Hôm nay,  

Kinh Tế Mỹ Sắp Phục Hồi?

10/08/200900:00:00(Xem: 9342)

Kinh Tế Mỹ Sắp Phục Hồi"

Nguyễn Xuân Nghĩa - Đức Tâm RFI

Con gà gáy làm mặt trời mọc...
Thứ Sáu mùng bảy vừa qua, Tổng thống Barack Obama tuyên bố là kinh tế Hoa Kỳ đã ra khỏi bờ vực trong khi đang xây dựng lại một nền tảng phát triển mới nhờ chính sách cấp cứu của Chính quyền do ông lãnh đạo. Tổng thống Mỹ sở dĩ lạc quan như vậy vì vừa có hai thống kê mới nhất về tình hình nhân dụng do bộ Lao động công bố. Thứ nhất là số người bị mất việc đã giảm mạnh hơn mọi dự đoán; và thứ hai, tỷ lệ thất nghiệp đã hạ từ 9,5 xuống còn 94,%, lần đầu tiên kể từ 15 tháng nay. Đức Tâm của đài Phát thanh Quốc tế Pháp tìm hiểu sự việc qua cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ....
Đức Tâm: Xin kính chào chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa. Hôm Thứ Sáu mùng bảy, bộ Lao động Hoa Kỳ vừa công bố hai số liệu tương đối khả quan hơn về tình hình công ăn việc làm tại Mỹ. Thứ nhất là số người bị mất việc giảm mạnh và thứ hai tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm, lần đầu tiên kể từ 15 tháng nay. Tổng thống Barack Obama lập tức tuyên bố rằng chính sách kinh tế đúng đắn của chính quyền ông đang kéo kinh tế Hoa Kỳ ra khỏi khủng hoảng trong khi đang xây dựng một nền móng phát triển mới. Anh nghĩ sao về lời tuyên bố này và, sâu xa hơn, về tình hình kinh tế Hoa Kỳ"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đây là một thí dụ điển hình của hiện tượng ta gọi là con gà tưởng tiếng gáy của nó đã kéo mặt trời lên! Theo thiển ý, Tổng thống Obama đã lộ tinh thần mị dân trong cách phát biểu ấy.
Đức Tâm: Anh quả là có một phê phán nghiêm khắc, vì sao anh lại nghĩ như vậy"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Cách đây gần hai tháng, Phó Tổng thống Joe Biden của Mỹ thú nhận là Chính quyền không lường được tình trạng nguy ngập của kinh tế. Ông Biden là người có trách nhiệm trong Chính quyền Obama về kinh tế và cải cách chứ không phát biểu linh tinh như thói quen cố hữu của ông ta.
- Cách đây đúng một tháng, ngày bảy Tháng Bảy, một Giáo sư Kinh tế của Đại học U.C. Berkeley nay đang làm Cố vấn về phục hồi kinh tế cho Obama là bà Laura D'Andrea Tyson đã tuyên bố tại Singapore rằng gói kích cầu kinh tế trị giá 787 tỷ đô la Chính quyền Obama mới ban hành hồi tháng Hai còn quá ít và rằng Chính quyền chẩn đoán sai tình hình nhân dụng nên số người mất việc còn cao hơn họ dự báo đến hai triệu rưởi. Vì vậy, bà Laura Tyson mới kết luận là có lẽ Hoa Kỳ cần một kế hoạch kích cầu nữa.
- Quan điểm ấy lập tức được ban tham mưu kinh tế Obama điều chỉnh lại, rằng chưa nên vội tung ra một kế hoạch kích thích mới, mà nên đợi xem... Cách đây cũng mới chỉ hai tuần, chính ông Obama còn tiên đoán là tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ lên tới 10% chứ không chỉ có 9,5% mà thôi. Nói chung là ban tham mưu kinh tế của Obama đang bao biện nhiều kế hoạch đầy tham vọng mà nội bộ còn không thống nhất được về chiều hướng kinh tế.
- Bây giờ, khi vừa có hai con số tạm gọi là khả quan, các chính khách ấy lập tức kể công, trong khi trước đấy không lâu họ than vãn về di sản kinh tế quá u ám do chính quyền Bush cũ để lại và khai thác ngay nỗi lo ấy để tung ra nhiều chương trình cải tạo xã hội của họ.
- Thực chất thì kế hoạch kích cầu 787 tỷ đô la không nhắm vào việc cấp cứu kinh tế mà còn tái phân lợi tức để cải tạo xã hội và nhất là để trả nợ cho thành phần cử tri đã bầu Chính quyền này lên. Một cách cụ thể thì sau năm tháng ban hành, số tiền giải ngân trong gói kích cầu vẫn còn quá ít, tính cho cả năm thì chưa tới 100 tỷ đô la bơm vào kinh tế nên chưa thể có tác dụng cấp cứu hay kích thích. Một kinh tế gia Mỹ còn theo dõi việc thi hành kế hoạch kích cầu này trong quý hai và kết luận là tổng số tiền kích cầu tại cấp liên bang, tiểu bang và địa phương lên tới 12 đô la một đầu người, tức là chỉ bằng giọt lệ!
Đức Tâm: Nếu như vậy, ta trở lại hai thống kê về nhân dụng để hỏi anh là tình hình kinh tế Mỹ đã sáng sủa hơn chưa"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Hàng tuần, và tất nhiên hàng tháng, bộ Lao động Mỹ vẫn khảo sát các doanh nghiệp ngoài canh nông về số người tuyển dụng và sa thải, từ đó họ tính ra số người mất việc nhiều hay ít. Sau một giai đoạn dài bị mất việc từ 400 ngàn đến nửa triệu, thì trong tháng Bảy vừa qua, số người bị sa thải chỉ có 247.000 trong khi đa số giới kinh tế và đầu tư dự đoán là có chừng 330.000 người mất việc. Vì vậy, tình hình không đến nỗi tệ và thật ra không đến nỗi tệ trong nhiều tháng liền.
- Về số liệu kia thì hàng tháng, bộ Lao động Mỹ cũng khảo sát các hộ gia đình xem có bao nhiêu người ghi danh thất nghiệp, tức là số người muốn kiếm việc làm mà kiếm không ra. Họ công bố con số này vào mỗi Thứ Sáu đầu tháng, đó là con số thất nghiệp. Tháng Bảy vừa qua, số người khai báo thất nghiệp có giảm chút đỉnh nên tỷ lệ thất nghiệp từ 9,5% sụt xuống còn 9,4%. Thuần về kỹ thuật thống kê thì con số thất nghiệp 9,4% này không đủ chính xác với sai số là 0,2% cao hay thấp hơn số công bố. Ta còn phải đợi một khoảng thời gian dài hơn thì mới biết được đích xác sau khi có điều chỉnh.
- Nhưng điều đáng chú ý là kinh tế Mỹ đã đụng đáy từ Tháng Sáu và có thể đang hồi phục dù là không mạnh. Và đây cũng là chiều hướng chung của kinh tế toàn cầu, từ Mỹ, qua Âu, qua Á, với một ngoại lệ có thể là các nước Đông Âu và Trung Âu.


Đức Tâm: - Anh có vẻ không mấy tin tưởng vào thống kê về nhân dụng, thế tại sao anh lại cho là kinh tế Mỹ đã đụng đáy và đang phục hồi"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi xin lỗi nếu phải nói một chút về chuyên môn. Theo định nghĩa tại Mỹ kinh tế bị suy trầm - bị récession - khi đà tăng trưởng sút giảm trong hai quý liền, tức là ta chỉ biết kinh tế sa sút sau khi thu thập dữ kiện thống kê của nhiều tháng trước. Cũng thế, người ta chỉ có thống kê về sự phục hồi vài tháng sau khi sự phục hồi này xảy ra.
- Giới kinh tế và kinh doanh không thể chờ đợi loại thống kê vuốt đuôi ấy vì hàng ngày phải quyết định về chuyện làm ăn hay vay mượn cho thời gian tới, tức là họ phải tìm ra "chỉ dấu tiên báo", là những số liệu có thể báo trước tình hình. Sau đó họ mới kiểm chứng lại dự báo này là chính xác hay không bằng loại thống kê được thu thập sau khi thực tế đã xảy ra, gọi là loại "hậu kiểm". Thống kê về thất nghiệp thuộc vào loại hậu kiểm đó vì là tấm ảnh về tình hình quá khứ, của tháng trước.
Đức Tâm: Anh nói về chỉ dấu tiên báo, tức là những thống kê dù thuộc về quá khứ vẫn giúp cho mình dự báo về tương lai" Những chỉ dấu ấy là gì"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Người ta có cả chục chỉ dấu thuộc loại đó. Hãy nói về một thí dụ dễ hiểu là lượng hàng tồn kho, tức là hàng hoá sản xuất ra rồi mà chưa bán được, nôm na là hàng ế. Khi thấy lượng hàng tồn kho sút giảm ta đoán là số hàng ế ẩm đang giảm nên suy ra là sẽ có lúc doanh nghiệp phải sản xuất thêm. Khi nào sản xuất mạnh hơn thì mới tuyển thêm nhân công và lúc đó số thất nghiệp mới giảm. Một thí dụ khác là chỉ số tiếp liệu, là khối lượng nguyên nhiên vật liệu mà các doanh nghiệp mua vào để sẽ sản xuất ra hàng hoá sau này, tuần tới hay tháng tới. Chỉ số tiếp liệu này được tính theo lối bách phân và khi nào cao quá 50% là tình hình sẽ sáng sủa ra trong thời gian tới.
- Trong tháng Bảy vừa qua, trên toàn cầu, các khối kinh tế lớn nhất đều có chỉ số tiếp liệu vượt quá hoặc mấp mé cái ngưỡng 50% đó, kể cả Hoa Kỳ - và chậm lụt nhất là tại Âu Châu. Nếu nhìn lại chỉ dấu này từ hơn một năm nay theo lối kiểm chứng thì tình hình thật ra đã chuyển từ đầu năm rồi. Cho tôi nói thêm một chỉ dấu khác là đường tuyến phân lời trái phiếu hay nói theo tiếng Pháp là "courbe des taux". Trên nguyên tắc, đi vay dài hạn thì phải trả lãi cao hơn vì có nhiều rủi ro hơn nên đường tuyến này thường phải dốc lên, nếu chúc xuống thì đó là chỉ dấu suy sụp kinh tế. Trên thị trường tín dụng Hoa Kỳ, đường tuyến này đang cho thấy là giới đi vay tin rằng từ nay đến cuối năm kinh tế Mỹ sẽ hết bị suy thoái. Họ tin tưởng như vậy thì mới dám bỏ tiền ra kinh doanh nên kinh tế mới sáng sủa hơn....
- Nói chung, người ta nhiều dấu hiệu cho thấy là cơn hốt hoảng đã qua rồi, kể cả trên thị trường gia cư địa ốc tại Mỹ là cái gốc của khủng hoảng tài chính. Tình hình sản xuất hay công việc làm sẽ khả quan hơn từ nay đến cuối năm, với sản xuất của Mỹ có thể tăng được 3-4% vào quý ba này. Qua năm tới, các ngân hàng trung ương sẽ còn bàn cãi xem là đã phải nâng lãi suất hay chưa vì e sợ lạm phát.
Đức Tâm: Trở lại chuyện chính sách, theo nhận định của anh, những biện pháp kinh tế của Chính quyền Obama có đóng góp gì cho sự phục hồi đó không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nếu có thể nói ngắn gọn thì đóng góp rất ít nhưng với cái giá rất đắt mà nước Mỹ sẽ phải trả sau này.
- Lý do là từ khi kinh tế Mỹ bị suy trầm vào tháng 12 năm 2007 rồi bị khủng hoảng tài chính vào tháng Chín năm ngoái khiến kinh tế bị suy thoái - tức là không có tăng trưởng dù chậm hơn mà còn sa sút nặng - thì ngân hàng trung ương Mỹ đã liên tục hạ lãi suất căn bản tới số không. Rồi họ còn in bạc bơm vào kinh tế tới mấy ngàn tỳ đô la để chấn chỉnh hệ thống ngân hàng và tín dụng. Nói vắn tắt cho dễ hiểu thì họ tăng gấp đôi khối tiền tệ lưu hành trong kinh tế, là điều chưa từng có tại Mỹ kể từ khi nước Mỹ có hệ thống ngân hàng trung ương này vào năm 1913.
- Nhưng vụ khủng hoảng tài chính và nạn dọa nạt chính trị trong suốt một năm tranh cử đã gây hốt hoảng cho thị trường, làm giới sản xuất co cụm và ào ạt sa thải nhân viên quá nhiều trong khi giới tiêu thụ thấy lợi tức sa sút bèn ghim tiền để dành nhiều hơn. Bây giờ người ta mới hết sợ và bắt đầu trở lại sinh hoạt bình thường.
- Nhìn lại thì các chính trị gia đã nhân vụ khủng hoảng tung ra nhiều kế hoạch cải tạo xã hội ngụy trang là cấp cứu kinh tế, chứ thực tế thì thị trường đang hồi phục sau những đổ vỡ quá lớn vừa qua. Mối lo cho tương lai là nạn bội chi ngân sách quá lớn và vay mượn quá nhiều cho các kế hoạch cải tạo xã hội đang được ban hành. Chính sách ấy sẽ làm cho việc phục hồi trở thành bấp bênh, với lãi suất sẽ tăng và đồng Mỹ kim có khi sụt giá mạnh vào năm tới và nhiều thế hệ sau này sẽ trả nợ mệt nghỉ!
Đức Tâm: Cũng trong chuyện bội chi, thưa anh xin nhắc lại rằng số liệu thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ trong bảy tháng của tài khóa hiện nay đã lên đến 1.300 tỷ. Đài Phát thanh Quốc tế Pháp xin thành thật cám ơn chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tân-Tư-Bản Đại-Địa-Chủ-Đỏ, Big New Red Capitalist Landlords, ở Việt Nam đã, đang và sẽ thu gom tích tụ ruộng đất canh tác của người Nông Dân Việt Nam Nghèo
Cuộc biểu tình khiếu kiện suốt 26 ngày đêm (từ 23-6 đến 18-7 năm 2007) của nông dân miền Nam trước Văn Phòng 2 Quốc Hội
Dân Mỹ là một dân tộc rất mê thể thao. Từ football đến baseball, bóng rổ, hockey, v.v… Thể thao trong quan niệm Mỹ không những rèn luyện thể xác
Mùng một tháng Tám vừa qua là lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine, trước khi chính thức rời Hà Nội vì đã mãn nhiệm, hôm 30/7 vừa qua
Làm thế nào để sự sáng suốt không bị thói quen lấn áp hay nắm chủ quyền của thân tâm tạo ra những chuỗi suy nghĩ đưa đến lời nói hay hành động sai lầm"
San Jose từ nhiều năm nay có một hoạt động khá đặc biệt của nhóm Tình Thương. Quanh năm vận động người tình nguyện đi làm toàn những công việc
Nhà giàu, học giỏi, mà thành khủng bố tự sát" Sao không ứng cử tổng thống" Vụ khủng bố hụt tại London và phi trường Glasgow
“Độc tài, độc đảng là bà đẻ của tham nhũng vì hệ thống cai trị dựa trên sự bao che và tuỳ tiện để bảo vệ đặc lợi cho đảng cầm quyền.
Trong khi Quốc hội thảo luận cho có lệ thành phần tân Chính phủ do Nguyễn Tấn Dũng đề nghị để hòan tất thủ tục trao quyền lãnh đạo Nhà nước
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.