Hôm nay,  

Lạm Phát Và Nhập Siêu

29/05/200800:00:00(Xem: 7302)
...giới đầu tư lo ngại và có thể tháo chạy nhanh hơn mình tưởng...

Hàng loạt thống kê vào cuối tháng Năm vừa qua đã cho thấy hai vấn đề nổi cộm cho nền kinh tế Việt Nam. Đó là nạn lạm phát đã tăng vọt tới mức phi mã, bình quân là 3% một tháng trong năm tháng đầu của năm nay. Trong khi ấy, Việt Nam lại bị nhập siêu nặng, cao gấp ba số nhập siêu của cùng kỳ năm trước và nay đã vượt quá 14 tỷ đô la. Diễn đàn Kinh tế  của RFA kỳ này sẽ phân tích hai hiện tượng đáng ngại ấy qua phần trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa. Chương trình chuyên đề này sẽ do Việt Long thực hiện hầu quý thính giả.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, những ước lượng sơ khởi của Tổng cục Thống kê vừa được công bố đã cho thấy rằng lạm phát không thuyên giảm mà còn tăng mạnh trong tháng Năm sắp kết thúc và mới chỉ trong năm tháng đầu năm đã cao hơn toàn năm ngoái. Trong khi ấy, người ta lại được biết rằng do nhập khẩu tăng hai phần ba mà xuất khẩu chỉ tăng có 27% trong năm tháng đầu năm, Việt Nam bị nhập siêu đến hơn 14 tỷ đô la, cao gấp ba số nhập siêu vào tháng Năm của năm trước. Nói vắn tắt lại, Việt Nam cùng lúc bị hai nạn lạm phát và nhập siêu ở mức đáng ngại, là điều truyền thông quốc tế đồng loạt báo động vào hôm Thứ Hai đầu tuần...

Trong chương trình kỳ này, xin đề nghị ông phân tích nguyên nhân của hai vấn đề ấy và trình bày về những giải đáp ứng phó mà Việt Nam có thể áp dụng. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là vì sao lại bị tình trạng ấy, có phải vì Việt Nam nhập khẩu luôn nạn lạm phát trên thế giới không"

- Thưa chúng ta sẽ bắt đầu bằng nạn lạm phát trước - là khi vật giá gia tăng - sau đó mình sẽ nói tới nạn nhập siêu - là khi kinh tế nhập nhiều hơn xuất khẩu nên bị thiếu hụt cán cân thương mại. Sau cùng mình mới tổng hợp về tình trạng nhiều người có thể gọi là "họa vô đơn chí", vừa bị vỏ dưa vừa lãnh vỏ dừa. Theo tôi, chủ yếu là mình đi chệch hướng và quản lý kém về vĩ mô trong một bối cảnh bất trắc của thị trường quốc tế.

Hỏi: Nếu vậy, xin đề nghị là chúng ta sẽ bắt đầu bằng nạn lạm phát.

- Trước hết về nạn lạm phát. Những con số sơ khởi được ước lượng qua việc so sánh chỉ số giá tiêu dùng đã gần 4% nội trong tháng Năm và đẩy mức lạm phát của mới năm tháng đầu năm lên tới gần 16%, tức là cao hơn cả năm ngoái như ông vừa trình bày. Nói cho rõ thì chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 25% so với tháng Năm của năm ngoái, là trường hợp chưa hề có từ 1992 đến nay.

- Vấn đề không chỉ đáng lo ở con số rất cao mà còn nguy ngập ở cấu trúc của lạm phát, khi giá lương thực tăng vọt tới gần 53% mà lương thực lại là loại hàng nhu yếu phẩm rất cần thiết cho quảng đại quần chúng, có thể ảnh hưởng tới gần 60% của ngân sách chi tiêu gia đình các gia đình nghèo.

- Về nguyên nhân của lạm phát thì từ cuối năm ngoái đến nay, chương trình này đã có ba lần trình bày và phân tích. Thứ nhất, do quản lý vĩ mô kém, Việt Nam đã thổi bùng lạm phát tiền tệ khi cấp phát tín dụng quá dễ dàng trong suốt năm ngoái, số dư nợ tín dụng tăng đến 50% so với chừng 30-35% của mấy năm trước. Sau đó, cũng là do quản lý vĩ mô kém, lại quá chậm và quá nhẹ khi phải kềm hãm lạm phát tiền tệ bằng các biện pháp tài chính ngân hàng. Lãi suất ngân hàng được ấn định quá thấp, dù có tăng thì vẫn là thực âm, mãi đến tuần qua mới điều chỉnh thêm. Như chúng ta đã có lần so sánh, lạm phát cũng như phụt kem từ ống thuốc đánh răng ra, khi hút lại tất nhiên rất khó. Đó là lý do thứ hai, lạm phát vì phí tổn: khi thị trường thấy giá cả tăng vọt thì ai ai cũng có phản ứng phòng bị, giới sản xuất sợ lạm phát sẽ đẩy chi phí lên cao hơn nên bán hàng cũng đắt hơn và rốt cuộc thổi lên một cơn lốc làm giá bốc cao hơn.

Hỏi: Đó là những yếu tố thất quân bình nội tại của Việt Nam, nhưng vật giá cũng đang tăng trên thế giới nên có khi mình cũng nhập khẩu luôn lạm phát từ bên ngoài vào, có phải vậy không"

- Vâng, bây giờ ta mới ngó ra ngoài, thế giới đang bị lạm phát vì cung không kịp với cầu nên giá cả nguyên nhiên vật liệu mà Việt Nam cần nhập khẩu cho nền kinh tế cũng đã tăng vọt. Khi nhập khẩu thì ta cũng nhập khẩu luôn nạn lạm phát của thiên hạ, chủ yếu là do giá thương phẩm nhất là xăng dầu đều tăng. Đã thế, do chính sách quản lý vĩ mô quá kém, một lượng tài sản dư dôi từ hai thị trường bị bể như bong bóng là chứng khoán và địa ốc đã lại trút về thị trường hàng hoá tiêu dùng và đẩy thêm lạm phát. Vì ngần ấy lý do, trên toàn cõi Á châu đang bị nguy cơ lạm phát thì Việt Nam bị nặng nhất.

Hỏi: Bây giờ, ta bước qua mối tai họa thứ hai là nạn nhập siêu làm cán cân thương mại bị hụt mất hơn 14 tỷ trong năm tháng đầu năm, tức là cao hơn cả năm ngoái. Vì sao lại như vậy"

- Chúng ta không quên rằng trong tuần qua, Việt Nam cũng mới vừa khoe là đã tiếp nhận đầu tư trực tiếp từ nước ngoài một ngạch số rất lớn là hơn 14 tỷ Mỹ kim. Đây mới chỉ là những số cam kết thôi nhưng cũng giúp chúng ta nhớ rằng sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO từ đầu năm ngoái, đầu tư nước ngoài đã tràn vào Việt Nam nhiều hơn dự đoán của Chính phủ khiến cho có lúc tiền Mỹ bị ế và đổi không được. Ngoài ra, năm ngoái, lượng tiền của người Việt từ hải ngoại gửi về cũng gia tăng đáng kể và chính thức thì cũng lên tới bảy tỷ.

- Trong hoàn cảnh gọi là thuận lợi ấy cho cán cân vãng lai - hay chi thu về ngoại tệ mà mình có thể goi là cán cân chi phó - Việt Nam đã lại nhập khẩu quá mạnh, với mức gia tăng hơn gấp đôi số xuất khẩu nên mới bị nhập siêu hơn 14 tỷ như ông vừa nói. Cũng tương tự như con số về lạm phát mà mình vừa trình bày, nội dung hàm chưa bên dưới con số tổng hợp ấy mới đáng ngại.

- Cơ chế kinh tế của Việt Nam chủ yếu là làm gia công cho thiên hạ bằng cách nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, chế biến rồi xuất khẩu ra ngoài. Với xuất khẩu chiếm tới 60% của tổng sản lượng GDP mà xuất lại tăng chậm hơn nhập trong khi hàng nhập khẩu vẫn còn cao giá trên toàn cầu, tình trạng bấp bênh này sẽ kéo dài. Tôi thiển nghĩ rằng khiếm hụt về ngoại thương của Việt Nam có thể vượt quá 35 tỷ trong năm nay. Số tiền thu được nhờ đầu tư hay kiều hối sẽ không thể bù đắp nổi và Việt Nam sẽ bị thiếu hụt chi phó sau khi đã tạm quân bình được vào năm 2006.

- Nhân đây phải nói thêm rằng Văn phòng tại Singapore của tổ hợp đầu tư JP Morgan Chase đã vừa có một phúc trình báo động về tình hình đáng ngại này của Việt Nam. Cùng ngày 23 đó, Văn phòng tại Hong Kong của Tổ hợp đầu tư Merrill Lynch cũng nói tới hoàn cảnh đầy bất trắc của Việt Nam, với lời phê phán là "từ đứa con ngoan nay thành trẻ bệnh"!

Hỏi: Xin hỏi ông ngay một câu là giữa hai mối họa lạm phát và nhập siêu thì vấn đề nào là đáng ngại hơn cả"

- Câu trả lời có thể làm nhiều người không vừa ý: giữa hai vấn đề đều nghiêm trọng như nhau và thực sự là có liên hệ với nhau, lạm phát là nan đề cực kỳ nguy hiểm trước mắt vì lý do xã hội, trong khi nhập siêu là bài toán trầm trọng về dài, mà tác dụng sẽ chỉ được thấy vào năm tới.

- Tôi xin giải thích ngay, việc tài trợ thiếu hụt thương mại của Việt Nam qua đầu tư hay kiều hối từ bên ngoài rót vào thật ra chỉ có kết quả ngắn hạn. Khi giới đầu tư do dự vì khả năng quản lý vĩ mô quá kém, tới mức bất ngờ, của Việt Nam, họ có thể xét lại. Chuyện ấy bắt đầu manh nha, sau khi công ty lượng giá trái phiếu Standard & Poors vừa đánh sụt giá quốc trái của Việt Nam, tức là giấy nợ do Việt Nam phát hành, vào loại đầu tư có rủi ro. Nhưng tác động ấy xảy ra còn chậm vì sự lạc quan quá đáng của dư luận về cơ hội làm ăn tại Việt Nam. Đến cuối năm nay và qua năm tới mình mới thấy hết hậu quả.

- Trong khi đó, và đây là vấn đề cực kỳ nguy hiểm về xã hội, lạm phát vẫn hoành hành và đánh trước tiên vào nồi cơm túi tiền của thành phần bình dân, lao động, là đa số dân chúng trong nước. Những vụ biểu tình liên tục và lan rộng của công nhân Việt Nam là hồi chuông cảnh báo sự bất mãn và tuyệt vọng của dân chúng. Chính là hiện tượng đó mới khiến giới đầu tư lo ngại và có thể tháo chạy nhanh hơn mình tưởng. Chuyện ấy đã xảy ra tại Thái Lan và các nước Đông Nam Á 10 năm về trước nên mình không thể coi thường. Và càng bịt kín tin tức thì càng dễ gây ra cảnh tức nước vỡ bờ.

Hỏi: Chúng ta đi qua phần hai của chương trình. Về những giải pháp ứng phó thưa ông, đâu là những biện pháp ưu tiên"

- Trên đại thể, tôi thiển nghĩ rằng mình nên trước tiên thay đổi lại quan niệm, là chú trọng đến phẩm chất hơn là con số của đà tăng trưởng kinh tế. Tôi dùng chữ "phẩm chất" chứ không phải "chất lượng" là một từ vô nghĩa và nguy hiểm về kinh tế! Hãy nghĩ đến một sự tăng trưởng dù có thấp hơn về lượng nhưng về phẩm phải có giá trỉ bền vững và công bằng lành mạnh hơn.

- Sau những lúng túng ban đầu, kéo dài mất nửa năm, Việt Nam nên đặt ưu tiên vào nỗ lực giải trừ lạm phát và ổn định mức sống cho người dân cao hơn ưu tiên đẩy mạnh xuất khẩu để khỏi bị nhập siêu. Trong chiều hướng đó, phải đẩy mạnh hơn việc kiểm soát khối tiền tệ lưu hành và mạnh dạn tăng lãi suất, là điều mà do dự mãi rồi tuần qua Việt Nam mới cho thi hành. Hãy nâng lãi suất cơ bản và để các ngân hàng tự cạnh tranh và ấn định lấy lãi suất cho khách hàng, từ lãi suất huy động tiết kiệm và ký thác tới lãi suất cho vay, kể cả cho nhau vay trên thị trường liên ngân hàng. Tất nhiên là quyết định xiết chặt tiền tệ ấy sẽ làm một số ngân hàng gặp khó khăn, thậm chí phá sản và bị sát nhập như chúng ta đã có lần đề cập tới trên diễn đàn này. Đây là sự đào thải phũ phàng mà cần thiết vì Việt Nam có quá nhiều ngân hàng và đa số lại là những ngân hàng quản lý kém và đầy rủi ro. Chính là biện pháp mạnh như vậy mới trấn an được giới đầu tư quốc tế và tạo cơ hội cho họ tham gia cải thiện hệ thống tài chính và ngân hàng của Việt Nam trong tương lai.

Hỏi: Dường như ông muốn nói đến một liều thuốc cực mạnh, thế còn nạn nhập siêu đang gia tăng như ông vừa báo động, người ta có thể làm được những gì để ngăn chặn hay giảm thiểu" Liệu có cần một liều thuốc đắng nữa không"

- Từ việc quan niệm lại toàn bộ chiến lược và cách ứng xử, tôi trộm nghĩ rằng Việt Nam nên dùng đòn bẩy về ngoại hối để vừa khắc phục thất quân bình thương mại vừa phần nào giải quyết được cả nạn lạm phát. Biện pháp đó là điều chỉnh lại tỷ giá đồng bạc Việt Nam cho cao hơn trong một biên độ giao dịch rộng hơn. Tôi xin được giải thích vấn đề khá rắc rối này:

- Trên nguyên tắc, khi kinh tế bị nhập siêu và cán cân chi phó bị nguy cơ khiếm hụt, đồng bạc Việt Nam có thể bị mất giá so với tiền Mỹ. Đó là trên nguyên tắc là khi Viêt Nam có chế độ hối đoái tương đối tự do cởi mở. Trong thực tế, Mỹ kim bị mất giá và Việt Nam vẫn ấn định tỷ giá đồng bạc quá thấp để xuất khẩu cho rẻ và chính là điều ấy cũng góp phần gây ra lạm phát tiền tệ vì đồng tiền quá rẻ mà người sản xuất cho việc xuất khẩu lại ít được lợi. Cụ thể nhất là nông gia trồng lúa. Trong hoàn cảnh đó, nếu Việt Nam nâng hối suất của mình, một cách tiệm tiến và chừng mực theo tình hình cung cầu về ngoại tệ, biện pháp ấy cũng sẽ phần nào kềm hãm được nhập khẩu. Những chuyển động trong hai ngày vừa qua về trị giá đồng bạc Việt Nam so với Mỹ kim và việc đô la có thể tạm ngưng đà mất giá mà còn có thể lên giá vào cuối năm nay là điều giới hữu trách nên theo dõi rất kỹ để đừng sợ điều chỉnh. Chúng ta sẽ còn cơ hội trở lại đề tài quá kỹ thuật này, có khi sẽ được các cơ quan cấp viện thảo luận trong kỳ họp tuần tới tại Sapa...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Kể từ năm 2003, giá dầu thô trên thế giới bắt đầu tăng dần từ khoảng 25 Mỹ kim/thùng đến 70 Mỹ kim/thùng vào tháng 6, 2006. Hiện tại giá dầu đang giao động khoảng 60 Mỹ kim
Chỉ một việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân công du Âu châu sẽ đến Vatican gặp đức Giáo hoàng Benedict XVI cũng trật lên trật xuống. Vào khoảng ngày 10/1 Hà Nội thông báo
Các lý thuyết về sự hâm nóng toàn cầu phát sinh từ cuối thế kỷ 19 do những nhà khoa học Thụy Điển trong khi quan sát sự thay đổi nhiệt độ của không khí bị ô nhiễm để rồi từ đó
Là nước thuộc địa nửa phong kiến, nhân dân Việt Nam chịu nhiều đau khổ do thực dân Pháp đô hộ và giai cấp phong kiến áp bức bóc lột. Các tầng lớp nhân dân
Đảng Cộng sản Việt Nam đang tự chui đầu vào thòng lọng cửa quyền quyền lãnh đạo bằng các giải pháp dân chủ giả tạo mà cứ nghĩ đó là cách tốt nhất để đưa Việt Nam thoát khỏi đói nghèo
Một ngày phiên chợ, u tôi mua về đôi gà nhỏ. Hai con gà: một trống, một mái, dáng còn bé tí teo, như vừa mới lìa đàn. Suốt ngày chúng cứ rúc vào một góc sân
CSVN âm thầm đem tượng Hồ Chí Minh vào trong chùa, tưởng rằng để cho dân chúng thờ lạy như cúng Phật. Dân chúng Việt Nam nghĩ khác. Đồng bào nói với nhau rằng Hồ Chí Minh
Chúng ta biết rằng đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN lúc đầu lấy tên gọi là đảng CS Đông Dương) ra đời ngày 3 tháng 2 năm 1930 đến nay đã 76 năm. Nhưng do các quan điểm sai lầm như
Đây là một chủ trương lớn vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc…tạo sự chuyển biến mạnh mẽ
Dù chế độ VN hiện giờ là một chế độ "pháp quyền" (chứ không phải "pháp trị" như ba tên phản động ở hải ngoại đòi), ta vẫn có thể phớt lờ đi chuyện BCT không có trong Hiến pháp vì
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.