Hôm nay,  

Chiến Tranh Nam Bắc Mỹ (1861-1865): Ân Xá Tại Appomattox

03/03/200800:00:00(Xem: 8713)

- Mercy at Appomattox; Tác giả William Zinsser (Reader's Digest 9/1994)  Lê Ngọc Diệp chuyển ngữ

Trước khi vào bài chuyển ngữ: Lịch sử là những sự thật và thường liên hệ đến tương lai. Những nhân vật đóng vai trong lịch sử, dù muốn dù không, hành động của họ cũng ảnh hưởng đến tương lai của cộng đồng hay quốc gia mà họ là những thành viên. Cuộc chiến tranh Nam Bắc Mỹ (1861-1865) có những điểm tương đồng và dị biệt với cuộc chiến tranh Việt Nam (1960-1975) (Chúng tôi chỉ đề cập đến giai đoạn sau Hiệp Định Paris 1954 phân chia hai miền Nam Bắc và chiến tranh tái phát khi MTGPMN do CSHN dàn dựng vào năm 1960 ). Trước hết, bỏ ra ngoài những yếu tố đặc biệt của cuộc chiến tranh Việt Nam, hai cuộc chiến tranh nầy là một cuộc nội chiến, tức là dân cùng một quốc gia đánh lẫn nhau. Kế đến, số thương vong rất cao, chiến tranh Nam Bắc Mỹ làm thiệt mạng gần 600.000 quân lính hai bên trong vòng 4 năm. Số thương vong của cuộc chiến tranh Việt Nam tuy không có số thống kê chánh thức nhưng ít ra cũng 3-4 lần nhiều hơn trong 15 năm. Sau nữa, vì binh sĩ hai miền cùng là một quốc gia, nên anh em bà con trong cùng gia đình nhiều khi lại ở vào hai bên đối nghịch.

Khác nhau là Bắc Mỹ tranh đấu cho lý tưởng giải phóng nô lệ đã thắng, miền Nam Việt Nam tranh đấu cho lý tưởng tự do dân chủ lại thất trận. Nhưng có một điểm khác biệt quan trọng hơn, đó là cung cách kết thúc cuộc chiến. Những bãi chiến trường và nghĩa trang quân đội của hai miền Nam Bắc Mỹ hiện nay là di tích lịch sử của quốc gia Hoa Kỳ, không có trả thù, không coi chiến thắng là vinh quang. Kết thúc của cuộc chiến tranh Việt Nam là hận thù, trại cải tạo, kinh tế mới, ngụy quân, ngụy quyền, vượt biên, san bằng các nghĩa trang của QLVNCH, xã hội suy hóa, nhân tâm ly tán, kinh tế băng hoại, mất đất dâng biển, lòng dân oán hận. Tất cả chỉ vì cái nhìn thiển cận, cố chấp và bất tri lý của những người chiến thắng sống trong hào quang mù quáng.

Bài viết sau đây nói đến nhân cách cao quý của những nhân vật ở phe chiến thắng lẩn chiến bại trong cuộc nội chiến Nam Bắc Mỳ để từ đó, người ta có thể đối chiếu với tư cách thấp kém của các bọn cầm đầu của đảng CSVN.

 *****

Tôi không phải là người say mê về cuộc nội chiến. Tôi không bao giờ có ý muốn thăm viếng những chiến trường nổi danh ngày xưa và khơi dậy diễn tiến của những trận đánh nầy. Chuyện xảy ra có quá nhiều bi thảm.

Thế mà có một địa danh trong cuộc nội chiến luôn luôn ám ảnh tôi, đó không phải là một bãi chiến trường mà là tên của một ngôi làng, hai bên xung đột cùng nhau kết thúc cuộc chiến: Appomattox! Để viếng nơi đây, tôi lấy máy bay đến thành phố Richmond và lái xe về phía tây của miền nam tiểu bang Virginia. Tôi chọn lộ trình đi ngang dịa thế nơi tướng Lee (1) đã dàn quân miền Nam trong tuần lễ cuối cùng của trận chiến. Trong suốt 9 tháng trời, quân đoàn Bắc-Virginia của tướng Lee đã án binh gần Petersburg, phía nam thành phố Richmond. Vào ngày 2 tháng 4, cuộc chiến coi như kết thúc. Quân miền Bắc bao vây gần 1/5 quân của tướng Lee tại Saylef's Creek và bắt giữ 7.000 tù binh. Được tin nầy, tướng Lee than: "Trời ơi! quân ta đã tan rã rồi hay sao"". Thật vậy, phần lớn quân lính của ông đã tan hang. Đói khát và kiệt sức, một số đông binh lính đào ngũ, quân số của tướng Lee chỉ còn lại 30.000 người. Trong lúc vội vã lui binh về phía tây, tướng Lee nhận được một bức thơ tay của tướng Grant kêu gọi ông đầu hàng.

Quân số quá ít so với địch quân và gần như bị vây khổn, sự lựa chọn của tướng Lee rất giới hạn. Một viên sĩ quan đề nghị phân tán và đánh du kích, tướng Lee không đồng ý. Ông giải thích tiếp tục đánh nhau chỉ gây thêm đau khổ không cần thiết cho dân miến Nam. Ông nói: "Không còn giải pháp nào khác hơn là tôi phải đến gặp tướng Grant, nếu không, tội của tôi đáng chết ngàn lần!". Ngày 9 tháng 4, tướng Lee ra lịnh viên sĩ quan tùy viên, đại tá Charles Marshall, đến một ngôi làng kế bên, Appomattox Court House, để tìm một địa điểm cho ông và tướng Grant gặp mặt.

Theo trí nhớ của tôi từ lúc còn đi học, tướng Grant (2) và tướng Lee họp trong một tòa án. Thật sự không phải như vậy. Tôi được biết trong cuộc viếng thăm, ở miến nam tiểu bang Virginia vào thế kỷ thứ 19, những ngôi làng nào có đại biểu trong quận hạt đều có hai chữ "Court House" đi liền theo tên của ngôi làng đó. Thật ra, khi đại tá Marshall đi ngựa vào ngôi làng nầy nhằm ngày chúa nhựt lễ phục sinh, tòa án đóng cửa. Ngôi làng thanh vắng và không có hoạt động. Ở đây còn lại khoảng 100 người, phân nữa là người nô lệ, nhiều người da trắng khi nghe quân đội đến đã bỏ làng ra đi. Một người ở lại, nhà buôn bán Wilmer Mc. Lean được đại tá Marshall thương lượng để dùng ngôi nhà của ông ta làm địa điểm bàn thảo việc quy hàng.

Tướng Lee đến trước, mặc lễ phục mang dây biểu chương và đeo kiếm, tướng Grant mặc đồ tác chiến thường ngày, quần và giày còn bám đất hành quân. Hai người ngồi trong phòng khách của ông Mc. Lean và hàn huyên thân mật về cuộc sống quân ngũ trong cuộc chiến tranh Mễ Tây Cơ (3). Sau cùng, tướng Lee đề cập đến "mục đích của buổi gặp gỡ của chúng ta ngày hôm nay". Tướng Grant bèn lấy cây viết chì, viết vội vã những điều kiện đầu hàng và trao lại cho tướng Lee.

Sau khi xem qua những điều tướng Grant trao, tướng Lee nói: "Những điều kiện nầy sẽ là môt tác động tốt cho quân sĩ của tôi". Điều kiện đầu hàng không đòi hỏi sự trả thù địch quân, họ được tự do về lại quê nhà. Tướng Lee đề cập đến nhiều binh lính của ông dùng ngựa đi đánh trận, ông hỏi tướng Grant rằng những quân lính nầy có thể giữ lại ngựa của họ được không" Tướng Grant chấp nhận và ông nói rằng hầu hết là những người nông dân và nếu họ không có ngựa, ông e rằng họ khó lòng trồng trọt để sống qua mùa đông. Tướng Lee trả lời: "Điều nầy sẽ góp phần quan trọng trong việc hòa giải dân tộc của chúng ta".Trước khi chia tay, ông cho tướng Grant biết rằng ông sẽ trao trả những tù binh miền Bắc vì ông không đủ lương thực cho họ, và ngay cả thiếu lương thực cho binh lính của ông. Tướng Grant nói ông sẽ gởi sang cho binh lính của tướng Lee 25.000 phần lương thực khô.

Khi tin đầu hàng bay đến doanh trại, quân miền Bắc bắn đại pháo để ăn mừng. Tướng Grant ra lịnh ngưng ngay. Ông nói với các sĩ quan trong bộ tham mưu của ông: "Chiến tranh đã chấm dứt, quân phản loạn bây giờ là đồng bào của chúng ta". Tướng Grant cảm thấy không thể "hồ hởi" trước sự quy hàng của một kẻ thù, những người đã chiến đấu một cách anh dũng trong bao nhiêu năm qua. Trong khi đó, khi được tin ân xá, quân đội miền Bắc không đợi lịnh, họ tự động đem sang trại quân miền Nam từng bao thịt bò , thịt "bacon" và những thức ăn khác mà quân đội miền Nam từ lâu thiếu thốn.

Vào ngày 12 tháng 4, bốn năm sau kể từ ngày tấn công Fort Sumter gây ra cuộc nội chiến Nam-Bắc, quân đội của tướng Lee tiến vào ngôi làng để trao nộp vũ khí. Chính tại nơi nầy, hành động hòa giải cuối cùng đã xảy ra và đó là tất cả ý nghĩa tại Appomattox.

Một nhân vật đáng kính, ông Joshua L. Chamberlain, một tướng lãnh miền Bắc được chỉ định tiếp nhận binh sĩ quy hàng. Ông rời chức giáo sư tại trường đại học Bowdoin để nhập ngũ. Ông đã được thăng chức nhiều lần tại mặt trận về sự can đảm. Ông bị thương sáu lần, một lần trầm trọng cho đến nỗi bác sĩ quân y không cứu chữa vì coi ông như đã chết.

Ngày hôm đó, trước hàng quân nghiêm chỉnh, tướng Chamberlain nhìn những binh sĩ miền Nam xơ xác từ trên đường đồi đi vào làng, dẫn đầu là tướng John B. Gordon. Sau nầy, tướng Chamberlain viết lại: "Giây phút đó làm tôi thật sự xúc động. Tôi quyết định để đánh dấu sự việc nầy, tôi phải làm biểu hiện thừa nhận không gì khác hơn là chào tay. Tôi cũng biết rằngsẽ có người chỉ trích thái độ của tôi sau nầy. Tôi đã không xin phép để hành sử như vậy và thật sự tôi cũng không đòi hỏi được khoan dung về hành dộng nầy. Đối diện với chúng tôi, trong tư thế bại trận nhưng can trường, là biểu tượng của tinh thần trượng phu, những con người không rã rời, không đau khổ, bất chấp tử vong và không có một sự tuyệt vọng nào có thể khuất phục họ được. Bây giờ đây, họ trở thành những con người ốm yếu, tả tơi và đói khát, nhưng họ đứng sừng sững, mắt nhìn ngang vào chúng tôi, làm sống dậy những sự ràng buộc thiêng liêng cao cả hơn hết. Những đấng nam nhi như vậy sao lại không được hội nhập vào một Hợp Chúng Quốc đã thử thách và vững vàng"".

Đáp lại lịnh của tướng Chamberlain, " tức thời tất cả hàng ngũ của chúng tôi, từ đơn vị nầy đến đơn vị khác, đều nghiêm chỉnh chào tay. Tướng dẫn đầu đoàn quân, ngồi trên lưng ngựa trông buồn bã, đầu cuối xuống, nghe được tiếng động của sự chào tay và nhận ra hàm ý của việc đối xử nầy, di chuyển một cách tuyệt diệu làm cho ông và con tuấn mã ở một vị thế nhìn thẳng, rồi ông theo quân cách chào lại bằng cách hạ kiếm ngang mũi giày và ra lịnh cho các đơn vị theo sau thi hành lễ nghi quân cách khi đi ngang hang quân Bắc Mỹ: danh dự được đối xử bằng danh dự! Phía chúng tôi không còn tiếng kèn thắng trận, không một tiếng trống, không một tiếng reo hò, không một lời nói hay một tiếng sầm xì về một sự vinh quang hư ảo, mà là một sự im lặng rợn người và nghẹt thở dường như là một sự diễn hành của những bóng ma".

Từ sáng sớm đến chiều tối, những người lính miền Nam ở thế chào đi ngang những người miền Bắc cũng ở thế chào. Họ giao vũ khí, những lá cờ miền Nam tơi tả và trở về quê. Gần 100.000 quân miền Nam đã quy hàng ở Appomattox. Vài ngày sau, tất cả đều rời nơi nầy.

"Sau diễn tiến của sự quy hàng, ngôi làng trở lại nhịp sống bình thường", ông Ron Wilson, sử gia của Appomattox Court House , nói với tôi. Làng Appomattox hiện nay là một di tích lịch sử quốc gia gồm ngôi nhà của ông Mc. Lean xây cất trở lại, tòa án và 20 căn nhà nhỏ hơn. Ông Wilson và tôi ngồi dưới cổng nhà Clover Hill tân trang, nơi đây, tướng Grant đã đặt in 28.231 giấy chứng nhận phóng thích cho binh sĩ miến Nam. Chúng tôi nhìn qua khung cảnh trầm lặng mênh mông. Con đường từ đó quân sĩ miền Nam đi xuống ngôi làng xuyên qua một vùng ruộng lúa có thể nhận ra rõ ràng trong một bức tranh vẽ hồi thế kỷ 19, cho đến nỗi tôi hình dung thấy họ đang di chuyển xuống con đường đó một lần nữa.

Hiện nay có khoảng 110.000 du khách đến viếng di tích nầy hàng năm. Ông Jon B. Montgomery, quản trị viên, nói: "Họ đến tìm nguồn cảm hứng. Câu chuyện chúng tôi kể cho họ nghe không phải là trận đánh cuối cùng nhưng là sự hòa hợp của quốc gia và những điều kiện rộng rãi của sự quy hàng do tướng Grant đề nghị. Tướng Grant không muốn đóng vai một vị anh hùng chiến thắng. Đế tài "khoan dung" và "hòa hợp" cứ vang mãi trong tai tôi trước sự trầm lặng của Appomattox. Ông Wilson nói: "Tướng Grant và tướng Lee có một tầm nhìn rất xa. Hai ông nhận thức rằng những nỗ lực hai bên dùng vào cho cuộc chiến đã gây ra bao nhiêu phân hóa trong bao nhiêu năm qua, cần phải được vận dụng để tái thiết quốc gia. Không cần phải có hận thù".

Có ba nhân vật sống mãnh liệt trong lòng tôi. Hai trong ba nhân vật đó, tướng Lee và tướng Grant còn ngời sáng với đức tánh trí dũng mà người Hoa Kỳ còn ngưỡng mộ đến ngày hôm nay. Một người tượng trưng cho sự quý phái và truyền thống trưởng giả của miền Nam cổ kính, và người kia là hình ảnh của một con người bình thường và tự lập của miền Bắc, miền Trung Tây và miền Tây Hoa Kỳ. Người thứ ba không ai khác hơn là ông Lincoln (4). Ở giai đoạn sau cùng, Appomattox chính là màn diễn xuất của ông. Tôi hầu như thấy ông đang đứng phía bên kia chiếc bàn trong nhà của ông Mc. Lean khi tướng Grant viết sơ qua về những điếu kiện đầu hàng. Tôi cũng biết rằng ông Lincoln thường tuyên bố ông muốn cuộc chiến tranh chấm dứt trong sự khoan dung, nhưng tôi không biết ông và tướng Grant có thì giờ để thảo luận vấn đề nầy hay không.

Ông Ron Wilson nói rằng hai người đã gặp nhau hai tuần lễ trước đó trên chiến hạm River Queen ở song James, và hai ông đã thảo luận rất lâu về những diễn tiến chấm dứt cuộc chiến một cách nhanh chóng và những xáo trộn có thể xảy ra vào thời hậu chiến. Ông Wilson nói với tôi: "Ông cũng nên biết thêm ông Lincoln đã nói: hãy để họ buông súng một cách thoải mái".

Ghi chú thêm của người dịch :

(1) Robert E. Lee, tư lịnh quân đội miền Nam, được nhiều sử gia xem như một tướng lãnh tài giỏi nhứt trong cuộc nội chiến. Ông đã chận đứng được sự tiến quân của miền Bắc nhằm đe dọa thủ đô Richmond, Virginia của miền Nam. Sau đó, vì thiếu thốn phương tiện và quân số, ông phải đầu hàng tại Appomattox. Sau chiến tranh, ông là viện trưởng của trường đại học Washington và kêu gọi dân miền Nam đoàn kết góp phần xây dựng Hợp Chủng Quốc.

(2) Tướng Ulysses S. Grant sau đó đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ hai nhiệm kỳ

(1869-1877).

(3) Chiến tranh Mễ Tây Cơ (1846-1848) xảy ra giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ về sự tranh chấp biên giới phía Bắc và Đông của tiểu bang Texas vừa được sáp nhập vào Liên Bang năm 1845. Hoa Kỳ thắng cuộc chiến tranh nầy và Mễ Tây Cơ với Hòa Ước Guadalupe vào tháng 2/1848 chịu nhượng cho Hoa Kỳ phần còn lại của Texas, đồng thời Hoa Kỳ cũng kiểm soát luôn California, Nevada, New Mexico và Wyoming. Hoa Kỳ đồng ý bồi thường $ 18.250.000 chiến phí cho Mễ Tây Cơ (trị giá hiện nay khoảng $600.000). Sự sáp nhập những tiểu bang mới nầy vào liên bang cũng là trong những nguyên nhân đưa đến cuộc nội chiến vì các tiểu bang mới không được phép dùng nô lệ. Do đó, số tiểu bang không chấp thuận nô lệ đã tăng thêm và Thượng Viện mất quân bình bất lợi cho miến Nam.

(4) Tổng Thống Abraham Lincoln chỉ hai ngày sau khi chấm dứt chiến tranh, vào ngày 14.04.1865 bị ám sát chết trong lúc ông đang tham dự một buổi trình diễn tại hí viện Ford ở Washington D.C. Người ám sát ông là diễn viên John Wickes Booth, một người có khuynh hướng ủng hộ miền Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.