Hôm nay,  

Việt Nam Và Ngày Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn Bị Đàn Áp Và Cầm Tù

12/12/200900:00:00(Xem: 4893)

Việt Nam Và Ngày Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn Bị Đàn Áp Và Cầm Tù


 (Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ)
Tham gia Ngày Văn Bút Quốc Tế Bênh vực Nhà Văn bị Đàn áp và Cầm tù – 15 tháng 11 năm 2009 -, nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt đã phổ biến một bài viết bằng Pháp và Anh ngữ đến các giới truyền thông Thụy Sĩ và quốc tế. Bài viết cũng được gởi để thông tri đến Chủ tịch, Phó Chủ  tịch, Tổng Thư ký và ban Chấp hành Văn Bút Quốc Tế, Uỷ Ban Bênh Vực Nhà Văn bị cầm tù, các Trung tâm thành viên và nhiều thi văn hữu.

Toàn văn bài này, dưới tựa đề ‘’Nhà Văn, Nhà Báo bị Đàn Áp, bị Giam Cầm và bị Ám Sát’’, được đăng lần đầu tiên, ngày 3 tháng 11 năm 2009, trên Diễn đàn của tổ chức quốc tế Bảo Vệ Nhân Quyền PROTECTION INTERNATIONAL.

Đúng vào ngày 15 tháng 11, trang Thông Tin của Trung tâm Văn Bút Pháp (P.E.N. Club Français) phổ biến một bản tin dưới tựa đề ‘’Ngày Nhà Văn bị Đàn Áp: (Vận động can thiệp) cho nhà văn Trần Khải Thanh Thủy’’. Văn Bút Pháp trích đăng bài viết của nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt kể lại chuyện tác giả ‘’Viết từ Hang đá - Nhỏ lệ cùng Dân’’ bị hành hung, đánh đập do những kẻ lạm dụng quyền thế tổ chức. Để rồi nhà nữ trí thức nạn nhân lại bị công an bắt giam độc đoán từ đêm 8 tháng 10 năm 2009 về tội ‘’cố ý gây thương tích cho một người khác’’. Văn Bút Pháp cực lực phản kháng sự đàn áp đối với nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và đòi nhà cầm quyền Hà Nội phải thật sự tôn trọng nhân quyền và quyền tự do phát biểu quan điểm. Đồng thời Văn Bút Pháp yêu cầu chính phủ Pháp can thiệp cho nữ văn hữu Việt Nam.

Ngày 4 tháng 11, nhựt báo thông tin ngôn luận độc lập LE COURRIER đăng bài ‘Đừng Quên các Nhà Văn và Nhà Báo bị Đàn áp, bị Cầm tù và bị Ám sát’’. Tờ báo nhấn mạnh Quyền Tự do Phát biểu quan điểm và viết rằng: ‘’Nguyên Hoàng Bảo Việt, hội viên Văn Bút Quốc Tế, Hiệp Hội Nhà Văn Thế Giới, tố cáo chế độ CSVN đối xử tồi tệ các nhà báo, dân chủ đối kháng’’. Đến ngày 14 tháng 11, nhựt báo lớn và lâu đời TRIBUNE DE GENÈVE đăng giới thiệu trong mục Lá Thư Ngày Hôm Nay bài ‘’Tưởng Nhớ các Nhà Văn bị Đàn áp’’. Tiếp theo, ngày 18 tháng 11, nhựt báo LE TEMPS (khuynh hướng báo LE MONDE Pháp) cho đăng bài: ‘’Các Nhà Văn bị Đàn Áp’’, kèm theo hình vẽ một nhà văn bị nhốt, hai tay nắm hai chấn song sắt của  cửa sổ nhà giam.

Hưởng ứng cuộc vận động toàn cầu của Văn Bút Quốc Tế trong tinh thần đoàn kết để Bênh vực Nhà Văn bị Đàn áp và Cầm tù*, ba Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Đức, Pháp và Ý thoại đã hợp tác tổ chức ba buổi Hội luận và Họp báo tại ba thành phố Zurich, Genève và Lugano. Năm nay, hai diễn giả được mời là bà Pinar Selek, nhà văn, nhà báo và nhà xã hội học Thổ Nhĩ Kỳ, lưu vong ở Berlin, nước Đức và bà Susanne Scholl, nhà văn và nhà báo Áo, phái viên Văn phòng Mạc Tư Khoa của đài Vô tuyến Truyền hình Áo, hội viên Trung tâm Văn Bút Áo. Tại Genève, ngoài các hội viên Văn Bút hiện diện còn có giới truyền thông đại chúng và những người quan tâm đến vấn đề ‘’Bảo vệ Quyền Tự do Phát biểu Quan điểm’’. Các tham dự viên nhận được một tập tài liệu giới thiệu hoạt động của Ủy Ban Bênh vực Nhà Văn bị Đàn áp và Cầm tù và thông tin về tình trạng các nhà văn, dân chủ đối kháng và bảo vệ nhân quyền bị trấn áp tại các chế độ độc tài, thiếu dân chủ hoặc cuồng tín cực đoan. Thành viên Ủy Ban của Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại, nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt đảm nhiệm việc sưu tập, biên soạn tài liệu. Các văn hữu ba Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ còn gởi kháng nghị thư đến những nhà nước không bảo vệ được Quyền Tự do Phát biểu Quan điểm, sách nhiễu và giam nhốt nhứt là những người cầm bút vì họ hành sử quyền Tự do căn bản và thiết yếu này. Ngoài ra, các văn hữu còn viết thư yêu cầu một số chính phủ dân chủ can thiệp để trả lại tự do cho các tù nhân ngôn luận và lương tâm được Văn Bút Quốc Tế ủng hộ. 

Genève ngày 10 tháng 12 năm 2009
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Ligue Vietnamienne des Droits de l’Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland
Sau đây là bản Việt ngữ do Nguyễn Ngọc chuyển dịch từ bản Pháp và Anh ngữ của bài báo.Ngày Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị đàn áp và cầm tù

 Chủ nhựt 15 tháng 11 năm 2009 là Ngày Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị đàn áp và cầm tù kỳ thứ 29. Trong 12 tháng qua, Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế đã kiểm tra hơn 900 cuộc tấn công nhắm vào những nhà văn và nhà báo dám hành sử quyền tự do phát biểu quan điểm và ý kiến. Hầu hết những người này đã bị sách nhiễu, bị bắt giữ, bị tra tấn hoặc bị nhốt tù. Khoảng 200 người đang bị cưỡng bách chấp hành hình phạt tù nặng nề. Tệ hại hơn nữa : hơn hai mươi người khác bị làm cho im lặng tuyệt đối bằng những cuộc ám sát, hình thức tối hậu và ghê rợn của chế độ kiểm duyệt. Văn Bút Quốc Tế nhấn mạnh đến năm trường hợp tiêu biểu cho năm khu vực trên thế giới: ở Cameroun, ông Pierre Roger Lambo Sandjo, ca sĩ kiêm nhà soạn lời hát; ở Trung Hoa, ông Liu Xiaobo, nhà văn đối kháng và chủ tịch Trung tâm Văn Bút Trung Hoa độc lập; ở Ba Tư, ông Maziar Bahari, nhà báo Ba Tư - Gia Nã Đại, nhà viết kịch và làm phim (nộp tiền bảo chứng để được tại ngoại hầu tra); ở Mễ Tây Cơ, ông Miguel Angel Gutiérrez Avila, nhà nhân chủng học, ngôn ngữ học và tác giả của nhiều cuốn sách về người bản xứ của Tiểu bang Guerrero (bị đánh đập đến chết ngày 25/26 tháng 7 năm 2008) và ở Nga, bà Natalia Estemirova, một nhà báo dũng cảm và nhà bảo vệ nhân quyền không biên giới (bị bắt cóc và sát hại tại Tchéchénie ngày 15 tháng 7 năm 2009).

Ngày hôm nay, chúng tôi không thể quên được hàng trăm nạn nhân khác. Cuối tháng 10 năm 2009, Đại hội Thế giới Văn Bút Quốc tế kỳ thứ 75 tại thành phố Linz, nước Áo, đã thông qua nhiều Quyết Nghị lên án cuộc đàn áp và đe dọa đối với các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà bất đồng chính kiến, nhà dân chủ đối kháng, luật sư bảo vệ nhân quyền ở Trung Hoa, Cuba, Erythrée, Géorgie, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Dưới chế độ cộng sản Việt Nam, nhiều người đã bị giam giữ kéo dài, thường quá 12 tháng trước khi xử án, giam cầm suốt nhiều năm qua trong các trại lao động cưỡng bách sau các vụ án theo kiểu mẫu Staline. Tội của các phạm nhân : phát biểu quan điểm bất đồng hoặc đối kháng của mình, viết bài trên Internet tố cáo tham nhũng và vi phạm nhân quyền. Các điều kiện của trại giam thật là vô nhân đạo. Thiếu dinh dưỡng, chăm sóc y tế và vệ sinh, một số tù nhân ngôn luận và lương tâm, kể cả nhứt là phụ nữ, còn bị tra tấn, hành hung hoặc bị làm nhục bởi các tù nhân hình sự. Trong số tù nhân ngôn luận và lương tâm (nhiều người ít được báo chí nói đến) có Hòa thượng Thích Quảng Độ (thế danh Đặng Phúc Tuệ) 81 tuổi, nhà thơ và trí thức bị quản chế từ năm 2003; linh mục Nguyễn Văn Lý, biên tập viên tạp chí Tự Do Ngôn Luận (không được thừa nhận hợp pháp), 8 năm tù; hai cộng tác viên biên tập, ông Nguyễn Phong và ông Nguyễn Bình Thành,  6 và 5 năm tù; hai luật sư bênh vực nhân quyền và dân chủ đối kháng, bà Lê Thị Công Nhân và ông Nguyễn Văn Đài, 3 và 4 năm tù; bà Lê Thị Kim Thu, phóng viên độc lập và nhà bất đồng chính kiến, 18 tháng tù; ba nhà bênh vực nhân quyền và dân chủ đối kháng, bác sĩ Lê Nguyên Sang, luật sư Nguyễn Bắc Truyển và luật sư Trần Quốc Hiền, 4, 3 và 5 năm tù; hai nhà bất đồng chính kiến, ông Trương Quốc Huy và ông Phạm Bá Hải, 6 và 5 năm tù; hai nhà báo độc lập, ông Trương Minh Đức và ông Nguyễn Văn Hải (bút ký điện tử Điếu Cày), 5 và 2 năm 6 tháng tù; bà Phạm Thanh Nghiên, nhà báo độc lập và dân chủ đối kháng, bị giam cầm từ ngày 17 tháng 9 năm 2008; ông Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà thơ, nhà văn và dân chủ đối kháng, 6 năm tù; ông Vũ Văn Hùng, nhà giáo, nhà văn và nhà bảo vệ nhân quyền, 3 năm tù, bị tra tấn trong trại giam; bốn nhà dân chủ đối kháng, sinh viên Ngô Quỳnh, nhà văn Phạm Văn Trội, nhà thơ Nguyễn Văn Túc và nhà thơ Trần Đức Thạch, 3, 4, 4 và 3 năm tù; ông Nguyễn Văn Tính, nhà giáo, cộng tác viên biên tập tạp chí Tổ Quốc (không được thừa nhận hợp pháp), 3 năm tù; ông Nguyễn Kim Nhàn, nhà dân chủ đối kháng và nhà bảo vệ nhân quyền, 2 năm tù; ông Nguyễn Mạnh Sơn, nhà thơ và nhà dân chủ đối kháng, 3 năm tù; bốn nhà bất đồng chính kiến và bảo vệ nhân quyền, ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Lê Thăng Long, bà Trần Thị Thu và bà Lê Thị Thu Thu, bị bắt giam ngày 24 tháng 5 và ngày 4 tháng 6 năm 2009; luật sư Lê Công Định, nhà bênh vực nhân quyền và nhà bất đồng chính kiến, bị bắt giam ngày 13 tháng 6 năm 2009; hai nhà bất đồng chính kiến, ông Nguyễn Tiến Trung và ông Trần Anh Kim, bị bắt giam ngày 7 tháng 7 năm 2009.

Thêm nữa, ngày 8 tháng 10, nhà thơ kiêm nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, nguyên tù nhân ngôn luận và lương tâm, đã bị bắt sau khi các nhân viên an ninh mặc thường phục đến nhà bà, gây sự để sách nhiễu bà và thân nhân gia đình. Bà Trần Khải Thanh Thủy đã bị những kẻ bạo hành tấn công bằng gạch và thân nhân lo sợ bà có thể bị một chấn thương đầu. Giới truyền thông chính thức của nhà nước CS lại tung tin rằng bà Trần Khải Thanh Thủy và chồng bà đả thương một người khác. Tuy nhiên, chỉ một mình bà bị khởi tố về tội ‘’cố ý gây thương tích’’ và chỉ một mình bà bị câu lưu vô hạn định. Sự giam cầm độc đoán (và vô nhân đạo) đó còn khiến cho bà Trần Khải Thanh Thủy không tiếp nhận được thuốc men, chăm sóc y tế cần thiết để trị bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và áp huyết thấp. Cần nhắc lại, bà Trần Khải Thanh Thủy từng mắc bệnh lao phổi nặng vừa chữa lành. Cũng giống như trường hợp nhà báo dân chủ đối kháng Taoufik Ben Brik* bị bắt giữ mới đây ở nước Tunisie, nhà văn dân chủ đối kháng Trần Khải Thanh Thủy là nạn nhân của một vụ khiêu khích hoàn toàn được tổ chức (và điều khiển trong bóng tối nhằm gây sự để đánh đập bà rồi vu oan để bắt giữ bà). Công an CS đã công bố một tấm hình cho thấy một người đàn ông bị thương. Thật ra, các nhà viết nhựt ký điện tử Việt Nam đã mau lẹ phát hiện sự ngụy tạo của công an CS. Bức ảnh đó đã được chụp ngày 28 tháng 2 năm 2005 chớ không phải ngày 9 tháng 10 năm 2009 (như công an CS đã phao tin sau khi giam nhốt bà Trần Khải Thanh Thủy).

Genève ngày 15 tháng 11 năm 2009

Nguyên Hoàng Bảo Việt
Hội viên Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại và Trung tâm Nhà Văn Việt Nam lưu vong (CEVEX).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vấn đề chính danh được đặt ra nhân bài trao đổi ý kiến giữa một cơ quan truyền thông của Chính Phủ Hoa Kỳ là Đài Á Châu Tự Do
Trong các ngày 24 và 25 tháng 8 năm 2007, đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của đảng CSVN
Bài phát biểu sau đây của Giáo sư Nhật Bản Teruo Tonooka được ông trình bày trong Đêm Hội Ngộ tại Nhà hàng Emeral Bay Seafood
Có người hay "ví von" rằng Cộng Đồng người Việt hải ngoại nói chung, ở Quận Cam nói riêng, giống như những con cua bị nhốt chung trong một cái giỏ
Trong các loại hàng tiêu thụ, thì chỉ số tăng giá đã lên cao nhất cho lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống, là mặt hàng cần yếu cho đa số người dân
Hồi đó tôi chưa đủ 50 kí lô, lại hay bị xây xẩm bất ngờ, trong khi thấy các sư huynh, sư muội quật nhau rầm rầm, nên hơi hoảng.
Vào ngày 11 tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới tức World Trade Organization (WTO).
Từ xưa cho tới nay, đại đa số dân "sồn sồn" đều thích xem phim chưởng với những kiếm sĩ, võ sĩ Trung Hoa bay lượn như chim
Ngày 17/3/2003 tổng thống Bush ra lệnh tấn công lật đổ Saddam Hussein. Chiến trường Iraq chưa êm tiếng súng các nhà quan sát Tây phương
Mỗi khi ta nghĩ sai, ta sẽ nói sai và làm sai. Cái sai đây không phải là phải quấy theo lý lẽ, mà cái sai đây là sai người, sai chỗ, sai thời gian và không gian.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.