Hôm nay,  

Giã Từ A Phú Hãn

24/10/200900:00:00(Xem: 8408)

Giã Từ A Phú Hãn

Nguyễn Xuân Nghĩa

Vòng Vo Rồi Tháo Chạy...
Tổng thống Barack Obama quyết định là đợi kết quả bầu cử vòng hai tại A Phú Hãn rồi mới quyết định về việc tăng quân hay không vào chiến trường này. Một lý do tiện lợi bất ngờ, nhưng không thể kéo dài....
Ngày 20 tháng Tám vừa qua, dân A Phú Hãn đi bầu Tổng thống và đương kim Tổng thống Hamid Karzai đã dẫn đầu với hơn 50% số phiếu, nghĩa là tái đắc cử. Nhưng cuộc bầu cử có quá nhiều gian lận nên một Ủy ban Thẩm xét Khiếu nại của Liên hiệp quốc phải mở cuộc điều tra và phủ nhận kết quả của 210 phòng phiếu, mặc nhiên phủ nhận việc Karzai thắng cử. Sau khi phản đối kết quả điều tra, ông Karzai đồng ý là sẽ cho bầu cử vòng hai, giữa hai ứng cử viên dẫn đầu, Hamid Karzai và cựu Ngoại trưởng của ông là Abdullah Abdullah. Từ nay đến ngày bỏ phiếu đó, và sau này, tình hình chính trị A Phú Hãn trong các khu vực tạm gọi là ổn định sẽ vô cùng bất ổn. Ở vòng ngoài khu vực đó là những vùng oanh kích tự do, là vùng hoả tuyến.
A Phú Hãn chưa hề có truyền thống dân chủ - mà một cơ chế quốc gia bình thường cũng chưa có - cho nên việc bầu cử trong chiến tranh hoặc gian lận trong bầu cử giữa các phe phái, lãnh chúa hay bộ tộc là điều không gây ngạc nhiên. Đáng ngạc nhiên là việc Chính quyền Obama lại đặt vấn đề ấy lên hàng ưu tiên và công khai tỏ vẻ không hài lòng với thành tích của Karzai, nhân vật được Mỹ chọn lựa và đưa lên lãnh đạo sau khi khai mở chiến dịch A Phú Hãn. Không những vậy, James Carville, một tay thân tín của Ngoại trưởng Hillay Clinton và Đổng lý Văn phòng Tổng thống là Rahm Emanuel còn qua A Phú Hãn làm cố vấn cho một ứng cử viên đối lập với Karzai!
Chuyện Hoa Kỳ muốn thay ngựa giữa dòng đã thành truyền thống hành xử với các đồng minh mỗi khi nội tình chính trị Mỹ có thay đổi. Nhưng thời hạn tái bầu cử vào ngày mùng bảy tháng 11 chỉ trì hoãn một quyết định đầy khó khăn của Chính quyền Obama thôi. Sau đó, Obama vẫn mắc kẹt - và A Phú Hãn sẽ khó khá!
***
Hãy nói về cung cách học việc trước.
Khi tranh cử Tổng thống năm 2008, Barack Obama chỉ là một Nghị sĩ vừa ngồi vào Thượng viện từ đầu năm 2005 đã nhào ra chuẩn bị tranh cử. Trong cuộc bầu cử, ông đả kích chiến tranh Iraq là sai lầm và không hợp thời - như quan điểm của đa số bên đảng Dân Chủ, kể cả những dân biểu nghị sĩ đã từng ủng hộ quyết định tham chiến của Tổng thống George W. Bush.
Nhưng để chứng tỏ mình có đởm lược và ý chí bảo vệ an ninh, Obama chủ trương là A Phú Hãn mới là chiến trường sạch, có chính nghĩa và cần thiết cho an ninh của Mỹ. Lý luận của ông có thể tóm lược là: khủng bố al-Qaeda là mối nguy cho Hoa Kỳ, A Phú Hãn là hậu cứ của al-Qaeda, nếu Mỹ tháo chạy khỏi A Phú Hãn, al-Qaeda sẽ vùng dậy và lại đe doạ an ninh Mỹ.
Sau khi đắc cử, Obama đã được Chính quyền sắp mãn nhiệm của Bush trình bày toàn bộ hồ sơ A Phú Hãn với những bài toán thực tế mà bên ngoài không thể biết hết, và những giải pháp chiến lược có thể áp dụng. Obama yêu cầu Bush đừng công bố báo cáo để ông toàn quyền duyệt lại và quyết định. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Barack Obama duyệt lại hồ sơ A Phú Hãn và hôm 27 tháng Ba long trọng công bố sách lược mới cho cả A Phú Hãn và Pakistan. Bài diễn văn quan trọng ấy được đưa lên trang web của Phủ Tổng thống, chúng ta còn có thể tham khảo và nên tham khảo trước khi bị bóc mất!
Sau đó, Obama còn quyết định cách chức Tư lệnh chiến trường A Phú Hãn và bổ nhiệm một Đại tướng có thành tích tiễu trừ khủng bố tại Iraq là Stanley McChrystal để thi hành "sách lược mới", rút tỉa được từ kinh nghiệm của cuộc chiến tồi tệ... tại Iraq, một cuộc chiến thật ra chưa đến nỗi tệ mà Obama không có can đảm chính trị để công nhận. Nhưng, "chưa đến nỗi tệ" không có nghĩa là Hoa Kỳ đã chiến thắng tại Iraq. Trong khi "sách lược mới" của Obama tại A Phú Hãn lại có thể là một bế tắc lớn.
Đó là bài toán của ngày hôm nay.
***
Sau khi nhận sự vụ lệnh vào cuối tháng Năm, Tướng McChrystal rà soát lại tình hình A Phú Hãn và thấy ra lẽ... tất bại của sách lược mới nếu không quan niệm lại mục tiêu, chiến lược, chiến thuật và nhất là phương tiện. Ông tường trình lại và nêu lên thượng cấp một số đề nghị từ cuối tháng Tám mà suốt một tháng không thấy chỉ thị mới. Trong đó ông đề nghị là phải đôn quân, từ 40 đến 60 ngàn lính, ngoài 68 ngàn quân đang có mặt ở tại chỗ. Cần nói thêm là từ khi nhận nhiệm vụ mới, Tướng McChrystal chỉ gặp Tổng thống được một lần (cho đến khi được gọi lên Air Force One để chữa cháy cho Obama trên đường về từ Copenhagen vì việc Obama vận động cho Chicago tổ chức Thế vận hội 2016 không thành!)
Trước đó, báo cáo của Tướng McChrystal bị tiết lộ cho tờ Washington Post và gây tranh luận lớn trong dư luận và trong nội các Obama. Trong khi ấy, tình hình chiến sự tại A Phú Hãn tiếp tục suy đồi.
Sau năm lần hội họp với ban tham mưu an ninh và với các lãnh tụ bên Quốc hội - lần đầu vào ngày 30 tháng Chín, một tháng sau khi Tướng McChrytal đệ nạp tờ trình - Tổng thống vẫn chưa có quyết định. Bây giờ, những tỳ vết trong cuộc bầu cử Tổng thống tại A Phú Hãn cho ông một lý do, hay lý cớ, trì hoãn quyết định. Nhưng Tổng thống Obama không thể lui được mãi và đang đối diện với một thực tế mà Nghị sĩ Obama không biết: một tổng thống có thể chọn một trận chiến - để đánh hay không. Nếu đã muốn đánh vì cho rằng đó là một trận chiến "cần thiết" và "sạch" thì còn phải chọn sách lược thích hợp, khi đã chọn sách lược thì phải thi hành. Rồi nhận lãnh hậu quả.
***
Bây giờ ta mới xét đến giải pháp hay chiến lược...


Tại Iraq, Chính quyền Bush khai mở chiến dịch với hình thái quy ước và tiêu diệt được chế độ Saddam Hussein trong chớp nhoáng. Rồi mất ba năm mầy mò trong một cuộc chiến phi quy ước và cùng lúc với 1) các lực lượng phiến loạn Sunni, 2) sự cưỡng chống của cộng đồng Shia đa số - và sự xúi giục của Iran - 3) trong hoàn cảnh gần như nội chiến giữa hai phe nói trên và 4) hoạt động khủng  bố của các nhóm xưng danh Thánh chiến, chủ yếu là al-Qaeda tại Iraq. Đầu năm 2007, và đi ngược với trào lưu thoái chí đã phổ biến, Chính quyền Bush dồn quân mở cuộc tổng phản công về chính trị nhằm 1) tranh thủ các lãnh tụ Sunni khiến họ từ chối yểm trợ mà còn xoay ra tấn công quân khủng bố, đồng thời 2) ly gián các lãnh tụ Shia, và 3) tiến tới giải pháp hợp tác giữa các lãnh tụ Sunni và Shia.
Việc dồn quân chỉ tạo phương tiện quân sự cho một mục tiêu chính trị vô cùng phức tạp và cũng có ý nghĩa chính trị rất đáng kể: Mỹ không tháo chạy mà còn nhấn tới. Chính là quyết tâm nhấn tới như vậy mới đảo lộn sự tính toán của các phe trong cuộc, kể cả và nhất là các lãnh tụ tại Iran.
Tình hình A Phú Hãn lại khác với Iraq vì... liên hệ tới Iraq.
Tại Iraq, các lãnh tụ Sunni hay Shia hay Iran đều tiến tới việc hòa giải vì biết quân lực Hoa Kỳ còn ở tại đó khá lâu và cũng e ngại một Tổng thống ngang bướng cương cường là Bush. Nhưng, khi Obama đòi rút quân khỏi chiến trường này càng sớm càng hay, những tính toán thỏa hiệp của các phe trong cuộc có khi lại đảo lộn. Và hiện tượng ấy lập tức tác động vào A Phú Hãn vì các phe trong cuộc trên chiến trường này cũng lại kết luận rằng mọi sự thỏa hiệp đều không bền khi Hoa Kỳ cũng sẽ lại triệt thoái.
Vấn đề chính của cả hai chiến trường là quyết tâm và sự khả tín - hay đáng sợ - của Mỹ. Vấn đề ấy đang là bài toán cho Tướng McChrystal.
Ông muốn xin lãnh đạo ở nhà chứng minh với các phe trong cuộc tại A Phú Hãn rằng Mỹ và liên quân NATO có ý chí bảo vệ dân A Phú Hãn và bảo vệ các lãnh tụ nào muốn hợp tác với Mỹ/NATO. Vì vậy, ông xin tăng viện để lính Mỹ sẽ sống cùng dân, càng sát với dân càng hay, hầu bảo đảm cho lời cam kết.
Theo chiến lược này, Hoa Kỳ sẽ tái phối trí lực lượng, rút khỏi nhiều căn cứ hẻo lánh để gom về các khu vực đông dân, là nơi mà phiến quân Taliban đang muốn tập trung, như tại thủ đô Kabul và các tỉnh Khost, Helmand và Kandahar. Tại các khu vực ấy, lực lượng Mỹ sẽ tấn công quân Taliban để bảo vệ dân chúng, bẻ gãy khả năng nổi dậy của quân phiến loạn và bảo đảm sự hợp tác của các lãnh tụ sắc tộc, các lãnh chúa và quần chúng của họ. Trong khi đó, Hoa Kỳ tận dụng siêu kỹ thuật - máy bay không người lái - kết hợp với thông tin tình báo thu lượm được nhờ sự hợp tác chính trị này để tiêu diệt các cơ sở của Taliban đang trú ẩn trong vùng núi rừng hẻo lánh.
Nếu có ý chí và bền chí thi hành, Hoa Kỳ có hy vọng gây được rạn nứt trong lực lượng Taliban để tìm ra những lãnh tụ sẵn sàng hợp tác và nhờ đó cô lập hẳn tàn dư của khủng bố al-Qaeda. Đây là một sách lược rất phức tạp và chỉ thành công với rất nhiều chữ nếu. Quan trọng nhất là nếu tranh thủ được lòng dân - và không gây tổn thất cho thường dân vô tội khi giao tranh với lực lượng Taliban. Nhiều lúc, như chính Tướng McChrystal đã trình bày với truyền thông, các đơn vị Mỹ sẽ tránh giao tranh và chọn thời điểm khác để phản công. Việc tăng cường quân số - chủ yếu là bộ binh - chính là để nâng cao khả năng cầm cự khi bị tấn công hầu có thể phản công vào lúc thuận lợi hơn. Nếu so sánh thì khác hẳn với tình hình Iraq, là nơi mà các lực lượng phiến loạn chưa vượt lên khỏi hình thái du kích mà đã sát hại quá nhiều thường dân.
Khi chịu khó tìm hiểu, ta còn thấy rằng một viên tướng thành danh về kỹ thuật chống khủng bố tại Iraq là McChrystal đang đề nghị một chiến lược mới để chống quân phiến loạn tại A Phú Hãn, nay đã tập trung tới cấp đại đội trở lên và kiểm soát được nhiều khu vực địa dư tiếp giáp với các vùng đông dân.
Nhưng bài toán quân sự ấy thật ra chưa khó bằng bài toán tâm lý chính trị: sự khả tín của Mỹ.
***
Với chiến lược mới, tin tức chiến sự A Phú Hãn sẽ chỉ tăng chứ không giảm. Và dư luận Mỹ được nhiều dịp chứng kiến các đơn vị Mỹ phải cầm cự trong thế thủ. Rủi ro ở đây là trước khi các lãnh tụ Taliban chột dạ mà tính chuyện thỏa hiệp với Mỹ thì dân Mỹ và Quốc hội trong tay đảng Dân Chủ đã đòi kéo cờ hàng. Nếu Hoa Kỳ tháo chạy khỏi A Phú Hãn thì, trước khi al-Qaeda có thể trở lại tấn công nước Mỹ, hàng loạt chính quyền Hồi giáo đã bị các lực lượng quá khích tấn công và đòi lật đổ. Các phong trào khủng bố xưng danh Thánh chiến hoặc mượn cả phiêu hiệu al-Qaeda ("al Qaeda nội hóa" hay "al-Qaeda tự phát") sẽ mọc lên như nấm.
Nhưng trong khi ấy, Chính quyền Obama lại đang có nhiều ưu tiên khác ở nhà. Việc cải tạo xã hội và xoa dịu sự thất vọng của dân chúng trước kỳ bầu cử tới mới là trận chiến - còn "sạch" và "cần thiết" hơn chiến trường A Phú Hãn. Khi Obama đắn đo suy nghĩ rất lâu, ông muốn tìm ra một giải pháp thần diệu là làm sao triệt thoái khỏi A Phú Hãn mà không lãnh hậu quả chính trị.
Với tài hùng biện thiên phú, ông hy vọng sẽ trình bày lại bài toán A Phú Hãn với quôc dân: al-Qaeda không nằm tại A Phú Hãn mà đã lẩn qua Pakistan. Và nếu không ở Pakistan thì cũng sẽ mọc rễ ở xứ khác. Vì vậy, A Phú Hãn không là chuyện chính! Đã chẳng là chuyện chính mà lại đôn quân để thử nghiệm một chiến lược chưa chắc đã thành công - như Tướng McChrystal xác nhận - thì quả là phi lý.
Sách lược mới cho A Phú Hãn do Obama đưa ra hồi tháng Ba nay đã được truyền thông lãng quên. Chiến lược McChrystal sẽ còn được bàn cãi, rồi nhiều phần thì Obama lại vòng vo để tìm cách triệt thoái. Nhưng dưới một khẩu hiệu oai hùng, trong một sách lược thông minh, sặc mùi Obama... Hãy chờ xem!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khóa giảng hàng năm của đức Đạt Lai Lạt Ma là ngày hội cho Dharamsala... Hàng năm, cứ sau Tết Âm lịch
Khi một xã hội chỉ tìm thấy mẫu mực để bắt chước hay học hỏi từ ở bên ngoài thì rất dễ đánh mất bản sắc của mình vì thần tượng của họ
Trong đoàn quân Pháp sang đô hộ VN có một số quân nhân gốc Phi Châu ưa phá làng phá xóm khiến dân chúng Việt Nam căm ghét
Tình hình ở trong nước các tuần gần đây trước cuộc bầu Quốc hội (QH) vào 20.5.07 đã cho thấy hai chiều hướng phát triển
Trở về Việt Nam sau ba mươi năm lià xa, tôi đã đi không ngừng, Saigon ra Trung, Hà Nôi vô Nam; và mong sẽ quên chuyện non nước mình
Bước vào thế kỷ 21, việc xử dụng đa dạng năng lượng (energy diversity) trong chuyển vận là một trong những suy nghĩ lớn
Cuộc đấu tranh cho dân chủ trong nước đang nở rộ, và tấm gương bất khuất ngàn xưa của Việt Nam đang được lật lại từng trang
Việt Nam là một quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh, với niềm tự hào về nòi giống Rồng Tiên, một nền văn hóa đa dạng và một dân tộc siêng năng
Nhiều người vẫn tưởng đảng Cộng sản Việt Nam càng ngày càng vững tiến lên Xã hội Chủ nghĩa, ai ngờ đảng viên, báo chí lại đang có khuynh hướng
Một ngày trước khi tướng Phú tuyên bố Ban Mê Thuột thất thủ, hôm 12-3 -1975 Hạ Viện Mỹ biểu quyết cắt 300 triệu Mỹ kim quân viện bổ túc
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.