Hôm nay,  

Lạm Phát Chưa Lui

27/08/200800:00:00(Xem: 8321)
...và đồng bạc Việt Nam sẽ còn mất giá rất nặng...

Trong tháng Tám, lạm phát tại Việt Nam vẫn tăng và lên tới 28,3%, mức cao nhất từ 17 năm nay. Riêng lương thực và thực phẩm thì tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mấy con số ước lượng vừa được Tổng cực Thống kê thông báo hôm Thứ Hai vừa qua. Diễn đàn Kinh tế đài RFA sẽ tìm hiểu về mối nguy đó của Việt Nam khi nhiều người cũng lo rằng lãi suất gia tăng sẽ cản trở sản xuất khiến người dân càng thêm khốn đốn. Cuộc trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về tiết mục chuyên đề này sẽ do Việt Long thực hiện sau đây hầu quý thính giả...

Hỏi: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, cách đây hai tuần, ông có trình bày một diễn biến mới của thế giới là hiện tượng thương phẩm, nhất là dầu khí, đã hết tăng giá mà còn giảm. Nhưng trong chương trình tuần trước, ông vẫn cảnh báo nguy cơ khủng hoảng vì vật giá gia tăng tại Việt Nam. Hôm thứ Hai vừa qua, Tổng cục Thống kê của Việt Nam vừa công bố dữ kiện kinh tế tháng Tám, theo đó, lạm phát vẫn tăng hơn 28%. Xin đề nghị là trong chương trình kỳ này ta sẽ lại tìm hiểu về mối nguy lạm phát đó, với mặt trái của vấn đề là nếu nâng lãi suất ngân hàng để ngăn chặn lạm phát thì lại gây cản trở cho sản xuất vì phải vay tiền với lại suất quá đắt. Ông nghĩ sao về bài toán lưỡng nan ấy"

- Một cách cụ thể thì trong ba tháng qua, lạm phát chỉ có tăng chứ không giảm. Tháng Năm thì tăng 25,2%, tháng Sáu tăng 26,8% và qua tháng Bẩy thì tăng 27%. Khi thấy áp lực vật giá có vẻ giảm trong tháng Bảy - vì chỉ tăng từ 26,8 lên 27% - nhiều người lạc quan nghĩ rằng lạm phát có thể sẽ lui nên Việt Nam nên giảm lãi suất ngân hàng. Sự thật thì lạm phát tháng Tám đã lên tới 28,3%, một mức gia tăng cao nhất kể từ 17 năm nay, và hiện đang là cao nhất Á châu.

- Đã vậy, Việt Nam tiếp tục bị nhập siêu nặng, tức là nhập nhiều hơn xuất khẩu, với số thiếu hụt trong tám tháng đầu năm lên tới 16 tỷ, so với mức thiếu hụt 14 tỷ của cả năm ngoái. Vấn đề ấy tiếp tục đẩy giá đồng bạc xuống, trong bối cảnh đảo chiều là Mỹ kim hết sụt mà còn tăng giá, khiến tỷ giá hay hối suất đồng bạc không thể duy trì ở mức hiện tại. Lãi suất và hối suất vì vậy là hai vấn đề rất ngặt nghèo cho Việt Nam.

Hỏi: Đa số các chuyên gia nước ngoài đều khuyên Việt Nam cần nâng cao lãi suất để kiềm chế lạm phát, lời khuyên ấy có đúng không, khi mà lãi suất gia tăng khiến gánh nặng tài chính sẽ cản trở sản xuất vì nhiều người không thể vay tiền với mức lãi cắt cổ"

- Trước tiên, chúng ta cần biết rằng không phải mọi lời khuyên của các chuyên gia nước ngoài đều là đúng cả vì mỗi người lại nhìn vấn đề từ một giác độ và hoàn cảnh trách nhiệm khác nhau. Nhưng, riêng về lãnh vực tín dụng thì tăng hoặc ít nhất không hạ lãi suất lúc này là việc cần thiết.

- Trong một kỳ trước, ta có cảnh báo rằng nhiều quốc gia đang phân vân giữa hai ưu tiên là 1) hoặc chặn đứng lạm phát bằng cách gia tăng lãi suất ngân hàng và nâng cao định mức dự trữ để tiết giảm lượng tiền lưu thông trong kinh tế, hoặc 2) hạ lãi suất để hỗ trợ sản xuất hầu duy trì một mức tăng trưởng đủ cao để khỏi bị thất nghiệp và động loạn xã hội. Việt Nam cũng gặp vấn đề ấy và ngả theo xu hướng duy trì mức tăng trưởng nên ngần ngại tăng lãi suất và vẫn bị nguy cơ lạm phát. Điều ấy quả nhiên đang xảy ra, với mức độ còn cao hơn kỳ trước.

Hỏi: Xin đề nghị là ông giải thích thêm cho rõ vì sao Việt Nam không nên hạ lãi suất như nhiều người yêu cầu. Mối nguy lạm phát có nặng đến nỗi mình phải trả giá với lãi suất thực tế là 25% như ông trình bày tuần trước không"

- Ta hãy nhìn lại chỉ số vật giá. Tháng Năm thì tăng 25,2% so với tháng Năm của năm ngoái. Tháng Sáu thì tăng 26,8%, tháng Bảy tăng 27% rồi tháng Tám tăng 28,3% so với tháng Tám năm ngoái. Nếu xét vào chi tiết trong thời hạn ngắn hơn thì lạm phát hàng tháng vẫn tăng nhưng nhẹ hơn, thí dụ như tăng 3,9% trong tháng Năm, rồi 1,1% trong tháng Sáu. Vì thấy lạm phát hàng tháng có vẻ giảm, thực ra chỉ là tăng nhẹ hơn, và dầu thô cũng đang hạ giá trên thế giới, từ 147 đồng đã giảm được hơn 30 đồng một thùng, nên Việt Nam đã đảo ngược chế độ trợ giá xăng dầu. Vừa tăng giá xăng dầu bình quân từ 14 đến 37% vào ngày 21 tháng Bảy thì lại hạ bình quân là 5% vào ngày 14 tháng Tám vừa qua. Nhưng quyết định tăng giá xăng dầu vào tháng Bảy sẽ ảnh hưởng đến vật giá trong tháng Tám là điều người ta sẽ còn thấy rõ hơn trong những ngày tới.

- Tôi ngần ngại khi phải kể ra hàng chục con số nhức đầu như vậy cho thính giả, nhưng mình cần nhắc lại khoảng cách thời gian của từng quyết định kinh tế để từ đó thấy rõ sự lụp chụp chạy theo thị trường bằng các quyết định hành chánh và mỗi quyết định ấy lại ảnh hưởng đến vật giá của tháng sau. Trong bối cảnh đó, mình mới trở lại vấn đề lãi suất mà ông hỏi.

Hỏi: Muốn thấy rõ vấn đề ấy, có lẽ ông phải đề nghị ông phân tích và giải thích bàng tổng kết tài sản của các ngân hàng tại Việt Nam.

- Nếu nhìn vào bảng tổng kết tài sản của cả hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, ta thấy rằng các ngân hàng đang bị sức ép rất nặng từ cả hai đầu. Thứ nhất là sức ép của yêu cầu tiết giảm tín dụng do lỡ dại bơm ra quá nhiều tiền từ năm ngoái nên lãi suất liên ngân hàng đã tăng bình quân gấp đôi, từ khoảng 8-9% lên tới gần 20%, nên ngân hàng bị cạn kiệt thanh khoản, thiếu tiền cho vay và cần ráo riết đòi lại nợ. Vì sức ép tín dụng ấy, ngân hàng trung ương tại Việt Nam mới cố duy trì mức lãi suất trần ở khoảng 14% và nhiều người nói tới nhu cầu hạ lãi suất, hoặc đả kích các chuyên gia nước ngoài khi họ khuyến cáo phải tăng lãi suất.

- Nhưng, nếu nhìn rộng ra ngoài thì mình còn phải thấy sức ép thứ hai. Lạm phát cao và lãi suất hạ, dưới mức lạm phát, tức là lãi suất thuần âm, khiến ngân hàng không huy động được ký thác. Trong khung cảnh lạm phát, người ta thích làm khách nợ, tức là đi vay tiền nhờ lãi suất thấp, hơn là làm chủ nợ, tức là làm trương chủ ký thác tiền bạc của mình vào ngân hàng vì không có lời. Nếu mình xét kỹ bảng kết số tài sản của hệ thống ngân hàng Việt Nam và so sánh tỷ lệ tín dụng với tỷ lệ ký thác thì sẽ thấy khối tín dụng vẫn tăng mạnh hơn khối ký thác, tăng từ 103% vào đầu năm nay giờ đây đã vượt 160%, tính theo con số tháng Bảy.

- Tôi phải nói tới mấy con số rắc rối ấy để mình cùng thấy rằng các ngân hàng đang bị ngộp và nhiều cơ sở sẽ phá sản hoặc phải bị sát nhập và rằng việc hạ lãi suất sẽ càng khiến ngân hàng khó huy động được ký thác. Chưa kể là việc hạ lãi suất sẽ không trực tiếp toả rộng ảnh hưởng tốt đẹp xuống người sản xuất, hay nông gia hoặc ngư dân, như mình đã nói tới tuần trước vì bề nào họ cũng khó đi vay, trong khi tác dụng ấy lại chỉ có lợi cho một số doanh nghiệp nhà nước, hoặc những cơ sở có quan hệ chính trị thuận lợi với tay chân nhà nước.

Hỏi: Chúng ta bước qua phần thứ hai, thưa ông. Thống kê kinh tế vừa công bố có cho thấy mức nhập siêu vẫn quá cao của Việt Nam, với ảnh hưởng tất yếu là khiến đồng bạc Việt Nam mất giá. Trong khi ấy, như một chương trình kỳ trước đã trình bày, đồng Mỹ kim hết sụt giá mà còn có vẻ tăng so với các ngoại tệ khác, tức là cũng sẽ tăng so với tiền Việt Nam. Như vậy, có phải Việt Nam còn bị một sức ép rất nặng khác là tỷ giá đồng bạc sẽ phải hạ, cụ thể là phải hơn hai chục nghìn đồng mới đổi được một đô la, chứ không phải chỉ có chừng 17 nghìn như hiện nay. Điều ấy có đúng không"

- Thưa đúng vậy và vấn đề thứ hai này cũng đáng chú ý như chuyện lãi suất và chống lạm phát. Việt Nam bị nhập siêu nặng vì nhập khẩu gia tăng quá mạnh và tăng ở nhiều nơi không trực tiếp có lợi cho sản xuất, do tác động của các đại gia có quyền thế, như ta có nới tới rất nhiều lần. Họ nhập khẩu bừa phứa để trục lợi riêng và còn lập cơ sở tiếng là đầu tư ở nước ngoài để thực hiện loại nghiệp vụ tai hại ấy.

Trong khi đó, dù hối suất hay tỷ giá đồng bạc của Việt Nam được duy trì rất thấp và dù thương phẩm hay ngũ cốc đang tăng giá trên thế giới, xuất khẩu của Việt nam vẫn tăng chậm hơn số nhập khẩu. Thí dụ như nông gia Việt Nam đang bị ứ lúa gạo mà bán ra ngoài không được mặc dù giá gạo trên thế giới hiện vẫn còn cao. Hậu quả của tình trạng đó là Việt Nam sẽ còn bị nhập siêu và nói gì thì nói, mức nhập siêu tới cuối năm nay sẽ sấp xỉ khối dự trữ ngoại tệ của Việt Nam và đồng bạc Việt Nam sẽ còn mất giá rất nặng.

Hỏi: Nếu tổng kết lại thì dường như Việt Nam chưa ra khỏi đường hầm và cũng chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm" Chẳng lẽ tình hình lại nguy kịch như vậy sao"

- Tôi không thích nói đến chuyện đen tối, nhưng chưa thể có ánh sáng ở cuối đường hầm mà đường hầm có thể còn sụp trên đầu mọi người như ta đang thấy tại Thủ Thiêm. Lý do là lạm phát sẽ phải hạ thấp hơn mức lãi suất hiện nay, tức là vật giá không thể tăng quá 20% so với cùng kỳ năm ngoái, hoặc không tăng quá 1,5% trong ba tháng trước mặt. Kịch bản này không thể xảy ra cho dù dầu thô có giảm tới giá dưới 100 đồng một thùng. Lý do thứ hai là dầu thô có giảm thì Mỹ kim cũng lại tăng giá và càng gây sức ép vào cơ chế kinh tế quá lỏng lẻo của Việt Nam và sẽ gây ra khủng hoảng về ngoại hối.

Hỏi: Câu hỏi cuối thưa ông. Trong viễn ảnh kém sáng sủa như vậy thì vì sao một tập đoàn đầu tư rất lớn của Mỹ là Franklin Templeton quyết định lập văn phòng đầu tư tại Việt Nam và người quản trị đầu tư nổi tiếng thế giới là ông Mark Mobius đã có những nhận định lạc quan về tương lai kinh tế Việt Nam"

- Cách đây gần hai chục năm, vào quãng 1992, tôi có dịp liên lạc với nhân vật nổi tiếng này khi Templeton chuẩn bị đổ bộ vào đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Khi đó, ai cũng mong là chuyện ấy sẽ thành, nhưng tôi lại nêu ý kiến ngược. Rằng trước khi vào thì phải chuẩn bị chiến lược tháo chạy - exit strategy - vì nhiều bất trắc trong cơ chế kinh tế và chính trị của Việt Nam. Sau đó, năm 1994, ông Mobius có đem tiền vào tìm các dự án đầu tư có giá trị để tải trợ kiếm lời, mà kiếm không ra. Quỹ đầu tư của ông ta phải đổi mục tiêu và cải danh thành quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp có liên hệ đến Việt Nam, tức là đầu tư vào các công ty đầu tư vào Việt Nam. Sau cùng thì quỹ này cũng phải đóng cửa, đây là một thất bại nhỏ của ông Mobius.

Hỏi: Bây giờ, ông ta lại mở cơ sở đầu tư vào Việt Nam thì điều đó có nghĩa là tình hình đã có thay đổi hay không"

- Thưa lần này Templeton vào Việt Nam không để đầu tư trực tiếp, là bỏ tiền vào các dự án sản xuất, mà đầu tư gián tiếp, là mua cổ phần hay hùn vốn vào các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước sẽ cổ phần hoá, trước hết hùn vốn đầu tư với Vietcombank. Nhân chuyện này, tôi xin được nhắc tới lời khuyên của ông Nathan Rothschild, nhà đầu tư nối tiếng từ đầu thế kỷ 19 sau trận Waterloo giữa Anh và Pháp. Lời khuyên đó là "khi máu chảy đầy đường thì đấy là lúc nên mua vào". Có thể là sau trận khủng hoảng và xuất huyết này, Việt Nam sẽ có thay đổi tốt đẹp hơn và người trường vốn có khi chờ đợi viễn ảnh tốt đẹp ấy, để làm chủ với giá rất rẻ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong danh sách những gì mà bạn cần dự định làm cho ngày lễ, sự chuẩn bị an tòan là việc cần để ý hàng đầu trong danh sách.
Gần đây, trong các mạng nhện i-meo, tự nhiên lại rộ lên phong trào đua nhau ca tụng Các Mác, y như  phong trào "trăm hoa đua không nở" vậy.
Ngày 15/11/2007 Tân hoa xã, cơ quan thông tấn của đảng Cộng sản Trung quốc cho ban hành một Bạch thư bằng Anh ngữ nhan đề
Hôm ấy là ngày Chủ Nhật 25-11-2007 nhằm ngày 16 tháng 10AL năm Đinh Hợi, chúng tôi một nhóm Phật tử tại Orange County
Hội đồng thành phố San Jose tối ngày 20.11.2007 đã biểu quyết thông qua việc đặt tên cho một khu phố
Tập Hợp Thanh Niên Dân chủ (THTNDC), tập hợp những thanh niên có mong muốn góp sức xây dựng một Việt Nam dân chủ và giàu mạnh
Cũng là trò, là thầy - cô cả, song ở giai đoạn tôi học, nó khác! Tất nhiên so với thời kỳ kết thúc chiến tranh tôi tận mắt chứng kiến cảnh thầy trò ở Miền Nam
Khi một biến cố xảy ra mà ngần ấy phe đều thấy mình đúng - và đối phương sai lầm -  người ta tất nhiên phải phân vân về lẽ đúng sai.
Nếu muốn nói về sức mạnh và hiệu quả đấu tranh dân chủ, làm tan băng chánh trị VN, làm sáng sủa con đường đi tới cũng như lẽ đúng sai
Việt Nam đã và đang làm hết sức để cải tiến quan hệ với Hoa Kỳ. Nhưng chỉ mới tám tháng trước
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.