Hôm nay,  

Khủng Hoảng Và Cơ Hội

30/07/200900:00:00(Xem: 8478)

Khủng Hoảng Và Cơ Hội

Nguyễn Xuân Nghĩa & RFA

...Nên đẩy mạnh cổ phần hoá tức là giải tư các doanh nghiệp nhà nước...

Nạn suy thoái kinh tế toàn cầu đã có chỉ dấu chạm đáy. Riêng tại Đông Á ngoài Nhật Bản, các nền kinh tế kia sẽ có hy vọng hồi phục trước tiên, trong đó có Việt Nam. Nhân vụ khủng hoảng, Diễn đàn Kinh tế đài RFA sẽ tìm hiểu về những cơ hội cải cách của Việt Nam. Chương trình chuyên đề của nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ do Việt Long thực hiện sau đây hầu quý thính giả.
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Giới kinh tế quốc tế cho rằng nạn suy thoái toàn cầu đã chìm đến chỗ sâu nhất và coi như chạm đáy để sẽ hồi phục. Riêng tại Đông Á ngoài Nhật Bản thì các nền kinh tế đang phát triển, từ Hàn Quốc, Đài Loan tới Trung Quốc hay Việt Nam, lại có hy vọng khởi sắc nhanh hơn cả. Dù người ta chưa thể kỳ vọng vào một sự hồi phục ngoạn mục chương trình chuyên đề của chúng ta vẫn có thể nhìn riêng vào tình hình Việt Nam để rút tỉa một số bài học và việc phục hồi mạnh hay yếu sau này thì cũng còn tùy thuộc vào những bài học ấy. Câu hỏi đầu tiên, thưa ông, vẫn là bối cảnh của vấn đề trong giác độ của Việt Nam.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Kỳ trước, khi phân tích tình hình Indonesia, chúng ta có nói đến vụ khủng hoảng Đông Á năm 1997 khiến xứ này bị khủng hoảng chính trị vào năm sau. Nhưng, Indonesia đã nhân vụ khủng hoảng mà tiến hành cải cách về kinh tế rồi chính trị để ổn định lại kinh tế và củng cố cơ chế chính trị. Nhờ vậy mà lần này họ không bị hiệu ứng suy thoái nặng như nhiều quốc gia khác và tiến hành bầu cử thành công, với một thể chế chính trị dân chủ và ổn định hơn trước. Vì thế, khủng hoảng cũng là một cơ hội cải cách mà người ta không nên bỏ lỡ.
- Bây giờ về bối cảnh của Việt Nam thì ta không quên năm ngoái, kinh tế xứ này bị lạm phát nặng, tới hơn 28%, do thương phẩm như nguyên nhiên vật liệu lên giá và do chính sách tín dụng quá hào phóng từ nhiều năm trước. Khi ấy, vấn đề của Việt Nam là chế độ quản lý vĩ mô có quá nhiều lệch lạc, và thách đố trước mắt là đẩy lui lạm phát bằng chính sách hạn chế tín dụng. Thế rồi đến cuối năm thì tình hình lại đảo lộn vì suy thoái kinh tế toàn cầu khiến Việt Nam phải vừa tăng chi vừa giải tỏa tín dụng. Cụ thể là hạ lãi suất đi vay để kích thích sản xuất, từ 21% vào tháng Sáu năm ngoái nay chỉ còn 10,5%, thậm chí chỉ 6,5% nếu trừ khoản trợ cấp lãi suất là 4%. Trong khi ấy người ta vẫn phải canh chừng nạn lạm phát có thể tái diễn. Vì vậy, Việt Nam vừa phải tống ga để đẩy mạnh sản xuất mà cũng vừa đạp thắng để ổn định vật giá. Đấy là bài toán nan giải trong khi cơ chế kinh tế xã hội vẫn còn nhiều vấn đề nội tại của nó.
Việt Long: Trước khi nói về các vấn đề nội tại ấy thì tình hình kinh tế Việt Nam đã khả quan hơn chưa nếu ta căn cứ trên những thống kê mới nhất vừa được công bố"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tình hình đã tạm khả quan hơn với đà tăng trưởng của quý một là 3,1%, của quý hai là 4,5% và quy ra toàn năm thì kinh tế Việt Nam tăng trưởng được 3,9% trong sáu tháng đầu năm. Việt Nam chưa hy vọng đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6% như chính quyền đề ra, nhưng tình hình chung thì đã có vẻ bớt đen tối. Trong khi ấy, vật giá cũng phần nào được kềm hãm với mức lạm phát quy ra toàn năm là 3,9%. Đấy là mặt tích cực của tình hình mặc dù mình không thể hoàn toàn tin tưởng vào mức chuẩn xác và cập nhật của các thống kê kinh tế.
- Ngược lại, vì suy thoái toàn cầu mà đầu tư quốc tế và xuất khẩu đều giảm nên Việt Nam vẫn bị nhập siêu, là nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, và bị thiếu hụt cán cân vãng lai. Điều ấy ảnh hưởng đến tỷ giá đồng bạc và chế độ ngoại hối. Cụ thể là đồng bạc Việt Nam mất giá và còn mất giá nặng từ nay đến cuối năm, trong khi đô la Mỹ trở thành khan hiếm hơn trên thị trường. Đồng thời, Việt Nam bị bội chi ngân sách quá cao và càng khó vay mượn trên thị trường trái phiếu. Đã thế, khối lượng tín dụng bơm ra quá nhiều với lãi suất ưu đãi vì được trợ cầp tới 4%, có khi lại không trút vào đối tượng cần cấp cứu mà còn gây vấn đề cho sau này. Tức là trong giải pháp đẩy lui khủng hoảng đã lại có mầm mống khủng hoảng.
Việt Long: - Bây giờ, chúng ta trở lại các vấn đề nội tại của Việt Nam. Những vấn đề ấy là gì"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi xin được tập trung vào các vấn đề chính. Trước hết là thất quân bình vĩ mô, là cơ chế kinh tế quốc dân, khi nhà nước chi nhiều hơn thu nên bị bội chi hay khiếm hụt ngân sách. Mức bội chi còn gia tăng vì hậu quả của khủng hoảng. Thứ hai, trong các thành phần kinh tế, doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm vai trò khống chế dù có hiệu năng rất kém. Đã thế, giữa cơn khủng hoảng, lãnh đạo Việt Nam lại còn lập thêm nhiều tổng công ty quốc doanh mới. Thứ ba, tín dụng nới lỏng lại rót không đúng đối tượng cần kéo ra khỏi khủng hoảng mà chỉ củng cố thêm doanh nghiệp nhà nước và có thể lại thổi lên nhiều trái bóng đầu cơ như đã từng thấy trước đây. Sau cùng, trong sự lệch lạc chung đó, nhà nước vẫn kiểm soát quá nhiều về giá cả, tín dụng và phân phối hàng hoá nên chưa ra khỏi tệ nạn quản lý rất rộng mà lại rất nông. Những bất ổn về vĩ mô vì vậy vẫn còn nguyên vẹn, như trước cơn khủng hoảng.
Việt Long: Theo ý kiến của ông, nếu Việt Nam nên nhân cơ hội này mà tiến hành cải cách thì cần cải cách theo những hướng nào"


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước tiên vẫn là cái cách cái đầu, bằng thay đổi tư duy về vai trò can thiệp của nhà nước. Cần tinh vi và chuẩn xác hơn để đạt mức công hiệu cao hơn thay vì ôm đồm bao biện mà vẫn là bất lực. Thứ hai, ngay về vai trò của nhà nước, cần quan niệm lại một yêu cầu then chốt là yểm trợ cho thị trường có đầy đủ thông tin trung thực và cập nhật, trước hết là thông tin minh bạch về đường lối chính sách của mình, sau đó là về tình hình trị trường trong và ngoài nước. Nếu được thông tin chính xác, các tác nhân kinh tế, trước tiên là doanh nghiệp, sẽ có cơ sở tính toán về quyết định kinh doanh hầu giảm thiểu hiệu ứng tai hại của khủng hoảng.
Việt Long: Ngoài ra, về mặt quản lý vĩ mô, Việt Nam còn phải làm gì một cách cụ thể.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trong tinh thần quan niệm lại vai trò can thiệp của nhà nươc thì nên rà soát và giải tỏa dần chế độ kiểm soát giá cả để thị trường giữ vai trò quyết định nhiều hơn. Khi đó, giá cả sẽ là chỉ dấu xác thực nhất của cung và cầu và là nền tảng của tính toán kinh doanh hay sản xuất hầu đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường. Chính là chế độ kiểm soát giá cả mới gây lệch lạc và tính toán sai lầm trong kinh doanh và cũng là một động lực của tham nhũng và buôn lậu. Việc giải tỏa ấy cần đi từng bước tiệm tiến, trước tiên là với các nguyên nhiên vật liệu cần thiết cho sản xuất, như sắt, thép, xi măng, xăng dầu. Chiều hướng chung là hãy để thị trường và xã hội hơn là bộ máy hành chinh thư lại quyết định về giá cả.
Việt Long: Ngoài việc quan niệm lại vai trò của nhà nước, đâu là những cải cách vĩ mô mà ông cho rằng Việt Nam nên tiến hành"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chấn chỉnh lại công chi thu của ngân sách quốc gia để khỏi bị thiếu hụt. Không nên tăng chi để cấp cứu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, mà chú trọng nhiều hơn đến các thành phần lao động đang bị khốn khó vi khủng hảng. Nên giảm thiểu vai trò đầu tư của nhà nước vì đấy là chức năng của tư doanh. Và nếu có thể được thì nên giảm thuế cho tư doanh dễ dàng hồi phục sản xuất và tuyển dụng nhân công. Nếu không chấn chỉnh công chi thu mà cử để bội chi gia tăng thì việc phát hành công khố phiếu để vay tiền và hút bớt lượng tiền tệ lưu hành đều không có kết quả. Trung Quốc đã thấy ra bài toán ấy khi vay tiền để kích cầu mà thị trường trái phiếu vẫn không muốn mua. Việt Nam cũng bị như vậy chủ yếu là vì thị trường không tín nhiệm. Sau chuyện công chi, Việt Nam cũng cần chú ý đến chính sách tiền tệ.
Việt Long: Ông cho rằng chính sách tín dụng và tiền tệ hiện nay vẫn chưa thỏa đáng hay sao"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ngay trước mắt, Việt Nam không thể tiếp tục mà sẽ sớm chấm dứt việc trợ cấp lãi suất hiện nay và các doanh nghiệp sẽ phải xoay trở với thực tế đó trong một vài tháng tới.
- Nhìn về dài, chính sách tiền tệ và cụ thể là cách tính các loại lãi suất cần được quan niệm lại để thực tế phản ảnh quy luật cung cầu hầu mệnh giá trên bề mặt đi sát với thực giá của kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cần được tăng cường thẩm quyền pháp lý và khả năng chuyên môn để tính ra các mức lãi suất ấy, như chiết khấu suất hay lãi suất cơ bản và các loại lãi suất ký thác.
Việt Long: Ông vừa trình bày là Việt Nam nên yểm trợ tư doanh bằng cách giảm thuế nay lại chấm dứt trợ cấp lãi suất thì việc đó có mâu thuẫn hay không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa người ta có thể yểm trợ tư doanh bằng biện pháp giảm thuế hoặc bằng trợ cấp lãi suất. Nhưng vấn đề đặt ra là đối tượng được yểm trợ: chế độ tín dụng ưu đãi ngày nay lại tập trung giúp đỡ doanh nghiệp nhà nước hơn là tư doanh, trong khi thực tế khách quan là việc trợ cấp lãi suất đặc biệt này sẽ không thể kéo dài được.
Việt Long: Bây giờ, xin ông trình bày tiếp về những biện pháp tiền tệ tín dụng đó.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa, song song với lãi suất là vấn đề hối suất, tức là tỷ giá ngoại hối của đồng bạc tính theo các loại ngoại tệ khác. Tôi thiển nghĩ rằng Việt Nam nên mở dần biên độ giao dịch của đồng bạc và khai thông ách tắc để không bị nạn kham hiếm đô la như người ta đang thấy hiện nay. Vấn đề sở dĩ đặt ra vì thị trường vẫn e sợ nguy cơ lạm phát nên găm giữ Mỹ kim hoặc trút tiền mặt vào các khí cụ đầu tư hay đầu cơ khác. Hậu quả là doanh nghiệp cần đô la để kinh doanh thì đang bị kẹt và Ngân hàng Nhà nước bị sức ép là phải xả đô la ra thị trường trong khi tỷ giá chính thức của đô la vẫn cứ chạy theo tỷ giá thị trường tự do, hay chợ đen.
Việt Long: Câu hỏi cuối thưa ông, nếu muốn cải cách nhân cơn khủng hoảng, Việt Nam còn cần làm gì nữa"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nên đẩy mạnh cổ phần hoá tức là giải tư các doanh nghiệp nhà nước. Việc tư nhân hoá, dù chưa là toàn phần của các công ty quốc doanh, vẫn sẽ tăng thu cho ngân sách quốc gia, kích thích thị trường chứng khoán, đồng thời tạo điều kiện cho việc cải thiện tổ chức và kinh doanh hầu nâng cao khả năng cạnh tranh. Tôi thiển nghĩ là Việt Nam không nên đi giật lùi mà tiếp tục bảo vệ, thậm chí gia tăng vai trò của thành phần kinh tế quốc doanh như chúng ta vừa thấy trong vụ khủng hoảng.
- Trong phạm vi ấy, lãnh đạo Việt Nam nên nhìn lại hiệu ứng của vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á trong các năm 1997-1998. Chính là vụ khủng hoảng ấy mới khiến các quốc gia lâm nạn đều cải tổ và đấy cũng là lý do vì sao các nước này sẽ sớm hồi phục hơn nhiều xứ khác.
Việt Long: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mạng Lưới Tuổi Trẻ VN Lên Đường (MLTTVNLĐ) sẽ tổ chức Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam Thế Giới kỳ 5 tại Kuala Lumpur
Chỉ hai tiếng đồng hồ trước khi đứng cùng lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ để chào đón đức Đạt Lai Lạt Ma trong sảnh đường Rotunda của tòa nhà Quốc hội
Dân tộc Việt Nam rất anh hùng rất đáng kính trọng. Sau một thời gian khó khăn, khi mức sống của nhiều người được cải thiện
Những cuộc biểu tình kéo hàng vạn, hàng triệu người xuống đường, gây nghẽn tắc giao thông, ngừng trệ các sinh hoạt xã hội, những chính phủ sụp đổ
Tôi đọc những dòng thơ tù của Hòa thượng Thích Quảng Độ thấy xót xa cho quê hương ngày hôm nay, vào thế kỷ 21 này trong khi nhiều quốc gia trên thế giới
Ngày xưa, có một cậu bé nóng tính. Bố cậu đưa cho cậu một túi đinh và dặn rằng: Cứ mỗi lần mất bình tỉnh, mất kiên nhẫn, hoặc cãi nhau với ai
Có phải Trung Quốc sắp ra nghị quyết quan trọng về Đài Loan và Trường Sa" Sau đây là Đài RFA phỏng vấn nhà bình luận Trần Bình Nam
Để nuôi dưỡng tình thân thương giữa chị em, cũng như để có cơ  hội ôn lại những kỷ niệm êm đẹp trong thời gian phục vụ trong QLVNCH
Như ta đã biết Xã Hội Dân Sự là một trong ba thành phần của Không gian Xã hội (social space) cùng song hành với Khu vực Nhà Nước (the State)
Biến cố làm chấn động dư luận trong và ngoài nước suốt cả tháng nay là vụ cầu Cần Thơ bị sập hai nhịp cầu dẫn đang thi công
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.