Hôm nay,  

Hoa Kỳ Và Iran: Nhập Sòng Đàm Phán

20/05/200700:00:00(Xem: 9028)

...Dưới sự giám trận và phá hoại của al-Qaeda và Quốc hội Mỹ...

Cuối cùng thì Mỹ và Iran đã công khai công nhận là đôi bên bắt đầu mở cuộc đàm phán về Iraq.

Trên cột báo này, trong số ra ngày mùng bảy tháng Tư ("Úynh hay không Uýnh"") người viết đã phân tách hoàn cảnh của hai nước để kết luận rằng Hoa Kỳ sẽ không (thể) tấn công Iran mà thực ra đôi bên đang ở trong giai đoạn vừa đấu trí vừa đấu lực, vừa đánh vừa đàm, chứ không chính thức khai chiến. Tuần qua, hai bên đã thông báo sẽ có những tiếp xúc song phương để thảo luận về Iraq. Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad xác nhận điều đó hôm 13, và cho biết đôi bên sẽ gặp nhau tại Baghdad vào ngày 28 này. Về phần Hoa Kỳ, lời xác nhận xuất phát từ Phó Tổng thống Dick Cheney và Hội đồng An ninh Quốc gia.

Nghĩa là ở cấp bậc khó có thể chính thức hơn.

Thật ra, hai nước đã có những tiếp xúc từ trước, nhưng trong khung cảnh của hội nghị quốc tế, hồi tháng Ba tại Baghdad và tháng Năm tại Sharm el-Sheihk bên Egypt. Và từ tháng Ba năm ngoái, Đại sứ đương nhiệm của Hoa Kỳ tại Baghdad cũng đã đề cập tới việc đối thoại với Iran để giải quyết chuyện Iraq, và ông Zalmay Khalilzad này còn cho biết là có sự đồng ý của Ngoại trưởng Condoleezza Rice. Chuyện tháng Ba năm ngoái không thành, nay mới bắt đầu nhen nhúm.

Sau khi đã thấy sự bất khả của giải pháp dụng binh thì đôi bên phải dụng lễ. Tất nhiên họ đã thỏa thuận về thể thức hay thủ tục rồi nên mới chính thức công bố việc thương thuyết này.

Câu hỏi đầu tiên của mọi người là vì sao đôi bên lại đàm phán vào lúc này"

Nhìn từ Iran, Chính quyền Bush đang ở vào thế yếu và Tehran có một đồng minh khách quan là đảng Dân chủ trong Quốc hội Hoa Kỳ để cột tay ông Bush còn chặt hơn. Mặc cả với người yếu thế thì vẫn có lợi. Nhưng, nếu để trễ hơn nữa, đảng Dân chủ sẽ chột dạ và lật lọng để khỏi gánh trách nhiệm trong một năm bầu cử như đảng này đã từng bị vì vụ cột tay miền Nam Việt Nam năm 1974. Các Giáo chủ Tehran học thuộc bài bản chính trị Hoa Kỳ và hồ sơ Việt Nam hơn ta có thể nghĩ. Thực tế là vào năm 1979 họ đã trục lợi nhờ bài học đó về sự thất bại của Hoa Kỳ.

Nhưng họ cũng hiểu chuyện già néo đứt dây.

Nếu để trễ quá, Tehran sẽ phải nói chuyện với một Tổng thống tân cử của Mỹ, một nhân vật không bị mắc mứu gì trong Chính quyền Bush và có thế mạnh hơn gấp bội. Tehran còn nhớ điều ấy khi dại dột từ chối đàm phán với Chính quyền Carter về vụ bắt giữ 52 con tin là nhân viên ngoại giao của Mỹ để rồi gặp tay cứng cựa hơn ở Toà Bạch Cung năm 1981, khi Ronald Reagan nhậm chức Tổng thống. Họ không quên lỗi lầm năm 1980.

Nhìn từ Hoa Kỳ, chuyện Iraq khiến nước Mỹ xuất huyết và cuộc tranh cử 2008 đòi hỏi Chính quyền Bush phải có một chút thành tích chống khủng bố al-Qaeda hay hy vọng ổn định Iraq hầu chứng minh với cử tri. Khi 11 Dân biểu Cộng hoà lạnh cẳng vào gặp Tổng thống để phàn nàn, họ đã sớm chạy ra thông báo điều đó cho báo chí. Những con chuột nhắt này không muốn bị chìm cùng con tầu của Bush. Và ông Bush không muốn mang tội như Carter là làm cho đảng thất cử vì một thất bại đối ngoại.

Nhưng, George W. Bush không là Gerald Ford hay Jimmy Carter.

Bị đẩy tới đường cùng, Bush vẫn không chịu thua mà từ đầu năm đòi dồn quân đánh tiếp, làm Tehran chột dạ. Truyền thông Hoa Kỳ không thấy là đòn đánh dứ này bắt đầu công hiệu tại cả Iraq và với cả Iran. Đây là lúc Chính quyền Bush có thể tìm giải pháp triệt thoái khỏi vùng hoả tuyến mà không nhuốm màu tháo chạy. Muốn như vậy thì phải nói chuyện thẳng với một trong những tay chủ chi canh bạc ở bên kia chiến hào, là Iran.

Không xẵng giọng thì khó nói chuyện phải quấy được!

Nếu đảng Dân chủ có một chút xương sống thì cái thế đàm phán của Mỹ có thể mạnh hơn đôi chút, nhưng, gặp nước bài thế nào thì ông Bush đành chơi thế vậy. Do đó, Chính quyền Bush mới thực sự nói chuyện, mà vẫn có vẻ là không đi theo nước cờ của kẻ chầu rìa, là Tư lệnh Triệt thoái - Ủy ban Baker-Hamilton.

Bây giờ, đôi bên sẽ nói những gì vì muốn những gì"

Theo cái thế "cờ trong bạc ngoài", người ta có thể đoán rằng Hoa Kỳ muốn thành lập một Chính quyền Iraq (có thể với hệ phái Shia chiếm thượng phong nhưng vẫn) độc lập với Tehran, hữu nghị với các nước Á Rập Sunni lân cận và nhất là chống các nhóm khủng bố ngụy danh Thánh chiến (trước hết là al-Qaeda).

Sở dĩ như vậy là vì ba chuỗi lý do sau đây nhìn từ quyền lợi Hoa Kỳ:

Vì không thể là một xứ dân chủ, và thân Mỹ như Jordan, Egypt hay Saudi Arabia, ít ra Iraq phải là một quốc gia thống nhất và độc lập, không là chư hầu của Iran, hay một hậu cứ cho Tehran khuynh đảo toàn vùng. Thứ hai, Hoa Kỳ sẽ rút mà không ra khỏi Iraq, và nhất là không lật đật tháo chạy vì sẽ gây bối rối và khủng hoảng do phản ứng tự vệ của các nước Á Rập theo hệ phái Sunni (chủ yếu là Saudi Arabia, Egypt và Jordan), vốn cũng là những đồng minh lâu đời trong khu vực Trung Đông. Quan trọng nhất, Iraq sẽ không thể là hậu cứ cho các nhóm Thánh chiến Jihad mặc sức tung hoành với sự đồng lõa hay trước sự lặng thinh của các quốc gia Sunni (hầu chặn đà bành trướng của Iran theo hệ phái Shia).

Phần mình, Tehran có nêu khá rõ những yêu cầu của mình nhân hội nghị Sharm el-Sheihk ngày mùng bốn và được báo chí tiết lộ hôm mùng năm tháng này.

Trước hết - và Quốc hội Mỹ không nhìn ra mà chỉ tấn công Chính quyền Bush để lấy thành quả biểu kiến - Iran không muốn Hoa Kỳ và liên quân quốc tế lập tức rút khỏi Iraq vì sẽ để lại một khoảng trống cho những chuyển động bất ngờ mà Tehran không lường được. Và nhất là không thể kiểm soát nổi. Iraq là một xứ rộng lớn và đang có quá nhiều lực lượng rõ trang tự lập và tự phát với những chân rết có khi ăn sâu vào hai xứ lân bang là Turkey và Iran! Tehran muốn Hoa Kỳ giảm dần ảnh hưởng nhưng theo lịch trình và bài bản mà họ xử lý được. Giải pháp ngoại giao là "giúp Hoa Kỳ lối thoát danh dự" thực chất là cần Mỹ làm nốt nhiệm vụ bảo an và bàn giao lại những gì đã tương đối có quy củ!

Và nhất là còn kiểm soát hay khống chế được hai thành phần Sunni và Kurd.

Nhìn trên đại thể thì yêu cầu này của các Giáo chủ không phải là nghịch lý.

Hoa Kỳ không thể quay lưng lại Trung Đông và tháo gỡ mọi căn cứ tại Iraq. Thế chiến II đã kết thúc năm 1945, Chiến tranh Cao Ly ngưng bắn năm 1953, và Chiến tranh lạnh đã tàn năm 1991, nhưng Hoa Kỳ vẫn đồn trú quân đội tại Đức, Nhật và Nam Hàn, cho sự ổn định của các khu vực ấy. Các Giáo chủ Iran không là người lãng mạn mà đòi tối đa để nuốt không được.

Yêu cầu thứ hai của Tehran thực ra cũng gần với quan điểm của Mỹ.

Họ muốn Iraq thống nhất, nhưng không bị chia ba theo thể chế liên bang khiến phe Shia bị mất thế thống trị và hai sắc tộc kia sẽ có toàn quyền quyết định về những gì xảy ra trong lãnh vực (hay "tiểu bang") của họ. Muốn như vậy thì cũng phải phần nào thỏa mãn những đòi hỏi của phe Sunni, vốn sinh sống tại miền Trung có rất ít dầu khí trong một cơ chế chính trị khả dĩ đáp ứng được nguyện vọng của dân Sunni và Kurd.

Từ mục tiêu ấy, ta mới thấy ra một yêu cầu thứ ba của Tehran. Hoa Kỳ và Iran phải có kế hoạch hoà giải và hoà hợp ba thành phần sắc tộc (Shia 60% dân số, Sunni 20% và Kurd 20%) với một điều kiện then chốt: cộng đồng Sunni có nhiệm vụ truy lùng và giải trừ cho hết nọc Thánh chiến, dù là Thánh chiến nội địa (dân Sunni tại Iraq) hay ngoại nhập. Yêu cầu này hoàn toàn phù hợp với mong muốn của Hoa Kỳ. Đôi bên đều không muốn al-Qaeda tồn tại ở Iraq. Thật ra Tehran cũng chống khủng bố chẳng thua gì Mỹ - nhưng là khủng bố theo hệ phái Sunni!

Yêu cầu thứ tư là điều Hoa Kỳ khó chấp nhận hơn, các lân bang của Iran cũng vậy.

Đó là Iraq phải nằm trong vùng ảnh hưởng của Iran. Điều mơ hồ này thật ra rất khó chấp nhận cho các nước Ả Rập Sunni - đồng minh của Mỹ - và Hoa Kỳ chỉ có thể đồng ý là trong nội bộ Iraq, phe Shia sẽ chiếm thế mạnh. Mạnh như thế nào là điều còn bàn cãi, và thi hành qua hiến pháp, luật lệ và chánh sách, tức là còn lâu mới ngã ngũ.

Tuy nhiên, sự tắc nghẽn của chuyện đàm phán có thể không xuất phát từ yêu cầu số bốn ấy mà từ một đòi hỏi khác của Tehran: phải cùng thảo luận hai hồ sơ là Iraq và võ khí hạch tâm của Iran. Lập trường của Hoa Kỳ là tách riêng hai chuyện. Iraq là vấn đề song phương giữa hai nước (với sự đồng ý của các nước Sunni lân bang, là điều Phó Tổng thống Dick Cheney muốn giải thích trong chuyến thăm viếng các nước này vào tuần qua). Kế hoạch hạch tâm của Iran là vấn đề đa phương, của Liên hiệp quốc - và cả ba nước Âu Châu ngoài Hoa Kỳ là Anh, Đức, Pháp.

Nếu Washington đạt thỏa thuận với Tehran về Iraq rồi, Hoa Kỳ sẽ có thế mạnh để vận động quốc tế gây áp lực và trừng phạt Tehran vì muốn chế tạo võ khí hạch tâm. Hiểu như vậy, các Giáo chủ Iran đòi lồng hai chuyện làm một để nhân khi Bush yếu thế thì giàng chuyện hạch tâm vào vòng đàm phán khiến Hoa Kỳ khó ép các nước kia trừng phạt Iran.

Quốc hội Mỹ không thèm hiểu vậy nên vừa đòi Hành pháp rút quân vừa bẻ gãy một đòn bẩy trong tay Tổng thống về chuyện ngăn ngừa Iran chế tạo võ khí hạch tâm. Đâm ra chính là sự suy nhược thần kinh của đảng Dân chủ mới khiến Hoa Kỳ chưa thể đàm phán với Tehran như nhiều lãnh tụ Dân chủ đòi hỏi. Và Tổng thống Mỹ vào năm 2009 sẽ phải xử lý chuyện hạch tâm này, có khi quá trễ vì nếu Tehran mà có võ khí tàn sát tuyệt đối này, Saudi Arabia cũng chẳng ngồi yên, và Israel sẽ động thủ!

Dù mới chỉ điểm sơ về ý muốn và yêu cầu đôi bên, người ta đã có thể thấy rằng Iran và Hoa Kỳ thật ra có nhiều quan điểm tương đồng. Hai trở ngại chính có thể khiến việc đàm phán kéo dài mà Iraq vẫn chưa ổn định là khủng bố Al Qaeda và... Quốc hội Mỹ. Đó là cái giá phải trả cho nền dân chủ và cho các chính khách vốn coi chuyện tranh cử là chính.

Thắng Mỹ không khó, dù là ngoài chiến trường hay trên bàn đàm phán. Đàm phán Paris cho "hòa bình" Việt Nam là một thí dụ mà người Mỹ đã quên - mà nhiều người Việt vẫn còn nhớ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vấn đề chính danh được đặt ra nhân bài trao đổi ý kiến giữa một cơ quan truyền thông của Chính Phủ Hoa Kỳ là Đài Á Châu Tự Do
Trong các ngày 24 và 25 tháng 8 năm 2007, đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của đảng CSVN
Bài phát biểu sau đây của Giáo sư Nhật Bản Teruo Tonooka được ông trình bày trong Đêm Hội Ngộ tại Nhà hàng Emeral Bay Seafood
Có người hay "ví von" rằng Cộng Đồng người Việt hải ngoại nói chung, ở Quận Cam nói riêng, giống như những con cua bị nhốt chung trong một cái giỏ
Trong các loại hàng tiêu thụ, thì chỉ số tăng giá đã lên cao nhất cho lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống, là mặt hàng cần yếu cho đa số người dân
Hồi đó tôi chưa đủ 50 kí lô, lại hay bị xây xẩm bất ngờ, trong khi thấy các sư huynh, sư muội quật nhau rầm rầm, nên hơi hoảng.
Vào ngày 11 tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới tức World Trade Organization (WTO).
Từ xưa cho tới nay, đại đa số dân "sồn sồn" đều thích xem phim chưởng với những kiếm sĩ, võ sĩ Trung Hoa bay lượn như chim
Ngày 17/3/2003 tổng thống Bush ra lệnh tấn công lật đổ Saddam Hussein. Chiến trường Iraq chưa êm tiếng súng các nhà quan sát Tây phương
Mỗi khi ta nghĩ sai, ta sẽ nói sai và làm sai. Cái sai đây không phải là phải quấy theo lý lẽ, mà cái sai đây là sai người, sai chỗ, sai thời gian và không gian.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.