Hôm nay,  

Vài Điều Tôi Còn Nhớ ....

08/01/200700:00:00(Xem: 10270)

Vài Điều Tôi Còn Nhớ Về: Cuộc Hành Quân Quế Sơn và Đại Tá Phạm Văn Phú

(Đây là nén hương lòng để tưởng niệm người anh hùng đã vị quốc vong thân.)

Lời người viết: Một bức hình của Thiếu Tướng Phú tôi thấy trong một tạp chí, cùng với hình của những vị tướng khác tuẫn tiết sau 30-4-75, đã gợi cho tôi nguồn cảm hứng để viết bài tường thuật nầy. Đây là câu chuyện thật về kết quả của một cuộc hành quân hỗn hợp Việt-Mỹ mà tôi còn nhớ. Trong bài nầy, tôi hy vọng, vài nét đơn sơ về Đại Tá Phú có thể giúp quý vị hiểu thêm về ông ta, đồng thời nhận định được về cách người Mỹ đánh giá ông ta như thế nào.                                                                                                   

Ngoài ra, tôi cũng hơi dông dài trong phần chú thích cốt để quý vị nhớ lại vài chi tiết về chiến cuộc hồi đó.

Tôi chỉ biết Đại tá Phạm Văn Phú một lần duy nhất trong cuộc hành quân phối hợp giữa Sư đoàn 2 Bộ binh VNCH và Trung Đoàn 5 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ.                                                      

Sau đây là câu chuyện về cuộc hành quân đó và vài nét đơn sơ về con người đã vị quốc vong thân.

Chuyện xảy ra 40 năm qua nhưng tôi chưa thể quên được! Năm 1966, áp lực địch tại quận Quế sơn và vùng Lạc sơn thuộc tỉnh Quảng Tín rất là nặng nề: bán kính an toàn là chừng 3 km. Do đó chúng ta mới có cuộc hành quân nầy để giải tỏa áp lực địch trong vùng.                                                                                                       

Hồi đó, quận trưởng quận Quế sơn là Đại uý Xán; một sĩ quan phụ tá là Thiếu úy Trương duy Cường. Tôi không nhớ Lạc sơn là tên một xã hay ấp. Tiền đồn Lạc sơn cách quận lỵ Quế sơn chừng 10 km nhưng hai bên khó liên lạc với nhau.

Sư đoàn 2 BB VNCH do Đại Tá Phạm Văn Phú chỉ huy. Tôi còn nhớ vài người trong bộ chỉ huy: Thiếu Tá Sáu, pháo binh. Viên cố vấn cho thiếu tá Sáu là Thiếu Tá Frank Jakes. (Tôi còn nhớ ông Jakes vì vài năm trước đó ông là cố vấn cho Đại uý Đỗ Xuân Giới, quận trưởng quận Lý Tín. Tôi đã gặp ông Jakes và Đại uý Giới lần đầu tiên trong ngày tôi cùng tiểu đoàn 1 trung đoàn 4 (1/4), sư đoàn 1 U.S. Marines, đổ bộ lên căn cứ Chu Lai vào ngày 7 tháng 5-1965. Và chúng tôi quen biết nhau từ đó).                                     

(Căn cứ Chu Lai trải dài dọc theo bờ biển từ quận Lý Tín tỉnh Quảng Tín đến Quận Bình Sơn tỉnh Quảng Ngải.)                                                                                      

   (Vài năm sau, khi tôi được biệt phái về Bộ Giáo dục trở lại nghề đi dạy Anh văn thì tôi lại gặp ông Jakes, lúc đó ông ta là Trung Tá, giám đốc cơ quan JUSPAO tại Huế. Chúng tôi rất mừng khi gặp lại nhau, và thường hay liên lạc và giúp đỡ nhau.)                                                                                              

 Trung đoàn 5 TQLC HK do Đại tá Weddeckie (tôi không nhớ correct spelling) chỉ huy; trung đoàn phó là Trung tá Gately. Tôi là Sĩ quan Liên lạc của trung đoàn.(1)

Lực lượng địch trong vùng chừng 2 sư đoàn, hình như là vậy"

Bộ tư lệnh hành quân đóng tại quận lỵ Quế sơn. Cuộc hành quân kéo dài chừng một tuần.

Kết quả: thắng lớn về phe ta, số thương vong rất là nhẹ. Chúng ta thu rất nhiều vũ khí đủ loại, rất nhiều súng lớn và cộng đồng. Đặc biệt có 4 thùng bằng nhôm sáng loáng, hình khối vuông, (tôi không nhớ rõ là 3 hay 4 thùng), mỗi cạnh chừng 1,5 m chứa toàn thuốc men, nhất là thuốc kháng sinh còn mới tinh, y cụ, v.v... do Liên Xô viện trợ, thuốc và y cụ của Mỹ cũng rất nhiều.

Địch gồm mấy trung đoàn coi như bị tiêu tùng hết. Tôi nghe nói VC chết nhiều lắm, không đếm xuể. 17 tù binh Bắc Việt bị bắt sống. Phần lớn các tù binh có vẻ thư sinh, có cậu đẹp trai, tuổi từ 20 đến 25, nói giọng Hà Nội. Vào ngày gần cuối của cuộc hành quân, Đại Tá Phú chiêu đãi các tù binh một bữa cơm “thân mật” tại tòa hành chánh quận. Bữa cơm gồm có cơm trắng, canh cá bống thệ với cà chua, thịt bò xào khoai hành, thịt heo phay, tôm rim với thịt heo.v.v... rất là thịnh soạn.

Trước khi ăn, Đại Tá Phú tuyên bố, “ Các em cứ yên tâm mà ăn cho ngon miệng, anh hứa là không hành hạ, đánh đập các em đâu. Khi ổn định rồi, anh sẽ gởi trả các em về bên kia vĩ tuyến...”

Đại Tá Weddeckie và các sĩ quan trong bộ chỉ huy rất khâm phục câu nói của Đại Tá Phú. Viên thiếu tá phòng nhì Mỹ, thiếu tá Linsay, có lẽ hiểu tiếng Việt, nói nhỏ vào tai tôi, “Đại Tá Phú rất nhân đạo với tù binh.”

Chúng tôi không ăn nhưng ngồi quanh đó. Một tù binh ngồi kế bên tôi vừa khóc vừa nói, “Đây là bữa cơm ngon nhất trong đời em, từ nhỏ đến giờ em chưa bao giờ được ăn cơm trắng.” Đa số các tù binh đều cho biết là “ Miền Nam bị Mỹ đô hộ nên được điều động vào để giải phóng đồng bào v.v...”

Thật ra, theo như CID Mỹ cho biết thì số tù binh bị bắt sống nhiều hơn, nhưng những tên nguy hiểm thì bị giam riêng và đang được thẩm vấn. Tôi không dám tìm hiểu thêm vì sợ CID nhờ tôi giúp thẩm vấn thì mệt vô cùng!

Tôi cũng thấy một trung sĩ an ninh quân đội VNCH thẩm vấn vài tên du kích địa phương.

Tôi còn nhớ mỗi buổi sáng, khi gặp Đại Tá Weddeckie và Đại Tá Phú gặp nhau thì cả hai cùng chào. Đại Tá Phú chào bằng cách xoay cả lòng bàn tay ra phía trước và nói, “Good morning, Sir!”, thay vì để tay ngang mày như mọi người. Đại Tá Phú nhỏ thó nhưng giọng nói rất hùng hồn, người trầm lặng, luôn luôn có vẻ buồn và cô đơn.

Tôi không còn nhớ vì sao ngày cuối cùng của cuộc hành quân, Đại Tá Phú và tôi còn ở lại Lạc sơn. Do đó một chiếc HU1B của TQLC đến đón chúng tôi về Tam Kỳ, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Tín, nơi tổng kết cuộc hành quân. Trên chuyến bay chỉ có hai người, một đại tá và một trung úy, mà không ai nói với ai một lời nào. Tôi cố gắng gợi chuyện nhưng Đại Tá Phú làm thinh, luôn luôn có vẻ buồn xa xôi, như đang suy tư chuyện gì ...

Đến Tam Kỳ thì Đại Tá Phú lo chuẩn bị hồ sơ để thuyết trình; còn tôi thì được gọi đến trình diện Đại Tá Weddeckie gấp. Boss của tôi chỉ bảo tôi đọc lại bản phúc trình xem cần thêm bớt điều gì không. Ông ta có vẻ lo lắng lắm vì phải trình bày cho Tổng Thống Thiệu nghe. Tôi đã giúp Đại Tá Weddeckie bổ sung nhiều chỗ thiếu sót. Phần quan trọng không được nói đến là sự hòa hợp giữa hai lực lượng Việt-Mỹ: giữ đúng giới hạn điều quân nên không có sự va chạm, không có bắn lầm nhau, không quân và pháo binh yểm trợ tối đa, tin tình báo rất chính xác, không có sự vi phạm tài sản của nhân dân, giờ hẹn tại các điểm nóng được theo đúng.v.v...                                                 

Người soạn phúc trình cho Đại Tá là John, anh ta là Lance Corporal (2). Tôi yêu cầu ông ta đừng khiển trách John vì anh ta mới đến Việt Nam chừng hai tháng, chưa quen việc.  Trong phần cuối bản phúc trình, nhân nói về “excellent cooperation”, Đại Tá Weddeckie đã khen ngợi Đại Tá Phú hết mình, tôi chỉ còn nhớ vài ý chính: “phối hợp các lực lượng rất khéo léo, phản ứng rất lanh lẹ và đúng lúc, lịch sự và nhã nhặn với phe đồng minh, theo đúng luật quốc tế về tù binh, một cấp chỉ huy hành quân rất tài ba, v.v...” 

Phòng thuyết trình là phòng hội tại tòa hành chánh tỉnh Quảng Tín. Hồi đó, Lê Tấn Nhiểu là phó tỉnh trưởng nội an tỉnh Quảng Tín.

Đến chừng 11 giờ trưa thì phái đoàn từ Sài Gòn ra chừng 8 vị, gồm Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Tướng Kỳ, Tướng Thắng... và nhiều ông tướng khác mà tôi không biết tên. Tôi đã gặp và tiếp xúc với nhiều tướng Mỹ, nhưng tướng tá thuộc quân đội VNCH thì tôi ít biết.

Tôi không hiểu vì sao hồi đó không có tướng Mỹ nào đến tham dự thuyết trình cả. TrungTướng Fields, Tư lệnh Sư đoàn 1 TQLC, cấp chỉ huy trực tiếp của Đại Tá Weddeckie, ở Chu Lai, chỉ cách Tam Kỳ chừng 15 km không đến, Tướng Nickerson và Tướng Lewis Walt thì ở Đà Nẵng cũng không đến.

Thấy quan khách của phía VN hùng hậu quá mà phía Mỹ thì chẳng có ai nên Đại Tá Weddeckie có vẻ cảm thấy cô đơn.

Đây không phải vấn đề ngoại giao, nhưng tôi thấy phía VN có Tổng Thống Thiệu thân hành đến dự thì phía Mỹ ít ra cũng có một sĩ quan cao cấp, như Tướng Krulak (3) chẳng hạn, đến để khen thưởng và ủy lạo, nhưng chẳng thấy ma nào cả!                                                                             

Lúc đầu, Đại Tá Weddeckie định bảo tôi phiên dịch vì sợ các sĩ quan VN cấp nhỏ không hiểu được, nhưng tôi tránh và bảo tất cả đều có thể hiểu tiếng Anh, ông nghe có lý nên lại thôi. Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều tướng tá, nhiều nhân vật cao cấp của Mỹ và thấy họ rất là bình dị, cởi mở và gần gũi, nhưng bây giờ nếu phải đứng đối diện với tướng tá VN, quá xa lạ đối với tôi, thì tôi e ngại vô cùng.

Trong phần thuyết trình, khi Đại Tá Weddeckie nói đến Đại Tá Phú thì Tổng Thống Thiệu và Tướng Thắng gật gù có vẻ thích chí lắm.

Sau buổi thuyết trình, mọi người đến bắt tay thăm hỏi Đại Tá Phú. Tôi thấy chỉ có Tổng Thống Thiệu và Tướng Thắng có vẻ thân mến với Đại Tá Phú; những người khác cũng chào hỏi nhưng có vẻ lạnh lùng, chỉ xã giao mà thôi. Tôi không sống với quân đội VNCH nên tôi không rõ nội tình. Một cách rất là khách quan và vô tư, tôi thấy sao thì nói lại vậy mà thôi. Mà cũng rất có thể là nhận xét của tôi không được toàn diện chăng"                                                             

Tiếp đến, hai vị Đại Tá mời phái đoàn đi thăm khu trưng bày chiến lợi phẩm: khu vực của VN riêng, khu của Mỹ riêng. Như tôi đã nói ở trên, nhiều không thể tưởng tượng được: súng nhỏ, súng lớn, súng phòng không, SKZ, Bazooka v.v... Lúc đó các tù binh ở đâu thì tôi không nhớ. Không biết có được đưa ra trình diện hay không" Các phóng viên Mỹ thì chú ý nhiều đến các thùng thuốc và y cụ. Họ thắc mắc vì sao thuốc Mỹ vừa mới viện trợ cho VNCH lại lọt vào tay Việt Cọng. Có một điều rất tức cười tôi còn nhớ là có một súng phòng không lớn, phía VN lấy được cái nòng, còn Mỹ thì lấy được cái chân của cùng một khẩu súng.

Vài ngày sau, tại Bộ Chỉ Huy Trung đoàn 5 TQLC tại đồi số 9, tây bắc căn cứ Chu Lai, phía tây quốc lộ 1, lại có buổi thuyết trình nội bộ về cuộc hành quân và để rút ưu khuyết điểm. Lần nầy thì có Trung Tướng Fields, vài phóng viên và ba người khách mặc civil đến tham dự. (Một trong ba người khách hình như là cố vấn của Tướng Hoàng Xuân Lãm, tôi không nhớ rõ; một người khác tên là Mc. gì gì đó. Vài năm sau khi trở về Huế, vài lần ông Frank Jakes đưa tôi đến số 4 Trần Cao Vân (4) chơi, gặp lại Mc. tôi mới biết ông ta là ai).

Trong buổi thuyết trình, trước mặt Trung Tướng Fields, lại một lần nữa, Đại Tá Weddeckie ca ngợi Đại Tá Phú hết lời. Lần nầy ông ta nêu thắc mắc:

 Tại sao một cấp chỉ huy tài ba như vậy, lâu năm trong binh nghiệp mà đến bây giờ chỉ mới là đại tá, và không được giữ chức vụ gì quan trọng"

Sau đó là giờ giải lao và dùng cơm tối. Mọi người đều cảm thấy vui vì chiến thắng.

Tối hôm ấy, tại phòng ăn sĩ quan, thay vì tôi ngồi ăn cùng bàn với các roomates của tôi như thường lệ, Đại Tá Weddeckie mời tôi ngồi cùng bàn với ông ta cùng với Trung Tướng Fields các phóng viên, các người khách mặc áo quần civil, các sĩ quan phòng 2 và phòng 3. Thật ra, tôi không thích gần các phóng viên và các người khách, vì họ thường hỏi những câu rất khó trả lời. Trong khi chờ đợi món beefsteak, chúng tôi uống bia và nói chuyện với nhau. Tướng Fields thì nói chuyện với các sĩ quan khác trong bộ chỉ huy, còn Đại Tá Weddeckie thì trao đổi với tôi một vài câu. Ông ta hỏi tôi,                                                                                

“Trước đây Trung úy có quen biết Đại Tá Phú không"”

Tôi bèn đáp:

“Thưa không. Tôi gặp ông ta lần đầu trong cuộc hành quân nầy.”

“Anh có hiểu vì sao Đại Tá Phú lúc nào cũng có vẻ buồn và cô đơn"

“Tôi không rõ.

“Tôi thấy có vài ông tướng dường như không thân mật với Đại Tá Phú lắm, anh có nhận thấy điều đó không" Tại sao vậy"

“Thưa có. Tôi cũng nhận thấy như vậy. Tôi không rõ vì tôi có bao giờ tiếp xúc với quân đội VNCH đâu. Chắc ông cũng biết, tôi sống với Marines 24/24. Ngoại trừ những lần đi họp, cứ chừng 6 hay 7 tháng tôi mới về Huế thăm bố mẹ tôi một lần rồi ghé lại quân đoàn I lãnh lương mà thôi, làm sao mà tôi biết được"”

Sau đó, cố vấn của Tướng Lãm hỏi,

“Thưa Đại Tá, Đại Tá nghĩ thế nào về vị Đại Tá Phú"

“Tôi đã nói nhiều về ông ta trong bản phúc trình rồi, ông có nghe không" Bây giờ tôi nói thêm điều nầy: Đại Tá Phú có “very good personality”, làm việc với nhau chỉ có một thời gian ngắn mà tôi rất mến ông ta. Chúng tôi hành động rất ăn khớp với nhau. Trong tương lai nếu có những cuộc hành quân phối hợp như thế nầy thì tôi mong partner của tôi phải là Đại Tá Phú. Anh thử tưởng tượng nếu có sự chuệch choạc về lệnh hành quân, về giờ giấc, tọa độ, tiếp liệu v.v... hay có sự kình chống, kỳ thị nhau ...thì nguy hiểm biết mấy, và hậu quả sẽ như thế nào" Lẽ dĩ nhiên là sẽ không tốt đẹp như bây giờ. Đây tôi cũng xin cảm ơn vị sĩ quan liên lạc của tôi đã giúp hai lực lượng hiểu nhau một cách chính xác.” Khi nghe tới câu đó, Trung Tướng Fields nheo mắt nhìn tôi mỉm cười.

Sau đó chúng tôi ăn uống với nhau rất là vui vẻ. Món ăn, nhất là món beefsteak, có vẻ ngon hơn mọi ngày, có lẽ vì có Tướng Fields cùng tham dự và cũng để ăn mừng luôn thể.

Những điều tôi biết về vị anh hùng của chúng ta chỉ có chừng ấy. Tôi là nhân chứng kể chuyện “nhà” với tất cả tấm chân tình những điều tai nghe mắt thấy, không thêm không bớt. Có lẽ nhiều người đã biết nhiều về Đại Tá Phú và viết nhiều về ông ta. Tôi thì chỉ biết Đại Tá Phú (5) trong một thời gian ngắn nên cái nhìn của tôi chỉ là bất chợt và thoáng qua, và từ một góc độ khác.                                                                                 

Chuyện đã qua nhắc lại làm chi thêm buồn! Nhưng vì có liên quan đến Đại Tá Phú nên tôi xin kể lại hầu quý vị, để chúng ta cùng tri ân những người đã chết để chúng ta được sống.                                                     

Có thể có nhiều điều tôi không nhớ hết. Nếu có điều gì nhầm lẫn, xin quý vị miễn chấp. Nhưng tôi nghĩ dù sao tôi cũng phải viết lại, vì rất có thể mai đây, khi tôi không còn minh mẫn, không nhớ được nữa thì ai là người kể cho quý vị nghe những chi tiết nhỏ nhặt nầy" Mà tôi cũng đã “thành thật khai báo” hết rồi, xin đừng ai hỏi thêm điều gì nữa!

Khi viết bài nầy thì tôi không rõ Đại Tá Weddeckie đang ở nơi đâu" Hay biết đâu ông ta đã quy tiên rồi, và bây giờ thì hai vị Thiếu Tướng (6) đang dạo chơi nơi cõi thiên đường"

(1) Các thông dịch viên quân sự thường là từ cấp Trung Sĩ trở xuống. Sĩ quan VN có thể làm công việc thông dịch, nhưng danh xưng của họ không phải là thông dịch viên. Một lần, khi tôi đóng tại Cồn Tiên chung với trại Lực Lượng Đặc Biệt Anh Linh, vì công tác, một số sĩ quan và tôi ghé lại trung đoàn 2 VNCH tại Đông Hà, viên thiếu tá cố vấn Mỹ của Trung Tá Vũ Văn Giai gọi tôi là “interpreter” thì bị Trung Tá Giai sửa lưng ngay, “No! Liaison Officer!”

(2) Lance corporal: hạ sĩ; Corporal: hạ sĩ nhất.

Binh sĩ và Hạ sĩ quan Mỹ gồm 9 bậc, (từ E1 ... đến E9); còn VN thì chỉ có 8 bậc nên nhiều người làm tự điển dịch sai. Tôi nghe nói ngày xưa lúc diễn hành, các hạ sĩ không được mang súng mà chỉ cầm một cái giáo (lance). Sau chừng 6 tháng, lance corporal thăng lên corporal. Trong quân đội, lance có nghĩa là sắp sửa. Một trung úy sắp lên đại úy thì được gọi là “Lance Captain”; một đại úy sắp lên thiếu tá thì bạn bè gọi ông ta là “Lance Major”.

(3) Năm 1966, Tướng Krulak là 2 sao, bây giờ là 4 sao, Tổng Tư lệnh TQLC Hoa Kỳ. Ông ta rất lùn, độ 1m55 thôi. Lính Mỹ gọi ông là “Shorty”. Tôi đã gặp ông ta nhiều lần. Cuối năm 1965, tôi đưa ông đi thăm Ấp Tân Sinh tại đảo Kỳ Hòa. Đảo nầy ở phía bắc căn cứ Chu Lai. Trên đảo, về phía đông là căn cứ hỏa tiễn HAWK, một loại hỏa tiễn S.A.M., để bảo vệ phi trường Chu Lai.

(4) Tôi nghe nói 4 Trần Cao Vân, Huế là một station chính của CIA tại vùng một chiến thuật.

(5) Tôi xin dùng từ Đại Tá vì đó là cấp bậc của ông ta lúc tôi gặp ông vào thời điểm 1966. Chuyện ông được thăng lên Thiếu Tướng là về sau nầy.

(6) Về sau, vì nhu cầu chiến trường, tôi được điều động ra sư đoàn 3, trực thuộc tiểu đoàn 2 trung đoàn 26 (2/26) U.S. Marines, đóng ở Khe Sanh thì tôi có nghe là Đại Tá Weddeckie đã được thăng lên thiếu tướng. Theo tôi nghĩ tiểu đoàn 2/26 có lẽ là tiểu đoàn đụng trận nhiều nhất tại vùng I. Tôi đã ba lần suýt chết với tiểu đoàn nầy trong những cuộc hành quân giữa Khe Sanh, Rockpile và Cồn Tiên.

Viết xong tại San José, ngày 16-12-06 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Có nhiều chuyện xẩy ra trong đời sống một cách tự nhiên; chẳng hạn như đi ngủ và đi… tiểu.
Đứng trước vấn nạn thán khí hay khí carbonic CO2 ngày càng thải vào không khí nhiều hơn qua phát triển,
Theo thư của Thượng Tọa Thích Không Tánh gửi ra hải ngoại ngày 3 tháng 4 năm 2008, Luật Sư Bùi Kim Thành lại bị nhốt vào nhà thương điên Biên Hòa lần thứ hai.
Nói đến McDonald’s thì ai cũng nghĩ ngay đến nhà hàng chuyên bán fast food với món chính là hamburger và khoai tây chiên.
Bầy chim sẻ lại sà xuống, xúm xít quanh đĩa bánh mì vụn. Tiếng chíu chít làm rộn cả vườn sau như lời chào một bình minh rạng rỡ buổi tàn xuân.
Đảng Dân Chủ XXI vừa đưa ra bản tuyên bố đề ngày 10-4-2008, gửi từ Sài Gòn, ký tên cụ Trần Khuê, Tổng thư ký đảng này
Trước viễn ảnh chợ búa ngày càng bị thu hẹp, dẹp bỏ để các quan thi nhau lấy đất làm nhà, làm tài sản, làm công ty riêng cho mình.
Mục đích của bài viết này hoàn toàn không phải để quảng cáo cá nhân mà để cho những ai đau khổ vì bịnh tật nhứt là bịnh mất ngủ như tôi suy ngẫm.
Trong nền văn hoá phổ thông của Trung Hoa, mà một tiêu biểu là loại truyện võ hiệp Kim Dung, Thổ Phồn là một xứ lạ, loại man di mọi rợ
Kim chỉ nam “Xây Dựng Đất Nước Trong Thời Kỳ Qúa Độ Lên Chủ Nghĩa Xã Hội” của đảng Cộng sản Việt Nam viết trong Cương Lĩnh năm 1991 coi như đã hết linh
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.