Hôm nay,  

Bóng Rợp Trung Quốc

02/05/200700:00:00(Xem: 10423)

 ...phải xấu hổ khi tự xưng giành lại độc lập mà đất đai và phụ nữ con trẻ vẫn bán rẻ cho ngoại bang và lãnh đạo bỏ tù những ai muốn thay đổi xã hội...

Sau những sinh hoạt tưởng niệm biến cố 30 Tháng Tư của người Việt ở khắp mọi nơi,  kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nêu ý kiến về tương lai qua cuộc trao đổi trên Diễn đàn Kinh tế  do Việt Long thực hiện sau đây. Rằng Việt Nam nên bước ra khỏi bóng rợp Trung Quốc.

- Hỏi: Hàng năm, cứ đến ngày 30 Tháng Tư, người Việt ở khắp nơi đều hồi tưởng lại ngày này vào năm 1975. Vào thời điểm ấy, ông còn ở tại Việt Nam và đã chứng kiến những thay đổi của đất nước. Hơn 30 năm sau, nếu cần rút tỉa những bài học của quá khứ như một cách tưởng niệm biến cố 30 Tháng Tư từ giác độ kinh tế, thì ông có những nhận xét gì"

- Biến cố 30 Tháng Tư đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh Việt Nam với sự thắng thế của một hình thái tổ chức xã hội thật ra vô cùng bất lợi cho người Việt Nam. Cũng vì vậy mà sau đó khủng hoảng xảy ra và những người lãnh đạo tại Hà Nội phải tiến hành công cuộc họ gọi là "đổi mới". Nếu có phải ngắn gọn tổng kết những bài học lợi hại kể từ biến cố ấy, tôi xin có một ý kiến mà thôi. Là Việt Nam cần bước ra khỏi bóng rợp Trung Quốc, nôm na là làm một cuộc cách mạng về tư duy để tìm ra con đường phát triển khác.

- Hỏi: Vì sao ông lại cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng đến biến cố 30 Tháng Tư và  nay Việt Nam cần thay đổi cách suy nghĩ để ra khỏi ảnh hưởng này, khi mà cả thế giới đang tin là hình thái phát triển của Trung Quốc dù sao cũng đem lại một số thành quả đáng kể"

- Về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với biến cố 30 Tháng Tư, tôi thiển nghĩ rằng các sử gia đều có nói tới rồi. Nôm na là nếu chủ nghĩa cộng sản không thắng thế tại Hoa Lục vào năm 1949 thì tình hình Việt Nam tất đã khác và trong suốt cuộc chiến dài nhất thế kỷ 20 mà Việt Nam đã hứng chịu thì vai trò yểm trợ của Trung Quốc cho miền Bắc cộng sản đã góp phần quyết định. Những chuyện khác chỉ là sự kiêu căng của phe thắng trận mà thôi!

Về những ảnh hưởng của Trung Quốc trong việc tái thiết Việt Nam sau chiến tranh thì các nhà nghiên cứu xã hội và chính trị cũng đều đã thấy. Lãnh đạo Việt Nam rập khuôn "cải tạo xã hội" theo mô thức Trung Quốc, cụ thể nhất là chế độ "hộ khẩu" để kiểm soát dân chúng và chế độ kinh tế tập trung kế hoạch khiến cho khủng hoảng đã xảy ra. Thế rồi 15 năm sau khi chiến thắng và cải tạo, Việt Nam cũng học lại cách "đổi mới" từ Trung Quốc và tiếp tục học cách phát triển từ phương Bắc khi Trung Quốc áp dụng lại mô thức Đại Hàn để công nghiệp hoá.

Nói chung, Việt Nam chưa ra khỏi một phản ứng truyền thống của văn hoá và chính trị là cứ học theo Trung Quốc, trong khi thế giới đã đổi thay về mọi mặt.

- Hỏi: Ông vừa nêu lên một nhận xét rất lạ, gọi là "phản ứng truyền thống và văn hoá của Việt Nam" là cứ học theo Trung Quốc, xin ông giải thích điều ấy cho rõ hơn.

- Thưa đây là câu chuyện ngàn năm, có lẽ phải nói hai ngàn năm mới đúng. Có thể, lịch sử Việt Nam đã trải hơn bốn ngàn năm thì nửa đầu là gì, chúng ta không còn biết rõ nữa. Nhưng phân nửa sau là hai ngàn năm được chia hai, thành một ngàn năm Bắc thuộc, từ 221 trước công nguyên đến năm 939, và một ngàn năm tự Hán hoá của các phần tử ưu tú hay lãnh đạo Việt Nam. Sau khi chiến thắng ngoại xâm từ phương Bắc, các bậc anh hùng dân tộc Việt Nam đều thiết lập chế độ cai trị và giáo dục học được cũng từ phương Bắc. Phản ứng văn hoá vừa sợ vừa mê một xứ láng giềng quá lớn quá mạnh khiến cho mãi tới gần đây người ta vẫn coi rằng không gian chỉ có hai chiều Nam-Bắc mà thôi.

- Hỏi: Ông có cho rằng vì mình là nước nhỏ nên có còn giải pháp nào khác đâu, và xin đề nghị ông đơn cử vài thí dụ về nhận xét đó của ông.

- Về đối sách ngoại giao, ta có thể áp dụng chiến lược mềm giẻo, nhưng về nội trị thì tại sao lại phải hoàn toàn học theo họ" Phản ứng bảo vệ sự khác biệt với Trung Quốc thì chỉ có ở quần chúng bình dân ở dưới, chứ ở trên thì các sĩ phu hay quan lại của ta hành xử chẳng khác gì Trung Hoa trên xứ mình. Nói về các thí dụ, thì xa có thể đọc lại Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo Vương, của một bậc anh hùng đã được dân ta tự động phong thánh. Mẫu mực ngài viện ra cho dân ta noi theo là các nhân vật anh hùng của phương Bắc. Gần hơn, Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo vẫn còn xem nhà Triệu là một dòng chính thống của Việt Nam, và cụ bị chết thảm vì cái chế độ hôn ám do chính mình góp phần dựng lên. Trong ba triều đại lớn của Việt Nam là Lý Trần, Lê, thì nhà Lê đã áp dụng mẫu mực Trung Quốc kỹ nhất, lâu nhất, "một cách hoàn chỉnh" như ta nói ngày nay. Và sự lụn bại của nước ta đã khởi sự từ đó.

- Hỏi: Nhưng thưa ông, triều Lê cũng có những nhân vật như Lê Thánh Tôn mà muôn đời sau vẫn coi là một vị minh quân với rất nhiều đóng góp văn học chứ"

- Thật ra, đấy là đỉnh cao trước khi lụn bại. Chúng ta hãy nghĩ lại mà xem. Trong thời đấu tranh giành độc lập, các vị sư Phật giáo đã có nhiều đóng góp đáng kể, thậm chí còn được tôn là Quốc sư như trong các đời Đinh, Lê, Lý. Nhưng rồi tầng lớp sĩ phu do hệ thống thi cử rập khuôn phương Bắc đào tạo ra đã lần lượt đẩy xa một thành phần ưu tú trong xã hội và chùa chiền trở thành một trung tâm giáo dục hay y tế miễn phí cho dân gian chứ việc triều chính vẫn do các quan quyết định theo mẫu mực Trung Quốc. Thậm chí nhiều người còn dèm pha đả kích Phật giáo trên quan điểm Khổng nho. Thời Lê Thánh Tông ông nói đó đánh dấu sự thống trị tuyệt đối của tư tưởng Trung Hoa và từ đấy chẳng cho phép tư tưởng nào khác xuất hiện. Thành thử, về ngoại giao ta có thể và nên mềm mỏng đối phó với Hán tộc, nhưng điều đáng nói là ta đã tự Hán hoá ngay trong nội trị và giáo dục.  

Gần ta hơn, một người ai cũng tưởng là có tinh thần cách mạng hay nổi loạn là Cao Bá Quát, trong nhiều bài biểu dâng vua, vẫn còn ca tụng Thánh hiền phương Bắc, thậm chí tỏ vẻ xót xa như một sĩ phu Trung Hoa, rằng nền văn hoá ấy đang bị Tây dương tấn công. Nôm na, ta học được của Trung Quốc tinh thần háo danh, duy chủng, kỳ thị sắc tộc, mê tín, và mặc nhiên chấp nhận thậm chí còn đề cao sự chuyên chế về tư tưởng và chính trị.

- Hỏi: Thưa ông, đó là chuyện xưa, chứ qua thế kỷ 20 thì tình hình có khác chăng"

- Cũng không khác! Sau khi đã áp dụng mọi chủ trương Maoít của Trung Quốc để cải tạo từ nông nghiệp tới kinh tế, văn học và gây bao thảm họa cho người Việt, lãnh đạo Hà Nội huy động toàn dân đánh Mỹ cho quyền lợi Trung Quốc. Hình tượng Hồ Chí Minh được dựng lên làm nhân cách Việt Nam lớn nhất thì cũng dưới dáng vẻ một nhà nho! Khi khủng hoảng xảy ra thì vẫn học từ bài bản cải cách Trung Quốc, với màu sắc Trung Hoa được gọi là định hướng "xã hội chủ nghĩa", và không dám làm điều gì mới nếu chưa thấy Trung Quốc thực hiện. Điều chưa thấy là mẫu mực Trung Quốc thực ra không đáng noi.

- Hỏi: Đi vào phần cụ thể của kinh tế và sự phê phán của mẫu mực Trung Quốc, ông có những nhận xét gì"

- Marx cho rằng kinh tế là yếu tố quyết định. Là một người duy tâm, tôi tin rằng văn hoá là yếu tố quyết định sâu xa hơn cho kinh tế, vì vậy, dù có theo tư bản chủ nghĩa về kinh tế, các nước theo kinh tế tự do đều có sự khác biệt như ta đã thấy tại Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Đức, Anh, Pháp v.v... Vì vậy, nếu nói về mô thức phát triển kinh tế lâu dài cho cả xã hội, ta không thể loại bỏ yếu tố văn hoá, là cách suy tư và hành động tự phát, thậm chí bất thành văn, của cả một tập thể. Đấy là lý do khiến tôi coi bài học chính yếu từ biến cố 30 Tháng Tư là nếp tư duy rập khuôn Trung Quốc từ xa xưa cho đến gần đây mà khỏi cần có quan thái thú hay chính ủy do Bắc Kinh phái qua cai trị hay dạy dỗ.

- Hỏi: Ông cho rằng mẫu mực Trung Quốc không đáng noi ở những điểm gì"

- Trước hết, lãnh đạo Trung Quốc vẫn áp dụng thuật trị nước kiểu Trung Hoa truyền thống, là "trong bá ngoài vương", nôm na là nói một đằng làm một nẻo. Bên trong là chuyên chế và thủ đoạn, bên ngoài là đạo đức cách mạng hay xã hội chủ nghĩa. Hậu quả cụ thể là bất công xã hội được định chế hoá. Không phải ngẫu nhiên mà trong các quốc gia đang theo kinh tế thị trường, Trung Quốc và Việt Nam là hai xứ có bất công xã hội hay dị biệt giàu nghèo thuộc mức cao nhất, với môi sinh bị hủy hoại nặng nhất mà nhà nước vẫn vô can.

Sau đó là tham nhũng đã trở thành một thuộc tính của chế độ, được đặt lên bệ và nằm ngoài khả năng phán xét của quần chúng. Biểu hiện kinh tế của nó là quy chế doanh nghiệp nhà nước lẫn mô thức cổ phần hoá các cơ sở này để một thiểu số thu lợi bất chính, hoặc là chính sách và luật lệ liên quan tới đất đai và quyền sử dụng đất. Ngoài cùng và trên cùng là hàng loạt vấn đề mà mọi người Việt ngày nay đều đang thấy, từ chuyện bóp nghẹt tôn giáo đến đàn áp dân chủ và không cho người dân một khả năng tư duy nào khác ngoài việc cúi đầu tìm bát cơm. Nguy hại nhất cho công cuộc phát triển về dài chính là tư tưởng bị đóng khuôn và cái gọi là ưu điểm của nếp văn hoá Trung Quốc là tính thực tiễn về kinh tế thật ra đang đưa người dân tới chốn tệ hại là trở thành một sinh vật thuần túy kinh tế. Chẳng có gì là đáng hãnh diện hay đáng mừng cả!

- Hỏi: Dù sao thế giới cũng đã thấy và không phủ nhận được những thành quả cải cách của Trung Quốc từ gần ba chục năm nay chứ, ông nghĩ sao"

- Có một quy luật kinh tế mà ít ai nói tới, đó là "cái được thì dễ thấy, mà cái mất lại khó nhìn!" Trung Quốc đã để mất và thực tế là giết mấy chục triệu dân vì giấc mơ cách mạng điên cuồng của Mao, sự việc đó người ta không nói đến, y như ở tại Việt Nam với vụ cải cách ruộng đất và đàn áp văn nghệ sĩ rập khuôn họ Mao. Ba mươi năm sau khi ra khỏi giấc mơ đó thì Trung Quốc vẫn có một tỷ dân, một ngàn triệu người, thuộc loại nghèo đói và chỉ biết mở miệng kiếm ăn mà không có quyền nói, cho tới khi hàng vạn dân bất mãn phải biểu tình thì nhà nước tắt đèn truyền thông, không cho tường thuật việc đàn áp!

Bắc Kinh tự hào với Thế vận hội, và cẩn thận chọn ngày tám Tháng Tám năm 2008 theo kiểu mê tín truyền thống với ba số tám để biểu dương khí thế Trung Hoa. Muốn hoàn tất mỹ mãn sinh hoạt tuyên truyền quảng cáo này thì họ phải chặt chẽ kiểm soát dân chúng để khỏi có biểu tình đấu tranh gì! Việc họ đang sửa lại chế độ hộ khẩu cho mấy chục triệu lao động từ thôn quê về thành thị kiếm sống cũng cho thấy những bất toàn của mẫu mực Trung Quốc. Thế giới có thể bị mê hoặc bởi những thành tựu bề mặt của Trung Quốc chứ Việt Nam thì không nên vì là một lân bang của họ và có khi bị họa lây.

- Hỏi: Chúng ta đang đi vào phần kết của cuộc trao đổi kỳ này. Thưa ông, nếu không nên theo mẫu mực Trung Quốc thì Việt Nam nên làm gì, học ai"

- Mô thức phát triển của Đại Hàn mà lãnh đạo Việt Nam đang học ngày nay thật ra cũng chỉ là một ấn bản Trung Hoa trong thời công nghiệp, với một thiểu số ưu tú có chức năng mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân mà thực tế vẫn là tập trung quyền lợi và quyền lực. Hệ thống chaebols Hàn Quốc đã sụp đổ từ 1997 mà Bắc Kinh và Hà Nội vẫn cố vớt vát cũng vì quyền hành cho một thiểu số. Qua thế kỷ 21 và thời toàn cầu hóa, lối tổ chức sản xuất ấy không còn có lợi cho đa số nữa mà lãnh đạo Việt Nam chưa nhìn ra hay chưa đồng ý.

Còn hỏi rằng mình nên học ai, tôi thiển nghĩ rằng đầu tiên, mình phải có khả năng suy tư độc lập và lãnh đạo phải chú ý nhiều hơn đến đa số. Như hiện nay thì túi tiền của họ vẫn gửi qua Mỹ còn cái đầu vẫn hướng về Bắc Kinh theo kiểu "trong bá ngoài vương" thì tầm suy tư học hỏi tất nhiên vẫn bị thu hẹp, chưa nói gì đến khả năng bảo vệ nền độc lập.

- Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, nếu như muốn bước ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc thì liệu Việt Nam có nên học mô thức của Hoa Kỳ không" Nhiều người Việt trong nước bây giờ đang theo dõi rất sát và có khi áp dụng khá phổ biến một số sinh hoạt kiểu Mỹ. Thậm chí nhân biến cố 30 Tháng Tư, truyền thông quốc tế nói nhiều đến việc Việt Nam thắng Mỹ rồi lại học theo Mỹ! Điều ấy có lợi hay hại" 

- Tôi lại xin nghịch ngợm nêu một câu hỏi ngược của kinh tế học, là "lợi cho ai mà hại cho ai"" Thật ra, dân tộc nào cũng phải tự tìm ra mô thức thích hợp với nếp văn hoá của mình và tiệm tiến đổi thay nếp văn hoá ấy căn cứ trên những thách đố của thực tế. Việt Nam không thể và không nên bắt chước Hoa Kỳ và nhất là bắt chước ở ngọn. Cái gốc là tinh thần cởi mở và đa nguyên của Mỹ thì lại chưa có và chưa có quyền hiện hữu tại Việt Nam.

Các phần tử ưu tú của Việt Nam, ở trong và ngoài đảng, cần nhìn ra vấn đề và tìm lấy giải pháp thích hợp cho cả xã hội trong một môi trường chưa từng có suốt mấy ngàn năm lịch sử của Việt Nam là thông tin lập tức của một thế giới toàn cầu hoá. Chúng ta phải bước ra khỏi không gian hai chiều Nam-Bắc, Hà Nội và Bắc Kinh, để tìm ra đường khác. Và trước tiên phải biết xấu hổ khi Việt Nam tự xưng là giành lại độc lập mà đất đai và phụ nữ con trẻ vẫn là những sản phẩm bán rẻ cho ngoại bang trong khi lãnh đạo lại bỏ tù những ai muốn xã hội phải thay đổi. Đấy là cái nhìn của tôi về 30 tháng Tư.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đại Lễ Tam Hợp Vesak trong năm 2008 cũng là dịp để một nhà sư học giả Hoa Kỳ đứng giữa lòng Hà Nội
Trong lúc chúng ta đang chuẩn bị chào đón một mùa Giáng Sinh an lành, hạnh phúc ở đây thì ở quê nhà mình hằng triệu đồng bào vẫn còn chịu đựng cảnh  bức bách
Trung Quốc sau khi đã hiện đại hoá quân sự, đang từng bước chủ trương thực hiện chính sách Đại Hán
Trong cả ngàn năm, nước Việt Nam độc lập vẫn phải khéo léo hành xử với phương Bắc theo phận nhược tiểu. Các phần tử ưu tú của nước ta
Nghe tin và thấy sinh viên biểu tình chống Trung Quốc lòng mừng trong cảm xúc tuổi trẻ ngàn sau đang tiếp nối hùng tâm đảm lược ngàn xưa
Hầu hết những vùng đông dân cư Việt Nam đều có trung tâm sinh hoạt văn hóa, trong khi cộng đồng vùng Hoa Thịnh Đốn
Từ một năm nay, dư luận Đông Á đã theo dõi vụ tranh chấp giữa tập đoàn Danone của Pháp và đối tác liên doanh tại Trung Quốc
Trong khi binh sĩ thuộc Đại Đội Charger đang diễn tập cho một công tác khác tại căn cứ của họ gần Iskanditiyah, phía nam Thủ Đô Baghdad
Nhận được lời mời thuyết trình của anh Huỳnh Quốc Văn, đại diện cho Cộng đồng Người Việt Quốc
Trong văn thơ Quảng Nam, nếu mì Quảng được nhắc bao nhiêu lần trong văn thì lũ lụt có lẽ cũng được nhắc nhiều lần như thế trong thơ. 
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.