Hôm nay,  

Triệu Tử Dương, Một Thất Bại Đáng Kính

18/01/200500:00:00(Xem: 12923)
Sáng Thứ Hai, nguyên Tổng bí thư Triệu Tử Dương của đảng CSTQ đã tạ thế. Người lãnh tụ Bắc Kinh bị thanh trừng vì có lòng lân mẫn với các sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn đã ra đi.
Diễn đàn Kinh tế của đài RFA sẽ tìm hiểu về nhân vật này qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong mục chuyên đề hàng tuần do Việt Long thực hiện.
Hỏi: Ông là người từng theo dõi từ nhiều năm nay việc cải cách kinh tế ở Trung Quốc, và đã viết cuốn biên khảo với tựa đề “Việt Nam trong trật tự Trung Quốc”, xin ông cho biết sơ lược về nhân vật Triệu Tử Dương vừa tạ thế ngày hôm qua.
-- Ông ta là một Tổng bí thư ngắn ngủi nhất trong tầng lớp lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Hoa, trong có vài năm từ 1987 đến 1989, và đã thất bại trong tiến trình cải cách tại Hoa Lục, nhưng là một người thất bại đáng kính trọng.
Hỏi: Xin được hỏi ngay là vì sao thất bại mà vẫn đáng kính"
-- Theo quan niệm Đông phương, chúng ta không đem chuyện thành bại mà luận anh hùng. Sau bảy năm làm Thủ tướng, rồi Tổng bí thư, Triệu Tử Dương mất chức và bị quản thúc tại gia trong suốt 15 năm qua từ vụ thảm sát Thiên an môn mà báo chí ở cả Việt Nam và Trung Quốc - đều khỏa lấp sự thật để gọi là “sự biến Thiên an môn”, nên rõ ràng là thất bại. Nhưng ông vẫn là nhân vật đáng kính và cần được dân Trung Quốc và cả Việt Nam biết rõ hơn, vì Việt Nam hiện theo con đường tương tự như quốc gia láng giềng này và gặp vấn đề như họ nhưng ít có người đáng kính như vậy trong tầng lớp lãnh đạo.
Hỏi: Vậy thì mời ông khởi sự từ đầu, với lai lịch của nguyên Tổng bí thư Triệu Tử Dương...
-- Ông Triệu Tử Dương sinh ra vào tháng 10 năm 1919, con nhà điền chủ tỉnh Hà Nam. Có lẽ, ông giàu lý tưởng nên sớm hoạt động trong Liên đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc từ năm 1932 để chống sự thống trị của Nhật Bản, năm 19 tuổi thì vào đảng. Vì là địa chủ, thân phụ ông bị đấu tố đến chết mà Triệu Tử Dương vẫn thành thật tin vào đảng và đến lúc chết vẫn còn là đảng viên Cộng sản. Lý tưởng con người nhiều khi có những lý lẽ mà ta khó hiểu nổi. Ông thuộc loại đảng viên lý tưởng và trung kiên đã đạt một số thành tích nhờ quan điểm thực tiễn khi hành động. Thành tích của ông là làm Bí thư Quảng Đông năm 1965 khi mới 46 tuổi, một bí thư trẻ nhất ở cấp tỉnh. Sau đó, ông còn điều khiển việc cải cách tại Tứ Xuyên – tôi xin dùng chữ cải cách chứ không phải cải tạo - khiến nông phẩm tỉnh này tăng 25% và công nghiệp nhẹ tăng 85% sau năm 1973. Giữa hai thành tích ấy là việc đang làm Bí thư Quảng Đông thì ông bị Hồng vệ binh của cuộc Đại Văn Cách giam giữ vì đủ mọi tội, cho đội mũ tai lừa đi diễn hành ngay tại Thủ phủ Quảng Châu. Cuộc Cách mạng Văn hoá Vô sản Vĩ đại ấy là một đòn chính trị điên rồ của Mao Trạch Đông, dùng đám đông xuẩn động tấn công ngược vào đảng nhằm củng cố quyền lực cá nhân. Và Triệu Tử Dương là một trong hàng trăm triệu nạn nhân. May là ông không mất mạng hay chết đói như Lưu Thiếu Kỳ, cho nên còn có dịp phục vụ đảng tại Nội Mông rồi Tứ Xuyên, rồi được Đặng Tiểu Bình để ý và cất nhắc.
Hỏi: Kể từ đấy, Triệu Tử Dương bắt đầu lên chức, nhưng sau đó lại bị hạ bệ. Ông vui lòng tường trình tiếp đọan này cùng thính giả của chúng tôi.
-- Triệu Tử Dương được Đặng Tiểu Bình đưa lên làm Thủ tướng trong bảy năm, từ 1980 đến 1987 và sau đó làm Tổng bí thư. Đặng Tiểu Bình là người có viễn kiến nên biết cái sai của Mao Trạch Đông, và là người có bản lãnh nên thoát hiểm ba lần để trở nên người thiết kế việc cải cách tại Trung Quốc. Nhưng viễn kiến và bản lãnh là một chuyện, khả năng nhìn ra và áp dụng biện pháp cải cách cụ thể thì có lẽ đó là công lao của Triệu Tử Dương. Có điều, cả hai - và phải nói rộng ra là cả tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc lẫn nhiều xứ độc tài khác - không hiểu là sau một thay đổi lớn thì xã hội đặt ra nhiều thách thức mới mà lãnh đạo không xử lý nổi. Khi đó, người thì muốn nghiến răng xông tới, người thì e ngại nên giật lùi. Triệu Tử Dương muốn đi tới, đa số lãnh đạo khác, kể cả Đặng Tiểu Bình thì lại muốn hãm đà. Quan điểm thủ cựu cuối cùng đã thắng vì một tai nạn là vụ biểu tình tại Thiên an môn. Triệu Tử Dương bị bay chức và giam lỏng từ đó.
Hỏi: Ông nói đến vụ thảm sát mà báo chí các xứ cộng sản gọi là “sự kiện Thiên an môn”, nhờ ông vui lòng thuật lại biến cố này, là biến cố đã đánh một dấu chấm hết trong sự nghiệp chính trị của ông Triệu Tử Dương.
-- Tháng Tư năm 1989, khi Hồ Diệu Bang tạ thế, dân chúng đã nhân tang lễ ông ta, tổ chức nhiều vụ xuống đường biểu tình. Chính thức là để tỏ lòng thương tiếc một người thuộc xu hướng cải cách, thực tế là để phản đối nạn lạm phát và tham nhũng. Vào thời điểm ấy, Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên xô là Mikhail Gorbachev lại thăm viếng Bắc Kinh sau nhiều năm gián đoạn trong quan hệ giữa Liên xô và Trung Quốc. Đây là biến cố quốc tế nên đông đảo truyền thông thế giới có mặt để tường thuật. Các cuộc biểu tình kéo dài khiến lãnh đạo Bắc Kinh lúng túng. Vì muốn thách thức Gorbachev tiến hành cải cách nên họ không dám ngăn chặn biểu tình, trong khi nhiều đảng viên cao cấp lại tỏ vẻ ủng hộ, thậm chí yểm trợ dân biểu tình. Cho tới khi sự thể xảy ra quá tầm kiểm soát của chính quyền thì họ chỉ còn giải pháp là tắt đèn nổ súng. Triệu Tử Dương muốn can cả hai, là chính quyền và dân biểu tình, mà không nổi. Ông xuất hiện lần cuối, giữa đám biểu tình vào ngày 19 tháng Năm 1989, với nước mắt lưng tròng và tay cầm loa để nói là mình đến quá trễ. Hơn 10 ngày sau, quân đội tiến vào Thủ đô Bắc Kinh, yêu cầu báo chí rút lui và rạng ngày bốn tháng Sáu, đám biểu tình bị giải tán, hàng ngàn người bị tàn sát ngay tại quảng trường Thiên an môn. Con số chính thức là bao nhiêu thì Bắc Kinh không nói và không ai biết được. Con số bán chính thức từ bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là 2.600 người.

Hỏi: Và sau đó thì ông họ Triệu bị cách chức như thế nào thưa ông ạ"
-- Ngày 23 tháng Sáu năm đó, Triệu Tử Dương được Giang Trạch Dân thay thế và từ đó bị quản thúc tại gia. Ông ta may hơn các lãnh tụ thất sủng thời trước là không bị thủ tiêu, đấu tố hay vào tù. Lần cuối người ta nghe nói đến ông ta là cách đây tám năm. Khi sức khoẻ sa sút thì Triệu Tử Dương được Giang Trạch Dân lệnh cho Trung ương đảng chăm sóc tử tế vì sợ ông ta mất ngay trước Đại hội đảng thì dân chúng sẽ lại biểu tình tưởng niệm, như đã biểu tình tưởng niệm Chu Ân Lai hay Hồ Diệu Bang, rồi biến biểu tình thành xuống đường chống đối. Cũng vì vậy mà khi Tân Hoa Xã xác nhận rất ngắn ngủi và lạnh lùng hôm qua, rằng “đồng chí Triệu Tử Dương đã tạ thế” thì an ninh lập tức được tăng cường tại Thiên an môn. Còn thân nhân người quá cố chỉ có thể cho biết là có nhiều “quan chức lãnh đạo” đã tới phúng viếng, mà không nói rõ là những ai. Trong các xã hội độc tài, người chết nhiều khi lại được việc hơn người sống. Vấn đề là được việc cho ai.
Hỏi: Như vậy, ông dự đoán là trong mấy ngày tới, tang lễ của ông Triệu Tử Dương có thể biến thành động loạn hay chăng"
-- Không ai biết trước được mọi việc, nhưng tôi nghĩ là khó vì Trung Quốc có mọi cái nhân của động loạn nên lãnh đạo rất sợ cái duyên, rất sợ những cơ hội bất ngờ. Vì vậy, họ sẽ kiểm soát an ninh nghiêm ngặt để tang lễ Triệu Tử Dương không dẫn tới biểu tình. Vả lại, con cái của Triệu Tử Dương ngày nay cũng đang ăn nên làm ra và không muốn có phiền nhiễu từ phiá chính quyền. Tuy nhiên, ta chưa biết được phản ứng hay khả năng tổ chức của những người khát khao dân chủ nên sự thể sẽ ra sao thì mình chưa đoán trước được. Dù sao thì các nhân vật thay thế Triệu Tử Dương như Giang Trạch Dân và cả Lý Bằng đều về hưu; và lớp lãnh đạo mới như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hay Thủ tướng Ôn Gia Bảo đều đã nếm mùi cực đoan của Cách mạng Văn hóa, nên đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phải có lúc bạch hoá vụ này và quy ra trách nhiệm rõ ràng về vụ Thiên an môn.
Hỏi: Kiểm điểm lại, ông nghĩ sao về nhân vật Triệu Tử Dương này"
-- Ông ta có thể đã thua Đặng Tiểu Bình trong trận đấu trí và thậm chí đấu tranh chính trị nên mất chức và bị giam lỏng, trong khi các nhân vật bảo thủ hơn, như Giang Trạch Dân hay Lý Bằng, đã thắng thế. Nếu nghĩ tới quyền lợi riêng, Triệu Tử Dương đã không đem ấn tín Tổng bí thư vào nhà ngục mà có thể đã trở thành một đầu mối kinh doanh đáng kể. Ông ta đáng kính trọng vì sự dũng cảm ấy, nhất là khi chủ trương một nền kinh tế tự do hơn, một chánh sách đối ngoại cởi mở và văn minh hơn với thế giới bên ngoài. Nhưng ông đã thất bại trên chính trường và vì vậy thất bại trong sự chuyển hướng Trung Quốc. Một sự mỉa mai đáng chú ý là cùng ngày loan tin Triệu Tử Dương tạ thế, Bắc Kinh cũng loan báo việc Trung ương đảng Cộng sản hạ quyết tâm diệt trừ tham nhũng, như một yêu cầu sinh tử. Độc tài và tham nhũng vốn nuôi dưỡng nhau trong thế cộng sinh nên cuối cùng thì quan điểm của Triệu Tử Dương vẫn thắng thế. Sau thành tích của ông tại Tứ Xuyên, dân chúng Trung Quốc đã loan truyền một thành ngữ mới là “yêu chi lương - triệu Tử Dương”, muốn có lương thực thì mời Tử Dương. Dân chúng đủ ăn thì nhớ ơn ông ta, các đảng viên dư thừa thì lại sợ là ông ta thành công thì mình mất bổng lộc.
Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, một người như Triệu Tử Dương có hy vọng thành công tại Việt Nam hay không"
-- Tôi e rằng khó. Thứ nhất về trình độ tư duy và hiểu biết thì lãnh đạo Hà Nội còn phải học hỏi và vẫn còn đang học hỏi lãnh đạo Bắc Kinh. Người ta có thể thấy điều ấy khi kiểm điểm tiến trình cải cách của hai nước. Thứ hai, về phương thức đối phó với những dị biệt trong đảng thì đảng Cộng sản Trung Quốc đã nếm mùi Đại văn cách của Mao nên tương đối cư xử với nhau ít tệ hơn. Vì vậy, đấu tranh quyền lực không có phong thái kỳ dị hay kỳ cục như những gì người ta đang thấy tại Việt Nam. Nói chung, kẻ thất thế tương đối không đến nỗi đói rách bần cùng nên còn có thể buông bỏ quyền lực thay vì phải bám chặt vào ấn tín nhà nước để làm giàu. Riêng về những nhân vật gọi là cải cách của Trung Quốc, họ đã dám có ý tưởng khác từ mấy chục năm trước và có lúc trả giá rất đắt cho quan điểm ấy. Chúng ta không thấy nhiều người lãnh đạo Việt Nam như vậy. Những người khác thì nay đang ngồi tù cả. May ra thì sau khi Trung Quốc có loạn – là điều có thể xảy ra từ năm nay – giới lãnh đạo Hà Nội, và nhất là người dân Việt Nam, sẽ có những phản ứng khác.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ai cũng biết Việt Nam không có dân chủ. Khác với chế độ độc tài của Saddam Hussein, chế độ độc tài của Việt Nam là chế độ Cộng sản mà chính quyền Mỹ đã từng nhắc nhở chúng ta
Tuần qua, dư luận chống Bush được tăng viện với lời phát biểu của Tướng Colin Powell. Viên Ngoại trưởng cũ của ông Bush nói rằng Iraq bị nội chiến về thực tế, và lời phát biểu của ông
Vừa nghe tiếng điện thoại reo lên trong đêm, phá tan bầu không khí yên lặng của bầu trời đêm Hà Nội một ngày đầu đông... tôi vội vàng nhấc máy. Đầu dây tiếng lập cập quen thuộc - vì ngôn ngữ
Trong lúc đảng Cộng sản Việt Nam phấn khởi được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization, WTO) và hoan hỷ hoàn tất tốt Hội nghị APEC thì cán bộ, đảng viên lại
Sự đắc cử của Giám Sát Viên Quận Cam Lou Correa vào chức vụ Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang đã tạo cơ hội hiếm có cho một ứng cử viên gốc Việt có thể đắc cử vào chức vụ Giám Sát Viên Quận Cam
Với viễn ảnh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, một hồ sơ mà Việt Nam cần chú ý là chế độ trợ giá lúa gạo trên thế giới vì gạo là nông sản trọng yếu của Việt Nam và chi phối sinh hoạt
Thể theo lời yêu cầu của một số đông học viên, tác giả xin mượn trang báo này để trình bày một cách chi tiết về hệ thống máy chụp hình, được dựng lên tại nhiều ngã tư với mục đích chụp
Trước năm 1975 vào những dịp Tết Nguyên Đán, cùng lúc dân chúng náo nức chuẩn bị mừng Xuân, đón Tết thì các hội từ thiện,
Tổng Thống Bush và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến Việt Nam tham dự Hội Nghị APEC, nhưng cả hai đã có những sắp xếp khác, không liên hệ gì đến nội dung bàn thảo
Chưa bao giờ trong lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã chứng minh  Đảng và Nhà nước sợ Dân chủ như trong kỳ họp APEC tại Hà Nội từ 15 đến 19
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.