Câu chuyện chiếc giày của ký giả Muntadhar al-Zeidi
Trần Bình Nam
Ngày 15/12/2008 tổng thống Bush đến Iraq thăm binh sĩ trước khi rời chức vụ dự trù vào ngày 20/1/2009 sắp tới.
Trong cuộc họp báo cùng với thủ tướng Nouri al-Maliki tại Baghdad, một ký giả người Iraq, ông Muntadhar al-Zeidi 28 tuổi nhân viên của hãng truyền hình Iraq Al-Baghdadia đặt cơ sở tại Cairo đã cởi giày ném vào tổng thống Bush đang ngồi chủ tọa cuộc họp báo trước ông chừng 4 mét.
Vừa ném chiếc giày ông vừa la lớn bằng tiếng A Rập: “Chiếc này là quà tiễn biệt của nhân dân Iraq cho ông…” (1). Chiếc thứ hai ông hét: “Chiếc này là quà tặng của cô nhi quả phụ và những ai đã chết tại Iraq” (2). Thủ tướng Maliki đưa tay chận bắt chiếc thứ hai, nhưng chiếc giày vuột khỏi tay ông. Tổng thống Bush đã hụp mình né tránh kịp cả hai chiếc giày. Tổng thống không hề hấn gì và ông tỏ ra rất bình tỉnh.
Một nhân viên bảo vệ (3) chạy vội đến định lấy thân bao che cho tổng thống đã làm bắn tung một trụ máy vi âm văng trúng mặt phát ngôn nhân Dana Perino làm cô bị bầm mí mắt bên phải.
Nhân viên an ninh Mỹ và Iraq và một phóng viên ngồi cạnh ký giả al-Zeidi đã kịp kềm chế ông ta và dẫn ra khỏi phòng. Buổi họp báo tiếp diễn. Sau đó tổng thống Bush tiếp tục bay đến căn cứ Không quân Bagram tại Afghanistan để thăm viếng binh sĩ theo chương trình đã định.
Sự việc xẩy ra khá bất ngờ tạo ra sự lúng túng cho chính phủ Iraq và Cơ quan bảo vệ yếu nhân của Hoa Kỳ. Không ai trong thế giới văn minh ủng hộ hành động “thiếu văn hóa” của ký giả al-Zeidi. Nhưng trong khi dư luận báo chí Tây phương bất mãn với ký giả Muntadhar al- Zeidi thì dư luận tại các nước A Rập phản ánh nhiều mặt khác nhau.
Nghiệp đoàn báo chí Iraq miêu tả hành động của ký giả al-Zeidi là một hành động “kỳ dị và không phù hợp với nghề nghiệp” nhưng vẫn kêu gọi thủ tướng Maliki nên có thái độ khoan dung đối với ký giả al-Zeidi. Theo tiết lộ của thẩm phán Dhiya al-Kenaniin ký giả al-Zeidi đã viết thư gởi thủ tướng Maliki nhận hành động của mình là “xấu xa” và xin khoan hồng (4).
Tại Saudi Arabia, một nhà triệu phú sẳn sàng bỏ ra 10 triệu mỹ kim để mua một trong hai chiếc giày. Con gái nhà độc tài Moanmar Gadhafi (Lybia) hiện là giám đốc một cơ sở từ thiện nói bà muốn tặng một huy chương can đảm cho ký giả al-Zeidi.
Ngày 16/12/08 tại Mosul, thành phố lớn thứ ba của Iraq ít nhất có 1000 người xuống đường đòi trả tự do cho al-Zeidi. Tại thủ đô Baghdad, cũng như tại nhiều thành phố khác trong toàn quốc như Nasiriyah, Fallujak, Najaf cũng có những cuộc biểu tình tương tự. Tại Najaf dân chúng bắt chước al-Zeidi ném giày vào một đoàn xe quân sự của Hoa Kỳ.
Tại Afghanistan đạo diễn Hanif Hamgaam của chương trình truyền hình trào phúng Zang-i-Khatar (có nghĩa là Alert Bell – tiếng chuông báo động) rất được dân chúng Afghanistan ưa thích đã biến chế đoạn phim tổng thống Bush hụp tránh chiếc giày của ký giả al-Zeidi thành một màn khôi hài trên màn ảnh nhỏ.
Chính phủ Maliki đã vội vàng ra thông cáo tố cáo hành vi tội phạm của ký giả al-Zeidi và yều cầu hãng truyền hình Baghdadia xin lỗi.
Ký giả al-Zeidi hiện bị cơ quan giam giữ để điều tra. Theo một bản tin của AP, cơ quan bảo vệ thủ tướng Maliki đã chuyển giao ký giả al-Zeidi cho An ninh quân đội Iraq.Theo luật Iraq tội làm nhục một nhà lãnh đạo nước ngoài có thể bị phạt vi cảnh hay bị tù từ 2 đến 7 năm tùy lỗi nặng nhẹ.
Theo tin đài BBC (5) và tờ báo The Daily Telegraph xuất bản tại Luân Đôn (6) al-Zeidi bị gãy một tay và mấy chiếc xương sườn, và đang được điều trị tại bệnh viện Sina của quân đội Hoa Kỳ trong Đặc Khu Xanh (Green Zone) ở Baghdad. Hôm Thứ Ba 17/12 al-Zeidi bị truy tố khiếm diện trước tòa án Iraq. Gia đình al-Zeidi nói nhà chức trách không đưa ông ra trước tòa vì thương tích (gãy tay và gãy xương sườn) là kết quả của tra tấn. Cũng có tin cho rằng thương tích xẩy ra khi nhân viên an ninh (Iraq & Secret Service của Hoa Kỳ) khống chế al-Zeidi và áp tải ra khỏi phòng họp báo.
Phát ngôn nhân Eric Zahren của Cơ quan bảo vệ yếu nhân Hoa Kỳ trả lời thắc mắc của dư luận, nói rằng cơ quan này đã hành xử nhiệm vụ bảo vệ một cách tự chế và thích đáng. Ông cho biết các ký giả vào phòng họp báo đều phải đi qua máy dò vũ khí và nhân viên an ninh rà soát bằng tay một lượt nữa. Trong 8 năm qua Cơ quan bảo vệ yếu nhân Hoa Kỳ đã tăng cường gắt gao biện pháp bảo vệ tổng thống Bush (nhất là sau vụ khủng bố 911), và chuyến đi thăm Iraq lần này của tổng thống cũng như những lần trước đều được giữ kín cho đến khi máy bay tổng thống đáp xuống Iraq.
Vụ ném giày gây sôi nổi trong dư luận tại Trung đông, làm bừng lên một không khí chống Bush nhất là trên các mạng internet cũng như sự bất bình đối với ký giả al-Zeidi mà một số người Hồi giáo cho là hành động không phù hợp với truyền thống hiếu khách của người A Rập. Ông Qutaiba Rajaa, một bác sĩ hành nghề tại Samarra, một thị trấn ở phía bắc Baghdad nói rằng: “Mặc dù hành động của ông al-Zeidi thiếu văn hóa nhưng nó nói lên được tinh thần chống sự chiếm đóng Iraq của người Mỹ”. Một giáo viên khác, ông Yaareb Yousif, dạy học ở bắc Iraq bày tỏ sự thích thú của mình trước hành động của ông al Zeidi khi ông nói: “Tôi thề trước trời đất rằng tôi biết bất cứ người Iraq thuộc chủng tộc hay tôn giáo nào cũng cảm thấy khoái trá trước hành động này.” (7)