Hôm nay,  

Ngợi Ca Thị Trường

24/02/201000:00:00(Xem: 9834)

Ngợi Ca Thị Trường

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long RFA

...càng thu hẹp vận hành của thị trường lại càng tạo ra bất công xã hội...

Mọi chuyện khởi đầu hai năm về trước, khi tập đoàn đầu tư Bear Sterns của Hoa Kỳ vỡ nợ vào tháng Ba năm 2008 và bị bán tháo cho JP Morgan Chase. Rồi khủng hoảng lên tới cao điểm vào tháng Chín năm đó với sự sụp đổ của hàng loạt cơ sở tài chính Mỹ như Lehman Brothers, AIG, Fannie Mae và Freddie Mac... Từ Hoa Kỳ, vụ khủng hoảng tài chính lan rộng và gây hốt hoảng toàn cầu khiến người ta hoài nghi quy luật thị trường và nguyên tắc tự do kinh tế. Nhiều chính quyền phải trực tiếp can thiệp vào thị trường để cứu vãn tình hình. Hai năm sau, người ta bắt đầu thấy ra là kinh tế thế giới chỉ bị suy trầm toàn cầu chứ không bị khủng hoảng. Nhưng mối hoài nghi nguyên tắc tự do kinh tế thì vẫn còn, và vẫn còn ảnh hưởng đến chính sách kinh tế của nhiều quốc gia. Nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nêu quan điểm ngược trong phần trao đổi của mục Diễn Đàn Kinh Tế đài RFA do Việt Long thực hiện sau đây. Rằng người ta không nên vì hốt hoảng mà vội xoá bỏ thị trường và phạm nhiều sai lầm khác về chính sách.
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Hai năm sau vụ sụp đổ của tập đoàn đầu tư Bear Sterns tại Hoa Kỳ và những chấn động lan rộng cho kinh tế toàn cầu, người ta có thể nói là thế giới hú vía vì không bị một vụ Tổng khủng hoảng như đã xảy ra 80 năm về trước. Tất cả chỉ là một vụ suy trầm toàn cầu như ông trình bày cuối năm ngoái. Nhưng, nếu nhìn lại toàn cảnh trong viễn ảnh dài thì chúng ta có nên đưa kinh tế thị trường ra trước vành móng ngựa không" Vì dù sao, những bấp bênh của thị trường hay bất cẩn hoặc thậm chí sự bất lương của nhiều doanh gia đã dẫn tới tình trạng suy sụp chung mà nạn nhân chính yếu vẫn lại là dân nghèo ở khắp nơi. Đánh dấu hai năm của vụ khủng hoảng tài chính Mỹ, từ chuyện tổ hợp Bear Sterns vỡ nợ vào tháng Ba năm 2008, chúng tôi muốn mở lại hồ sơ này. Ông nghĩ sao"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là nhờ thời gian lắng đọng, chúng ta rất nên mở lại hồ sơ ấy để đừng phạm nhiều sai lầm cũ. Sai lầm tai hại nhất là vì nạn suy trầm toàn cầu mà nhiều người hết tin tưởng vào quy luật thị trường, nhiều chính quyền còn can thiệp nặng nề hơn và gây nhiều tổn thất kinh tế cho người dân. Vụ tập đoàn đầu tư hạng thứ tư của Mỹ Bear Sterns vỡ nợ và phải bán tháo là "con hoàng yến chết trong hầm mỏ", tức là chỉ dấu báo hiệu tai họa, nhưng không là chỉ dấu duy nhất, mà cũng chẳng là nguyên nhân....
Việt Long: Xin ngắt lời ông ngay tại đây. Ông ví chuyện Bear Sterns với "con hoàng yến chết trong hầm", ẩn dụ ấy có nghĩa là gì"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đây là điều ta cũng nên nhớ vì truyền thông kinh tế thường hay sử dụng. Trong giai đoạn đầu của công nghiệp hoá, người ta chưa có phương tiện kỹ thuật hiện đại để phỏng đoán tai nạn. Vào thế kỷ 19, giới khai thác than đá tại Anh và Mỹ thường đem theo chim hoàng yến xuống hầm. Khi thấy chim chết, họ có thể đoán là trong hầm có hơi độc chết người, như thán khí hoặc chất mêtan không mùi vị, để kịp ra khỏi hầm trước khi tai họa xảy ra. Sau đấy, giới kinh tế dùng chuyện ấy làm ẩn dụ để nói về chỉ dấu dù nhỏ nhoi mà báo hiệu chấn động lớn.
- Thật ra, con hoàng yến đầu tiên báo hiệu khủng hoảng tài chính là ngân hàng Northern Rock của Anh bị vỡ nợ từ ngày 14 tháng Chín năm 2007 vì tín dụng gia cư sụp đổ, và kéo theo nhiều ngân hàng Âu châu khác. Nghĩa là chỉ dấu đã manh nha từ một năm trước, và từ Âu Châu. Ngày nay mà các ngân hàng Âu Châu vẫn chưa ra khỏi khó khăn thì cũng do nguyên nhân của khủng hoảng nằm trong nội tạng của kinh tế Âu Châu chứ không vì bị lây bệnh từ Hoa Kỳ.
Việt Long: Bây giờ mà nhìn lại thì ta rút tỉa được những bài học gì mà ông nói rằng không nên đổ tội cho kinh tế tự do"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Giờ đây mà nhìn lại thì chúng ta thấy thế giới đã từng trôi vào chu kỳ suy trầm toàn cầu rất nhiều lần. Theo định nghĩa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế được hầu hết các nước cùng áp dụng thì suy trầm toàn cầu - hay global recession - xảy ra khi tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế thế giới chỉ đạt mức tối đa là 3% một năm. Nếu đo lường như vậy thì từ khi Việt Nam tiến hành đổi mới và hội nhập vào thị trường thế giới, thế giới đã bị bốn đợt như vậy, trung bình thì cứ tám chín năm lại bị một lần. Vì vậy người ta mới gọi là chu kỳ, là hiện tượng thường tái diễn một cách định kỳ. Về cụ thể thì thế giới có bốn đợt suy trầm: 1990-1993, rồi 1998-1999, rồi 2000-2001. Mới nhất là vụ suy trầm 2008-2009.
Việt Long: Tuy nhiên, tình hình nhiều nơi vẫn chưa mấy khả quan hoặc còn quá nhiều bất trắc, cho nên người ta có quá lạc quan không khi nói rằng suy trầm đã hết"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Khi ta nói rằng chấn động rộng lớn vừa qua chỉ là một chu kỳ "suy trầm toàn cầu", hay "tổng suy trầm", thì đấy cũng là nhận định mà có người cho là lạc quan vì tin rằng tình hình thực tế còn quá u ám ở nhiều nước - ví dụ điển hình là Âu Châu mà diễn đàn này có đề cập tới ngay trước Tết Nguyên đán. Tức là nhân loại chưa ra khỏi hầm tối để thấy ánh sáng của hồi phục kinh tế.
- Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì ta có thể thấy là nhiều quốc gia vẫn chưa thoát khỏi cảnh bấp bênh bất trắc như ông vừa hỏi chính là vì các "liều thuốc đổ bệnh", nôm na là bị hiệu ứng từ chính kế hoạch cứu nguy kinh tế. Cũng vì vậy mà bây giờ ta mới nên cảnh giác.
Việt Long: Nếu vậy, xin ông nói qua về những liều thuốc đổ bệnh ấy trước khi giải thích vì sao tự do kinh tế vẫn có giá trị và nhân loại đừng vội dẹp kinh tế thị trường.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Câu chuyện rất dài nên tôi chỉ xin trình bày rất đại lược về một số ví dụ tiêu biểu mà thôi.


- Trước hết, Nhật đã bị bể bóng đầu tư về địa ốc và chứng khoán đúng 20 năm trước mà chưa ra khỏi khủng hoảng và nay vẫn lại bị suy trầm nữa. Lý do bong bóng là thất quân bình từ cơ chế vĩ mô khiến mặt trời lặn quá lâu trên đất nước của Thái dương Thần nữ. Sau đó, ách tắc chính trị và nếp văn hoá muốn duy trì sự ổn định bằng mọi giá khiến Nhật Bản không dám cải cách mạnh cho kinh tế thêm tự do mà cứ tiếp tục biện pháp tăng chi để cứu nguy nên bị mắc nợ quá nặng. Một nguyên nhân khách quan khác là hiện tượng lão hóa dân số khiến năng suất chưa kịp tăng.
- Trường hợp nguy kịch thứ hai là Âu Châu. Khủng hoảng sở dĩ bùng nổ vì sự lạc quan thái quá sau khi giải phóng và hội nhập Đông Âu và Trung Âu, và ngày nay tiếp tục hoành hành vì nhiều nước Tây Âu đã tăng chi quá sức vì chủ trương bao cấp kinh tế - là trường hợp của các nước Pháp, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và nhất là Hy Lạp đang trên mé bờ vỡ nợ. Đã thế, cơ chế pháp lý và chính trị của cả Liên hiệp Âu châu lẫn khối Euro không cho phép giới hữu trách có biện pháp cứu vãn thích đáng. Việc hai cường quốc kinh tế là Đức và Pháp còn bị đình công tuần này ngay vào lúc cần phối hợp kế hoạch cứu nguy Hy Lạp cho thấy nỗi khó khăn của họ. Căn bản nhất là trong cả hai trường hợp Nhật Bản và Âu Châu, chế độ bao cấp và giới hạn tự do kinh tế mới khiến họ khó ứng phó với một chu kỳ suy trầm.
Việt Long: Còn trường hợp của Hoa Kỳ, dù sao cũng là nền kinh tế thuộc loại tự do nhất, vì sao kinh tế xứ này vẫn còn gặp bất trắc sau khi đã hồi phục từ sáu tháng nay"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Hoa Kỳ gặp một vụ khủng hoảng chính trị ngay trong thời chiến.
- Khủng hoảng chính trị bùng nổ từ hai yếu tố song hành mà nhập làm một. Thứ nhất là sự chủ quan và thiếu kỷ luật của đảng Cộng Hoà khi chiếm đa số khiến dân Mỹ thất vọng. Thứ hai là sự lạc quan cũng chủ quan không kém của đảng Dân Chủ sau khi đại thắng trong hai cuộc bầu cử liền vào các năm 2006-2008. Sự lạc quan thái quá xảy ra khi dân Mỹ đang hốt hoảng khiến Chính quyền lầm tưởøng rằng có thể nhân cơn khủng hoảng mà tiến hành cải tạo xã hội thay vì tập trung vào việc cứu nguy kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng.
- Cơ chế chính trị linh động của Mỹ - hơn Nhật Bản và Âu Châu rất xa - khiến Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể ráo riết áp dụng biện pháp tiền tệ để kinh tế ra khỏi suy trầm từ giữa năm ngoái. Nhưng các biện pháp cải tạo xã hội của chính quyền đã gây ách tắc chính trị và đánh sụt niềm tin của dân chúng - và của thị trường như ta vừa thấy hôm Thứ Ba 23 này - khiến thất nghiệp chưa thể giảm và sản xuất chưa tăng mạnh. Yếu tố chính ở đây là nhiều người dại dột kết án thị trường và trông chờ vào chính quyền, mà chính quyền thì không ưu tiên kích thích kinh tế vì nhắm vào những ưu tiên khác. Vì vậy mà kinh tế sẽ ảnh hưởng ngược vào chính trị và dẫn tới thay đổi trong kỳ bầu cử cuối năm nay.
Việt Long: Bây giờ ta tiến sang trường hợp Trung Quốc là nơi có đà tăng trưởng rất cao nhờ sự can thiệp của chính quyền vào thị trường. Ông giải thích ra sao về hiện tượng này"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trong chương trình tuần trước, chúng ta có nói đến "ảo ảnh chết người" của Trung Quốc khi mà đầu tư đóng góp tới 92% vào đà tăng trưởng 8,7% của xứ này, trong khi thị trường xuất cảng vẫn sa sút và tiêu thụ thì èo uột. Sự việc ấy cho thấy là nếu nhà nước không thò tay đẩy cỗ xe kinh tế thì kinh tế sẽ trì trệ. Nhưng nhà nước không là giải pháp mà là vấn đề vì khi bơm tiền đầu tư qua ngả tín dụng và tăng chi thì cũng lại thổi lên bong bóng đầu tư và tái phân lại lợi tức cho một thiểu số có chức có quyền. Vì vậy, kế hoạch kích thích kinh tế thật ra gây tác dụng ngược và càng thu hẹp sự vận hành của thị trường lại vừa tạo ra bất công xã hội, nên tích lũy những động lực ngầm của động loạn. Nói như vậy thì nhiều người ở Hà Nội có thể không tin, nhưng nếu so sánh với tình hình Ấn Độ là một xứ bị suy trầm nhẹ hơn và có tốc độ tăng trưởng cũng rất cao thì ta thấy ra sự khác biệt.
Việt Long: Ông giải thích cho sự khác biệt ấy là gì"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Sau Trung Quốc 10 năm, Ấn Độ đã tiến hành cải cách từ 20 năm trước và dưới một chính quyền thiên tả, bao cấp, của đảng Quốc Đại. Thực tế thì đấy là cuộc cách mạng về tư duy sau khi xứ này áp dụng mô hình tập trung quản lý trong mấy thập niên liền rồi hiểu ra sự thể khi Liên bang Xô viết khủng hoảng và tan rã. Kết quả là kinh tế đạt tăng trưởng từ 7 đến 9%. Chính quyền bảo thủ của đảng Quốc gia lên nắm quyền từ năm 2000 tiếp tục đường lối đó cho tới năm 2005 thì thất cử, nhưng liên minh do đảng Quốc đại thiên tả trở về cầm quyền cùng với đảng Cộng sản vẫn theo đuổi việc cải cách kinh tế cho thêm tự do. Căn bản nhất như ta thấy là xứ này kiên định lập trường bảo vệ quy tắc dân chủ và khi bị suy trầm vẫn không áp dụng lại các biện pháp bao cấp thời xưa. Thành tích ấy ít được thế giới chú ý nhưng thật ra rất đáng cho Việt Nam nghiên cứu.
- Nói chung, kinh tế thị trường có thể gây nhiều xáo trộn hầu như định kỳ nhưng trong một bối cảnh tăng trưởng và phát triển khả quan hơn. Việc nhà nước can thiệp để điều chỉnh cơ chế và kích thích sản xuất là cần thiết. Nhưng, nếu vì những xáo trộn ấy mà nhà nước lại thu hẹp sự vận hành của quy luật thị trường để chủ động tái phân lợi tức và bố trí tài nguyên quốc gia thì kinh tế sẽ khó tăng trưởng. Và sẽ càng không thể phát triển vì những bất công và lệch lạc xuất phát từ chính nhà nước. Sau một trận suy trầm toàn cầu mà nhắc lại chuyện này thì không là vô ích.
Việt Long: Xin cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sau 28 ngày màn trời chiếu đất, đói khát, bệnh hoạn, những người dân cùng khổ rủ nhau lên trước tòa nhà gọi là Quốc Hội của thành phố mang tên Hồ Chí Minh
Vừa nghe thông tin từ Đài Truyền hình Việt Nam: Trong đợt thi vào lớp 10 ở TP. HCM mới đây, có tới 13.000 học sinh (mười ba ngàn) đạt kết quả điểm thì cao
Dường như đảng Cộng sản Việt Nam không biết chán khi nói đi nói lại các vấn đề : Tư tưởng đảng viên đã mòn; Nội bộ Đảng đã ruỗng; Cán bộ thích làm quan
Sau 26 ngày dầm mưa dãi nắng, chịu đựng đói khát lên khiếu kiện mất nhà mất đất ở
Quốc hội Châu Âu ra Quyết Nghị định giá lại chính sách hợp tác với Việt Nam và tố cáo Việt Nam đàn áp nhân quyền và tôn giáo...
Ngày hôm qua 18, Tổng thống Bush đã tránh được một viên đạn giấy từ Thượng viện phóng ra khi viện trên của Quốc hội Mỹ vẫn không hội đủ
Cho tới 11 giờ đêm Thứ Hai 17-7, khoảng 300 công an CSVN sắc phục, vũ trang vẫn đang bủa vây đoàn dân oan biểu tình tại Saigon.
Từ khi xuất hiện tại Việt Nam tới nay, lúc nào đảng Cộng Sản cũng nói tới chuyện ‘ cách mạng, giải phóng ‘, khiến cho ai đã nghe rồi
Cuộc biểu tình của dân oan khiếu kiện nhà đất bị CS cướp giật đã kéo dài đến ngày thứ 23. Từ những ngày đầu, khi đồng bào hải ngoại được tin cuộc biểu tình
Tường thuật về những ngày cùng bà con các tỉnh phía nam biểu tình đòi lại tài sản bị cướp đoạt phi pháp tại Văn Phòng Đại Biểu Quốc Hội 194 Hoàng Văn Thụ
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.