Mỹ & THẾ KỶ 21: Sơn, Thủy trong Địa Lý
Nguyễn Xuân Nghĩa
…Rồng giấy Trung Quốc và Ó biển Hoa Kỳ...
Hoa Kỳ là một siêu cường, khi động thì linh hoạt như nước, khi tĩnh thì vững vàng như núi. Người viết mượn chữ của cụ Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền, "động đương như thủy, tĩnh như sơn", để tóm lược về đặc tính ấy của nước Mỹ.
Hình ảnh và đặc tính ấy còn phải được tìm hiểu kỹ lưỡng hơn để ta thấy là giữa cơn biến động hiện tại, lời tiên báo rằng thời độc bá của Hoa Kỳ đang chấm dứt, lời tiên báo đó... không có cơ sở!
Gà gáy không làm mặt trời mọc
Trước hết, sức mạnh của một quốc gia tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó và nhất là tại Hoa Kỳ, yếu tố lãnh đạo đóng góp một phần rất nhỏ.
Chúng ta hãy tưởng tượng để dễ suy đoán, là một lãnh tụ dù xuất chúng như Lý Quang Diệu thì cũng không thể đưa Singapore lên hàng cường quốc vì vị trí và sức nặng của đảo quốc này. Nếu sinh tại Malaysia hay Indonesia, may ra ông Lý có thể khiến hai quốc gia kia có thêm sức mạnh sau thời độc lập và trở thành thế lực đáng kể tại Đông Nam Á.
Nhưng chẳng vì vậy mà làm xoay chuyển được cục diện Đông Á trên toàn cầu.
Tại Nhật Bản, đảng Tự do Dân chủ LDP đã từng lãnh đạo liên tục từ 1958 đến 1993. Trong giai đoạn suy thoái kéo dài từ đó đến nay, Nhật Bản đã có 10 Thủ tướng mà chỉ ba người là cầm quyền được hai hay ba nhiệm kỳ. Các lãnh tụ khác lên xuống như đèn kéo quân mà không làm thay đổi được cục diện. Tuy vậy, từ năm 1993 đó, Nhật Bản bị sáu trận suy trầm kinh tế nhưng vẫn là cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới. Mà dù có bị suy yếu về kinh tế hay bất ổn về chinh trị với nội các rơi rụng như sung, xứ này vẫn tiếp tục tranh thủ ảnh hưởng ngoại giao và quân sự tương xứng với sức nặng kinh tế của mình.
Vì vậy, vai trò của lãnh đạo có những giới hạn hiển nhiên của nó.
Hàng ngày, khi theo dõi thời sự hoặc lời bình luận của truyền thông hay chính giới, ta dễ bị biến cố ngắn hạn chi phối tầm nhìn dài hạn. Thí dụ như cho rằng xứ này xứ khác sẽ mở ra một kỷ nguyên mới, hoặc bắt đầu chu kỳ suy sụp, vì có lãnh đạo mới.
Trường hợp ấy đã và đang xảy ra cho xã hội Hoa Kỳ, khi nhiều người cho rằng nước Mỹ bắt đầu thoái trào từ thời George W. Bush và đang nuôi hy vọng phục hưng nhờ Barack H. Obama.
Nếu Franklin Roosevelt không làm Tổng thống Mỹ từ 1933, chưa chắc là Hoa Kỳ đã tránh được vụ Trân châu cảng năm 1941 để rồi trực tiếp tham chiến tại Thái bình dương và trở thành siêu cường Á châu. Jimmy Carter có thể là vị Tổng thống đã dại dột nuôi ong tay áo khi yểm trợ các nhóm du kích Hồi giáo chặn đà bành trướng của Liên Xô tại A Phú Hãn (Afghanistan) khiến al-Qaeda có cơ hội thành hình từ đấy. Hoặc Carter đã ngây thơ để cho Cách mạng Hồi giáo thành hình tại Iran và nay đang thách thức Hoa Kỳ tại Trung Đông.
Nhưng Ronald Reagan thật ra không làm khác tại A Phú Hãn và còn kín đáo hợp tác với Iran để chặn đà bành trướng của Saddam Hussein tại Iraq. Nhìn lại gần hơn, nếu Al Gore thắng cử năm 2000, Hoa Kỳ vẫn bị vụ khủng bố 9-11 và vẫn phải đứng lên lãnh đạo cuộc chiến chống khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan xưng danh Thánh chiến.
Nhìn cách khác, việc Hoa Kỳ bị Liên Xô hay Iraq và Iran thách đố là điều tất yếu và lãnh đạo có "sáng" hay "tối" thì những chuyển động lớn ấy vẫn xảy ra. Xảy ra vì nhiều động lực lâu dài và đa diện, thường thì lâu dài hơn một nhiệm kỳ tổng thống. Hay một đời người.
Kết luận đầu tiên: anh hùng ít khi tạo ra thời thế. May lắm thì thời thế có thể tạo ra anh hùng vì mở ra cơ hội bất ngờ cho người xuất chúng.
Mà thời thế ấy nghĩa là gì"
Nghĩa là những chuyển động lớn của các quốc gia xuất phát từ nhiều yếu tố tiềm ẩn bên dưới. Những yếu tố ấy thường là địa lý hiểu theo nghĩa rộng - vị trí địa dư và các loại tài nguyên nhân vật lực bên trong - là kinh tế và phản ứng văn hoá của một tập thể sắc tộc hay dân tộc. Những yếu tố chậm rãi ấy có thể dẫn tới nhiều chuyển động mà ta cho là bất ngờ chỉ vì ít nhìn ra. Rồi hàng ngày thì cứ theo dõi sự xoay trở của giới lãnh đạo trước các chuyển động bất ngờ này. Khi nhìn quá sâu và quá hẹp vào sự xoay trở ấy, ta quên dần các động lực tiềm ẩn bên dưới - và dễ kết luận sai.
Vì vậy mới có lý luận về sự thoái trào của Hoa Kỳ.
Nhiều người đồng ý rằng nước Mỹ trở thành siêu cường toàn cầu từ năm 1945, giữ vị trí độc bá thiên hạ sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, và nay lại bị rúng động vì khủng bố bên ngoài và khủng hoảng bên trong, cho nên đang mất dần ngôi vị đó. Đâm ra, trật tự Hoa Kỳ - Pax Americana - chỉ kéo dài được có một vòng hoa giáp sáu chục năm! Nhìn ra ngoài nước Mỹ, người ta còn lý luận rằng kinh tế Trung Quốc vừa vượt qua kinh tế Đức và sẽ bắt kịp để vượt qua Nhật Bản để thách đố Hoa Kỳ.
Nhìn từ bên trên, khái niệm kinh tế thị trường hay tư bản kiểu Mỹ đang bị phá sản vì vụ khủng hoảng tài chánh năm ngoái, và cả thế giới lẫn Hoa Kỳ đang suy nghĩ lại về hệ thống kinh tế chính trị với vai trò điều tiết của nhà nước hầu thu hẹp những bất toàn hay cuồng dại của thị trường. Mà nếu một nền kinh tế trở thành mạnh nhờ sự can thiệp và phân bố tài nguyên của nhà nước một cách sáng suốt thì có gì mạnh hơn Nhật Bản hay Trung Quốc"
Cứ lý luận như vậy, mọi người đều dễ kết luận là trật tự Hoa Kỳ đang cáo chung và Thế k ỷ 21 sẽ là Thế kỷ của châu Á trong đó, Trung Quốc sẽ là siêu cường mới.
Sự thật lại không đơn giản như vậy. Muốn nhìn ra, ta cần trở ngược lên những yếu tố quyết định, về địa dư, kinh tế và văn hoá...
Sơn hay Thủy thì còn tùy địa lý...
Về địa lý, Hoa Kỳ là một hải đảo trong ý nghĩa một khu vực tương đối an toàn được bảo vệ bởi đại dương. Muốn bước ra - động như thủy - là Mỹ có thể tiến rất xa tới các nước khác. Khi thu về - tĩnh như sơn - Mỹ có thế phòng thủ rất vững.
Hoa Kỳ là hải đảo tiếp giáp với hai đại dương lớn nhất địa cầu là Đại tây dương ở phía Đông và Thái bình dương ở phía Tây. Hai đại dương này là khu vực sinh sống của hầu hết các cường quốc cổ kim, từ Trung Quốc, Nga, Nhật ở phía Tây Hoa Kỳ ("Đông phương" của Âu Châu thôi) cho tới Anh, Pháp, Tây Ban Nha (Spain), Bồ Đào Nha (Portugal)... ở phía Đông. Và cùng với Hoa Kỳ, các quốc gia Đại tây dương cùng Thái bình dương đang đóng góp một sản lượng lớn nhất cho cả nhân loại hơn sáu tỷ 746 triệu dân của địa cầu.
Đế quốc Anh - siêu cường toàn cầu trước ngày Hoa Kỳ lên ngôi - chỉ là hải đảo thu hẹp ở một góc Đại tây dương. Nhìn vậy, Hoa Kỳ có lợi thế gấp bội vì có thể bung ra hai ngả Đông Tây và thu về thủ thế ở giữa hai đại dương: ngần ấy trận đại chiến đều xảy ra ở nơi khác và duy nhất có lần lãnh thổ Mỹ bị uy hiếp nặng là vụ Nhật tấn công Trân châu cảng với kết quả là Nhật hụt hơi, bại trận! Sau Thế chiến II, con ó biển Hoa Kỳ đã kế thừa các căn cứ hải quân của Đế quốc Anh và kể từ đấy có thể làm chủ các đại dương.
Đã thế, hai nước láng giềng Nam Bắc của Hoa Kỳ là Mexico và Canada đều đang là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Mỹ, và chưa (khác với "không") là cường quốc có khả năng đe dọa Hoa Kỳ, hoặc chặn đà tiến thoái của nước Mỹ. Mối nguy Mexico là chuyện lâu dài, ta sẽ nói sau, khi nhìn lại vấn đề di dân từ hướng Nam với con mắt khác...
Nhìn lại lịch sử Hoa Kỳ từ thời lập quốc thì "định mệnh" siêu cường của Mỹ khởi sự từ đầu thế kỷ 19, từ việc Hoa Kỳ mua lại "Cấu địa Louisiana" - Louisiana Purchase - của Pháp vào đời Nã Phá Luân (1803). Nhờ vậy, nước Mỹ thời Jefferson đã mở thêm 23% diện tích lãnh thổ nằm ở giữa quốc gia, một khu vực hơn hai triệu cây số vuông trải rộng trên hơn 10 tiểu bang từ Bắc xuống Nam. Nếu không có vụ mua đất ấy - một dự án "đầu tư địa ốc" có kích thước lịch sử - ta sẽ có hai nước Mỹ ở hai mạn Đông Tây. Ở giữa có một xứ... Tây kéo dài từ Canada xuống Louisiana, như Cộng hoà Hồi quốc Pakistan kẹp Ấn Độ ở giữa rồi tách đôi thành Pakistan và Bangladesh!
Chuyện ấy, sẽ có dịp chúng ta trở lại. Chỉ cần ghi nhớ rằng Đại đế Napoléon đã bán đất Mỹ châu cho nước Mỹ vào thời lập quốc, với giá rất bèo là 15 triệu Mỹ kim, để có lực lượng đối trọng với Hải quân của Đế quốc Anh trong trận đối đầu Anh-Pháp tại Âu Châu!
Từ ngày ấy, mọi nhà tư tưởng có viễn kiến, như Alexis de Tocqueville của Pháp hay Karl Marx của Đức, đều có thể dự đoán sự xuất hiện của một đại cường. Thật ra, nhà xã hội học de Tocqueville còn nhìn sớm và xa hơn nhà tiên tri hắc ám kia về tương lai của nước Mỹ.