Hôm nay,  

Những Lợi Ích Của Lòng Từ Bi

10/08/200800:00:00(Xem: 7192)
Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma

Chuyển ngữ: HT.Thích Trí Chơn

Trích từ cuốn sách: “The Compassionate Life”

Những kinh nghiệm tu tập của tôi không có gì đặc biệt, cũng giống như một con người bình thường thôi. Tuy nhiên, qua sự hướng dẫn rèn luyện của Phật giáo, tôi đã học hỏi được về đức tính từ bi và phương pháp phát triển thiện tâm của mình. Do sự hành trì đó đã giúp ích cho cuộc sống hằng ngày của tôi rất nhiều. Chẳng hạn tôi đến từ tỉnh Amdo của xứ Tây Tạng và người ta thường bảo ai là dân Amdo thì tánh tình hay nóng nảy. Cho nên ở Tây Tạng khi gặp kẻ nào nổi cơn giận dữ thì dân chúng bảo rằng họ đến từ vùng Amdo!

Tuy nhiên, khi so sánh tâm tính của tôi bây giờ với lúc còn trẻ độ 15 và 20 tuổi, tôi nhận thấy hoàn toàn khác xa. Hiện nay ít khi nào tôi nổi cơn nóng nảy, nếu có thì cũng không kéo dài lâu. Thành đạt được kết quả to lớn này là do tôi đã cố gắng rèn luyện và tu tập trong nhiều năm qua. Tâm tôi giờ đây luôn luôn cảm thấy hạnh phúc và an lạc.

Từ lâu tôi đã mất tổ quốc và cuộc sống của tôi ngày nay hoàn toàn nhờ vào thiện chí giúp đỡ của nhiều người khác. Thân mẫu và phần đông các vị Lạt Ma, thầy dạy tôi cũng đã qua đời. Dĩ nhiên, các biến cố này xảy ra đối với tôi là một thảm kịch, và ngày nay, tôi cảm thấy rất buồn khi tưởng nhớ đến họ. Tuy nhiên tôi cố gắng không để cho nỗi buồn to lớn đó khống chế tôi. Những người bạn cũ, già nua và thân quen đã lần lượt ra đi rồi những khuôn mặt bạn bè mới lại xuất hiện, nhưng lúc nào tôi cũng vẫn giữ cho tâm tôi được hạnh phúc và an lạc.

Bản tính căn bản của chúng ta

Một vài người bạn tôi bảo rằng mặc dù ai cũng biết tình thương và lòng từ bi là những đức tính tốt và cao quý nhưng ngày nay các thiện tánh đó không dễ gì thực hành được. Họ lý luận thế giới chúng ta đang sống ít có ai nghĩ đến vấn đề đạo đức. Hơn nữa tính giận dữ và hận thù được xem như là bản chất của con người và nhân loại luôn luôn bị những ác tính này khống chế. Tôi không đồng ý như vậy.

Lý do loài người chúng ta đã xuất hiện trên hành tinh này khoảng hàng trăm nghìn năm trước. Tôi nghĩ rằng trong thời gian đó, nếu tâm con người thực sự ác độc chứa đầy sân hận thích giết hại lẫn nhau thì dân số sẽ phải sút giảm. Nhưng trái lại, ngày nay mặc dù xảy ra các cuộc chiến tranh, dân số của nhân loại vẫn tăng lên nhiều hơn trước. Điều này chứng tỏ cho tôi thấy rõ là trong lúc tuy chắc chắn có mặt sự hận thù và xâm lược, nhưng tình thương và lòng từ bi vẫn chiếm ưu thế trên thế giới.

Nếu tìm hiểu bản chất của con người, chúng ta thấy rằng nó hiền lành hơn dữ tợn. Ví dụ khi quan sát thế giới loài vật chúng ta nhận thấy những con thú nào với bản chất ít tàn ác thì cách cấu tạo cơ thể sẽ phù hợp với bản tính của chúng. Ngược lại loài dã thú hay bắt mồi ăn thịt thì cơ thể những con vật đó sẽ được phát triển theo bản chất của loài thú hung dữ.

Chúng ta hãy so sánh con cọp với con nai thì rõ ràng sự cấu tạo cơ thể của chúng hoàn toàn khác nhau. Khi tìm hiểu về thân thể của con người và so sánh với loài thú dữ, chúng ta nhận thấy rằng chúng ta giống thân thể của con nai và thỏ hơn con cọp. Ngay cả răng của con người cũng giống con thỏ hơn, có phải vậy không " Răng của chúng ta không giống răng cọp.

Một ví dụ khác, hãy xem móng tay của chúng ta. Tôi không thể đưa móng tay đánh mạnh để giết chết một con chuột. Nhưng nhờ trí thông minh, con người có thể dùng những vật dụng khác để thực hiện hành động sát hại đó dễ dàng. Bởi lẽ cơ thể chúng ta thuộc giống loài vật yếu đuối và hiền lành.

Hơn nữa, con người là động vật sống trong xã hội: Do đó, nếu sống mà không có bạn bè, vắng bóng nụ cười, cuộc đời của chúng ta sẽ vô cùng khổ sở. Không ai có thể sống trong cô đơn. Sự tương quan giữa con người là định luật tự nhiên. Nói khác, theo tinh thần hỗ tương chúng ta cần phải nương nhờ vào mọi người để sống còn.

Nếu xảy ra trường hợp khi chúng ta gặp khó khăn mà trong cuộc sống hằng ngày các bạn không gây được thiện cảm với những người xung quanh và họ trở nên thù nghịch, như vậy làm sao chúng ta hy vọng có thể sống trong hạnh phúc và an lạc" Theo luật căn bản tự nhiên của con người, sự tương trợ, biết cho và nhận giúp đỡ lẫn nhau là chìa khóa mở rộng cánh cửa hạnh phúc.

Điều này càng trở nên chứng cớ rõ ràng hơn khi xét đến cuộc sống hiện tại của chúng ta. Để có thể tồn tại sống còn, chúng ta cần đến nhà ở, thức ăn, bà con, bạn bè, tiền bạc, lòng mến yêu của mọi người và v.v..Các nhu cầu trên không thể tự chúng ta tạo ra được, mà cần có sự giúp đỡ liên quan đến nhiều kẻ khác. Chẳng hạn, không ai có thể sống một mình tại một nơi xa xôi không có người ở.

Bất luận một người dù có sức khỏe tốt thế nào hay trình độ học vấn cao tới đâu, họ vẫn không thể tự mình hướng dẫn một cuộc sống có hạnh phúc và mãn nguyện được. Ví dụ nếu một người đang sống tại một nơi trong rừng sâu ở Châu Phi và duy nhất chỉ có mình họ đang cư trú trong ngôi nhà của thú vật và kẻ đó được cung cấp cho sự thông minh và khôn ngoan, lúc ấy điều tốt nhất mà họ có thể thực hiện là trở thành một vị vua trong khu rừng.

Nhưng thử hỏi một người sống như vậy có bạn bè không" Để được nổi danh" Nếu muốn, họ có thể trở thành anh hùng " Tôi nghĩ, sự trả lời cho những câu hỏi này là một tiếng “không” vì tất cả các điều thành đạt trên chỉ có ý nghĩa khi con người được sống tương quan mật thiết với những kẻ khác.

Khi đang còn trẻ và khỏe mạnh, các bạn nghĩ rằng mình có thể sống hoàn toàn độc lập không cần ai giúp đỡ. Nhưng đó là điều ảo tưởng. Ngay cả vào thời gian tốt đẹp lúc ấy trong cuộc sống, vì là con người nên quý vị cần có bạn bè, phải vậy không " Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta trở về già. Chẳng hạn ngay chính trường hợp của tôi là Đức Đạt Lai Lạt Ma với tuổi sáu mươi đã có dấu hiệu cho thấy đang tiến gần đến cảnh già nua. Tôi thấy trên đầu xuất hiện nhiều tóc bạc hơn và cảm thấy nhức mỏi nơi đầu gối khi tôi đứng lên hay ngồi xuống. Đến tuổi già chúng ta cần phải nương nhờ vào sự giúp đỡ của nhiều người khác. Đây là bản chất cuộc sống của kiếp người chúng ta.

Các bạn có thể nói rằng tất cả những nguồn vui, hạnh phúc và sự phồn vinh căn bản của chúng ta là do lòng tốt đóng góp của mọi người. Chúng ta nhận thấy rằng những tham vọng mà quý vị yêu thích và khao khát để thành tựu đều xuất phát từ sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau của nhiều kẻ khác. Đó là sự thực hiển nhiên.

Tương tự như vậy, về phương diện thực hành Phật Pháp, nhiều trình độ tu tập cao siêu mà chúng ta đã thành đạt cũng như kết quả tiến bộ mà các bạn đã gặt hái được trên bước đường cải đổi nội tâm đều phải cần đến sự hỗ trợ của các thiện hữu tri thức. Hơn nữa, muốn được hoàn toàn giác ngộ, những hành động từ bi cứu độ của đức Phật chỉ thực hiện được khi có sự liên hệ với nhiều người khác vì các chúng sinh ấy là những kẻ đã tiếp nhận sự cứu giúp của Ngài.

Ngay cả những người có tâm ích kỷ, chỉ cảm thấy thiếu hạnh phúc, an bình và mãn nguyện trong cuộc sống khi họ không nghĩ đến lợi ích của nhiều kẻ khác – Tôi muốn xác nhận rằng sự thành đạt mọi ước muốn của chúng ta hoàn toàn tùy thuộc liên quan đến những người xung quanh. Ngay đến các việc làm ác của quý vị cũng cần sự có mặt của tha nhân. Chẳng hạn, muốn lừa đảo ai cần có người để các bạn thực hiện điều bất thiện ấy.

Mọi biến cố và sự việc xảy ra trong đời sống đều gắn liền với số phận của nhiều người khác chứ một cá nhân không thể hành động được. Những việc bình thường của con người, tích cực lẫn tiêu cực, đều không thể tách rời khỏi sự hiện hữu của tha nhân. Bởi lẽ nhờ kẻ khác, các bạn có dịp làm ra tiền để lo cho đời sống của quý vị. Tương tự, nhờ quần chúng bên ngoài chúng ta mới có thể dùng truyền thông (báo chí) để ca ngợi hay làm nhục một cá nhân. Riêng một mình, la hét ồn ào cách mấy, bạn cũng không thể đề cao hay mạ lỵ bất cứ ai. Điều cụ thể nhất mà chúng ta đạt được là có thể tạo nên một âm thanh của chính tiếng la hét của các bạn.

Do vậy, sự phụ thuộc lẫn nhau là luật căn bản của thiên nhiên vũ trụ. Không chỉ các hình thái cao đẳng của sự sống mà ngay cả loài côn trùng bé nhỏ nhất đều là những con vật xã hội mà chẳng cần bất cứ tôn giáo, luật pháp hay phương pháp giáo dục nào, chúng vẫn có thể sống còn nhờ biết liên kết, giúp đỡ lẫn nhau. Ngay ở trạng thái vi tế nhất của vật chất cũng bị chi phối và khống chế bởi luật hỗ tương tùy thuộc này. Tất cả hiện tượng ngoại giới, từ quả đất chúng ta đang ở đến đám mây trên trời, rừng cây và bông hoa xung quanh các bạn đã phát sinh tùy thuộc vào các mẩu năng lượng vi tế nhất. Nếu không có sự tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau thích đáng thì chúng sẽ tan biến và hủy diệt.

Chúng Ta Cần Tình Thương

Một câu hỏi quan trọng được nêu lên trong cuộc đời là chúng ta có nên suy nghĩ đến điều ấy hay không: Chủ đích của đời sống là gì " Tôi tin rằng mục tiêu cuộc sống của các bạn là muốn có hạnh phúc. Từ lúc mới sinh ra, mọi người đều mong ước được sống trong hạnh phúc và không thích khổ đau. Không một điều kiện xã hội, giáo dục hay ý thức hệ nào ảnh hưởng đến nó. Niềm khát vọng chính yếu của con người là chúng ta đơn giản muốn có an lạc. Tôi không rõ vũ trụ với vô số giải ngân hà, tinh tú và các hành tinh có ý nghĩa sâu xa gì hay không, nhưng tôi biết chắc một điều là tất cả mọi người sống trên quả địa cầu này đang mưu tìm một cuộc sống hạnh phúc cho chính bản thân mình.

Chúng ta không phải là các vật dụng làm bằng máy móc. Các bạn cũng chẳng phải thuần túy là vật chất; chúng ta còn có tình cảm và sự hiểu biết. Nếu chúng ta là những thực thể cơ khí thì chính những máy móc đó đã có thể làm giảm bớt nổi khổ đau và đáp ứng được tất cả mọi nhu cầu của chúng ta. Nhưng nếu chỉ có tiện nghi vật chất thì chưa đủ. Không một đồ dùng nào dù đẹp đẽ và giá trị cách mấy có thể giúp chúng ta cảm thấy yêu thương được.

Chúng ta cần điều gì sâu sắc hơn, tôi muốn nói đến tình thương của con người. Với tình thương hay lòng từ bi, tất cả những tiện nghi vật chất mà chúng ta có để sử dụng sẽ trở thành xây dựng và mang lại nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, nếu thiếu tình người mà chỉ có riêng lợi ích vật chất sẽ không thỏa mãn và cũng chẳng giúp chúng ta có được hạnh phúc cùng sự an bình trong tâm.

Thực vậy, có đầy đủ tiện nghi vật chất mà thiếu tình thương, con người chỉ sẽ tạo ra thêm nhiều vấn đề khó khăn. Cho nên khi tìm hiểu nguồn gốc và bản chất của con người, chúng ta nhận thấy rằng không một ai ngay vừa lúc mới ra chào đời mà không cần đến tình thương. Mặc dù các tư tưởng khoa học hiện đại tìm cách thực hiện điều ấy, nhưng con người vẫn không thể xác định chỉ thuần túy là vật chất.

Sau cùng, lý do tại sao tình thương và lòng từ bi đã mang lại cho con người nguồn hạnh phúc lớn lao nhất, bởi lẽ giản dị vì bản chất con người chúng ta yêu chuộng các thiện tính đó hơn tất cả các thứ khác. Mỗi cá nhân dù có khả năng và tài giỏi thế nào, nếu tách ra ở một mình, họ không thể nào sống còn được. Lúc  các bạn còn trẻ và khỏe mạnh, đó là thời kỳ đầy sức sống, chúng ta có thể tự lo được, nhưng khi bệnh hoạn, ốm đau hay già nua, quý vị rất cần đến sự chăm sóc của mọi người. Giờ đây chúng ta hảy tìm hiểu lòng từ bi và tình thương sẽ giúp đỡ như thế nào trong đời sống của các bạn.

Ý kiến của chúng ta về sự diễn tiến và thành lập vũ trụ có thể khác biệt nhau, nhưng mỗi chúng ta đều nhất trí tin rằng các bạn là chính do cha mẹ của mình sinh ra. Nói chung sự thụ thai hình thành không phải chỉ vì ham muốn tình dục mà còn bởi cha mẹ của quý vị muốn có một đứa con. Ý tưởng đó được xây dựng trên trách nhiệm và tình thương – lòng từ bi của cha mẹ tự nguyện chăm sóc đứa con của họ cho đến ngày em bé có thể tự lo cho mình được. Do đó, ngay từ lúc mới bắt đầu thụ thai, tình thương của cha mẹ đã trực tiếp dự phần vào công việc tạo thành ra chúng ta.

Qua cuộc gặp gỡ tiếp xúc với các nhà khoa học, đặc biệt quý vị chuyên về thần kinh học, tôi được biết rằng có bằng chứng xác thực cho thấy trong thời kỳ mang thai, nếu tâm của người mẹ được an vui không buồn phiền sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thể xác và tinh thần của em bé chưa sinh. Cho nên điều cần thiết là người mẹ cố gắng giữ cho tâm mình được yên tĩnh, không suy nghĩ bực bội. Sau khi sinh, các tuần lễ đầu tiên là thời kỳ quyết định cho sự phát triển về sức khỏe của em bé.

Trong thời gian này, các khoa học gia bảo rằng yếu tố quan trọng nhất giúp cho bộ óc của đứa trẻ khỏe mạnh và phát triển nhanh chóng là nhờ sự thường xuyên vuốt ve, âu yếm của bà mẹ. Nếu bỏ mặc không chăm sóc em bé trong giai đoạn quan trọng này, mặc dù ảnh hưởng về lợi ích tinh thần của đứa trẻ không thể ngay tức thời nhận thấy, nhưng sau này kết quả của sự thiệt hại về thể xác của em bé sẽ hiện rõ.

Tình thương và sự chăm sóc là điều rất cần nên tiếp tục suốt trong thời kỳ ấu thơ của đứa nhỏ. Khi em bé tiếp xúc với một người có tâm hồn rộng lượng khoan dung, luôn tươi cười vui vẻ hoặc yêu thương trìu mến, tự nhiên đứa trẻ cảm thấy hạnh phúc và an lạc. Trái lại, nếu ai đó làm điều gì gây tổn hại khiến em bé sợ hãi sẽ dẩn đến kết quả xấu trong sự phát triển và trưởng thành của đứa nhỏ. Ngày nay, nhiều trẻ con lớn lên trong những gia đình không có hạnh phúc. Nếu thiếu sự chăm sóc và quan tâm đúng mức, sau này trong cuộc sống, chúng sẽ không biết yêu thương cha mẹ cũng như nhiều kẻ khác và đồng loại. Điều này hẳn nhiên là rất buồn.

Khi lớn lên, các em đến trường học, chúng cần sự giúp đỡ của những thầy giáo. Nếu một giáo viên không những chỉ dạy dỗ kiến thức học vấn mà còn nhận trách nhiệm hướng dẫn, chuẩn bị cho các em trước khi vào đời thì chúng cảm thấy tin tưởng và kính trọng vị thầy đó, và những lời giảng dạy của họ sẽ được mãi mãi khắc ghi trong tâm trí của chúng. Ngược lại, nếu các môn học được dạy bởi một vị thầy giáo không hết lòng thương yêu và quan tâm đến lợi ích của những học sinh, các em tạm thời ghi nhớ rồi sẽ chóng quên ngay.

Tương tự, nếu một bịnh nhân đang nằm ở nhà thương được chăm sóc bởi một bác sĩ có lòng nhân đạo, tận tụy hy sinh và cố gắng chữa trị để chóng lành, người bệnh cảm thấy an vui; mặc dù họ không phải là bác sĩ tài giỏi. Trái lại, nếu một bác sĩ thiếu tình người, bày tỏ cử chỉ không thân thiện, không chịu khó và hết lòng, bệnh nhân sẽ đâm ra lo lắng buồn phiền, mặc dù họ là bác sĩ nổi tiếng, chẩn đoán bịnh chính xác, và cho thuốc uống không sai lầm.

Ngay cả buổi nói chuyện thông thường trong cuộc sống hằng ngày, khi diễn giả trình bày với giọng nói hòa nhã, thân thương đầy tình cảm, chúng ta rất thích thú muốn nghe mặc dù đề tài khô khan không mấy hấp dẫn. Trái lại, nếu người thuyết giảng dùng lời nói cộc cằn, thô lỗ thính giả cảm thấy khó chịu bực mình, muốn sớm chấm dứt buổi nói chuyện. Mọi việc từ lớn đến nhỏ, lòng yêu thương và mến kính những kẻ khác là điều căn bản dẫn đến hạnh phục.

Gần đây, tôi gặp một nhóm các khoa học gia Mỹ cho biết tỷ lệ số người mắc bệnh tâm thần tại Hoa Kỳ hiện nay rất cao, chiếm khoảng mười hai phần trăm dân số. Như chúng tôi đã thảo luận trình bày rõ ràng, lý do gây nên sự buồn chán, và căng thẳng thần kinh không phải vì nghèo nàn vật chất mà bởi trong cuộc sống giữa con người, vắng bóng  sự chia xẻ hiểu biết, thiếu thông cảm và tình thương.

Do vậy, các bạn có thể nhận thấy tất cả đều bắt nguồn từ các nguyên nhân trên, cho dù quý vị có ý thức rõ điều ấy hay không, vào lúc mới ra chào đời, trong máu huyết chúng ta đã phải cần đến tình thương của con người. Ngay cả tình thương này phát xuất từ nơi một con vật hay kẻ thù của chúng ta thì trẻ nhỏ và người lớn đều cần đến nó.

Nguồn Gốc Chủ Yếu Của Sự Thành Công

Là con người, chúng ta có khả năng tạo dựng hạnh phúc và phát triển lòng từ bi cũng như có thể gây nên sự khổ đau và tổn hại đến cho mọi người. Tất cả những tiềm năng này đều nằm sẵn trong mỗi chúng ta. Nếu các bạn muốn có hạnh phúc, điều quan trọng là mỗi người nên tránh hành động điều ác mà cố gắng làm việc lành, giúp đỡ cho kẻ khác. Khi làm những việc ác như trộm cắp, nói láo và lừa đảo có thể mang lại cho mình lợi ích nhất thời nhưng về lâu dài chúng ta sẽ gặp nhiều đau khổ.

Hành động thiện luôn luôn giúp tâm chúng ta an lạc. Với tâm bình an, các bạn sẽ không còn lo lắng hay sợ hãi và dễ dàng nghĩ tưởng đến việc cứu giúp mọi người mà không có sự ngăn cách, phân biệt về tôn giáo, văn hóa hay ý thức chính trị v.v..Do vậy, điều căn bản là cần nhận thức rõ khả năng tạo điều xấu lẫn tốt nơi con người chúng ta để quán sát và phân tích nó một cách cẩn trọng.

Đây là điều mà tôi gọi là khuyến khích hành động đạo đức của mỗi cá nhân. Sự quan tâm chính của tôi là bằng cách nào để làm tăng trưởng sự hiểu biết sâu xa về giá trị nhân bản của con người. Giá trị đó là lòng từ bi, sự dấn thân và cứu giúp kẻ khác. Bất luận bạn theo tôn giáo nào, dù có tín ngưỡng hay không, nếu thiếu tình thương thì con người sẽ mất hết hạnh phúc.

Chúng ta hãy tìm hiểu sự lợi ích của tâm từ bi và lòng nhân ái trong cuộc sống hằng ngày. Nếu buổi sáng các bạn thức dậy với nét mặt vui tươi và nụ cười hoan hỷ, tự động cõi lòng chúng ta được mở rộng trong ngày đó. Lúc ấy dù phải gặp một người không mấy gì thân, bạn cũng sẽ không bày tỏ thái độ bực mình mà còn vui vẻ chuyện trò với họ. Quý vị có thể cởi mở tâm tình với người bạn chưa từng gặp mặt ấy. Một khi chúng ta xây đắp tình người trong một khung cảnh thân yêu, tự động nỗi lo âu của bạn sẽ tan biến và tâm mình cảm thấy an lạc. Bằng cách này, quý vị dễ dàng có thêm nhiều bạn mới với những nụ cười thoải mái.

Nhưng ngày nào nét mặt chúng ta không vui và đang cau có, buồn phiền, cõi lòng các bạn tự động sẽ khép lại. Kết quả, dù hôm đó quý vị có gặp người bạn thân nhất, chúng ta vẫn cảm thấy bực tức không mấy gì vui. Những sự việc này chứng tỏ cho thấy nỗi vui buồn trong lòng các bạn sẽ gây ảnh hưởng lớn lao trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta. Muốn xây dựng cuộc sống an lạc nơi tâm mình, trong gia đình và cộng đồng, các bạn cần nhận thức rằng nền tảng của nguồn hạnh phúc ấy hiện hữu trong chính mỗi cá nhân và chúng ta – đó là trái tim rộng mở, với lòng từ bi và biết thương yêu mọi người. 

Lòng từ bi không chỉ mang lại riêng lợi ích tinh thần mà còn giúp thể xác chúng ta có sức khỏe tốt nữa. Theo tài liệu của nền y khoa hiện đại và riêng kinh nghiệm cá nhân, chúng tôi được biết sự ổn định tinh thần và lành mạnh thể xác có liên hệ trực tiếp với nhau. Lẽ dĩ nhiên nuôi dưỡng sự tức giận và hận thù trong tâm dễ khiến con người sinh ốm đau. Trái lại, nếu tâm thanh tịnh với các ý nghĩ lành sẽ giúp thân thể tránh được bịnh tật. Điều này cho thấy tâm an lạc và tình thương của con người sẽ ảnh hưởng tốt đến thân xác của họ.

Một sự kiện khác tôi thấy rõ là khi các bạn chỉ nghĩ đến riêng mình thì tâm quý vị trở nên hẹp hòi ích kỷ, và do đó nhìn mọi việc xảy ra xung quanh đều bất như ý, khiến chúng ta đâm ra lo lắng buồn phiền và cuối cùng cảm thấy ngập tràn những khổ đau. Trái lại, vào lúc các bạn biết nghĩ đến kẻ khác với tình thương bao la, tâm hồn mình sẽ rộng mở. Nhờ có lòng vị tha, mọi sự lo âu xảy đến trở thành vô nghĩa, và chúng ta cảm thấy an lạc.

Nếu các bạn có lòng yêu thương mọi người, dù phải gặp cảnh khó khăn và bất hạnh, tâm quý vị lúc nào cũng thấy an vui. Nhờ vậy mà các vấn đề phiền não và khổ đau của chúng ta sẽ được giảm thiểu. Khi lòng mình mở rộng để cứu giúp những kẻ khác, quý vị sẽ có tinh thần vững mạnh, đức tính tự tin, kiên nhẫn và tâm hồn an tịnh. Điều này chứng tỏ cho thấy rằng cách thức suy nghĩ ảnh hưởng đến hành động của chúng ta như thế nào.

Sự tự lợi và những điều mong ước của các bạn sẽ được thành tựu khi quý vị biết hành động giúp đỡ cho mọi chúng sanh. Trong tác phẩm “Trình Bày Chỉ Dẫn Con Đường Giác Ngộ” của tôn sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa), một danh tăng Tây Tạng nổi tiếng vào thế kỷ thứ mười lăm đã dạy: “Các hành động và ý nghĩ của hành giả càng chú tâm hướng đến việc làm lợi ích cho mọi người, họ càng thành tựu, như là kết quả trong hạnh nguyện cứu độ chúng sanh của họ”.

Quý vị có thể đã thường nghe tôi nhấn mạnh rằng chư Bồ Tát - những người thực hành tâm từ bi theo con đường Phật dạy là những vị “ích kỷ sáng suốt” trong khi chúng ta là những kẻ “ích kỷ ngu muội”. Các bạn luôn luôn nghĩ đến mình mà ít quan tâm đến kẻ khác cho nên quý vị thường không có hạnh phúc và hay gặp khổ đau.

Những lợi ích khác của lòng từ bi và tâm hồn vị tha có thể không rõ ràng đối với chúng ta. Mục đích của sự tu tập theo Phật giáo là mong được tái sinh vào cõi an lành ở kiếp sau. Đó là mục tiêu chỉ có thể thành tựu nhờ kiềm chế không làm những việc gây tổn hại đến kẻ khác. Cho nên, chúng ta nhận thấy rằng nguồn gốc để đạt được kết quả an vui nói trên vẫn là lòng từ bi và tình thương. Điều hiển nhiên Bồ Tát là vị đã hoàn tất viên mãn sự thực hành sáu phép Ba La Mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ cùng với lòng từ bi cứu độ hết thảy mọi chúng sanh.

Như vậy, chúng ta nhận thấy rằng tình thương và lòng từ bi là nền tảng xây dựng sự thành công cho chúng ta trong cuộc đời này, sự tiến bộ trên con đường phát triển tâm linh, sự thành tựu khát vọng cao cả nhất và cuối cùng là đạt được sự giác ngộ hoàn toàn của chúng ta. Do đó, tình thương và lòng từ bi không những chỉ quan trọng vào lúc mới bắt đầu, mà cũng là khoảng giữa và cuối đời người của quý vị. Sự cần thiết và giá trị của các đức tính này không giới hạn trong bất cứ thời gian, nơi chốn, xã hội hay nền văn hóa đặc biệt nào.

Cho nên, các bạn không những chỉ cần đến lòng từ bi và tình thương của con người để sống còn mà chúng cũng là căn bản của sự thành công trong đời sống chúng ta. Các ý tưởng ích kỷ sẽ gây tai hại cho nhiều người khác cũng như ngăn cản và phá hủy nguồn hạnh phúc mà các bạn đang mong cầu. Đã đến lúc quý vị cần suy nghĩ sáng suốt về điều ấy. Tôi tin tưởng như vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tân-Tư-Bản Đại-Địa-Chủ-Đỏ, Big New Red Capitalist Landlords, ở Việt Nam đã, đang và sẽ thu gom tích tụ ruộng đất canh tác của người Nông Dân Việt Nam Nghèo
Cuộc biểu tình khiếu kiện suốt 26 ngày đêm (từ 23-6 đến 18-7 năm 2007) của nông dân miền Nam trước Văn Phòng 2 Quốc Hội
Dân Mỹ là một dân tộc rất mê thể thao. Từ football đến baseball, bóng rổ, hockey, v.v… Thể thao trong quan niệm Mỹ không những rèn luyện thể xác
Mùng một tháng Tám vừa qua là lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine, trước khi chính thức rời Hà Nội vì đã mãn nhiệm, hôm 30/7 vừa qua
Làm thế nào để sự sáng suốt không bị thói quen lấn áp hay nắm chủ quyền của thân tâm tạo ra những chuỗi suy nghĩ đưa đến lời nói hay hành động sai lầm"
San Jose từ nhiều năm nay có một hoạt động khá đặc biệt của nhóm Tình Thương. Quanh năm vận động người tình nguyện đi làm toàn những công việc
Nhà giàu, học giỏi, mà thành khủng bố tự sát" Sao không ứng cử tổng thống" Vụ khủng bố hụt tại London và phi trường Glasgow
“Độc tài, độc đảng là bà đẻ của tham nhũng vì hệ thống cai trị dựa trên sự bao che và tuỳ tiện để bảo vệ đặc lợi cho đảng cầm quyền.
Trong khi Quốc hội thảo luận cho có lệ thành phần tân Chính phủ do Nguyễn Tấn Dũng đề nghị để hòan tất thủ tục trao quyền lãnh đạo Nhà nước
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.