Hôm nay,  

Thế Vận Tại Thiên Quốc

06/09/200800:00:00(Xem: 9686)
Mối hận thù lịch sử:

Người Trung Hoa khi chưa nhìn ra thế giới bên ngoài luôn luôn nghĩ mình là con Trời, nước Tàu là Thiên quốc. Vĩ đại nhất, văn minh nhất. Chung quanh chỉ toàn là chư hầu.

Một đôi khi rợ Hồ, quân phiến loạn Hung Nô từ biên giới tràn qua hay cả dân du mục Mông cổ chinh phục toàn quốc thì sau cùng dân Đại Hán cũng thống lĩnh sơn hà. Dù là Quốc hay Cộng, Trung Hoa cũng vẫn là Trung Hoa.

Vào đầu thế kỷ thứ 20 lịch sử đã thay đổi. Pháp chiếm Việt Nam là một sỉ nhục cho triều đình Trung Quốc. Thiên Quốc không cứu được chư hầu. Sau đó tám nước Tây phương tiến vào sâu xé nước Tàu. Thậm chí Nhật Bản với thuyết đại Đông Á chống Tây phương cũng chà đạp cả nước Trung Hoa vĩ đại. Cho đến thời Mao Trạch Đông cầm quyền xua quân thử lửa ngang ngửa với nước Mỹ và Liên quân tại Triều Tiên, niềm hãnh diện dân tộc được vuốt ve những vẫn chưa nguôi hậm hực.

Bước vào thế kỷ thứ 21, Trung quốc tổ chức Thế vận quốc tế treo cao 5 vòng cầu, mầu sắc rực rỡ với những con số 8 nhiệm mầu. Phen này Bắc Kinh quyết tâm đốt pháo bông rầm trời để rửa mối nhục lịch sử thầm kín của khối người vĩ đại nhất thế giới. Một tỷ và 300 triệu người Tàu. Suốt từ cuối thế kỷ thứ 20, cứ 4 năm một lần Trung Hoa đỏ đưa Thủ đô Bắc Kinh ra dự thi tuyển để nhận tổ chức thế vận hội. Sau 3 lần thất bại, cuối cùng cộng đồng thể thao quốc tế có chút e ngại con rồng đỏ nổi giận nên đã bỏ phiếu thuận cho năm 2008.

Sự chuẩn bị vĩ đại:

Ngay khi có tin mừng, nước Tàu dốc toàn lực vào việc xây dựng suốt 7 năm dài. Đem hết tài nguyên quốc gia vào một cuộc chơi chính trị qua những màn trình diễn thể thao. Con số chính thức dù đã công bố nhưng thực sự nước Tàu đã tốn kém lên đến 50 tỷ Mỹ kim. Xử dụng toàn bộ tinh hoa kiến thức của thế giới từ ngành kiến trúc, khoa học, điện tử cộng với sức người đông đảo, kỷ luật và sự bền bỉ vô song. Mọi nỗ lực dành hết cho giờ phút linh thiêng vào ngày 8 tháng 8 và giây thứ 8 của năm 2008 khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh. Những con số cũng đủ làm thế giới choáng váng. Vận động trường Tổ Chim với 91 ngàn chổ ngồi kín hết. 15 ngàn vũ công thay phiên trình diễn mở màn chào đón 13,650 vận động viên của 204 nước tham dự.

Để đạt đươc sự kết hợp toàn hảo và vĩ đại, cả nước Tàu đã được vận động đứng sau Bắc Kinh. Thế vận hội Hy Lạp 2004 tại Nhã Điển vừa kết thúc là Bắc kinh nổi lửa.

Từ năm 2005 một chương trình giáo dục đặc biệt về Olympic mở ra trên toàn lục địa. Vận động 400 triệu thanh thiếu nữ từ Tiểu học, Trung học đến Đại học. Sau cùng tuyển chọn được 230 triệu sinh viên, học sinh học tập về Thế vận. Tổng cộng 400 ngàn trường được ghi danh vào tuyển lựa để chọn ra 556 trường kiểu mẫu.

Đó là tất cả các tương lai của nước Tàu tham dự Thế vận hội. Từ đó chọn ra tinh hoa cho các bộ môn, lấy người để thi, để trình diễn và đứng vỗ tay đón chào thế giới.

Cả nước cùng với Bắc Kinh tập cười, tập ăn, tập nói, tập làm người văn minh.

Khi 13,650 vận động viên quốc tế vào làng Thế vận đã có hàng ngàn sinh viên trẻ thanh tú được tuyển lựa để chào đón từ phi trường, dọc đường cho đến bên trong làng Thế vận.

Các tay vận động viên Phi Châu trong giấc ngủ vẫn còn thấy toàn là những nụ cười của các thiếu nữ Trung Hoa thánh thiện, áo trắng tinh khiết như người đến từ cõi Thiên Thai.

Trước giờ khai mạc:

Một tuần lễ trước giờ khai mạc, trung đoàn Pháo của Hồng quân được điều động về Thủ đô chuẩn bị bắn thăng thiên để xua đuổi những đám mây bị nghi ngờ là tích tụ nước mưa sẽ phá hoại lễ hội. Toàn bộ khu vực chung quanh khu vận động trường Tổ Chim đều bị phong tỏa. Xe cộ cấm lưu thông. Các nhà máy đóng cửa. Các cuộc biểu tình bị dập tắt. Khu vực nào cũng là khu cấm địa dành cho trận địa pháo. Pháo đây là pháo bông.

Trước đó cả tháng, các tiệm ăn đã chuẩn bị món vịt quay Bắc Kinh truyền thống cho du khách.Vịt Bắc Kinh là thực đơn ra đời từ năm 1416 tức là có 1600 năm lịch sử. Tuy nhiên vịt Bắc Kinh Thế vận 2008 thay vì chỉ quay 45 phút như ngày xưa, bây giờ phải quay âm ỉ đủ 1 giờ 10 phút, bằng than củi, ít dầu để cho da thật ròn và thịt phải thật mềm.

Ngoại giao Thiên quốc rửa mặt nước Tàu:

Truyền hình Trung Quốc mở ra cho 840 triệu người coi tức là hơn 1 phân nửa dân Trung Hoa. Tổng cộng có 61 Quốc vương, Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch nước của các đại cường và quốc gia đến dự Thế Vận Hội. Không một vị nào được Chủ tịch nước Tàu ra nghênh đón tại phi trường. Hầu hết dành cho các viên chức ngoại giao tùy nghi thù tiếp.

Đến giờ khai mạc, trên hàng ghế danh dự thảm đỏ, nền đỏ và khăn bàn đỏ hạng nhất, chỉ có Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và vị Chủ tịch Thế Vận Hội khép nép đi bên cạnh gọi là cho đủ lễ. Khi thượng cấp an vị thì các vị thống lĩnh các nước mới lục tục được dẫn vào ngồi ghế hạng nhì, hết sức bình dân, cứ như là công dân Trung quốc. Không phàn nàn. Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy.Tổng thống Mỹ được ngồi hàng ghế bìa, đệ nhất phu nhân ngồi bên cạnh, cầm cây quạt tay, phành phạch quạt lấy quạt để. Tổng thống Pháp, mất cả tháng lèm bèm chửi Tàu về vụ đàn áp Tây Tạng, sau cùng lại cũng đi dự. Bị xếp ngồi vào một góc, xem ra cũng không vừa ý, tiếp tục hậm hực. Thủ tướng Putin của Nga đứng ngồi không yên, vừa dự khán vừa rỉ tai phụ tá để ra lệnh cho binh đội tiến vào đánh vào xứ Georgia, vốn là chư hầu cũ của Liên bang nay nổi loạn.

Văn nghệ Thiên quốc:

Đây là một cơ hội bằng vàng để nước Tàu cầm chân 60 vị nguyên thủ quốc gia tại chỗ, cùng với 100 ngàn khán giả trong tổ chim cộng với 3 tỷ người qua TV. Tất cả phải ngồi xem người đạo diễn Tàu tên là Trương Nghệ Mưu giới thiệu sử Trung Hoa 5000 năm văn hiến nay lột xác vươn vai đứng dậy.

Màn ảnh chạy vòng quanh vòm trời ngay trên đầu khán giả. Ngồi phía này coi phía bên kia. Dưới đáy sân vận động 15 ngàn người luân phiên trình diễn. Gần 100 ngàn người vừa là khán giả vừa là người chiếu đèn lấp lánh làm thành giải ngân hà rực rỡ liên tu bất tận. Những hoạt cảnh nổi tiếng phô diễn bằng ánh sáng, âm thanh khi trang sử Tàu mở ra, đóng lại, rồi bay lên cùng những trái cầu. Những màn thể dục đồng diễn biển người với tinh thần kỷ luật sắt thép bao năm tháng tập dợt của tuổi trẻ. Hầu hết khán giả từ sân vận động cho đến màn ảnh TV đều bị giao động qua hình ảnh vĩ đại của Trung Hoa biểu diễn sức mạnh của tập thể.

Tuy nhiên, cũng có người nhìn thấy phía sau những nhịp điệu đồng đều và vĩ đại là một bộ máy độc tài tinh vi chặt chẽ được trang bị bằng một tinh thần tự tôn dân tộc hết sức ngoạn mục.

Những ưu điểm nhân bản:

Trong những màn biểu diễn ngoạn mục của lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh, từ việc sắp xếp chỗ ngồi chào đón quan khách và các vận động viên, tất cả đều đã được tính toán để biểu dương lòng tự tôn dân tộc và đầy kịch tính chính trị. Tuy nhiên, cũng vẫn có được những nét đẹp. Đó là hình ảnh gần 80 em nhỏ mặc y phục của các sắc dân Trung Hoa, cùng rước cờ Thế Vận. Mặc khác, màn ảnh chiếu hình ảnh nụ cười của trẻ em trên toàn thế giới cũng là điểm son của cuộc trình diễn. Những hình ảnh đó chính là ưu điểm nhân bản của buổi lễ, hoàn toàn không tốn kém lại chính là niềm vui và hy vọng của người lớn. Còn các trò ảo thuật, dù tạo được ảo giác vĩ đại thì sau cùng vẫn là các trò trẻ con.

Một chút lịch sử

Nói về khả năng sinh tồn phát triển của nhân loại trên phương diện thi đua thể thao thì lịch sử đã ghi được từ năm 776 trước Thiên Chúa tức là cách đây 2,780 năm.

Cũng tại Hy Lạp, ở thị trấn gọi là Olympia nhân loại đã tổ chức thế vận hội đầu tiên và một tay đua ở ngoại ô thành Nhã Điển (Athens) chạy đến tụt quần để trở thành truyền thống cho các thể thao gia thời đó thi đấu toàn nam giới không mặc quần áo.

Những hình vẽ trên cổ vật nhìn thấy còn lưu lại chứng tích thế vận thời xa xưa.  Sở dĩ tại Hy Lạp là nơi mở đầu cho thế vận vì đất nước này đã có một nền văn minh tối cổ rất sung mãn.  Đó là quê hương của triết gia Socrates mà chúng ta đã học ở trung học về thời gian từ 469 đến 399 trước Thiên Chúa.  Cũng vào thời kỳ này, nền kiến trúc Hy Lạp đã xây dựng đền thánh Parthenon vẫn còn chiếu làm nền cho các phim thế vận hiện nay.  Ngôi đền lộng lẫy 7 cột đứng xừng xững bên bờ thành đã được xây cách đây 2,500 năm.

Sau đó, phải đến năm 1892 mới có ủy ban thành lập để phục hồi tổ chức thế vận.  Năm 1894 ủy ban chính thức ra đời đề nghị thế vận của thời đại mới kỳ thứ nhất tổ chức tại Hy Lạp năm 1896 với 241 lực sĩ tranh tài và không có phụ nữ. 

Tại Hy Lạp kỳ 28 vào năm 2004 có gần một nửa thể thao gia tham dự là phụ nữ.  Trải qua bao nhiêu là dâu bể, những tiền nhân của thế vận hội 3000 năm trước đã mờ nhạt với thời gian.  Và ngay cả ủy ban thế vận của niên đại mới cũng đã ra đi hơn 100 năm có lẻ.  Nhưng nhân loại ngày nay vẫn còn học được bài học đẹp đẽ của tổ tiên loài người để lại.Thế vận hội trải qua 28 kỳ với thành tích hơn 100 năm đã trở thành truyền thống vô cùng tốt đẹp của nhân loại. Bắt đầu từ năm 1896, tại thành phố Athens (Nhã Điển) thuộc Hy Lạp, rồi đến Paris thuộc Pháp, cứ như vậy 4 năm thế giới tổ chức một lần trải qua 4 lục địa và 17 quốc gia.  Thấm thoát đã 108 năm và lần thứ 28 trở lại Hy Lạp vào tháng 8-2004.  Dân Hy Lạp gọi là "Thế Vận Trở Về Mái Nhà Xưa."  Năm nay 2008 tại Bắc Kinh, kỳ thứ 29 và là lần đầu thế vận đến Vạn Lý Trường Thành

Thế vận trong đời sống:

Trong sinh hoạt của mọi sắc dân và các quốc gia trên thế giới, thực sự không có chuyện gì sánh được với Thế Vận Hội.  Các thanh niên nam nữ từ các địa phương, các sắc tộc, đứng dưới màu cờ, mặc chung sắc áo đến điểm hẹn để tranh tài.  Thể thao trở thành một cuộc chiến tranh mà các đấu thủ không cầm vũ khí.  Hơn thua theo luật lệ.  Tranh nhau từng các đơn vị thời gian nhỏ hơn cả một giây đồng hồ.  Nỗ lực với các đơn vị không gian từng ly tấc.  Luôn luôn cố gắng cao hơn, nhanh hơn, xa hơn và mạnh hơn.

Năm đầu tiên chỉ có 14 quốc gia với 241 thể thao gia tham dự qua 43 môn thi đấu.  Một trăm năm sau, bây giờ ở Bắc Kinh có 204 địa phương với 13,650 lực sĩ thi đua trên 300 bộ môn. Trải qua 29 kỳ thế vận, mỗi kỳ một thành phố được lựa chọn, phải là một đô thị có phương tiện, có sáng kiến và có khả năng tổ chức.  Paris thuộc Pháp đã hân hạnh tổ chức hai lần.  Berlin thuộc Đức cũng có vinh dự hai lần.  Los Angeles cũng được tín nhiệm hai lần và kinh đô Nhã Điển của Hy Lạp tổ chức lần thứ hai. 

Và cũng theo lịch sử, thế vận đã ba lần đình hoãn vì đệ nhất và đệ nhị thế chiến.  Thế vận cũng luôn luôn là mục tiêu của phá hoại khủng bố.  Kỳ thứ 20 năm 1972 ở Munich Đức Quốc đã có 6 cảm tử quân Palestin đột kích giết 11 người Do Thái rồi thì tất cả bị hạ sát và bắt giữ.

Thế vận cũng là nơi bị chính trị chi phối như kỳ 22, năm 1980, Hoa Kỳ và 30 nước tẩy chay Nga Sô trong thế vận Moscow vì Nga đưa quân vào A Phú Hãn.  Qua đến 1984 tại Los Angeles lại đến lượt Nga trả đũa cùng 13 quốc gia tẩy chay Hoa Kỳ.

Năm 1980 là kỳ đầu tiên Việt Nam được coi thế vận trên truyền hình vì Nga Sô tổ chức tại Mạc Tư Khoa đã cấp tốc dựng cho Hà Nội và Sài Gòn các phương tiện coi các cuộc tranh tài thể thao giữa các quốc gia.  Qua đến lúc Hoa Kỳ tổ chức tại Los Angeles thì Nga không dự nên khán giả Việt Nam không có cơ hội theo dõi. 

Cho đến năm 1988, kỳ thế vận 24 tại Hán Thành của nước Đại Hàn thì đúng là dịp cho cả nước Việt Nam mở mắt để xem một con Rồng Á Châu cất cánh.  Từ Hà Nội đến Sài Gòn đều say mê thế vận vì sự tiến bộ của dân Cao Ly qua phong cách tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và điều hành thế vận hội.

Có thể nói là Hán Thành, qua kỳ Thế Vận Hội Mùa Hè 1988 đã mở mắt cho Hà Nội và chính nhờ thể thao, giới cầm quyền cộng sản đã bắt đầu nhìn thấy con đường phải đi để theo kịp trào lưu của thế giới.

THẾ CHIẾN KHÔNG VŨ KHÍ

Xem như vậy, thể thao gia, cầu trường và thế vận hội chính là nơi thử thách về tài lãnh đạo, óc tổ chức, sự khéo léo bền bỉ luyện tập để sau cùng hẹn ngày gặp gỡ để quyết đấu hơn thua. 

Với 300 bộ môn từ bóng bàn rất đỗi nhẹ nhàng cho đến cử tạ nặng ngàn cân.  Các bộ môn thi đấu dưới nước và các bộ môn bay nhảy trên trời.  Luôn luôn con người muốn ngày một mạnh hơn, cao hơn, nhanh hơn và xa hơn.  Thi với nước khác, thi trong cùng một đoàn và thi với thành tích của chính mình. 

Những huy chương đeo trên ngực, bài quốc ca cử hành, quốc kỳ kéo lên và những giọt nước mắt chảy xuống.  Hạng nhất, hạng nhì, hạng ba.  Vàng, bạc hay đồng.  Dù là cùng toán hay đối thủ, sau cùng đều ôm nhau chia sẻ các giây phút rung động.  Không có tử sĩ, không có thương binh, không có chung sự hay vĩnh biệt.  Cái chiến trường được gọi là thao trường mới đẹp đẽ làm sao.  Đó mới thực sự là nền văn minh của nhân loại.  Đó mới thực sự là đỉnh cao của trí tuệ con người. Sau các nhu cầu sinh tồn cơm áo thì văn hóa thể thao là phần tinh hoa của chúng ta.  Ngoài Thế Vận Hội Mùa Hè, nhân loại còn có Thế Vận Hội Mùa Đông, thế vận hội cho người khuyết tật, thế vận hội Á Châu, Đông Nam Á, Âu Châu, Bắc Mỹ.  Cuộc đua xe đạp vòng Pháp quốc.  Bóng tròn nam nữ thế giới.  Hàng trăm cuộc tranh tài quanh năm quốc tế và tại Hoa Kỳ.

Báo chí không tờ nào có riêng trang chính trị, nhưng tờ nào cũng phải có trang thể thao.  Và người anh hùng được cả nước xưng tụng không phải là chiến sĩ ngoài tiền tuyến mà chính là người hùng của cầu trường.

Đó cũng chính là cơ hội cho các cậu bé da đen ở xóm nghèo Harlem chỉ cần một quả bóng bên lề đường là có hy vọng nhìn thấy cả trời xanh.

Cứ 4 năm một lần, những thanh niên thiếu nữ toàn hảo nhất thế giới cùng đến thi đua. Ngọn đuốc đã được rước qua các đại lục.  Nước chủ nhà phô diễn tối đa khả năng tổ chức với nhiều sáng kiến tân kỳ dưới mọi hình thức.  Rồi lễ thượng kỳ, lễ tuyên hứa, lễ châm đuốc, cuộc diễn hành của các đoàn đại diện.  Từng quốc gia hay từng địa phương. Một cuộc thế chiến không vũ khí khai diễn.

Niềm khắc khoải Bắc Kinh

Với sự chuẩn bị hết sức chu đáo để hoàn thành một Thế vận hội vĩ đại mở đường vào thế kỷ thứ 21, tại sao Bắc Kinh đã đem lại cho thức giả một niềm khắc khoải " Để chuẩn bị đón tiếp, những đứa trẻ xinh đẹp thanh tú nhất được tuyển lựa và huấn luyện trở thành những bộ máy. Nhiều đứa trẻ khác bị tách rời ra khỏi gia đình ngay từ tuổi thơ để đưa vào lò luyện tập, giữ thân hình không phát triển để thích hợp với các môn thi điền kinh. Những khu vực xây cất cho kiến trúc thế vận bị giải tỏa rất tàn  nhẫn. Dân nghèo bị xua đuổi để giữ thể diện quốc gia. Toàn quốc phát động một cuộc cách mạng văn hóa mới để chào đón thế giới trong mua thế vận đầu tiên của Hoa Lục. Thể diện quốc gia được coi là nhu cầu phải toàn hào. Vì vậy đôi khi ban tổ chức thực hiện ngay cả những sự dối trá rất tự nhiên. Trong lễ khai mạc, họ đã dùng hình ảnh của một em bé xinh đẹp nhép tiếng ca của em bé khác có khuôn mặt không được lựa chọn. Mở những cuộc đàn áp dân Tây Tạng và những người theo Pháp Luân Công cùng với rất nhiều hành động tàn nhẫn khắp mọi nơi. Hậu quả là cuộc rước đuốc Thế Vận đã trở thành những cuộc biểu tình chống đối Trung quốc trên khắp nẻo đường quốc tế. Lòng tự tôn đầy huyền thoại dân tộc hòa điệu với chế độ độc tài phong kiến truyền thống dường như đã làm sai lạc ý nghĩa nguyên thủy của tinh thần thế vận hội. "Rằng hay thì thật là hay, xem ra ngậm đang nuốt cậy thế nào""

Hình ảnh của thế giới tự do:

Trong khi nước Tàu, nhất cử nhất động đều phải thông qua Trung Ương Đảng thì tại Hoa Kỳ, Tổng Thống Mỹ còn thắc mắc không biết ai đã được chọn cầm cờ Mỹ trong phái đoàn đi qua chỗ ông ngồi.

Các đoàn trưởng của ủy ban Thế Vận Hội Hoa Kỳ đã bỏ thăm chọn một tay di dân da đen chạy thắng giải 1500 thước. Cậu da đen vô danh này tên là Lomong, gốc người Sudan. 17 năm về trước, một đứa bé da đen bị lính bắt lùa lên xe tải cùng với các trẻ em Sudan, đem bỏ đói cho chết trong tù. Bắt đầu từ giây phút đó cuộc chạy đua Thế Vận lịch sử của thằng bé Lomong bắt đầu. Ba ngày ba đêm, thằng nhỏ da đen chạy băng qua xứ Kenya, sau cùng chui vào trại tỵ nạn và ở đó 10 năm. Lomong sống bụi đời trong trại, tập chạy và đá banh. Năm 2001 đứa bé chạy để sống đã may mắn được nhận làm con nuôi gia đình Mỹ và đón vào Nữu Ước. Từ đó chân chạy gốc Phi Châu trở thành Vận Động Viên trong đoàn Hoa Kỳ. Khi có tin Trung Cộng không cho visa một thành viên thế vận Mỹ vì ký tên phản đối đàn áp Tây Tạng và đối xử bất công tại Sudan, đoàn Hoa Kỳ trả đũa bằng cách chọn Lomong là người tỵ nạn chế độ độc tài cầm lá cờ Mỹ tiến vào vận động trường. Tổng Thống Mỹ cùng phu nhân đứng lên vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.

Cũng tại Thế Vận Hội Bắc Kinh, ông George Bush hình như đã có những giờ phút vui vẻ thực sự.

Ngồi lẫn với mọi người dù vẫn có hàng rào an ninh chặt chẽ, nhưng tương đối thoải mái. Ông ngả người phía sau, chân duỗi thẳng, tươi cười, tạm thời quên nhưng giây phút quốc sự khó khăn tại quê nhà.

Sau lễ khai mạc ông mặc áo ngắn tay, người đẫm mồ hôi, mặc quần thể thao đi lang thang xem đội nữ Hoa Kỳ thắng các trận bóng chuyền trên cát. Chụp hình chung với hai cô gái Mỹ chân dài. Lên hồ bơi cổ võ cho danh thủ bơi lội của Hoa Kỳ thắng thêm 3 huy chương vàng. Ông đến bắt tay hoan hô đội bóng rổ Mỹ đè bẹp đội quốc gia Tàu. Hình ảnh Tổng thống Mỹ không có vẻ là hung thần của một nước Mỹ hiếu chiến đang muốn tiêu diệt kẻ thù. Hết sức bình dân, hết sức thân thiện, ngồi ghế hạng nhì, đi lang thang vào các khu tranh tài, chụp hình, cười nói nháy nhó. Tất cả các hình ảnh đó qua ống kính truyền hình lọt vào TV của nửa nước Tàu và 1/3 thế giới. Tổng Thống Mỹ đã quảng cáo mạnh mẽ cho hình ảnh tự do và dân chủ thật sự. Thiếu tự do dân chủ thực sự, dù trước hay sau Thế Vận Bắc Kinh, còn lâu nước Tàu mới thực sự trở thành cường quốc. Với hàng loạt pháo bông đốt long trời lở đất, các bạn con Trời của chúng ta vẫn chỉ là những anh địa chủ nhà quê chơi trội. Với nền văn hóa 5 ngàn năm nhưng không biết mở rộng bàn tay thì vẫn thua anh Hoa kỳ chỉ có 5 trăm năm lập quốc đã biết mở rộng tấm lòng. Đêm 8 tháng 8 năm 2008 chỉ là một đêm trình diễn ảo thuật vĩ đại. Đó không phải là đêm hạnh phúc thật sự của một tỷ và 300 triệu người dân nước Trung Hoa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.