Hôm nay,  

Ông Bush Điểm Quân Tính Số

06/10/200700:00:00(Xem: 9450)

Quy luật trái ngược của dân chủ và dân số...

Về dài thì ai cũng chết!

Một kinh tế gia nổi tiếng của Anh đã nói như vậy. Nhưng về dài thì mỗi quốc gia lại có thể sống hay chết một cách. Một trong những yếu tố quyết định sự thịnh suy đó của một quốc gia chính là văn hoá. Mà yếu tố văn hoá ấy cũng quyết định về một động lực chìm ít ai chú ý tới, đó là dân số, là nhân khẩu.

Hoa Kỳ là siêu cường có đặc tính văn hoá là chủ quan nóng ruột. Nhờ xuất hiện sau mà lại có nhiều quyền tự do nhất trên mặt địa cầu, người Mỹ có khả năng chọn lựa và thay đổi nhanh hơn nhiều dân tộc khác. Giải pháp nào mà không có lợi là sớm bị gạt bỏ để họ tìm ra giải pháp khác - tưởng là hay hơn. Sức năng động của xã hội Hoa Kỳ xuất phát từ đặc tính ấy, với mặt trái của nó trên lãnh vực chính trị và cả an ninh chiến lược là việc thường xuyên thay đổi chủ trương hay sách lược. Cho nên Hoa Kỳ thường thế giới bên ngoài bị kết án là lật lọng mà người dân Mỹ không hiểu tại sao, hoặc thản nhiên cho rằng đó là trách nhiệm của chính quyền đang tại chức. Họ bỏ phiếu căn cứ trên ấn tượng ấy.

Cũng vì nét văn hoá chủ quan nóng ruột, Hoa Kỳ là siêu cường quân sự có sức mạnh độc bá trên thế giới - nơi nào cũng vươn tới để gây ảnh hưởng - mà không thể chịu đựng được một cuộc chiến lâu dài. Có chính nghĩa hay không, vì lý do chính đáng về quyền lợi hay không, khi chiến tranh kéo dài tới năm thứ tư là người Mỹ nói chung đã thấy mệt, và muốn có giải pháp. Duy nhất có một cuộc chiến đã kéo dài quá kỳ hạn tâm lý bốn năm là cuộc chiến giành độc lập, mà ngay giữa cuộc chiến thần thánh và chính đáng ấy, đã có lúc "quốc phụ" George Washington xém bị cách chức vì một thất bại ngoài chiến trường!

Hoa Kỳ đã lâm chiến trong một cuộc chiến không chọn lựa - bị buộc phải ra quân - là cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cực đoan, xưng danh Thánh chiến, do al-Qaeda xướng xuất nhưng không duy nhất tiến hành. Trong cuộc chiến này, khai diễn từ năm 2001 sau vụ khủng bố 9-11, Hoa Kỳ đã mở ra hai mặt trận quân sự và một trận tuyến toàn diện. Đó là chiến dịch Afghanistan vào tháng 10 năm 2001, chiến dịch Iraq vào tháng Ba năm 2003 và trận tuyến toàn diện là ở khắp mọi nơi, bao trùm lên nhiều lãnh vực, từ tình báo đến ngoại giao, kinh tế....

Vì là một quốc gia trẻ, nước Mỹ không định nghĩa được cuộc chiến cho rõ ràng - danh xưng chưa thống nhất, bạn thù còn thiếu phân minh và mục tiêu lẫn chiến lược còn thiếu minh bạch. Đó là cuộc chiến chống khủng bố" Chống chiến tranh phá hoại" Chống du kích, nổi dậy" Cuộc chiến chống nghèo đói trong thế giới Hồi giáo hay chiến tranh tâm lý nhằm tranh thủ hậu thuẫn dân Hồi giáo và chính quyền của các nước Hồi giáo ôn hoà" Vân vân...

Do tình trạng mờ ảo đó, Hoa Kỳ có thể đạt thắng lợi về chiến thuật nhưng nhiều khi cũng chính thắng lợi ấy lại đi ngược với mục tiêu chiến lược. Thí dụ rõ ràng nhất là việc đánh rồi đàm với các nhóm Sunni, rồi lại đàm hay đánh với hệ phái Shia tại Iraq.

Người dân Mỹ không thể theo dõi từng chi tiết ngoắt ngoéo của tình hình tại chỗ, ở nhiều nơi, mà chỉ thấy rằng đánh mãi chưa thấy kết quả. Qua năm thứ tư thì mọi người đã muốn thấy giải pháp khác. Tại Việt Nam, giải pháp khác sau Lyndon Johnson là Richard Nixon - không là Hubert Humphrey ôn hoà hay George McGovern phản chiến. Và giải pháp của Nixon vẫn chỉ là tháo chạy trong danh dự.

Tình hình ngày nay cũng sẽ như vậy, bất kể tới khả năng hay gian ý - như nhiều người lập luận - của Tổng thống George W. Bush. Ông còn một năm để thu vén hồ sơ chiến tranh chống khủng bố - trong đó có chiến trường Iraq - và bàn giao cho người kế nhiệm. 

Điều mà có lẽ chính ông - và cả những người đang mong sẽ kế nhiệm - đã không mấy chú ý là vấn đề nhân khẩu, dân số học.

Hoa Kỳ là quốc gia có quân đội thiện nguyện - tự nguyện tòng quân chứ không phải là bị bắt đi quân dịch. Và những thanh niên xin nhập ngũ đã chọn lựa một lối sống "không giống ai" là chịu đựng hy sinh nhưng được đền bù không bằng một phần của các bạn đồng học đã chọn cách sống khác, là đi làm trong khu vực dân sự.

Đây là nghịch lý của một quốc gia thường bị kết án là đế quốc. Thời đế quốc hay trong các chế độ độc tài ngày nay, thành phần cầm súng bảo vệ xứ sở hay chính quyền là những người được ưu đãi hơn hẳn thường dân còn lại. Hãy cứ so sánh binh lính Miến Điện có quân trang, quân phục và lương lậu hẳn hoi với dân chết đói đang bị đàn áp thì mình rõ! Nhưng đây không là chuyện chính.

Ngay cả trong giả thuyết bi quan và mơ hồ là Hoa Kỳ trở lại chế độ trưng binh để cưỡng bách thanh niên (nam nữ) nhập ngũ bảo vệ đất nước, thì tình hình cũng không khá hơn. Không khá hơn là so với đối phương....

Một nhà nhân khẩu học đã so sánh, rằng nếu dân số Hoa Kỳ cũng tăng trưởng như dân số Pakistan từ thời độc lập - từ 60 năm về trước - thì nước Mỹ ngày nay đã có một tỷ dân thay vì 300 triệu, với một thành phần có khả năng tòng quân hay cầm súng rất cao trong tỷ lệ dân số. Tình trạng phát triển của Hoa Kỳ - nếp văn hoá hậu công nghiệp - khiến các gia đình Mỹ không muốn có nhiều con, và thông thường thì một trai một gái là vừa tròn vừa đẹp. Và nếu tòng quân nhập ngũ, quân số sẽ không cao, và mỗi tổn thất nhân mạng sẽ là một thảm kích khó chịu đựng được trong từng gia đình.

Trong thế giới Hồi giáo, tình trạng một nhà có năm bảy con, trong đó có dăm ba con trai, từ 15 đến 30 tuổi, là hiện tượng bình thường, và là đa số. Khi khẩu hiệu "tất cả cho chiến trường" được ban bố, Hoa Kỳ thiếu quân và đo đếm tổn thất khác hẳn với các xã hội đang được quân khủng bố khích động và chiêu mộ.

Mà nước Mỹ là quốc gia kỹ nghệ có chánh sách di dân thuộc loại cởi mở nhất, đã và sẽ còn tiếp nhận di dân - thành phần có sinh suất cao nhất, đẻ con nhiều nhất - nên phần nào trung hoà được hiện tượng "lão hoá" của thành phần "bản địa", những người Mỹ sinh đẻ trên đất Mỹ. Trong các quốc gia kỹ nghệ tiên tiến, Hoa Kỳ chưa bị "mất dân" như trường hợp đã mười mươi tại Nhật Bản hay đang trở thành phổ biến tại Âu châu.

Có thể là yếu tố nhân khẩu - dân số tăng ít hoặc giảm mạnh - mới là làn sóng ngầm giải thích vì sao dân chúng Âu châu lại có tinh thần e sợ tổn thất và trở thành phản chiến hơn dân chúng Hoa Kỳ. Và điều ấy tất nhiên ảnh hưởng đến giới lãnh đạo lẫn các chủ trương chiến hòa của hai thế giới Âu châu và Hoa Kỳ.

Nói lại cho gọn thì về dài, Hoa Kỳ không thể thắng được trong cuộc chiến chống lại các lực lượng khủng bố rất trẻ xuất phát từ những xã hội Hồi giáo đông dân. Đội quân quá khích sẵn sàng lao vào hành động khủng bố tự sát có một vựa dân rất đông, cho tới khi dân số của nhiều nước Hồi giáo sẽ tăng chậm hơn và giảm dần - như đang thấy tại Iran - trong vài chục năm nữa! Chưa kể là các nhóm thanh niên cuồng tín ấy nay đã có thể dùng Internet để phổ biến hay tiếp nhận thông tin và kỹ thuật ráp chế chất nổ...

Bom khôn hay tình báo tinh vi của Hoa Kỳ - hay của các nước Âu châu - vẫn khó chặn ngược làn sóng bạo động được nuôi dưỡng bằng một dân số rất trẻ lại không thiết tha đến đời sống như các thanh thiếu niên Âu-Mỹ. Đấy là một cách điểm quân tính số rất phũ phàng ác nghiệt, nhưng thực sự có chi phối cái lẽ thành bại trong lâu dài.

Một thí dụ khác, trước khi trở lại tính toán của ông Bush, là tình trạng của Israel. Quốc gia này có phương tiện và khả năng tự vệ thuộc loại siêu đẳng như một ốc đảo dân chủ và tự do giữa một đại dương cuồng tín. Nhưng Israel đã trở thành "văn minh" và có dân số giảm dần với tỷ lệ già lão cao hơn. Ngược lại, dân Palestine vẫn sinh đẻ nhiều hơn và được quốc tế viện trợ về y tế và nhân đạo để tiếp tục sinh con đẻ cái.

Thành phần thanh niên Do Thái đang giảm dần và chỉ bằng phân nửa các "bạn" đồng tuổi người Palestine trong dải Gaza hay vùng Tây ngạn sông Jordan. Khi cần các tay đặc công tự sát, là giải pháp đang được Iran, lực lượng Hezbollah và Hamas khuyến khích, thì dân Palestine không thiếu người! Bom khôn hay cả võ khí nguyên tử của Israel sẽ không thể giải quyết được vấn đề này, nên chiến cuộc sẽ khó chấm dứt.... Cho tới ngày mà dân Palestine cũng trở thành "văn minh", đẻ con ít hơn, hoặc giáo dục nhiều hơn về phản ứng quý trọng đời sống tới độ chấp nhận được tinh thần hoà giải.

Nghĩa là một ngày rất xa....

Ông Bush có khôn lanh như Bill Clinton, anh hùng như Ronald Reagan, hoặc mềm giẻo như thân phụ cũng không thoát khỏi quy luật phũ phàng đó. Việc dân Mỹ có xốn xang về những tổn thất dù sao cũng rất nhẹ của binh lính Mỹ tại Iraq cũng không hoàn toàn do sự bất lực hay lầm lẫn của ông.

Một quyết định về chính trị hay xã hội để đảo ngược trào lưu dân số là điều chỉ công hiệu sau cả chục năm, ít ra năm lần bầu cử lớn nhỏ của xã hội Hoa Kỳ. Cuộc tranh luận và sự bất lực của Chính quyền Hoa Kỳ, cả Hành pháp lẫn hai đảng trong Quốc hội, về chế độ di dân hiện nay có cho thấy điều ấy. Chưa kể rằng việc "trẻ trung hoá dân số" bằng lực lượng di dân từ miền Nam lên không phải là không gây vấn đề cho xã hội Mỹ.

Bây giờ, còn lại một năm cầm quyền trước khi chuẩn bị bàn giao cho người kế nhiệm vào tháng Giêng năm 2009, ông Bush có thể làm gì"

Hoa Kỳ sẽ không thể triệt thoái toàn bộ quân đội ra khỏi Iraq.

Đảng Dân chủ không thể và cũng hết dại dột đòi hỏi điều ấy để mang tiếng là chỉ biết kéo cờ tháo chạy. Càng gần ngày bầu cử họ càng thấy rằng chuyện Iraq không thể chấm dứt được nguy cơ khủng bố toàn cầu, và các ứng viên sáng giá nhất đã bắt đầu đưa ra những tuyên bố hay chủ trương có trách nhiệm hơn. Thậm chí còn cực đoan hơn ông Bush về việc truy lùng khủng bố Taliban tại Pakistan, hay... đưa quân vào Darfur để chấm dứt nạn diệt chủng!

Mục tiêu của Hoa Kỳ, thời Bush cuối mùa và qua tới người kế nhiệm sẽ hết là xây dựng quốc gia hay phát huy dân chủ tại Iraq mà là đảm bảo sự ổn định cho toàn bán đảo Á Rập. Quân số bao nhiêu thì đủ là vấn đề thuộc phạm vi quân sự và trong bao lâu nữa là một vấn đề thuộc phạm vi chính trị, tại Trung Đông và tại Hoa Kỳ.

Dân Mỹ có thể đồng ý để Hoa Kỳ duy trì một quân số vài chục ngàn tại Iraq, như tại Nam Hàn từ 1953 tới nay, nếu sự hiện diện ấy có góp phần ổn định và không gây tổn thất nhân mạng cho lính Mỹ. Sự kiện số tổn thất của lính Mỹ có giảm hẳn từ mấy tháng nay khiến đảng Dân chủ mất thế mạnh để đòi rút chạy lập tức - hay tái phối trí chiến lược hoặc chiến thuật, là rút chạy trong danh dự. Sau này, mức tổn thất sẽ ra sao, bao nhiêu là "chịu đựng nổi""

Mức tổn thất ấy tùy thuộc vào lực lượng đối nghịch - hay đối trọng - là Iran.

Từ năm ngoái, Iran đã tính sai nhiều nước cờ khi tưởng là tổn thất của Mỹ sẽ khiến đảng Dân chủ thắng cử và từ đó ông Bush phải rút quân. Tính sai vì dù đảng Dân chủ có thắng thì cũng không với một tỷ lệ áp đảo và vượt qua khả năng phủ quyết của Tổng thống. Càng tính sai hơn nữa là khi Bush không nhượng bộ mà còn đòi đôn quân đánh tới. Một lần tính sai nữa là trong tháng Tám vừa qua, khi thấy đảng Dân chủ ráo riết tấn công Hành pháp của Mỹ nên đã chối từ hội đàm với Mỹ.

Bây giờ, Tehran đang phải tính lại và trở lại tình thế vừa đánh vừa đàm với Hoa Kỳ. Việc chính quyền Bush công khai trang bị võ khí cho lực lượng Sunni và oanh kích thẳng vào căn cứ đặc công của lực lượng Shia vào tuần qua cho thấy là Mỹ không yếu thế như họ tưởng. Cho nên các Giáo chủ Tehran có thể đã đạt một mục tiêu đồng quy với... ông Bush: thà là chấp nhận giải pháp thoả hiệp với một tổng thống yếu thế còn hơn là đàm phán lại từ đầu với vị tổng thống tân cử vào tháng 11 năm tới.

Đàm phán như thế nào và thỏa hiệp tới mức nào thì còn tùy vào khả năng của Đại tướng David Patreaus, sức ép của Liên hiệp Âu châu hay sự nâng đỡ bao che của Liên bang Nga và Trung Quốc. Cho đến giờ này, Âu châu và cả Nhật Bản đã có lập trường cứng rắn hơn về kế hoạch võ khí hạch tâm của Tehran, cho nên, ông Bush không đến nỗi suy nhược và việc Hoa Kỳ sẽ còn hiện diện tại Iraq, càng sát biên giới Iran càng hay, có thể là di sản của ông dành cho người kế nhiệm.

Khi ấy, bài toán về dân số sẽ là nỗi ám ảnh cho vị Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ.

Giải pháp dễ hiểu nhất trong trung hạn, từ hai tới năm năm, là các đơn vị Mỹ sẽ xây căn cứ kiểm soát tình hình, nhưng lính Mỹ sẽ huấn luyện cho quân đội Iraq canh chợ và lo lấy thân, chứ không thủ vai vịt trời để bị đặc công đánh bom bắn sẻ làm dư luận ở nhà sẽ xót xa đòi rút.

Trong dài hạn, lãnh đạo mới của Hoa Kỳ sẽ phải rút tỉa kinh nghiệm của ông Bush để xác định lại bản chất và mục tiêu của cuộc chiến, trên một bình diện toàn cầu và với đặc tính toàn diện.

Người ta cứ lầm tưởng rằng đây là một cuộc chiến "không cân đối", giữa một đệ nhất siêu cường quân sự có võ khí tối tân đang chống lại một lực lượng chân đất đánh bom tự sát. Sự không cân đối ít ai nhìn ra cuộc chiến giữa một hình thái xã hội dân chủ, yêu tự do và ham hưởng thụ mà ít tuổi trẻ đang phải đối đầu với các xã hội đông dân, trong đó một thành phần trẻ bị tuyên truyền bằng tư tưởng sát nhân và có sẵn kiến thức gieo rắc cái chết.

Người ta cứ lầm tưởng rằng dân chủ là trào lưu tất yếu mà quên rằng dân số lại có những đặt để tai ái của nó. Có dân chủ là biết tôn trọng người khác và nhờ đó mà có thăng tiến trong đời sống, nhưng cũng vì đó mà mỗi đứa con, mỗi công dân là một báu vật phải nuôi dưỡng, giáo dục và tôn trọng, thương tiếc. Ngược lại, việc gieo rắc dân chủ lại chậm có kết quả hơn việc... đẻ con. Và xứ sở càng đông dân với một chính quyền yếu thì độc tài và khủng bố càng dễ nảy sinh. Đạo quân rất trẻ được ra đời trong các xứ này thấy rằng học bắn lại dễ dàng và lý thú hơn học tập dân chủ. Cả triệu đô la của Mỹ mới huấn luyện ra một người lính có mạng sống đáng quý như vàng, so với vài ngàn để một thiếu nhi có thể lẫy cò bắn chết từ nóc chợ là một quy luật thiếu cân đối khác.

Đệ nhất siêu cường kinh tế và quân sự cũng có thể thấy mình cạn vốn - người và tiền - trong cuộc đua bi thảm này.

Chính quyền Bush không còn thời gian và hoàn cảnh đối phó với sự thể éo le đó, nhưng có thể tạo ra điều kiện ít tệ nhất cho các chính quyền kế tiếp nhìn ra vấn đề. Rồi tìm giải pháp.

Điều chắc chắn là chúng ta sẽ không thấy các ứng viên tranh cử nêu ra vấn đề hay giải pháp thuộc loại âm thầm mà mãnh liệt như dân số. Đây là loại vấn đề lâu dài mà phải vài chục năm theo dõi người ta mới thấy ra. Mà về dài thì ai cũng chết. Trong khi ấy, cứ hai năm hay bốn năm là Hoa Kỳ lại có một kỳ bầu cử, để giải quyết những mục tiêu trước mắt.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học. Quán của ông vừa là nơi ăn ở miễn phí vừa là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn kiếm thêm thu nhập…May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoảng lợi nhuận ấy quá dư giả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.