Hôm nay,  

Bong Bóng Đầu Cơ

28/03/200700:00:00(Xem: 7570)

...Thế rồi khi bóng bể thì nhiều người phá sản lại cào mặt ăn vạ và đòi chính quyền cấp cứu...

Trong vòng tháng qua, các thị trường đầu tư tài chánh thế giới bị giao động mạnh vì cùng mối lo là trái bóng đầu cơ có thể vỡ làm nhiều người bị phá sản và kinh tế suy trầm. Vì hiện tượng bong bóng đầu cơ đang xảy ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, thị trường gia cư Hoa Kỳ và cả thị trường cổ phiếu lẫn bất động sản tại Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế đài RFA tuần này sẽ tìm hiểu về nguyên nhân của nạn bong bóng đầu cơ, trước khi phân tách hậu quả. Cuộc trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ do Việt Long thực hiện sau đây.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, sau vụ sụt giá cổ phiếu tại Thượng Hải và Thẩm Quyến của Trung Quốc vào ngày 27 tháng Hai vừa qua, đến lượt thị trường chứng khoán Hoa Kỳ cũng tuột giá cùng nhiều thị trường tài chính quốc tế khác. Khi ấy, mọi người mới nhìn thấy là trong khi giá cổ phiếu Trung Quốc đã bị căng phồng như trái bóng và có thể vỡ thì thị trường bất động sản cho mục tiêu gia cư của Hoa Kỳ có thể cũng là một trái bóng ảo sẽ vỡ. Những biến động ấy khiến mọi người cũng liên tưởng đến việc trái bóng cổ phiếu tại Việt Nam có thể đang xì, trong khi thị trường bất động sản lại nóng bất ngờ với hàng tỷ đô la đang trút vào Việt Nam nhờ viễn ảnh WTO. Vì lý do trên, chúng tôi xin đề nghị là kỳ này, ta sẽ cùng tìm hiểu về hiện tượng bong bóng kinh tế, hầu thính giả cùng biết và, nếu có thể, cùng tránh được những hậu quả tai hại...

- Người ta có nhiều cách gọi khác nhau về hiện tượng này, là khi mà giá cả một số tài sản đầu tư gia tăng phi lý vì không có cơ sở thực tế và do đó sẽ có lúc sụt. Đó là nạn “bong bóng đầu cơ”, nạn “giá ảo”, “bong bóng tài chính” hay “dịch đầu cơ” trong ý nghĩa dịch bệnh vì lan rộng bất thường và gây ra hậu quả tai hại cho nền kinh tế. Vì kinh tế thế giới đang hội nhập vào một khuôn khổ toàn cầu, dịch đầu cơ có thể lây lan từ xứ này qua xứ khác như một phản ứng dây chuyền, và nếu bong bóng đầu cơ mà vỡ thì hậu quả cũng từ xứ này có khi lan qua xứ khác.

Trong vấn đề ấy, ta có hai vế cần tìm hiểu, vì sao lại có dịch đầu cơ và khi trái bóng đầu cơ bị vỡ thì những gì sẽ xảy ra"

Hỏi: Trên diễn đàn này, ông thường nhấn mạnh rằng thuần tuý về kinh tế mà nói thì đầu cơ cũng chỉ là đầu tư, tức là không có ý nghĩa xấu về đạo đức, mà chỉ là muốn có lời nhiều và nhanh nên bị rủi ro lớn. Như vậy, câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là vì sao giới đầu tư lại có phản ứng đầu cơ như ông vừa nói là “phi lý”, làm giá cả tăng mạnh không có cơ sở"

- Thưa trước hết, trên thị trường gồm những người mua và người bán mà giá cả là mức đo lường sự đồng thuận giữa hai thành phần ấy. Khi người muốn mua lại đông hơn hoặc có sự ham muốn cao hơn người bán thì giá sẽ tăng, theo quy luật cung cầu. Ngược lại, khi người ta muốn bán nhiều hơn mua thì giá sẽ giảm, mà nếu lại muốn bán tháo bằng mọi giá thì giá sẽ sụt mạnh. Đó là hiện tượng bể bóng đầu cơ. Yêu tố then chốt ở đây là tâm lý của giới đầu tư hay đầu cơ. Tâm lý ấy là tin rằng thị trường còn có nhiều người điên hoặc liều lĩnh hơn mình.

Tôi xin lấy một thí dụ: khi thấy cố phiếu một công ty gia tăng, tôi biết rằng người khác cũng biết vậy nên họ sẽ muốn mua để kiếm lời. Đấy là phản ứng đầu tư thông thường. Bây giờ, khi thấy là giá gia tăng quá mạnh, tôi lạc quan nghĩ rằng giá sẽ còn tăng nữa và tôi vẫn cứ mua vào, thực tế là tính nhẩm trong đầu là thị trường còn có nhiều người tham hay điên hơn mình nên vẫn sẽ mua lại của tôi với giá cao hơn. Trái bóng giá cả tiếp tục căng phồng khi nhiều người tin rằng thiên hạ vẫn điên hơn mình, vẫn sẽ tìm mua với giá cao hơn. Trái bóng chỉ bắt đầu vỡ khi chẳng còn ai điên như thế để đòi mua với giá cao hơn. Lúc ấy, những ai đã lỡ mua vào rồi thì phải tìm cách bán ra, dù với giá thấp hơn giá mua. Khi mọi người đều cùng muốn bán vì không muốn là kẻ điên sau cùng thì chúng ta có hiện tượng bán tháo, làm giá sụt mạnh. Đó là về nguyên nhân tâm lý...

Hỏi: Ông nói vậy có nghĩa là còn nguyên nhân khác nằm ngoài lãnh vực tâm lý hay sao"

- Tôi cứ hay nói chuyện nhân duyên trong kinh tế! Cái nhân nằm trong tâm lý ham lời và đầu cơ qua suy luận rằng dù giá cao vẫn sẽ có người tham mà mua lại của mình sau này nên cứ mua đã. Cái duyên, là cơ hội cho cái nhân đó phát tác, là khi thị trường có một số điều kiện thuận lợi cho tính toán đầu cơ kiểu ấy. Điều kiện thuận lợi là khi tiền rẻ - tức là nếu đi vay để đầu cơ theo lối liều lĩnh ấy thì vẫn trả lãi suất thấp nên vẫn có lời. Điều kiện thuận lợi nhất là khi tiền nhiều. “Nhiều” là khi ta so sánh về cung cầu giữa lượng tiền khả dụng với số tài sản mình có thể đầu tư, thí dụ như số cổ phiếu hay bất động sản mình có thể mua vào để đợi khi lên giá thì bán ra.

Lý do kinh tế vì vậy là khi khối lượng hiện kim hay tiền mặt có thể tung vào thị trường đầu cơ. Thí dụ tại Việt Nam là sau khi kiếm ra một số tiền nhờ thị trường chứng khoán được thổi giá quá cao năm ngoái, người ta bắt đầu sợ giá sụt nên bán cổ phiếu để lấy tiền mặt dồn qua thị trường bất động sản hay cao ốc thương mại, là chuyện cũng đã xảy ra tại Mỹ từ năm 2001 khi trái bóng cổ phiếu cao kỹ bị vỡ và thổi lên trái bóng gia cư, bảy năm sau thì bắt đầu xì... Tôi sở dĩ gọi yếu tố kinh tế là “duyên” hơn là “nhân” vì nguyên nhân chính vẫn là máu tham và tâm lý lạc quan đến liều lĩnh của giới đầu cơ. Nếu kết hợp cả hai yếu tố kinh tế và tâm lý, ta có thể nghĩ đến một chuỗi tính toán tưởng là hợp lý mà thực ra vẫn tiềm ẩn tinh thần lạc quan phi lý về tương lai.

Hỏi: Giới đầu tư hay đầu cơ thực ra có tính toán chi ly dù là phi ký đến như vậy không"

- Ta không nói đến hiện tượng “bà già trầu đi vào thị trường chứng khoán”, là khi người không am hiểu mà cũng nhảy vào đầu tư như đánh bạc, một chỉ dấu không sai về nguy cơ bể bóng đầu cơ. Nhưng mọi nhà đầu tư hay đầu cơ, dù ở tại Hoa lục, Hoa Kỳ hay Việt Nam, đều cũng có thể nghiêm túc tính toán như vậy và được thiên hạ cho là khôn, khi mọi chuyện còn khả quan tốt đẹp. Chỉ khi bóng bể giá chìm thì người ta mới thấy rằng đó là phản ứng theo đàn của bầy cừu dại, là phản ứng a dua nhắm mắt chạy theo đám đông vì tâm lý “hồ hởi sảng”, “lạc quan tếu”.

 Hỏi: Bước qua phần thứ hai, người ta làm thế nào để tránh được hiện tượng hồ hởi sảng ấy"

- Thưa máu tham vốn là căn tính của đa số và thực ra cũng là một động lực cần thiết cho sự tiến hoá, cho nên chúng ta không thể duy ý chí cải tạo xã hội con người như đã thấy tại Việt Nam mấy chục năm về trước. Tuy nhiên, vì tâm lý thị trường cũng tùy thuộc vào thông tin thị trường, người ta có thể phần nào ngăn ngừa được phản ứng đầu cơ dại dột ấy khi có nhiều thông tin hơn hầu tránh được tâm lý “bịt tai ăn cắp chuông chùa”, vì tham mà tối mắt nên cứ tưởng rằng không ai biết, không ai thấy đâm ra chỉ có mình là bị thiệt. Vả lại, nói cho phũ phàng thì “có gan ăn cướp - có gan chịu đòn”, đầu cơ trật cửa mà bị lỗ thì phải chịu rủi ro của hậu quả, đấy là phản ứng cần thiết mà thật ra lành mạnh của thị trường.

Hỏi: Nhưng chính quyền có thể cũng phải có biện pháp ngăn ngừa trước, chứ chẳng lẽ để nhiều người bị phá sản" Ông không thấy vậy hay sao"

- Thưa đây là khía cạnh phức tạp nhất của vấn đề bong bóng đầu cơ vì hàm chứa rất nhiều yếu tố.

Trước hết, khi tưởng rằng mình có thể khôn ngoan làm giàu nhanh chóng nhờ đầu cơ, giới đầu tư khỏi cần tới chính quyền. Họ còn cho rằng chính quyền cứ làm thị trường cụt hứng qua những lời cảnh báo mà vì hồ hởi sảng họ chẳng muốn nghe. Điều này cũng đã có thấy tại Việt Nam khi chỉ số VN-Index mấp mé 1.000 điểm. Thế rồi khi bóng bể thì nhiều người phá sản lại cào mặt ăn vạ và đòi chính quyền cấp cứu. Tôi thiển nghĩ rằng cấp cứu khi ấy là chuyện sai, không phải vì lý do đạo đức là... nên trừng phạt kẻ đầu cơ, mà vì một lý do tâm lý kinh tế.

Khi lấy rủi ro lớn để làm giầu nhanh rồi bị khánh tận lại đòi chính quyền cấp cứu thì nhà đầu cơ tiếp tục lấy rủi ro nữa vì tin rằng khi mình té ngã thì vẫn có tấm lưới cứu vớt của chính quyền. Kinh tế học gọi tâm lý ấy là “ỷ thế làm liều”, morale hazard, là chuyển dịch rủi ro cho ai khác, hay nghĩ rằng cuối cùng vẫn có nhà nước đỡ đòn cho mình! Một trong các nguyên nhân thổi lên bong bóng đầu cơ chính là nạn “ỷ thế làm liều” đó, tại Nhật Bản, Đông Á và Trung Quốc. Bây giờ, ta mới nói đến những gì chính quyền có thể làm để chặn trước, từ khi chưa manh nha...

Hỏi: Thưa vâng, đây mới là yếu tố quan trọng nhất vì ngừa bệnh vẫn hay hơn chữa bệnh.

- Tôi thiển nghĩ là khởi đầu phải là tính trung lập của chính trị đối với thị trường. Thông thường, khi thị trường tăng giá, các chính quyền ấu trĩ đều coi đó là công lao của mình, là điều có xảy ra tại Việt Nam sau khi bước qua chặng WTO. Nhưng tính trung lập để khỏi nhận vơ lại không có nghĩa là vô vi hay bất can thiệp, mà phải cực kỳ bén nhạy trong sự theo dõi để phòng trước.

Nếu bong bóng đầu cơ bị thổi phồng vì tiền nhiều hay tiền rẻ thì cơ quan phụ trách về tín dụng và tiền tệ - là ngân hàng trung ương - phải điều tiết khối lượng tiền tệ bằng cách nâng lãi suất hay định mức tài trợ của các ngân hàng, là điều Trung Quốc đã làm tiếp hôm Thứ Bảy 16, lần thứ ba trong 11 tháng, sau khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo báo động hôm 15 rằng tình hình kinh tế vĩ mô Hoa lục bị mất quân bình và thiếu điều hợp nên không thể tiếp tục mãi như vậy.

Cũng trong ý trung lập đó, hệ thống ngân hàng trung ương nên có quy chế độc lập để khách quan điều tiết thị trường thay vì là công cụ can thiệp của chính quyền theo mục tiêu chính trị nhất thời như sắp có bầu cử hay đại hội đảng. Ngoài ra, nếu trái bóng đầu cơ phát sinh vì chênh lệch cung cầu như tại Việt Nam hiện nay khi có quá ít cổ phiếu được lưu hành thì chính quyền có thể điều chỉnh bằng cách nâng cao mức cung, cho phát hành thêm cổ phiếu các doanh nghiệp được cổ phần hoá. Sau cùng, quan trọng nhất, phải rà soát và nâng cao khả năng quản lý thị trường bằng luật lệ đầy đủ và nghiêm minh để tránh lạm dụng. Trong một kỳ sau, chúng ta có thể nói đến các trái bóng đầu cơ đang bị thổi lên trên thế giới và hậu của của nạn bóng bể đối với nền kinh tế.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong phần này có việc bầu 5 “thành viên không thường trực” mới của Hội Đồng Bảo An, chiếu theo quy luật 142, quyết định 61/402
Liên tiếp trong nhiều ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam, báo nhân dân, đài tiếng nói việt nam, báo quân đội nhân dân
Kể từ ngày hôm nay, Thứ Bảy mùng một, Tháng Chín, 2007, mọi vị Phật Sống muốn hoá thân để cứu độ chúng sinh thì phải xin phép Chính quyền Bắc Kinh.
"Từ sai lầm này đến sai lầm khác, thế hệ này đến thế hệ khác tiếp tục trở thành nạn nhân của những quyết định lạc hậu của đảng CSVN
Nhà nước Cộng sản Việt Nam thi hành Quy chế “miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài” từ ngày 1-9 (2007)
Việt Nam hiện tại đang bước vào một tiến trình chuyển tiếp hướng về nền kinh tế định hướng theo thị trường tự do và cố gắng khai thông
Trong 10 năm! Một tên lưu manh vô học, một tên tội phạm hình sự, tham ô, đã vọt lên vị trí Tổng cục trưởng Tổng Cục Tình Báo quân đội.
Bản tin thời sự trên kênh truyền hình VTV3 lúc 7 giờ tối ngày Thứ Hai 27/8/2007 tại Hà nội cho biết trong ngày chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
Tuần qua, chính trường Hoa Kỳ đã xuống đến độ sâu nhất của loại tiếu lâm cống rãnh với một vụ tai tiếng lợm giọng.
Nhân chuyến viễn du sang tận miền tây Canada nhằm trao giồi kinh nghiệm  cho các sinh viên của Đại Học Montreal -Quebec trong chương trình
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.