Hôm nay,  

Truất Nhiệm Nghị Viên Madison Nguyễn?

08/12/200700:00:00(Xem: 13174)

Nghị viên Madison Nguyễn

Hội đồng thành phố San Jose tối ngày 20.11.2007 đã biểu quyết thông qua việc đặt tên cho một khu phố có đông cơ sở thương mại của người Việt trên đường Story Road là “Saigon Business District”. Đề xướng này của nghị viên gốc Việt Madison Nguyễn đã được thông qua với tỉ số 8-3 bất kể sự bất đồng tình của đại đa số trong 200 ý kiến phát biểu và sự hiện diện của khoảng một nghìn cư dân gốc Việt tại buổi họp để ủng hộ cho tên “Little Saigon”. Sự việc này đang tạo nên sôi nổi trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt vì sau kết quả của phiên họp có nhiều người cho rằng nghị viên Madison Nguyễn và thị trưởng Chuck Reed không còn đại diện cho nguyện vọng và quyền lợi của họ nữa. Từ những bất bình đó, đã có đề nghị đòi truất nhiệm hai dân cử nói trên.

Theo Hiến Chương của Thành Phố San Jose ban hành năm 1965 và được tu sửa nhiều lần sau đó, khoản 1603 qui định về việc dân có quyền đề xướng luật, về trưng cầu dân ý và về việc truất nhiệm dân cử.

Để đề nghị truất nhiệm thị trưởng hay một nghị viên thành phố được đưa vào lịch trình tổ chức bầu cử thì cần phải có chữ kí của ít nhất 12% tổng số cử tri đã ghi danh đi bầu cho chức vụ đó trong lần bầu cử gần đây nhất.

Như thế việc vận động truất nhiệm thị trưởng Chuck Reed rất khó vì ông được cử tri trong cả thành phố bầu lên. Với số cử tri ghi danh đi bầu thị trưởng năm ngoái là khoảng 370 nghìn thì phải cần ít nhất 45 nghìn chữ kí để có thể tiến hành thủ tục truất nhiệm thị trưởng. Đây là con số mà nếu chỉ người Việt đứng ra vận động thì khó đạt được, dù số cư dân gốc Việt của cả thành phố là trên dưới 90 nghìn.

Đối với khu vực 7 mà nghị viên Madison Nguyễn là đại diện, số cử tri ghi danh đi bầu là khoảng 30 nghìn. Tháng 6 năm 2006 Madison Nguyễn tranh cử không có đối thủ và được 7.179 phiếu. Kì bầu cử điền khuyết năm 2005, vòng chung kết có tất cả 29.415 cử tri ghi danh, Madison Nguyễn được 5.603 phiếu và đối thủ của cô là Linda Nguyễn được 3.355 phiếu. Nếu tất cả những cử tri đã không bỏ phiếu cho Madison Nguyễn trong kì bầu cử này và nay cũng vẫn không muốn cô đại diện, cộng với những cử tri đã chọn Madison Nguyễn, nay vì chuyện “Saigon Business District” mà muốn bãi nhiệm cô thì việc thu thập khoảng 4.000 chữ kí của cử tri trong đơn vị 7 là việc mà người Việt trong đơn vị này có thể thực hiện được.

Nhưng sau khi đã có đủ chữ kí và được ban bầu cử quận hạt kiểm chứng thì không có nghĩa rằng nghị viên Madison Nguyễn sẽ bị thôi chức. Đủ chữ kí mới chỉ có nghĩa là cơ quan chức năng sẽ tổ chức bầu cử để toàn khối cử tri khu vực 7 quyết định là có truất nhiệm người đại diện của mình hay không.

Việc truất nhiệm một nghị viên thành phố San Jose đã xảy ra vào tháng 5.1993, khi nữ nghị viên gốc da đen là bà Kathy Cole, thuộc đơn vị 8 vùng Evergreen, trong một hội nghị của những nhà hoạt động cộng đồng người da đen đã có những phát biểu mang nặng tính kì thị với người gốc Mỹ La-tinh, gốc châu Á và cả những người đồng tính.

Sự miệt thị những cộng đồng sắc dân khác của nghị viên Cole đã tạo một làn sóng phẫn nộ từ nhiều phiá, chính quyền cũng cư dân. Vài tuần sau, hội đồng thành phố trong một phiên họp sôi nổi kéo dài nhiều giờ, với sự tham dự của rất đông cư dân lên tiếng phản đối nghị viên Kathy Cole. Sau đó các nghị viên đã biểu quyết 10-0 lên án những phát biểu có tính cách nhục mạ của nghị viên Cole. Nhiều tiếng nói, ngoài dân chúng và trong chính quyền kêu gọi nghị viên Cole từ chức, nhưng bà cương quyết không ra đi và cho đó là quyền tự do phát biểu quan điểm chính trị của bà.

Từ đó một ủy ban vận động truất nhiệm nghị viên Kathy Cole ra đời với sự tham gia của nhiều sắc dân khác nhau, tích cực hơn cả là từ cộng đồng người gốc Ấn Độ trong thành phố. Tiến trình truất nhiệm đạt thành công khi cử tri đơn vị 8 bỏ phiếu truất nhiệm nghị viên Kathy Cole trong một cuộc bầu cử đặc biệt tổ chức vào tháng 4.1994.

Bản chất của việc truất nhiệm nghị viên Kathy Cole có tính phổ quát và là quan tâm của cư dân toàn thành phố San Jose. Trong khi đó căn nguyên của đề nghị truất nhiệm nghị viên Madison Nguyễn chỉ là quan tâm của người Việt và không có ảnh hưởng nhiều đến những cộng đồng khác.

Việc vận động bãi nhiệm nghị viên Madison Nguyễn ngoài khác biệt về nguyên do không phổ quát còn có thể còn gặp những khó khăn sau:

1/ Số cử tri gốc Việt trong khu vực 7 là khoảng 27%, trong khi đó gốc Mỹ La-tinh là 45%, còn lại là những sắc dân khác. Những phát biểu của một số đại diện hội đoàn gốc Mỹ La-tinh trong buổi họp chọn tên cho khu thương mại đã đồng tình ủng hộ đề nghị của nghị viên Madison Nguyễn.

2/ Trái với buổi điều trần về trường hợp nghị viên Kathy Cole khi hội đồng thành phố đã lên án bà với tỉ số 10-0, trong khi đó dù đa số người tham dự không tán thành tên do Madison Nguyễn đề nghị, hội đồng thành phố đã biểu quyết ủng hộ cô với tỉ số 8-3.

3/ Những người ủng hộ nghị viên Madison Nguyễn có lí do khá vững là tên “Saigon Business District” được coi như một lựa chọn dung hoà giữa những tên đã được đề nghị từ đầu như “Vietnam Town”, “Vietnamese Business District” và những đề nghị sau này là “New Saigon Business District” và “Little Saigon”.

Tiến trình truất nhiệm nghị viên Madison Nguyễn vì thế sẽ là một con dốc cao hơn con đường truất nhiệm nghị viên Kathy Cole trong quá khứ.

Một trong những căn bản của nền dân chủ là người dân có quyền thay những đại diện dân cử của mình qua những cuộc phổ thông đầu phiếu. Việc tín nhiệm, hay bất tín nhiệm các vị dân cử được thể hiện qua những kì bầu cử thường xuyên được tổ chức. Để bảo đảm cho cử tri có cơ hội và quyền thay thế người lãnh đạo nên nhiệm kì của dân cử thường là 2 năm hay 4 năm, hoặc lâu hơn cũng chỉ là 6 năm như trường hợp của nghị sĩ liên bang.

Luật pháp cũng dành cho cử tri quyền truất nhiệm một đại diện bất cứ khi nào họ thấy rằng người họ đã bầu lên không còn phản ánh nguyện vọng của họ. Nhưng việc truất nhiệm, cũng như trong bất cứ cuộc bầu cử nào, phiá thắng cử luôn có tổ chức, biết vận động và được sự ủng hộ của nhiều thành phần vì kết quả sau cùng tuỳ thuộc vào số lá phiếu bầu chọn của cử tri, chứ không phải là những hội họp, bàn tán, không phải dư luận hay những con số thống kê thăm dò, hoặc những kiến nghị, những cuộc biểu tình hoan hô hay đả đảo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong tuần qua, chúng ta đã gặp một chuỗi nghịch lý liên quan đến vấn đề nóng bỏng nhất của Hoa Kỳ ngày nay, là hồ sơ Iraq.
Đông Tiến là con đường tiến về phía Đông, hướng về phía Mặt Trời của đất nước Việt Nam thân yêu từ hải ngoại
Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước
Tin tức không làm ai ngạc nhiên là mấy ngày qua bà con dân oan các tỉnh thành phía Nam lại rủ nhau về Sài gòn tiếp tục "khiếu kiện đông người"
Những nước khác thì sao không biết, riêng Việt-Nam, sự hưởng-ứng nầy không phải là một thiện-chí của bạo-quyền Cộng-sản mà là một thủ-đoạn
Dù cho khẩu hiệu đề cao lòng yêu nước của đảng cộng sản Trung Quốc từ lâu đã bị người đời bác bỏ không thương tiếc
Luật Sư Nguyễn Quang Trung thay mặt các dân cử gốc Việt, phát biểu tại phiên họp Hội Đồng Thành Phố về dự án mở sòng bài
Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vấn đề trên qua cuộc trao đổi sau đây do Nguyễn Khanh thực hiện hầu quý thính giả.
Phong Trào Xanh Việt Nam - Green Vietnam Movement - Chủ Động Ứng Phó Với Thảm Trạng Ô Nhiễm Môi Sinh Ở Việt Nam.
Thế kỷ hiện nay có nhiều biến động. Qua các yếu tố, chính yếu là vật chất, thế giới chúng ta đang sống, ngày càng thu nhỏ lại
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.