Hôm nay,  

Dân Tỵ Nạn Và Cuộc Bầu Cử TT Mỹ; Bài Một: Dân Chủ Và Cộng Hòa

12/08/200800:00:00(Xem: 8246)
...ở xứ Mỹ dân chủ này, những nhu cầu và quyền lợi đó do chính người dân chúng ta quyết định và đòi hỏi qua lá phiếu...

Lời nói đầu: Cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc năm nay hấp dẫn hơn hẳn các cuộc bầu bán trước đây. Một phần lớn vì các ứng viên năm nay có vẻ hấp dẫn hơn các năm trước. Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ có một chính trị gia da đen trẻ măng có hy vọng làm tổng thống. Ngược lại, nước Mỹ cũng có thể bầu một chính khách tuy nhiều kinh nghiệm, nhưng lại là tổng thống già nhất lịch sử Mỹ. Một sự lựa chọn hy hữu và không thể nào dứt khoát hơn.
Riêng với dân Việt tỵ nạn, chúng ta cũng còn bị phần nào thu hút bởi những liên hệ đặc biệt của ứng viên Cộng Hòa John McCain với Việt Nam.

Trong mục đích đóng góp tài liệu để giúp cộng đồng chúng ta có thêm dữ kiện trước khi quyết định tham gia tích cực hơn vào đời sống chính trị Mỹ - đi bầu tổng thống thắng Mười Một tới - trong loạt bài này, chúng tôi sẽ lạm bàn về lập trường của hai ứng viên tổng thống của Dân Chủ và Cộng Hòa một cách chi tiết hơn. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ giới hạn sự tìm hiểu trong các vấn đề có liên hệ trực tiếp và quan trọng đến cuộc sống của người tỵ nạn chúng ta thôi. Những vấn đề hơi xa chúng ta như sự hâm nóng của trái đất, hôn nhân đồng tính, lập trường với Do Thái… sẽ không cần thiết cho chúng ta phải bàn. Ngược lại, các vấn đề ảnh hưởng cụ thể và trực tiếp đến chúng ta như y tế, trợ cấp an sinh, việc làm, thuế má, dầu xăng, giá nhà, an ninh, Việt Nam,… sẽ được tìm hiểu kỹ hơn.

Có một điều cần phải nói trước. Loạt bài này sẽ đưa ra lập trường của cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa, cũng như của hai ứng viên Obama và McCain. Nhưng làm chuyện sau này hơi “rắc rối”. Trong mùa tranh cử, cả hai ứng viên đều tùy nhu cầu chính trị mà thay đổi lập trường rất dễ dàng. Ông McCain thì hơi khó hơn vì đã làm thượng nghị sĩ hơn hai chục năm nay, bỏ phiếu cả ngàn lần, nên lập trường khá rõ ràng, có thay đổi cũng không đến độ ngược chiều quá lộ liễu. Ông Obama thì vì không có quá trình nên thay đổi mau chóng dễ dàng hơn, như ông đã làm trong nhiều vấn đề.

Cũng cần phải xác định một lần nữa là những ý kiến phát biểu chỉ là ý kiến chủ quan riêng của tác giả, không nhất thiết phải phản ảnh quan điểm của ban Biên Tập Việt Báo, không thể hiện sự ủng hộ hay chống đối của Việt Báo với bất cứ ứng viên tổng thống nào (VL).

***

Hơn ba mươi năm sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt và sau khi dân Việt tỵ nạn chúng ta có được đời sống ổn định không ít thì nhiều trên đất người, chúng ta cần có cái nhìn rõ ràng đối với các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nhu cầu thực tế của chúng ta hiện nay.

Chắc chắn là trong khối dân tỵ nạn chúng ta, nhiều người không chấp nhận nước người là quê hương, mà vẫn chỉ coi như đất tạm dung. Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Chỉ cần liếc mắt nhìn sơ qua phong cảnh chung quanh ta cũng sẽ thấy chẳng có gì giống quê hương ta hết. Từ nhà cửa, phố xá, xe cộ, cây cỏ, đến dân chúng, ngôn ngữ, khí hậu, thức ăn nước uống,… chẳng có gì gợi nhớ hình ảnh quê hương hết. Ra khỏi Bolsa hay Bellaire năm phút là hết còn mùi nước mắm rồi.

Nước Mỹ này không thể nào là “quê hương” của chúng ta được, ít nhất là đối với giới lớn tuổi, qua đây khi đã trưởng thành. Nhưng chúng ta cũng không thể quên được cuộc sống thực tế, với những trách nhiệm, nhu cầu và quyền lợi thường ngày ở chung quanh ta, và với cả con em trong gia đình.

Khác với tình trạng trong một nước độc tài chuyên chế trong đó nhu cầu và quyền lợi của người dân được Nhà Nước chu đáo quyết định và ban bố mà không cần tham khảo ý kiến ai, ở xứ Mỹ dân chủ này, những nhu cầu và quyền lợi đó do chính người dân chúng ta quyết định và đòi hỏi qua lá phiếu bầu bán những người có trách nhiệm điều hành guồng máy quốc gia và đời sống cộng đồng.

Đặc biệt là cuộc bầu chức vị tổng thống Mỹ. Mặc dù nước Mỹ theo một thể chế chính trị trong đó quyền điều khiển quốc gia được chia cho ba khối Lập Pháp, Hành Pháp, và Tư Pháp, với đầy đủ quyền hành bổ sung cũng như kiểm soát và cân bằng nhau, nhưng trên thực tế, phần lớn chính sách trị nước nằm trong tay Hành Pháp, cụ thể là trong tay vị tổng thống. Do đó, không ai có thể chối cãi việc tham gia bầu bán một tổng thống hẳn là quyết định chính trị quan trọng nhất của người dân.

Cuộc bầu cử tổng thống năm nay cũng vẫn là một cuộc chạy đua căng thẳng giữa hai ứng viên đại diện cho hai chính đảng lớn của Mỹ, đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa.

Thật ra, ở Mỹ này không phải chỉ có hai đảng chính trị này thôi. Có ít ra là một tá đảng khác, nhưng không có đảng nào có tầm vóc và uy tín của hai chính đảng lớn. Cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc cũng thường là một cuộc chạy đua giữa nửa tá ứng viên mà chẳng người nào có chút hy vọng hạ được ứng viên của hai chính đảng. Do đó, chúng ta cũng không cần thắc mắc gì nhiều về các đảng linh tinh và đại diện của họ.

Cả hai chính đảng lớn của Mỹ đều là những đảng kỳ cựu, đã hoạt động cả trăm năm nay. Khoảng thời gian dài đó cũng đã biến thể các đảng này không ít.

Điển hình, đảng Cộng Hòa được thành lập và phát triển từ thời tổng thống Abraham Lincoln cách đây hơn trăm năm, có chủ trương giải phóng dân nô lệ da đen, bây giờ đã biến thể thành một đảng của mấy ông da trắng, nhiều người còn nhiễm tính kỳ thị da đen. Ngược lại, đảng Dân Chủ ngày xưa là đảng của các chủ đồn điền dùng nô lệ da đen, bây giờ lại thành đảng bênh vực quyền lợi của dân da đen hay người thiểu số trong xã hội (xin hiểu là phụ nữ và da màu).

Chúng ta không có nhu cầu đi sâu vào lịch sử để nghiên cứu sự thành hình hay những chuyển biến của hai đảng, mà chỉ cần tìm hiểu tình trạng thực tế hiện tại thôi.

Đại thể thì cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều chấp nhận thể chế dân chủ trong chính trị, và cạnh tranh thị trường trên phương diện kinh tế. Và đó có lẽ là hai mục tiêu lớn, hai điểm đồng ý duy nhất giữa hai đảng. Ngoài ra, tất cả lập trường, chính sách, chiến lược, chiến thuật về phương sách đạt được hai mục tiêu đều khác biệt.

Năm nay hơn bao giờ hết, người dân Mỹ có sự lựa chọn rõ rệt, chẳng những giữa hai ứng viên hoàn toàn khác biệt về tính tình, màu da, tuổi tác, kinh nghiệm, mà còn giữa hai chính sách đối nghịch.

Chẳng những dân Mỹ sẽ phải lựa chọn giữa một ông già và một ông trẻ, một ông trắng và một ông đen, mà còn có sự lựa chọn giữa hai chủ trương cấp tiến và bảo thủ, khác nhau một trời một vực (xin nói thêm không thừa là tại Mỹ, "bảo thủ" không là thói xấu như từ ngữ này có thể gây ra cho những người bị ảnh hưởng của tư tưởng Âu Châu).

Quả vậy, giữa hai chính đảng, có những khác biệt thật lớn lao trên mọi phương diện, với Dân Chủ là đảng cấp tiến, và Cộng Hòa là đảng bảo thủ.

Sự khác biệt giữa hai đảng được thể hiện trên mọi phương diện, nhưng ta chỉ cần xét tổng quát qua vài vấn đề chính về xã hội, văn hóa, và an ninh.

Trên nguyên tắc và lý thuyết, về vấn đề xã hội (ở đây hiểu theo nghĩa rộng, gồm cả các vấn đề kinh tế, tài chánh, y tế, an sinh, giáo dục), đảng Cộng Hòa bảo thủ đặt tin tưởng vào mỗi cá nhân, là những người có khả năng quyết định vận mạng mình, bằng cố gắng cá nhân, và Nhà Nước có bổn phận tối thiểu là bảo đảm đồng đều cơ hội, cũng như ngăn chận những lạm dụng quá trớn. Vai trò của chính phủ càng nhỏ càng tốt.

Đảng Dân Chủ cấp tiến thì đặt niềm tin vào Nhà Nước nhiều hơn, cho rằng con người sinh ra không phải ai cũng có cơ hội đồng đều, và Nhà Nước có bổn phận giúp đỡ các thành phần bị thiệt thòi, như giai cấp thấp nhất của xã hội, những trẻ em, người già, những người tật nguyền, đau ốm, và… dân tỵ nạn như chúng ta.

Đảng Cộng Hòa tin tưởng vào tính sáng tạo của mỗi người sẽ giúp kinh tế phát triển không ngừng, tức là “cái bánh” -biểu tượng cho lợi tức chung- sẽ lớn ra nhanh chóng, khiến mọi người đều có phần. Đảng Dân Chủ cho rằng “cái bánh” bất kể lớn nhỏ, không được chia đồng đều, do đó Nhà Nước phải can thiệp để phân chia lại. Cách phân chia hữu hiệu nhất là lấy tiền dưới hình thức thu thuế những người có quá nhiều để chia lại dưới hình thức trợ cấp an sinh cho những người thiếu thốn.

Nói cách khác, đảng Cộng Hòa là đảng của tự lực cánh sinh, trong khi đảng Dân Chủ là đảng của che chở giúp đỡ, bằng sự can thiệp tích cực của Nhà Nước qua các luật lệ.

Đối với các vấn đề văn hóa (ở đây cũng có thể hiểu rộng ra là bao gồm phạm vi tôn giáo, gia đình, giáo dục), đảng bảo thủ Cộng Hòa có cái nhìn khắt khe hơn đảng cấp tiến Dân Chủ. Tôn giáo -công giáo và tin lành- và các giá trị luân lý đạo đức có ảnh hưởng nặng hơn trong đảng Cộng Hòa. Gia đình cũng mang một ý nghĩa và nhiều trách nhiệm lớn hơn đối với phe bảo thủ Cộng Hòa.

Sự cởi mở phóng khoáng của phe cấp tiến Dân Chủ đưa đến tình trạng chấp nhận phá thai, đồng tính luyến ái, phi tôn giáo, và khoan dung với những cư dân nhập lậu, trong tinh thần tôn trọng quyền của mỗi người tự do lựa chọn một cuộc sống cho chính mình. Đây là những vấn đề mà Cộng Hòa hoàn toàn đối nghịch với Dân Chủ.

Dân Chủ cũng đặt nặng hơn các vấn đề nhân quyền, nam nữ bình quyền, chống mọi kỳ thị màu da hay xuất xứ, đặc biệt là trong việc làm. Cộng Hòa cũng có những chủ trương tương tự về các vấn đề này, nhưng sự khác biệt quan trọng là Dân Chủ trông cậy vào Nhà Nước can thiệp tích cực hơn, ra luật rõ ràng để mạnh mẽ áp đặt các biện pháp bình quyền.

Điển hình là luật lệ do Dân Chủ chủ xướng, bắt học sinh phải đi học tại trường công được chỉ định cho từng khu, bằng xe buýt của Nhà Nước (busing) để có thể “trộn trấu” học sinh khác màu da trong các trường công lập. Hay các luật về khẳng định công bằng (affirmative action) cũng do Dân Chủ chủ xướng, bắt buộc các trường đại học tư và các hãng xưởng, phải có hạn ngạch (quota) cho các khối dân thiểu số, đặc biệt là dân da đen.

Đảng Cộng Hòa chấp nhận “trộn trấu” trong các trường công, nhưng cũng muốn giúp đỡ những phụ huynh muốn cho con học trường tư. Và bác bỏ các biện pháp xác định công bằng vì có thể đưa đến kỳ thị ngược.

Trong các vấn đề an ninh (ở đây hiểu rộng là bao gồm các vấn đề an toàn trong cuộc sống hàng ngày đối với nạn trộm cướp, an ninh chống khủng bố, bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ quyền lợi ngoài biên giới), đảng Cộng Hòa chủ trương có biện pháp mạnh hơn Dân Chủ nhiều.

Đối nội, Dân Chủ chống lại án tử hình, chống lại sở hữu súng.

Dân Chủ cũng chủ trương giới hạn quyền hành của các cơ quan an ninh trong nỗ lực chống khủng bố, theo tinh thần thượng tôn luật pháp. Dân Chủ coi khủng bố như một vấn đề phạm pháp, trong khi Cộng Hòa coi đây là chiến tranh.

Đối ngoại, trong khi cả hai chính đảng đều chủ trương bành trướng ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, Dân Chủ coi việc phát huy các giá trị văn hoá, giá trị chính trị - tính dân chủ, tự do, nhân quyền-, là phương tiện hữu hiệu nhất, trong khi Cộng Hòa đặt nặng các quyền lợi kinh tế, an ninh hơn.

Đối với vấn đề chiến tranh, qua cuộc tranh cãi về chiến tranh Iraq, người ta có cảm tưởng Dân Chủ chủ hòa trong khi Cộng Hòa hiếu chiến. Nhưng nếu nhìn vào lịch sử cận đại Mỹ, các cuộc chiến lớn của Mỹ, từ Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến, đến chiến tranh Cao Ly và chiến tranh Việt Nam, đều được phát động bởi các tổng thống Dân Chủ (TT Wilson, Roosevelt, Truman, Kennedy, và Johnson).

Chúng ta sẽ có dịp đi vào chi tiết hơn, nhận định khác biệt giữa lý thuyết và thực tế của các vấn đề trên trong những bài tới, cũng như đặt vấn đề dưới lăng kính tỵ nạn Việt.

Ngay bây giờ, thì ta có thể nhận định lập trường của phe cấp tiến Dân Chủ nói chung cởi mở hơn phe bảo thủ Cộng Hòa, mà cũng thiếu thực tế và có vẻ không thích hợp với “cá tính” Mỹ, và có lẽ đó cũng là lý do tại sao đảng Dân Chủ thất bại nhiều hơn thành công trong thời cận đại Mỹ.

Nhìn vào thành phần cột trụ của phe cấp tiến, ta sẽ thấy đó là những giáo sư, học giả, tài tử điện ảnh, sinh viên khá giả, trí thức trẻ đặc biệt là trong ngành điện toán (Sillicon Valley tại San Jose), giới truyền thông, và lao động và thiểu số da màu.

Có người nhận định đó là những người “làm việc nhiều bằng đầu óc”, chung đụng với nhiều hoàn cảnh khác biệt, nên có tư tưởng phóng khoáng, vị tha, và dễ chấp nhận đa dạng hơn. Nhưng cũng có người lưu ý những thành phần này phần lớn đều sống trong thế giới lý thuyết của học đường, hay thế giới tưởng tượng của tiểu thuyết và sân khấu điện ảnh, hay thế giới ảo của internet, hay thế giới tiêu cực của truyền thông (báo chí thường chỉ phổ biến những tai họa đen tối) do đó không mấy thực tế, sống trong giấc mơ một thế giới đại đồng, bình đẳng, yên ổn, hạnh phúc, tuy còn khá xa với thế giới ảo tưởng của chủ nghĩa xã hội, nhưng cũng cùng hướng nhìn.

Khuynh hướng cấp tiến của đảng Dân Chủ cũng có vẻ đi ngược lại một số lớn những giá trị nền tảng của văn hóa Mỹ.

Nước Mỹ được thành lập bởi những tay phiêu lưu, tự lập, qua Mỹ lập nghiệp phần lớn vì không chịu sự trói buộc chính trị hay kinh tế của Nhà Nước cũ, chỉ biết gắn bó với gia đình, trang trại, và khẩu súng (chưa nói đến con chó, con ngựa). Do đó, họ không thích một Nhà Nước “vú em”, lấy tiền của họ dưới hình thức thuế này thuế nọ để bao che dẫn dắt họ, và kiểm soát đời sống của họ qua hàng rừng luật lệ.

Chúng ta cũng có thể nhận xét tổng quát là dân Mỹ nói chung rất thực tế và cũng rất tự tin vào chính mình, nên không tin tưởng lắm vào mô thức cấp tiến. Mặc dù các thành phần được hưởng lợi dưới một chế độ cấp tiến rất lớn, chiếm đa số dân Mỹ, trong đó có các thành phần lao động, trung lưu, da màu, người già, phụ nữ, v.v…, nhưng trong lịch sử cận đại Mỹ, đảng Cộng Hòa đã nắm quyền lập pháp nhiều năm hơn Dân Chủ.

Chẳng những vậy, danh từ “cấp tiến” (liberal) đã thành một cái “nợ”. Bên Cộng Hòa luôn dùng cái mũ “cấp tiến” chụp lên đầu các ông Dân Chủ, như là một cái tội lớn.

Chính đó là lý do tại sao các ứng viên tổng thống của Dân Chủ, mặc dù nhiều người có tên tuổi lớn, vẫn thua các ứng viên Cộng Hòa, nhất là trong thời gian hơn ba chục năm nay. TT Carter là tổng thống cấp tiến cuối cùng, và ông cũng chỉ thọ được một nhiệm kỳ, đi vào lịch sử như một trong những tổng thống yếu nhất. Sau đó, các ứng viên Dân Chủ, vô địch cấp tiếng tên tuổi như các cựu phó tổng thống Walter Mondale và Al Gore, cựu thống đốc Michael Dukakis, thượng nghị sĩ John Kerry, đều thảm bại. TT Bill Clinton đấc cử vì đưa ra một chương trình có tính bảo thủ rõ ràng, đến độ sau này, khi bà Hillary Clinton ra tranh cử, phần lớn các lãnh tụ cấp tiến của đảng Dân Chủ đều công khai ủng hộ đối thủ của bà, thượng nghị sĩ Barack Obama, đưa đến chiến thắng cho ông này.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, phe Dân Chủ lại đưa ra một ứng viên cấp tiến thượng hạng, Barack Obama, một thượng nghị sĩ được xếp hạng là cấp tiến nhất trong thượng viện Mỹ hiện nay. Tính cấp tiến, cộng với tuổi trẻ và sự thiếu kinh nghiệm thực tiễn của Obama đã là những yếu tố khiến ông này vẫn hết sức vất vả chạy đua với ông McCain, một cụ già đại diện cho phe Cộng Hòa đang trong cơn khủng hoảng uy tín nặng nề qua nhiều khó khăn liên tục trong các vấn đề kinh tế và quốc phòng (10-8-08).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đâu phải tự nhiên mà người Cộng sản Việt Nam rộ lên “phong trào” bàn về “hòa hợp dân tộc” sau 3 năm thi hành Nghị quyết 36
Khoa học tân tiến nhất của loài người ngày nay đã tìm đến Nguyệt cầu, Hoả tinh, và đã có các phi hành gia bay bổng ra ngoài tầng khí quyển
Khóa giảng hàng năm của đức Đạt Lai Lạt Ma là ngày hội cho Dharamsala... Hàng năm, cứ sau Tết Âm lịch
Khi một xã hội chỉ tìm thấy mẫu mực để bắt chước hay học hỏi từ ở bên ngoài thì rất dễ đánh mất bản sắc của mình vì thần tượng của họ
Trong đoàn quân Pháp sang đô hộ VN có một số quân nhân gốc Phi Châu ưa phá làng phá xóm khiến dân chúng Việt Nam căm ghét
Tình hình ở trong nước các tuần gần đây trước cuộc bầu Quốc hội (QH) vào 20.5.07 đã cho thấy hai chiều hướng phát triển
Trở về Việt Nam sau ba mươi năm lià xa, tôi đã đi không ngừng, Saigon ra Trung, Hà Nôi vô Nam; và mong sẽ quên chuyện non nước mình
Bước vào thế kỷ 21, việc xử dụng đa dạng năng lượng (energy diversity) trong chuyển vận là một trong những suy nghĩ lớn
Cuộc đấu tranh cho dân chủ trong nước đang nở rộ, và tấm gương bất khuất ngàn xưa của Việt Nam đang được lật lại từng trang
Việt Nam là một quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh, với niềm tự hào về nòi giống Rồng Tiên, một nền văn hóa đa dạng và một dân tộc siêng năng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.