Hôm nay,  

Hợp Tác Để Tranh Đấu Cho Quyền Lợi Cộng Đồng

11/02/200700:00:00(Xem: 8630)

Hợp Tác Để Tranh Đấu Cho Quyền Lợi Cộng Đồng

Hiện tại Học Khu Garden Grove trong Quận Cam là nơi duy nhất có Ban Quản Trị với người Việt chiếm đa số 3/5trong đó có hai người Việt giữ chức vụ Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch Ban Quản Trị Học Khu.  Với những đặc điểm này, học khu Garden Grove phải là một học khu dẫn đầu các học khu khác trong các chính sách giáo dục không những tốt cho toàn khối học sinh mà còn có lợi cách đặc biệt cho học sinh gốc Việt nói riêng.

Trong hai bài trước, chúng tôi đưa ra hai vấn đề: 

(1) gia tăng số giáo chức và thành phần lãnh đạo giáo dục trong học khu có khả năng thông cảm với văn hoá và giao tiếp với phụ huynh người thiểu số, đặc biệt là người gốc Latino và Việt.

(2) tạo cơ hội để học sinh học và hiểu rõ hơn nguồn gốc và lịch sử cộng đồng và gia đình, qua hai giáo trình có giá trị như Mendez V. Westminster và Lịch Sử Người Việt Tị Nạn.

Mục đích tôi chia sẻ những điều này trên báo chí là tìm sự hợp tác của hai đồng viện, Ls Nguyễn Quốc Lân và Ls Nguyễn Quang Trung để ban quan trị học khu tìm chính sách thực thi hai điều trên. Theo quy luật của tiểu bang và liên bang (the Brown Act), số đông các thành viên trong ban quản trị không có quyền ngồi riêng lại để bàn thảo những vấn đề liên quan đến chính sách mà không được thông báo đến cộng đồng trước. Nghĩa là hai người có quyền trao đổi với nhau nhưng ba người thì trái luật.

Một mặt khác, khi viết xuống những điều này, tôi mong được sự hội ý và ủng hộ của cộng đồng cũng như để cộng đồng dùng những điều này mà đánh giá sự hữu hiệu của chúng tôi trong vai trò ủy viên giáo dục học khu Garden Grove. Cả ba ủy viên giáo dục gốc Việt chúng tôi, nếu không có sự ủng hộ nồng nhiệt của cử tri người Việt thì chắc không đắc cử vào chức vụ này.  Vì vậy, bản thân tôi cảm thấy cần có một thái độ có trách nhiệm, qua sự chia sẻ các nỗ lực đang làm và những cố gắng cần thành đạt. 

Tôi nhận thấy cộng đồng người Việt rất bao dung - hết lòng ủng hộ các cử tri gốc Việt mà chưa bao giờ hỏi ngược lại họ xem những lời hứa khi tranh cử đã đạt được chưa. Hiện tại là mốc thời gian giữa định kỳ (mid-term) trong chức vụ uỷ viên giáo dục học khu Garden Grove của tôi. Khi xét lại những vấn đề mình đưa ra trong mùa tranh cử 2004, tôi thấy kết quả chưa được khả quan cho lắm. 

Trong vấn đề số 1 nêu trên, từ năm 2004 đến 2006, số giáo chức gốc Á Châu tăng lên 1% và gốc Latino tăng 1.2%; số nhân viên cấp quản trị hành chánh gốc Á Châu tăng 2% và gốc Latino tăng 1.5%.  Trong bài viết của Ls Lân có câu “để vào được học khu Garden Grove còn khó hơn vào trường đại học danh tiếng Harvard” với ý là khen học khu Garden Grove có “tiêu chuẩn cao,” có thể là còn cao hơn của đại học Harvard!   Trên thực tế, từ nhiều năm qua, trường đại học Harvard bị mang tiếng là các tiêu chuẩn (admission critieria) của họ dựa trên một số yếu tố quyền thế xã hội (social capital) và vì vậy số học sinh da màu bị loại bỏ một cách bất công. Trường Harvard làm một cuộc nghiên cứu về vấn đề này và đi đến kết luận là khi toàn khối học sinh không phản ảnh sự đa dạng (đa văn hoá, chủng tộc và giai cấp) của xã hội thì phẩm chất giáo dục (education quality) bị suy giảm. Dựa trên bản tường trình này, trường Harvard vừa đưa ra một chính sách áp dụng bắt đầu từ năm rồi là tất cả học sinh xuất sắc (honor students) thuộc các gia đình có mức lợi tức dưới $60,000/một năm (nhiều gia đình thuộc sắc tộc thiểu số) khi tốt nghiệp trung học sẽ được vào trường Harvard miễn phí – nghĩa là trường sẽ trang trải mọi chi phí học vấn cho các học sinh này. (Cần biết thêm, xin vào http://www.hno.harvard.edu/gazette/2005/04.07/03-admission.html)

Tôi nêu điều này ra để chúng ta cùng hiểu rằng những chính sách giáo dục có tính cách phân biệt và giới hạn quyền lợi của bất cứ một nhóm học sinh nào cũng cần được xét lại.  Đó là trách nhiệm tối cao của các uỷ viên giáo dục.  Theo một bài nghiên cứu về kinh doanh trên thương trường thì những công ty đã mở rộng cho việc nâng đỡ cho mọi chủng tộc hội nhập thì doanh thu đều có sự tiến triển vì sự đa dạng của nhân viên phản ảnh và đáp ứng sự đa dạng của thị trường tiêu thụ. Đó là một trong nhiều lý do để các đại học hàng đầu của Hoa Kỳ cải tổ để có thể phản ảnh được sự thay đổi của xã hội. Trong xã hội Hoa Kỳ, sự hữu hiệu để đạt được mục tiêu là động lức chính yếu cho mọi sự cãi tổ.

Trong vấn đề số 2 tôi đưa ra, Giáo Trình Người Việt Tị Nạn, tuy học khu không chống đối, nhưng hiện tại chỉ có một vài lớp có dùng giáo trình này.  Nếu Ls Lân là chủ tịch của ban Quản Trị đưa vấn đề này vào nghị  trình (board agenda) để bàn thảo và phó chủ tịch Nguyễn Quang Trung đề nghị bỏ phiếu thì cơ hội giáo trình được chính thức đưa vào học khu rất cao! Có như thế thì chức chủ tịch và phó chủ tịch do hai luật sư đảm trách mới thật sự mang lại quyền lợi chung cho khối học sinh và cộng đồng người Việt, là khối cử tri đã hết lòng ủng hộ các ủy viên giáo dục gốc Việt. Giá trị của giáo trình này vừa được chính tác giả, ông Michael Matsuda giải thích qua bài viết đăng trên Việt Báo ngày 15/1/2007.  Chúng tôi mong thấy việc này thành hình trước khi Ban Quản Trị Học Khu GG chỉ còn lại hai người ủy viên gốc Việt!

Phần 3: Gia Tăng Cơ Hội Thành Công Cho Các Học Sinh Tốt Nghiệp Trung Học

Một vấn đề khác đã làm tôi bận tâm rất nhiều và đã từng nêu ra trong mùa tranh cử là tỉ số học sinh tốt nghiệp trung học và lên đại học bốn năm. 

Học khu Garden Grove có tỉ số học sinh hoàn tất bậc trung học khá cao (97.2%) so với tỉ số của Quận Cam (93.1%) và của tiểu bang (85%).  Tuy nhiên, tỉ số học sinh tốt nghiệp trung học đủ điều kiện để chuyển lên đại học bốn năm thì rất thấp (26.1%) so với tỉ số của Quận Cam (38.7%) và tiểu bang (35.2%).

 Trong hai năm qua, tỉ số học sinh tốt nghiệp trung học và có khả năng lên thẳng đại học hệ thống U.C. hoặc CSU chỉ tăng lên có 2%.  Nói cách khác, trong mỗi 10 học sinh tốt nghiệp trung học, chỉ có khoảng 2-3 em là lên thẳng đại học bốn năm.  Những em còn lại chỉ đủ sức theo học các trường đại học cộng đồng hoặc một trường dạy nghề.  So với một số các học khu có cấp trung học quanh đây, ngoại trừ học khu Santa Ana (22.6%), học khu Garden Grove có tỉ số học sinh đủ khả năng lên đại học 4 năm thấp nhất:  Huntington Beach Union (53.3%); Fullerton Joint Union (47.9%);  Orange Unified (34.4%); và Tustin Unified (40.9%).

Là một thành viên trong ban điều hành một cơ quan giáo dục liên quan đến học sinh thiểu số, chúng tôi có cái nhìn khắt khe hơn các bạn đồng viện. Mặc dầu học khu Garden Grove, như lời tuyên bố của Ls Lân, có đạt được thành tích nâng cao điểm thi của khối học sinh tiểu học, vấn đề chính yếu vẫn phải là chuẩn bị cho học sinh lên đại học và thành công trong việc theo học và tốt nghiệp cấp đại học. Học khu Garden Grove đã có những chính sách giáo dục tốt, hợp lý, nâng cao trình độ thành đạt của các học sinh nhỏ cấp tiểu học. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ các chính sách này.  Tuy nhiên, ban quản trị không thể tiếp tục làm ngơ trong vấn đề học sinh vào đại học.  Theo các thống kê cho thấy, các học sinh lên thẳng đại học 4 năm thường hoàn tất bằng cử nhân trong thời gian 3-5 năm.  Các học sinh phải chuyển trường thường mất 4-7 năm để hoàn tất chương trình cử nhân.  Mỗi năm phải học thêm, không những tốn thêm tài nguyên gia đình và chính phủ, mà còn mất đi số tiền lương kiếm được để giúp gia đình cũng như mất thêm thời gian học hỏi kinh nghiệm chuyên môn và cơ hội tiến thân.

Vào cuối niên khoá vừa qua, trong buổi lễ tốt nghiệp của trường trung học La Quinta, một trường trung học có tỉ số học sinh gốc Việt rất cao (69.1%), tôi đã hỏi từng em về dự định đại học của em khi bắt tay mỗi em lúc trao bằng.  Tôi đã rất ngạc nhiên khi nghe đa số các em nói tên một trường đại học cộng đồng. Điều này không có nghĩa là các trường đại học cộng đồng không có giá trị.  Nếu một học sinh ra trường, hội đủ điền kiện để lên đại học bốn năm (UC hoặc CSU) nhưng vẫn chọn học ở một trường đại học cộng đồng hai năm rồi mới chuyển lên vào hai năm sau, học sinh ấy có quyền nộp đơn để được miễn học phí ở đại học cộng đồng và được ưu tiên vào trường UC hoặc CSU sau khi hoàn tất phần “General Education”.  Khi được hỏi rõ, các em học sinh trung học không biết đến điều này. Việc này chứng tỏ các vị counselors tại các trường trung học làm việc chưa hữu hiệu đủ.

Trong đại hội của Các Hội Đồng Quản Trị Giáo Dục Tiểu Bang California vừa qua, tôi may mắn được nghe một số học khu trình bày về những nỗ lực và thành quả của họ trong việc gia tăng cơ hội cho học sinh trung học thành công sau khi tốt nghiệp. 

Các nhân viên học khu, từ người giám đốc các chương trình trung học đến hiệu trưởng, giám học và giáo chức hợp tác với ban điều hành và giảng huấn các trường đại học cộng đồng trong vùng.  Họ đã đem một số các lớp của đại học cộng đồng đến dạy ngay trong khuôn viên trường trung học. Bởi vì đa số học sinh trung học ra về khoảng 2, 3 giờ chiều, các em có cơ hội ở lại trường học thêm một vài lớp theo ý thích, như viết văn, hội họa, diễn văn (speech), thợ máy (machine shop), điện ảnh, điện toán, toán học, khoa học, v.v..

Điều này đặc biệt giúp các học sinh thuộc trình độ trung bình, không mấy hứng thú trong việc học.  Các em này có khả năng nhưng thường hay chán các lớp học truyền thống nên học “tà tà”, không chuyên cần và cố gắng đủ để lên đại học bốn năm. Các học sinh này tỏ ra rất hứng khởi trong việc học thêm các môn này sau giờ học. Và để được phép ghi danh học các lớp đó, các em phải cố gắng hơn trong các lớp của chương trình trung học, do đó điểm các em khá hơn lên. Một mặt khác vì các lớp của chương trình đại học cộng đồng phải được mở ra cho quần chúng, các em học sinh có cơ hội học chung với các vị tráng niên.  Khi thấy các sinh viên tráng niên học rất nghiêm trang, các em học sinh trung học không dám tỏ thái độ phá phách hay đùa cợt như bình thường trong các lớp trung học.  Theo tường trình của các học khu này, một số học sinh trung học đã tốt nghiệp trung học với một số tín chỉ của đại học cộng đồng.  Các em có thể lên thẳng trường đại học bốn năm hoặc học tiếp chương trình của đại học cộng đồng.  Nói chung, các em tiết kiệm được thời gian học cấp đại học cũng như vững vàng hơn khi lên đại học.  Một số em đã tốt nghiệp trung học với một chứng chỉ hoàn tất học nghề hay đủ tín chỉ để vào đại học năm thứ ba ngay. Các chương trình này đã tạo cơ hội cho một số học sinh bình thường không học lên cao, nay có cơ hội thành công khi hoàn tất phần giáo dục cấp trung học. 

Ngoài những chương trình này, chúng tôi còn được nghe trình bày một số những nỗ lực tương tự khác để tạo cơ hội cho học sinh thành công khi tốt nghiệp trung học. Trong nền kinh tế và thị trường hiện tại, bằng trung học thuần túy không có giá trị nhiều như lúc trước. Trong nhóm bạn của con trai chúng tôi tốt nghiệp trung học học khu Garden Grove năm 2004, một vài cháu sẽ ra trường đại học năm nay 2007 vì các cháu lên thẳng trường 4 năm và đã hoàn tất một số tín chỉ ở đại học cộng đồng khi còn ở cấp trung học. Các cháu sẽ ra trường sớm một năm, có việc làm tốt vì các công sở biết các cháu có chí hướng và khả năng, và do đó các cháu có dịp đóng góp lại cho gia đình và xã hội. Đó là biểu hiệu của sự thành công.  Một vài cháu khác sẽ hoàn tất chương trình đại học trong năm tới.  Tuy nhiên, có một số các cháu khác vẫn còn kẹt tại các trường đại học cộng đồng trong vùng. Các cháu này sau gần 3 năm vẫn chưa hoàn tất các lớp căn bản để chuyển trường.  Một vài cháu bắt đầu nản chí và muốn bỏ học đi làm.  Với trình độ đại học cộng đồng và thiếu một chứng chỉ học nghề hoặc bằng cấp chuyên môn, các thanh niên này sẽ không tìm được một việc làm đủ để nuôi sống bản thân, lấy đâu mà đóng góp lại cho gia đình và xã hội!  Khi túng thiếu, giới trẻ sẽ dễ làm liều và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội sau này.  Đây chính là trách nhiệm chung của tất cả các vị đang giữ chức vụ uỷ viên giáo dục học khu Garden Grove, trong đó có tôi.  Do đó, trong thời gian tại chức còn lại, vấn đề này sẽ được tôi quan tâm hàng đầu và tiếp tục sát cánh làm việc với ban giám đốc học khu để nâng cao mức độ học sinh thành công sau khi tốt nghiệp trung học. Tôi kêu gọi sự hỗ trợ và hợp tác của các ủy viên đồng viện.

(Các dữ kiện con số trong bài lấy từ California Department of Education, Educational Demographics Unit. Prepared: 1/15/2007 7:55:51 PM)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm qua, 4-4-2008, CA Phú Nhuận lại đến nhà buộc Ks Đỗ Nam Hải đến trụ sở CA Phú Nhuận lúc 8g00 sáng sau khi gửi giấy triệu tập anh 3 lần
Công An CSVN Trả Tự Do cho 3 Đảng Viên Việt Tân Bị Giam Giữ Chỉ Vì Chuyến Thăm Nhân Đạo... Đó là nội dung một Thông Cáo của Đảng Việt Tân hôm 5-4-2008.
Ngày 14 & 15/3/2008, lợi dụng một vài hành động quá khích của một số thanh niên Tây Tạng, Trung Quốc đã huy động cảnh sát dã chiến và xe tăng thẳng tay đàn áp
Đại tướng David Petraeus sẽ đi vào một chiến trường khác, tại Hoa Kỳ... Thứ Ba này, tư lệnh chiến trường Iraq là Đại tướng David H. Petraeus
Hầu như đối với tất cả dân tộc Á châu nói chung và Việt Nam nói riêng, mật gấu được xem như là một linh dược
Trong những ngày gần đây, giữa không khí sôi nổi khởi đầu mùa bầu cử Hoa Kỳ nói chung và cộng đồng người Việt nói riêng
Lễ Hội Quan Âm đã trở thành truyền thống thiêng liêng, được tổ chức hàng năm tại Trung Tâm Phật Giáo - Chùa Việt Nam, thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ.
...Khi kinh tế hồi phục với giá cả ổn định thì họ đã sạt nghiệp hay chết đói từ năm ngoái...
Tại sao môn Lịch sử lại bị coi thường đến độ Nhà nước cũng không thèm quan tâm đến, nhưng nếu phải học thì học sinh chỉ được dậy những gì có lợi cho đảng Cộng sản Việt Nam "
Buổi thuyết trình đã diễn ra vào hồi 11 giờ sáng tại trụ sở của Hội đồng An ninh Quốc gia trực thuộc Phủ Tổng thống
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.