Hôm nay,  

Câu Chuyện Giáo Dục Tại Mỹ

14/04/200900:00:00(Xem: 7375)

Câu Chuyện Giáo Dục Tại Mỹ

Vũ Linh
...các học sinh tỵ nạn Việt đều đứng đầu lớp...
Đầu Tháng Ba vừa qua, TT Obama đọc bài diễn văn đầu tiên về cải tổ giáo dục tại Mỹ. Nói chung, những điều ông tuyên bố không có gì mới so với những hứa hẹn đã đưa ra khi tranh cử. Trước hết, ông chê trách hệ thống giáo dục hiện hành và kêu gọi tập trung nỗ lực để cải tiến. Sau đó, ông kêu gọi nên tăng thêm chương trình học hàng năm cho các học sinh. Ông nêu ví dụ là tại Nam Hàn, niên học dài hơn niên học Mỹ một tháng.
Kêu gọi cải tổ hệ thống giáo dục bết bát của Mỹ là chuyện tất cả các tổng thống Mỹ đều làm, ít nhất từ thời Carter đến giờ. Và những lời kêu gọi của TT Obama cũng không có gì mới lạ. Tuy nhiên trong chương trình cải tổ giáo dục lần này, hai điều ông đề nghị lại gây ngạc nhiên lớn -nếu không muốn nói là thắc mắc- cho các nghiệp đoàn giáo chức. Đó là ủng hộ kế việc trả lương giáo chức tương xứng với thành quả, và ủng hộ việc mở thêm các trường hiến ước (charter schools - xin sẽ giải thích sau).
Trước khi bàn thêm vào những đề nghị của TT Obama, chúng ta cần ghi nhận lại nguyên nhân vấn đề.
*
Nước Mỹ nổi tiếng là có hệ thống đại học uyên bác nhất. Trên thế giới ngày nay, không nước nào không có đại học, nên hiện đã có cả trăm ngàn đại học lớn nhỏ. Nhưng nói chung ít ai phủ nhận được các đại học Mỹ là những trung tâm xuất sắc nhất. Từ các trường danh tiếng như Harvard, Yale, MIT, Stanford, Berkeley, đến các đại học của tiểu bang (state universities), tất cả đều là giấc mơ của giới trẻ trên khắp thế giới, từ Âu sang Á, từ Phi đến Úc. Và ngay đến các nước chống Mỹ, hay là kẻ thù của Mỹ trước đây, hoặc có chủ trương chính trị xã hội đối nghịch với Mỹ, như các nước Hồi Giáo hay Trung Quốc và Việt Nam, cũng rất hồ hởi gửi thanh niên nam nữ qua Mỹ du học.
Có thể nói là đại học Mỹ là ngôi sao bắc đẩu ít quốc gia nào sánh kịp. Số giải thưởng Nobel về nhiều bộ môn khoa học dành cho các nhà nghiên cứu trong đại học Mỹ cũng có thể là tiêu chuẩn khác về giá trị của hệ thống giáo dục và đào tạo cấp đại học của Hoa Kỳ.
Thế nhưng, xuống đến cấp trung học thì trái lại, Mỹ là nước đang có vấn đề. Mà lại là những vấn đề lớn.
*
Cách đây không lâu, người ta tổ chức một cuộc khảo sát trong giới sinh viên năm đầu của đại học Mỹ, tức là các học sinh vừa tốt nghiệp trung học, bước qua ngưỡng cửa đại học hay cao đẳng. Được đưa cho coi một bản đồ thế giới không có ghi tên nước nào hay thành phố nào, một phần năm các sinh viên Mỹ này hoàn toàn mù tịt không biết nước Mỹ nằm ở đâu. Cũng theo một thăm dò khác, một phần tư số sinh viên mới vào đại học không viết được một bài luận tiếng Anh trôi chẩy.
Tất cả các cuộc thăm dò từ trước đến nay đều cho thấy học sinh trung học Mỹ đứng xấp xỉ hạng bét so với các học sinh cùng lớp của Á Châu, Âu Châu, và cả Nam Mỹ.
Các học giả, chuyên gia giáo dục đã bù đầu bù cổ đi tìm nguyên nhân, và tìm cách sửa đổi.
*
Nếu nói về nguyên nhân thì thật ra, chẳng cần mất thời giờ hay tiền bạc để tổ chức thăm dò quy mô và tốn tiền kiểu Mỹ. Tất cả các bậc phụ huynh trong đám dân Việt tỵ nạn chúng ta đều có thể trả lời một cách mau lẹ: trường học Mỹ vô kỷ luật và thật sự chẳng dạy gì hết.
Hồi năm 1975 là năm người Việt chúng ta bắt đầu đổ qua Mỹ. Một số lớn đã mau chóng ghi tên đi học lại tại các trường Mỹ, từ các trường hàm thụ, dạy nghề, cho đến các lớp Anh ngữ, các trường trung học… đủ loại, đủ cấp.
Và họ hết sức ngỡ ngàng với cách học của người Mỹ. Trò và thầy như bạn bè cười nói luyên thuyên, cãi nhau như mổ bò, cả thầy lẫn trò quần áo lôi thôi lếch thếch, đầu tóc đủ kiểu, từ rối bù đến trọc lóc, thầy muốn dạy kiểu gì thì dạy, trò muốn học hay không cũng mặc, học trò đi học có hai tờ giấy trắng xếp làm năm làm ba nhầu nát, bỏ túi quần cao bồi. Về đến nhà là vội bật TV coi đủ loại phim, hoặc như ngày nay, chơi đủ loại games. Bài vở về nhà làm chẳng bao giờ thấy. Tại trường đến giờ nghỉ giải lao, “ra chơi”, thì trai gái cỡ 12-13 tuổi là đã cặp kè ôm ấp hôn hít công khai, nếu không phải là tụ năm tụ bẩy hút sì-ke với nhau.
Trong tình trạng đó, nếu có học sinh nào mà học giỏi mới là chuyện lạ. Và cũng chính trong tình trạng đó mà các học sinh tỵ nạn Việt đều đứng đầu lớp trong hầu hết các trường tại các nơi có cộng đồng tỵ nạn Việt. Các phụ huynh Việt không bao giờ dung túng cho con cái học hành theo kiểu Mỹ.
*
Tình trạng bê bối của các trường trung học Mỹ là hậu quả của ba yếu tố chính.
Thứ nhất hầu hết các trường trung học là trường công, tất cả các trẻ em trong tuổi đi học đều bắt buộc phải ghi tên theo học, thượng vàng hạ cám, không có sự tuyển lựa nào.
Thứ nhì, các học sinh Mỹ đều là “bất khả xâm phạm”. Hơi có lời nói nặng hay lấy thước gõ đầu là thầy giáo có nhiều hy vọng bị thưa ra tòa, mất việc, đi tù như không.
Thứ ba, Nhà Nước trả lương giáo chức, tuy không cao nhưng được bảo đảm không bao giờ bị sa thải, chẳng những vì họ là công chức - và công chức thì không bao giờ bị sa thải - mà cũng vì sức mạnh rất lớn của nghiệp đoàn giáo chức, không thua gì các nghiệp đoàn nhân công xe hơi.
Dù việc làm được bảo đảm, nhưng vì mức lương thấp nên hệ thống giáo dục công lập ít thu dụng được người giỏi. Mức lương không cao mà việc làm lại bảo đảm thì dĩ nhiên đưa đến tình trạng thầy dạy dở vì không có động lực khuyến khích, và còn nuôi dưỡng tinh thần vô trách nhiệm, bất cần.
Đã vậy, các trường trung học Mỹ lại có cái nạn bắt buộc học sinh phải học theo trường đã được chỉ định, và chỉ định bởi các… chính trị gia muốn trộn chấu các thành phần học sinh trắng, đen, vàng, nâu, đủ loại với chủ đích tạo ra sự “kết hợp chủng tộc”, gọi là racial integration. Các vị chức sắc đó ngồi nghiên cứu bản đồ rồi vẽ ra khu vực cho mỗi trường trung học và tiểu học. Mỗi nhà đều được chỉ định trường học cho con em.
Tình trạng đó thường dẫn tới trường hợp tréo cẳng ngỗng tại nhiều khu trắng và đen gần nhau, với mục đích bắt một số học sinh da trắng qua khu đen học, và ngược lại mang một số học sinh đen qua khu trắng. Đôi khi có trường học cách nhà một con đường, nhưng phải đi xe buýt của Nhà Nước để đi học tại một trường khác cách đó năm ba dặm.
Sự kiện trường dở kèm theo chuyện trộn chấu đã gây bất mãn cho nhiều phụ huynh, nhất là giới da trắng hơi khá giả. Kết quả, họ đem con qua học trường tư.
Các phụ huynh này khiếu nại họ phải mang con qua học trường tư tốn bộn tiền rồi, mà mỗi năm vẫn phải trả thuế trường học -school taxes- cho các chính quyền tiểu bang và địa phương để họ nuôi các trường công, mặc dù con họ không học tại các trường công đó. Coi như họ phải trả tiền học phí cho con hai lần.
*
Để tránh tình trạng ấy, Nhà Nước chế ra một loại phiếu học phí (school vouchers). Đây là phiếu của chính phủ cấp cho phụ huynh nào muốn cho con học các trường trung học tư thục, coi như là bồi hoàn tiền thuế trường học mà họ phải đóng. Cũng không khác gì một loại học bổng. Trị giá từ 2.500 đến 5.000 đô la cho một học sinh, tùy tiểu bang.
Tuy số tiền này giảm được phần nào gánh nặng học phí, nhưng dĩ nhiên vẫn không thấm vào đâu so với học phí tại các trường tư thục.
Biện pháp ấy đưa đến tình trạng... “phân chia giai cấp”, chỉ có con nhà giàu mới có tiền học trường tư, trong khi con nhà nghèo thì lụi đụi trong mấy trường công hết sức bết bát, và như vậy coi như con nhà nghèo không có cơ hội thăng tiến.


Một số chuyên gia cho rằng không cần phải cấp phiếu học phí để học trường tư gì cả mà chỉ cần cải tổ chế độ lương giáo chức. Đặt tiêu chuẩn cho rõ ràng, rồi lượng giá giáo chức và trả lương họ theo thành quả. Đây là trọng tâm của kế hoạch cải tổ của TT Bush.
Nhưng dĩ nhiên, biện pháp này bị các nghiệp đoàn chống đối mạnh cho dù theo một nguyên tắc rất hợp tình hợp lý, được áp dụng khắp nơi, trong tất cả các công ty, hãng xưởng, ngành nghề.
Để có thể áp dụng nguyên tắc ấy mà không bị các nghiệp đoàn ngăn chận, một số tiểu bang nghĩ ra một kế sách mới: đó là các trường trung học “hiến ước” (việc chuyển ngữ này có lẽ chưa hoàn chỉnh lắm để chỉ các trường mà Mỹ gọi là “charter school”, những trường tự nguyện tôn trọng một số quy ước trong hiến chương).
Đây là trường do tư nhân - cá nhân hay tổ chức - thành lập, nhưng theo quy chế trường công. Nôm na là trường bán công. Giống các trường công, các trường hiến ước này không thu học phí vì được tài trợ bởi tiểu bang. Nhưng tuy theo quy chế trường công,  các trường này có hiến chương (charter) riêng, tức là có quy luật riêng, với điểm nổi bật nhất là không mướn giáo chức trong nghiệp đoàn giáo chức, do đó không bị ràng buộc bởi điều kiện khắt khe của nghiệp đoàn. Nhờ vậy, các trường này có quyền ấn định lương giáo chức một cách tự do, thưởng lương cao cho giáo chức giỏi, tra lương thấp cho mấy người dở, và có thể sa thải luôn nếu quá tệ.
Đây là những chuyện không thể xẩy ra trong các trường công cổ điển dưới sự “thống trị” của các nghiệp đoàn.
Các tiểu bang tài trợ loại trường này dựa trên số học sinh ghi tên. Trung bình các trường nhận được khoảng 7.000 đô đến 10.000 đô (tùy tiểu bang) cho mỗi học sinh d8i học trong trường. Đây là số tiền mà các tiểu bang trợ cấp cho các trường công cho mỗi học sinh của trường, được lấy từ ngân sách giáo dục của tiểu bang. Nói cách khác, các trường loại này thu hút bao nhiêu học sinh thì các trường công sẽ mất nguồn tài trợ cho ngần ấy học sinh.
 Người ủng hộ trường hiến ước cho rằng sự xuất hiện của loại trường này sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh để thu hút học sinh, từ đó mới hy vọng các trường công cải tiến. Nếu duy trì tình trạng độc quyền như trước đây thì các trường công vĩnh viễn nằm trong tình trạng bết bát, không bao giờ khá được.
Với ba vấn đề trên, trả lương giáo chức theo thành quả, phiếu học phí và trường hiến ước, dĩ nhiên là các nghiệp đoàn giáo chức hết sức chống đối. Theo các nghiệp đoàn, cả ba phương cách đều trực tiếp đe dọa sự tồn tại của trường công. Trên thực tế, cả ba phương cách đều đe dọa sự tồn vong của nghiệp đoàn.
*
Về phía chính quyền, chủ trương của TT Bush và phe Cộng Hòa là mạnh mẽ ủng hộ cả ba kế hoạch là trả lương theo thành quả, phiếu học phí và trường hiến ước. Khi tranh cử tổng thống vào năm 2000, nền tảng của chương trình tranh cử của ông Bush là cải tổ giáo dục. Ông muốn đi vào lịch sử như tổng thống sẽ cải tổ toàn diện hệ thống giáo dục Mỹ. Có lẽ một phần vì ảnh hưởng bà vợ là giáo viên tiểu học.
Vừa đắc cử không bao lâu thì TT Bush hợp tác với lãnh tụ cấp tiến nhất bên của Dân Chủ (khi ấy, ông Barack Obama chưa vào Thượng viện) là Thượng nghị sĩ Ted Kennedy để ra luật  “No Child Left Behind” (Không Trẻ Em Nào Bị Bỏ Rơi). Điều không may cho ông tổng thống này là kế hoạch quy mô ấy chỉ thực hiện được một phần rất nhỏ vì Nhà Nước không có tiền. Cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, Iraq và ngay tại Quốc nội đã làm cạn ngân sách.
Kết quả là TT Bush chẳng đạt được thành quả gì đáng kể trong việc cải tổ giáo dục Mỹ và còn bị phe bảo thủ trong đảng oán trách vì hợp tác với một Nghị sĩ thiên tả nhất là Kennedy!
Về phía Dân Chủ, phản ứng có phần không rõ rệt cho lắm.
Trước tình trạng bết bát quá đáng của trường công, ai cũng đồng ý là phải cải tổ. Phe Cộng Hòa đưa ra các kế hoạch trên. Phe Dân Chủ thấy có điểm tích cực nhưng lại sợ mất phiếu của nghiệp đoàn giáo chức, và rồi cũng chẳng nghĩ ra được giải pháp nào tốt hơn. Thành ra không biết phải làm sao.
*
Bây giờ đến lượt ông Obama nhập cuộc.
TT Obama chấp nhận nguyên tắc trả lương giáo chức theo thành quả (vì nghe có vẻ công bằng) và cũng ủng hộ việc thành lập trường hiến ước (vì dù sao thì cũng là trường công miễn phí). Nhưng mặt khác, ông không chấp nhận các phiếu học phí vì có vẻ như học bổng khuyến khích phụ huynh cho con theo học trường tư đắt tiền của nhà giàu. Tuy lập trường của ông Obama có vẻ nửa chừng xuân, nhưng nội chuyện ông chấp nhận nguyên tắc thưởng phạt với giáo chức đã làm các nghiệp đoàn dẫy nẩy vì sợ một số không nhỏ các giáo chức sẽ bị sa thải.
Chuyện lo sợ này không phải không có cơ sở, như ta có thể thấy ở vài thí dụ sau đây.
Thí dụ thứ nhất là tại thủ đô. Trước sự suy thoái trầm trọng của hệ thống trường học tại thủ đô Washington D.C. khiến học sinh luôn xếp hạng bét trong tất cả các thăm dò, hội đồng đô thành đã mướn một thầy giáo gốc Đại Hàn tên là Michelle Rhee làm Giám Đốc Học Vụ cho cả quận hạt Columbia, vùng thủ đô.
Tướng người nhỏ nhắn, trẻ trung, tươi cười, hiền lành, nhưng bà Rhee mau chóng trở thành một thứ “sát thủ”. Bà sa thải hàng loạt giáo chức bà cho là không xứng đáng, tăng lương hàng loạt các giáo chức khác bà cho là nhiều khả năng. Nói cách khác, bà không cần biết ảnh hưởng của nghiệp đoàn, thẳng tay cải tổ hệ thống giáo dục tại thủ đô, có thưởng có phạt theo khả năng rõ ràng. Chuyện mà tất cả các chính trị gia đều hứa mà không dám làm. Bà Rhee không là chính trị gia nên không cần phiếu của nghiệp đoàn.
Hành động quyết liệt của bà đã mang lại thành quả rõ rệt khi những thăm dò mới nhất cho thấy trình độ học sinh tại thủ đô có tiến triển.
Phe Cộng Hòa dĩ nhiên hoan nghênh nhiệt liệt. Phe Dân Chủ dè đặt hơn vì vẫn sợ mất phiếu ghiệp đoàn giáo chức, nhưng cũng không dám chống đối công khai vì những thành quả có thật của bà Rhee.
Điều làm cho phe cấp tiến thiên tả khó chịu là bà Rhee không phải là thành phần bảo thủ Cộng Hòa. Bà ủng hộ ứng viên tổng thống Obama! Mặc dù bà thẳng tay đối phó với các nghiệp đoàn và ủng hộ việc bắt giáo chức phải có thành quả cụ thể cũng như ủng hộ các trường hiến ước, bà cũng chống đối mạnh mẽ việc cấp phiếu học phí.
TT Obama có ý ủng hộ bà Rhee, nhưng mặt khác vẫn phải vuốt ve các nghiệp đoàn.
*
Thí dụ thứ hai là thành phố Detroit.
Trong kế hoạch kích động kinh tế, TT Obama dành cho các trường học ngân sách khổng lồ hơn một trăm tỷ để các trường có tiền sửa chữa tu bổ, và nhất là trả lương cho giáo chức để họ khỏi “đào ngũ” qua hệ thống trường tư và các trường hiến ước. Dĩ nhiên càng nhiều giáo chức đào ngũ thì các nghiệp đoàn sẽ càng suy yếu.
Trong chương trình kích động thì thành phố Detroit - với kết quả bết bát nhất trên toàn quốc và tỷ lệ nổi bật là chỉ một phần tư (24%) học sinh tốt nghiệp được trung học - được cấp cho 530 triệu đô, và được toàn quyền sử dụng tùy hỷ. Tung ra hơn nửa tỷ mà chẳng ai rõ sẽ được chi tiêu thế nào, giúp được gì trong việc cải tiến trình độ học sinh, hay kích động gì kinh tế! Ngược lại, giải pháp của bà Rhee chẳng tốn xu nào mà mang lại kết quả cụ thể trông thấy.
Cũng như trong bao vấn đề khác, giải pháp của TT Obama là tung cả trăm tỷ tiền thuế của dân ra để giải quyết. Một trăm tỷ này chắc chắn là chẳng liên hệ xa gần gì đến kích động kinh tế. Nhưng có cải tiến được hệ thống giáo dục của Mỹ hay không thì chúng ta hãy chờ. Và hãy xem phản ứng của các nghiệp đoàn giáo chức, nếu như mình thực sự  quan tâm đến chuyện học hành của con em (12-4-09).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.