các đại gia đã ăn bẫm từ nhiều năm nay.
Cái bất công vô lý ấy phải được ngăn chận, nhưng ngăn từ trong trứng nước, khi hợp đồng chưa ký. Không phải âm thầm “gãi lưng cho nhau”, đến lúc đổ bể thì làm như là xì-căng-đan ghê gớm, rồi xỉa tay đổ lỗi cho nhau. Trong khi chúng ta tiếp tục đóng thuế, hay bỏ phiếu, như không có chuyện gì xẩy ra (22-03-09).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Có những mối nhục dùng gươm mà rửa Có những thương đau rồi sẽ mờ phai Có những cắt chia, mai mốt nối dài Có những phẫn nộ, tương lai sẽ tỏa
Tối nay tôi cùng Minh Bình, bác Diệu Phụng, Diệu Phượng, Diệu Thuận và Đức Trang Nghiêm đến tụng kinh Dược Sư cho Viên Bảo Mỹ.
Mấy ngày qua trên Internet đã có nhiều hình ảnh và tin tức về các cuộc biểu tình của thanh niên Hà Nội, thanh niên Sài Gòn, xuống đường phản đối Trung Cộng
Thư này được viết cho những người trẻ, những trí thức văn nghệ sĩ và tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước thuộc bất cứ giai tầng xã hội nào.
Trong những ngày tháng qua, có những con người quên ăn quên ngủ nóng lòng hướng về miền Trung, nơi mà thiên tai hàng năm vẫn không tha
New Orleans được dân Việt gọi là Ngọc Lân, thủ đô nhạc Jazz với những đại hội và những nhạc sĩ tên tuổi cỡ Louis Amstrong, Bessie Smith, Duke Ellington
Vũ khí tang vật xuất hiện trong hành lý ký gởi qua đường hàng không quốc tế là một trong những yếu tố tội phạm quan trọng liên quan đến nhiều lãnh vực
Trong những ngày qua, người Việt khắp năm châu đang theo dõi và tán thưởng những hành động can đảm, đượm tinh thần quốc gia dân tộc
Cụ Trần Trọng Kim, một nhà giáo lỗi lạc, một học giả danh tiếng và cũng là vị Thủ Tướng đầu tiên của Việt Nam, đã viết trong bộ sử “Việt Nam Sử Lược”
Viết tặng các bạn sinh viên tham gia cuộc biểu tình trước Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung quốc ngày 09 tháng 12 năm 2007.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.