Hôm nay,  

Kế Hoạch Cấp Cứu Tài Chánh

29/09/200800:00:00(Xem: 12128)

...Tới 55% dân Mỹ phản đối kế hoạch vì nghĩ là nhà nước lấy 700 tỷ tiền thuế của dân chuộc nợ cho bọn tài phiệt...

Rạng sáng nay, 28/09/2008, chủ tịch Hạ viện cho biết các nghị sĩ đã chấp thuận những nội dung chính của kế hoạch cứu nguy hệ thống tài chính. Mục tiêu của chính quyền Hoa Kỳ là kế hoạch này phải được thông qua trước khi các thị trường tài chính và chứng khoán mở cửa vào ngày mai, 29/09/2008. Từ California, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích vấn đề qua cuộc phỏng vấn sau đây của Đức Tâm đài RFI.

1/ Thưa anh, diễn tiến cuộc tranh luận tại Quốc hội về Kế hoạch cứu nguy tài chánh là thế nào" Bao giờ có triển vọng thông qua"

Hình như Bismark có nói đại khái rằng thủ tục làm luật là cái gì đó cũng như làm xúc xích. Tức là rất bẩn mà ta không nên ngó vào. Tổng thống Bush cũng nói không khác khi ông tuyên bố tối Thứ Tư 24, rằng tranh luận lưỡng đảng tại Quốc hội để làm luật cứu trợ là cái gì đó không đẹp! Cuộc tranh luận kéo dài chín ngày đằng đẵng, và Lập pháp và Hành pháp Mỹ đạt thỏa thuận đêm Thứ Bảy rạng ngày Chủ Nhật 28. Kết quả là Thứ Hai này, Hoa Kỳ sẽ có kế hoạch cứu nguy tài chính cho một cuộc khủng hoảng nguy ngập nhất từ nhiều thập niên vừa qua.

2/ Anh có thể kể lại cuộc tranh luận đó như thế nào không, vì sao lại tranh luận về một kế hoạch quá cấp bách như vậy"

Như trong vụ Iraq, Chính quyền Bush phạm sai lầm lớn là không thông tin rõ ràng cho một quần chúng đang hốt hoảng vì sự sụp đổ hàng loạt các ngân hàng đầu tư của Mỹ. Kế hoạch cứu nguy tài chánh được thảo luận cả tuần giữa Tổng trưởng Ngân khố, Thống đốc Ngân hàng và hai vị dân cử bên Quốc hội, đều thuộc đảng Dân chủ là Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện và Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện. Cuối tuần trước, Hành pháp đưa qua Quốc hội một đề nghị gồm ba trang giấy trong đó có khoản chính được công bố ra ngoài là Chính quyền sẽ dùng 700 tỷ Mỹ kim để cấp cứu hệ thống tài chính ngân hàng đang bị ách tắc tín dụng và nguy cơ đổ giàn.

Sai lầm của ông Bush và bộ Ngân khố là không cho nhân viên rộng rãi giải thích nội dung đích thực của việc cấp cứu, và nhất là mục tiêu sử dụng ngân khoản khổng lồ là 700 tỷ Mỹ kim, có lẽ vì cứ tưởng rằng có sự hợp tác bên Dân Chủ là xong. Yếu tố chính không được nói tới là qua kế hoạch ấy, dân thọ thuế của Mỹ sẽ làm chủ một tài khoản 700 tỷ mua vào rất rẻ, ít ra là 20% thực giá qua thủ tục đấu giá hạ, tức là hạ nhất thì mua, và sau này sẽ bán lại các khoản nợ đó với giá cao hơn. Tiền thu vào vẫn nằm trong công quỹ và có khi sẽ giảm bớt số bội chi ngân sách.

Đã vậy, đảng Dân Chủ chủ quan đánh giá sai tình hình sau khi nghĩ là mình nắm Hành pháp của Bush làm con tin nên khi lãnh đạo Ngân hàng Trung ương và các cơ quan hữu trách ra điều trần trước Quốc hội và ống kính truyền thông vào sáng Thứ Hai 22, các đại diện dân cử bèn chất vấn họ và còn muốn nhồi vào kế hoạch một số điều kiện ăn khách cho các đại diện dân cử này, thí dụ như cứu trợ những người không có tiêu chuẩn mua nhà nên có thể mất nhà hay đặt ra mức lương tối đa cho các doanh gia tài chính được cấp cứu vì họ có lương bổng quá cao.

Trong khi ấy, bên đảng Cộng Hoà có cảm giác như bị gạt ra ngoài và gặp áp lực mạnh của cử tri. Tới 55% dân Mỹ phản đối kế hoạch vì nghĩ là nhà nước lấy 700 tỷ tiền thuế của dân chuộc nợ cho bọn tài phiệt bất cẩn hay bất lương ở Wall Street. Mà dù có đủ đa số tại Quốc hội, đảng Dân Chủ vẫn không dám đơn phương phê chuẩn kế hoạch vì sợ rằng khi trở về đơn vị tranh cử trong cuộc bầu cử vào năm tuần tới, họ sẽ bị cử tri phản đối, có khi thất cử. Vì vậy, họ cần sự ủng hộ đông đảo ít ra trăm Dân biểu Cộng Hoà để thủ thân, rằng đây là một kế hoạch lưỡng đảng. Các Dân biểu Nghị sĩ Cộng Hoà bèn nhân đó đòi thêm một số điều kiện mới trong khi đảng Dân Chủ cứ cố trấn an thị trường và công chúng rằng mọi việc sẽ sớm hoàn tất.

Khi mọi việc giằng giai như vậy bên Quốc hội, tối Thứ Tư 24 Tổng thống Bush phải lên truyền hình kêu gọi và mời lãnh đạo của cả hai đảng trong Quốc hội cùng họp với mình vào tối Thứ Năm để hoà giải cho một kế hoạch cấp bách. Mâu thuẫn bùng nổ ngay trong phiên họp và bên Cộng Hoà bỏ phòng họp ra về. Đây là ta chưa nói đến "hiệu ứng McCain" và cuộc tranh cử Tổng thống khi Nghị sĩ McCain tạm ngưng tranh cử để tìm giải pháp cho kế hoạch cứu nguy tài chính.

Qua Thứ Sáu, đôi bên cử đại diện họp lại tại Quốc hội mà không kết quả dù phe Dân Chủ tiết lộ ra ngoài là sắp đạt sự đồng thuận lưỡng đảng và bi bên Cộng Hoà phủ nhận. Phiên họp kéo dài đến 3 giờ sáng Thứ Sáu mà chưa xong. Qua Thứ Bảy, đôi bên họp tiếp với sự tham dự của Tổng trưởng Ngân Khố và bên Dân Chủ tung chín người vào tranh luận với hai người bên Cộng Hoà.

Tin sau cùng, Lãnh đạo Lưỡng viện Quốc hội thuộc cả hai đảng và Tổng trưởng Ngân khố rũ liệt mà tươi cười thông báo nửa đêm Thứ Bảy rạng Chủ Nhật tại thủ đô rằng đôi bên đã đạt đồng ý nguyên tắc và đang viết văn bản chi tiết. Người ta hy vọng kế hoạch sẽ được Hạ viện biểu quyết trong ngày Chủ Nhật và Thượng viện thông qua ngày Thứ Hai này.

Kết luận là không ai dám chặn đoàn xe cứu hoả nhưng ai cũng muốn chất lên đó vài ưu tiên cấp cứu của mình nên xe chữa lửa đã bị tê liệt mất một tuần, rồi mới bắt đầu lăn bánh!

3/ Những vấn đề gây tranh cãi là gì"

Nói chung, lập trường bên Dân Chủ là tăng cường sự can thiệp của chính quyền vào thị trường. Như phải giám sát việc bộ Ngân khố mua lại các khoản nợ đáng ngờ, hạn chế mức lương và bổng của doanh gia trong các cơ sở được cứu, có một chương trình giúp dân chúng khỏi bị tịch biên mất nhà và bổ nhiệm thẩm phán định giá các khoản tín dụng gia cư. 

Bên Cộng Hoà cho là khủng hoảng bùng nổ không vì thiếu luật mà là luật lệ không thích hợp và không được chính quyền thi hành nghiêm túc do sự toa rập giữa chính trường và thị trường, chủ yếu là giới tài phiệt tại Wall Street. Khi hữu sự thì lại lấy tiền thuế của dân để cứu Wall Street. Vì vậy, mục tiêu kế hoạch phải là ổn định thị trường nhưng bảo vệ quyền lợi dân chúng.

Họ đòi hỏi điều kiện tiên quyết trong kế hoạch là thiết lập một loại quỹ bảo lãnh các loại chứng khoán có tài sản cầm thế như nhà cửa, để chính người dân sẽ yên tâm mua lại khoản nợ ấy như một cách đầu tư nếu quả thật là tài sản sẽ có lời sau này. Một điều kiện khác là nếu công quỹ có lời thì tiền lời đó sẽ dùng để giảm bớt bội chi ngân sách thay vì lại bị tiêu phí trong các khoản tăng chi.

Kết quả dung hoà có thể là ngân khoản 700 tỷ sẽ được giải ngân từng phần tùy tiến độ công tác có giám sát chặt chẽ, kèm một số điều kiện thuế khoá để bảo vệ người thọ thuế. Nội dung chi tiết của toàn bộ kế hoạch có thể được thông báo Chủ Nhật, giờ miền Đông Hoa Kỳ và các cổ phiếu tài chính đang la đà trên mặt đất có thể bung lên như pháo bông!

4/ Sau vụ quỹ tiết kiệm Washington Mutual vỡ nợ tuần qua, liệu vụ khủng hoảng và kế hoạch cấp cứu này có dẫn tới những thay đổi về luật lệ tài chính và ngân hàng hay không" Thị trường có thể tự điều chỉnh những bất toàn của nó hay chính quyền phải can thiệp mạnh hơn"

Ta đang có một đám cháy lan rộng trên thị trường tài chính Hoa Kỳ với hậu quả đang tràn qua xứ khác. Sau chín ngày cãi cọ, đội lính cứu hoả tài chính Mỹ bắt đầu đồng ý việc tưới nước dập lửa. Còn lại, kiến trúc của toà nhà bị cháy có dễ gây hoả hoạn không và nếu phải xây lại thì sẽ xây ra sao, với chế độ thanh tra kiểm soát thế nào, những vấn đề ấy vẫn còn quá sớm cho các nhà làm luật tại Mỹ. Trước mắt, họ phải trở lại địa phương tranh cử và sẽ nghe dân chúng chửi rủa than phiền thế nào về nạn hỏa hoạn đó. Chúng ta sẽ còn cơ hội trở lại vấn đề này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Muốn thấy thật phải buông bỏ, trút bỏ hết những ý muốn, vọng tưởng, mơ tưởng. Bỏ hết những gì mình muốn làm cho chính mình.
Đánh dấu sáu năm vụ khủng bố 9-11, hệ thống truyền thông As-Sahab của mạng lưới khủng bố al-Qaeda đã tung ra hai băng hình của trùm khủng bố Osama bin Laden.
Trong lịch sử Hoa Kỳ, Tổng thống George W. Bush đạt một thành tích hiếm có, là đụng đáy ở tỷ lệ ủng hộ 22%. Nay tỷ lệ này đã nhích lên một chút
Để vận động 192 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu bầu Cộng sản Việt Nam trở thành 1 trong 10 thành viên không thường trực
Vào giữa Tháng Tám vừa rồi nhà văn Bích Huyền có trao cho tôi cuốn sách với nhan đề ngồ ngộ "Viết Từ Hang Đá, nhỏ lệ cùng dân"
Bôi, xoá lịch sử hay bịa ra chuyện  để có lợi cho mình không phải là việc làm bất bình thường  của người Cộng sản Việt Nam,
Nhân dịp ông đến Hoa kỳ để họp Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tôi viết thư này gởi đến ông với tất cả sự chân thành của một công dân Việt Nam
...Những nước không có tự do dân chủ, sự lạm dụng và sai lầm sẽ trầm trọng gấp trăm ngàn lần Mỹ, vì bưng bít và không có cơ hội tự điều chỉnh...
Biến cố quan trọng nhất là Khối 8406 đã được thành lập ngày 8/4/2006, liên kết các cá nhân tranh đấu riêng lẻ thành một lực lượng đông đảo đầy khí thế.
Tu chánh án mang tên của Thượng Nghị Sĩ John McCain và Dân Biểu Tom Davis đã được Thượng Viện Hoa-Kỳ chấp thuận gia hạn thêm hai năm (2008 - 2009).
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.