Hôm nay,  

Tranh Cử Tổng Thống Năm 2008 Và Nền Dân Chủ Mỹ

11/11/200800:00:00(Xem: 8130)

Tranh Cử Tổng Thống Năm 2008 Và Nền Dân Chủ Mỹ

Trọng Đạt
Cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay 2008 có nhiều sự kiện  đặc biệt chưa từng thấy trong lịch  sử . Đầu năm 2008, trong cuộc tranh cử sơ bộ, đảng  Dân Chủ đưa ra một người phái nữ bà Hillary Clinton và một người lai da đen Thượng nghị sĩ Obama, đảng Cộng Hoà lại đưa ra một ứng cử viên già 72 tuổi Thượng nghị sĩ Mc Cain bang Arizona, đầu tháng 9 ông Mc Cain lại chọn bà Sarah Palin 44 tuổi, Thống đốc tiểu bang Alaska đứng phó cho liên danh Cộng Hoà, tóm lại kỳ tranh cử này có những nhân vật độc đáo như đàn bà, da đen, ông già ở tuối thất thập cổ lai hy…
 Cả hai đảng đều tỏ ra cấp tiến, không phân biệt chủng tộc, nam nữ trong kỳ này. Chúng tôi nhớ vào năm 1960, có học một lớp đêm Anh Văn tại trương Sinh Ngữ  thuộc Viện Đại Học Sài Gòn, cô giáo là  người Mỹ trắng 19 tuổi , tên Armistad, sinh viên. Chúng tôi có hỏi cô về vấn đề kỳ thị da đen tại Mỹ , cô ta giải thích người da đen xưa là nô lệ và cho biết chỉ có một số ít người Mỹ có tinh thần kỳ thị chủng tộc. Trước thập niên 60, nạn kỳ thị chủng tộc tại Mỹ còn quá quắt lắm, báo có đăng chuyện sẩy ra tại trường đại học nọ, một người sinh viên da đen thấy một cô sinh viên da trắng đi ngang qua, anh ấy chỉ mới liếc cô ta và huýt sáo thôi mà đám sinh viên da trắng xúm lại đập chết anh ấy. Người ta cũng đề cập tới một cuốn phim "chống kỳ thị" như sau, tại  bệnh viện nọ, một người da đen hiến máu để cứu một bệnh nhân da trắng nhưng bác sĩ, y tá không chịu chuyền máu và bảo rằng chẳng thà để người bệnh da trắng chết còn hơn là tiếp máu của một người da đen … nhưng từ thập niên 60 trở đi, nạn kỳ thị đã bị luật pháp nghiêm cấm, người da đen được đi bầu, được bình đẳng với người da trắng mọi phương diện và ngày nay đã có sự tiến bộ vượt bực, người Mỹ chấp nhận cho một người da đen ra tranh cử Tổng thống.
 Cuộc tranh cử sơ bộ đảng Dân chủ giữa bà Hillary và Obama rất gay go bắt đầu từ đầu năm  cho tới đầu tháng 6-2008 thì kết thúc, ngày 3 tháng 6 ông Obama hội đủ 2110 phiếu bầu cử tri đoàn để được đảng đề cử làm đại diện. Trong 4 ngày Đại hội đảng Dân chủ (25/8 -29/8) tổ chức tại  Denver Colarado, bà Hillary cũng được ghi vào danh sách đề cử nhưng cuối cùng Obama đã đươc đảng Dân chủ chính thức  cử làm đại diện trong cuộc tranh cử Tổng thống năm nay. Cuộc tranh cử nội bộ đảng Dân chủ năm nay thật là gay cấn, tạo nhiều bất ngờ và chia rẽ giữa những người ủng hộ. Có lẽ đây là kỳ tranh cử nội bộ sôi nổi và kéo dài nhất từ trước tới nay, hai bên tranh giành nhau từng tấc đất trong suốt nửa năm trời.
Trước tháng 1 năm 2008 ông Obama chỉ là một người hoàn toàn vô danh không  ai biết tới nay thắng cử vẻ vang trong cuộc chạy đua sơ bộ tạo nhiều ngạc nhiên cho dư luận. Bà Hillary người đã có nhiều năm kinh nghiệm chính trường, 8 năm đệ nhất phu nhân, 8 năm thượng nghị sĩ, đã chuẩn bị tranh cử 8 năm trời cuối cùng thua một ứng cử viên da đen nghèo, không có tiếng tăm, ký ca ký cóp cho cọp nó xơi!. Ông Obama có trội hơn Hillary về văn bằng, học vấn, năm 1991 đậu tiến sĩ luật tại Harvard, đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ, bà Hillary chỉ là luật sư nhưng đó không phải là vấn đề then chốt. Gia đình Clinton là một trong những gia đình giầu nhất nước Mỹ, từ ngày hết làm tổng thống ông đi du thuyết, tham gia các chương trình Talk show đã thu được nguồn lợi tức lớn hàng trăm triệu, còn ông Obama chỉ là người tự lập,  có một  căn nhà, một chiếc xe, một gia đình, trên không rễ dưới không chằng.
Obama thắng Hillary trong cuộc tranh cử sơ bộ đảng Dân chủ khiến nhiều người kinh ngạc, một người lai đen trắng  nghèo, vô danh, thành phần bình dân… lại thắng vẻ vang một người da trắng nổi tiếng, nhiều kinh nghiệm chính trường, giầu có, thế lực… Có nhiều dư luận ý kiến về vấn đề này, trước hết chúng ta  thấy Đảng Dân chủ đã yểm trợ, cổ võ cho ông Obama hết mình, các chính khách tiếng tăm và thế lực của đảng như hai thượng nghị sĩ Kennedy, John Kerry hoặc thống đốc Bill Richardson của tiểu bang New Mexico đã lên  tiếng ủng hộ Obama, các siêu đại biểu của đảng cũng ủng hộ Obama. Có người cho rằng sở dĩ đảng Dân chủ phải yểm trợ hết mình cho Obama vì muốn ngăn cản không cho ông Bill Clinton, phu quân ứng cử viên Hillary trở lại toà Bạch ốc vì Clinton cũng như Hillary chỉ nghĩ tới quyền lợi của gia đình chứ không nghĩ tới quyền lợi đảng. Có người cho rằng đảng ngăn cản không cho Hillary thắng cử vì họ đã thăm dò dư luận được biết nếu đưa một người đàn bà sẽ không thể thắng được ông John McCain.
Ý kiến cho rằng Obama thắng cử qua đợt sơ bộ là do phiếu bầu của người da đen không đúng vì người da đen chỉ chiếm khoảng 13% dân số trong khi người da trắng chiếm khoảng từ 65% cho tới 70%. Da đen nhiều người không có bằng lái xe thí dụ tại Lousiana, nhiều người can phạm hình sự không có quyền đi bầu, số người da đen pham pháp nhiều gấp sáu lần người da trắng, nói chung họ rất nghèo vì tổng số lợi tức tài sản của họ chỉ được khoảng hơn  0.5% so với toàn quốc, họ cũng không có tiền đóng góp cho quĩ tranh cử. Obama đã quyên góp được khoảng 200 triệu nhiều gấp ba lần quĩ của bà Hillary, ông ta lại được giới trẻ ủng hộ nhiệt tình trong chiến dịch vận động và gây quĩ , tại nhiều tiểu bang Obama chi tiền gấp hai gấp ba Hillary, gần tàn cuộc tranh cử bà đã thiếu tiền và cuối cùng phải nợ 18 triệu.
 Số người ủng hộ Hillary bất mãn với Dân chủ vì cho rằng đảng đã không vô tư công bằng, con yêu con ghét, đã cố tình gạt Hillary ra để đưa Obama lên, đảng đã  làm mất tinh thần dân chủ tự do, tổng cộng có khoảng 18 triệu cử tri bất mãn họ phản đối dữ dội và tuyên bố sẽ dồn phiếu cho Cộng Hoà. Đảng Dân chủ và Obama đã vận động với Hillary để nhờ bà trấn an những người bất mãn để đổi lại ông  sẽ trả cho bà số nợ 18 triệu nhờ đó mà Dân chủ mới thoát cơn chia rẽ nội bộ có lợi cho Cộng Hoà. Như vậy là Obama thắng cử là nhờ sự yểm trợ của người da trắng chứ không phải da đen.
 Cuộc tranh cử sơ bộ Dân chủ quá gay go kéo dài nửa năm nhưng đảng Cộng hoà thì không vậy, ngày 10 tháng 6, 2008 ông McCain đoạt  1,378 phiếu cử tri đoàn, đủ số phiếu cần 1,191 để làm đại diện đảng, các ông Mike Huckabee được 240 phiếu, Mitt Rommey 148 phiếu, Ron Paul 14 phiếu. Cuộc tranh cử nội bộ đảng Cộng Hoà ngắn gọn. Ông McCain 72 tuối, năm 2000 ra tranh cử sơ bộ với ông Bush bị thất bại, đã là phi công bị bắn rơi 1967 tại Hà Nội và bị Bắc Việt cầm tù , được trao trả năm 1973.
Cả hai đảng đã cử xong người đại diện và chuẩn bị tranh cử. Tháng 8 vừa qua, theo thăm dò của truyền thông Obama dẫn hơn McCain từ 5 tới 7 điểm, ông  thắng thế cho rằng đường đi tới toà Bạch ốc đã gần kề. Ngày 23-8 Obama chọn thượng nghị sĩ Biden làm phó Tổng thống.
Đầu tháng 9, McCain chọn bà Sarah Palin, 44 tuổi, Thống đốc tiểu bang Alaska đứng phó. Có lẽ nhờ sự ủng hộ của phụ nữ Mỹ da trắng nên tự  nhiên ông McCain tăng điểm vọt hẳn lên,  đang thua Obama 5 điểm ông chuyển bai thành thắng, theo CNN và Reuter đã cho biết ông hơn Obama 4 điểm (50%, 46%). Có người nói rằng ông Mc Cain đã được chích một liều thuốc cường lực. Các cử tri Cộng Hoà ủng hộ gà nhà hươu tự đắc tuyên bố cơn bão Sarah Palin đã thổi mạnh làm cho các cử tri Cấp tiến quay cuồng. Obama bi quan lo sợ không lật ngược được thế cờ vì ngày bầu cử không còn xa. Nhưng sự lạc quan của Cộng Hoà không được bao lâu, gió lại đổi chiều, thị trường chứng khoán ngày một suy thoái, sang tháng 10 cuộc khủng hoảng tái chánh diễn ra dữ dội như chúng ta đã biết, có ngày Dow jones rớt hơn 800 điểm, liên  tiếp trong vài tuần Dow Jones mất từ 700 tới 500 điểm mỗi ngày, tổng cộng tiêu tan hơn tám ngàn tỉ Mỹ kim.
Obama lợi dụng khủng hoảng tài chánh, các ngân hàng chết dở, thất nghiệp, thị trường địa ốc phá sản… để tấn công McCain, đổ tất cả tội lỗi lên Cộng Hoà, ông đã khôn ngoan buộc chặt McCain vào Bush , cho rằng McCain sẽ đi theo con đường của Bush và sẽ dẫn tới khủng hoảng kinh tế. Obama chuyển bại thành thắng , ông lại lên điểm hơn McCain rõ rệt, theo thăm dò truyền thông càng ngày ông càng bỏ xa phía Cộng Hoà. McCain chống lại chính sách của ông Bush và hứa sẽ cân bằng ngân sách (Balance budget) trong bốn năm nếu đắc cử Tổng thống.  Mặc dù McCain cố gắng tách rời khỏi Bush nhưng cũng không cứu vãn được tình thế. Quĩ tranh cử của Obama  lên tới 650 triệu, hơn cả tổng số tiền quĩ của Bush và Kerry trong cuộc tranh cử năm 2004. McCain thiếu tiền, ông chỉ có 380 triệu nên không thể đương đầu với chiến dịch của Obama tại các tiểu bang, Obama chi tiền nhiều gấp bội  lần McCain. Giới trẻ ủng hộ Obama nhiệt thành, truyền thông báo chí, TV.. suốt ngày cổ võ cho Obama nên càng ngày ông càng bỏ xa McCain.


Khoảng năm ngày trước bầu cử, theo thăm dò Obama hơn McCain 6 điểm về phiếu phổ thông (51% - 44%) nhưng phiếu cử tri đoàn thì vượt McCain rất xa, coi như gấp hai lần (355-155), phiếu cử tri đoàn rất quan trọng vì nó sẽ quyết định thắng bại, Obama đã vượt qua con số đòi hỏi 270 phiếu  trong khi McCain còn thiếu tới 115 phiếu. Từ đó mỗi ngày McCain lên được khoảng 10 điểm cử tri đoàn, cho tới sáng ngày bầu cử ông lên được 194 phiếu còn Obama tụt xuống một ít còn 318 nhưng sự chênh  lệch vẫn còn qua cao. Tối 4 tháng 11, lúc 9 giờ 30 ( giờ Texas) Obama được 207 điểm, McCain được 141 điểm, nhưng nửa giờ sau Obama đã lên được 284 điểm, hội đủ số phiếu đòi hỏi để trở thành Tổng thống, McCain được 145 điểm. Cho tới nay số phiếu của đôi bên được ghi nhận như sau:
Phiếu cử tri đoàn:  Obama được 364  - McCain được 162
Phiếu phổ thông: Obama được 65,293,083 - McCain được 57,525,487.
Ông Obama đã thắng cử McCain với số phiếu áp đảo lại một lần nữa khiến người ta không khỏi ngạc nhiên, chúng tôi xin sơ lược nhận xét của BBC.com nói về lý do tại sao ông đã thắng vẻ vang như thế.
 Obama tổ chức được một chiến dịch thông minh có kỷ luật, với số lượng tài chánh rất lớn, các chiến lược gia trong đảng Cộng Hoà cũng công nhận đây là một chiến dịch vận động vơi một cơ sở chuẩn bị hoàn hảo về mặt kỹ thuật, tiền bạc là then chốt. Ngay từ bầu cử sơ khởi Obama đã phát triển một cơ sở quyên tiền cực kỳ rộng lớn, từ chối nhận tiền của Liên Bang, thu hơn ba triệu người ủng hộ tài chánh và đã quyên góp được 650 triệu , số văn phòng vận động là một đội quân đông đảo nhân viên, người tình nguyện, nhiều gấp 4 lần McCain. Những tiểu bang đứng giữa (swing) trong những tuần vận động cuối chiến dịch tiến vào địa hạt internet, mua cả một không gian  quảng cáo xen các trò chơi Vidéo, vận động vào cả những thành lũy của Cộng Hoà trong khi McCain thiếu tiền.
Chiến dịch vận động lấy phiếu siêu việt, vận động được một đạo quân tình nguyện, ủng hộ đông đảo, vận động đi bỏ phiếu sớm khiến số cử tri bỏ phiếu sớm đông hơn những kỳ trước nhiều. Obama là một người tự lập, một ngôi nhà, một cái xe, một gia đình trong khi ông McCain thuộc giai cấp giầu, có rất nhiều nhà, tài sản. Thông điệp thống nhất của Obama là thay đổi trong khi 9/10 dân chúng Mỹ biết chính phủ đã đi sai đường . Người dân tin Obama giải quyết khủng hoảng kinh tế hơn là McCain, Obama chú trọng tới giới trung lưu, chỉ trích Cộng Hoà làm lợi cho người giầu. Kinh nghiệm chính trường của McCain bị lu mờ, Obama đã đánh trúng tâm lý người dân khao khát đổi mới.
 Trên đây là những ý kiến khách quan của BBC.com nhưng dầu sao chúng ta cũng phải nhìn nhận Obama có số may gặp thời cơ thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Sách Mạnh tử giảng như sau: thí dụ kẻ địch cất quân sang đánh nước ta thì chúng có thiên thời, nước ta có núi non hiểm trở, thành cao lũy sâu là ta có địa lợi nhưng khi địch tới, quân sĩ của ta quăng gươm giáo chạy là ta không có nhân hoà, không được lòng người. Như vậy lòng người là quan trọng nhất, Obama có cả thiên thời địa lợi nhân hoà. Nếu Obama tranh cử năm 2004 chắc chắn ông sẽ thua vì hối ấy đề tài kinh tế không  ăn khách, nay 69% người dân Mỹ chú trọng tới kinh tế nhờ đó ông đã chớp được thời cơ thuận lợi nhất là lúc người dân Mỹ xuống tinh thần kẻ thì  mất nhà, người  mất việc, mất tiền trong trương mục ngân hàng, 401 K thâm thủng… người ta  quá chán Cộng Hoà và họ đã siêu lòng trước những lời hứa hẹn phục hồi kinh tế suy thoái của ông.
 McCain có lợi thế ông là người da trắng, kinh nghiệm chính trường,  được quân đội ủng hộ  nhưng có yếu điểm già yếu, thiếu sức khoẻ trong khi Obama mặc dù là người lai đen trắng nhưng còn trẻ nhanh nhẹn được giới trẻ ủng hộ nhiều. Như chúng ta đã thấy đầu tháng 9 McCain lên điểm nhưng vài tuần sau, khủng hoảng tài chính dữ dội đã chôn vùi những hy vọng cuối cùng của ông cũng như của đảng  Cộng Hoà, nó đã dọn đường cho Obama vào Toà Bạch ốc.
Nay kết quả bầu cử đã được công bố nhưng người dân lại tỏ vẻ buồn bã, mất vui  y như có một nỗi u hoài khó tả bao trùm lên cảnh vật vì cuộc tranh cử dưới mắt họ không được hoàn toàn dân chủ. Truyền thông báo chí đã không giữ đúng vai trò khách quan không thiên kiến của mình, đành rằng người dân chán Cộng Hoà nhưng nếu không có sự cổ võ um sùm của truyền hình, báo chí…thì Obama không thể thắng áp đảo McCain như thế. Như chúng ta đã thấy khoảng hơn 80% truyền thông đã rầm rộ quảng cáo, hỗ trợ cho Obama, trong những ngày vận động cuối cùng, một tờ báo lớn nhất tại Alsaka nói McCain thất bại, ông đang cố gắng tranh đua một cách thảm hại, họ cố tình làm cho tinh thần của phía Cộng Hoà sa sút. Ngoài ra người ta đã cổ động được sự ủng hộ của hàng loạt những người có uy tín, thế lực, tiếng tăm như các thượng nghị sĩ Kennedy, Kerry, nữ hoàng truyền hình Oprah, cựu tướng Colin, các tài tử Holywood… Chiến dịch vận động ủng hộ, cổ võ cho Obama lớn mạnh hơn bao giờ hết.
Ngay trong cuộc tranh cử sơ bộ người ta đã thấy thiếu tinh thần dân chủ, các thượng nghị sĩ, thống đốc Dân chủ… ủng hộ Obama, đảng ủng hộ Obama ép Hillary phải nhường bước, trong khi Obama và Hillary chạy đua nước rút, một vài vị chức sắc, siêu đại biểu Dân chủ lên  tiếng yêu cầu Hillary phải chấp nhận thua cuộc nhường bước cho Obama, nếu như thế thì tổ chức bầu cử làm gì"  đã gọi là tranh cử thì phải để cho các ứng cử viên tự do vận động mới đúng là dân chủ.
Thái độ bất công của đảng Dân chủ đã khiến cho những người ủng hộ Hillary vô cùng bất mãn, ngay những người ngoại cuộc cũng phải khó chịu. Tổng cộng có khoảng 18 triệu cử tri bất mãn, họ nói sẽ dồn phiếu cho Cộng Hoà, nếu bà Hillary làm ngơ hoặc không ủng hộ Obama thì Dân chủ đã bị mất một số phiếu rất lớn không thể thắng Cộng Hoà, nhưng Hillary lại mắc nợ 18 triệu vì thiếu tiền tranh cử và đã phải  chấp nhận ủng hộ Obama để được ông trả dùm cho món nợ ấy.
Trong một trận thử sức giữa hai võ sĩ trên đài, ai võ nghệ cao cường thì người ấy thắng, trọng tài phải thật khách quan nhưng ở đây như chúng ta đã thấy người trọng tài đã từ bỏ vai trò vô tư của mình và xía vô cuộc tranh tài làm mất hết ý nghĩa của trận đấu. Một cuộc đọ sức nào cũng có kẻ thắng người thua, kẻ cười người khóc nhưng nó phải là một cuộc tranh tài hoàn toàn do khả năng sức lực của hai bên không có sự giúp đỡ của người đứng giữa thì trận đấu mới có nhiều ý nghĩa. Trong cuộc tranh cử  chung kết giữa Obama và McCain, nếu đại đa số truyền thông báo chí không cổ võ cho Obama thì ông vẫn có thể đắc cử nhưng với tỉ lệ chênh lệch khiêm nhường hơn vì người ta đang quá chán  Cộng Hoà, nhưng truyền thông báo chí muốn chắc ăn như bắp nên họ đã cổ võ, ủng hộ tối đa  cho gà nhà Obama. Họ ủng hộ lộ liễu quá, nếu nó vừa vừa thì còn coi được, người dân ai cũng thấy cả nên người ta đã bắt đầu nghi ngờ  nền dân chủ Mỹ.
Cuộc tranh cử năm nay không được hoàn toàn dân chủ như những cuộc tranh cử năm 2000 hoặc 2004 trước đây vì có sự đạo diễn lộ liễu của truyền thông báo chí. Sau khi có kết kết quả bầu cử, trắng đen rõ ràng, nhiều người đánh dấu hỏi: một người lai da đen vô danh, nghèo, gốc gác bình dân đã hạ một lúc hai đối thủ sừng sỏ da trắng, giầu có, thế lực , đầy kinh nghiệm chính trường… như vậy hoặc ông ta là một anh hùng tạo thời thế mà lịch sử cận đại thế giới chỉ có Hitler, hoặc phải có những "Ông Kẹ" đứng sau sân khấu điều khiển chương trình. Cũng có ý kiến cho rằng người ta đã dàn cảnh rõ ràng lộ liễu quá để đưa con gà của mình lên.
Hai ngày liên tiếp 5-11 và 6-11 sau khi Obama đắc cử, chứng khoán vẫn xuống rất nhiều, chỉ số Dow Jones mất 500, 400 điểm mỗi ngày như thế chứng tỏ người dân không mấy tin tưởng Obama như truyền thông báo chí đã loan tin ầm ĩ. Khi tranh cử Obama hứa hẹn sẽ thay đổi nước Mỹ sẽ vực dậy nền kinh tế, sẽ giải quyết nạn thất nghiệp, khủng hoảng tài chánh…nhưng trong buổi họp báo tại Chiago sau ngày đắc cử, ông lại tỏ ra e dè nói "tình hình kinh tế rất khó khăn, chúng ta không dễ gì mà bò ra khỏi cái hố sâu mà ta đang bị kẹt" thì  ta mới thấy rằng làm được những gì người ta đã hứa không phải là chuyện dễ.
 Cuộc tranh tranh cử Tổng thống năm nay có thể coi như đã mang lại niềm vinh dự lớn lao cho nước Mỹ, nạn kỳ thị chủng tộc không còn, người Mỹ rất tự hào ở nền dân chủ của họ, một người con lai bình dân, tầm thường đã có cơ hội được bầu lên làm Tổng thống, người dân được tự do lựa chọn người lãnh đạo. Nhưng nay người ta cũng nghi ngờ nền dân chủ Hoa Kỳ vì họ có cảm tưởng như mọi việc đã được sắp đặt sẵn. Họ thắc mắc lá phiếu của người dân có còn giữ vai trò quyết định trong việc chọn lựa nhà lãnh đạo hay không" Hoặc là yếu tố quyết định lại nằm trong sự dàn cảnh vô cùng khoa học, khéo léo, tinh vi… của thế lực siêu quyền ở hậu trường chính trị, và rồi người ta cũng ưu tư thắc mắc: Nền dân chủ  Mỹ sẽ đi về đâu"
Trọng Đạt

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày nay việc sử dụng Internet được xem như là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của đa số chúng ta. Internet là tai mắt và đồng thời cũng là sợi dây liên lạc
Những hoa hồng hôm qua nở đẹp dưới nắng buổi đầu thu, nay đã rụng xuống sân, vẽ thành một khoanh nhỏ
Có lẽ những người dân trong nước cũng như đảng viên của đảng cộng sản rõ hơn ai hết câu truyền miệng "Đi với Trung Quốc thì mất nước
Một năm, không theo trong Phật giáo, thông thường dân gian có ba ngày rằm chính. Đó là: Rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy và Rằm tháng mười.
Kỳ họp 2 của  Quốc hội khoá XII kết thúc ngày 21/11 (2007) sau một tháng làm việc,nhưng xem ra tính bù nhìn vẫn không thay đổi
Đã thành thói quen, tôi thức dậy là mở máy computer, rồi mới đi pha ly cà phê đầu ngày. Khi ngồi vào chỗ thụ hưởng thì công việc đầu tiên là check mail
Anh Hùng Liệt Sĩ, các Anh Thư, các Chiến Sĩ Vô Danh, Hữu Danh và nguyện cho các vị đã quá vãng được siêu sinh, còn các vị hiện tiền được vạn sự cát tường
Kỷ niệm 40 năm thành lập, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN vừa chứng minh rằng tổ chức này vẫn chưa trưởng thành vào tuổi bốn mươi.
Máu chảy ruột mềm! Trong hoàn cảnh của những người lao động VN đình công thiếu thốn
Tại sao lại gọi đó là “cái gọi là Hiến Pháp” " Bởi vì đây không phải là một bản hiến pháp hiểu theo quan niệm phổ quát – một văn kiện pháp lý có gía trị tối ca
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.