Hôm nay,  

Giáo Dục Song Ngữ Cho Trẻ Em

27/08/200900:00:00(Xem: 8934)

Giáo dục song ngữ cho trẻ em

Đinh Yên Thảo
Khi nói đến vấn đề song ngữ, những nhà ngôn ngữ học vẫn hay dùng khuôn mẫu của hệ thống và mục tiêu giáo dục tại Canada, một quốc gia có những nghiên cứu và áp dụng việc giáo dục song ngữ một cách khoa học và khá hệ thống. Bộ Giáo dục Canada đưa ra mục tiêu rằng, đến năm 2013, khoảng 50% học sinh tốt  nghiệp bậc trung học sẽ thông thạo cả hai thứ tiếng Anh-Pháp, trong khi tỉnh bang New Brunswick đưa con số này lên đến 70%. Trên thực tế, với các học sinh tại tỉnh bang nói tiếng Pháp như Quebec, hầu hết các học sinh đều thông thạo Anh-Pháp. Nếu nhìn nhận theo góc nhìn lịch sử, thì vấn đề chủng tộc, văn hoá cùng sự tranh chấp giữa hai gốc dân nói tiếng Anh và Pháp tại một số tỉnh bang Canada đã hình thành nên một hệ thống giáo dục song ngữ này. Nhất là những ảnh hưởng riêng về vấn đề ngôn ngữ và văn hoá qua cuộc Cách mạng Thầm lặng (Quiet Revolution) tại Quebec vào những năm thập niên 60, cùng các phong trào đòi ly khai sau này, đã dẫn đến những điều luật riêng về ngôn ngữ và văn hoá.  Đến nay thì vấn đề ngôn ngữ không còn mang tính tranh chấp mà được các bậc phụ huynh nhìn nhận và ủng hộ như một đặc quyền riêng cho con cái của mình.
Sự hình thành và phát triển các lý thuyết và phương cách giáo dục song ngữ tại Quebec đã đóng góp khá nhiều trong các nghiên cứu về giáo dục song ngữ chung cho trẻ em tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Một trong những phương pháp dạy về ngôn ngữ thứ hai (L2) được hình thành tại Canada từ những năm 60 là phương pháp Thẩm thấu ngôn ngữ (Language immersion), một hình thức sử dụng ngôn ngữ thứ hai trong việc dạy học cho trẻ em và tất cả các sinh hoạt liên quan, từng phần hay toàn phần. Phương pháp thẩm thấu này được áp dụng cho ba độ tuổi, bắt đầu sớm từ độ tuổi 5 đến 6, khoảng giữa từ 9 đến 10 và trễ nhất là 11 đến 14, nhằm cho các em sự thông thạo ngôn ngữ thứ hai như ngôn ngữ đầu tiên hay tiếng mẹ đẻ của mình. Theo nhà ngôn ngữ học Colin Baker, một chuyên gia chuyên nghiên cứu về giáo dục song ngữ và tác giả nhiều cuốn sách liên quan, thì phương pháp “thẩm thấu ngôn ngữ” của Canada đã đưa đến một số ghi nhận khá hữu ích và quan trọng như sau:
-Những học sinh được giáo dục theo phương pháp thẩm thấu giai đoạn sớm (5-6 tuổi) chỉ thua sút bạn đồng học trong đôi ba năm đầu.
-Phương pháp này không tạo những ảnh hưởng xấu đến ngôn ngữ đầu tiên, cũng như sự phát triển trí tuệ của các em.
-Đến năm 11 tuổi hay sớm hơn, khả năng đọc viết ngôn ngữ mới sẽ đạt đến sự trọn vẹn như người bản xứ .
-Bạn đồng học nói một thứ tiếng (Monolingual ) có thể sẽ vượt trội các môn toán và khoa học nhưng sẽ bị các em có song ngữ (Bilingual) bắt kịp hay vượt trội về sau.
Lý thuyết này khá thực tế với những cộng đồng di dân nói chung hay cộng đồng người Việt nói riêng. Tuy nhiên trước khi cùng nhau tìm hiểu thêm sự liên hệ về lý thuyết này, chúng ta cũng cần quay lại với câu hỏi, đôi khi có những cách trả lời khác nhau. Đó là “Với trẻ em Việt, tiếng Việt hay tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ"”.
Một số người lập luận có lý do rằng, thứ tiếng nào một người nói thông thạo nhất, như tiếng Anh với trẻ em Việt Nam sinh ra tại Mỹ, thì đó là tiếng mẹ đẻ của  các em. Nhưng theo nhà ngôn ngữ học Leonard Bloomfield thì, tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ trẻ sơ sinh được học khi sinh ra, có cha mẹ sử dụng như ngôn ngữ chính. Hay như Ban Dân số Canada định nghĩa chính thức khi thống kê dân số, thì tiếng mẹ đẻ là “ngôn ngữ đầu tiên được học lúc nhỏ”. Theo số liệu của Ban Dân số Hoa Kỳ, có khoảng trên 75 % các gia đình VN nói tiếng Việt như là ngôn ngữ chính tại nhà hiện nay, điều này có thể chứng nhận tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ em VN tại Mỹ, dù một số em không biết tiếng Việt. Vì các nhà ngôn ngữ học cũng ghi nhận sự mất đi, toàn phần hay một phần tiếng mẹ đẻ của trẻ em di dân khi thẩm thấu ngôn ngữ thứ hai trong môi trường đang sống, như tình trạng của nhiều trẻ em VN tại Mỹ hiện nay và trong tương lai.


Một số trẻ em Việt được gởi ngay vào các nhà giữ trẻ bản xứ từ rất nhỏ, nên có thể coi việc tiếng Việt của các em bị biến mất là điều dễ hiểu. Còn lại, rất nhiều gia đình chỉ bắt đầu cho con vào các trường giữ trẻ, mẫu giáo Mỹ từ độ tuổi 4 hay 5, một hình thức đi theo phương pháp “thẩm thấu ngôn ngữ” toàn phần đã nhắc bên trên. Rất tiếc là dù các em đã được nghe, nói và hiểu được một ít tiếng Việt từ lúc chào đời, các em vẫn mau chóng quên ngay tiếng Việt, đôi khi với sự tiếp tay vô tình hay cố ý của cha mẹ. Vì theo như lý thuyết “thẩm thấu” này, một vài năm đầu các em sẽ có những giới hạn trong khả năng tiếp nhận và giao tiếp nơi trường học khi chuyển tiếp sang ngôn ngữ mới. Điều này dẫn đến tâm lý lo ngại của một số phụ huynh về sự thua sút của con cái trong giai đoạn chuyển tiếp này, nên chỉ chú trọng đến vấn đề phát triển tiếng Anh cho các em và bỏ quên tiếng Việt.  Chỉ sau vài năm, sau khi nhanh chóng bắt kịp các học sinh khác, thì vốn tiếng Việt ít oi không được vun đắp trước kia chỉ còn một phần rất nhỏ hay hoàn toàn biến mất. Một số phụ huynh muốn quay lại với tiếng Việt thì đã gặp khó khăn hơn, vì các em đã thấm nhập ngôn ngữ mới quá nhiều và giai đoạn tốt nhất để học song ngữ đã qua đi.
Trong một nghiên cứu mới nhất liên quan đến vấn đề song ngữ nơi trẻ em của nhóm các khoa học gia đa quốc gia vừa công bố thì cấu trúc não bộ và sự phát triển tự nhiên của trẻ em có thể giúp các em nhỏ trong độ tuổi từ sơ sinh đến 7 tuổi, có một khả năng trở nên song ngữ khá dễ dàng. Theo nghiên cứu này, khi cho các em nhỏ này tiếp xúc với một ngôn ngữ khác, khả năng tiếp nhận và phát triển ngôn ngữ đó nhanh chóng một cách bất ngờ. Các chuyên gia trong nhóm cho rằng việc đơn giản nhất là tạo cho các em  cơ hội nghe nói cả hai ngôn ngữ đồng thời. Nhóm bác sĩ và các khoa học gia này đề nghị rằng, với những người nói ngôn ngữ khác thứ tiếng chính thức trong xã hội, như các cộng động di dân, hãy nên tiếp tục sử dụng ngôn ngữ của mình tại nhà nếu muốn cho con nhỏ có thể trở nên song ngữ. Với những người chỉ nói một thứ tiếng thì cho con cái chơi đùa hay gởi đến những nơi nói ngôn ngữ khác để có cơ hội tiếp nhận ngôn ngữ đó.
Dù tính chất và mục đích nghiên cứu các về vấn đề song ngữ của các nhà ngôn ngữ học hay giới khoa học, bác sĩ có khác nhau, cả hai giới đều có một điểm chung rằng, vấn đề hình thành một khả năng song ngữ nơi trẻ em là việc không khó, thậm chí nghiên cứu kể trên còn cho rằng khá dễ dàng. Nếu có dịp gặp gỡ một vài gia đình Việt Nam mang phong cách truyền thống tại các thành phố thuộc Quebec, không ít người ắt sẽ có đôi chút ngạc nhiên lẫn thán phục khi biết các em nhỏ trong những gia đình này không chỉ thành thạo tiếng Anh-Pháp-Việt, mà đến cả tiếng Tây Ban Nha khi được học như một ngoại ngữ trong trường học. Kết quả này, một phần nhờ vào hệ thống giáo dục tại đây, nhưng phần khác phải kể đến những sự lưu tâm của các bậc phụ huynh này. Đó quả là một tài sản khá lớn mà các bậc cha mẹ này đã để lại cho các em khi trưởng thành. Bởi với một môi trường giáo dục và điều kiện xã hội có sẵn, chỉ cần tạo cơ hội, các em  sẽ phát triển hoàn toàn được khả năng của mình, mà việc nói được tiếng Việt là một.
 Dallas 8/2009
Đinh Yên Thảo

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước
Tin tức không làm ai ngạc nhiên là mấy ngày qua bà con dân oan các tỉnh thành phía Nam lại rủ nhau về Sài gòn tiếp tục "khiếu kiện đông người"
Những nước khác thì sao không biết, riêng Việt-Nam, sự hưởng-ứng nầy không phải là một thiện-chí của bạo-quyền Cộng-sản mà là một thủ-đoạn
Dù cho khẩu hiệu đề cao lòng yêu nước của đảng cộng sản Trung Quốc từ lâu đã bị người đời bác bỏ không thương tiếc
Luật Sư Nguyễn Quang Trung thay mặt các dân cử gốc Việt, phát biểu tại phiên họp Hội Đồng Thành Phố về dự án mở sòng bài
Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vấn đề trên qua cuộc trao đổi sau đây do Nguyễn Khanh thực hiện hầu quý thính giả.
Phong Trào Xanh Việt Nam - Green Vietnam Movement - Chủ Động Ứng Phó Với Thảm Trạng Ô Nhiễm Môi Sinh Ở Việt Nam.
Thế kỷ hiện nay có nhiều biến động. Qua các yếu tố, chính yếu là vật chất, thế giới chúng ta đang sống, ngày càng thu nhỏ lại
Mấy năm trước đây, khi Tổng-Thống Bush lên tiếng kêu gọi toàn cầu tiếp tay chống khủng-bố thì Việt-Nam
Mỗi sáng chủ nhật trong tháng 9, thiền sư sẽ thuyết pháp và tu viện mở cưa" để đại chúng có thể tới nghe
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.