Hôm nay,  

Tây Tạng, Trường Sa Và Thế Vận Hội Bắc Kinh

07/04/200800:00:00(Xem: 8779)

Ngày 14 & 15/3/2008, lợi dụng một vài hành động quá khích của một số thanh niên Tây Tạng, Trung Quốc đã huy động cảnh sát dã chiến và xe tăng thẳng tay đàn áp các cuộc xuống đường tại Lhasa, thủ đô Tây Tạng và sau đó tại nhiều nơi khác ở miền đông Tây Tạng và một số vùng thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) và Qinghai của Trung quốc làm thiệt mạng trên 100 sư sãi và thường dân (theo tin của chính phủ lưu vong Tây Tạng). Các cuộc đàn áp và bắn giết sư sãi và thường dân người Tây Tạng vẫn còn lai rai tiếp diễn.

Mao Trạch Đông xâm lăng Tây Tạng năm 1950 sau khi chiếm Trung hoa lục địa, tuyên bố rằng Tây Tạng vốn thuộc Trung quốc. Năm 1959 và năm 1989 nhân dân Tây Tạng nổi lên chống Trung quốc đòi lại chủ quyền quốc gia, và cả hai lần đều bị Trung quốc dìm trong máu (1). Trước làn sóng đàn áp, năm 1959 đức Dalai Lama, người lãnh đạo chính trị và tôn giáo của Tây Tạng lưu vong sang Ấn độ.

Các cuộc phản đối sự cai trị của Trung quốc đối với Tây Tạng lần này đã làm Trung quốc lúng túng, vì Trung quốc đang bước vào giai đoạn cuối cùng tổ  chức Thế Vận Hội mùa hè sẽ khai mạc tại Bắc Kinh ngày 8 tháng 8 sắp tới (2). Thế Vận Hội lần này đối với Trung quốc không phải là một hoạt động thuần túy thể thao mà là dịp để Trung quốc trình với thế giới rằng Trung quốc đã bước qua ngưỡng cửa của sự tụt hậu và có tư thế đứng ngang hàng với bất cứ siêu cường nào trên thế giới.

Trung quốc đã chuẩn bị cho Thế Vận Hội năm nay từ thập niên 1990 khi nộp đơn lên Ủy Ban Thế vận Quốc tế (International Olympic Committee – IOC) xin tổ chức Thế Vận Hội 2008. Để được chấp thuận, Trung quốc hứa với IOC rằng, việc tổ chức Thế Vận Hội sẽ giúp cho Trung quốc hòa nhập với thế giới bên ngoài và có điều kiện cởi mở trong nước. Trong năm 1993 khi IOC chuẩn bị bỏ phiếu chọn nước tổ chức Thế Vận Trung quốc đã trả tự do cho một số người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, điển hình là ông Wei Jingsheng bị bắt năm 1979 vì tham gia phong trào viết báo tường đòi dân chủ đã được trả tự do mười ngày trước khi OIC biểu quyết. Một năm sau khi được OIC chấp thuận đơn xin tổ chức ông Wei Jingsheng lại bị bắt về tội “âm mưu chống nhà nước” và chỉ được trả tự do năm 1997 .

Chính sách của Trung quốc gồm hai bước là tổ chức Thế Vận Hội mùa hè thật thành công, và cố đoạt thật nhiều huy chương để chuyển đạt một hình ảnh siêu  cường đến mọi ngõ ngách của thế giới. Sau đó Trung quốc sẽ tiến vào giai đoạn tranh chấp quyền lực với Hoa Kỳ. Để chuẩn bị cho bước thứ hai Trung quốc đã chuẩn bị các con cờ của mình như bảo đảm nguồn dầu hỏa tại Nam Mỹ và Phi châu, nhất là Sudan; dòm ngó ra Ấn Độ Dương với chính sách nâng đỡ chính phủ quân nhân Miến Điện; dòm ngó xuống phía nam Thái bình dương qua việc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam; dùng chiến tranh đe dọa nếu Đài Loan tuyên bố độc lâp; đồng thời âm thầm hiện đại hóa quân đội.Trong khi đó Trung quốc tỏ ra giúp đỡ Hoa Kỳ trong những lĩnh vực Hoa Kỳ cần như làm trung gian trong các cuộc thương thuyết với Bắc Hàn, và ủng hộ chừng mực chính sách của Hoa Kỳ đối với chương trình nguyên tử của Iran.

 Thế Vận Hội mùa hè 2008 hiện là công tác hàng đầu của Trung quốc sau công tác giữ đà phát triển kinh tế. Với một bộ máy tuyên truyền thuần thục đảng cộng sản Trung quốc đã thuyết phục được 90% dân chúng Trung quốc phấn khởi và tự hào với nhiệm vụ tổ chức Thế Vận Hội mùa hè 2008. Trung quốc chi tiêu 40 tỉ mỹ kim để lo việc tổ chức và cử Ủy viên Bộ chính trị Xi Jinping (người có triển vọng thay thế Hồ Cẩm Đào) phụ trách tổ chức. Phương châm để đạt đến thành công của Thế Vận Hội mùa hè 2008 là khẩu hiệu nhiều hàm ý cho 1 tỉ 300 triệu dân và hơn 60 triệu đảng viên là “không có việc gì là không có thể” (3).

Chiếc tàu Thế Vận Hội mùa hè chạy đang ngon trớn thì bỗng xẩy ra vụ đàn áp tại Tây Tạng. Qua 59 năm tranh đấu đòi độc lập, người dân Tây Tạng cảm thấy  thế giới bắt đầu mệt mỏi. Vì nhu cầu an ninh và phát triển Ấn độ cũng như Hoa Kỳ không còn ủng hộ một nước Tây Tạng độc lập nữa, mặc dù Ấn độ vẫn còn để cho chính phủ lưu vong Tây Tạng tạm trú, và Hoa Kỳ cũng như Anh, Pháp, Đức vẫn ủng hộ đức Dalai Lama trong cuộc tranh đấu chống chính sách tiêu diệt văn hóa Tây Tạng của Trung quốc và giành quyền tự quyết như một đòn bẩy đối với Trung quốc. Nhân dân Tây Tạng biết Thế Vận Hội mùa hè 2008 là cơ hội cuối cùng để họ nói lên cho thế giới thấy âm mưu đồng hóa của Trung quốc, đồng thời nói lên chính nghĩa đấu tranh vì độc lập và hòa bình của nhân dân Tây Tạng. Thế giới có thể lãng quên số phận bạc bẽo của Tây Tạng, nhưng nhân dân Tây Tạng thì không .

Các cuộc xuống đường của người Tây Tạng khởi đầu ngày 10/3/2008. Một số tu sĩ thuộc tu viện Drepung nằm ngoài thành phố Lhasa, diễn hành về trung tâm thành phố để kỷ niệm cuộc nổi dậy bất thành năm 1959. Cảnh sát chận đường bắt giữ 15 người và hành hung một số nhà sư. Dân chúng bức xúc xuống đường. Ngày 11/3 các tu sĩ thuộc tu viện  Sera biểu tình tiếp ứng cũng bị hành hung. Hai ngày 12 & 13 yên tĩnh cho đến ngày 14/3 thì bùng nổ lớn .

Theo sự chứng kiến của một số du khách nước ngoài (4) và phóng viên James Miles của tuần báo The Economist, nhà báo duy nhất được phép hành nghề tại Lhasa thì trong ngày 14/3 khi dân chúng phẫn nộ xuống đường tại Lhasa và trong cơn nóng giận không kềm chế được một số hành động hành hung và đốt phá tài sản của người Trung quốc buôn bán tại Lhasa thì lực lượng an ninh đã vắng mặt một cách khó hiểu. Họ đã cho thu hình các cuộc bạo động của người Tây Tạng, ra lệnh cho du khách nước ngoài trở về khách sạn, đuổi phóng viên James Miles ra khỏi nước trước khi dàn xe tăng và cảnh sát dã chiến ra tay đàn áp.

Trước cuộc đàn áp dã man của Trung quốc đối với nhân dân Tây Tạng giết hằng trăm người tại 49 địa điểm (7 địa điểm tại Lhasa và các vùng lân cận, 34 địa  điểm tại các vùng phía đông Tây Tạng, và 8 địa điểm tại Trung quốc giáp ranh Tây Tạng nơi có nhiều người Tây Tạng sinh sống) người ta không thấy ông chủ tịch IOC Jacques Rogge phản đối và lãnh tụ các nước dân chủ như Mỹ, Anh, Đức lên tiếng tố cáo Trung quốc và bày tỏ ý muốn tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh ngoại trừ lời kêu gọi Trung quốc tự chế. Chỉ có tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố sẽ không tham dự lễ khai mạc Thế Vận.

Trong quá khứ nhiều quốc gia trên thế giới đã tẩy chay không tham dự Thế vận nếu cho rằng IOC hay quốc gia chủ nhân không đi đúng đường lối hiếu hòa, tương nhượng và xiển dương tinh thần hợp lưu văn hóa thế giới. Trung quốc tẩy chay Thế Vận từ năm 1956 đến 1984 vì Đài Loan được tham dự. Năm 1976, hai mươi sáu (26) nước tẩy chay Thế Vận được tổ chức tại Áo vì IOC đã để cho các lực sĩ New Zeland tham dự (lý do các lực sĩ này từng tham dự tranh tài với các lực sĩ Nam Phi bị tố cáo là quốc gia chủ trương kỳ thị người da mầu – Apartheid). Năm 1980 Hoa Kỳ và 60 nước khác tẩy chay Thế Vận Moscow tố cáo Liên bang Xô viết xâm lăng Afghanistan. Năm 1984 Cuba tẩy chay Thế Vận tổ chức tại Los Angeles để chống chính sách phong tỏa của Hoa Kỳ đối với Cuba. Thế nhưng lần này thế giới có vẻ nhẹ tay đối với Trung quốc, ngoại trừ nước Pháp và một vài tổ chức ngoại chính phủ như Tổ chức Phóng viên Không Biên giới – Reporters Without Borders kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh. Và nhà đạo diễn Steven Spielberg trước đây đã sáng suốt từ chức cố vấn nghệ thuật cho buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội mùa hè với lý do Trung quốc đã không áp lực Sudan chấm dứt nạn diệt chủng tại Darfur.

Trong khi đó Trung quốc mở một chiến dịch ngoại giao và truyền thông quy mô để biện minh hành động dùng bạo lực của họ đối với các cuộc biểu tình của  người Tây Tạng. Tại Bắc Kinh Bộ Ngoại giao Trung quốc cho mời các đại sứ đến xem hình ảnh bạo động của người Tây Tạng, và ngày 26/3/08 mời khoảng 20 phóng viên báo chí nước ngoài đến Lhasa để chứng kiến tận mắt tàn tích cảnh người biểu tình đã đốt phá và đồng thời ghi nhận tình hình đã ổn định tại chỗ .

Nhưng Trung quốc vẫn không thuyết phục được hành động nặng tay bắn giết người biểu tình. Ngày 24/3 ba phóng viên của tổ chức Phóng viên Không Biên giới và một số người Tây Tạng đã đứng lên phản đối Trung quốc tại buỗi lễ châm lửa Thế Vận tại thành phố Olympia, Hy Lạp, và người Tây Tạng, Việt Nam, Miến Điện ở khắp nơi trên thế giới sẽ theo dõi ngọn đuốc Thế Vận qua hành trình vòng quanh thế giới mà Trung quốc đang biến thành một món hàng tuyên truyền để tố cáo âm mưu của Trung quốc đồng hóa Tây Tạng, kết bè kết cánh với độc tài và chiếm đoạt các hải đảo của Việt Nam hòng thực hiện mộng bành trướng và bá chủ của Trung quốc trong thế kỷ 21.

Nhưng Trung quốc với tiềm năng sẵn có tin rằng họ sẽ thành công. Cho đến nay đã có 100 quốc trưởng và thủ tướng hứa đến tham dự lễ khai mạc Thế Vận Bắc Kinh, trong đó có tổng thống Goerge W. Bush là người Trung quốc chờ đợi nhất. Trung quốc nói rằng lễ khai mạc Thế Vận Hội mùa hè tại Hy Lạp năm 2004 chỉ có 60 lãnh tụ quốc gia tham dự.

Thế giới không mạnh mẽ tố cáo Trung quốc và đồng loạt kêu gọi tẩy chay Thế Vận Bắc Kinh có phải vì thế giới Tây phương thật sự hy vọng rằng Thế Vận sẽ biến cải thái độ của người Trung quốc không nhiều thì ít không " Nếu rút kinh nghiệm từ Việt Nam thời kỳ tiền APEC và gia nhập WTO (hậu bán năm 2006) Việt Nam rất ôn hòa để cho các phong trào dân chủ trong nước nở rộ rồi sau khi tổ chức hội nghị APEC thành công và trở thành thành viên của WTO, từ đầu năm 2007 Việt Nam đã mở một cuộc đàn áp khốc liệt các nhà đấu tranh cho dân chủ, thì thế giới Tây phương sẽ không hy vọng một cách hão huyền Trung quốc sẽ trở nên mềm dẽo cởi mở hơn sau Thế Vận. Hai nước Việt Nam và Trung quốc dùng một sách vỡ giống nhau.

Thế nhưng, thế giới hình như không có một sự chọn lựa nào khác. Trung quốc không còn là một quốc gia yếu kém như ở thế kỷ 19 và những chính khách của những nước dân chủ trên thế giới thường thiếu ý chí chính trị. Trung quốc hôm nay có một sức mạnh kinh tế và một khối ngoại tệ dự trữ khổng lồ để có thể ảnh hưởng đến chính sách kinh tế tài chánh thế giới, đến sự phân phối của dầu hỏa và sự giao thương toàn cầu, và có khả năng trả đòn lại đối với quốc gia nào công khai đối nghịch với Trung quốc, kể cả Hoa Kỳ. Trung quốc là chủ nợ lớn thứ nhì của Hoa Kỳ. Đó là chưa kể đến vị trí Ủy viên Thường trực của Trung quốc tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Phiếu của Trung quốc có thể gây trở ngại cho các chính sách toàn cầu của Hoa Kỳ.

Đó là cái khó của thế giới Tây phương và nhất là khó đối với Hoa Kỳ. Đầu tháng 8 năm nay tổng thống Bush sẽ đi Bắc Kinh dự lễ khai mạc Thế Vận Hội (như ông đã hứa) cùng với trên dưới 100 lãnh tụ các quốc gia khác trên thế giới. Và khi đứng bên cạnh chủ tịch nước kiêm đảng trưởng đảng Cộng sản Trung quốc Hồ Cẩm Đào một nhà đàn áp dân chủ và nhân quyền không biết tổng thống Bush còn nhớ lời ông hứa rằng “những ai đứng lên đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền thì sẽ có tôi ở bên cạnh” không"

Gặp thời thế thế thời phải thế, nên Hoa Kỳ và đa số các nước Tây Âu không thể tẩy chay Thế Vận Bắc Kinh, nhưng người Tây Tạng và người Việt Nam khắp nơi trên thế giới sẽ chạy theo ngọn đuốc Thế Vận để tố cáo Trung quốc dùng ngọn lửa hòa bình để lường gạt thế giới và che đậy dụng tâm đen tối của họ.

Trần Bình Nam

April 6, 2008

binhnam@sbcglobal.com

www.tranbinhnam.com

 (1)  Ông Hồ Cẩm Đào đương kim Chủ tịch nước Trung quốc, nguyên tỉnh ủy Tây Tạng là người cầm đầu cuộc đàn áp năm 1989.

(2)  Thế vận hội được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Olympia, Hy Lạp năm 776 trước Tây lịch, sau đó được tổ chức 4 năm một lần cho đến năm 393 sau công nguyên. Năm 1894 do sáng kiến của ông Pierre, một nhà quý tộc người Pháp tinh thần thể thao quốc tế được làm sống lại. Ủy Ban Thế vận Quốc tế (International Olympic Committee) được thành lập và Thế Vận Hội lần thứ nhất được khai mạc tại Athens, thủ đô Hy Lạp năm 1896 trong tinh thần  hòa bình và hợp lưu văn hóa thế giới. Sau đó cứ 4 năm tổ chức một lần, địa điểm do IOC chọn lựa. Thế giới đại chiến I & II đã làm gián đoạn Thế Vận các năm 1916, 1940 & 1944. Thế Vân Hội Bắc Kinh 2008 là Thế Vận Hội thứ 29.

(3)  Khẩu hiệu bằng tiếng Tàu với nghĩa “không có việc gì là không có thể”, và được người Tàu dịch ra tiếng Anh là “impossible is nothing” (thay vì nothing is impossible).

(4)  Chris Johnson, một nhà văn; Rune Backs 35 tuổi người Đan Mạch; John Kenwood, 19 tuổi người Canada. 

Tài liệu tham khảo:

(1)  Rampage in Tibet: Eyewitnesses recall a terrifying day, by Jill Drew, Washington  Post Foreign Service – The Washington Post National Weekly Edition March 31-April 6, 2008

(2)  Olympic Fervor: for China, the Games mean global recognition, by Edward Cody, Washington  Post Foreign Service – The Washington Post National Weekly Edition March 17- 23, 2008

(3)  China’s True Face, by Wei Jingsheng, The Washington Post National Weekly Edition March 24-30, 2008

(4)  Welcome to the Olympics, The Economist March 29 – April 4, 2008

(5)  Facing a Diplomatic Dilemma, by Thoams Omestad, US News & World Report, April 7-14th, 2008

(6) Brintannica Almanac 2008

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.