Hôm nay,  

Hoa Kỳ Nhàn Hạ - Thiên Hạ Lầm Than

21/09/200700:00:00(Xem: 10937)

Từ Lãi suất đến Suy trầm và Khủng bố...

Vào tháng trước, sau khi đắn đo trong phiên họp mùng bảy tháng Tám của Ủy ban Tiền tệ và Tín dụng (FOMC), Hội đồng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ quyết định giữ nguyên chứ không hạ lãi suất, dù từ cuối tháng Bảy đã có nhiều chỉ dấu cho thấy những giao động đáng ngại trên các thị trường tài chánh quốc tế.

Lý luận của Chủ tịch hệ thống Ngân hàng Trung ương Mỹ vào thời điểm ấy là kinh tế Mỹ vẫn bị nguy cơ lạm phát và những giao động tài chánh thực sự là chưa đáng lo. Chủ tịch Ben Bernanke đã gặp trận thử lửa đầu tiên sau khi kế nhiệm Chủ tịch Alan Greenspan.

Và ông đoán trật!

Hoặc vì không dám vội vã bơm tiền cứu nguy kinh tế như vị tiền nhiệm đã làm thời 2000-2004 khiến cho tiền rẻ, bong bóng đầu tư lại bốc lên phất phới trong tinh thần lạc quan, cứ ỷ thế vay bậy làm liều. Có gì thì đã có nhà nước lo!

Chỉ vài ngày sau, hàng loạt biến động tài chánh từ Pháp, Đức rồi Anh quốc, dội ngược về Hoa Kỳ khiến nhiều công ty tài trợ địa ốc bị điêu đứng, vỡ nợ, hay khánh tận. Biến động ấy khiến các ngân hàng từ Âu qua Mỹ lập tức xiết hầu bao, hết dám cho vay. Xuất phát từ sự suy sụp của loại tín dụng gia cư theo thể thức rủi ro (loại thứ cấp, sub-prime), khủng hoảng tài chánh bắt đầu lan ra thị trường tín dụng, và có thể khiến kinh tế bị suy trầm hay suy thoái vì hết máu hết dầu. Nghĩa là hết hoạt liệu cho bộ máy có thể chạy trơn tru.

Ngày 17 tháng Tám - tức là chỉ 10 ngày sau tin rằng chưa có gì đáng lo - và giữa hai phiên họp định kỳ của Ủy ban FOMC, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ bất ngờ giảm lãi suất thế chấp discount rate 50 điểm (0,50%) và mở khung cửa tài trợ ngắn hạn cho các ngân hàng bị kẹt vốn và không dám cho vay. Một tháng sau, ngày 18 tháng Chín, Ngân hàng Trung ương Mỹ hạ tiếp lãi suất liên ngân hàng (federal fund rate) 50 điểm cùng 50 điểm lãi suất thế chấp.

Hai ngày sau, khi cùng Tổng trưởng Ngân khố và Tổng trưởng Gia cư ra điều trần trước Quốc hội, Chủ tịch Bernanke tuyên bố rằng vụ sub-prime có hậu quả tai hại hơn những dự đoán ban đầu. Ban đầu, tháng Bảy, ông ước đoán là kinh tế Mỹ có thể mất chừng 100 tỷ vì nợ sub-prime ấy, bây giờ, số tổn thất có khi gấp rưỡi, bằng 1% của Tổng sản lượng GDP.

Nhưng còn tổn thất phụ - qua các ngành khác - là bao nhiêu thì thật ra chưa ai biết rõ.

Đáng ngại nhất trong các hậu quả xấu là kinh tế Hoa Kỳ có thể bị suy trầm.

Suy trầm là khi tốc độ tăng trưởng giảm sút trong hai quý liền (sáu tháng liên tục). Nặng hơn nữa thì có nạn suy thoái, là không phải có tăng trưởng mà thấp hơn, mà là không có tăng trưởng. Và suy thoái kéo dài sẽ dẫn tới khủng hoảng.

Vì e ngại suy trầm kinh tế mà Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã lần đầu tiên từ bốn năm nay cắt giảm lãi suất, và cắt khá nặng tay.

Chuyện ấy, từ mấy ngày qua ai ai cũng bàn tới. Các vấn đề kế tiếp mà người ta cần tìm hiểu là 1) liệu kinh tế Mỹ có bị suy trầm không, 2) các nước khác thì sao, có bị vạ lây vì Hoa Kỳ không, và 3) trong trường hợp bị suy trầm, tình hình thế giới sẽ ra sao"

 Trái bóng sub-prime trong trái bóng tín dụng

Chúng ta phải giải phẫu cái trái bóng bể thì mới hiểu ra vì sao tín dụng thứ cấp tại Mỹ lại làm thế giới choáng váng.

Trong thời kỳ tiền rẻ tại Mỹ vì lãi suất căn bản - lãi suất nền của mọi loại lãi suất khác - đã được giữ ở mức 1% trong cả năm trời, từ giữa 2003 đến giữa 2004, mặc dù lạm phát cũng chỉ ở mức 1-1,2%, người ta cho vay dễ dàng để mua nhà. Người khó có khả năng trả nợ cũng được vay, đó là loại khách hàng hạng ba, dưới loại bình thường và loại có đôi chút rủi ro (loại A và loại Alt. A, tạm gọi là A-).

Loại tín dụng thứ cấp ấy là cục than hồng. Công ty tài trợ gia cư cho vay rồi là lấy hoa hồng rồi bán khoản nợ bấp bênh ấy cho các ngân hàng hay công ty tài chánh. Họ phủi tay và cho vay tiếp. Các ngân hàng hay công ty đầu tư tài chánh mua loại tài sản ấy về gom chung với nhiều loại tài sản khác, tốt xấu lẫn lộn, và nghĩ rằng mình có tiền nên cho vay tiếp, khi lãi suất vẫn còn rẻ. Họ mua loại nợ thứ cấp này vì được phân lời cao hơn giá bình thường - để trang trải rủi ro mất nợ - và vung tay tài trợ thêm. Bên trong, trái bóng thứ cấp đã căng phồng, từ 165 tỷ lên hơn 600 tỷ trong năm năm, bên ngoài, trái bóng tín dụng căng phồng còn mạnh hơn nữa.

Và nếu lãi suất tại Mỹ bắt đầu tăng, từ giữa năm 2004 đến giữa năm 2006, qua 17 đợt liên tục, thì các ngân hàng hay công ty tài chánh vẫn yên tâm cho vay, vì tư bản dư dôi từ Đông Á và nhất là Trung Quốc vẫn cứ chảy về thị trường Hoa Kỳ. Các ngân hàng hay công ty đầu tư tài chánh Âu châu cũng không lỡ dịp, họ mua... của nợ của Mỹ và thổi lên một trái bóng toàn cầu.

Trong khi ấy, các công ty lượng giá trái phiếu - như S&P's hay Moody's, v.v... - cũng hồ hởi tính điểm lạc quan hơn thực tế giá trị của các khoản nợ này. Cho tới khi trái bóng nổ ra, từ bên trong, từ loại gia cư thứ cấp tới các loại tín dụng khác cho thị trường chứng khoán hay sản xuất.... Và khủng hoảng tài chánh đang là thời sự ngày hôm nay trong một sự mờ mịt về thông tin thực tế: chưa biết rõ từng loại nợ xấu tốt ra sao, và loại nào đã thành của nợ.

Chúng ta phải nhắc lại cả tiến trình "gắp lửa bỏ tay người" và hiện tượng "trái bóng này lồng trong trái bóng khác" để thấy ra đặc tính hồ hởi toàn cầu và cái thế bùng nổ liên hoàn của nhiều bong bóng, ở nhiều quốc gia.

Bây giờ, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã giảm lãi suất. Liệu những đổ vỡ trên cõi ảo có lan xuống kinh tế thực tế ở bên dưới hay không" Trong tháng Tám, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng nhẹ trong khi chỉ dấu lạc quan của giới tiêu thụ đã bắt đầu suy. Nguy cơ suy trầm ấy là chuyện hiển nhiên.

Làm sao bây giờ, và nói chung, các nước có thể làm được những gì"

Những phương thuốc chữa chạy - và đổ bệnh

Giới hữu trách cầm cân nảy mực về chuyện kinh tế của thế giới có trong túi một số phương thuốc chữa trị mà thuốc nào cũng có công phạt, tùy theo tình hình của từng bệnh nhân. Mà - chao ôi đáng ghét chừng nào - Hoa Kỳ lại có nhiều đồ chơi nhất.

Giải pháp công hiệu ngay là hạ lãi suất, chừng ba đến sáu tháng là có kết quả. Nhưng hạ lãi suất là hạ thấp hối suất đồng bạc so với các đồng bạc khác, khiến xuất cảng thì rẻ nhưng nhập cảng lại đắt. Và đồng thời thổi lên rủi ro lạm phát. Mà chỉ có thể hạ lãi suất khi nó còn cao, chứ nếu lãi suất đã ngang bằng với tỷ lệ lạm phát thì coi như vô hiệu, tựa như đẩy một sợi dây.

Giải pháp công hiệu chậm hơn rất nhiều là giải pháp tăng chi. Tức là lấy tiền ngân sách quốc gia thực hiện hàng loạt dự án để thực tế bơm tiền vào kinh tế. Nhưng tăng chi có thể gây ra bội chi ngân sách khiến chính phủ phải vay tiền bằng cách phát hành công khố phiếu, với hậu qu là nâng cao lãi suất tín dụng khiến cho tiền trở thành đắt hơn, kinh tế dễ bị suy trầm hơn. Có khi vừa bị suy trầm vừa bị lạm phát, là thành tích năm xưa của Jimmy Carter.

Song song cùng giải pháp tăng chi, chính quyền có thể giảm thuế. Nhưng phương thuốc này lâu thấy công hiệu và hiện đang là điều bất khả cho Chính quyền Bush, nhất là sau khi báo chí chỉ nói tới những phê phán của nguyên Chủ tịch Greenspan về đường lối kinh tế quá phóng túng của ông Bush là đã giảm thuế mà lại không chặn đà tăng chi của Quốc hội. Chưa nói gì đến cái tội Iraq!

Giải pháp thứ tư, đẹp lòng mọi người vào một năm tranh cử như ở tại Mỹ, là cải tổ cơ chế kinh tế chính trị để doanh trường dễ làm ăn hơn, dễ tuyển dụng hơn, với năng suất cao hơn. Giải pháp này rất lâu có kết quả - nếu như thực sự có kết quả - và chỉ được các chính trị gia tung ra om xòm để lấy phiếu cử tri chứ không hẳn là để kịp thời chặn đà suy trầm.

Bây giờ, chúng ta thử xét xem các nước có thể dùng những phương thuốc nào trong danh mục trình bày rất đơn giản ở trên.

Bệnh tình và phương thuốc của từng quốc gia

Giới chính trị gia và truyền thông ưa phụ hoạ Greenspan để đả kích chuyện tăng chi giảm thuế của Bush, nhưng thực tế lại khác. Hoa Kỳ quả là đang bị bội chi ngân sách: theo cơ quan lượng giá ngân sách của Quốc hội (độc lập với Hành pháp), mức bội chi ấy chỉ vỏn vẹn có 1,2% Tổng sản lượng GDP, so với 1,9% năm ngoái và thấp nhất so với trung bình của hơn 30 năm qua. Nghĩa là nếu cần thì tăng chi vẫn chưa nguy hại!

Giả dụ như có tăng chi thêm 250 tỷ - hơn gấp đôi khoản tăng chi 100 tỷ sau vụ khủng bố 9-11 và gấp đôi số mất mát có thể xảy ra trên thị trường sub-prime - thì bội chi ngân sách của Mỹ mới chỉ lên tới 3%, con số được coi là... chấp nhận được tại Âu châu theo Thỏa ước Maastritch của Liên hiệp Âu châu. Mà lãi suất liên ngân hàng của Mỹ hiện đang là 4,75%, nên vẫn còn cao, tức là có thể thêm hạ vài ba đợt, mỗi đợt 25 điểm, so sánh với tỷ lệ lạm phát vẫn chưa vượt quá 2% như Ngân hàng Trung ương đang ngại!

Trong khi ấy, và ta nhìn qua Âu châu, Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB hiện đang duy trì lãi suất ở mức 4% - thấp hơn của Mỹ và khó hạ nhiều như Mỹ. Mà có muốn hạ thì cũng còn phải thuyết phục các nước hội viên Liên hiệp Âu châu chứ không tự nhiên mà được. Tại Âu châu, Đức vững dạ nhất với mức bội chi rất thấp (từ 0,1 tới 0,2% GDP), nhưng Anh và Pháp thì không được như vậy và rất khó cựa bằng giải pháp tăng chi.

Nếu không hạ lãi suất hay tăng chi thì các nước Âu châu có thể đề nghị cải tổ cơ chế luật  lệ để giải phóng sinh hoạt kinh tế là điều còn khó hơn vì phải có sự đồng thuận của cả 27 hội viên. Nghĩa là sẽ kê toa bốc thuốc chậm hơn Mỹ!

Trong hiện tại, đồng Euro đang bốc lên trời so với tiền Mỹ, nhưng ưu thế ấy thật ra không bền và gây tác dụng phụ về xuất nhập cảng. Chưa kể một biến cố khác, một trong các nước đã góp phần thành lập ra Thị trường chung Âu Châu và Liên Âu ngày nay là Vương quốc Bỉ có thể sẽ... vỡ đôi.

Xứ này có hai sắc tộc sống chung là dân Flamand ở phía Bắc gần với Đức và Hoà Lan, nói tiếng như Hoà Lan và dân Wallons ở phía Nam nói tiếng Pháp. Dân Flamand không chịu nổi chế độ bao cấp dành cho dân Wallons và đảng cực hữu Vlaams Belang (Quyền lợi Flamand) đang đòi cắt chiếu! Tương tự như Tiệp Khắc đã chia tay thành hai nước Cộng hoà Tiệp và... Khắc. Một chấn động bên trong hay bên ngoài dội vào xứ này là có thể gây hậu quả tai hại cho cả Âu châu.

Chuyện ấy dân Mỹ ít biết, nhưng phản ảnh một vấn đề người Mỹ còn ít biết hơn (hãy nhìn vào Iraq): độc lập mà không cùng chung bản sắc là một sự bấp bênh trong khung cảnh toàn cầu hoá. Đây là một lý do chính khiến nước Anh vẫn cứ chân trong chân ngoài với Liên hiệp Âu châu và không chịu thống nhất tiền tệ với Liên Âu. Nếu khủng hoảng bùng nổ tại Bỉ - là chuyện có thể xảy ra - vị trí đế vương của đồng Euro so với đồng Mỹ kim (giả thuyết của ông Greenspan) coi như... huề!

Sau cùng, Âu châu cũng có trái bóng gia cư nội hoá, không vì trái bóng gia cư của Mỹ. Trong năm năm qua, giá nhà tại Spain, Ireland, Ý Đại Lợi và cả nước Anh, đã tăng mạnh so với giá nhà tại Mỹ, và chính quyền các nước ấy còn mặc nhiên khuyến khích loại tài trợ có nâng đỡ trong chương trình hữu sản hoá gia cư cho dân chúng. Trái bóng gia cư đó mà bể thì chuyện sub-prime của Mỷ mới chỉ là món điểm tâm.

Ngoài Âu châu, Nhật Bản là quốc gia đang từ từ trôi vào vùng nước cũ: có thể bị suy trầm và giảm phát như trong thời kỳ 1991-2005! Chuyện ông Shinzo Abe phải từ chức chỉ là truyện ngoài da. Nền kinh tế đứng hàng thứ nhì thế giới bị mấp mé suy trầm - thống kê vào tháng 11 này sẽ xác nhận chuyện đó - mà việc cấp cứu lại nan giải hơn Mỹ với lãi suất là 0,5% và bội chi ngân sách là 6,5% GDP. 

Có hai quốc gia có thể kéo Nhật ra khỏi vũng lầy đó là Hoa Kỳ và Trung Quốc thì Hoa Kỳ đang xoay trở với nạn sub-prime và tranh cử.

Còn Trung Quốc thì trăn trở với mối lo động loạn.

Kinh tế tăng trưởng trên 11% là một sự tăng trưởng ảo, vì kém phẩm chất, và còn bị lạm phát quá 6,5% khiến họ phải tăng lãi suất mà chưa kềm chế nổi. Sở dĩ tăng trưởng ảo là vì dồn sức vào một đầu máy là xuất cảng. Khi các nước khác bị lao đao và nhập cảng ít hơn thì ốc sẽ chưa lo nổi cho mình ốc, nói gì đến việc giúp cho thế giới khỏi bị nạn giảm phát.

Tổng kết lại thì Hoa Kỳ vẫn có hy vọng cao nhất để thoát ra khỏi suy trầm, nhưng kinh tế vẫn sẽ bị đình trệ, chỉ khá hơn Âu châu và Nhật Bản thôi. Và một vụ suy trầm toàn cầu vẫn có thể xảy ra với xác suất cao hơn những dự đoán của ba tháng trước.

Hậu quả toàn cầu và độc tài vất vả...

Khi kinh tế thế giới sa sút như vậy, những gì có thể xảy ra" Giá thương phẩm (nguyên nhiên liệu, nông khoáng sản) sẽ sụt, các nước xuất cảng - đa số là các nước nghèo - sẽ bị vạ lây vì thu hoạch ít hơn về ngoại tệ.

Nhưng trong các loại thương phẩm có một thứ quái ác là dầu khí. Cái giá mấp mé 80 đồng một thùng có thể giảm, và giảm nhanh hơn mức gia tăng trong mấy năm qua. Mà cũng giảm nhiều hơn!

Mười năm trước, Đông Á bị khủng hoảng kinh tế khiến số cầu về dầu khí giảm mất 10%, vậy mà sự sút giảm ấy về lượng đã khiến giá dầu từ hơn 30 đồng rớt xuống 10 đồng, mất giá gần ba phần tư!

Các nước bán dầu tại Trung Đông đều thuộc loại khá giả và có dự trữ để đối phó với tình trạng đó. Riêng có ba nước bán dầu nổi tiếng lại không được như vậy, và toàn là cao thủ chống Mỹ. Đó là Liên bang Nga, Iran và Venezuela.

Liên bang Nga sẽ bị suy xuyển nhưng không chết nếu giá dầu sụt mạnh vì suy trầm toàn cầu, nhưng vẫn khó tung hoành như xưa. Iran là nước gây nhiều vấn đề nhất cho Hoa Kỳ vì vụ Iraq nhưng tự thân vẫn mấp mé khủng hoảng kinh tế. Giá dầu mà sụt, các Giáo chủ Tehran không thể lấy thành quả chống Mỹ phát cho dân chúng tiêu xài. Một hậu quả bất ngờ trong trận đấu trí và đấu lực giữa hai nước!

Nhưng, thê thảm nhất trong cuộc chính là số phận của người hùng Hugo Chavez của Venezuela, anh hùng chống Mỹ có môn bài. Xứ này mục nát toàn diện và sống nhờ dầu khí - xuất cảng ngày một ít hơn - và tự an ủi bằng thành tích chống Mỹ. Với hạ tầng dầu khí lạc hậu và số xuất cảng sút giảm, Chavez sẽ thấy mình vất vả, có khi ra đi sớm chứ không thành tổng thống muôn đời như đã dự tính.

Đành kết luận rằng Mỹ đế bày ra vụ sub-prime để gây hại cho thiên hạ!

Đã bảo rằng Mỹ nó quỷ quái mà....

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.