Hôm nay,  

Việt Nam: Bầu Cử Mỹ-chính Trị Việt; Barack Obama Hay John Mccain Có Lợi Cho Người Việt ?

06/06/200800:00:00(Xem: 8112)
Hoa Thịnh Đốn.- Lần đầu tiên trong 232 năm lịch sử của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, kể từ ngày Tuyên bố Độc lập năm 1776, các cử tri của đảng Dân chủ đã  bỏ phiếu bầu  Thượng nghị sĩ da đen Barack Obama của Tiểu bang Illinois, đại diện cho họ ra tranh cử Tổng thống vào tháng 11 (2008).

Ông Obama đã vượt qua số phiếu cần thiết 2118 vào tối ngày Thứ Ba, 3-6 (2008) , để  có thể tự tin tuyên bố trước 15 ngàn ủng hộ viên ở Saint Paul (Minesota) rằng ông sẽ là ứng cử viên của đảng Dân chủ.

Đối thủ của ông trong cuộc tranh chức đại diện cho đảng Dân Chủ, Thượng nghị sỹ  Hillary Rodham Clinton, New York, chưa chịu "đầu hàng", nhưng trong bài diễn văn tại Nữu Ước, Bà nói rất hãnh diện tranh cử với  Nghị sỹ Obama và hứa sẽ đóng góp tích cực vào việc đòan kết nội bộ đảng để "chiếm lại Tòa bạch ốc vào tháng 11 tới đây".

Bà Clinton làm như thế để bảo vệ vị trí chính trị của Bà trong đảng Dân chủ, dù Bà ở bất cứ cương vị nào trong tương lai. Ông Obama và những người ủng hộ ông biết  rất rõ sự quan trọng của Bà  Clinton trong cuộc bầu cử vào tháng 11 nên sẽ phải đắn đo trước mỗi hành động để không làm mất lòng khối cử tri 17 triệu người đã bỏ phiếu cho Bà.

Trong bài diễn văn hôm 3/6 (2008) Bà cũng nhắc khéo Nghị sỹ Obama và các Lãnh tụ đảng Dân chủ rằng nguyện vọng và lá phiếu của 17 triệu cử tri dành cho bà phải được lắng nghe và tôn trọng.

Về phần mình, ông Obama ca ngợi Bà Clinton đã "làm nên lịch sử" trong cuộc tranh cử vì Bà đã đạt tới địa vị chính trị mà từ trước đến nay chưa  có người phụ nữ nào làm được. Ông nói : " Nghị sỹ Clinton là một Lãnh tụ, người đã làm cho hàng triệu người kính phục với  khả năng, sự can đảm và ý chí theo đuổi những lý tưởng để chúng ta có được hôm nay. Đảng của chúng ta, đất nước chúng ta tốt đẹp hơn nhờ Bà, và tôi được trở thành một ứng cử viên sắc bén hơn cũng là vì tôi được vinh sự tranh cử với Bà."

Điểm đặc biệt trong bài diễn văn, Nghị sỹ Obama đã không nói gì đến cá nhân hay nguồn gốc của mình có ông bố là người Kenyia, Phi châu, và mẹ là người Mỹ da trắng ở tiểu bang Kansas.  Ngược lại ông đã ca tụng công  ơn nuôi dưỡng nên người của Bà Ngoại đang sống tại Hawaii, sau khi bố mẹ  chia tay  khi ông mới được hai tuổi.

Nhưng quyết định chọn Nghị sỹ Obama, thay vì  Bà Clinton của cử tri đảng Dân chủ đã đánh dấu một cuộc cách mạng xóa bỏ lằn ranh chủng tộc và mầu da  trong xã hội có lịch sử kỳ thị đau buồn  của người Mỹ. Điều này càng gây ngạc nhiên hơn khi nhiều cử tri da trắng bỏ phiếu cho ông Obama nói rằng, mầu da đối với họ ngày nay không quan trọng bằng khả năng của ứng cử viên và họ sẵn sàng chấp nhận một Tổng thống không cùng mầu da với họ.

VÁN BÀI CỦA OBAMA

Vậy câu hỏi đặt ra cho ông Obama là ông phải làm gì để thu được số phiếu ủng hộ Bà Clinton tại các Tiểu bang quan trọng như California, Texas, Nữu Ước, Pennsylvania, Florida, Michigan, West Virginia, và Ohio "

Trong cuộc tranh cử sơ bộ, kết thúc ngày 3-6 (2008), số cử tri ủng hộ Bà Clinton tập trung trong giới Phụ nữ, người lớn tuổi, thợ thuyền và nông dân bình dân có lợi tức từ 50 ngàn Mỹ kim một năm trở xuống, và cử tri người gốc Nam Mỹ và Á châu.

Ngược lại, Nghị sỹ Obama thu được số phiếu đa số của giới trẻ, giới trung lưu, đàn ông tuổi từ 50 trở xuống, một phần phụ nữ, và tất nhiên có tới trên 80 phần trăm người Mỹ da đen đã bỏ phiếu cho ông.

Như vậy, muốn nắm chắc phần thắng trong cuộc tranh cử vào tháng 11 chống lại ứng cử viên của đảng Cộng hoà, Thượng nghị sỹ John MacCain, ông Obama phải  được  sự ủng hộ và vận động cử tri của Bà Clinton.

Vì vậy mà ngay sau khi kết thúc hai cuộc bầu cử sau cùng tại Montana va South Dakota tối thứ Ba, 3-6 (2008), nhiều Lãnh tu đảng Dân chủ đã khuyên Nghị sỹ Obama nên mời Bà Clinton đứng chung liên danh. Nhiều ủng hộ viên của ông Obama cũng đồng ý nếu có Bà Clinton làm ứng viên Phó Tổng thống thì liên danh Obama-Clinton sẽ là một "Dream Team" (Liên danh Lý tưởng) và sẽ  chiến thắng.

Tuy nhiên, ý kiến này không được cựu Tổng thống Jimmy Carter, người ủng hộ Nghị sỹ Obama, tán thành. Ông cho rằng, nhiều cử tri của hai phía không chịu phần thiệt về ứng của viên của mình nên có thể đưa đến thảm họa, vì bất mãn, sẽ dồn phiếu cho Nghị sỹ John McCain.

Lời tiên đoán của ông Carter không phải vô lý vì ó tới 60 phần trăm cử tri bỏ phiếu cho Bà Clinton cho biết họ không hài lòng nếu ông Obama được đảng đưa ra tranh cử. Số này tăng lên tới 70 phần trăm ở Mississipi, 73 phầm trăn tại West Virginia and 77 phần trăm ở tiểu bang Kentucky.

Ngược lại, có tới 70 phầm trăm người Mỹ da đen nói họ sẽ không bỏ phiếu cho Bà Clinton, nếu Bà được chọn đại diện cho đảng Dân chủ. Tuy nhiên, không biết sẽ có bao nhiêu cử tri ngườI Mỹ da mầu chịu bỏ phiếu cho Bà Clinton nếu Bà đồng ý đứng chung liên danh với ông Obama.

Ngược lại, nhiều Lãnh tụ người Mỹ da mầu, trong số có Dân biểu nổi tiếng của Nữu Ước, Charles B. Rangle, đã mở cuộc vận động đề nghị Bà Clinton đứng chung với Nghị sỹ Obama. Tuy nhiên ông Obama cho biết ông sẽ thảo luận với các cố vấn của ông và đã thành lập một Tiểu ban chọn ứng cử viên Phó Tổng thống cho ông.  Một trong ba thành viên của Tiểu ban là Caroline Kennedy, con gái của cố Tỗng thống John F. Kennedy.

Gia đình Kennedy đã chia hai trong cuộc tranh cử giữa Bà Clinton và ông Obama. Thượng nghị sỹ Edward Kennedy, các con của ông và Caroline Kennedy ủng hộ  ông Obama. Ngược lại, các con của cựu Tổng trưởng Tư pháp  Robert Kennedy, anh của Nghị sỹ Kennedy lại ủng hộ Bà  Clinton.

McCAIN VÀ OBAMA

Hai ứng cử  viên Tổng thống năm 2008, Barack Obama và  John McCain có nhiều điểm khác biệt:  Obama 46 tuổi so với McCain 71. Nghị sỹ Obama của Tiểu bang Ilinois chưa làm hết nhiệm kỳ đầu tiên 6 năm tại Thượng viện, trong khi ông McCain của Tiểu bang Arizona đã làm Nghị sỹ 22 năm.  John McCain là cựu chiến binh nổi tiếng của Mỹ, cựu tù binh chiến tranh Việt Nam, bị giam tại Hỏa Lò, Hà Nội, trên 5 năm trong khi Obama chưa biết đời quân ngũ là gì. McCain có  rất nhiều kinh nghiệm về Quốc phòng và Ngoại giao, trong khi Obama  chỉ là một "lính mới" trong hai lĩnh vực này.

Tuy nhiên ứng cử viên John McCain có nhiều bất lợi vì liên hệ mật thiết với các chính sách của Tổng thống Cộng hòa Goerge W. Bush.  Nghị sỹ  McCain đã công khai nhiều bất đồng với chính sách quân sự của Tổng thgống Bush  trong cuộc chiến tranh kéo dài chưa có cơ hội kết thúc tại Iraq.

Ông  McCain  ủng hộ chủ trương duy trì quân đội Mỹ tại Iraq cho đến khi Chính phủ và quân đội Iraq có thể tự bảo vệ lấy họ. Ngược lại, Nghị sỹ Obama chủ trương quân Mỹ  sẽ giảm dần các cuộc tham chiến, tuần tự rút quân và buộc Chính phủ và Quân đội Iraq phải gánh lấy trách nhiệm bảo vệ an ninh cho họ.

Sự bất lợi của John McCain trong cử tri là do hậu qủa của tình hình kinh tế  nuớc Mỹ càng ngày càng tồi tệ; tình trạng xuống dốc của thị trường nhà cửa và số người mất nhà, mất việc càng ngày càng lên cao; trong khi giá xăng dầu tăng cao đột xuất không kiểm soát được khiến dân chúng bất mãn với chính sách đối nội của ông Bush.

Thêm vào đó là tình trạng sa lầy tại chiến trường Iraq, sau 5 năm tham chiến của quân đội Mỹ , và sự lớn mạnh mỗi ngày của lực lượng Teleban và quân khủng bố Al-Kaida (Al-Queda) tại  Afghanistan cũng gây bất mãn trong dân Mỹ khiến số người ủng hộ ông Bush chỉ còn 29% trước cuộc bầu cử Tổng thống. Đây là số phần trăm ủng hộ thấp nhất trong lịch sử Hoa Kỳ mà dân chúng đã dành cho một Tổng thống vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ.

Dư  luận Mỹ cũng thắc mắc tại sao nước Mỹ phải đài thọ phí tổn chiến tranh và xây dựng cho Iraq mỗi ngày mất 330 triệu Mỹ kim, trong khi nền kinh tế nước Mỹ đang xuống dốc và có tới 40 triệu người Mỹ không có tiền mua bảo hiểm sức khỏe "

Với chi  tiêu không kiểm soát được cho hai chiến trường Iraq và Afghanistan, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, sau 8 năm cầm quyền, Tổng thống Bush và đảng Cộng Hoà đã gây ra thâm thủng ngân sách 632 Tỷ Mỹ Kim (Một Tỷ bằng 1,000 Triệu Dollars).

Cũng nên biết khi Tổng thống Bill Clinton của đảng Dân Chủ rời Tòa  Bạch ốc năm 2000, thì ông đã quân bình ngân sách và để lại số thặng dư 526 Tỷ Mỹ kim cho nước Mỹ.

Như vậy, Tổng thống Bush và đảng Cộng Hòa không những đã "đốt" hết số tiền thặng dự mà còn gây ra them khỏan nợ 632 tỷ dollars !

Tất cả những bất mãn của dân chúng đối với ông Bush và đảng Cộng Hoà sẽ trút hết lên đầu John McCain  và các ứng cử viên Quốc hội của Cộng Hoà trong cuộc bầu cử năm nay.  Vì vậy, các cố vấn của ông John McCain đã tìm mọi cách để ứng viên của họ không đi chung với ông Bush trong các cuộc vận động tranh cử, mặc dù ông Bush đã đi một số nơi gây qũy cho ông McCain mà không có ứng cử viên tham dự.

Dù vậy, đảng Dân chủ vẫn tìm mọi cơ hội để  gắn liền  John McCain với chích sách thất bại của ông Bush.  Ứng cử viên Obama đã nhiều lần cảnh cáo cử tri rằng John McCain chỉ là người tiếp tục chính sách thất bại của Bush và  thực hiện nhiệm kỳ thứ Ba của ông Bush. 

Ngược lại, ông John McCain lại tìm cách dành số phiếu của Bà Clinton với hy vọng sự bất mãn của các ủng hộ viên của Bà Clinton đối  với ông Obama sẽ khiến họ quay sang ủng hộ đảng Công Hòa.

PHIẾU VIỆT BẦU AI "

Như vậy, các cử tri người Mỹ gốc Việt sẽ quyết định ra sao trong việc sử dụng lá phiếu của mình  vào tháng 11 này "

Cũng cần nhắc lại, trong hai cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000 và 2004, nhiều Tổ chức người Việt  ở Mỹ đã công khai vận động ủng hộ đảng Cộng Hòa với hy vọng Tổng thống Bush sẽ cứng rắn với Chính quyền CSVN về những vi phạm nhân quyuến, quyền tự do tôn giáo và tự do báo chí khi cứu xét cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giớI (World Trade Organization, WTO).  Nhưng cuối củng, Bộ Ngoại giao Mỹ  đã bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đáng quan tâm  (Country of Particular Concern,CPC) về Tự do Tôn giáo để Hà Nội hội đủ điều kiện vào WTO.

Sau đó, Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp, khủng bố và đe dọa các Tổ chức Tôn giáo không chịu tham gia các Tổ chức Tôn giáo do Nhà nước qủan lý, điển hình như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang) do Đức Tăng thống Thích Huyền Quang lãnh đạo; đồng bào theo đạo Tin lành ở miền núi Bắc Việt và trên vùng Tây nguyên (Cao nguyên miền Nam) và  Phật giáo Hòa Hảo do Cụ Lê Quang Liêm lãnh đạo.  Ngay đối với Giáo hội Công giáo, tuy không còn bị kìm kẹp gắt gao như trước, nhưng vẫn bị hạn chế các sinh hoạt nội bộ, bị kiểm soát tu sinh, Chủng viện, việc bổ nhiệm và thụ phong chức Linh mục. Ngay việc Tòa thánh Vatican muốn phong chức một Giám mục, Tổng giám mục hay Hồng Y cho Giáo hội Việt Nam cũng phải được đảng CSVN đồng ý. Các vụ biểu tình đòi đất Tòa Khâm sứ tại Hà Nội vào cuối năm  2007 là một thí dụ cho chính sách chiếm đất của Tôn giáo của nhà  nước Việt Nam.

Đối với các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong nước thì  nhà nước CSVN vẫn không khoan nhượng mà còn trấn áp mạnh mẽ hơn khi chưa được gia nhập WTO.

Chính phủ Bush biết rõ những việc này và những vi phạm nghiêm trọng của CSVN, nhưng quyền lợi ngoại giao và kinh tế đã được Tòa Bạch ốc coi trọng hơn nhu cầu áp lực đòi dân chủ và tôn trọng nhân quyền cho người Việt Nam bị đàn áp.

Bộ Ngọai giao Mỹ, dưới quyền Bà Condoleezza Rice cũng không đồng ý đưa Việt Nam trở lại danh sách Các Nước Đáng Quan Tâm, mặc dù cả Hội đồng  Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (The U.S. Commission on International Religious Freedom --USCIRF) và Tổ chức Human Rights Watch đã yêu cầu như thế vì  Việt Nam  tiếp tục ngăn cấm quyền tự do tôn giáo.

Phụ tá Phát ngôn viên Bộ Ngọai giao Mỹ,Tom Casey, nói vào hôm 02-05 (08) : " Vào thời điểm này, chúng tôi tin hãy còn một số vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Chính phủ Việt Nam đã  hành động đáp lại một số  quan tâm của Hoa Kỳ khiến Việt Nam trờ thành quốc gia chưa có những điều kiện cần thiết để chúng tôi đem trở lại danh sách các nước đặc biệt đáng quan tâm". ( And so, at this point, we believe that while there are certainly still a number of issues in terms of religious freedom in Vietnam, that the actions that the Vietnamese Government has taken to address some of our concerns makes them a country that does not merit being included on the CPC or the "Countries of Particular Concern" list.)

Về sự liện hệ với Cộng đồng người Việt ở Mỹ và với Việt Nam giữa  hai ông Obama va McCain thì họ cũng có nhiều khác biệt. 

Ứng cử  viên Obama còn khá xa lạ với Cộng đồng người Việt và  chưa có thành tích nào đối với Việt Nam. Khi ông sinh ra năm 1961 thì cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Việt Nam mới bắt đầu nhen nhúm. Đến khi cuộc chiến bùng nổ lớn với sự tham chiến ồ ạt của quân đội Mỹ thì ông còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngược lại, ứng cử viên Cộng hòa John McCain là ngườI có nhiều liên hệ và kinh nghiệm với Việt Nam, nhưng ông cũng là người đã cùng với một số Nghị sỹ, Dân biểu cựu chiến binh Việt Nam, trong số có Nghị sỹ Dân chủ John Kerry, ứng cử viên Tổng thống năm 2004, chỉ quan tâm đến việc hợp tác với Việt Nam để tìm kiếm Quân mỹ mất tích trên chiến trường Đông Dương.

Cả hai ông McCain và Kerry chưa bao giờ đặt ưu tiên hai vấn đề Nhân quyền và Tự do Tôn giáo tại Việt Nam khi họ đến Việt Nam thảo luận về vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích. Họ cũng không mấy tích cực khi hai vấn đề này được đem ra thảo luận tại Quốc hội Hoa Kỳ trong những năm vừa qua. Ngược lại, cả hai ông Kerry va McCain đã đứng đầu nhóm cổ võ gia tăng mậu dịch và phát triển bang giao với chính quyền CSVN.

Đối với những cử tri người Việt còn lưỡng lự thì cũng nên nhớ rằng Chính quyền Mỹ, dưới thời Dân chủ Kennedy và Lyndon Johnson, hai ông đã đem quân Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Trong khi chính quyền Mỹ, dưới thờ Cộng Hoà Richard Nixon và General Ford  thì hai ông này đã "đi đêm" thương thuyết với Hà Nội để chấm dứt chiến tranh và rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Hậu qủa như thế nào để đưa đến thảm họa ngày 30-4-1975 cho nhân dân Việt Nam Cộng hoà thì  chắc mọi người còn nhớ "

Điều này cho thấy khi chạm đến quyền lợi của nước Mỹ thì lá phiếu của cử tri gốc Việt có được đặt lên bàn cân không, hay người Việt hãy tự  tìm lấy cho mình một quyết định để khỏi ngỡ ngàng về sau " -/-

Phạm Trần
(06/08)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.