Hôm nay,  

Thế Giới Và Tt Obama

23/12/200800:00:00(Xem: 8662)

Thế Giới Và TT Obama

Vũ Linh
...mà ông ấy bây giờ được cả thế giới mê luôn...
Lời mở đầu: Kẻ viết bài này có dịp đi công tác tại một xứ Phi Châu, và trên đường đi cũng đã ghé Âu Châu họp hành. Giáng Sinh là dịp vui, Merry Christmas! Do vậy, bài này kể vài mẫu chuyện vui đã ghi nhận được trong chuyến đi, làm quà Giáng Sinh cho Tổng Thống Tân Cử Barack Obama.
***
Lên phi cơ vào một buổi tối Thứ Bẩy, tôi đến Brussels vào lúc mờ sáng Chủ Nhật, hôm sau.
Brussels là thủ đô của Vương Quốc Bỉ, cũng là thủ đô bán chính thức của Liên Hiệp Âu Châu, nơi lập trụ sở của các cơ quan đầu não chính trị, quân sự, và kinh tế của Liên Hiệp Âu Châu.
Vương Quốc Bỉ cũng là nơi cư trú của khá nhiều dân Việt tỵ nạn. Phần lớn là các sinh viên du học trước 75 bị kẹt lại luôn. Nhưng cũng có một số dân tỵ nạn được Bỉ đón nhận sau năm đó. Bỉ cũng là nơi phát ra giọng ca nổi tiếng của cô Quỳnh Anh trong bài hát thật hay nhưng cũng thật buồn “Bonjour Việt Nam”. Một cô gái Việt Nam ở ngoại quốc hát lên câu “… et j’irais là bas…” - và tôi sẽ đi đến nơi đó! Như thể đang nói về một ước mơ đi đến một phương trời xa lạ nào đó. Chứ không phải là đang nói về đất nước của mình.
Trở lại thực tế.
Sau hơn một giờ xếp hàng lấy chiếu khán vì phi cơ có cả mấy trăm hành khách, tôi ra ngoài phi trường, kiếm taxi về khách sạn. Một dãy dài chừng hơn chục chiếc đã chờ sẵn. Toàn là Mẹc-xe-đì cáu cạnh.
Đối với dân An Nam ta, Mẹc-xe-đì là biểu tượng của sự thành công. Bác sĩ mà không đi “con Mẹc’ là bác sĩ không mát tay, không có con bệnh nào đến khám. Luật sư mà không có “con Mẹc” là luật sư cà lăm không biết cãi cọ.
Bên Âu Châu, nhất là bên Đức dĩ nhiên, con Mẹc lại chỉ là xe lấy làm taxi. Dân xộp thì phải đi “Bi-Mờ” -BMW. Bây giờ, tôi thấy dân Bỉ cũng lấy con Mẹc làm taxi luôn.
Vừa ra đến cái xe đầu hàng thì anh tài đã nhanh nhẹn nhẩy xuống lấy hành lý, mở cửa xe.
Tôi vừa nói xong địa chỉ thì anh này đã mau mắn bấm nút lách tách vào cái máy chỉ dẫn đường -GPS-, liếc qua một cái là tống ga dọt liền.
Sáu giờ sáng chủ nhật, trời lạnh căm căm, mưa tuyết lã chã, đường vắng như chùa Bà Đanh. Anh tài của tôi lái bạt mạng như đang đua xe. Có lẽ anh chạy chuyến chót trước khi về nhà chui vào trong chăn cho ấm. Kim tốc độ chỉ 80 km một giờ, chưa tới 60 miles. Ở Mỹ này, chạy phoong phoong trên xa lộ với 60 miles thì chắc sẽ bị phạt vì chạy chậm. Nhưng trong đường phố nhỏ xíu, ngoằn nghoèo của Âu Châu dưới cơn mưa tuyết trắng xóa thì quả là kinh người. Nhất là lòng đường không kẻ vạch cho từng lằn xe chạy như mình đã quá quen tại Mỹ.
Tôi chẳng dám nhìn phong cảnh mà chỉ lo nhìn kim tốc độ.
Anh tài là một thanh niên trẻ, đầu cạo trọc lóc bóng loáng. Nhưng trên mặt thì có hàm râu quai nón rậm rạp tuy không dài. Nếu không phải là người Trung Đông thì cũng là dân Bắc Phi, mà đồng bào ta bên Tây gọi là “rệp”.
Âu Châu có rất nhiều dân Trung Đông - nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq - và dân Bắc Phi gồm có Algérie, Maroc và đôi khi Tunisia - qua sinh cư lập nghiệp, có khi hợp pháp, có khi ở lậu. Cũng không khác gì tình trạng dân Mễ ở Mỹ.
Anh tài này làm gì cũng mau mắn, lái nhanh mà nói cũng nhiều. Xe chạy chưa được hai thước là đã bắt chuyện hỏi ngay
- Bonjour ông. Tôi tên là Francois. Ông từ đâu đến vậy" Từ Hồng Kông hả"
- Không, tôi từ Mỹ qua.
- Thế hả" Chúc mừng! Chúc mừng!
- Chúc mừng gì"
- Ơ hay, nước Mỹ vừa bầu được một tổng thống giỏi nhất lịch sử mà"
Tôi nghĩ ngay: “Lộn rồi, anh bạn ơi. Tôi không phải là đệ tử của Đấng Tiên Tri đâu.” Nhưng không dám nói gì. Trời lạnh như thế này mà bị anh ngưng xe, mời xuống đường thì cũng "bức xúc" lắm. Thôi thà chấp nhận Đấng Tiên Tri cho chắc ăn. Nhưng cũng cố cài thêm một câu.
- Giỏi chỗ nào" Ông tổng thống đó chưa làm tổng thống, đến hơn một tháng nữa mới lên chức mà"
- Không giỏi sao được" Ông Obama đã được cả nước Mỹ phục lăn, bầu làm tổng thống, không phải có dân da đen không mà hết cả dân da trắng, da vàng như ông cũng bầu luôn.
Lạ thật!
Hình như chỉ có đâu 60% dân Mỹ đi bầu, trong đó, ông Obama được 52% phiếu, ông McCain được 47%. Tính trên tổng số cả nước Mỹ thì thật ra, ông Obama được khoảng 31% dân Mỹ ủng hộ, trong đó có khoảng 12% là dân da đen và 19% da trắng, ông McCain thua khít nút với 29%, hầu hết là dân da trắng, trong khi 40% còn lại bất cần đi bầu, ai làm tổng thống cũng vậy.
Nhìn cách khác, với 10 người da đen thì ông Obama thu được đủ 10 phiếu, và trong 10 người da trắng thì có 2 người bầu cho ông. Làm gì có chuyện “cả nước, da đen, da trắng, da vàng…” đâu. Nhưng thôi, cãi kiểu này mất công lấy giấy bút và máy tính ra, mệt lắm.
Anh tài nói tiếp luôn.
- Mà ông ấy bây giờ được cả thế giới mê luôn. Nước Mỹ lần đầu tiên từ sau ngày Mỹ đánh bại Hitler bây giờ mới được cả thế giới “loves”.
Điều này thì khó cãi thật. Chỉ không biết tuần trăng mật này sẽ kéo dài bao lâu thôi. Sẵn trớn, anh bạn tài này đi tiếp luôn.
- I love him!
- Tại sao vậy" Ông ấy có gì mà anh mê vậy"
- Ơ, ông ấy là Hồi giáo giống tôi!
Chết chưa" Thời tranh cử bên Mỹ, anh nào hó hé mở miệng nói Obama là Hồi Giáo là bị đòn tập thể đến chết, chỉ nhắc đến tên đệm là Hussein cũng còn lãnh tội hàm ý kỳ thị! Kể cả ông McCain cũng xúm vào đánh hội đồng về tội chơi bẩn chứ đừng nói ai khác. Vậy mà anh này chẳng e ngại tý nào. Đội cái nón Hồi Giáo to tướng lên đầu ông Obama ngay.
Tôi cũng phải lên tiếng bênh Obama cho đúng cách.
- Sao anh nói ông Obama là Hồi Giáo" Ông ấy đi nhà thờ Tin Lành gì đó từ hơn hai chục năm rồi mà.
- OK, nhưng mà trước đó, từ lúc sanh ra ông ấy là Hồi Giáo. Cả hai ông bố của ông ấy đều là Hồi Giáo, hồi nhỏ ông ấy đi học trường Hồi Giáo. Nhất là tên ông ấy lại là Hussein nữa. Ông có biết Hussein là ai không" Hussein là cháu ngoại của Tiên Tri Mohammed, người sáng lập ra đạo Hồi. Ông Hussein là Giáo Chủ (Imam) đời thứ ba của Hồi Giáo. Không phải Hồi Giáo sao lấy tên đó được" Sau này lớn lên ông Obama bỏ đạo Hồi, chứ gốc ông ấy là Hồi mà. (Ghi chú của người viết: đạo Hồi chỉ có một Tiên Tri -Prophet- duy nhất là Mohammed, sau đó chỉ có Giáo Chủ -Imam- trước khi phân hóa thành hai khối Shiites và Sunnis, và thêm ra khá nhiều Imams.)
- Tên Hussein thì sao" Anh là Hồi mà lại tên Francois, là một tên Công Giáo mà"
- Ôi, tôi lấy tên đó cho dễ gọi thôi, chứ tên thật của tôi, ở đây họ nói không được.
- Vậy chứ anh là Hồi Giáo thì bắt buộc là phải mê người Hồi Giáo khác sao"
- Không, không phải vậy đâu. Chuyện quan trọng là bây giờ thế giới sẽ có hòa bình đến nơi rồi. Ông Obama sẽ rút quân Mỹ ra khỏi Iraq, Afghanistan, không đánh nhau với ai hết, bắt tay với Iran, thân thiện với cả thế giới, nhất là với dân Hồi Giáo. Cái tên điên Osama Bin Laden sẽ hết lý do đánh Mỹ, và thế giới hết khủng bố.
Tôi tự nhủ: “Dễ vậy sao" Bộ dân Âu Châu nghĩ như vậy hết sao"” Nhưng không cãi nữa. Anh tài xế taxi biết gì về chính trị quốc tế rắc rối. Hơi đâu mà cãi. Thôi khen một tiếng cho anh ta vui ngày Chúa Nhật.
- Như vậy thì tôi phải là người chúc mừng anh, vì anh đã mê đúng người rồi.
***
Sáng hôm sau, tôi đi lại trụ sở của một tổ chức lớn của Liên Hiệp Âu Châu để họp bàn về công tác. Nhận lệnh thì đúng hơn. Một bà viên chức của cơ quan ra đón, và đưa tôi vào văn phòng nói chuyện sơ trước khi vào phòng họp, vì còn sớm chưa đến giờ họp.
Qua loa chào hỏi, giới thiệu xong thì bà cũng đẩy đưa câu chuyện sang khí hậu, thời tiết… Cho có chuyện nói. Rồi bà xoay qua chuyện… chính trị.
- Bây giờ thì ông Obama đã đắc cử tổng thống rồi. Có phải đúng là tuyệt vời không" Isn’t it wonderful"
Ơ hay, bà này đâu có phải là dân “rệp” hay Hồi Giáo đâu. Rõ ràng là bà đầm trắng, tóc vàng mà. Mà cũng đâu phải là tài xế taxi đâu" Bà này làm việc trong cái cơ quan lớn như thế này thì ít ra cũng lận lưng được hai ba cái bằng tiến sĩ, thạc sĩ là ít. Đâu có phải dân lơ mơ đâu, mà sao lại hồ đồ như vậy" Tôi hỏi thử.
- Chuyện này đáng ngạc nhiên thì đúng, nhưng có gì mà tuyệt vời dữ vậy" Ông ấy chưa làm được gì hết mà.
- Không tuyệt vời sao được" Từ ngày Tổng Thống Kennedy bị giết, bây giờ nước Mỹ mới thực sự có được một người lãnh đạo có viễn kiến, có lòng nhân ái, không kiêu căng hiếu chiến như Bush hay Nixon, không lem nhem như Clinton. Đã vậy, lại còn đẹp trai, sexy nữa.
Tôi nghĩ lại bà này vừa chê Clinton lem nhem, rồi lại khen ngay Obama là sexy, thế là nghĩa lý gì" Hình như bà đầm này không thấy có gì mâu thuẫn cả. Nhịn anh tài xế chứ làm sao nghe bà này nói vậy được, tôi hạch lại.
- Bà cũng biết rồi đấy, thế giới đang trải qua một cơn khủng hoảng kinh tế tài chánh khổng lồ, chắc chắn sẽ kéo dài qua năm tới. Ông Obama này lấy kinh nghiệm đâu ra để đối phó"


- Ôi, mấy chuyện này là chuyện của mấy người mình, chuyên gia quèn như ông với tôi, chứ mấy ông lớn, nhất là tổng thống nữa, họ đâu có cần biết những chi tiết vụn vặt này. Ông tổng thống chỉ cần định ra hướng đi rồi mình làm sao thì làm, miễn đúng hướng ông chỉ là được rồi. Mà muốn biết chỉ đường đi thì phải có viễn kiến. Obama là người đầy viễn kiến, nhìn thấy tương lai mấy chục năm nữa. Đâu có tối tăm như Bush, mở mắt nhìn đâu cũng chỉ thấy khủng bố muốn đánh thôi. Mà đánh cũng không xong.
Dân Âu Châu, ít kiếm được người khen Bush. Bà này nói hai câu là đều kể tội Bush trong cả hai. Hiển nhiên là đối với bà, bánh vẽ Obama sexy và ngon hơn thuốc đắng Bush nhiều. Bà chỉ không để ý đến chuyện nhờ thuốc đắng của Bush mà nước Mỹ mấy năm nay không bị bạo bệnh “khủng bố” chết người nữa.
Đến giờ họp, câu chuyện chấm dứt ngang. Tôi không có dịp cãi nữa.
***
Về khách sạn, chuẩn bị hành lý, hồ sơ, sáng hôm sau, tôi khăn gói ra phi trường đi Phi Châu.
Cái xứ Phi Châu tôi tới công tác là một nước khá lớn. Trước đây đã có dịp thử món ăn “cộng sản”. Nhưng bị kiết lỵ nặng. Đổi qua món ăn nhẹ hơn, “xã hội chủ nghĩa”. Nhưng cũng không khá hơn, vẫn đau cứng bụng. Bây giờ thì đã trở thành một trong mấy “đồng minh quan trọng” của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Đổi lại mỗi năm được Bác Sam tặng ít triệu để tái thiết đất nước sau hai cơn cuồng phong cộng sản và xã hội chủ nghĩa. Món ăn của Bác Sam không đau bụng mà lại bổ béo hơn nhiều.
Đáp xuống phi trường thì cũng không khác gì phi trường Brussels. Đứng xếp hàng hơn một tiếng đồng hồ chờ chiếu khán. Xong rồi đi ra quày hành lý, tiếp tục chờ cả tiếng để lấy va-li. Cho dù tàu bay chỉ có vài chục hành khách.
Thời giờ bên Phi Châu rất dư giả, không có ai gấp gáp làm gì cho tốn sức lao động.
Trong khi chờ đợi thì tôi đảo mắt qua mấy cửa tiệm bán sách báo và hàng miễn thuế. Bên mấy xứ Phi, có tục lệ cho phép du khách tới phi trường có thể mua hàng miễn thuế mang vào trong nước xài. Toàn là “hàng ngoại” khó kiếm trong nước. Tuy miễn thuế quan, nhưng không rẻ chút nào. Không rõ là tại tính cước phí chuyên chở từ Âu Châu hay Mỹ qua. Hay là tính phí “đầu tiên” cho các chức sắc hải quan, giống như phong tục mới của nước ta.
Tôi ghé vào quày báo tìm mua báo Mỹ đọc cho biết tin tức. Nhưng nhìn lên quày báo thì… ôi thôi, có khoảng ba chục tờ, vừa báo, vừa tạp chí, đủ loại, nhưng toàn là tiếng địa phương. Những cái tựa ngoằn nghoèo, chẳng hiểu là gì. Nhưng cũng dễ đoán được.
Trong ba chục tờ báo thì đã có tới gần hai chục tờ đưa hình… Obama  to tướng lên trang đầu hay trang bìa. Không biết đọc thì cũng phải biết nhìn hình.
Nhìn kỹ lại, cũng thấy được một tờ báo địa phương bằng Anh ngữ. Cũng vẫn cái hình ông Obama chình ình, bên trên câu tựa “African as US President”. Đối với dân Phi Châu, ông Obama không phải là Mỹ mà cũng chẳng phải là lai nữa. Ông là dân Phi Châu chính hiệu con nai… đen.
Xứ Kenya, là xứ bên nội của ông, sau khi nghe tin Obama đắc cử, các báo chạy tít khổng lồ “Kenyan Elected US President” - Người Kenya được bầu làm tổng thống Mỹ. TT Kenya ban lệnh cả nước nghỉ lễ một ngày ăn mừng. Mai này Kenya có tổ chức trưng cầu dân ý để gia nhập làm tiểu bang thứ 51 của Đại Cường Cờ Hoa thì cũng chẳng có gì lạ.
Dân trong làng của ông mở tiệc, giết hai con bò ăn mừng cùng với bà nội của ông, vẫn còn sống và mạnh khỏe. Không rõ là người em cùng cha khác mẹ rất đói rách của Obama có được tham dự hay vẫn còn tha phương cầu thực ở nơi khác. Ngôi làng này rất nghèo, kiếm được một con bò đã khó, bây giờ giết tới hai bò thì phải là cơ hội ngàn vàng.
Nghĩ cho cùng, ông Obama đắc cử tổng thống quả là chuyện đi vào lịch sử, đâu phải mỗi ngày mỗi có. Chẳng phải trong làng ông không mà cũng là đặc biệt đối với cả nước Mỹ và cả thế giới luôn.
Từ phi trường, lên taxi đi về khách sạn. Xe cũ mèm, chạy ì ạch, không giống như taxi con Mẹc bên Bỉ. Tôi yên tâm nhìn phong cảnh hai bên đường.
Thật là lạ, tôi đang ở Phi Châu, mà có cảm tưởng như đang đi qua một khu phố mà dân An Nam ta gọi nôm na là khu Mỹ đen.
Chung quanh, toàn là dân da đen qua lại. Dọc hai bên đường, nơi các gốc cây hay trên những bức tường đổ nát của mấy căn nhà cũ kỹ, lác đác thỉnh thoảng lại thấy vài cái bích chương to tướng “Yes, We Can” và huy hiệu vòng tròn xanh với ba cái cầu vòng đỏ như mặt trời ló rạng trên mặt sóng xanh duong. Tới ngã tư, ngưng đèn đỏ, nhìn trước mặt thì thấy cái kính sau của một chiếc xe buýt cũ tả tơi, bụi đất đóng lớp. Trên kính có bức hình lớn của ông Obama, đang toét miệng cười.
Không hiểu mấy cái này ở đâu ra" Chẳng lẽ ông Obama nhiều tiền quá nên mở văn phòng vận động tranh cử ở đây" Ai được đi bầu cho ông"
Về đến khách sạn Sheraton, là khách sạn của dân Âu Mỹ dĩ nhiên. Vừa vào cửa đã thấy bên trái là một tiệm bán sách báo, toàn tiếng Anh. Mừng quá. Nhìn vào kính cửa tiệm thì ôi thôi, ít ra là nửa tá sách về Obama. Không phải báo hay tạp chí mà là sách. Có hai quyển do chính ông Obama viết dĩ nhiên. Nhưng cũng có vài quyển sách khác của mấy tác giả nào đó viết về Obama.
Sao mà mấy ông này viết sách nhanh thế nhỉ. Quyển nào quyển nấy dầy cui, cũng trên dưới hai ba trăm trang chứ không ít. Tò mò, tôi mở thử một quyển xem sao. Hóa ra trang nào trang nấy chỉ có được vài dòng vì nhà in dùng khổ chữ đại bàng cho sách có vẻ dầy. Viết gấp mà được ngần đó trang là giỏi rồi. Thời cơ đã đến, được đồng nào hay đồng nấy. Obama đang là món hàng hốt bạc nóng hổi mà.
Rồi cả lô ấn bản đặc biệt của Time và Newsweek về ông Obama. Chắc chưa bao giờ hai tạp chí này bán chạy như bây giờ tại Phi Châu. Vào trong tiệm thì đầy rẫy áo thung “Yes, We Can”.
Tìm đỏ con mắt, không thấy một quyển sách hay một cái hình nào của “Người Hùng” McCain!
Hơi thất vọng, tôi đi qua quày ghi danh lấy phòng, tính đi ngủ cho xong. Quầy có ba cô nhân viên. Một cô đang hý hoáy đánh máy computer gì đó. Còn hai cô chưa có khách nên rảnh rỗi ngồi nói chuyện chơi khi tôi đến. Cả hai cô đều có computer trước mặt. Không làm việc nên cả hai máy computer đều có cái hình kiểu “screen saver” trên màn ảnh, và ôi thôi, trên cả hai cái màn ảnh đó đều là hình của… Obama đang cười toe toét.
Chẳng biết là còn khách sạn nào khác để tôi dọn đi hay không.
***
Nghĩ cho cùng, ông Obama này quả là một hiện tượng lịch sử. Cho dù không ưa ông hay không đồng ý với quan điểm, lập trường di động của ông, người ta cũng phải nhìn nhận ông đã tạo ra được một thứ cuồng phong, chẳng phải ở Mỹ không, mà trên khắp thế giới. Một phong trào quần chúng sùng bái ông một cách hiếm thấy và lạ lùng.
Chẳng những vậy không, việc cái ông “sexy” Obama đắc cử tổng thống đã gây “hứng khởi” đặc biệt trong giới trẻ, đến độ người ta có thể sẽ chứng kiến một “cơn sốt tình cảm” đưa đến tình trạng bộc phát tí nhau (“baby boom”) mạnh mẽ khoảng chín, mười tháng nữa! Cũng đã có hiện tượng nhiều người “hăng hái” đến độ vừa “lao động tình cảm” vừa la “Ôi Ba Má ơi!”
Theo đúng chức năng của người viết lách có cơ sở, xin minh xác ngay rằng tôi không phịa ra ra chuyện này để bôi bác TT Obama đâu. Đó là tin của tuần báo Newsweek số ra ngày tám tháng 12 năm 2008. Có ghi rõ cả tên tuổi cặp uyên ương đang hét tên của tổng thống tân cử Mỹ. Nhà báo Mỹ có khác, tìm ra người và ghi đúng thời điểm hưng phấn hứng khởi này! Tài thật!
Chỉ có kẻ viết bài này ù ù cạc cạc vẫn chưa chịu nhập đạo.
Thế giới chỉ biết có Obama và con người Obama thôi. Bây giờ có hỏi anh tài xế taxi Hồi Giáo ở Bỉ ông Obama tranh cử chống lại ai thì bảo đảm mặt anh sẽ nghệt ra thôi. Còn hỏi về chính sách hay lập trường của Obama thì cả cái bà đầm tiến sĩ gì đó cũng mù tịt. Dân Mỹ đi bầu cho Obama còn mù tịt, nói chi đến mấy ông bà Âu Châu hay Phi Châu.
Những ngày sau biến cố 9/11, cả nước Mỹ và cả thế giới tung hô TT Bush. Thăm dò dư luận cho thấy khoảng 90% dân Mỹ ủng hộ ông. Hơn xa ông Obama chỉ mới được có hơn 30% dân bầu. Cả thế giới cũng chào đón, hoan nghênh ông.
Nhưng chỉ vài năm sau, đầu năm 2009, cũng chính ông Bush này lại đi vào lịch sử như là một trong những tổng thống bị chống đối mạnh mẽ nhất trong lịch sử Mỹ, nếu không muốn nói là người bị thế giới ghét nhất. Ông Bush có được cảm tình rất lớn của người dân Phi Châu hơn hẳn người dân từ các lục địa khác vì tích cực viện trợ về xã hội và y tế cho khu vực này. Nhưng, với sự xuất hiện và đắc cử của Obama, tình cảm của dân Phi Châu da đen cho Bush cũng đảo chiều.
Và người hùng giải phóng Iraq khi qua Iraq lại bị một ký giả ném giầy vào người, tạo ra một tin lớn cho toàn cầu trong suốt một tuần. Ít ai tự hỏi xem thời Saddam Hussein, có dân Iraq nào dám đến gần và tháo giày hay không!
Nhân dịp mùa Giáng Sinh sắp tới, kẻ viết này xin kính chúc Tổng Thống tân cử Obama một mùa Giáng Sinh vui vẻ, và vui vẻ lâu dài tháng này qua năm nọ mà không bị ai ghét hết. Cũng xin chúc tất cả những ai ủng hộ TT Obama tiếp tục hứng khởi dzài dzài. Dân số trên thế giới có tăng vọt trong những năm tới cũng không sao. TT Obama sẽ có phép giải quyết mọi chuyện (21-12-08).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.