Hôm nay,  

ASIA 56 Vinh Danh Luật Sư Lê Thị Công Nhân, Thiên Thần Trong Bóng Tối

29/09/200700:00:00(Xem: 25930)

Hình Lê Thị Công Nhân. Hai MC: Dương Nguyệt Ánh và Thùy Dương.

(LTS: Nhạc phẩm Thiên Thần Trong Bóng Tối do nhạc sĩ Trúc Hồ sáng tác để vinh danh LS Lê Thị Công Nhân trong chương trình Asia 56.)

ASIA 56: MÙA HÈ RựC RỠ 2007: "Yêu Đời, Yêu Người"

Chỉ xem qua bích chương giới thiệu về chương trình Đại nhạc hội Mùa Hè Rực Rỡ - Yêu Đời và Yêu Người của Trung Tâm ASIA sẽ lại tái xuất giang hồ tại Đại hí viện Hobby Center For The Performing Arts là cư dân thành phố Houston đã mường tượng thấy một biến cố quan trọng sắp xẩy đến trên thành phố Houston rồi, bởi vì chương trình Ca Vũ Nhạc Kịch của Trung Tâm ASIA càng ngày càng phong phú và hấp dẫn hơn.

Một tuần trước ngày trình diễn, Nha Khí Tượng đã thông báo là sắp có trận bão mang tên Dean, có vẻ rất lớn đang hình thành ở ngoài biển khơi, nếu thành hình toàn vẹn thì đường kính của nó xoay tròn rộng bằng cả mặt bằng của bang Texas, bão có thể đánh thốc vào bờ biển miền trung Mexico, rồi đánh lên phía trên vòng vào phần đất phía nam Hoa kỳ, bao trùm cả thành phố Houston! Nếu thực tình như thế thì quả là một đại hoạ, cư dân Houston tuy lo lắng nhưng vẫn bình tĩnh đợi chờ... Cuối cùng bão Dean chỉ đánh vào miền trung Mexico trong đó có khu du lịch nổi tiếng là Cancun. Bão Dean không đến được Houston vì có cơn bão Trung Tâm ASIA ngăn cản hay chăng"

Ngày 25 tháng 8 năm 2007 là ngày được trình diễn hai xuất ca vũ nhạc kịch Mùa Hè Rực Rỡ, Yêu đời Yêu Người làm tan biến hết những trận gió cuồng phong của bão Dean nên cư dân Houston đã được tự do đến rạp Hobby Center một cách thoải mái, không khí nóng mùa hạ thấp dần, nắng hạ dịu dàng nhưng thật rực rỡ đúng như phần nhạc mở đầu chương trình, sáng tác của hai nhạc sĩ Việt Dzũng-Sỹ Đan, đã đưa chúng ta cùng bước vào chủ đề tươi đẹp của Mùa Hè Rực Rỡ 2007, Yêu Đời Yêu Người, qua phần trình bầy nóng bỏng cuả Đoàn Phi và Dạ Nhật Yến.

MC Nam Lộc xuất hiện với một câu ngạn ngữ: "Con người không có tình yêu như trái đất không có mặt trời"... Và hạnh phúc đích thật cuả một người, chính là biết lo cho hạnh phúc của kẻ khác, như câu nói cuả nhà hiền triết Déni Diderot: "Người sung sướng nhất là kẻ đã tạo được hạnh phúc cho bao người khác".

Anh Nam Lộc mở đầu như thế để giới thiệu Hoa Hậu Los Angeles 2007-2008, đó là cô Betty Tạ Bích Trâm, đến từ Los Angeles, California.

Qua màn ảnh nhỏ Video clip khán giả được coi hình ảnh sống động của hoa hậu Betty Tạ Bích Trâm, ngay từ nhỏ cô đã là một học sinh xuất sắc, cô đã tốt nghiệp cử nhân ngành Sinh Vật và Xã Hội tại đại học UC Irvine, nhưng cô lại chú tâm về ngành giáo dục. Betty Tạ Bích Trâm vừa tốt nghiệp bằng giáo dục đa khoa và chuyên ngành Sinh Vật Học tại Cal State University of Long Beach. Hiện nay cô đang chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ chuyên khoa ngành Giáo dục và Lãnh Đạo Học Đường.

MC Nam Lộc có hỏi Betty Tạ rằng khi cô được sinh ra trong một gia đình rất yêu văn nghệ và cô lại là một hoa hậu có những sinh hoạt rất sôi nổi. Vậy thì tại sao Betty Tạ lại chọn ngành giáo dục làm sự nghiệp chính của mình thì Betty Tạ trả lời rằng sở dĩ cô chọn ngành giáo dục làm sự nghiệp chính của mình vì cô nghĩ chắc cô có gene làm nghề giáo vì ba và chị của cô đều là những người thầy dậy trong lãnh vực nghệ thuật, và chính cô em gái của cô cũng làm nghề cô giáo.

Ngoài ra, cô Betty nói cô nghĩ là được may mắn đứng ở đây trên phần nước tự do này, đầu tiên cô muốn tạ ơn trời đất; tạ ơn nước Mỹ, tạ ơn cha mẹ và các thầy cô giáo đã dìu dắt cô từ trước đến nay. Và nay cô muốn đem những gì cô đã thâu lượm và học hỏi được để truyền đạt và hướng dẫn lại cho các em học sinh khác. Đó cũng là một cách tốt nhất để yêu đời và yêu người.

Mùa Hè Rực Rỡ năm nay 2007 được mở đầu qua phần giới thiệu của MC Nam Lộc và Thùy Dương giới thiệu Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội nhạc của Phạm Đình Chương phổ thơ nổi tiếng của Hoàng Anh Tuấn do "Tam Phương" (Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc, Phương Hoài Tâm) trình diễn:

Mưa hoàng hôn, trên thành phố buồn gió heo may vào hồn

Thoảng hương tóc em ngày qua

Ôi người em Hồ Gươm về nương chiều tà

Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hòa

Thương màu áo ngà

Thương mắt kiêu sa

Hiền ngoan thiết tha...

MC Việt Dzũng tiếp lời là bài hát Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội, một trong những bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, phổ từ một bài thơ của thi sĩ Hoàng Anh Tuấn. Nghe bài hát này làm cho Việt Dzũng nhớ đến người bạn vong niên, thi sĩ Hoàng Anh Tuấn với những đêm tâm sự tại Paris, khi anh kể về thi phẩm Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội, mà anh cho biết rằng anh viết bài thơ đó để nhớ đến những người yêu một thời đã qua tại cả hai thành phố ở hai miền nam bắc Việt Nam.

Chủ đề chương trình của ASIA hôm nay là "Yêu Đời, Yêu Người." Nói đến "yêu người", màn đối thoại giữa Thùy Dương và Việt Dzũng về định nghĩa tình yêu. Để giới thiệu tình khúc "Hãy Quên Anh" của nhạc sĩ Phương Kim được nam ca sĩ Đan Nguyên trình bày:

Đếm bao lá vàng đốt thư tình cũ

Với mây trời xa dìu bước em đi

Nước mắt chìm theo sóng rượu phân ly

Lỡ mê lụa gấm đành quên ước thề

...

Những ngày tháng mộng xin trả lại em

Con đường mình qua giờ hãy quên tên

Có thương và đau cũng đành chia tay

Đã không còn nữa tình duyên kiếp này

Bài hát kế tiếp là một nhạc phẩm Trung Hoa rất nổi danh, nói về một chuyện tình đầy ngang trái. Bài hát này được dàn dựng như một câu chuyện liêu trai, thần thoại. Hai nàng tiên nữ hiện thân là hai con hạc trắng bay xuống trần gian, yêu người trần thế nhưng phải quay về trời, để lại hai mối tình dang dở. Đó là nhạc phẩm Tình Ngang Trái, nhạc Trung Hoa, lời Việt của Khúc Lan, qua phần trình bầy của hai giọng hát trẻ, "chưa biết trái ngang là gì cả": ca sĩ Y Phụng và Doanh Doanh. Đặc biệt ca sĩ Doanh Doanh ca nguyên tác, tức là tiếng Hoa rất hay và điêu luyện, Y Phụng thì hát bài ca bằng lời Việt:

Tình yêu như cánh hoa

Rồi sẽ nhạt phai

Đêm nằm nghe sóng vỗ giá buốt hồn ai

Tình yêu như khói sương,

Êm ái trôi về đâu

Trên bờ môi tiếng hát mãi mãi chìm sâu

...

Mai dù ta cách xa xin đừng quên ngày nao có nhau

Vui buồn trong trái tim ân cần chia sớt

Ôi! tình yêu trái ngang

nên ngàn năm lệ rơi chứa chan

Xin ngày mai ân ái đừng dở dang.

Màn kế Việt Dzũng giới thiệu nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh. Trong tháng 6 vừa qua, chị Dương Nguyệt Ánh đã được chọn là một trong 4 người vào chung kết cho huy chương toàn quốc Service to America Medal for National Security, tức là huy chương Phụng Sự Quốc Gia trong lãnh vực An Ninh. Sự kiện này cũng đã khiến cho "Đại gia đình Hải Quân Hoa Kỳ" vui mừng và hãnh diện. Chị đã có mặt tại Hoa Thịnh Đốn để dự buổi lễ vinh danh ở Quốc Hội. Nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh còn được mệnh danh là The Bomb Lady.

Nữ khoa học gia hiện đang làm việc trong Ngũ giác đài. Tuy mệt vì quá nhiều việc phải làm nhưng theo chị nói là không bao giờ nhàm chán cả. Chị cho biết công việc đầu ngày là phải nghe báo cáo tình hình Hải Quân trên khắp thế giới gửi về.Và tiếp theo đó là giải quyết những vấn đề cấp thiết cho chính trường. Có khi chị phải ở suốt ngày trong phòng họp thảo luận suốt ngày đến khô cả cổ, cũng có lúc được yên tĩnh một mình suy nghĩ cân nhắc những việc cần phải giải quyết nhưng chưa suy nghĩ và tính toán và tìm ra giải pháp. Cũng có lúc phải uốn lưỡi 5 lần 7 lượt, vận dụng đến sự khôn khéo nhưng kiên nhẫn của chị để đương đầu với một vị tướng nào đó về một vấn đề then chốt, nhất là khi có một vị tướng đã có thành kiến với một người phụ nữ như chi, lại không có kinh nghiệm chính trường vì Chị Dương Nguyệt Ánh là dân sự nên chưa bao giờ ra trận.

Đó là vài nét sinh hoạt hàng ngày của nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh. Chị nói tuy chị sống và làm việc tại Ngũ Giác Đài ở miền đông nước Mỹ, nhưng lòng chị vẫn hằng quan tâm đến các hội thiện nguyện của cộng đồng người Việt tỵ nạn ở khắp nơi trên thế giới và ngay cả trên đất nước Hoa Kỳ.

Đặc biệt là tại miền nam California mỗi năm người ta đều thấy có một chương trình văn nghệ quy tụ hàng chục ca sĩ nổi tiếng, thường được tổ chức vào cuối mùa hè và được sự ủng hộ nồng nhiệt của tất cả mọi người từ các tôn giáo, các cơ sở thương mại, cho đến những cá nhân đã viết những chi phiếu từ vài chục, vài trăm cho đến vài ngàn đồng để đóng góp. Đó là Hội Bạn Người Cùi, những người không được may mắn, chỉ sống bằng những giấc mơ, cho dù những giấc mơ đó rất bình thường, nhưng rất xa tầm tay với. Trong những tâm hồn kém may mắn, lạc loài tại quê nhà là đám trẻ mồ côi.

Nhạc sĩ Ngọc Lễ đã sáng tác bài hát bi ai, mang tên Giấc Mơ Mong Manh, bài hát hát cho những trẻ em mồ côi tại Việt Nam, và để tặng cho nguời bạn đời của mình là Phương Thảo, cũng là một người kém may mắn đã mồ côi cha, lại vắng mẹ từ thuở nhỏ. Ca khúc Giấc Mơ Mong Manh cũng là tâm sự của những người cần được xoa dịu những đau thương như nước mắt của những trẻ thơ côi cút tại Việt Nam, qua tiếng hát của đôi uyên ương nghệ sĩ Phương Thảo và Ngọc Lễ vang lên nỗi xót xa, nghe như cô liêu:

Ba bỏ tôi khi còn thơ

Mẹ lìa xa tôi một ngày

Một chiều bên sông nhìn quanh

Giật mình thấy không còn ai

Ngôi nhà không tiếng cười vui

Từng ngày qua đi vội vàng

Một chiều bên sông nhìn quanh

Giật mình thấy tôi mồ côi

Những ngày tháng hồn nhiên

Đã trôi đi về đâu

Bao lời nói dịu êm vắng xa

Trong lòng vẫn còn in

Khắc sâu mái nhà yêu dấu

Ôi vết thương bé thơ

Từng đêm gió như lời ru

ầu ơ... ầu ơ...

Thầm mơ ước

Như chuyện thần tiên có ba mẹ về

Từng đêm gió như lời ru

ấu ơ... ấu ơ...

Dòng sông ơi!

Trôi về đâu giấc mơ mong manh

Uh.. Uh.. Uh..

(Nhạc và lời: Ngọc Lễ)

Nhạc phẩm kế là Nỗi Buồn Còn Lại, để giới thiệu đến người thưởng ngoạn qua tiếng hát mới do kỳ thi tuyển lựa của Asia là Quốc Khanh, ca khúc của nhạc sĩ Diệu Hương sáng tác. Khi giọng hát Quốc Khanh với những dòng nhạc tình lãng mạn và âm thanh trầm lắng, bài Nỗi Buồn Còn Lại vừa dứt thì lại được tiếp nối với những nét tươi vui, sống động của Mùa Hè Rực Rỡ 2007 với sự xuất hiện của một hoa hậu khác, đến từ miền Bắc California 2007, đó là cô Rosalynn Lê Hồng Phượng, cô được sinh ra và lớn lên tại vùng Westminster California. Hoa hậu áo dài bắc California, đã tốt nghiệp Cử nhân Sinh Vật học và Cao học về quản trị hành chánh trong lãnh vực Điều Hành Y Tế. Hiện cô là sinh viên năm cuối của ngành Bác sĩ Dược khoa và Tiến sĩ Sinh hoá học.

Hoa hậu Hồng Phượng đã từng được bầu là Hoa Hậu Miền Nam California năm 1999 và kể từ đó cô luôn tham gia tích cực vào các sinh hoạt cộng đồng, văn hoá và xã hội. Tuy nhiên điều làm cho mọi người chú ý nhất đến Hoa hậu Hồng Phượng là đai võ thuật Ngũ Đẳng Huyền Đai của phái Taekwondo mà cô đeo trên người. Hồng Phượng cũng là người đầu tiên đạt được hai huy chương vàng vô địch Thế Vận của Hoa Kỳ về môn Song Đấu Tự Do. Hoa hậu Hồng Phượng luôn ước mong đạt được nhiều thành công ngoài xã hội.

Chương trình được nối tiếp bằng một liên khúc nhạc Pháp gồm những ca khúc rất quen thuộc từ thời nhạc trẻ VN thập niên 60-70 và cũng là thời kỳ sung mãn nhất của nền âm nhạc Pháp quốc với những giọng hát lừng danh như Sylvie Vartan, Francoise Hardy, Chistophe, Sheila, France Gall, Enrico Macias, Johnny Hollyday,.. Nam Lộc tiết lộ là mục này được thực hiện dựa theo lời đề nghị của đông đảo khán thính giả đã viết thư yêu cầu TTAsia hoặc qua diễn đàn văn nghệ (Asia Forum). Đặc biệt với sự phụ diễn của Hoa Hậu Hồng Phượng cùng những người mẫu xinh đẹp Việt Nam đến từ khắp mọi nơi, qua những chiếc áo Cô Dâu sang trọng do nhà vẽ kiểu trẻ Thái Nguyễn đã sáng tạo và thực hiện cho bộ Bridal Collections giá trị của anh. Trong phần trình diễn này thì hai ca sĩ Don Hồ và Lâm Nhật Tiến góp tiếng ca với bài Medley French songs cùng với liên khúc Ảo Ảnh và Thôi do Tuấn Vũ và Thanh Lan đồng trình diễn. Ca khúc Ảo Ảnh trước đây do nữ ca sĩ Thanh Lan trình bày lần đầu tiên, và đã trở thành một bài ca top hit tại Việt Nam sau khi được phát hành. Bài hát này được trình bày chung với nhạc phẩm Thôi, là một ca khúc do nhạc sĩ Y Vân phổ từ thơ của thi sĩ kiêm đạo diễn điện ảnh Nguyễn Long.

Tiếp theo là một tiết mục được nhiều khán thích giả ưa thích và một điểm ngạc nhiên khá đặc biệt là lớp khán giả trẻ tuổi ở hải ngoại đã bày tỏ cảm tưởng và dành cho nghệ sĩ Minh Phụng nên ông đã xuất hiện trở lại hôm nay. Một lần nữa người nghệ sĩ được mệnh danh là Hoàng Tử Cuả Sân Khấu Cải Lương xuất hiện trong một trích đoạn cải lương cuả vở tuồng nổi tiếng mà ông đã từng thủ diễn trên sân khấu cuả đoàn Kim Chung 5 là vở tuồng Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà của soạn giả Viễn Châu. Đây cũng là vở tuồng mà Minh Phụng đã trình diễn rất ăn ý và thành công cùng với đào Lệ Thủy như đôi nghệ sĩ được báo chí mệnh danh là Cặp Bão Biển. Một sự thành công của nền Sân Khấu Cải Lương Miền Nam.

"Hungarian Suicide Song" là ca khúc bi ai, một bài hát chết cho tình yêu. Nó đã làm cho nhiều người tự tử vì chán đời vì người ta yêu nhau. Tên chính thức của bài hát là Gloomy Sunday, xuất phát từ Hung Gia Lợi, do nhạc sĩ Rezso Seress sáng tác vào năm 1933. Sau khi phổ biến, chỉ trong vòng vài năm đầu, đã có hàng trăm người tình quẩn trí nhẩy lầu tự tử khi nghe xong bài hát này, khiến quần chúng đặt cho nó cái biệt danh là "Hungarian Suicide Song". Và đó cũng chính là lý do mà nhạc phẩm này đã bị cấm phổ biến ở một vài quốc gia cũng như một số cơ sở truyền thanh lớn, thậm chí ngay cả mãi cho đến bây giờ như đài BBC chẳng hạn. Ca Khúc Gloomy Sunday đã tràn vào Hoa Kỳ năm 1936 và được cả hai nhạc sĩ Sam Lewis và Desmond Carter dịch qua lời Anh. Từ đó trở đi liên tiếp hơn 7 thập niên qua, hàng năm vẫn được các ca sĩ nổi tiếng trên thế giới thu thanh và phát hành nhạc phẩm u buồn này trong các đĩa nhạc của họ. Ngoài lãnh vực thu thanh, Gloomy Sunday còn được dùng làm nhạc nền cho hàng trăm vở ca nhạc kịch cùng những cuốn phim nổi tiếng.

Theo chuyện kể lại thì tác giả nhạc sĩ Rezso Seress yêu một người con gái, nhưng không được cô ta đáp lại, vì thất tình nên viết thành bản nhạc nói trên. Ít lâu sau, khi ca khúc này trở thành nổi tiếng trên khắp thế giới, và Rezso Seress cũng thành công và được nhiều người ái mộ, ông đi tìm lại người mình yêu và ngỏ ý muốn tái hợp, nhưng chỉ một ngày sau đó, người ta đã tìm thấy người con gái này tự tử trên giường ngủ, bên cạnh có mảnh giấy ghi hai chữ Gloomy Sunday! Mãi cho đến năm 1968 thì chính tác giả, nhạc sĩ Rezso Seress, cũng đã chấm dứt cuộc đời như những fans ái mộ cuồng tín, bằng cách nhẩy ra khỏi cửa sổ ở tầng lầu của ngôi cao ốc mà ông đang sống với nỗi trầm mặc chán đời.

Nhạc phẩm Gloomy Sunday (*) đã được nhạc sĩ Nam Lộc chuyển dịch sang tiếng Việt với tựa đề là Chủ Nhật Xám, được hai giọng hát Nguyễn Hồng Nhung và Thùy Hương trình bày:

Từng đêm buồn thao thức, nằm cô đơn, và nhớ thương anh!

Nhớ anh từng phút trong cuộc sống mơ hồ giữa dòng đời.

Những bông hồng trắng nơi mộ vắng, khóc thương khi mất anh.

Cỗ xe buồn bã đưa người đến đây, cũng khuất mờ.

Chờ em, người yêu ơi, chờ em, ta cùng chết bên nhau.

Dưới chân tượng đá, thiên thần khóc cho tình yêu chúng ta.

Với... bao nỗi sầu!

Hoàng hôn dần buông xuống, mình ta uống từng chén men say!

Cớ chi mình kéo lê cuộc sống bao ngày chủ nhật buồn.

Tiếng kinh từ giã, không buồn bã tiễn em ra nghĩa trang.

Những bông hồng thắm tươi rực rỡ vui mừng bên mộ phần.

Giờ không còn mơ,

trong cõi chết em được sống bên anh.

Đến hơi thở cuối, em cầu chúc cho tình yêu chúng ta...

đừng xót xa!

Trong mơ,

dường như bóng anh trở về.

Em mơ, ta gặp nhau,

anh ngủ yên, trong lòng em,

và mãi mãi...mãi!

Và em thầm mong, giấc mộng hoang, dù là những cơn mơ.

Cũng xin được nói cho người biết em yêu anh thiết tha...

Chủ nhật u sầu...

Chủ nhật xám....

Trong chương trình đại nhạc hội Mùa Hè Rực Rỡ, Yêu Đời Yêu Người Asia 56 hôm nay, nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh đã giới thiệu rằng MC Thuỳ Dương là một nữ luật sư đã có những nổ lực đáng khen khi giúp đồng bào còn kẹt lại ở Phi Luật Tân được đến định cư tại Canada, nhất là lo kiếm nguồn tài trợ để bảo trợ khoảng 3 ngàn Mỹ kim cho mỗi người, sau đó còn phải giúp cho họ hội nhập vào cuộc sống mới. Có thể nói, những người phụ nữ VN tỵ nạn như Dương Nguyệt Ánh và Thùy Dương thật sự đã làm vẻ vang cho cộng đồng Việt Nam của chúng ta tại hải ngoại.

Một video clip về đồng bào tỵ nạn tại Canada và Phi Luật Tân cho thấy ý nghĩa của câu tục ngữ "Lá lành dùm lá rách". Tiếp đó là một sáng tác của nhạc sĩ Trúc Hồ với tựa đề "Dù Chỉ Một Lần Thôi" do Thiên Kim trình bày.

Rồi ca khúc Hàng Hàng Lớp Lớp do hai ca sĩ Thanh Phong và nữ ca sĩ Thanh Tuyền song ca, bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, ra đời khoảng đầu thập niên 60.

Tiết mục được chú ý do Ngọc Huyền diễn đạt là ca khúc "Tiếng hát Mường Luông", ca khúc diễn tả những mối tình thơ mộng, chân thành và tha thiết của những nàng con gái miền Sơn Cước. Rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng và quen thuộc như Sơn Nữ Ca, Nỗi Buồn Châu Pha, Người Em Xứ Thượng, Mưa Lạnh Trên Đèo, v..v... Rồi còn có cả một vở tuồng cải lương viết riêng cho chuyện tình của nàng Sơn Nữ Phà Ca và bản nhạc Mưa Rừng của nhạc sĩ Huỳnh Anh đã được ông viết riêng cho vở tuồng cải lương đó. Tuy nhiên, người viết nhiều ca khúc về những thành phố cao nguyên hay miền Thượng du nhất phải nói là nhạc sĩ Lê Dinh. Và một trong số những ca khúc rất nổi tiếng đó là bản Tiếng Hát Mường Luông. Mường Luông là cái tên của một cái làng, hay đúng hơn gọi là một cái bản của người Thượng, người Mường. Theo bản đồ Việt Nam thì Mường Luông nằm ở gần Điện Biên Phủ, giữa Lai Châu và Sơn La, thuộc về miền thượng du Bắc Việt, nằm sát cạnh nước Lào. Hôm nay Ngọc Huyền mang hình ảnh của cô Sơn Nữ năm xưa của miền Thượng Du Bắc Việt qua phần trình diễn khá sống động và nghệ thuật.

Asia 56 hay đại nhạc hội Mùa Hè Rực Rỡ năm 2007 lại giới thiệu Hoa hậu Áo Dài Quách Thùy Linh, đến từ Hoà Lan, Quách Thùy Linh phụ diễn với The Chosen One trong bài Hello và nam ca sĩ Evan đồng trình diễn, màn kế là đứa con yêu của chính thành phố Houston, Hoa hậu Alex Thủy Thanh Trần được trình diện. Alex Thủy Thanh Trần mang biểu tượng dẹp đẽ của Texas, hay của Dallas và Houston, song song là sự trở lại của nữ ca sĩ Như Quỳnh với sân khấu Asia. Như Quỳnh trình bầy một sáng tác mới của nhạc sĩ Anh Bằng, nhạc phẩm Mưa Buồn, phổ từ một bài thơ của thi sĩ Hoàng Ngọc Ẩn, một tên tuổi rất quen thuộc của thành phố Houston, Texas và cũng chính là tác giả bài thơ nổi tiếng Rừng Lá Thay Chưa. Liên tục với phần trình diễn của nữ ca sĩ Như Quỳnh, thì hai người em trai của cô là Tường Nguyên và Tường Khuê đã tiếp nối bằng một sáng tác của Y Vũ và Nhật Ngân: nhạc phẩm Tôi Đưa Em Sang Sông, với phần phụ diễn rất tươi trẻ và sống động của các người mẫu xinh đẹp Việt Nam trong những chiếc áo dài do chính Tường Nguyên và Tường Khuê vẽ kiểu và thực hiện.

Sau đó, một số hình ảnh của Thương Phế binh bên nhà, thật tang thương, trong số những hoàn cảnh đau sót nhất xẩy ra sau ngày 30 tháng Tư, 1975 tại Sàigòn là các TPB / QLVNCH bị đuổi ra khỏi bệnh viện Cộng Hòa dù cho những vết thương chiến tranh của họ vẫn đang còn rỉ máu. Có rất nhiều người nay đã trở thành què cụt, mù lòa không ai giúp đỡ. Hầu hết sống với cuộc đời rách nát tả tơi. Có những thương binh đi xe lăn, suốt ngày lang thang bán vé số ngoài bến xe hoặc những khu chợ để còn được ngày hai bữa cơm. Khán giả được dịp xem một số những hình ảnh mới nhất thu trực tiếp tại VN do các thiện nguyện viên thuộc một tổ chức nhân đạo ở Hoa Kỳ ghi nhận được trong dịp thăm viếng và trao quà cho họ ở quê nhà, tổ chức nhân đạo đó chính là "Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả phụ VNCH".

Hội trưởng của tổ chức này là Cựu Nữ Trung Tá Không Quân Nguyễn Thị Hạnh Nhơn. Dù đã trên 80 tuổi, nhưng bà vẫn tiếp tục hăng hái cùng với các thiện nguyện viên âm thầm hoạt động, nêu cao tấm lòng tri ân và tình đồng đội cùng các chiến hữu kém may mắn tại quê nhà. Vào ngày 25 tháng 6 năm 2006 tại Nam Cali, một Đại Nhạc Hội mang tên "Cám Ơn Anh, Người Thương Binh-VNCH" và đã thu được gần nửa triệu dollars, mà trong số phần lớn do khán thính giả cuả đài truyền hình SBTN đóng góp qua điện thọai. Và ngân qũy cứu trợ đó đã được gởi về giúp đỡ cho hơn 5,000 thương binh và quả phụ VNCH.

Bài thơ của thi sĩ Thái Tú Hạp kể về người bạn thương binh tại Đà Nẵng đã được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc với tựa đề Người Thương Binh, được trình bầy qua giọng hát thật trầm buồn của nam ca sĩ Đặng Thế Luân.

MC Nam Lộc tâm tình là khi nói đến chủ đề Yêu Đời, Yêu Người thì không thể nào không nhắc tới nhạc sĩ Lê Hựu Hà, một nhà soạn những bài nhạc trẻ thuần túy Việt Nam, người thành lập ban Phượng Hoàng và cũng là tác giả nhạc phẩm nổi tiếng Yêu Người, Yêu Đời. Tuy nhiên, một thành viên nồng cốt khác của ban Phượng Hoàng là nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang thì lại có những sáng tác đóng góp cho sự nổi bật với âm hưởng tiêu biểu cho nhạc mới lạ. Nhưng tiếc thay sau năm 1975, cả hai nhân tài âm nhạc ấy đều đã qua đời khi tuổi đời còn khá trẻ. Và rồi khán giả được nghe một liên khúc, gồm những sáng tác của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang gồm các nhạc phẩm như Huyền Thoại Người Con Gái, Mặt Trời Đen, Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời... Và liên khúc này được trình bầy bởi hai giọng hát có mối liên hệ rất gần gũi với nhạc sĩ Lê Hựu Hà, và đó là hai chị em Nhã Phương và Bảo Yến....

Tiếp theo trong show Asia-56, sự góp mặt đặc biệt của soạn giả Thanh Tòng để cùng tham dự diễn xuất liên khúc Cải Lương Hồ Quảng Phạm Lãi Tây Thi với Tây Thi Băng Tâm, Phạm Lãi Kim Tiểu Long, Tuấn Minh trong vai sứ giả nhà Ngô, phần âm nhạc của Minh Tâm, trang phục của Công Minh, qua tác phẩm của soạn giả Thanh Tòng, các diễn viên ca múa thật linh động và xuất sắc.

Nhạc phẩm Mỗi Độ Trăng Về, sáng tác mới nhất cuả nhạc sĩ Trúc Hồ qua giọng hát truyền cảm cuả nữ ca sĩ Lâm Thúy Vân. Để tiếp đến là nhạc phẩm Trở Về Mái Nhà Xưa, tức ca khúc nổi tiếng Come Back To Sorrento, là một trong những bài tình ca nổi tiếng của Ý Đại Lợi. Bài hát nguyên thủy được viết bằng thổ ngữ Neapolitan của người Ý, và sau đó được viết lại bằng tiếng Ý chung, với tựa đề là Torna a Sorrento. Bài hát đã từng được trình bày bởi những ca sĩ người Ý nổi tiếng nhất, từ Mario Lanza, Luciano Pavarroti cho đến Julius LaRosa. Bài hát của tác giả Ernesto de Curtis viết vào năm 1903, sau này dịch sang tiếng Anh và được trình bày bởi những tiếng hát hàng đầu như Frank Sinatra và Dean Martin. Thành phố Sorrento nằm sát bờ biển miền nam nước Ý trong vùng vịnh Naples, là một trong những thắng cảnh đẹp nhất của khu vực này, và là cửa ngỏ đến những danh lam thắng cảnh khác. Ca khúc Torna a Sorrento được chuyển sang Việt ngữ và nhạc sĩ Phạm Duy đặt tựa đề là Trở về mái nhà xưa, do Nguyên Khang và Ngọc Hạ trình bày.

Qua chủ đề Yêu Người, Yêu Đời kỳ này, hình như TT Asia cố ý vinh danh những ý chí đấu tranh, phản kháng ở quê nhà, cho ngọn đuốc đòi hỏi tự do, dân chủ và công bằng xã hội, cho những đòi hỏi của người Việt trong và ngoài nước. Nam Lộc nhắc đến nhà tranh đấu cho nhân quyền nổi tiếng, người da màu, đó là tiến sĩ Martin Luther King khi ông nói: "Freedom is not free"! Tự Do không ai cho không, mà chúng ta phải tranh đấu mới có được. Và khi nhân phẩm bị dày xéo thì con người phải đứng dậy. Trong nỗi khốn cùng của dân tộc, đất nước Việt Nam đang có một người con gái nhỏ thó, nhưng phi thường mang tên Lê Thị Công Nhân.

Cô sinh ra và lớn lên ở miền Nam, sống dưới chế độ Cộng Sản nhưng tâm hồn cô không ảnh hưởng CS chút nào. Thay vì nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình, với nghề nghiệp vững chắc, cùng một mái ấm gia đình, LS Lê Thị Công Nhân đã chọn con đường đầy chông gai, chấp nhận tù tội để tranh đấu cho hạnh phúc toàn dân. Người thiếu nữ bé nhỏ này đã can đảm đứng lên đòi hỏi Tự Do, Dân Chủ, và Công Bình, Bác Ái cho Việt Nam.

Một video clip về luật sư Lê Thị Công Nhân cho biết cô Lê Thị Công Nhân sinh năm 1979 tại Tiền Giang. Theo lời thân mẫu thì tên Công Nhân có nghĩa là Công Bằng và Nhân Ái, hai yếu tố cần có trong một xã hội tốt đẹp mà mẹ cô luôn ước nguyện cho Việt Nam. Đúng như tên đặt, ngay từ nhỏ cô đã muốn trở thành một luật sư giỏi để tranh đấu cho người dân trong một chế độ độc tài áp bức.

Theo tài liệu từ bên nhà thì Lê thị Công Nhân học Đại Học Luật Khoa từ năm 1997 -2001, khóa K22. Trong lớp cô LT Công Nhân là một sinh viên khá, nhất là Anh Văn. Cô học tiếp hai năm để lấy bằng Luật sư, sau đó thực tập tại Văn Phòng Luật Sư Nguyễn Văn Chiến. Ông là Phó Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư Hà Nội. Từ năm 2004, khi được nhận vào làm việc ở Văn Phòng Luật Sư Thiên Ân, LS Công Nhân nhanh chóng trở thành cánh tay đắc lực của Luật Sư Nguyễn Văn Đài. Trong thời gian này LS Công Nhân đã viết nhiều bài gửi đi cho các Đài và báo ngoại quốc, tố cáo Đảng và Nhà Nước CSVN đàn áp tôn giáo. Cô cũng là người tích cực nhất trong việc mở các lớp học về dân chủ, nhân quyền tại Văn Phòng Luật Sư Thiên Ân.

LS Lê thị Công Nhân đã viết bài tham luận mang nội dung tố cáo Tổng Công Đoàn Việt Nam đã không bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam, CSVN vi phạm nhân quyền và kêu gọi quốc tế hỗ trợ cả tinh thần lẫn vật chất để lập ra những Công Đoàn độc lập cho Công Nhân Việt Nam, đối lập trực diện với Tổng Công Đoàn Việt Nam hiện có trong nước, dưới sự kiểm soát của Nhà Nước CSVN.

Ngày hôm nay trước sự đàn áp của bạo quyền CSVN, LS Lê Thị Công Nhân đã ngang nhiên, khẳng khái tuyên bố: "Thực sự tôi không thể đoán được việc gì có thể xảy ra đối với tôi. Nhưng tôi khẳng định với tất cả lương tâm, trách nhiệm của mình đối với đất nước Việt Nam và dân tộc VN, tôi sẽ chiến đấu tới cùng cho dù chỉ còn có một mình tôi đấu tranh... Và CSVN đừng có mong chờ bất cứ một điều gì là thỏa hiệp chứ đừng nói là đầu hàng từ phía tôi. Tôi không thách thức, nhưng nếu CSVN đã quyết tâm thực hiện những hành vi tội ác bằng cách chà đạp lên nhân quyền của người dân VN và muốn dìm VN trong tăm tối về mặt chính trị, nghèo nàn về mặt kinh tế, lạc hậu về văn hóa, kéo dài cho đến trọn đời con cháu của chúng ta cũng như của chính những người CS, thì họ cứ việc hành xử với những gì mà họ có... Gia đình tôi đã chuẩn bị cho trường hợp không hợp lệ nhất, đó là tôi sẽ bị khởi tố và có thể bị đi tù. Tôi xin khẳng định một lần nữa, đó chưa phải là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra..."

Lời phát biểu của LS Lê thị Công Nhân, kiên cường, dứt khoát không lùi bước trước bạo quyền. Luật sư Lê Thị Công Nhân đã khẳng định, nếu bị bắt, trong lao tù: "Tôi sẽ cố gắng hết sức để vẫn tiếp tục công việc truyền bá dân chủ, dân quyền và đấu tranh cho nền dân chủ nhân quyền và tự do cho người dân Việt Nam". Âm vang đầy khí phách và tinh thần bất khuất của vị anh thư Công Nhân đã nhắn nhũ chúng ta: "Những gì tôi đã làm được tuy thật nhỏ bé, nhưng nếu mỗi cá nhân chúng ta đừng thờ ơ, nghĩa là chưa ủng hộ thì hãy ủng hộ, ủng hộ rồi mà chưa tham gia thì hãy tham gia, tham gia rồi mà chưa tích cực thì xin hãy mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình."

Cô khẳng định: "Tôi đấu tranh dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam hoàn toàn xuất phát từ niềm tin, từ lương tâm và trách niệm của tôi đối với chính tôi, với dân tộc Việt Nam và đối với đấng tạo hóa đã sinh ra tôi..."

Sau nhiều lần bị công an thẩm vấn, Luật sư Lê Thị Công Nhân bị chính thức bắt giam kể từ tháng 3 năm 2007, và sau đó bị kết án 4 năm tù cộng 3 năm quản chế. Người nữ anh thư trẻ tuổi vẫn thản nhiên xem chuyện đi tù như đi nhận nhiệm sở mới. Cô đã tuyên bố như sau: "Nhà cầm quyền CSVN là một nhà cầm quyền phi nhân đạo, phi nhân bản, chuyên áp dụng bạo lực để đàn áp. Họ đã tịch thu tất cả quyền lãnh đạo đất nuớc và xã hội vào một nhóm người nhỏ bé để trường kỳ thực hiện thi hành một chế độ độc tài. Tôi khẳng định với tất cả lương tâm, trách nhiệm của mình đối với đất nước và dân tộc VN, tôi sẽ đấu tranh tới cùng cho dù chỉ còn có một mình tôi tranh đấu. CSVN đừng mong chờ bất kỳ một điều gì gọi là thỏa hiệp chứ đừng nói là đầu hàng từ phía tôi".

Để vinh danh vị nữ lưu của lịch sử đấu tranh chống bạo quyền CS, nữ ca sĩ Diễm Liên và Y Phương đã mở đầu bài hát "Những Thiên Thần Trong Bóng Tối" bằng những lời ca đơn giản nhưng với một giai điệu êm ái mượt mà như đưa mọi người về chốn quê nhà yêu dấu vào thuở ấu thơ:

"Từ khi tôi chào đời

Bập bẹ hai tiếng "VIỆT NAM"

Yêu quê hương qua từng trang sách...

Hùng Vương, Phù Đổng rạng ngời...

Trải qua bao thời đại...

Thăng trầm theo những buồn vui...

Quê hương sau ngày lửa khói...

"Tự DO, HẠNH PHÚC"... xa vời..."

Phụ họa cho những câu hát này là đoạn phim video clip về một người con gái phi thường của đất nước Việt Nam ngày nay. Đó là nữ luật sư Lê Thị Công Nhân. Tuy cô được sinh ra và lớn lên ở miền Nam Việt Nam (tỉnh Tiền Giang - Mỹ Tho) vào năm 1979, nghĩa là được giáo dục hoàn toàn dưới chế độ Cộng Sản, nhưng tâm hồn cô không Cộng Sản chút nào. Thay vì nghĩ đến hạnh phúc riêng tư của mình, với một nghề nghiệp vững chắc trong một gia đình êm ấm, cô Lê Thị Công Nhân lại chọn con đường đầy chông gai, hiểm trở và sẵn sàng chấp nhận tù đày để tranh đấu cho hạnh phúc của toàn dân.

Nếu hình ảnh LM Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trước toà là tiêu biểu cho cái gọi là Công Lý của CSVN, thì những lời phát biểu can trường của LS Lê Thị Công Nhân chính là tiếng nói lương tâm của những người VN chân chính và là tôn chỉ cho tất cả chúng ta. Gương tranh đấu của cô cùng với các thành viên khối 8406, và sự đàn áp không nương tay của chính quyền CSVN đã làm chấn động dư luận trong và ngoài nước. Riêng tại Hoa Kỳ, cả Tổng Thống và Phó Tổng Thống đều đã liên tiếp trao đổi cùng gặp gỡ đại diện các hội đoàn người Mỹ gốc Việt để lắng nghe báo cáo trung thực về tình trạng nhân quyền ở VN. Hiện nay quốc hội Hoa Kỳ cũng đang đưa ra nhiều dự luật bảo vệ nhân quyền và bảo vệ sự an toàn cho những nhà đối kháng ở Việt Nam. Nhưng đáng kể nhất là sự lên án đồng loạt của cộng đồng VN ở khắp mọi nơi trước hành động phi nhân cuả chính quyền CS ở trong nước, đồng thời ủng hộ việc làm quả cảm của nữ LS Lê Thị Công Nhân, LM Nguyễn Văn Lý cũng như những nhà đối kháng khác.

Video clip khác về sự hậu thuẩn của các cộng đồng Việt Nam khắp nơi trên thế giới đối với tinh thần bất khuất của LS Lê Thị Công Nhân cùng hàng ngàn nhà đối kháng và những người tranh đấu trong âm thầm và quả cảm ở trong nước như LM Nguyễn Văn Lý, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, LS Nguyễn Văn Đài, BS Nguyễn Đan Quế v..v.., tất cả đã nung nấu và khơi dậy mạnh mẽ những cuộc vận động và đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền ở quê nhà. Hàng ngàn người dân oan đã bất chấp hiểm nguy, biểu tình khiếu kiện để đòi hỏi công bằng xã hội và quyền lợi bị tước đoạt, dù sau đó họ đã bị công an nhà nước đàn áp một cách thô bạo không khác gì hình ảnh Thiên An Môn tại Trung Quốc cách đây 18 năm về trước.

Tại hải ngoại cũng đồng loạt diễn ra những cuộc biểu tình rầm rộ, như đêm thắp nến nguyện cầu của cộng đồng người Việt ở Úc Châu. Đặc biệt là những cuộc biểu tình đông đảo, rầm rộ đòi hỏi tự do, dân chủ, công bình, bác ái và nhân quyền cho VN nhân dịp Chủ Tịch nhà nước CS Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ, diễn ra ở khắp các thành phố mỗi khi phái đoàn CSVN xuất hiện vào cuối tháng 6, 2007 từ Nữu Ước đến thành phố Dana Point, thuộc quận Cam, gần địa điểm Little Saigon của người Việt tỵ nạn, California.

Những đoạn cuối khi nhà khoa học Nguyệt Ánh nói rằng "ngưỡng mộ lòng quả cảm của những nhà tranh đấu cho dân chủ VN, nhạc sĩ Trúc Hồ đã viết nhạc phẩm Thiên Thần Trong Bóng Tối để riêng tặng LS Lê Thị Công Nhân cùng những người tù lương tâm và những chiến sĩ cho tự do ở khắp nơi trên thế giới. Trong bóng tối cuả những đàn áp bất công, họ là những thiên thần đem ánh sáng soi đường cho lương tâm nhân loại. Trong đêm đen của lịch sử họ là những thiên thần dẫn dắt dân tộc giành lại tự do, công bình, bác ái cho một bình minh Việt Nam. Và ca khúc đặc biệt này sẽ được trình bầy qua ba giọng hát tên tuổi của TT Asia: Y Phương, Diễm Liên và Lâm Nhật Tiến, cùng toàn thể nghệ sĩ hiện diện trong chương trình hôm nay.

Từ khi tôi chào đời

Bập bẹ 2 tiếng Việt Nam

Yêu quê hương qua từng trang sách

Hùng Vương, Phù Đổng rạng ngời

Trải qua bao thời đại

Thăng trầm theo những buồn vui

Quê hương sau ngày lửa khói

Tự do hạnh phúc xa vời

Bạn hãy cùng tôi

Thắp lên ngọn đuốc Việt Nam

Tình yêu, tự do, công lý

Bình an, hạnh phúc cho người

Bạn hãy cùng tôi

Bước theo ngọn đuốc Việt Nam

Niềm tin ngày mai tươi sáng

Hiến dâng cuộc sống cho đời

NHỮNG THIÊN THẦN TRONG BÓNG TỐI

Mang ánh sáng vào nơi tối tăm

Mang tình yêu xóa tan hận thù

Mang tự do, công bình, nhân ái

Cho Việt Nam ngày mai ngời sáng

VIỆT NAM, VIỆT NAM, VIỆT NAM...

Do hành động can trường đấu tranh của những nhà phản kháng đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam, mà trong đó có luật sư trẻ Lê Thị Công Nhân là thành viên tích cực. Sự hy sinh của họ đã đánh động lương tâm các quốc gia tây phương. Nên vào ngày 18 tháng 9, 2007, Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam mang số HR-3096 với tỉ số áp đảo 414 phiếu thuận trên 3 phiếu chống. Đây thực sự là một thắng lợi đáng kể cho phong trào tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam. Dân biểu Christopher Smith, tác giả của dự luật nhận xét sau khi Hà Nội được ca tụng là đang tiến theo chiều hướng mới, họ lập tức truy lùng một số người thuộc thành phần ưu tú nhất, giỏi giang nhất và dũng cảm nhất, những người đã lên tiếng về nhân quyền để đẩy họ vào nhà tù. Hành động đàn áp thô bạo này thật trái lương tâm.

Đạo luật này muốn gửi một thông điệp cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam biết rằng con đường vi phạm nhân quyền sẽ dẫn đến một số biện pháp trừng phạt. Qua dự luật này, Hạ Viện Hoa Kỳ đã lên tiếng mạnh mẽ và tỏ thái độ rõ rệt đối với tình trạng đàn áp nhân quyền và tự do tôn giáo ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Dù dự luật còn phải được đưa lên Thượng Viện, hành động của Hạ Viện chắc chắn sẽ tạo áp lực đáng kể đối với Hành Pháp, nhất là Bộ Ngoại Giao về thái độ và chính sách phải có đối với Hà Nội.

Tưởng cũng nên biết dự luật HR-3096 do Dân biểu Christopher Smith đệ trình từ tháng Tư năm nay, ngay sau khi Việt Nam tung ra chính sách đàn áp và bắt bớ các nhà bất đồng chính kiến, và được thông qua chỉ vài ngày trước khi Thủ tướng nhà nước Cộng sản Việt Nam là Nguyễn Tấn Dũng sẽ đặt chân đến Hoa Kỳ.

Để theo dõi, HR-3096 đòi hỏi Bộ Ngoại Giao nộp bản phúc trình hàng năm về các diễn tiến ở Việt Nam đối chiếu với các điểm cụ thể. Dự Luật HR-3096 còn dành ngân khoản hai triệu Mỹ kim mỗi năm trong hai năm để phát triển dân chủ ở Việt Nam, qua chương trình tài trợ cho các tổ chức dân sự và qua quỹ bảo vệ cho những người đấu tranh cho nhân quyền. Dự luật dành cấp khoản trên 10 triệu Mỹ kim để phát triển chương trình phát thanh Á Châu Tự Do để hỗ trợ cho chủ trương phát triển dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, và xã hội dân sự ở Việt Nam. Điểm lợi cho phía đối kháng với bạo quyền CS là dự luật cũng đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ phải mời những nhân vật với tinh thần dân chủ tham gia các chương trình trao đổi văn hóa và học bổng của Hoa Kỳ, cũng như phải có những sinh hoạt nhắm vào việc mở rộng nhãn quan về dân chủ và xã hội dân sự nơi các thành phần tham dự trong các chương trình trao đổi này.

Do đó sự đấu tranh của những chiến sĩ dân chủ, hay những tù nhân lương tâm đã gây tiếng vang cụ thể. Công lao và sự can đảm của họ không bị thế giới lãng quên.

***

Đó là tóm lược phần tường trình về show nghệ thuật Mùa Hè Rực Rỡ - Yêu Đời và Yêu Người của Trung Tâm ASIA tại thành phố Houston. Ngoài những ca khúc đặc sắc dành cho mùa hè rực nắng cho tình yêu của con người, Asia-56 còn nhắn gửi tình thương đất nước, dân tộc đang ngụp lặn trong nhà tù ở quê hương, nơi đó có dân oan khiếu kiện, có đồng bào lầm than, có hòa thượng Thích Quảng Độ, có linh mục Nguyễn Văn Lý, có luật sư Nguyễn Văn Đài, có nữ anh thư Lê Thị Công Nhân và nhiều người khác vì quyền làm người mà họ đã mất tự do:

Bạn hãy cùng tôi

Bước theo ngọn đuốc Việt Nam

Niềm tin ngày mai tươi sáng

Hiến dâng cuộc sống cho đời

Hỡi, những thiên thần trong bóng tối, xin gửi về lời nguyện cầu bình an, xin gửi về lời nguyện cầu thành công...

(Bài do VNN phổ biến)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.