Hôm nay,  

Ý Nghĩa Cuộc Chiến Thắng Của TNS Obama

05/08/200800:00:00(Xem: 9093)
...xấp xỉ một nửa dân Mỹ sẵn sàng thử lửa, nhưng vẫn còn một nửa đang lo ngại vì mức rủi ro hơi quá lớn...

Sau khi thượng nghị sĩ Barack Obama đoạt được thắng lợi thành đại diện của đảng Dân Chủ ra tranh cử tổng thống đối diện với thượng nghị sĩ John McCain của Cộng Hòa, báo chí cấp tiến của Mỹ đã nhất loạt lên tiếng tung hô, đúng như dự liệu.

Tuần báo Newsweek ca tụng sự thành công của Obama như một cái mốc lịch sử (historical milestone). Tuần báo Time ngưỡng mộ sự bình tĩnh của Obama trong cơn lốc lịch sử (swirl of history). Những bài viết loại này tràn ngập các báo Mỹ. Các báo khác trên thế giới cũng đồng loạt  ghi nhận lịch sử đang sang trang tại Mỹ. Âu Châu vui mừng thấy một trí thức cởi mở sẽ có thể thay thế ông cao bồi Texas đã từng coi Âu Châu như không có. Phi Châu hý hửng cầu mong một người da đen lên lãnh đạo thế giới. Trung Đông dĩ nhiên hồ hởi hy vọng một ông “Hussein” sẽ làm tổng tống Mỹ. Ngay cả vài bài báo của người Việt tỵ nạn cũng bị lôi cuốn vào cơn gió hồ hởi chung này.

Không phải bây giờ mới có những tiếng nói phấn khởi kiểu ấy. Ngay từ cả năm trước, nhiều nhà báo hay chính khách đã lên tiếng với lập luận tương tự. Cách đây khá lâu, tác giả Trần Hữu Thức đã ghi nhận thái độ của truyền thông Mỹ trên diễn đàn Talawas:

“Ngay cả với những ai không cảm thấy thỏa mãn với cá nhân Obama thì nói chung truyền thông Mỹ vẫn xem sự nổi lên của Obama như là một lý do chính đáng để toàn thể nước Mỹ cảm thấy thoải mái về chính mình. Bình luận viên Roger Simon (NBC, Meet The Press 11/2/07) còn nói rõ hơn: “Nếu nước Mỹ chọn ông ta ra làm ứng cử viên tổng thống và rồi bầu cho ông làm tổng thống, điều này sẽ là một dấu hiệu cho thấy đất nước chúng ta là một đất nước tốt đẹp và đàng hoàng đã khâu lành vết thương chủng tộc.” … Brit Hume, một bình luận gia rất nổi tiếng của Fox News Channel (21/1/07Đ): “Tôi cho rằng đại đa số người Mỹ từ trong thâm tâm mong muốn nhìn thấy những người Mỹ gốc Phi cầm đầu xứ sở này và họ hãnh diện về những gì đang diễn ra.”

Không hiểu quý độc giả cảm thấy thế nào khi đọc được những lời ca tụng trên của mấy ông ký giả Mỹ, nhưng kẻ viết bài này thì cảm thấy có cái gì không ổn cho lắm.

Cách đây chẳng bao lâu, chỉ vài chục năm thôi, dân da đen bị một vài dân da trắng coi ngang hàng với gia cầm. Nhưng kể từ ngày các tổng thống Kennedy và Johnson quyết tâm đánh đổ bức tường kỳ thị thì tình trạng đã có rất nhiều tiến bộ. Nạn kỳ thị, nhất là những bất công đối với dân da màu, đã bớt đi rất nhiều. Nhưng dĩ nhiên vẫn chưa hết hẳn.

Chính người Việt tỵ nạn chúng ta, sau nhiều năm sống trên đất Mỹ, cũng nhận thấy rõ là tình trạng kỳ thị da đen, da nâu, da vàng, vẫn còn và còn rất nặng trên đất nước này. Và con đường đi đến hòa đồng một trăm phần trăm còn khá xa.

Vì vậy mà việc một người da đen trở thành đại diện cho một chính đảng tranh cử tổng thống, và nhất là nếu ông này đắc cử tổng thống luôn, chắc chắc sẽ có những hậu quả quan trọng, và sẽ giúp cho việc “giải phóng” dân da màu tại Mỹ đạt được những bước tiến vĩ đại trong tương lai rất gần.

Như vậy có gì không ổn"

Điều không ổn đầu tiên là chẳng có gì bảo đảm việc bầu Obama sẽ “khâu lành vết thương chủng tộc”. Chúng ta đã chứng kiến nhiều triệu chứng đối nghịch với lập luận này.

Việc hơn 90% dân da đen ùn ùn bỏ phiếu cho Obama chứng tỏ dân da đen vẫn coi vấn đề khác biệt mầu da là yếu tố quyết định. TNS Obama thật ra chưa làm được một việc gì thực sự có lợi cho dân da đen để họ có thể ủng hộ ông mạnh như vậy. Trái lại bà Clinton cùng với chồng đã làm rất nhiều điều cụ thể có lợi cho họ khi ông Clinton còn làm tổng thống. Đến độ TT Clinton đã được tặng biệt hiệu “tổng thống da đen đầu tiên” của Mỹ. Hai ông bà Clinton được sự hậu thuẫn rất mạnh của khối cử tri da đen. Nhưng chỉ cần Obama xuất hiện là họ bỏ ngay ông bà Clinton để chạy theo Obama. Chỉ vì Obama cùng màu da với họ.

Trong khi đó, khối dân Mỹ trắng lao động và trung lưu vẫn đồng loạt bỏ phiếu cho bà Hillary cho đến các cuộc bầu sơ bộ cuối cùng, sau khi bà Hillary đã không còn mảy may hy vọng. Tại South Dakota, sau khi giới truyền thông loan báo ông Obama đã đạt đủ túc số để trở thành ứng viên của đảng Dân Chủ, bà Hillary vẫn lãnh được gần 70% số phiếu. Tại Kentucky, thăm dò dư luận cho thấy chỉ có một phần ba cử tri của bà Hillary sẵn sàng bỏ phiếu cho Obama nếu ông này đại diện cho Dân Chủ, một nửa sẵn sàng bỏ đảng để bầu cho ông McCain.

Gần đây, ông Obama đã công khai khoác áo giáp “đen” lên người. Hễ phe McCain lên tiếng chỉ trích chuyện gì là ông la hoảng lên là McCain tấn công ông vì ông là da đen, và McCain kỳ thị da màu (Obama không nhắc đến chuyện McCain có con gái nuôi da ngăm ngăm đen, người Bangladesh).

Như vậy, làm sao có thể xác định được việc ông Obama đắc cử tổng thống sẽ đưa đến xóa bỏ kỳ thị tại Mỹ" Hay sẽ chỉ làm gia tăng sự kỳ thị, chia rẽ giữa hai khối da trắng da đen"

Cái không ổn thứ hai là nước Mỹ đang bầu một tổng thống. Mà theo nhận định của các ký giả được trích dẫn phần trên, dường như “người Mỹ gốc Phi” là điều kiện quan trọng nhất, cần thiết và đủ để trở thành tổng thống.
Kẻ viết bài này, có lẽ vì vẫn còn quá hủ lậu, nghĩ rằng “người Mỹ gốc Phi” không thể nào là lý do duy nhất hay quan trọng nhất để được bầu làm tổng thống. Làm tổng thống đòi hỏi nhiều yếu tố khác quan trọng hơn, như có viễn kiến lãnh đạo, khả năng nhận định vấn đề, khả năng nhận diện người tài để giúp mình, một sự hiểu biết tường tận các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và thế giới, một tủ kinh nghiệm để có thể quyết định đúng, một sự can đảm và quyết tâm làm chuyện phải mà không cần thính mũi để ngửi mùi gió đang thổi chiều nào. Còn nhiều thứ nữa, nhưng như vậy cũng tạm đủ.

Những đòi hỏi này, có thể một “người Mỹ gốc Phi”, “da đen” cũng có được, nhưng không nhất thiết chỉ có “người Mỹ gốc Phi” mới có, mà bất cứ một người da trắng, da vàng, hay da nâu gốc Anh, gốc Mễ, gốc Ấn Độ, gốc Mông Cổ, hay gốc Bà Rịa nào cũng có thể có, hay không có. Những đức tính và khả năng này thật sự chẳng có liên hệ xa gần gì đến màu da hay xuất xứ địa dư cả.

Hiển nhiên tiêu chuẩn “người Mỹ gốc Phi” và “da đen” chưa thể đủ được.

Rõ ràng là chúng ta đang chứng kiến một cảnh kỳ thị ngược. Lúc trước thì có người xem da đen gốc Phi là gia cầm, bây giờ thì da đen gốc Phi là điều kiện quan trọng nhất, nếu không muốn nói là duy nhất, để xứng đáng làm tổng thống!!! Mấy ông ký giả da trắng này hiển nhiên đang mang nặng mặc cảm tội lỗi của một thời xa xưa nên tìm mọi cách tâng bốc dân da đen để gọi là đoái công chuộc tội, cũng như để chứng minh bây giờ mình “văn minh” hơn xưa nhiều rồi.

Tổng thống cũng là người có trách nhiệm bảo đảm sự phát triển kinh tế và an ninh cho cả nước, và xa hơn nữa, cho cả thế giới. Hai trách nhiệm này còn quan trọng hơn trách nhiệm “khâu lành vết thương chủng tộc”. Không có phát triển kinh tế và an ninh thế giới, hay ít nhất cho nước Mỹ, thì dù có xóa bỏ được nạn kỳ thị, cả nước hay cả thế giới vẫn nghèo đói và loạn lạc.

Đó là chỉ mới nói đến hai trách nhiệm chính, quan trọng nhất, chứ chưa đi vào chi tiết về các trách nhiệm khác của tổng thống, trên mọi địa hạt, từ giáo dục, y tế, văn hoá, đến quân sự, an sinh, ngoại giao, v.v…

Nếu ta nhìn dưới khía cạnh này thì vấn đề đầu tiên đặt ra là tổng thống tương lai có khả năng “quản lý” tất cả những vấn đề này không" Cái khả năng trong tương lai không ai có thể biết được, mà người ta chỉ có thể phỏng đoán, dựa trên kinh nghiệm và thành tích trong quá khứ.

Muốn thuê một người bán hàng, câu hỏi đầu tiên dĩ nhiên là anh này hay cô này trước đây có bán hàng lần nào chưa, bán được không" Muốn đi bác sĩ nhổ răng thì cũng phải biết bác sĩ có bằng nha khoa hay không, mở phòng mạch bao lâu rồi.

Thuê lầm một người bán hàng dở thì chỉ mất ít tiền thu hoạch. Đi lầm nha sĩ không bằng cấp chuyên môn thì chỉ bị mất một hai cái răng. Vậy mà chúng ta cũng đã cần phải đắn đo cân nhắc kinh nghiệm và quá trình của những người này.

Khác với chuyện sai lầm của người bán hàng hay của nha sĩ, một quyết định sai lầm của tổng thống có thể làm mất của hay mất mạng, của cả vạn, cả triệu người. Vậy mà có nhiều người sẵn sàng hoan hô ông Obama, một người không kinh nghiệm cũng chẳng quá trình, bầu ông làm tổng thống chỉ vì ông là “da đen, gốc Phi”, nhờ đó có hy vọng chấm dứt được nạn kỳ thị màu da. Làm như tổng thống Mỹ chỉ có một trách nhiệm duy nhất đó thôi!

Hãy thử nhìn kỹ quá trình của TNS Obama.

Ông đậu bằng luật của đại học Harvard, một đại học thượng thặng, nhưng cũng được tiếng là cấp tiến, chấp nhận nâng đỡ và có “quota” (hạn ngạch) cho các thiểu số da đen hay da vàng. Báo chí thổi phồng việc ông là người da đen đầu tiên làm chủ tịch (President) tạp chí Harvard Law Review của Đại học Harvard. Nhưng điều không nói là tạp chí nổi tiếng vì là diễn đàn dành cho các giáo sư hay luật sư lão luyện nhất của Mỹ, luận đàm về những vấn đề luật pháp khúc mắc nhất. Lúc đó ông Obama chỉ mới là sinh viên luật năm thứ hai, làm sao kiểm duyệt hay lượng giá bài viết của các bậc thầy của ông"

Vai trò của Obama lúc đó chỉ là một nhân viên hành chánh, đi thu góp và đăng bài rồi gửi báo, không hơn không kém. 

Sau khi đậu luật, ông ra làm “community organiser”. Chẳng ai hiểu rõ cái “nghề” này là cái gì, nhưng đại khái thì cũng tương đương với nhân viên của các cơ quan thiện nguyện đã giúp chúng ta trong các trại tỵ nạn. Ông chỉ có một dự án duy nhất là tranh đấu xin tiền của thành phố để tẩy chất độc “asbetos” khỏi một chung cư của dân da đen vùng ngoại ô Chicago. Cho đến bây giờ, hơn hai chục năm sau, chất độc này vẫn còn tại đây.

Rồi ông vào làm việc trong một văn phòng luật sư. Nhưng ông chưa bao giờ làm luật sư vì chưa thi lấy bằng hành nghề chuyên môn (bar exam). Theo tài liệu tòa, ông Obama có đóng góp vào đúng mười vụ tòa xử. Vai trò của ông chỉ là đọc bài trình bày mở đầu vụ xử (đã được các luật sư chính soạn thảo trước), không làm gì khác. Tranh cãi là vai trò của các luật sư thực thụ đã tốt nghiệp luật sư đoàn.

Thời gian đó, ông cũng đi dạy luật. Báo New York Times viết một loạt bài tâng bốc “giáo sư” (professor) Obama của đại học Chicago, nhưng thật ra ông chưa có bằng tiến sĩ (PhD), chưa bao giờ làm giáo sư mà chỉ mới là giảng viên (lecturer).

Rồi ông nhẩy ra tranh cử thượng nghị sĩ tiểu bang Illinois, đắc cử trong một quận hạt toàn dân da đen năm 1996. Trong tám năm làm nghị sĩ tiểu bang, ông Obama đạt thành tích “vô địch không có ý kiến”. Ông bỏ phiếu trắng 130 lần, một kỷ lục trong lịch sử thượng viện Illinois. Chưa hết hai nhiệm kỳ thì bất ngờ bà thượng nghị sĩ liên bang của Illinois, cũng da đen, bà Carol Moseley Braun, từ chức để ra tranh cử tổng thống năm 2004. Obama nhẩy ra tranh cử ghế thượng nghị sĩ của bà và đắc cử vì ứng viên Cộng Hòa đối lập của ông giờ chót rút lui vì chuyện lộn xộn gia đình, được thay thế bằng một anh Cộng Hòa da đen vớ vẩn, Alan Keyes, đuợc thả dù vào lúc chót và chẳng ai coi ra gì. (Ta cần ghi nhận bà Braun biết là sẽ phải đi vận động tranh cử toàn thời trong hai năm, nên đã tự trọng từ chức thượng nghị sĩ, trong khi các thượng nghị sĩ Obama, McCain và Hillary đều không ai từ chức). Lỡ thua còn có đường về. Năm 1996, Nghị sĩ Boc Dole cũng vậy, đang làm lãnh tụ Cộng Hoà tại Hạ Viện ông đã từ chức để ra tranh cử tổng thống, khi thất cử thì phải kiếm nghề khác!

Sau có hai năm làm thượng nghị sĩ liên bang thì ông Obama quyết định ra tranh cử tổng thống. Cho đến nay, trong bốn năm đầu làm thượng nghị sĩ liên bang, thành tích của ông Obama là đưa ra được đúng một dự luật kêu gọi nhân quyền và dân chủ cho nước Congo ở Phi Châu (chuyện có thật, không phải chuyện đùa). Ông Obama cũng là chủ tịch Tiểu Ban Đặc Trách Âu Châu của thượng viện, là tiểu ban lo về Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), cơ chế đang điều khiển cuộc chiến tại Afghanistan. Trong bốn năm qua, tiểu ban này chưa họp được một lần nào vì Obama bận lo tranh cử tổng thống, chưa có thời giờ thắc mắc về cuộc chiến tại Afghanistan, cho đến cách đây vài tuần khi ông đi thăm xứ này.

Với tư cách một luật sư, một thượng nghị sĩ tiểu bang rồi liên bang, ông Obama chưa để lại được một điều luật hay một tác phẩm để đời nào, ngoại trừ hai quyển sách viết để tự ca tụng chính mình.

Đó là tất cả quá trình của ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ năm nay. Một người rõ ràng là hết sức gấp gáp, nhiều tham vọng lớn hơn người bình thường. Vừa vào học luật đã nhẩy ra làm chủ bút cho báo của trường. Vừa đậu bằng luật chưa làm luật sư đã đi dậy luật. Chưa làm được giáo sư đã bỏ đi làm dân cử. Chưa hết nhiệm kỳ tiểu bang đã lo tranh cử cấp liên bang. Chưa hết nhiệm kỳ liên bang đã ra tranh cử tổng thống.

Kinh nghiệm là con số không vĩ đại.

Ông Obama từ thuở cha sanh mẹ đẻ đến giờ chưa quản lý hay điều hành một nước, một tiểu bang, một tỉnh, một hạt, một thành phố, một quận, một công ty, một tổ chức, hay một nhóm nào hết. Ông cũng không “quản lý” được bà vợ ưa nói vung vít của ông. Nhưng ông lại có nhiều hy vọng làm tổng thống thứ 44 của Mỹ, chỉ vì có võ miệng, và vì dân Mỹ muốn có dịp chứng tỏ nước Mỹ đã hết kỳ thị. Vấn đề ông có khả năng an bang tế thế trong thời đại nhiễu nhương cực kỳ khó khăn hiện nay hay không, lai không được đặt ra.

Hay là đã được đặt ra, nhưng ai cũng cho đó là chuyện không quan trọng bằng những yếu tố “da đen”,”gốc Phi”"

Dân Mỹ không có lý do chính đáng nào để không bầu một người da đen làm tổng thống. Có những người da đen dư thừa khả năng và uy tín để lãnh đạo nước Mỹ, chẳng hạn như tướng Colin Powell. Vấn đề là tại sao lại lựa một người non nớt như Obama để cầm đầu nước Mỹ trong thời đại khó khăn hiện nay"

Câu trả lời dễ hiểu là vì đó là cá tính đặc biệt của dân Mỹ. Dân Mỹ là dân phiêu lưu, luôn luôn sẵn sàng chấp nhận thử nghiệm cái gì mới lạ một khi không thích cái hiện hữu nữa.

Hơn tất cả mọi hành động nào khác, hậu thuẫn mạnh mẽ mà ông Obama đang có, nhất là trong giới trẻ, thể hiện rõ ràng cái tính phiêu lưu muốn thử nghiệm, sẵn sàng uống thuốc liều bất chấp mức rủi ro to lớn. Nếu đúng thì ta sẽ tiến được một bước lớn. Nếu sai thì… cũng chẳng sao, ta xóa bàn cờ, làm lại từ đầu. Đó là cách suy tư rất Mỹ.

Thời buổi này, hình ảnh của Bush và đảng Cộng Hòa không còn hợp nhãn nữa, và dân Mỹ muốn thay đổi, thử một cái gì mới. Đó là ý nghĩa thực sự của sự thành công cho đến ngày nay của ông Obama. Xấp xỉ một nửa dân Mỹ sẵn sàng thử lửa, nhưng vẫn còn một nửa đang lo ngại vì mức rủi ro hơi quá lớn. Rõ ràng là còn nhiều rủi ro hơn là bầu cho Carter hồi năm 1976.

Cuộc bầu cử tháng Mười Một này sẽ xác định dân Mỹ chấp nhận phiêu lưu đến mức nào (3-8-08)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.