Hôm nay,  

Tin Vui Thời Điểm: Trên Sông Mississippi

04/10/200800:00:00(Xem: 7966)

Tìm những niềm vui đời thường.

Người Mỹ sau bằng ấy tiến bộ mới khám phá ra lý do của bệnh phì mỡ rất phổ thông nơi đại đa số là do cái bấm "remote control" quá tiện lợi. Này nhé, chả phải đứng lên đi tới "tốn sức cần lao nhân vị" vặn đài Tivi như xưa, mà cứ nằm dài trên ghế bành, giơ cái bấm lên mà ra lệnh cho các hãng phim vác xác tới hầu hạ mình, nghĩa là muốn xem đài nào cũng được, cả trăm cửa ngõ khác nhau, nhiều khi cứ mở đài rồi nằm lim dim ngủ làm như là đài bây giờ thay cho tiếng sáo diều dật dờ và tiếng gió chiều xì xào ru ta vào cõi mộng... Đài đưa ta tới những con đường với những băng đảng đâm chém bắn nhau chí chạp để gãi thần kinh. Đài dẫn ta vào cả nơi chốn vốn cấm kỵ trong đời thường không bao giờ được phép bước tới. Mà thế giới này đã được xếp đặt tính toán hẳn hòi, mục đích là khiêu khích được ta phải rướn theo cái kiểu lạ này, phải tậu thêm cái sản phẩm mới nhất nọ cho hợp thời... Kết quả là bụng ta cứ phát triển theo bề ngang, rồi sinh trì trệ đủ thứ, tim gan phèo phổi lỏng dần, chân tay mỏi mệt rã rời, mặt mũi phờ phạc trông thấy, chỉ vì ít vận động và chả mấy khi tiếp cận được với thiên nhiên.

THỜI ĐIỂM TÌM LẠI NÉT SINH THÚ

Thành phố New Orleans vẫn khoe có hồ nước nhân tạo nổi tiếng trình bày các loài thủy tộc gọi là Aquarium of the America, với đủ mọi loại cá và cỏ cây dưới nước. Nhìn những đàn cá tung tăng mình thấy phát thèm. Có những loại màu sắc rực rỡ kiêu sa, không hiểu ai đã "vẽ kiểu" và "chế biến" ra được như vậy. Ngay cả một cọng san hô hay một cây rong biển cũng kỳ lạ không kém. Tất cả như đang nhảy múa hết sức thảnh thơi trong một thế giới thần tiên. Không thấy một con cá nào phải đi mỹ viện sửa mắt sửa cằm cho thêm tươi mát hay phải đi bác sĩ thần kinh vì đau buồn mất ăn mất ngủ cả.

Nhà tâm lý Thomas Moore đã chẩn bệnh thật chính xác và cho thấy được chìa khóa "Tìm Lại Nét Sinh Thú Trong Cuộc Sống Thường Ngày" (the Re-enchantment of Everyday Life, HarperPerennial): Mọi niềm sảng khoái bắt đầu từ thiên nhiên. Trời đất vẫn như thường theo nhịp theo điệu, từ nhịp đêm nhịp ngày, nhịp bốn mùa vần chuyển. Mọi vật đều khôn ngoan đủ để hòa vào được nhịp, nên an nhiên thảnh thơi. Người mình trước đây có nhiều lễ hội, ghi mốc những cao điểm của mỗi mùa, như hội Tết Trung Thu thơ mộng với "đồng một lòng chúng ta cố chèo... bập bềnh trên sông bao la..." như mở cho hồn rộng ra chèo tới được bến sông trăng có chị Hằng và chú Cuội đón chào hát hội trăng rằm. Chắc vì vậy mà cuộc sống ít căng thẳng mặc dù nghèo túng.

"Văn minh" thời mới đánh mất vẻ thơ mộng hồn nhiên này rồi, nghĩa là đã tạo ra nhịp riêng cho mình, chả cần ăn uống gì với nhịp trăng sao nào cả. Ông Amstrong đã là người đầu tiên đạp chân xuống mặt Hằng Nga vào năm 1969 làm cho rỗ chằng rỗ chịt chẳng còn một chút thơ nào nữa! Sự kiện này không ngờ mà trở thành như biểu tượng phá đổ nét sinh thú trong cuộc sống thành căn bệnh thời mới. Bởi vì con người đánh mất đi niềm kinh ngạc đơn sơ hồn nhiên khi đến với thiên nhiên bằng con mắt soi mói, phân tích, xếp loại, chứ không hòa nhập vào được dòng sức sống đang chuyển vần!

Nhà văn Mark Twain nổi tiếng với những diễn tả như vậy trong "Cuộc Sống Trên Sông Mississippi".  Ông làm nghề lái tầu trên sông nên thích đọc sách bằng chính dòng sông này. Mặt nước như một cuốn sách, không phải để đọc một lần rồi quẳng ra bên cạnh, nhưng luôn gợi lên những câu chuyện mới mỗi ngày. Dọc theo suốt dòng sông một ngàn hai trăm dặm, không một trang nào mà không đầy vẻ hào hứng, không một trang nào bỏ sót không đọc mà bạn không thấy mất mát, như  bạn không thể tìm được một điều gì thích thú hơn. Không một cuốn sách nào do con người viết ra có thể tuyệt diệu bằng. Người có mắt kinh ngạc thì thấy được những xoáy nước như những lúm đồng tiền trên má bé gái xinh xinh. Trái lại những người chuyên nghiệp như mấy tên lái tàu thì chỉ thấy dấu hiệu của xoáy nước ngầm nguy hiểm, đánh mất đi chất sinh thú hồn nhiên. Mark Twain đã sực nhận ra mình đánh mất vẻ đẹp thơ mộng của cuộc sống trên sông lúc nào không biết, "Kể từ đó, tôi thấy thật lòng thương hại những tay bác sĩ. Nét ửng hồng duyên dáng trên gò má của một người đẹp biết đâu đối với bác sĩ lại chỉ là dấu hiệu báo một chứng bệnh trầm kha... Con mắt nghề nghiệp đã lấy đi hoàn toàn vẻ đẹp thơ mộng..."
TIN VUI GỬI NGƯỜI BỊ BỆNH CHÁN NẢN

Đánh mất niềm kinh ngạc trong cuộc sống là căn nguyên của bệnh buồn nản. Công việc nhàm chán với những động tác như một cái máy, cảnh vật thì bị thu gọn lại trong bốn bức tường, không còn nối kết với thiên nhiên, không còn ý thức được nhịp chuyển vần của thời gian, khiến cho ngày nào cũng như ngày nào, một ngày như mọi ngày... chả còn gì hứng thú cả. Giá trị đời sống được đo với số lợi tức gia tăng mà không còn giờ hưởng thú an nhàn. Con người càng ngày càng bận rộn hơn chạy theo những thị hiếu mới, nhu cầu mới, quên cả những cái đang có mặc dù trước đây đã bao ngày mơ ước. Chẳng hạn như cái xe đang chạy, mấy năm trước còn mong mỏi tính toán sao mua cho bằng được, vậy mà bây giờ mỗi ngày vẫn ngồi lái xe mà chẳng còn một mảy may để ý; có thể lại đi thèm khát chiếc xe của người khác!

Để diễn tả đất trời như một thửa vườn hạnh phúc vẫn được trao ban làm quà tặng cho con người được sống sung mãn, Chúa Giêsu đã so sánh như "một gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn ông rào giậu; trong vườn ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh." (Mt 21:33). Tất cả đều nói lên lòng ưu ái và chu đáo của Chúa đối với con người. Và nhất là đã sai chính con của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến để chia sẻ ngay cả thân phận làm người như mọi người với mọi người. Vậy mà nhiều người lại phá bỏ tình thương đó. Kinh Thánh nói "ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho..." (Mt 21:41), thực ra thì những người này tự hủy diệt, tự tách lìa khỏi dòng sống, làm ô nhiễm môi sinh, làm ứ đọng ủng thối chính mình. Các chứng căng thẳng, buồn nản mất hứng thú, đều là căn bệnh của thời đại, vì đánh mất niềm sinh thú giản đơn đã được trao ban sẵn sàng trong thửa vườn vũ trụ.

PHÚT TRỞ LẠI VƯỜN ĐỊA ĐÀNG

Nhiều lần đứng trên bờ sông Mississippi, tôi cũng tập đọc câu chuyện dòng sông đang thủ thỉ tâm sự như Mark Twain gợi hứng thành câu chuyện của chính đời mình. Mọi ứ đọng tự nhiên được khai thông cho chảy tới thênh thang. Thì cuộc sống cũng như một dòng sông thôi, càng cố ghì giữ lại thì càng phát sinh căng thẳng và thất vọng. Hòa mình vào dòng nước bao la kia, tự nhiên bao vun quén tích trữ bỗng thành chuyện nhỏ nhoi. Những buồn lo cay đắng cũng như những bọt bèo trôi nổi mênh mang trên mặt nước. Rồi cũng qua đi, sao mình lại trao cho nó uy lực chế ngự đời mình được"!

Mọi tạo vật từ con chim, con cá, bông huệ, đều nhởn nhơ tươi tắn, sao chỉ có con người là nhăn nhó sầu khổ thôi" Chắc phải có cái gì sai trệch trầm trọng từ căn bản. Đứng trên đỉnh tuyết sơn Glacier Point của Yosemite hay trên núi Pecos cuối rặng Rocky Mountains, mình nhìn xuống mãi mới nhận ra được những chiếc xe, mọi khi có uy thế mà sao bây giờ nhỏ li ti đang bò lệt bệt dưới kia một cách tội nghiệp" Thì ra giá trị đời sống đang chuyển chiều kích. Bầu trời kia, núi rừng kia, đàn chim bay kia là của mình chứ còn của ai. Đúng là thửa vườn vũ trụ rồi, cũng vẫn là vườn địa đàng thuở ban đầu mà con người tự đuổi mình ra ngoài, đi ao ước những gì đâu đâu. Hòa nhập vào bầu trời bao la, hòa nhập vào sa mạc rộng mở, hòa nhập vào núi rừng bát ngát, con người tự nhiên thấy lớn lên, vượt ra khỏi được cái bị thịt xác thân tù túng hẹp hòi với những vun quén mọi khi mà trở lại được vào vườn địa đàng.

Của Trời ban thì luôn sẵn đó. Thửa vườn đầy sinh thú đang bày biện ngay trước mặt đây, rất hồn nhiên. Tôi có biết đón nhận mà hưởng được niềm vui, hay vẫn còn mải miết chạy tìm theo những ảo vọng"

Và tôi nghe vẳng lên đâu đây bài hát thật dễ thương của Đức Huy, diễn tả niềm vui gần kề và đơn giản, biết đón nhận yêu thương trọn vẹn cuộc đời. Niềm hứng thú bật lên từ khóe mắt kinh ngạc đốn ngộ được vẻ trân quí luôn luôn mới mẻ từ những gì xem ra tầm thường nhất.

Tôi yêu xem một cuốn truyện hay

Tiếng chim hót đầu ngày và yêu biển vắng.

Tôi yêu ly cà phê buổi sáng, con đường ngập lá vàng.

Tôi yêu hương vị Tết ngày xưa

Mái tranh dưới hàng dừa và yêu trẻ thơ.

Bữa cơm canh cà và điếu thuốc

Giấc ngủ không mộng mị...

Tôi yêu đi bộ dưới hàng cây

Đấu vui với bạn bè và ly rượu ngon.

Tôi yêu trong nhà nhiều cây lá, tôi yêu những người già.

Tôi yêu những gì đến tự nhiên,

những câu nói thành thật và yêu ngày nắng.

Tôi yêu mặc jeans và áo trắng. Yêu trăng sáng ngày rằm...

Lm. Trần Cao Tường

Từ tác phẩm "Khúc Sáo Ân Tình", Thời Điểm xuất bản.

Mời vào Mạng Lưới Dũng Lạc www.dunglac.org

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tính cho đến nay con số người Việt sống bên ngoài lãnh thổ VN khoảng 4,2 triệu người, 3,2 triệu người đang sống tại Mỹ và Châu Âu và Úc châu
Có lẽ phải xin lỗi em vì tôi chưa đọc hết "Tuyển tập Trần Khải Thanh Thủy" dầy gần 400 trang này. Có lẽ tôi sẽ không đọc tiếp nữa, hoặc nếu đọc
Từ một năm nay, ông Nguyễn Minh Triết và ông Nguyễn Tấn Dũng tạo nên hy vọng cho không ít bà con ta trong và ngoài nước.
Chủ Nhật vừa qua, Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương, gọi tắt là APEC, đã kết thúc tại Sydney của Australia
Vụ án Lê Phước Tuấn đả thương ông Nguyễn Quốc Huy, phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ CHXHCN Việt Nam
Đọc bài báo có tựa đề "Câu kết trong ngoài và mưu đồ chính trị nham hiểm" trên báo Quân Đội Nhân Dân, người đọc có hiểu biết một chút
Hồ Chí Minh lại đưa ra một quan điểm trái ngược: “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.”
Chủ quan là nhìn một chiều theo cái muốn của cái tôi. Cái tôi nghĩ như vầy, muốn như vầy, và điều gì ngược lại hay giống như cái tôi nghĩ, cái tôi muốn, thì tạo ra rối loạn tâm tư, tạo sự bực mình hay buồn bã
Đó là ý chí quật khởi, không xu hướng mà phải “chủ hướng.” Tức không buông xuôi theo dòng thời gian mà phải nắm bắt và chủ trì thời gian. Không thụ động không bất động, mà phải hành động tiến bước
Quốc trưởng của một quốc gia được quốc trưởng của một quốc gia khác mời tới thăm viếng quốc gia bạn thì chuyến công du này
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.