Hôm nay,  

Câu Chuyện Lịch Sử: Vừa Thắng Cử, Khủng Hoảng Lớn Đã Đến

08/11/200800:00:00(Xem: 8992)
Câu chuyện lịch sử: Vừa thắng cử, khủng hoảng lớn đã đến
Nguyễn Tiến Hưng
(Nhân dịp bầu cử 2008, chúng tôi xin trích một vài đoạn trong cuốn sách
ĐỊA ĐIỂM CHIẾN LƯỢC:Khi Đồng Minh Nhảy Vào - Nguyễn Tiến Hưng)
Cuộc bầu cử 2008 nhắc lại cho chúng tôi cuộc bầu cử 48 năm về trước. Cũng hai nghị sĩ thượng viện đảng Dân chủ tranh cử để vào Tòa Bạch Ốc, cả hai đều dùng chiêu bài "CHANGE" - phải thay đổi, sau 8 năm ngự trị của đảng Cộng Hòa. Ông Kennedy 43 tuổi, ông Obama 47 tuổi. Cả hai đều bị chỉ trích là quá trẻ, không có kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về hành chính. Và trở ngại to lớn nhất là về vấn đề kỳ thị: ông Kennedy bị kỳ thị về tôn giáo còn ông Obama thì vì da mầu. Cuối cùng thì hai ông đều thắng cử.
Thế nhưng, trong ngay mấy tháng đầu của nhiệm kỳ, Tổng thống Kennedy đã phải đối đầu với những thử thách nảy lửa. Còn đối với Tổng thống được chọn Obama, chỉ vài giờ sau khi ông đọc bài diễn văn thắng cử, tín hiệu của một cuộc khủng hoảng lớn đã hiện ngay lên chân trời tím. Để giúp độc giả theo rõi những diễn biến trong những ngày tháng sắp tới, chúng tôi trích vài đoạn trong cuốn sách 'Địa Điểm Chiến Lược: Khi Đồng Minh Nhảy Vào' (sẽ được xuất bản.)
****
Tôi nghe bài diễn văn thì thấy cũng bình thường tuy là lưu loát và hùng biện,  nhưng đám sinh viên Mỹ ngồi chung quanh lại vỗ tay như pháo ran. Nhìn vào mặt thì thấy cậu nào cậu ấy đầy khởi sắc. Buổi sáng hôm ấy, tôi dậy thật sớm, luộc vài quả trứng ăn điểm tâm rồi quần áo chỉnh tề, đi tới Trung tâm Hoạt động của sinh viên trong khuôn viên đại học Virginia. Phải đi cho sớm thì mới dành được chỗ tốt, nếu chậm thì hết xem vì mấy sinh viên to con sẽ ngồi chắn ngay trước mặt cái tivi đen trắng bé xíu. Tôi thật náo nức vì sắp được xem lễ tấn phong Tổng thống Mỹ lần đầu tiên, và vì cuộc bầu cử tháng 11 năm 1960 đã hết sức sôi động, có thể là sôi động nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cho tới thời điểm đó. Ông Kennedy vừa trẻ, đẹp trai, học giỏi, lại con nhà giàu. Ông trở nên thần tượng của giới thanh niên. Đặc biệt là ông đã vượt được cái trở ngại to lớn do kỳ thị tôn giáo. Gia đình Kennedy sùng đạo Công Giáo có tiếng mà đại đa số dân Mỹ lại theo đạo Tin Lành. Lúc tranh cử, nhiều người cho rằng là một Tổng thống Công giáo thì ông này sẽ trung thành với Thánh kinh Công giáo và Đức Giáo Hoàng ở Vatican hơn là với Hiến Pháp và nước Mỹ.
Đối với bản thân chúng tôi, Kennedy còn là ông anh ruột của cậu Ted Kennedy (sau này là Nghị sĩ Edward Kennedy), một người  quen biết. Tại các đại học Mỹ thường có các hội thân hữu cho con trai gọi là 'Freternity' và con gái "Sorority." Ted và tôi vào hội sinh viên Công giáo gọi là Newman Club. Tất cả có 39 thành viên. Khi anh cậu là nghị sĩ John F. Kennedy ra tranh cử chức Tổng thống vào năm 1960, cậu rất hãnh diện. Còn tôi thì chẳng lấy gì làm thích thú vì lúc ấy lại đang hăng say ủng hộ đối thủ của ông Kennedy là Phó Tổng thống Richard Nixon.
Tuy không phải là công dân Mỹ và không được đi bầu, nhưng một anh bạn thân là người Đảng Cộng Hòa cứ một mực thôi thúc tôi đi 'vận động' cho ông Nixon. "Nixon là người chống Cộng số một," anh ta thường nói với tôi. Chúng tôi đi rải truyền đơn đến các phòng của sinh viên, kể cả phòng của Ted để nhét giấy quảng cáo "Nixon The One" qua gầm cửa.
Nhưng rồi Nixon thất cử. Ngày hôm sau bầu cử, các sinh viên hết sức vui mừng, hò hét, rượu chè be bét. Chúng tôi thì chưng hửng, lủi thủi rút về cái phòng nho nhỏ số 315, Bonny Castle ở đại học xá, vừa buồn vừa tức, tức vì ông Nixon đã làm Phó Tổng thống 8 năm, với bao nhiêu Kinh nghiệm về mọi mặt, nhất là nổi tiếng vì đã tranh luận với  Khrushchev (vụ 'Kitchen Debate') mà sao tranh luận trên TV, lần đầu tiên tại Hoa kỳ, lại thua một ông nghị sĩ trẻ tuổi ít kinh nghiệm  về ngoại giao. Và chúng tôi đã mất quá nhiều thì giờ đi vận động cho ông .  Khi vào lớp học thì lại nghe ông thầy chê Kennedy thiếu kinh nghiệm trên chính trường quốc tế, làm sao mà đối đầu được với ông trùm chính trị Khrushchev. Tuy nhiên vì là ngày tấn phong tân tổng thống tôi cũng tò mò muốn xem nghi lễ ra sao. Hôm ấy là ngày 21 tháng 1, 1961.
"Bởi vậy, hỡi những người công dân Hoa Kỳ, hãy đừng hỏi xem tổ quốc làm được gì cho các bạn, hãy hỏi bạn làm được gì cho tổ quốc," vừa giơ tay tuyên thệ xong, tân tổng thống dõng dạc kêu gọi. Nghe ra thì rất hùng biện, cân đối, nhưng thực ra thì cũng chỉ là nói tới "bổn phận" của người công dân (và sau nay mới biết câu dang ngôn ấy là của... Ấn Độ.) Người Mỹ thì chỉ nghe nhiều về cái "quyền" của con người, của công dân, chứ người Việt Nam ta thì từ bé đã hầu như chỉ nghe hai chữ "bổn phận": bổn phận làm con, bổn phận học trò, bổn phận người vợ, người chồng, người cha, người mẹ, bổn phận công dân.
Có tiếng hò hét thật to khi Tổng thống Kennedy ban lời hịch: "Từ lúc này và nơi này, chúng tôi nhắn nhủ bạn hữu cũng như thù địch, rằng bó đuốc đã được chuyển sang tay một thế hệ người Mỹ mới - sinh ra trong thế kỷ này, kiềm chế vì chiến tranh, kỷ luật bởi một hòa bình khó khăn và cay đắng, tự hào về những di sản cổ xưa của chúng tôi."
Thế là trúng tủ rồi: quyền hành đã được chuyển sang cho thế hệ trẻ. Bao nhiêu sinh viên bắt đầu có những mộng mơ. Sinh ra ở Mỹ thì dù còn trẻ cũng có hy vọng làm tổng thống, chứ ở bên Á Châu vào thời điểm ấy thì khó mà lên được lãnh đạo khi mới 42 tuổi.
Trời Washington sáng ngày 21 tháng 1, 1961 có tuyết rơi lất phất. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh Tổng thống Dwight Eisenhower mặc chiếc áo măng tô đen, khăn quàng trắng, ngồi trên bục giữa những quan chức của chính quyền cũ. Xem ra phần đông là đã 'có tuổi.' Eisenhower cũng vỗ tay, nhưng không thấy hăng hái lắm, mà cũng chẳng thấy ông cười. Kennedy tiếp tục: "Hãy để tất cả các dân tộc biết, dù họ muốn cho chúng tôi những điều lành hay điều dữ, rằng chúng tôi sẽ trả bất cứ giá nào, xốc vác bất cứ gáng nặng nào, đáp ứng bất luận thử thách gay go nào, yểm trợ bất cứ bạn bè nào, đối địch với bất cứ thù địch nào để bảo đảm sự sống còn và sự thành công của tự do." Nhìn mặt các sinh viên chung quanh tôi, thì thấy khí phách bừng bừng, như vừa nghe kèn trumpet hịch quân ra trận.
 Cú sốc đầu tiên
"Chỉ trong một ngày, uy tín của Hoa Kỳ đã bị rớt xuống còn thấp hơn là trong tám năm dè dặt và thiếu quyết tâm của Eisenhower," một tờ báo ở Milan (Ý) phản ảnh dư luận quốc tế sau vụ thất bại ở Cuba, lúc tiếng hịch của Kennedy còn vang dội oang oang. Vụ này như là một cú đấm vào mặt ông tân tổng thống. Làm sao đến nông nỗi này"
Ngày 17 tháng 4, 1961, chưa tới ba tháng sau khi Kennedy nhậm chức, một lực lượng 1,400 người thuộc cộng đồng người Cuba sinh sống ở Florida (từ sau khi Castro nắm quyền năm 1960) được CIA bảo trợ đã đổ bộ vào 'Vịnh Con Heo' (Bay of Pigs) để giúp nhân dân Cuba lật đổ ông Fidel Castro. Kế hoạch đã được chuẩn bị từ thời Tổng thống Eisenhower, nhưng Kennedy cho lệnh xúc tiến do đề nghị cuả Allen Dulles, Giám đốc CIA và Tướng Lyman Lemnitzer, Tổng Tham Mưu. Chẳng may, chỉ sau ba ngày, ngày 20 tháng 4, cuộc đổ bộ hoàn toàn thất bại. Đoàn quân đổ bộ bị tiêu diệt, số còn lại bị mang ra xét xử ngoài công trường thể thao ở Havana. Tivi Cuba chiếu lên cho cả thế giới xem. Đây là một dịp hiếm có để Castro nhục mạ Hoa Kỳ, một thảm họa lớn lao về tuyên truyền đối với Kennedy. Ông vừa dứt khoát là sẽ yểm trợ bất cứ bạn bè nào, đối địch với bất cứ thù địch nào để bảo đảm sự sống còn và sự thành công của tự do, mà bây giờ lại phải thua một đối thủ nhỏ bé.
Trước đó, ông cũng đã bị lấn cấn về vụ Lào. Kennedy vừa nhậm chức cuối tháng 1 thì tới tháng Ba, tình hình ở Lào đi đến chỗ khủng hoảng. Lực lượng của phe trung lập do Hoàng Tử Souvanna Phouma hợp lực với lực lượng Cộng sản Pathet Lào do Hoàng tử Souphanuvong lãnh đạo đánh chiếm Plain of Jars ở miền trung Lào, và Chính phủ thân Mỹ, Tướng Phoumi Nosavan lâm nguy. Ngay ngày trước khi Kennedy tấn phong, Tổng Thống Eisenhower lúc làm bàn giao, đã căn giặn phải nghĩ đến khả năng can thiệp bằng quân sự vào Lào. "Nếu tình hình khẩn trương như vậy tại sao Ngài không hành động gì cả"" Kennedy hỏi Eisenhower. "Tôi cũng định đấy, nhưng không nghĩ rằng có thể mang quân vào khi một chính quyền mới sắp bắt đầu."
Tuy Eisenhower khuyên như vậy nhưng sau khi suy xét kỹ và bàn bạc với cố vấn, ông chọn giải pháp nhân nhượng: điều đình để đi tới việc thành lập một chính phủ liên hiệp giữa các phe đối nghịch ở Lào. Đây là một cách che đậy cho sự rút lui của Mỹ, ngược hẳn lại với lập trường cứng rắn trong những tháng cuối cùng của chính quyền Eisenhower tại nước này
Và như vậy, từ Lào tới Cuba, chỉ trong bốn tháng, hào quang của vị tân tổng thống đã mờ đi và uy tín của ông đã xuống thấp.

 ***
Thử lửa
"Ông ta đối xử với tôi như một cậu bé con, (like a little boy)," Tổng thống Kennedy đi quanh phòng, lẩm bẩm, "Ừ, như là một cậu bé con!" Vị tân tổng thống đã bừng tỉnh: "Tôi biết tại sao ông ta lại coi tôi như vậy. Ông ta nghĩ rằng vụ Vịnh Con Heo chứng tỏ là tôi thiếu kinh nghiệm. Có thể ông ta còn nghĩ là tôi ngu nữa. Và có thể quan trọng nhất, ông ta nghĩ tôi không có gan" (I think I know why he treated me like this. He thinks because of the Bay of Pigs that I'm inexperienced. Probably he thinks I'm stupid. Maybe most important, he thinks that I have no guts). Đây là câu chuyện do nhà báo nổi tiếng James Reston, trạm trưởng của tờ New York Times tại Washington và là bạn ông Kennedy kể lại về tâm tư ông tân Tổng thống sau cuộc họp đầu tiên với lãnh đạo Liên Xô là Nikita Krushchev.
Sau khi Tổng thống Kennedy chịu cú sốc 'Vịnh Con Heo' ở Cuba và vụ Lào, ông lại phải trực diện với khủng hoảng mới tại Berlin. Vào năm 1948 Stalin đã chặn các ngả vào thành phố và Mỹ phải làm cầu không vận để tiếp tế. Rồi năm 1957, sau khi Liên xô thành công phóng vệ tinh Sputnik, Krushchev lại yêu cầu Eisenhower chấm dứt việc quân sự hóa thành phố Berlin. Lúc ấy, Eisenhower dùng việc Krushchev muốn đi Mỹ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (để tuyên truyền) làm điều kiện đòi ông ta bỏ yêu cầu này. Bây giờ, thấy Kennedy yếu thế sau vụ Lào, Cuba, Krushchev lại đặt vấn đề: "Berlin giống như cái xương vướng trong cổ họng, một nhọt ung thư cần phải mổ ngay."
Một cuộc họp thượng đỉnh Kennedy - Krushchev được đề nghị vào tháng 6, 1961.
Lúc ấy Kennedy rất ngại đi họp vì còn đang ở thế yếu, nhưng nếu hoãn lại thì bị coi là còn yếu hơn. Cuộc họp hai ngày diễn ra ngày 3 tháng Sáu, 1961 tại Vienna. Lúc đầu, Kennedy chỉ muốn bàn hai việc: thỏa ước ngưng thí nghiệm nguyên tử và trung lập hóa Lào, nhưng Krushchev đã gài ông vào cái thế phải nói tới Berlin. Hai bên tranh luận hết sức căng thẳng. Sau cuộc họp, James Reston hỏi ông Kennedy xem họp hành ra sao" Kennedy trả lời "Thực là chuyện khó khăn nhất trong đời tôi."
Dựa trên câu chuyện hàn huyên với Kennedy, sau khi ông chết, Reston kể lại là "Krushchev đã nghiên cứu về vụ Vịnh Con Heo và thấy Kennedy đã vội vàng cho phép tấn công vào Cuba mà lại không đủ mạnh bạo để hoàn thành công việc, nên cho là mình đang đương đầu với một lãnh đạo Mỹ rất trẻ tuổi, không có kinh nghiệm, dễ bị hù và hăm dọa."
Trong những buổi họp tại Vienna, nhiều khi Krushchev còn bất chợt tấn công Kennedy. "Tới cuối tháng 12, Hoa Kỳ phải ký một hiệp ước đồng ý rút hết quân ra khỏi Berlin," ông nói với Kennedy như một tối hậu thư. Và chỉ có thế, không cần bàn luận xem tại sao phải rút quân. "Tôi muốn hòa bình, nhưng nếu ông muốn chiến tranh thì đó là vấn đề của ông," Krushchev táo tợn kết luận.
Kennedy hết sức bàng hoàng sau cuộc họp, "Thế là tôi có một vấn đề thật khó khăn," Kennedy nói với Reston, "Nếu ông ta nghĩ rằng tôi không có kinh nghiệm hoặc không có gan thì ta sẽ chẳng làm được gì đối với ông ta cho tới khi làm cho những ý nghĩ này tiêu tan đi. Bởi vậy, chúng ta phải hành động."
***
Tim chúng tôi như muốn đứng lại khi xem TV thấy chiếu hình ảnh hai chiếc tầu nguyên tử Mỹ USS Essex và USS Gearing lừ lừ tiến sát tầu Bucharest của Nga đang trên đường tới Cuba. Và cả thế giới kinh hoàng khi bất chợt nổi lên viễn tượng chiến tranh nguyên tử. Trước đó, từ lúc 7 giờ tối ngày 22 tháng 10, 1962  Tổng thống Kennedy lên TV tiết lộ việc tình báo Hoa Kỳ đã chụp được hình những trạm hỏa tiễn của Nga đặt tại Cuba (qua những chuyến bay U-2), rồi ông ra lệnh cho các chiến hạm Hoa kỳ trực chỉ Havana lập một tuyến để cô lập hóa Cuba, không một chiếc tầu nào của Nga chở phụ tùng hỏa tiễn được phép băng qua tuyến này.
Ngày hôm sau, Tổng Tham Mưu Quân Lực Hoa Kỳ đặt Strategic Air Command  (Tư Lệnh Phòng Không Chiến Lược hay SAC) vào thế nghênh chiến, gọi là tình trạng 'DEFCON - 2,' đây là lần duy nhất trong lịch sử Hoa kỳ (kể cả cho tới nay).
May mắn thay, ngày 28 tháng 10, hai bên Nga - Mỹ đã đi tới một giải pháp dung hòa: Nga xuống thang, chấp nhận rút các tầu về và tháo gỡ hỏa tiễn khỏi Cuba, Mỹ hứa không khuynh đảo Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ tháo gỡ hỏa tiễn khỏi xứ này. Mọi người thở phào.
Và thật vậy lịch sử đã coi biến cố 'Cuban Missile Crisis' này là nguy hiểm nhất vì nó đã đưa cả thế giới tới sát bên bờ vực thẳm….
***
Và giờ đây, ta lại nghe thấy Phó Tổng thống Biden cảnh cáo (lúc tranh cử) rằng ông Barack Obama sẽ phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng thế giới khá sớm trong chức vị tổng thống: "Quý vị hãy theo dõi, chúng ta sẽ gặp một cuộc khủng hoảng thế giới, một cuộc khủng hoảng lan rộng để thử thách khí phách của anh chàng này. Và ông ta sẽ phải lấy một vài quyết định hết sức khó khăn." (Watch, we're gonna have an international crisis, a generated crisis, to test the mettle of this guy. And he's gonna have to make some really tough decision).
Ông Biden còn thêm rằng : "Những nguời thách đố Hoa kỳ sẽ 'tìm hiểu xem anh chàng này có thép trong xương sống hay không' khi anh ta bị thử thách."(Obama's challengers will 'find out this guy's got steel in his spine' when he is tested).
Mà thật vậy, chỉ vài giờ sau giây phút huy hoàng của 'Tổng thống Được Bầu' (President Elect) Obama đêm ngày 4 tháng 11, 2008, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã thẳng thừng cảnh cáo Hoa Kỳ là Nga sẽ cài đặt dàn hỏa tiễn tầm ngắn ngay gần Ba Lan để đối phó với những kế hoạch quân sự của Hoa kỳ. Trong bài diễn văn đầu tiên về 'tình trạng đất nước,' ông Medvedev đã cáo buộc Hoa kỳ về cuộc chiến tại Georgia và khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Ông nói Nga sẽ không nhượng bộ và sẽ không rút quân khỏi Abkhazia và South Ossetia, và cũng không rút lại việc công nhận nền độc lập của hai xứ này sau cuộc chiến tháng 8. "Chúng tôi sẽ không rút khỏi miền Caucasus," ông tuyên bố trong bài diễn văn dài 85 phút, và cử toa vỗ tay vang rần.
Ông khẳng định rằng hỏa tiễn Iskander sẽ được điều động tới Kaliningrad (giữa Ba Lan và Lithuania) nhưng không nói rõ những hỏa tiễn này có trang bị đầu đạn nguyên tử hay không. Ngoài ra, Nga còn lắp đặt những thiết bị điện tử để phá rối các làn sóng radar của tuyến chống hỏa tiễn tại miền này, ông tuyên bố.
Nói xong, ông Medvedev cho biết ông cũng đã gửi điện văn chúc mừng Tổng thống được bầu Obama, và  thêm rằng "Tôi mong sẽ có cuộc đối thoại trực tiếp với ngài trên căn bản tin tưởng lẫn nhau và quan tâm đến quyền lợi của nhau."
***
Đến đây tôi thấy nó hao hao giống hoàn cảnh mà Tổng thống Kennedy đã gặp. Tân tổng thống Kennedy vừa tỏ ra nhân nhượng ở Lào và yếu thế ở Cuba là ông Khrushchev đã có thái độ hết sức cứng rắn tại cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai lãnh tụ…rồi dần dần tới 'Cuban Missile Crisis' (Khủng hoảng hỏa tiễn Cuba).
Tân Tổng thống Obama đã cho biết ông sẽ rút quân khỏi Iraq và sẽ thay đổi chiến dịch Afghanistan, và cũng sẽ cắt ngân sách quốc phòng. Ngoài ra, coi bộ ưu tiên của ông tân tổng thống là về vấn đề đối nội như an sinh xã hội, y tế, thuế má, tái phân phối của cải, chứ không chú tâm mấy tới vấn đề đối ngoại. Như vậy, liệu đó có phải là những yếu tố tính toán của Tổng thống Medvedev (và người có thực quyền là Thủ tướng Putin) về chiến lược của Nga sô  hay không" Và trong những cuộc đối thoại Nga - Mỹ sắp tới, liệu nó sẽ diễn ra trong bầu không khí căng thẳng hay hòa hoãn"
Ta hãy cầu mong cho những thử thách ấy đừng đến quá sớm, vào thời điểm vô cùng khó khăn như hiện nay. Khi nền kinh tế đang khủng hoảng và Hoa Kỳ đang  phải chiến đấu ở cả hai mặt trận Iraq và Afghanistan, một 'Poland Missile Crisis'  (Khủng hoảng hỏa tiễn Ba Lan) sẽ vô cùng bi đát cho cả thế giới.
Tổng thống Kennedy đã phàn nàn: "Có thể ông ta (Krushchev) còn nghĩ là tôi ngu nữa. Và có thể quan trọng nhất, ông ta nghĩ tôi không có gan" (May be most important, he thinks that I have no guts). Chúng ta hy vọng cặp Medvedev-Putin sẽ không thử thách tân Tổng thống Obama để 'tìm hiểu xem anh chàng này có thép trong xương sống hay không' ("find out this guy's got steel in his spine") như chính Phó Tổng thống Biden đã tiên đoán. Cái làm cho chúng ta ái ngại  là  ông Biden còn cả quyết rằng tình huống ấy chắc chắn sẽ xảy ra: "Hãy nhớ lấy lời tôi nói. Chưa tới sáu tháng (trong nhiệm kỳ) là thế giới sẽ thử thách Barack Obama…Quý vị hãy nhớ rằng tôi đang đứng đây và nói câu này, nếu quý vị không nhớ những gì khác tôi đã nó" (Mark my words. It will not be six months before the world test Barack Obama…Remember I said it standing here if you don't remember anything else I said).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
Đảng CSVN hay nói “Trí thức là “nguyên khí của quốc gia”, làm hưng thịnh đất nước, rạng rỡ dân tộc*; “Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc”; hay “Thanh niên là rường cột của nước nhà” , nhưng tại sao nhiều người vẫn ngại đứng vào hàng ngũ đảng? Lý do vì đảng chỉ muốn gom Trí thức và Thanh niên “vào chung một rọ để nắm tóc”...
Tây Bắc hay Tây Nguyên thì cũng chừng đó vấn đề thôi: đất đai, tôn giáo, chủng tộc… Cả ba đều bị nhũng nhiễu, lũng đoạn tới cùng, và bị áp chế dã man tàn bạo. Ở đâu giới quan chức cũng đều được dung dưỡng, bao che để tiếp tục lộng quyền (thay vì xét sử) nên bi kịch của Tây Nguyên (nói riêng) và Cao Nguyên (nói chung) e sẽ còn dài, nếu chế độ toàn trị hiện hành vẫn còn tồn tại...
Bữa rồi, nhà thơ Inra Sara tâm sự: “Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu.” “Bất an” có lẽ không chỉ là tâm trạng của người Sài Gòn mà dường như là tâm cảm chung của toàn dân Việt – không phân biệt chủng tộc, giới tính hay giai cấp nào ráo trọi – nhất là những kẻ sắp từ giã cõi trần. Di Cảo của Chế Lan Viên và di bút (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của Nguyễn Khải, theo nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, chỉ là những tác phẩm “cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).”
Tập Cận Bình tin rằng lịch sử đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho mình. Trong chuyến thăm Vladimir Putin tại Matxcơva vào tháng 3 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Nga rằng “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”
Sau 20 năm chiêu dụ Kiều bào về giúp nước không thành công, đảng CSVN lại tung ta Dự án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. Đây là lần thứ tư, từ khi có Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004, một Quyết định nhằm mưu tìm đầu tư, hợp tác khoa học, kỹ thuật và tổ chức các Hội, Đoàn người Việt ở nước ngoài, đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng CSVN được tung ra...
Khi số lượng di dân vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico tăng cao kỷ lục, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Làm thế nào mà Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng này, và Hoa Kỳ có thể học hỏi những gì từ cách các quốc gia khác ứng phó với các vấn đề an ninh biên giới và nhập cư. Chào đón công dân nước ngoài đến với đất nước của mình là một việc khá quan trọng để giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học, nguồn cung ứng lao động và đa dạng văn hóa. Nhưng những di dân vào và ở lại Hoa Kỳ mà không có thị thực hoặc giấy tờ hợp lệ có thể gây ra nhiều vấn đề – cho chính bản thân họ và cho cả chính quyền địa phương bởi tình trạng quá tải không thể kịp thời giải quyết các trường hợp xin tị nạn tại tòa án nhập cư, hoặc cung cấp nơi ở tạm thời và các nhu cầu cơ bản khác. Mà tình trạng này hiện đang xảy ra ở rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ.
Trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo, lá vàng đã bắt đầu rơi lất phất. Mùa Thu Paris thật lãng mạn. Henry Kissinger đi dạo quanh một hồ nhỏ ở ngoại ô gần Rambouillet. Nơi đây từng cặp tình nhân đang nắm tay nhau bên những cành cây la đà bóng hồ. Ông thấy lòng mình nao nao (melancholic) vì sắp tới phiên họp quan trọng nhất với ông Lê Đức Thọ.
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.