Văn Hóa & Niềm Tin: Khi Nhãn Quan Của Một Nền Văn Hóa Bị Đâm Cho Mù
Trần Cao Tường, Lm.
Stephen Covey thật hãnh diện với cuốn "Bảy Thói Quen của Những Người Thành Đạt Cao" (The 7 Habits of Highly Effective People), bán chạy bestseller nhiều năm. Thành công hay thất bại, đi lên hay thụt lùi của một người hay của cả một nền văn minh và văn hóa đều nằm ở con mắt nhìn, tức là nhãn quan, cái chủ trương, quan niệm, niềm tin. Stephen Covey gọi là Paradigm. Tức nằm ở những cái "duy" với những chủ nghỉa và ý hệ! Chủ trương duy vật hay duy con vật cũng là một trong những nhãn quan của thời đại, bên đông cũng như bên tây.
Đó chính là con mắt nhìn, mở của sổ nhìn vào cuộc sống với những định giá và kiếm tìm khác nhau. Con mắt này nhiều khi bị cả một hệ thống áp đặt bịt lại hay bắt nhìn theo một quan điểm nhất định, hoặc bị đâm cho mù để dễ bề điều khiển sai khiến theo nhu cầu của dạ dày của "con vật kinh tế"!
LOẠN THỊ VÀ LOẠN SẮC
Gần đến ngày "bớt đầy" (birthday) thêm tuổi mà thằng bé cháu chưa thấy ai động tĩnh mua quà gì cho nó cả. Bà nội vẫn dạy nó muốn gì thì cứ cầu nguyện, nên đang khi bà loay hoay thu dọn ở dưới bếp, nó liền vào phòng nhưng không khép chặt cửa mà để hé mở một chút, và quì xuống cầu nguyện to tiếng: "Lạy Chúa, sắp đến ngày "bớt đầy" của con, xin Chúa cho con một cái xe có máy chạy được, và một đôi giầy Nike giống bạn con mới có."
Bà nội nghe thấy thì buồn cười liền nói vọng vào: "Cháu tưởng Chúa điếc hay sao mà cầu nguyện lớn tiếng vậy""
Thằng bé liền nhanh nhảu trả lời: "Cháu không sợ Chúa điếc, nhưng cháu chỉ sợ bà không nghe rõ thôi."
Thằng bé trong câu chuyện trên chưa mang nhiều hình ảnh về Chúa. Mắt nó chỉ thấy được một cách mơ hồ qua tình thương của bà, mà tình thương cũng đã bị "Mĩ hóa," tức bị làm cho méo lệch đi, phải đo được bằng những món đồ chơi mắc tiền vào những dịp lễ đặc biệt!
Mắt cũng dễ bị tật lắm. Chưa kể bị mù, nhiều người bị cận thị hay viễn thị nặng phải đeo kính mới thấy được. Nhưng có một số người bị tật loạn thị hay loạn sắc. Loạn thị thì nhìn đường thẳng ra đường cong không thể lái xe được, nhìn hình tròn ra hình méo! Loạn sắc là nhìn màu đỏ ra màu xanh, màu vàng ra màu tím… Đúng là loạn cả lên.
Hồi còn nhỏ mỗi lần vấp té làm bể một đồ vật gì thì tôi thường bị mẹ la là "mắt lợn luộc." Về sau lớn lên có lần tôi thấy hai bà chửi nhau là "mắt lợn luộc" vì bà này vô ý vô tứ đạp nhằm chân bà kia khi đi ngang qua ghế. Thì ra đó là hình ảnh thân quen ở vùng quê xưa. Khi giết một con heo xong thì phải nấu nước sôi nhúng vào để làm lông. Mắt con heo lúc đó mở thao láo có vẻ vẫn "ngước mắt nhìn đời, nhìn đổi thay ta buông tiếng cười " mà thực ra chẳng thấy gì nữa. Đúng là mắt lợn luộc!
ĐIỀM ĐANG CẦN CỨU CẤP CHỮA TRỊ
Tờ The Times-Picayune vùng New Orleans trong mục thời điểm đã có lần diễn tả con mắt người thời đại bằng một hình ảnh dễ cảm về một cảnh cứu cấp: bệnh nhân đang nằm trên xe đẩy, bác sĩ và y tá hối hả vây quanh, người chuyển khí thở, người truyền nước biển, người đo tim… Nhưng nhìn thêm thì thấy đầu bệnh nhân là một cái TiVi có đề chữ "Trung Tâm Phát Tin." Bị bệnh vì tin tức, vì nhìn lệch. Chữa bệnh như vậy phải chữa thông tin trước.
Nhìn hình ảnh này tôi tự nhiên nhớ cảnh ngày xưa ở vùng Chí Hòa thời còn xe thổ mộ, tức là xe ngựa kéo trên đường Lê Văn Duyệt đi Bến Nghé chợ Bến Thành. Xe không có ghế ngồi nên mọi người "tùy nghi" mà nêm cối "điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa." Hành lý là quang gánh của hành khách bình dân đi buôn thúng bán mẹt thì treo lủng lẳng hai bên. Ông Vương Hồng Sển mà tả "Sài gòn Năm Xưa" thì phải thêm mục này nữa mới hấp dẫn. Nhưng hãy để ý con ngựa một tí: nó bị bịt che hai mắt, chỉ hở đủ để thấy được đường phía trước khoảng hai ba mét thôi. Ông tài xe hộp ngồi phía trước không muốn nó "thiếu nhất trí" nhìn đi chỗ khác dễ sinh ra "ý đồ" hoặc "quan điểm" riêng mà đi theo hướng khác, nhưng luôn phải đi tuân lệnh và tuân hướng của ông theo cái nhịp roi đánh. Cuộc đời của nó cứ thế cứ thế, cho đến khi nó không còn đủ sức làm xong cái "dóp" mỗi ngày như mọi ngày nữa.
Thì ra bệnh nhân cứu cấp với cái đầu là cái TiVi cũng chỉ là cảnh mới của chiếc xe thổ mộ Sài gòn năm xưa. Người ngồi đàng sau màn ảnh TiVi chính là ông tài xế hộp, và con ngựa bị che mắt lại cũng có thể là chính mình mới thật tội nghiệp. Vì ai cũng biết, hình ảnh và tin tức ngày đêm "oanh tạc" vào mắt người xem thì đúng là tin ... tức mình. Những chuyện bao nhiêu người mẹ thức khuya dậy sớm lo lắng từng miếng ăn cho chồng con thì chẳng bao giờ được nhắc đến, những chuyện bao nhiêu ông bố phải rúc vào ống sắt để "bắn pháo bông" làm thợ hàn trong những ngày mùa hè nóng kinh khủng hay mùa đông lạnh đông máu cũng chẳng thấy tờ báo nào nói tới làm gì! Những nụ cười thương yêu, những bông hoa vừa nở chẳng được nhắc đến. Nhưng chỉ cần một chuyện chó cán xe, trẻ giết người lớn, buôn xì ke, vợ đập chồng… thì được trình chiếu kỹ lưỡng. Thậm chí như vụ O.J.Simpson hay ông Clinton mà truyền hình và báo chí bỏ ra không biết bao nhiêu tiền và thời giờ. Đúng là chuyện chó cán xe. Bệnh thật. Nhóm Ehrhard làm thống kê trong sáu tháng cho biết tới 30% tin địa phương nói về tội ác chém giết. Khán giả phải la ó: "Nhiều máu quá! Máu chảy làm mùi tử khí lây nhanh, khích động thêm các vụ đổ máu khác nữa." Jane Butler ở Thibodaux Louisiana đã phải lên tiếng: "Xin chiếu cho chúng tôi tin tức mà thôi, các người đừng chỉ chiếu những gì các người muốn chiếu."