Hôm nay,  

Câu Chuyện Chiếc Giày Của Ký Giả Muntadhar Al-zeidi

22/12/200800:00:00(Xem: 8790)

Câu chuyện chiếc giày của ký giả Muntadhar al-Zeidi

Trần Bình Nam
Ngày 15/12/2008 tổng thống Bush đến Iraq thăm binh sĩ trước khi rời chức vụ dự trù vào ngày 20/1/2009 sắp tới.
Trong cuộc họp báo cùng với thủ tướng Nouri al-Maliki tại Baghdad, một ký giả người Iraq, ông Muntadhar al-Zeidi 28 tuổi nhân viên của hãng truyền hình Iraq Al-Baghdadia đặt cơ sở tại Cairo đã cởi giày ném vào tổng thống Bush đang ngồi chủ tọa cuộc họp báo trước ông chừng 4 mét.
Vừa ném chiếc giày ông vừa la lớn bằng tiếng A Rập: “Chiếc này là quà tiễn biệt của nhân dân Iraq cho ông…” (1). Chiếc thứ hai ông hét: “Chiếc này là quà tặng của cô nhi quả phụ và những ai đã chết tại Iraq” (2). Thủ tướng Maliki đưa tay chận bắt chiếc thứ hai, nhưng chiếc giày vuột khỏi tay ông. Tổng thống Bush đã hụp mình né tránh kịp cả hai chiếc giày. Tổng thống không hề hấn gì và ông tỏ ra rất bình tỉnh.
Một nhân viên bảo vệ (3) chạy vội đến định lấy thân bao che cho tổng thống đã làm bắn tung một trụ máy vi âm văng trúng mặt phát ngôn nhân Dana Perino làm cô bị bầm mí mắt bên phải.
Nhân viên an ninh Mỹ và Iraq và một phóng viên ngồi cạnh ký giả al-Zeidi đã kịp kềm chế ông ta và dẫn ra khỏi phòng. Buổi họp báo tiếp diễn. Sau đó tổng thống Bush tiếp tục bay đến căn cứ Không quân Bagram tại Afghanistan để thăm viếng binh sĩ theo chương trình đã định.
Sự việc xẩy ra khá bất ngờ tạo ra sự lúng túng cho chính phủ Iraq và Cơ quan bảo vệ yếu nhân của Hoa Kỳ. Không ai trong thế giới văn minh ủng hộ hành động “thiếu văn hóa” của ký giả al-Zeidi. Nhưng trong khi dư luận báo chí Tây phương bất mãn với ký giả Muntadhar al- Zeidi thì dư luận tại các nước A Rập phản ánh nhiều mặt khác nhau.
Nghiệp đoàn báo chí Iraq miêu tả hành động của ký giả al-Zeidi là một hành động “kỳ dị và không phù hợp với nghề nghiệp” nhưng vẫn kêu gọi thủ tướng Maliki nên có thái độ khoan dung đối với ký giả al-Zeidi. Theo tiết lộ của thẩm phán Dhiya al-Kenaniin ký giả al-Zeidi đã viết thư gởi thủ tướng Maliki nhận hành động của mình là “xấu xa” và xin khoan hồng (4).
Tại Saudi Arabia, một nhà triệu phú sẳn sàng bỏ ra 10 triệu mỹ kim để mua một trong hai chiếc giày. Con gái nhà độc tài Moanmar Gadhafi (Lybia) hiện là giám đốc một cơ sở từ thiện nói bà muốn tặng một huy chương can đảm cho ký giả al-Zeidi.
Ngày 16/12/08 tại Mosul, thành phố lớn thứ ba của Iraq ít nhất có 1000 người xuống đường đòi trả tự do cho al-Zeidi. Tại thủ đô Baghdad, cũng như tại nhiều thành phố khác trong toàn quốc như Nasiriyah, Fallujak, Najaf cũng có những cuộc biểu tình tương tự. Tại Najaf dân chúng bắt chước al-Zeidi ném giày vào một đoàn xe quân sự của Hoa Kỳ.
Tại Afghanistan đạo diễn Hanif Hamgaam của chương trình truyền hình trào phúng Zang-i-Khatar (có nghĩa là Alert Bell – tiếng chuông báo động) rất được dân chúng Afghanistan ưa thích đã biến chế đoạn phim tổng thống Bush hụp tránh chiếc giày của ký giả al-Zeidi thành một màn khôi hài trên màn ảnh nhỏ.
Chính phủ Maliki đã vội vàng ra thông cáo tố cáo hành vi tội phạm của ký giả al-Zeidi và yều cầu hãng truyền hình Baghdadia xin lỗi.
Ký giả al-Zeidi hiện bị cơ quan giam giữ để điều tra. Theo một bản tin của AP, cơ quan bảo vệ thủ tướng Maliki đã chuyển giao ký giả al-Zeidi cho An ninh quân đội Iraq.Theo luật Iraq tội làm nhục một nhà lãnh đạo nước ngoài có thể bị phạt vi cảnh hay bị tù từ 2 đến 7 năm tùy lỗi nặng nhẹ.
Theo tin đài BBC (5) và tờ báo The Daily Telegraph xuất bản tại Luân Đôn (6) al-Zeidi bị gãy một tay và mấy chiếc xương sườn, và đang được điều trị tại bệnh viện Sina của quân đội Hoa Kỳ trong Đặc Khu Xanh (Green Zone) ở Baghdad. Hôm Thứ Ba 17/12 al-Zeidi bị truy tố khiếm diện trước tòa án Iraq. Gia đình al-Zeidi nói nhà chức trách không đưa ông ra trước tòa vì thương tích (gãy tay và gãy xương sườn) là kết quả của tra tấn. Cũng có tin cho rằng thương tích xẩy ra khi nhân viên an ninh (Iraq & Secret Service của Hoa Kỳ) khống chế al-Zeidi và áp tải ra khỏi phòng họp báo.
Phát ngôn nhân Eric Zahren của Cơ quan bảo vệ yếu nhân Hoa Kỳ trả lời thắc mắc của dư luận, nói rằng cơ quan này đã hành xử nhiệm vụ bảo vệ một cách tự chế và thích đáng. Ông cho biết các ký giả vào phòng họp báo đều phải đi qua máy dò vũ khí và nhân viên an ninh rà soát bằng tay một lượt nữa. Trong 8 năm qua Cơ quan bảo vệ yếu nhân Hoa Kỳ đã tăng cường gắt gao biện pháp bảo vệ tổng thống Bush (nhất là sau vụ khủng bố 911), và chuyến đi thăm Iraq lần này của tổng thống cũng như những lần trước đều được giữ kín cho đến khi máy bay tổng thống đáp xuống Iraq.
Vụ ném giày gây sôi nổi trong dư luận tại Trung đông, làm bừng lên một không khí chống Bush nhất là trên các mạng internet cũng như sự bất bình đối với ký giả al-Zeidi mà một số người Hồi giáo cho là hành động không phù hợp với truyền thống hiếu khách của người A Rập. Ông Qutaiba Rajaa, một bác sĩ hành nghề tại Samarra, một thị trấn ở phía bắc Baghdad nói rằng: “Mặc dù hành động của ông al-Zeidi thiếu văn hóa nhưng nó nói lên được tinh thần chống sự chiếm đóng Iraq của người Mỹ”. Một giáo viên khác, ông Yaareb Yousif, dạy học ở bắc Iraq bày tỏ sự thích thú của mình trước hành động của ông al Zeidi khi ông nói: “Tôi thề trước trời đất rằng tôi biết bất cứ người Iraq thuộc chủng tộc hay tôn giáo nào cũng cảm thấy khoái trá trước hành động này.” (7)


Thân nhân của ký giả al-Zeidi ngạc nhiên trước hành động bất ngờ của anh và tỏ ra rất lo lắng không biết cơ quan an ninh sẽ đối xử với anh như thế nào. Gia  đình anh nói có thể đây là sự bộc phát những gì ấm ức từ lâu và những sự việc bất công chính cá nhân anh từng chịu đựng cũng như sự đe dọa bởi chết chóc dân chúng Iraq phải đối điện hằng ngày. Một thân nhân trong gia đình al-Zeidi nói với một phóng viên của hãng thông tấn AP rằng: “Ngày qua ngày những gì diễn ra tại Iraq đã làm cho al-Zeidi trở nên căm ghét Hoa Kỳ”.
Ký giả al-Zeidi, người Hồi giáo thuộc giáo phái Shite làm việc cho hãng truyền hình Al-Baghdadia từ tháng 9 năm 2005 sau khi tốt nghiệp một văn bằng về truyền thông tại đại học Baghdad. Năm 2007 ông bị du kích Hồi giáo Sunni bắt khi đang làm tin tại một vùng của người Sunni ở phía bắc Baghdad. Du kích Sunni thả ông sau 3 ngày giam giữ sau khi đài Al-Baghdadia công khai phát thanh lời yêu cầu trả tự do cho ông. Gia đình al-Zeidi nói al-Qaeda là tác giả vụ bắt này và cho biết không ai đã trả tiền chuộc như tin đồn.
Ông Dhirgham al-Zaidi, anh ruột của ký giả al-Zeidi cho biết tháng Giêng vừa qua quân cảnh Hoa Kỳ đã đến lục soát nơi al-Zeidi ở và tạm giữ ông một ngày. Quân cảnh Hoa Kỳ xin lỗi vì đã bắt nhầm .
Al-Deen, một nhân viên làm việc cho đài Al-Baghdadia cho biết al-Zeidi toan tính ít nhất một năm nay sẽ làm một cái gì đó để phản đối tổng thống Bush. Al-Deen nói: “Đó là vào cuối năm 2007, al-Zeidi nói với tôi rằng tôi sẽ phải làm một cái gì để trả thù ông Bush về những bất hạnh ông ấy mang đến cho nhân dân Iraq”.
Nếu tôn trọng tinh thần bày tỏ ý kiến khác biệt trong ôn hòa, không ai có thể ca ngợi hành động của ký giả al-Zeidi. Tuy nhiên vụ việc diễn ra trong ngày 15/12/2008 tại Baghdad không thể không làm chúng ta suy nghĩ về khác biệt trong phản ứng của người Việt Nam và người Iraq trước bất công.
Người Iraq chống sự cai trị độc tài của Saddam Hussein đã hợp tác với Hoa Kỳ để xây dựng lại quốc gia sau khi Saddam Hussein bị lật đổ nhưng họ không khoán trắng uy quyền quốc gia cho Hoa Kỳ. Năm nay (2008) khi thương thuyết với Hoa Kỳ về quy chế của quân đội Hoa Kỳ tại Iraq sau ngày 31/12/2008 (ngày hết hạn sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Iraq do Liên hiệp quốc ấn định) chính quyền của chính phủ Maliki không chịu nhượng bộ đòi hỏi của Hoa Kỳ để cho quân nhân Hoa Kỳ phục vụ tại Iraq nằm dưới sự tài phán của Hoa Kỳ khi phạm tội. Cuối cùng để có một thỏa thuận với Iraq, Hoa Kỳ phải chấp thuận quyền tài phán của Iraq đối với quân nhân (và dân chính) Hoa Kỳ nếu phạm tội, ngoại trừ trường hợp phạm tội khi thi hành công vụ có sự thỏa thuận của chính phủ Iraq.
Trong thời gian chiến tranh Việt Nam gần nửa triệu quân nhân Hoa Kỳ có mặt tại Việt Nam chính quyền miền Nam Việt Nam không hề đặt ra quyền tài phán đối với quân nhân Hoa Kỳ. Cũng vậy ở ngoài Bắc thời kỳ hàng trăm ngàn quân nhân cộng sản Trung quốc qua giúp xây dựng đường tiếp vận, chính phủ cộng sản Việt Nam cũng không hề có quyền tài phán đối với các quân nhân Trung quốc .
Thời đại kiên cường của cha ông chúng ta trong quá khứ đánh Nguyên, chống Minh, cự Thanh hình như đã bị mai một. Hôm nay những bất công đối với dân tộc càng lúc càng lộ liễu thì tính bất khuất và kiên cường của dân tộc càng vắng bóng.
Đất đai và tài nguyên của tổ tiên để lại đang bị Trung quốc tìm cách gặm nhắm, nhưng chính quyền Việt Nam đã không có một phản ứng nào được cho là thích đáng .
Còn gì lộ liễu bằng khi công ty PetroVietnam ký giao kèo với các hãng dầu BP và ExxonMobil để khai thác dầu khí trong vùng biển của mình thì Trung quốc dùng áp lực đe dọa BP và ExxonMobil phải rút lui. Trong khi đó Trung quốc ngang nhiên bỏ ra 29 tỉ mỹ kim để cho tập đoàn dầu khí quốc doanh Cnooc Ltd. (China National Offshore Corporation) hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài khác (chưa được tiết lộ) dò tìm và khai thác dầu khí cũng trong vùng tranh chấp đó tại Trường Sa mà họ nói là vùng biển của họ.
Một việc như vậy mà chính quyền Hà Nội chỉ phản ứng để gọi là có phản ứng và không thấy có một ký giả nào đủ can đảm để ít nhất “ném một cây bút chì” vào mặt một viên chức Trung quốc qua lại thủ đô Hà Nội với 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai” đầu môi chót lưỡi.
Chuyện ký giả Muntadhar al-Zeidi ném giày vào tổng thống Bush có thể chỉ là một thông tin như trăm ngàn thông tin khác trong thế giới đa sự hôm nay, nhưng cũng là chuyện “trông người mà nghĩ đến ta”.
Trần Bình Nam
Dec. 20, 2008
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com
Ghi chú:
(1) Các hãng đưa tin Tây phương dịch ra Anh ngữ: “This is a gift from the Iraqis; this is the farewell kiss …”
(2) Các hãng đưa tin dịch ra Anh ngữ: “This is from the widows, the orphans and those who were killed in Iraq!”
(3)  “Nhân viên bảo vệ” của Sở Bảo Vệ Yếu Nhân (Secret Service) thuộc bộ Tài Chánh Hoa Kỳ
(4) Bản tin Việt ngữ Thứ Sáu 19/12/2008 của đài BBC.
(5) Bản tin Việt ngữ Thứ Ba 16/12/2008 của đài BBC.
(6) The Daily Telegraph số ngày 17/12/2008
(7) Theo New York Times News Service & AP 16/12/2008

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở Việt Nam, năm 2006 ghi nhận hai sự kiện quan trọng nổi bật. Một là, Việt Nam được gia nhập WTO. Hai là, tổng thống Hoa Kỳ George Bush sang thăm Việt Nam nhân Hội nghị APEC 14
Sáng nay tiết trời Hà nội lạnh, không khí bị phủ một lớp sương mờ, không có ánh mặt trời. Ngày đầu tiên của năm 2007
Nhưng nếu không có sự đụng chạm giữa các nền văn minh, thế giới chúng ta cũng đang đối đối đầu trước một sự đụng chạm khác. Học giả Dominique Moĩsi, một cố vấn thâm niên của
Thời gian thắm thoát trôi, mới đó mà đã 22 năm kể từ ngày các Anh vĩnh viễn ra đi. Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại có rất nhiều đổi thay, nhưng các anh nào có biết! Hôm nay nhân ngày giỗ
tôi mong là từ năm nay, Hà Nội nên có chính sách văn minh hơn với người dân của mình. Đó là bình thường hóa quan hệ với người Việt Nam chứ đừng chỉ có sợ người ngoại quốc...
Gerald R. Ford, tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ, lên nắm quyền sau khi Tổng Thống Richard Nixon 
Tổng thống Ford là một người tử tế. Nhưng thiếu mưu mô... Trong một số báo đầu năm, chúng ta nên nói về chuyện tử tế. Không có gì tử tế hơn là nói về nhân vật đang được quốc táng
Căn cứ Khe Sanh nằm lọt giữa một thung lũng, các ngọn đồi bao bọc chung quanh, do đó đây không hẳn là một vị trí có thể quan sát bao quát hết các vị trí địch.
Vấn đề dự án xây Chùa Quan Âm tại Garden Grove đã trở thành một đề tài được đề cập đến
Sau tang lễ của Tổng thống Gerald Ford, Quốc hội mới của Hoa Kỳ bị quăng lên đùi một miếng thịt không ai muốn nhá. Thịt của súc vật được sản sinh theo lối sao bản vô tính hay nhân bản vô sinh
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.